Alain Grandjean (1955-) |
LIỆU NỀN TÀI CHÍNH CÓ THỂ GIÚP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHÔNG?
Nền kinh tế thế giới phải được đặt trên một "quỹ đạo 2 °C" (có nghĩa là sao cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu không được vượt quá 2 °C so với mức nhiệt độ thời tiền công nghiệp). Điều này đòi hỏi ngay từ bây giờ và trong nhiều thập kỷ tới những hoạt động chuyển nhượng đầu tư khổng lồ (từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng phi các-bon, và đồng thời từ việc sản xuất năng lượng sang việc kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng). Và điều này cũng có nghĩa là kêu gọi những đầu tư bổ sung mới so với những đầu tư mà dù sao đi nữa cũng sẽ được thực hiện trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, các chương trình đầu tư này còn phải xem xét các tác động hiện tại và dự đoán được của sự biến đổi khí hậu và như vậy tích hợp vấn đề về sự thích nghi của người dân và của các cơ sở hạ tầng.
Số tiền đầu tư khổng lồ
Số tiền đầu tư có liên quan là rất lớn. Ở cấp độ toàn cầu, đó là những số tiền lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi năm để đầu tư một cách thông minh vào các lĩnh vực năng lượng, quy hoạch đô thị, giao thông, nước sinh hoạt, nông nghiệp và rừng. Chưa kể đến những đầu tư để phòng ngừa những thảm họa được gọi là thiên tai.
Sẽ là phi thực tế đợi đến “đêm trước của sự sụp đổ” và hồi kết của chủ nghĩa tư bản mới giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái
Vì vậy, sẽ là điều vô ích khi nghĩ rằng sự đột biến này có thể được thực hiện bên lề của hệ thống kinh tế thống trị. Chúng ta cần phải ủng hộ các thí nghiệm tại địa phương, bởi vì chúng là một nguồn đổi mới có thể hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nhưng đặc biệt, chúng ta cần có trách nhiệm thiết lập những cơ chế mang tính tổng thể, gắn với sự đột biến nhanh này, để hướng dẫn nền kinh tế. Sẽ là phi thực tế đợi đến “đêm trước của sự sụp đổ” và hồi kết của chủ nghĩa tư bản mới giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái.
Một cách tiếp cận khả dĩ
Như vậy, chúng ta buộc phải thử đưa các cơ chế kinh tế và tài chính phục vụ cho mục tiêu lớn lao này. Ngoài nghịch lý hiển nhiên (liệu có thể dĩ độc trị độc được không?), câu hỏi đầu tiên được đặt ra là khả năng "cải cách từ bên trong" này. Chúng ta có thể nghi ngờ điều này khi mà các thế lực đang cầm quyền dường như chỉ quan tâm đến những lợi ích mang tính rất ngắn hạn của họ mà thôi.
Sẽ là điều khá ngây thơ khi tin rằng các sáng kiến này sẽ đủ sức thuyết phục
Tuy nhiên, có vẻ như cách tiếp cận nói trên mang tính khả thi. Đã có những tín hiệu, tuy còn yếu vào lúc này, cho thấy trong lòng nền tài chính, các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị môi trường xanh đã bắt đầu được nhìn với ánh mắt thân thiện. Đã xuất hiện những sản phẩm mới, như là những trái phiếu xanh. Các tác nhân tài chính cứng, như một số quỹ hưu trí, bắt đầu đưa ra những cam kết về khí hậu trong số các sáng kiến quốc tế, chẳng hạn như sáng kiến Montreal carbon pledge (Cam kết về khí các-bon của Montreal) hoặc Portfolio decarbonization coalition (Danh mục đầu tư phi các-bon hóa của liên minh). Các quỹ đầu tư đánh giá tác động của khí các-bon đến các danh mục đầu tư của họ. Còn các quỹ khác, như quỹ đầu tư của chính phủ Na Uy, bắt đầu rút khỏi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng hóa thạch.
Alain Grandjean (1955-) |
Sẽ là điều khá ngây thơ khi tin rằng các sáng kiến này sẽ đủ sức thuyết phục. Nhưng chúng chỉ ra rằng nếu các Nhà nước thực hiện đúng vai trò của họ qua việc cam kết tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến sinh thái và biến đổi khí hậu và thiết lập những quy định điều tiết cần thiết, thì việc đưa nền tài chính phục vụ cho khí hậu là điều khả dĩ. Bức thư của các bộ trưởng các nước G20 gửi đến Hội đồng bình ổn tài chính, vào giữa tháng tư, để nghiên cứu về rủi ro khí hậu là một bước đi đúng hướng.
Alain Grandjean tốt nghiệp trường École Polytechnique và ENSAE, đỗ bằng tiến sĩ đệ tam cấp về kinh tế học môi trường. Là người đồng sáng lập Carbone 4, một văn phòng tư vấn chiến lược về khí các-bon, ông là thành viên Hội đồng giám sát môi trường sinh thái của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên và Con người. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về kinh tế học.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La finance peut-elle être mise au service du climat?, AlterEcoPlus, 28/04/2015