26.12.16

Duy lí hạn chế (tính)



Duy lí hạn chế (tính)
Bounded rationality
® Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976 SELTEN, 1994 SIMON, 1978
Lí thuyết tối ưu hoá là cách giải thích thống trị về những hành vi kinh tế. Thể theo lí thuyết này, các tác nhân ứng xử như thể quyết định của họ là kết quả của việc họ tối đa hoá những mục tiêu của bản thân (dù cho đó là lợi ích hay lợi nhuận) dưới một số ràng buộc (ví dụ ràng buộc về của cải, thời gian hay công nghệ).
Những giới hạn của tối ưu hoá
Milton Friedman (1912-2006)
Leonard J. Savage (1917-1971)
Lí thuyết tối ưu hoá dựa trên một sự trừu tượng hoá kép. 1) Lí thuyết gạt sang một bên những cơ chế ra quyết định. Do đó tối ưu hoá là một lí thuyết về những vấn đề ra quyết định chứ không phải là một lí thuyết về những thủ tục được các tác nhân triển khai. Dùng thuật ngữ của Friedman (1953), thì các tác nhân ứng xử như thể những quyết định của họ là kết quả của một chương trình tối ưu hoá. 2) Lí thuyết tối ưu hoá cũng gạt sang một bên những giới hạn về mặt nhận thức của các tác nhân. Lí thuyết cung cấp một mô tả hình thức vấn đề ra quyết định, trang bị cho các tác nhân một khả năng tự điều chỉnh một cách hoàn hảo với bất kì tình thế nào. Sử dụng thuật ngữ của Savage (1972), duy chỉ những tác nhân lí tưởng mới bao giờ cũng ứng xử như thể là họ tối ưu hoá.
Thành công của tối ưu hoá là do sự trừu tượng hoá kép này. Chính vì lí thuyết này bỏ qua những cơ chế ra quyết định cũng như những giới hạn nhận thức của các tác nhân mà tối ưu hoá mô tả các hành vi một cách dè sẻn. Bằng sự trừu tượng hóa kép này, kinh tế học tự giải phóng ra khỏi mọi nhận định tâm lí. Đó là những lợi thế của lí thuyết tối ưu hoá.
Amos Tversky (1937-1996)
Daniel Kahneman (1934-)
Nhưng những trừu tượng hoá này đồng thời cũng đánh dấu những điểm yếu của tối ưu hoá. Nếu ta từ chối lí tưởng hoá các tác nhân thì những giới hạn nhận thức hiện lên trong những hành vi của họ. Như thế vấn đề mô hình hoá những cơ chế ra quyết định cũng trở thành cần thiết. Thế mà giả thiết về tính hoàn hảo của các tác nhân không đứng vững được. Một phê phán thứ nhất đến từ phía tâm lí học thực nghiệm: các tác nhân không ứng xử như thể họ tối ưu hoá kì vọng lợi ích của họ (Kahneman & Tversky, 1986). Phê phán này đi kèm với một phê phán khác. Trong một thời gian dài kinh tế học vi mô đã để các tác nhân biến hoá trong những môi trường đơn giản hoá, trong đó giả thiết cạnh tranh hoàn hảo loại bỏ mọi hình thái bất trắc, thông tin không đối xứng hay tương tác chiến lược. Như thế làm một tác nhân duy lí chỉ đòi hỏi có những năng lực nhận thức bình thường. Nhưng ngày nay lí thuyết tính duy lí mở rộng ra những môi trường phức tạp. Bắt buộc phải không ngừng củng cố năng lực của các tác nhân, lí thuyết vẽ nên một chân dung cực kì không thực tế của tác nhân kinh tế.
Việc bác bỏ những trừu tượng hoá làm cơ sở cho lí thuyết tối ưu hoá đã dẫn Herbert Simon đưa vào hai giả thiết đối chọn, một mặt đó là giả thiết tính duy lí hạn chế và mặt khác là tính duy lí thủ tục.
Tính duy lí hạn chế
Herbert A. Simon (1916-2001)
Trong những công trình đầu của ông, Simon (1947) đã dành ưu tiên cho một quan điểm phê phán. Như vậy ông đã trách lí thuyết tối ưu hoá là đã gán cho các tác nhân kinh tế những khả năng nhận thức không thực tế. Trong cách nhìn này, tính duy lí hạn chế được định nghĩa một cách tiêu cực: tính duy lí bị gọi là hạn chế khi các tác nhân không thể ứng xử một cách tối ưu, do có những khả năng nhận thức hạn chế.
Ta thấy những gì là không thoả đáng trong cách đặc trưng hoá đầu tiên này: chủ yếu do tính tiêu cực của nó, cách đặc trưng hoá này không cung cấp giải pháp đối chọn. Làm thế nào tính đến những giới hạn nhận thức ngăn cản các tác nhân ứng xử phù hợp với những khuyến cáo của lí thuyết tối ưu hoá? Trong lúc dường như tối ưu hoá cung cấp một hình thức hoá tự nhiên của tính duy lí hoàn hảo thì tính duy lí hạn chế có thể được đặc trưng bằng nhiều cách. Như vậy có những mô hình khác nhau được đề nghị: 1) trong lí thuyết ra quyết định, những hành vi được mô tả bằng những khái niệm thoả mãn, chi phí hay độ tin cậy; 2) trong lí thuyết trò chơi, những hành vi được mô tả bằng những khái niệm tập huấn, automat hay tiến hoá (Laville, 1998).
Nhưng, tuy là hiện thân của nhiều giả thiết lí thú, không có mô hình nào trong số những mô hình khác nhau có vẻ thắng thế cả. Đó là lí do vì sao Simon, sau khi đã đề xuất một mô hình thứ nhất về tính duy lí hạn chế bằng khái niệm thoả mãn (Simon, 1955) đã hướng sang tâm lí học, nhằm mục đích đặc trưng hoá một cách thực nghiệm những cơ chế nhận thức của các tác nhân.
Tính duy lí thủ tục
Như thế xuất hiện giả thiết thứ hai, giả thiết tính duy lí thủ tục. Simon (1976) đã đối lập tính duy lí thực chất, tương ứng với tối đa hoá, với tính duy lí thủ tục, tương ứng với việc nghiên cứu những cơ chế ra quyết định. Trong lúc tính duy lí đầu nhằm vào các kết quả thì tính duy lí sau nhằm vào các thủ tục. Khái niệm tính duy lí thủ tục rõ ràng qui chiếu về việc nghiên cứu những quá trình nhận thức của các tác nhân. Bằng cách đưa khái niệm này vào, Simon mong muốn đặt gần nhau kinh tế học và tâm lí học, trang bị cho kinh tế học một lí thuyết những quá trình nhận thức.
Như thế ta thấy rõ quan hệ giữa tính duy lí hạn chế và tính duy lí thủ tục. Trong lúc tính duy lí hạn chế nhấn mạnh đến những giới hạn nhận thức thì tính duy lí thủ tục nhấn mạnh đến những cơ chế ra quyết định. Sự đối lập giữa tính duy lí hạn chế và tính duy lí hoàn hảo nằm ở trừu tượng hoá đầu: cần phải tính đến những giới hạn nhận thức. Sự đối lập giữa tính duy lí thực chất và tính duy lí thủ tục nằm ở trừu tượng hoá thứ hai: cần phải tính đến những quá trình ra quyết định của các tác nhân. Nhưng hai đường ranh này gắn bó chặt chẽ với nhau. Chính vì tính duy lí là hạn chế nên mới phải cần đến một lí thuyết về tính duy lí thủ tục.
Quan hệ với tối ưu hoá
George Stigler (1911-1991)
Philippe Mongin
Trong những điều kiện đó, tối ưu hoá có quan hệ như thế nào với tính duy lí hạn chế và tính duy lí thủ tục? Có tác giả nghĩ là chỉ cần sắp xếp lại lí thuyết tối ưu hoá để giảm bớt phê phán đối với tính phi thực tế của tối ưu hoá. Như vậy, Stigler đề nghị đưa những chi phí thông tin vào những chương trình tối ưu hoá truyền thống để tính đến những giới hạn nhận thức của các tác nhân. Nhưng một việc sắp xếp như thế vấp phải nhiều phê phán. Mongin (1984) đã dài dòng phê phán luận điểm qui giản này. Ngày nay rõ ràng là không thể qui tính duy lí hạn chế và tính duy lí thủ tục về bất kì hình thức tối ưu hoá nào cả.
Thật vậy, khi tính đến việc nối khớp chúng tôi đề nghị như trên thì có một quan quan hệ kép giữa hai tính duy lí này với tối ưu hoá. 1) Tính duy lí hạn chế chỉ có thể được qui về tối ưu hoá với giả thiết những tác nhân lí tưởng. Trên quan điểm này, tính duy lí hạn chế tiến đến tối ưu hoá khi những năng lực của các tác nhân tiến đến lí tưởng những năng lực hoàn hảo. 2) Với giả thiết này, tính duy lí thủ tục tính đến những quá trình ra quyết định tương ứng với một hành vi tối ưu hoá. Trong lúc tối ưu hoá mô tả trạng thái cuối cùng, kết quả của một bài toán ra quyết định, thì tính duy lí thủ tục mô tả con đường dẫn đến kết quả, thủ tục được sử dụng.
FRIEDMAN M., The Methodology of Positive Economics, Essays in Positive Economics, Chicago, Chicago University Press, 1953, p. 3-43. LAVILLE F., Modélisations de la rationalité limitée: de quels outils dispose-t-on?, Revue économique, 1998, XXX, p. XXX. MONGIN P., Modèle rationel ou modèle économique de la rationalité?, Revue économique, 1984, vol. 35, p. 9-64. SAVAGE L. J., The Foundations of Statistics, New York, Wiley, 1954. SIMON H. A., Administrative Behavior, New York, MacMillan, 1947; A Behavioral Model of Rational Choice, Quarterly Journal of Economics, 1955, vol. 69, p. 99-118; From Substantive to Procedural Rationality, trong LATSIS S. J. (chủ biên), Method and Appraisal in Economics, Cambridge, Cambridge University Press, 1976, p. 129-148; Models of Bounded Rationality, Cambridge, MIT Press, 1982. STIGLER G. J., The Economics of Information, Journal of Political Economy, 1961, vol. 69, p. 213-225. TVERSKY A. & KAHNEMAN D., Rational Choice and the Framing of Decisions, Journal of Business, 1986, vol. 54, p.  251-278.
Frédéric LAVILLE
Tiến sĩ khoa học kinh tế đại học Nanterre (Paris 10)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Lí thuyết ra quyết định; Lợi ích; Tối ưu hoá tĩnh; Tối ưu hoá và phân tích nhiều tiêu chí.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF