Noah Smith |
PHẢI CHĂNG THỜI CỦA LÝ THUYẾT ĐÃ QUA?
Noah Smith
Theo quan sát của tôi, kinh tế học đã và đang có một cuộc cách mạng lớn trong suốt trên dưới 35 năm qua.
Nhưng lý thuyết kinh tế học thống trị không hề thay đổi. Lý thuyết hẳn là đã thay đổi, chắc chắn rồi, nhưng bằng sự tiến triển hơn là bằng cách mạng – những loại như lý thuyết trò chơi và lý thuyết hành vi đã dần dần được pha trộn vào hệ chuẩn “tân cổ điển” siêu duy lý lâu đời.
Không phải như vậy, một cuộc cách mạng lớn đã và đang diễn ra ở chính vai trò của lý thuyết. Tìm đọc lại các nghiên cứu cũ ở những năm 1970 (tôi không dẫn ra bất cứ nghiên cứu cụ thể nào ở đây, vì nguyên tắc của tôi là không đơn cử tác giả nào cụ thể), bạn sẽ ngạc nhiên vì chúng không hề gắn với thực tiễn. Nhiều nghiên cứu trong số đó đã tốn rất nhiều công sức để xác định rằng không gian tìm thấy được giả định là không gian Borel, nhưng lại không thảo luận phương cách kiểm định mô hình xem có tương thích với dữ liệu thực tiễn hay không. Đó chính là “phương pháp suy diễn” nổi tiếng mà kinh tế học lấy làm tự mãn nhất. Thực ra, các nhà nghiên cứu chỉ cần xuất hiện, trình bày các giả định (nghĩa là phun ra thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh), giải bài toán hệ quả để tìm ra các phương trình mượt mắt, và thế là xong việc.
Hiện tại, người ta dường như không còn nghiên cứu kiểu như vậy nữa. Thời điểm mà các nghiên cứu lý thuyết đạt đỉnh về mặt tỷ phần trên tổng số xuất bản là giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1993, rồi suy giảm liên tục kể từ đó:
Đó là một sự sụt giảm thê thảm. Đáng chú ý là ngày càng nhiều các nghiên cứu lý thuyết hiện đại có sử dụng phương pháp mô phỏng.
Tyler Cowen (1962-) |
Thomas Kuhn (1922-1996) |
Nhiều người có thể đã cảm nhận được luồng gió mới. Trong lúc trà dư tửu hậu, Tyler Cowen đã từng bảo tôi rằng: “Lý thuyết gần như hết thời rồi,” (tôi uống bia, Tyler Cowen uống nước ngọt). “Hiện giờ, lý thuyết không còn khám phá ra được điều gì tầm cỡ cả.” “Vậy còn lý thuyết học tập từ xã hội và lý thuyết hành vi bầy đàn thì thế nào?”, tôi bật ngược lại. “Đó ví như đợt lấy hơi lên cuối cùng trước lúc lâm chung của lý thuyết,” ông vừa nói vừa cười nhếch mép, “và nó đã diễn ra cách đây hai mươi năm rồi.”
Kinh tế học vĩ mô thay đổi chậm chạp hơn, vì dữ liệu vĩ mô quá nghèo thông tin đến mức khiến bạn chỉ có thể xây dựng tuần tự từng lý thuyết một. Nhưng kinh tế học vĩ mô dường như cũng cảm thấy áp lực. “Chúng tôi thực sự không cần thêm lý thuyết gia vĩ mô,” một kinh tế gia vĩ mô tiếng tăm đã từng nói với tôi như vậy. “Chúng tôi cần các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô thực nghiệm hơn.”
Tôi gọi đó là cách mạng. Cuộc cách mạng này không phải là kiểu dịch chuyển hệ chuẩn của Thomas Kuhn – mà là sự dịch chuyển trong các tiêu chí nền tảng được vận dụng để xác định cách thức vận hành của xã hội. Phương pháp suy diễn đang nhường chỗ cho phương pháp quy nạp.
Daniel Kahneman (1934-) |
Richard Thaler (1945-) |
Tại sao cách mạng lại diễn ra? Tôi không biết chắc, nhưng tôi đồ rằng thiên thạch đã đâm trúng những con khủng long kinh tế học, và đã khơi mào cho sự cách tân trong kinh tế học đi theo một hướng mới, có tên là Daniel Kahneman. Bắt đầu từ năm 1973, Kahneman đã xuất bản hàng loạt các nghiên cứu chứng minh rằng hành vi con người hoàn toàn không giống với hành vi được gán cho con người kinh tế. Và nhiều thiên thạch hành vi khác tiếp tục xuất hiện. Có Richard Thaler, người đã chứng minh được các hiệu ứng hành vi có thể làm đảo lộn các quá trình ra quyết định trong kinh tế học như thế nào. Có Vernon Smith, người đã chứng minh rằng ngay cả các thị trường đơn giản nhất cũng không hoạt động theo cách thức mà các kinh tế giả định bấy lâu nay. Có Colin Camerer, người đã chụp quét qua não người và khẳng định rằng con người quả thực ra quyết định một cách phi lý trí. Và còn nhiều nhân vật khác nữa. Thực tế là có một ngôi sao chổi Kinh tế học hành vi khổng lồ bị vỡ vụn đâu đó trên quỹ đạo thành nhiều mảnh và rơi xuống Trái Đất.
Colin Camerer (1959-) |
Vernon L. Smith (1927-) |
Khi bằng chứng ngày càng nhiều, cộng đồng kinh tế học không còn có thể bỏ qua vấn đề không tương thích giữa lý thuyết và thực tiễn nữa. Tuy các chuyên gia hành vi đã tìm ra một số lớn những sự kiện bất thường, nhưng họ lại không thể xây dựng được một lý thuyết tổng quát mới thay thế hệ chuẩn siêu duy lý bị vô hiệu hóa bởi các công trình thực nghiệm của họ. Ngay cả các lý thuyết đơn giản, có hạn chế như Lý thuyết triển vọng đã phải vất vả để hiểu được thế giới bên ngoài phòng thí nghiệm. Con tàu kinh tế học chưa chuyển mạnh về hướng mới vì nó còn đang trôi lênh đênh vô định mà không có chiếc la bàn.
Dĩ nhiên, điều này khó mà tránh được. Lý thuyết siêu duy lý cũ được thống nhất chỉ vì nó đã tối giản hóa thực tế. Nhưng nó chỉ có thể tối giản hóa thực tế vì nó không chấp nhập nhìn vào thực tế. Ngay khi có ai đó xuất hiện và buộc các kinh tế gia phải nhìn vào thực tế, thì phần lớn các công trình của các kinh tế gia phải bị vứt bỏ. (Điều thú vị là không phải vứt bỏ hết toàn bộ, phương pháp suy diễn duy lý thuần túy đã đạt được một vài thành công ấn tượng.)
Vậy bạn sẽ làm gì khi bạn không lý giải được thực tế? Bạn chỉ việc tiếp tục cố gắng phác họa thực tế chính xác hơn. Theo suy đoán của tôi, đây chính là lý do mà kinh tế học dịch chuyển từ lý thuyết sang thực nghiệm.
Nhưng tôi cũng quan sát thấy sự dịch chuyển của kinh tế học trong xu thế thay đổi sâu và rộng hơn đang diễn ra trong toàn bộ giới học thuật. Trong ngành vật lý, lý thuyết nền tảng đã rơi vào bế tắc. Mô Hình Chuẩn, hoàn thành vào những năm 1970, đã được kiểm định chặt chẽ bằng các nghiên cứu thực nghiệm, và tất cả những ứng viên hàng đầu cho vật lý học mới dường như là không thể kiểm định được. Ngay cả trong toán học, bằng chứng suy diễn chính thống dần được thay thế bởi bằng chứng được máy tính hỗ trợ; có đôi lúc khó mà trả lời dứt khoát được rằng toán học có phải là một môn khoa học thực nghiệm hay không. Đối với các ngành khoa học nhân văn, “lý thuyết” đã cơ bản trở thành một trò đùa khổng lồ, thậm chí nhiều học giả hàng đầu vẫn chưa hiểu được trò đùa này. Trong khi đó, nhiều tiến bộ lớn mang tính cách mạng dường như đang diễn ra trong ngành sinh học, tuy nhiên, những “ngành khoa học thí nghiệm” khác như hóa học, khoa học vật liệu, khoa học thần kinh và kỹ thuật điện tiếp tục đạt được những tiến bộ nhất định. Và “khoa học dữ liệu” được xem là một lĩnh vực mới. Một điều hiển nhiên là toàn bộ các lĩnh vực này sử dụng các lý thuyết hiện hữu, nhưng hiếm khi họ có ý định xây dựng lý thuyết mới hoàn toàn, hoặc là nghiên cứu trong các hệ chuẩn mang tính “suy diễn” dựa vào lý thuyết.
Có lẽ nhân loại đang đi đến đoạn cuối của Con Sóng Lý Thuyết lớn. Giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến quá nhiều chiến công vang dội của lý thuyết – Các thành phố bị tiêu diệt! Máy móc biết tư duy được tạo ra! Dịch vụ hậu cần được cải cách! Hóa học được tái sinh! – đến mức chúng ta đã hao tâm tổn trí mài đũng quần cùng với cây viết và tờ giấy để tìm ra các ý tưởng toán học hòng lý giải cách thức vận hành của thế giới. Có lẽ chúng ta tạm thời không còn thu hoạch được lợi ích từ việc đẩy mạnh đầu tư vào lý thuyết, và sự bùng nổ đang lặng lẽ đi đến hồi kết.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết của tôi. Để kiểm định nó, tôi cần dữ liệu tốt hơn.
Cập nhật: Theo một số người, sự tụt dốc của lý thuyết kinh tế học thực ra chính là sự bùng nổ của nghiên cứu thực nghiệm do chi phí tính toán giảm và do cung dữ liệu được công bố công khai ngày càng nhiều. Bản thân tôi tin rằng chi phí tính toán giảm tạo điều kiện cho nghiên cứu thực nghiệm bùng nổ. Tuy nhiên, sau đây là một số ý kiến cho rằng giả thuyết về “lý thuyết đang hấp hối” tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý:
1. Trong quá khứ, khi cung dữ liệu gia tăng (do kỹ thuật thực nghiệm mới và do năng lực tính toán được cải thiện) đã châm ngòi cho nhiều sự thăng hoa đồng thời của lý thuyết, vì người ta cần lý thuyết để giải thích các dữ liệu mới thu thập được. Tôi không cho rằng điều này diễn ra trong kinh tế học.
2. Hiện thời, tỷ phần các nghiên cứu thực nghiệm trên tổng lượng các nghiên cứu được xuất bản đang tăng lên. Chi phí tiến hành thực nghiệm chủ yếu là chi phí trả cho các chủ thể tham gia, không phải chi phí tính toán.
Daniel S. Hamermesh (1943-) |
3. Dựa theo một nghiên cứu tương tự của Card và Della Vigna, số lượng tuyệt đối các nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu đã giảm đi. Điều này có nghĩa là tổng số các nghiên cứu lý thuyết, không chỉ là tỷ phần, đăng trên các tạp chí hàng đầu đã giảm đi. Nếu sự bùng nổ của các nghiên cứu thực nghiệm do chi phí tính toán thấp đơn thuần đã vượt mặt tốc độ tăng có phần khoan thai của các nghiên cứu lý thuyết, thì số nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu đáng ra phải tăng, hoặc phải có các tạp chí hàng đầu mới được ra đời. Nhưng không có cái nào xảy ra cả. Trong thực tế, sự bùng nổ năng lực tính toán đã không hề làm gia tăng số lượng nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu là một vấn đề hóc búa.
4. Theo nghiên cứu của Hamermesh, tỷ phần các nghiên cứu thực nghiệm đăng trên các tạp chí hàng đầu sử dụng dữ liệu có sẵn cũng đã giảm đi trong thời gian gần đây, cho dù cung dữ liệu thứ cấp ngày càng nhiều.
5. Theo Card và Della Vigna, tần suất trích dẫn các nghiên cứu “lý thuyết” (tức là lý thuyết kinh tế vi mô thuần túy, và không bao gồm toàn bộ lý thuyết) đang giảm đi so với các lĩnh vực khác.
Hiện tại, có thể số các nghiên cứu đăng các trên tạp chí hàng đầu không còn là chỉ báo tốt cho lượng kiến thức được khám phá ra. Ngày nay, rất nhiều nghiên cứu có chất lượng tốt được đăng trên các tạp chí có thứ hạng thấp hơn. Hay có lẽ là tỷ phần các nghiên cứu thật sự trọng yếu đăng trên các tạp chí hàng đầu luôn luôn nhỏ, nên xu hướng của tổng số xuất bản trên các tạp chí hàng đầu có thể không phản ánh được xu hướng của các kết quả nghiên cứu thực sự quan trọng.
Trong trường hợp đó, chúng ta phải căn cứ vào các giai thoại và tinh thần thời đại trong ngành.
Paul Krugman (1953-) |
Cập nhật 2: bằng chứng mang tính giai thoại của Paul Krugman chia sẻ quan điểm của tôi – lý thuyết ngày càng trở nên kém quan trọng trong nghiên cứu về thương mại và vĩ mô. Nhưng, ông có nhiều giả thuyết khác về nguyên nhân của vấn đề.
Cập nhật 3: Tony Yates (tôi mới vừa khám phá ra blog của Yates, tôi gửi lời cảm ơn đến Mark Thoma) lại có quan điểm khác, và cho rằng lý thuyết kinh tế học vĩ mô vẫn sống và mạnh khỏe. Tôi cho rằng Yates có lý; kinh tế học vĩ mô dường như đã không bị cuống theo chủ nghĩa thực nghiệm như những chuyên ngành khác của kinh tế học. Xu hướng này là tốt hay xấu hẳn là vấn đề mà Yates và tôi có lẽ không thống nhất quan điểm với nhau.
Trần Thị Minh Ngọc dịch