5.2.16

Bàn tay vô hình mới



Bàn tay vô hình mới

Bàn tay vô hình không tồn tại – ít nhất là trong sự hóa thân hiện đại của nó. Việc quay trở lại với các nguyên bản của Adam Smith và nhìn lại thuyết tiến hóa có thể giúp đưa ra một ẩn dụ tốt hơn về cách thức các thị trường vận động trên thực tế. Hợp tác là điều cũng quan trọng như cạnh tranh.
Adam Smith đã đưa ra một nhận xét nổi tiếng cho rằng con người không có ý định thúc đẩy lợi ích chung và cũng chẳng biết thúc đẩy nó như thế nào. Tuy nhiên, khi theo đuổi các mục tiêu ích kỷ của bản thân, họ được dẫn dắt, như bởi một bàn tay vô hình, đến việc thúc đẩy một kết cục không nằm trong ý định của họ. Nhận xét của Smith tượng trưng cho một trong những vấn đề cơ bản nhất trong kinh tế học - mức độ mà các nền kinh tế có thể tự thân vận động mà không cần đến sự can thiệp của chính phủ.
Hai nguyên lý của ẩn dụ bàn tay vô hình là (1) một xã hội sẽ vận động tốt một cách tự động (2) mà không cần các thành viên của xã hội phải trực tiếp nghĩ đến vấn đề phúc lợi. Hai nguyên lý này có thể được sử dụng để đánh giá bất cứ xã hội nào, bao gồm hàng ngàn các xã hội động vật đã tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên. Nghiên cứu về các xã hội động vật có vẻ xa lạ với nghiên cứu về các hệ thống kinh tế của con người, nhưng có thể xây dựng một luận điểm mạnh mẽ đối với một khái niệm mới về bàn tay vô hình ứng dụng được cho cả hai xã hội nói trên.
Để một nhóm bất kỳ (động vật hay con người) vận động tốt như một xã hội, các thành viên phải tiến hành những hoạt động đặc biệt không tối đa hóa lợi thế tương đối của họ bên trong nhóm. Vì vậy sự chọn lọc tự nhiên bên trong nhóm có xu hướng làm suy yếu thành tích của nhóm. Bất cứ khi nào điều này xảy ra, xã hội sẽ không vận động tốt như một đơn vị và không ứng dụng được nguyên lý đầu tiên của ẩn dụ bàn tay vô hình. Điều này trái ngược với phiên bản kinh tế được chấp nhận của ẩn dụ bàn tay vô hình, giả định rằng việc theo đuổi lợi ích cá nhân mang lại lợi ích vững chắc cho lợi ích chung.
Sự tiến hóa của các đặc tính nhóm đòi hỏi một quá trình lựa chọn ở cấp độ nhóm. Trong một hệ thống thứ bậc đa cấp của các đơn vị xã hội, quy tắc chung là "sự thích nghi ở cấp độ X đòi hỏi một quá trình chọn lọc tự nhiên ở cùng cấp độ và có xu hướng bị làm suy yếu do sự lựa chọn ở các cấp độ thấp hơn." Điều gì tốt cho tôi có thể là điều xấu cho gia đình tôi. Điều gì tốt cho gia đình tôi có thể là điều xấu cho gia tộc. Điều gì tốt cho gia tộc có thể là điều xấu cho quốc gia. Điều gì tốt cho quốc gia có thể là điều xấu cho ngôi làng toàn cầu.
Khi sự chọn lọc tự nhiên vận động ở cấp độ nhóm, nó chọn lọc hành vi ở những người làm cho nhóm vận động tốt như một đơn vị, thỏa mãn được nguyên lý thứ nhất của ẩn dụ bàn tay vô hình. Theo một nghĩa nào đó, sự chọn lọc ở cấp độ nhóm là bàn tay vô hình, phân biệt phần hành vi bé xíu vận động tốt ở cấp độ nhóm từ một tập hợp các hành vi lớn hơn nhưng không vận động tốt.
Adam Smith (1723-1790)
Các hành vi ở cấp độ cá nhân được lựa chọn ở cấp độ nhóm không đòi hỏi phải trực tiếp suy nghĩ về phúc lợi của nhóm, qua đó thỏa mãn được nguyên lý thứ hai của ẩn dụ bàn tay vô hình. Ví dụ, các bộ phận của cá thể có thể được coi là các nhóm gen đã tiến hóa bởi sự lựa chọn ở cấp độ cá nhân để vận động tốt - tốt đến mức mà chúng ta sử dụng thuật ngữ "cơ thể" để mô tả chúng. Gen không có tâm trí hiểu theo nghĩa thuật ngữ này về con người. Chúng chỉ đơn thuần đáp lại các tín hiệu của môi trường địa phương để bật và tắt theo những cách có lợi cho cơ thể. Sự chọn lọc tự nhiên vận động ở cấp độ cá nhân phân biệt các gen này và các tương tác của chúng từ một tập hợp gen lớn hơn, mà hầu hết trong số đó đều làm cho con người vận động kém hơn. Người ta có thể kể câu chuyện tương tự đối với các đàn côn trùng như kiến, ong, ong bắp cày, và mối mọt, được đóng khung rất chặt chẽ bởi sự chọn lọc ở cấp độ bầy đàn, đúng theo thuật ngữ "siêu cơ thể."
Sự tiến hóa của tính xã hội con người cũng là một vấn đề chọn lọc mang tính đa cấp. Hành vi của con người và các cơ chế tâm lý cơ bản của họ có thể tiến hóa nhờ được hưởng lợi từ cá nhân so với các thành viên khác trong nhóm, hoặc nhờ được hưởng lợi từ nhóm so với các nhóm khác. Tổ tiên chúng ta đã trở nên khác biệt so với các loài linh trưởng khác do các cơ chế đã tiến hóa, đã triệt tiêu các hình thức rạn nứt của sự chọn lọc bên trong nhóm, làm cho sự chọn lọc giữa các nhóm trở thành lực lượng tiến hóa mang tính thống trị. Có thể kể ra các ví dụ chẳng hạn như các chuẩn mực của nhóm được tăng cường bởi sự trừng phạt và địa vị xã hội, dựa trên sự danh tiếng hơn là quyền lực cưỡng chế.
Một sản phẩm của sự tiến hóa mang tính di truyền ở các loài là khả năng truyền tải thông tin được học hỏi (văn hóa), trở thành một hệ thống thừa kế theo đúng nghĩa của nó. Lịch sử nhân loại cung cấp những dấu vết hóa thạch về sự tiến hóa mang tính đa cấp của văn hóa, dẫn đến sự hình thành những xã hội quy mô lớn của ngày nay, với nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển.
Các hành vi của con người, cơ chế tâm lý, và cơ chế văn hoá làm cho các xã hội con người vận động tốt không nhất thiết đòi hỏi phải suy nghĩ trực tiếp về phúc lợi của xã hội, nhưng chúng cũng không giống quan điểm kinh tế được chấp nhận về sự tối đa hóa lợi ích của cá nhân, thường được quan niệm như là thu nhập bằng tiền. Trong thực tế, quan điểm kinh tế được chấp nhận thậm chí cũng không giống với quan điểm của Adam Smith, người viện dẫn ẩn dụ bàn tay vô hình một cách hiếm hoi và vạch ra một quan điểm tinh tế hơn về tính xã hội của con người trong Lý thuyết những tình cảm đạo đức của ông. Smith hiểu rõ sự cần thiết của các thể chế xã hội và của các "tình cảm đạo đức" mạnh để kiểm soát việc lạm dụng các tương tác xã hội không được điều tiết và thuần túy mang tính lợi ích riêng, có tính kinh tế hay có tính khác. Khái niệm kinh tế hiện đại của bàn tay vô hình không mấy giống với toàn bộ tư tưởng của Smith.
David Sloan Wilson (1949-)
Nói tóm lại, khoa học tiến hóa cung cấp một khái niệm chính đáng về bàn tay vô hình, nhưng là một khái niệm rất khác với phiên bản được chấp nhận. Kinh tế học tân cổ điển lúc ban đầu lấy cảm hứng từ lý tưởng của vật lý học của Newton, như thể là một mô tả toán học hoàn chỉnh về các nền kinh tế của con người. Thật dễ hiểu sự quyến rũ của lý tưởng này, nhưng nó không đúng đối với các hệ thống vật lý phức tạp, chứ chưa nói đến các hệ thống xã hội phức tạp của con người. Các nhà kinh tế là những người rất thông minh, nhưng khi người thông minh cất cánh sai hướng, thì họ sẽ đi một chặng đường rất dài. Khoa học tiến hóa cung cấp một điểm khởi đầu mới để nghiên cứu các hệ thống xã hội phức tạp của con người. Các nhà kinh tế, các nhà chính trị, và các nhà phân tích chính sách thuộc mọi lãnh vực nên lưu ý, bởi vì mẹ thiên nhiên làm thay đổi các quy tắc lựa chọn đa cấp không chừa một ai.
David Sloan Wilson là Chủ tịch Viện Evolution Institute và là giáo sư xuất sắc của hội SUNY về sinh vật học và nhân chủng học tại Đại học Binghamton, thành viên của Đại học State University of New York. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Neighborhood Project: Using Evolution to Improve My City, One Block at a Time (Little, Brown, 2011).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The New Invisible Hand, The European Magazine, 08.02.2013.
Print Friendly and PDF