15.12.16

Kinh tế học Hành vi có làm lung lay Nhà nước Phúc lợi không?


James Kwak

KINH TẾ HỌC HÀNH VI CÓ LÀM LUNG LAY NHÀ NƯỚC PHÚC LỢI KHÔNG?

James Kwak
Đó là tiêu đề một bài viết của Mike Konczal, trong đó tác giả trả lời “không” cho câu hỏi trên. Karl Smith đưa ra câu hỏi này dựa trên một tiểu luận của Bryan Caplan và Scott Beaulier. Tiểu luận này chỉ rõ rằng những chính sách phúc lợi mở rộng sự lựa chọn sẵn có cho mọi người; điều này hoàn toàn phù hợp với kinh tế học truyền thống nhưng khi ta nghĩ theo hướng con người càng có khuynh hướng đưa ra những lựa chọn tồi tệ (“kinh tế học hành vi”), thì những chương trình phúc lợi càng khiến người dân gia tăng nguy cơ đưa ra những quyết định tồi tệ và gây bất lợi cho chính mình. Đây là một vấn đề đặc biệt, như Caplan và Beaulier từng tuyên bố: “có những lý do thực nghiệm để nghĩ rằng kinh tế học hành vi mô tả người nghèo tốt hơn là mô tả các nhóm dân cư còn lại” (tr.4). Nói cách khác, nếu cho rằng người nghèo sẽ phi lý hơn thì việc họ có thêm lựa chọn sẽ khiến chính họ bị tổn thương nhiều hơn những người khác.
Ta hãy bắt đầu với khẳng định trên. Làm sao có thể nói rằng “[một nhánh nghiên cứu hàn lâm lại có thể] mô tả [nhóm người nghèo] tốt hơn là mô tả những nhóm còn lại”? Với tôi, dường như ở đây có một lỗi sai về mặt phạm trù. Kinh tế học hành vi mô tả loài người, và thành phần tham gia chủ yếu trong hầu hết các thí nghiệm là những sinh viên đang theo học ở các trường đại học danh tiếng. Nếu những kết quả tìm thấy trong nghiên cứu bị lệch theo một cách nào đó thì độ lệch nằm ở đây.
Bryan Caplan (1971-)
Scott Beaulier
Nhưng những gì Caplan và Beaulier thật sự muốn nói tới là điều này: “Các ấn phẩm hiện nay đưa ra những lý do tốt để tin rằng sự chênh lệch của người nghèo đối với mô hình chuẩn tân cổ điển là khá rõ rệt. Những phán xét đầy thành kiến [với người nghèo] cực đoan hơn, và vấn đề về khả năng kiềm chế bản thân [của người nghèo] trầm trọng hơn những nhóm còn lại” (tr.12). Do đó, về cơ bản họ tóm gọn tất cả những gì thuộc về kinh tế học hành vi bằng một mệnh đề cho rằng con người ứng xử một cách phi lý (phải thừa nhận rằng đây là điểm nổi bật nhất trong các ấn phẩm hiện hành dành cho đại chúng), và sau đó họ nói rằng người nghèo thường phi lý hơn người “bình thường”. (Đây là quan điểm quy phạm của họ, không phải của tôi. Hãy kiểm tra mệnh đề này: “hành vi lệch chuẩn được thể hiện nhiều hơn ở những người nghèo.”)
OK, điều này là công kích. Nhưng vẫn còn một vài điều gì đó lấn cấn? Không nhiều, tôi đoán thế. Đây là bằng chứng của họ:
  • Người nghèo thường nghiện rượu
  • Người nghèo có nguy cơ bị béo phì cao hơn
  • Người nghèo thích hút thuốc và sử dụng ma túy
  • Người nghèo thường có quan hệ tình dục sớm hơn và có con trong tuổi thiếu niên.
  • Người nghèo có khả năng phạm tội nhiều hơn.
Vì tất cả những hành vi này liên quan đến sự bất lực trong việc đưa ra những đánh đổi duy lý về sự cân bằng giữa lợi ích hiện tại và chi phí trong tương lai (họ cho là thế) nên điều này có nghĩa là người nghèo thường có xu hướng thiên về những vấn đề đánh giá thường được viện dẫn trong những trình bày phổ biến của kinh tế học hành vi.
Có quá nhiều điều vô lý ở đây khiến khó mà biết được nên khởi đầu từ đâu. Trước hết, một số khẳng định không được chứng minh. Ví dụ như bệnh béo phì, họ trích dẫn một nghiên cứu tìm ra rằng bệnh béo phì tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn. Sau đó, họ quả quyết “do có mối tương quan mạnh mẽ giữa học vấn và thu nhập, ít ai nghi ngờ rằng người nghèo thường gặp nhiều vấn đề hơn trong việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.” Vâng, lý lẽ đưa ra ở trên dường như cho thấy rằng có mối sự tương quan tiêu cực giữa béo phì và thu nhập; nhưng cũng có khả năng là mối tương quan tiêu cực đó được giải thích bởi học vấn, chứ không phải bởi sự nghèo đói. Có phải họ đã nỗ lực để tìm một nghiên cứu với những luận cứ họ cần, thay vì chỉ đưa ra giả định?[*]
Thứ hai, quan trọng hơn, nếu ta giả định vì các lý do lập luận là nhiều người nghèo bị béo phì hơn thì vẫn còn một khoảng cách rất xa để đi đến kết luận như thế là do họ đưa ra quyết định tệ hơn. Có nhiều cách giải thích khác khả dĩ hơn. Dưới đây là một vài ví dụ mà tôi thấy những cách giải thích này có tính thuyết phục cao hơn so với lý do mang tính hành vi đã nêu ở trên:
  • Ăn lành mạnh tốn kém hơn so với việc ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
  • Nhiều người nghèo phải làm tăng ca hoặc có ít lựa chọn chăm sóc con cái, do đó việc mua và nấu thực phẩm tốt cho sức khỏe gặp nhiều khó khăn hơn.
  • Dịch vụ y tế cho người nghèo không tốt như dịch vụ y tế của người giàu.
Bạn có thể bổ sung những cách giải thích của riêng mình.
Có thể phê phán kiểu này đối với nhiều luận điểm của hai tác giả. Ví dụ như vấn đề phạm tội. Trường hợp này, lập luận phản bác hiển nhiên nhất rõ ràng là tội phạm phổ biến hơn ở những người nghèo vì họ nghèo. Caplan và Beaulier nghĩ là họ có thể xử lí vấn đề này bằng cách cho rằng một vài tù nhân nhận được khoản tiền bất hợp pháp trước khi bị bắt. Nhưng điều này chỉ là một phần nhỏ của bài toán. Lý do chính giải thích tỉ lệ vào tù cao ở người nghèo là việc tái phạm, và lý do chính của việc tái phạm là sự khó khăn khi tìm kiếm việc làm và khả năng hòa nhập vào xã hội khi họ có tiền án tiền sự. Những người không có mạng lưới hỗ trợ ổn định có khả năng phạm tội nhiều hơn và có ít thứ để mất hơn, bất luận năng lực ra quyết định của họ là như thế nào. Thất bại trong việc kiểm soát đối với mọi thứ sẽ làm cho quan điểm của các tác giả không còn giá trị.

Cũng trong bài trên họ còn trích dẫn Levitt và Dubner để củng cố lập luận rằng vì buôn bán ma túy không kiếm được nhiều tiền nên “việc phạm tội trở nên rất hấp dẫn đối với những người đánh giá quá cao cơ hội để trở thành một ông trùm, hoặc chỉ đơn giản là khả năng kiểm soát kém các xung động” (tr.14). Nhưng những gì Levitt và Dubner thực sự nói là (Freakonomics - Kinh tế học hài hước, ấn bản bìa mềm, tr.102):
"Đối với những đứa trẻ lớn lên ở khu nhà xã hội, ở phía nam Chicago, dường như buôn bán chất cocain được xem là một nghề hấp dẫn. Đối với nhiều người trong số họ, công việc của ông trùm băng đảng - rất nổi trội và thu nhập cao - là công việc tốt nhất mà họ nghĩ mình có thể với tới".
Cho đến nay, đối với hai tác giả, mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng Caplan và Beaulier tiếp tục:
Nếu họ [người nghèo] lớn lên trong hoàn cảnh khác, họ có thể đã suy nghĩ về việc trở thành nhà kinh tế hay nhà văn. Nhưng trong một khu phố nơi mà băng đảng của J.T hoạt động, con đường để tìm được một công việc hợp pháp thực tế là không tồn tại. 56% trẻ em của khu phố sống dưới mức nghèo khổ… 78% đến từ những gia đình cha mẹ đơn thân. Có ít hơn 5% người trưởng thành của khu phố có một bằng đại học; tỉ lệ đàn ông trưởng thành làm việc chỉ là một trên ba. Thu nhập trung vị của khu vực này là khoảng 15.000 USD/năm, chưa tới một nửa so với mức trung bình của nước Mỹ. Trong suốt những năm tháng Venkatesh sống với băng đảng của J.T, các đàn em thường nhờ ông giúp đỡ tìm một chỗ làm mà họ gọi đó là “một công việc tốt”: gác cổng ở trường đại học Chicago”.
Steven Levitt (1967-)
Stephen J. Dubner (1963-)
Những điểm thật sự của Levitt và Dubner đề cập tới là những điều này: Đầu tiên, người ta chuyển sang buôn bán ma túy vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Thứ hai, những kẻ buôn bán ma túy cũng chỉ giống như những người theo đuổi những công việc hấp dẫn khác.
OK, đã đủ cho điểm đó rồi. Còn gì nữa không nhỉ? Vâng, có những vấn đề về đo lường, mặc dù chúng không quá nghiêm trọng. Người nghèo thường sử dụng ma túy bất hợp pháp và phạm tội vì xã hội mặc định rằng những viên thuốc đó là bất hợp pháp (trong khi thuốc giảm đau - có thành phần phần gây nghiện lại hợp pháp) và thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn đối với người nghèo. Nhưng dường như đây không phải là một nhân tố lớn.

Trong bất kỳ trường hợp nào, ý tưởng cho là người nghèo có tính duy lý hạn chế hơn bình thường dường như không có căn cứ. Thậm chí đây cũng không phải là một vấn đề chuẩn về sự tương quan nhân quả. Đây chỉ là một tương quan với một nhân quả được ưa chuộng được liệt kê trong danh sách các nguyên nhân có thể.  
Nhưng … vẫn còn đó một điểm lý thuyết. Liệu mở rộng sự lựa chọn của người dân có khiến họ đưa ra những quyết định tồi? Tất nhiên. Ngay cả khi bạn chưa bao giờ đọc một bài viết về kinh tế học hành vi trong đời, chỉ nhìn vào bất kì chương nào của Predictably Irrational (Phi lý trí). Nhưng liệu điều đó có biện minh cho kết luận sau?
"Hiển nhiên là nếu sự hỗ trợ của chính phủ dành cho những nhóm yếu thế làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của những độ chệch trong đánh giá và các vấn đề tự kiểm soát của họ, thì điều này sẽ củng cố cho trường hợp để giảm quy mô và thời gian của phúc lợi, hạn chế điều kiện được hưởng phúc lợi, thậm chí bãi bỏ."
Mike Konczal
Hãy cùng phân tích câu trên. Có phải sự trợ giúp của chính phủ sẽ khuếch đại những chênh lệch trong đánh giá? Hoàn toàn không. Như Konczal đã lưu ý, bài viết này còn nhiều vấn đề chọn lựa trích dẫn. Lấy tiết kiệm hưu trí làm ví dụ. Hàng núi nghiên cứu chỉ ra rằng con người rất dở trong việc tiết kiệm và quyết định đầu tư vì nhiều nguyên nhân thông thường: ngại mất mát, hiện tại hóa theo hình hyperbol … Vì vậy, an sinh xã hội là một điều tốt: nó buộc con người phải tiết kiệm, và không để bạn đầu tư tất cả vào những cổ phiếu công nghệ, và buộc bạn phải đợi cho đến khi bạn qua tuổi 60 để nhận lại bất cứ thứ gì. (Ngoài ra có một thành phần phân phối lại, nhưng ngay cả khi không có thành phần đó thì an sinh xã hội vẫn là một điều tốt vì những lý do trên.)
Tuy nhiên sau đó có một vấn đề nổi lên: sự ủy thác cá nhân. Vì những chênh lệch chủ quan mà một số người sẽ không mua bảo hiểm y tế ngay cả khi họ nên làm điều này, bất chấp những hậu quả tiêu cực cho chính bản thân họ và cho toàn xã hội nói chung.
Hơn nữa, ngay cả khi ta chấp nhận mệnh đề đầu tiên của Caplan và Beaulier vì mục đích lập luận, nó cũng ảnh hưởng đến cách ta phân phối phúc lợi, chứ không phải là sự tồn tại hay quy mô phân phối (lẽ ra nên được tính toán trên những tiêu chuẩn khác). Nếu vấn đề là sự lựa chọn thì ta chỉ nên giảm sự lựa chọn. Ví dụ, ta có thể loại bỏ từng chương trình phúc lợi đơn lẻ và thay tất cả chúng với (1) chính sách y tế (Medicare) cho mọi người và (2) một mức 10.000 $ (được chỉ số hóa) tiền mặt cho mỗi người trong đất nước. (Nếu bạn muốn chuyển sang một sắc thuế duy nhất hoặc thuế tiêu dùng để tăng ngân sách cần thiết, tôi sẵn sàng chấp nhận trao đổi, không có cái gì ăn vào (1) hoặc (2)). Bằng cách đó, ta sẽ đạt được những mục tiêu xã hội về phúc lợi mà không gặp những vấn đề về sự lựa chọn mà Caplan và Beaulier than phiền. Ngay cả khi bỏ qua sự tưởng tượng của tôi, ta nên vui mừng về những thứ như bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp EITC, cả hai thứ đó cho ta một sự khích lệ để làm việc.
Cass Sunstein (1954-)
Cuối cùng, dựa trên câu hỏi mở rộng của Konczal: như bất kỳ lĩnh vực nào, kinh tế học hành vi cho bạn nhiều cơ hội để lựa chọn, và nếu bạn là người hời hợt hay vô nguyên tắc, bạn có thể dùng kinh tế học để biện hộ cho nhiều quan điểm chính sách. Nhưng cân nhắc kĩ, tôi nghĩ là kinh tế học hành vi ủng hộ phúc lợi. Trong hình thức phổ biến của kinh tế học hành vi, nó đề cập tất cả về những sai lầm về đánh giá gây bất lợi cho quyền lợi riêng của người dân, và củng cố cho ý tưởng rằng chính phủ nên cố gắng để sửa chữa những sai sót đó. Tiết kiệm bắt buộc là một ví dụ. Bộc lộ công khai là ví dụ khác (mặc dù không phải điều tôi thật sự lạc quan). Bây giờ có một luận chứng có giá trị về cách thức các chính sách hiệu quả của chính phủ có thể sửa chữa cho những sai lầm đó, và ở mức chi phí nào, vì thế có lẽ ta nên khiêm tốn về khả năng của Cass Sunstein trong việc đề ra định hướng đúng đắn cho mọi vấn đề. Nhưng về nguyên tắc đó có vẻ như là sự suy luận đơn giản nhất được rút ra.
Dan Ariely (1967-)
Về cơ bản, kinh tế học hành vi đặt thành vấn đề tất cả nền tảng của Kinh tế vi mô truyền thống, vốn là cơ sở của lý thuyết về thị trường tự do. Một trong những khám phá của nghiên cứu là không chỉ con người không đưa ra được quyết định phù hợp với sở thích của họ, mà ngay cả những sở thích của họ là tùy tiện, thậm chí trong điều kiện có thông tin hoàn hảo. (Xem ví dụ trong “Coherent Arbitrariness” của Ariely, Loewenstein và Prelec.) Nếu người ta có thể bị lừa trong việc định giá trị một vài thứ cao hơn bởi vì, ví dụ hai con số thập phân cuối cùng của số bảo hiểm xã hội là cao, thì ta có bao nhiêu niềm tin rằng, đối với người tiêu dùng, giá cả thị trường phản ánh giá trị tuyệt đối?
***
Giới thiệu tác giả:
James Kwak là Phó Giáo sư Luật ở đại học Connecticut. Ông là một nhà văn sung sức và một blogger có quan tâm đến nhiều chủ đề học thuật bao gồm luật doanh nghiệp và quản trị, thị trường tài chính và các quy định, nghỉ hưu an toàn, và chính sách tài khóa.
Twitter: @JamesYKwak
Nguyễn Minh Hiền, Lục Phạm Quỳnh Nhi dịch
Nguồn: Does Behavioral Economics Undermine the Welfare State, baselinescenario, Feb.2 2011.




[*] Điều này có vẻ cay nghiệt, đặc biệt đến từ một ‘blogger’. Thành thật mà nói, tôi sẽ đồng cảm hơn với Caplan và Beaulier nếu họ đã đưa những ý tưởng của họ dưới hình thức của một bài viết trên blog thay vì một tiểu luận hàn lâm với sự cẩn trọng mà hình thức này đòi hỏi.

Print Friendly and PDF