20.12.16

Brussels lùi bước trước Bắc Kinh

BRUSSELS LÙI BƯỚC TRƯỚC BẮC KINH
Cảng Naples (Italia). Liên minh châu Âu mạo hiểm lớn khi giảm bớt những ràng buộc về nhập khẩu của Trung Quốc. SUDFOTO - ROPI/RÉA
Chúng ta có nên cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc không? Thách thức [được mất] là rất cao. Việc cấp quy chế này cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phải trả giá bằng hàng trăm ngàn việc làm thêm tại EU, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thép, dệt may hoặc gốm sứ[1]. Trung Quốc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2001, nhưng họ có một quy chế đặc biệt, qua đó đặc biệt cho phép các đối tác thương mại áp đặt các mức thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của họ, dễ hơn so với các nền kinh tế thị trường khác, khi đánh giá là có hiện tượng bán phá giá. Như vậy, trách nhiệm thuộc về Bắc Kinh để chứng minh rằng trong khuôn khổ thủ tục tố tụng của WTO giá cả các mặt hàng xuất khẩu của họ không thấp hơn một cách giả tạo.
Kết thúc quy chế tạm thời
Tuy nhiên, quy chế tạm thời này đã hết hiệu lực vào ngày 11/12/2016. Thế nhưng, thủ tục năm 2001 không quy định rõ các bước tiến hành tiếp theo. WTO cho rằng từ nay mỗi Nhà nước được phép cấp hay không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc theo pháp luật trong nước của mình. Hoa Kỳ đã cho biết họ sẽ không công nhận quy chế này cho Trung Quốc.
Brussels đã quyết định né tránh vấn đề... trong khi vẫn nhượng bộ
Khi Bắc Kinh cũng yêu cầu muốn EU làm rõ quan điểm trước ngày 11 tháng 12, Brussels đã quyết định né tránh vấn đề... trong khi vẫn nhượng bộ. Lo ngại trước những thịnh nộ của đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, đặc biệt là Trung Quốc có thể tiến hành những biện pháp trả đũa đối với nhiều doanh nghiệp của châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc, Ủy ban [châu Âu] tại Brussels đã đề xuất vào cuối tháng 11 vừa qua một chương trình cải cách các phương tiện chống bán phá giá của châu Âu. Theo đề xuất này, Liên minh châu Âu từ nay sẽ kiểm soát thông qua đường vòng các thủ tục hợp thức rằng các điều kiện cạnh tranh của các đối tác của mình là trung thực. Và điều này có nghĩa là không cần phân biệt giữa các nền kinh tế thị trường hay kinh tế không theo thị trường.
Romain Renier
Tuy nhiên, điều này quay lại là chấp nhận rằng từ nay chính châu Âu phải chứng minh hiện tượng bán phá giá, và như vậy tự mình tước đi thủ tục đơn giản có thể được áp dụng ngày nay đối với các nền kinh tế không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Vả lại, mức phạt có thể được áp dụng trong khuôn khổ pháp lý này vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Nhà báo
Romain tham gia đội ngũ Alternatives EconomiquesAlterEcoPlus vào tháng 9 năm 2014 về các chủ đề liên quan đến các doanh nghiệp. Trước đó, ông cộng tác cho tờ La Tribune, nơi ông phụ trách mảng các tin tức kinh tế nói chung, đặc biệt tập trung vào các chủ đề quốc tế.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Bruxelles recule devant Pékin, Alterecoplus, 13/12/2016




[1] Xem "Unilateral Grant of Market Economy Status of China Would Put Millions of EU Jobs at Risk [Việc đơn phương cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sẽ phải trả giá bằng hàng triệu việc làm tại EU]", Viện chính sách kinh tế, tháng 9 năm 2016 (www.epi.org/publication/eu-jobs-at-risk/) và "Granting Market Economy Status to China in the EU: an Economic Impact Assessment [Cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc trong EU: một đánh giá về tác động kinh tế]", CEPII, tháng 9 năm 2016 (www.cepii.fr/PDF_PUB/pb/2016/pb2016-11.pdf).

Print Friendly and PDF