Goldman Sachs và Nhà Trắng, lịch sử của những cuộc hoán đổi nhiệm sở và lợi ích hỗ tương
Donald Trump không là ngoại lệ, mặc cho diễn ngôn có tính thù địch của ông đối với giới tinh hoa, ông công bố ngay sự xuất hiện của ba cựu “đặc nhiệm của Goldman” (Goldman boys) vào các vị trí chủ chốt.
Nếu có một doanh nghiệp nào hưởng lợi từ việc Donald Trump đắc cử [tổng thống] tại Hoa Kỳ, thì đó chính là ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, mà giá cổ phiếu đã được cải thiện lên một phần ba kể từ ngày 8 tháng 11. Là một định chế tài chính nổi tiếng, Goldman Sachs từ lâu đã là nơi xuất thân và bãi đáp của các quan chức chính quyền cấp cao, đặc biệt là của Bộ Tài chính, theo động thái cửa quay (“revolving doors”, hay “portes tambour” trong tiếng Pháp, có nghĩa là sự chuyển hoạt động từ khu vực công sang khu vực tư nhân).
Stephen Bannon (1953-) |
Steven Mnuchin (1962-) |
Tất cả các chính quyền, từ tổng thống Bush đến tổng thống Obama, qua tổng thống Clinton, đều sử dụng dịch vụ của các bộ não của con “bạch tuộc” và mạng lưới của các bộ óc này. Donald Trump không là ngoại lệ: mặc cho diễn ngôn có tính thù địch đối với giới tinh hoa trong chiến dịch tranh cử, ông đã công bố ngay sau khi đắc cử sự xuất hiện của ba cựu “viên chức của Goldman”: Steven Mnuchin làm bộ trưởng Bộ Tài chính, Stephen Bannon, được bổ nhiệm làm “chiến lược gia trưởng”, và Gary Cohn, nhân vật số hai của ngân hàng đầu tư nổi tiếng, chịu trách nhiệm điều phối chính sách kinh tế của chính phủ.
Gary Cohn (1960-) |
Lloyd Blankfein (1954-) |
Chính Nhà lãnh đạo hiện tại của ngân hàng, Lloyd Blankfein, đã đánh giá người mà cách đây vài tháng ông không thể “tưởng tượng là sẽ nắm quyền lực hạt nhân” lại là “một gã thông minh”: “Ông Trump có thể là một tổng thống giỏi hơn nhiều so với tất cả những người tiền nhiệm của ông ấy”, như lời ca ngợi của ông gần đây.
“GS”, như “Chính phủ Sachs”
Các mối quan hệ giữa ngân hàng đầu tư có uy tín và quyền lực chính trị đã hâm nóng tâm trí của nhiều người, đến mức làm nở rộ các danh sách giả mạo về những cựu đặc nhiệm của Goldman (trong đó đề cập đến khá nhiều những cái tên không liên quan gì đến ngân hàng) trên Internet, những danh sách tự trích dẫn lẫn nhau và tạo ưu tiên cho các thuyết âm mưu. Một “hệ thống” mà cả Donald Trump lẫn ứng cử viên của đảng Dân chủ Bernie Sanders đều chống lại trong cuộc vận động tranh cử tổng thống.
Bernie Sanders: Năm tới, 4 trong 12 vị chủ tịch của các Ngân hàng Liên bang địa phương sẽ là các cựu viên chức của một doanh nghiệp: Goldman Sachs. |
Arthur Levitt (1831-) |
Marcus Goldman (1821-1904) |
Lý do là vì ngân hàng, mà gần như kể từ khi được thành lập vào năm 1869 bởi Marcus Goldman, một người Đức nhập cư, và con rễ của ông là Samuel Sachs, đã phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền.
Chúng tôi đã thử định lượng sự hiện diện của những cựu “đặc nhiệm”của ngân hàng Goldman Sachs trong lịch sử của chính quyền Mỹ: phục vụ trực tiếp trong chính quyền, mà còn tại các đại sứ quán, Tòa án Tối cao, ngân hàng trung ương của Mỹ và đôi khi cả trong các định chế điều tiết (những hiến binh thị trường)... như Arthur Levitt, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các ngân hàng trong những năm 1990, và sau đó quay trở lại làm việc cho Goldman Sachs.
Có thể tiếp cận tập tin này theo đường liên kết này trong dữ liệu mở. Danh sách này không liệt kê những cố vấn không chính thức, những nhân vật trong giới truyền thông và những người bạn hào phóng đã làm việc cho bên này hay bên kia (phục vụ cho tổng thống hoặc cho ngân hàng): Duncan Niederauer và John Thain, ví dụ, những người đứng đầu Thị trường chứng khoán New York, quan hệ chặt chẽ với Cục Dự trữ Liên bang, nhưng không làm việc trong cơ quan hành chánh công. Một ví dụ khác là các thành viên của nhóm Dự án Hamilton, tất nhiên được Goldman Sachs tài trợ, cũng là những nhân vật trung gian giỏi của ngân hàng, nhưng không nhất thiết phải được ngân hàng tuyển dụng.
Công việc định lượng này không giúp xem xét toàn bộ các mối quan hệ giữa ngân hàng và chính quyền, nhưng nó giúp phác thảo những đường nét lớn của các mối quan hệ đó. Kết luận đầu tiên là dưới thời chính quyền Bush con bạch tuộc đã mở rộng các vòi của nó, với nhiều quyền lực hơn, về số lượng các quan chức được tuyển dụng mà còn về số lượng các cơ quan chịu ảnh hưởng.
Henry Paulson (1946-) |
Khi Henry Paulson, cựu giám đốc của Goldman Sachs, được tổng thống George Bush bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Tài chính trong cơn bão táp “các khoản cho vay dưới chuẩn”, sự kiện đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông đã tuyển dụng khá nhiều những đồng nghiệp cũ đến mức định chế tài chính này có một cái tên mới từ những người gièm pha: “GS”, hay “Government Sachs [Chính phủ Sachs]”.
“Cửa quay” và sự kết hợp các lợi ích
Lý do là, bất luận người ta nghĩ gì về Goldman Sachs, chúng ta buộc phải công nhận rằng Goldman Sachs đã đẩy nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động xã hội: “Đó là lịch sử và văn hóa của Goldman Sachs khi khuyến khích các cộng sự của mình nhận lãnh những trách nhiệm hàng đầu trong lĩnh vực công, theo sự thổ lộ của các thành viên của ngân hàng cho tờ New York Times. Bất luận số tiền bạn kiếm được, bạn không phải là một ngôi sao thực thụ của Goldman nếu chưa đóng được dấu ấn của mình trong lĩnh vực chính trị.”
Một cuộc trao đổi lợi ích tốt nhất? Giả thuyết càng đáng tin hơn khi đa số các cựu nhân viên của Goldman, những người từng kinh qua các cấp thượng tầng của chính quyền Mỹ, nay đã quay trở lại làm việc trong giới tư nhân, đặc biệt là... tại Goldman Sachs.
Một lợi ích vì các hoạt động công, mà đôi khi cũng trùng hợp trực tiếp với các lợi ích của ngân hàng, chẳng hạn như đối thủ cạnh tranh chính của Goldman Sachs, Lehman Brothers, đã bị Nhà nước bỏ rơi vào tháng 9 năm 2008... mặc dù sáu tháng trước đó Nhà nước đã ra tay cứu trợ Bear Stearns (và giải cứu tập đoàn bảo hiểm AIG có quan hệ kinh doanh với Goldman Sachs).
Tất nhiên, là phải có một nạn nhân hy sinh để tạo ra một cú sốc và có được sự đồng ý của các đại biểu Quốc hội để tái cấp vốn công cho khu vực tài chính, và vai trò vật tế thần này ít có nguy cơ xảy đến với ngân hàng đã thâm nhập đến thế vào các bí mật của chính quyền. Nhất là khi số tiền 700 tỷ USD (671,32 tỷ euro) của kế hoạch giải cứu tài chính (TARP, Troubled Asset Relief Program, Chương trình Giải cứu Tài sản xấu) đều do hầu hết các cựu nhân viên của Goldman quản lí, những người đã được cựu giám đốc của họ Hank Paulson tuyển dụng, vị Bộ trưởng Tài chính được bổ nhiệm vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc khủng hoảng.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lẫn lộn với nhau
Nếu một số nhân viên của Goldman bày tỏ sở thích chính trị của mình (ví dụ, Gary Cohn luôn đăng ký là người của đảng Dân chủ trên danh sách cử tri), thì tính hào phóng của họ không phục vụ một phe nào để làm hại phe kia: theo sự phân tích các tài khoản chi tiêu của hiệp hội Open Secrets, ngân hàng [Goldman Sachs] là một trong số những nhà tài trợ hào phóng nhất trong các chiến dịch tranh cử của ông Barack Obama và bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, theo truyền thống số tiền đóng góp mang lại lợi thế cho đảng Cộng hòa...
Robert Zoellick (1953-) |
Timothy Geithner (1961-) |
Và các chính trị gia đáp trả tốt cho họ: vào lúc mà một chỉ thị được tổng thống Obama ký có hiệu lực để giữ các nhà vận động hành lang “tránh xa” việc phân bổ các nguồn vốn cấp cho các ngân hàng thuộc kế hoạch giải cứu tài chính, thì vẫn có một ngoại lệ lớn dành cho Mark Patterson, được bổ nhiệm cạnh ngài Bộ trưởng Tài chính, Timothy Geithner, trong khi ông đã từng trong nhiều năm là một trong những quan chức vận động hành lang quan trọng nhất của Goldman Sachs ở Washington.
Một ví dụ khác về lợi ích hài hòa: việc lựa chọn các quan chức đứng đầu các định chế quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, mà theo truyền thống Hoa Kỳ sẽ tuyển chọn vị trí chủ tịch ngân hàng (còn châu Âu thì đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Vị chủ tịch hiện tại, Robert Zoellick, là một sản phẩm thuần túy của hệ thống "bình thông nhau" này: “Trong vòng hai mươi lăm năm, ông đã thăng tiến giữa chính phủ và khu vực tư nhân, và mỗi lần như vậy ở một vị trí cao hơn”, như trang web của định chế [Ngân hàng Thế giới] đã tóm lược trên trang viết dành riêng cho ông ta. Giữa hai nhiệm kỳ làm chủ tịch ngân hàng, ông Zoellick đã có thời gian phục vụ cho các đời tổng thống Bush, cha và con, vừa sắp xếp những quân cờ của ông tại một chục các tổ chức nổi tiếng quốc tế: các định chế, các trường đại học, các hội nghị thượng đỉnh, các câu lạc bộ... trước khi trở lại làm việc lần thứ ba cho Goldman Sachs, vào năm 2013.
Một đế chế mở rộng sang châu Âu
Romano Prodi |
Manuel Barroso (1956-) |
“Doanh nghiệp” không chỉ mở rộng đế chế của họ tại Hoa Kỳ: việc bổ nhiệm cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Manuel Barroso, vào mùa hè năm nay, làm cố vấn cho chi nhánh ngân hàng tại London (nơi mà ông sẽ phụ trách vấn đề Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý “Brexit”) đã gây ra một vụ bê bối chưa từng có trên Cựu lục địa này.
Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp duy nhất: trước ông ta, đã có những quan chức người Ý Romano Prodi, hai anh em nhà Mario (Draghi và Monti), quan chức người Hy Lạp Lucas Papademos, và đến tận Ngân hàng Trung ương Anh (Mark Carney)...
Jean-Claude Juncker (1954-) |
Tiếp theo vụ bê bối Barroso và những rối ren trong dư luận, vị Chủ tịch hiện tại của Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, đã tỏ rõ lập trường cứng rắn và đề nghị kéo dài thời gian mà các cựu ủy viên phải xin phép Ủy ban châu Âu mới được làm việc cho khu vực tư nhân, một biện pháp, nói thẳng ra, là tương đối ôn hòa.
Nếu bị kiện ra Tòa án Công lý châu Âu nghiêm khắc, thì có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt để làm gương đối với ông Barroso, chẳng hạn như đình chỉ các khoản trợ cấp hưu trí với tư cách là một cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu trong thời gian ông làm việc cho Goldman Sachs và lâu hơn nữa, hoặc đình chỉ tất cả các danh hiệu danh dự của ông có liên quan đến các định chế của châu Âu.
Mathilde Damgé
Phụ trách các chủ đề kinh tế, giải mã và một ít về dữ liệu
Sau khi là phóng viên của LaCroix ở Normandie và nhà báo kinh tế của AFP ở London, tôi đã ngược dòng sông Seine và cập bến thế giới kỹ thuật số của Le Monde vào năm 2012.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Goldman Sachs et la Maison Blanche, une histoire d’allers-retours et d’intérêts bien compris, Le Monde, 16.12.2016.