23.2.16

"1% những người giàu nhất làm mọi thứ để duy trì những xã hội bất bình đẳng"



"1% những người giàu nhất làm mọi thứ để duy trì những xã hội bất bình đẳng"

Bài phỏng vấn của Christian Chavagneux
Joseph Stiglitz (1943-)
Nếu Joseph Stiglitz đã chuyển hướng sang kinh tế học và từ bỏ học về vật lý, đó là để thay đổi thế giới. Năm mươi năm sau, cho dù vẫn còn tinh thần chiến đấu, ông không khỏi "bị giật mình bởi hố sâu ngăn cách giữa những khát vọng của chúng ta thời đó và những gì chúng ta đã làm". Vì sao quá khó để thay đổi thế giới? Điều gì phân biệt một nhà kinh tế cánh tả với một nhà kinh tế cánh hữu? Vì sao cuộc khủng hoảng tài chính không thuận lợi cho những tư tưởng tiến bộ? Gặp gỡ với nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ, trong hành trình đến Pháp để quảng bá cho cuốn sách mới nhất của ông.
Ngày 17 tháng 9 tới, ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ phải quyết định xem có nâng lãi suất chủ đạo của họ hay không. Họ có nên hay không thưa ông?
Không. Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở vào khoảng 5%, nhưng nếu xem xét những người làm việc bán thời gian nghỉ việc không tự nguyện, thì sẽ gần tới 10%. Người ta thấy điều ấy trong mức tăng lương thấp, thậm chí giảm ở các doanh nghiệp lớn. Đây không phải là một nền kinh tế lành mạnh. Ngoài ra, ngân hàng trung ương có một chỉ tiêu lạm phát là 2%: tốc độ tăng giá vẫn còn thấp và không hề có áp lực lạm phát.
Joseph Stiglitz (1943-)
Lập luận cuối cùng của những người ủng hộ việc tăng lãi suất: mức lãi suất thấp sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua về lợi tức, và sẽ được thể hiện bằng một cuộc biến động các thị trường tài chính. Và điều đã xảy ra vào cuối tháng Tám là một minh chứng. Sự kém hiệu quả của các thị trường là điều có thật, nhưng điều đó phát sinh từ sự điều tiết kém cỏi nhiều hơn là từ mức lãi suất quá thấp. Khi giảm bớt chi phí tín dụng, thì lãi suất thấp là điều thuận lợi để tăng trưởng, nhưng ngày nay người ta đưa ra lập luận cho rằng khi lãi suất thấp thì đó là điều có hại cho nền kinh tế! Điều này cho thấy ngân hàng trung ương đã không làm tốt công việc của họ: đáng ra họ phải tăng cường sự điều tiết để đảm bảo lượng tiền có sẵn sẽ tài trợ các khoản tín dụng cho nền kinh tế chứ không phải cho việc đầu cơ.
Về vấn đề này, ông viết rằng cánh tả có một sự thông hiểu tốt hơn về các thị trường tài chính, thị trường nói chung, so với cánh hữu!
Động lực duy nhất của nhiều người thuộc cánh hữu là kiếm tiền. Một trong những cách để kiếm được thật nhiều tiền là duy trì một sự độc quyền, hãy nhìn Microsoft hay thực tế là lĩnh vực ngân hàng càng tập quyền hơn sau cuộc khủng hoảng so với trước. Đối với cánh hữu, chừng nào thị trường còn giúp họ kiếm được tiền, thì mọi thứ đều tốt.
Các nhà kinh tế thuộc cánh tả thì nhạy cảm hơn nhiều trước sự vận hành thực của các thị trường: chúng có minh bạch không? có cạnh tranh không?, v.v.. Chính vì lý do đó mà họ thúc đẩy một sự điều tiết thực sự làm cho các thị trường vận hành hiệu quả hơn. Có một điều trớ trêu thực sự là, trong thực tế, những người duy nhất muốn thấy thị trường vận hành như thị trường là những người thuộc cánh tả!
Ông cũng nói rằng các nhà lãnh đạo chính trị thuộc cánh tả cũng tìm kiếm sự tăng trưởng như những người thuộc cánh hữu, nhưng không cùng một sự tăng trưởng. Ông muốn nói điều gì thưa ông?
Bill Gates (1955-)
Làm thế nào để đo lường sự tăng trưởng? Một sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chủ yếu làm lợi cho 1% những người giàu nhất, đây không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế lành mạnh. Những người thuộc cánh hữu nói "chừng nào mà Bill Gates còn thành công, thì nền kinh tế còn ổn". Tôi không nghĩ vậy: ở Hoa Kỳ, lượng người có thu nhập trung vị (tức là mức thu nhập phân chia dân số thành hai, với một nửa có thu nhập cao hơn và một nửa kia có thu nhập thấp hơn mức thu nhập ấy) thấp hơn so với một thế kỷ trước và các mức lương dưới cùng của thang lương thấp hơn so với năm mươi năm trước. Một sự tăng trưởng của cánh tả là một sự tăng trưởng giúp làm giảm sự bất bình đẳng.
Một trong những dấu hiệu của cánh tả là tin vào vai trò trung tâm của Nhà nước trong những đổi mới mang tính đột phá, những đổi mới làm thay đổi đời sống của người dân.
Một nền kinh tế sáng tạo luôn là kết quả của một sự pha trộn giữa các tác nhân công và các tác nhân tư. Trong sự phân chia nhiệm vụ này, những nghiên cứu cơ bản, những ý tưởng sáng tạo lớn đến từ khu vực công. Máy bán dẫn, tia laser, xác định trình tự ADN, Internet, v.v. là kết quả của các trường đại học công. Sau đó, khu vực tư nhân ở vị trí tốt nhất để biến những ý tưởng ấy thành sản phẩm và lợi nhuận! Các doanh nghiệp tư nhân chỉ muốn khám phá một số gen từ quá trình xác định trình tự ADN, những gen có khả năng mang lại tiền cho họ. Chính nhờ vào các nghiên cứu công mà quá trình xác định trình tự ADN đã trở thành hiện thực đối với toàn bộ các gen, vì lợi ích của mọi người.
Ông giải thích rằng ông đã từ bỏ dự định học vật lý để trở thành một nhà kinh tế hòng thay đổi thế giới. Nhưng ông viết rằng, năm mươi năm sau, "Tôi không khỏi giật mình bởi hố sâu ngăn cách giữa những khát vọng của chúng ta thời đó và những gì chúng ta đã làm". Vì sao quá khó để thay đổi thế giới, thưa ông?
Martin Luther King (1929-1968)
Tôi đã có mặt ở đó lúc Martin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng: "Tôi có một giấc mơ". Ông ấy đã nói về nạn phân biệt chủng tộc, nhưng cũng nói đến vấn đề công bằng xã hội. Vấn đề phát sinh từ việc 1% những người giàu nhất làm mọi thứ để duy trì những xã hội bất bình đẳng. Những người có đặc quyền muốn bảo toàn đặc quyền của họ, những nhà tư bản thực lợi độc quyền muốn bảo toàn sự độc quyền của họ, v.v.. Sự vỡ mộng bắt nguồn từ việc trong một nền dân chủ, người ta lớn lên với ý tưởng cho rằng xã hội của chúng ta được coi là phải tiến triển vì lợi ích của giai cấp trung lưu, mà mục tiêu là sống với ít sự bất bình đẳng hơn.
Trong thực tế, chúng ta là nạn nhân của một sự thâm hụt dân chủ, những bất bình đẳng kinh tế lớn được diễn dịch thành những bất bình đẳng chính trị lớn trên cơ sở 1$ cho 1 phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mỗi ứng cử viên phải chi một tỷ USD và những cuộc bầu cử tổng thống tới sẽ còn tốn kém hơn nữa. Vì thế người ta kêu gọi "đóng góp" mà tôi thích gọi là đầu tư hơn: những nhà đầu tư mong đợi sẽ hưởng được những quy tắc có lợi cho lợi ích của họ. Đó là lý do vì sao quá khó để thay đổi tất cả những điều ấy.
Barack Obama (1961-)
Vì sao cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội trong những năm gần đây không thuận lợi cho những tư tưởng tiến bộ?
Đó là một sự thất vọng lớn đối với tôi. Tại Hoa Kỳ, một phần của lời giải thích là việc Tổng thống Obama đã không có đủ sự can đảm cần thiết về mặt chính trị như chúng ta có thể hy vọng. Ông ấy dựa vào các cố vấn kinh tế quá gần với tâm lý của những thị trường tài chính đã từng làm cho ông rụt rè e sợ.
Roosevelt đã thay đổi điều đó bởi vì ông ấy là Roosevelt, và Obama đã không làm được điều đó do lỗi của ông ấy: liệu yếu tố cá nhân của vị tổng thống có quan trọng không, thưa ông?
Franklin D. Roosevelt (1882-1945)
Tôi tin chắc là có. Roosevelt rất can đảm. Ông ấy chấp nhận cuộc chiến với phe đối lập mạnh mẽ mà ông ấy là đối tượng công kích để áp đặt chính sách Nhà nước-phúc lợi, sự điều tiết về mặt ngân hàng và tài chính, v.v. Obama là một nhân vật nửa vời. Điều này một phần là do tính cách khác nhau của hai nhà lãnh đạo, nhưng cũng nằm ở chỗ là ngày nay tiền bạc chiếm vị trí lớn hơn trong các quyết định chính trị so với những năm 1930.
Sau tất cả những sự vỡ mộng này, ông vẫn tiếp tục chiến đấu trên mọi mặt trận chớ, thưa ông!
Tôi vẫn hy vọng! Tại Hoa Kỳ, chủ đề về sự bất bình đẳng hiện là chủ đề trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị, từ phía các ứng cử viên của Đảng Dân chủ vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng như về phía Jeb Bush thuộc Đảng Cộng hòa. Chúng tôi đã thành công khi hướng cuộc tranh luận vào đề tài này ở cấp độ quốc gia.
Jeb Bush (1953-)
Sự động viên của xã hội dân sự cũng là điều đáng khích lệ. 70% người Mỹ tin rằng mức lương tối thiểu quá thấp. Vì không thể tìm ra một phe đa số ủng hộ vấn đề này tại Quốc hội, tại Los Angeles, tại New York và tại những nơi khác, áp lực của xã hội dân sự đã giúp quyết định phải nâng cao mức lương tối thiểu.
Cuối cùng, cho đến hiện tại, tất cả các ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ là những người cấp tiến thực sự. Không có ứng cử viên nào đưa ra những dự án theo kiểu Tony Blair, thậm chí Hilary Clinton cũng lánh xa Bill, hứa hẹn đưa ra sự điều tiết nhiều hơn về mặt tài chính, tiền lương của giới chủ, v.v.. Và họ thu hút đám đông quần chúng tại các cuộc họp của họ. Tôi nghĩ, trong những thập niên qua, phong trào cấp tiến chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF