THẾ GIỚI CHO TỚI NGÀY HÔM QUA: CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CÁC XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG
Jared Diamond
Tóm lược
Thế giới cho tới Ngày hôm qua khám phá những bài học mà con người hiện đại có thể tiếp thu từ những xã hội săn bắt-hái lượm nguyên thủy vốn đã hiện diện trên trái đất này trước khi các nhà nước tập quyền xuất hiện.
Đối tượng nào nên đọc bản tóm tắt này?
- Bất cứ ai quan tâm đến đời sống từ hàng chục ngàn năm trước đây đã diễn ra như thế nào
- Bất cứ ai muốn tìm hiểu về các bài học mà những nhóm người săn bắt-hái lượm đơn giản có thể dạy cho ta trong xã hội hiện đại
Tác giả quyển sách này là ai?
Jared Diamond (1937-) |
Jared Diamond là một nhà khoa học danh tiếng người Mỹ và cũng là tác giả đạt giải thưởng Pulitzer với một số công trình khoa học phổ biến như quyển Guns, Germs and Steel (Súng, Vi Trùng và Thép).
Quyển sách mang lại điều gì cho người đọc? Hãy khám phá những bài học mà tổ tiên chúng ta những người săn bắt-hái lượm có thể dạy cho ta.
Vào khoảng 11.000 năm trước đây, loài người đã trải qua một sự chuyển đổi văn hóa lớn được biết đến là cuộc Cách mạng Đồ đá mới (Neolithic Revolution), khi loài người chuyển từ [loại hình] săn bắt và tìm kiếm thức ăn sang [loại hình] nông nghiệp và trang trại để có được nguồn thực phẩm.
Thay đổi này mang lại một sự gia tăng nguồn thức ăn sẵn có và tạo điều kiện cho việc bùng nổ dân số, điều này dẫn đến sự đô thị hóa, sự quản lí tập trung và nhiều khía cạnh khác vốn được xem là những yếu tố chính của xã hội hiện đại.
Thời nay, con người thường có xu hướng tìm kiếm những công nghệ và ý tưởng mới nhằm giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh. Nhưng có lẽ một cách tiếp cận khác được cho là cần thiết: có lẽ ta nên quay trở lại sự sắp đặt và lối sống truyền thống mà nhân loại đã thực hiện từ hàng thiên niên kỉ trước khi nông nghiệp xuất hiện.
Xét cho cùng, phần lớn mặt sinh lí và tâm lí của ta đã phát triển để thích nghi với nhu cầu của lối sống săn bắt-hái lượm: từ một viễn tượng tiến hóa, cuộc Cách mạng Đồ đá mới là mới gần đây – gần như là ngày hôm qua.
Vì thế, khảo sát các xã hội truyền thống, hiển nhiên là ta có thể tiếp thu những bài học có giá trị giúp ta giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Những phần tóm tắt tiếp theo giúp người đọc khám phá những bài học này.
Trong số những vấn đề khác, người đọc sẽ nhận ra:
- Tại sao những bé trai mới 3 tháng tuổi đã được trao cung và tên trong một số xã hội,
- Tại sao việc người phạm tội xin lỗi nạn nhân lại quan trọng, và
- Tại sao tôn giáo có thể sẽ tiếp tục đóng một vai trò [quan trọng] lâu dài trong xã hội.
Những xã hội nhỏ, truyền thống như các nhóm săn bắt-hái lượm và bộ lạc vẫn còn tồn tại trên khắp thế giới.
Bạn có thể nghĩ rằng nền văn minh hiện đại đã hiện diện khắp toàn cầu nhưng vẫn còn tồn tại một số xã hội truyền thống sinh sống như loài người đã từng sống cách đây 11.000 năm. Mặc dù những khu vực nhỏ bị cô lập này chắc chắn chịu ảnh hưởng bởi các quốc gia hiện đại nơi họ cư trú, nhưng việc quan sát các khu vực này cho phép ta có được một viễn tượng về đời sống giống như đời sống của tổ tiên mình.
Vậy các loại hình xã hội truyền thống nào mà ngày nay ta có thể tìm thấy trên khắp thế giới?
Đầu tiên, những người săn bắt-hái lượm như người India [người bản địa Anh-điêng] Siriono ở Nam Mỹ và những người dân đảo Andaman ở Vịnh Bengal [Ấn Độ Dương].
Xã hội này thường được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn 100 cá thể, sống bình đẳng và dân chủ. Mọi người đều biết nhau, vì thế họ có thể đưa ra những quyết định trong các cuộc thảo luận trực tiếp mà không cần có lãnh đạo chính thức.
Thứ hai, các bộ lạc gồm vài trăm cá thể như Inxupiat ở Alaska [Mỹ]. Những bộ lạc này có thể trồng trọt nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, nhưng nó ít thâm canh và đơn giản trong tự nhiên hơn là các nhà nước thực sự.
Cuối cùng là, xã hội có thủ lĩnh như người India [người bản địa Anh-điêng] Chumash ở Bắc Mỹ. Đây là một bước đánh dấu gần hơn với các quốc gia hiện đại và có thể bao gồm hàng trăm ngàn người. Quyền hành lãnh đạo tập trung rõ ràng vào tay thủ lĩnh với nhiệm vụ thu thập các nguồn lợi kinh tế (economic goods) từ các thành viên và phân phối lại cho binh lính, thầy tu và thợ thủ công, những người này phục vụ cho thủ lĩnh. Ở đây cũng có sự phân tầng xã hội rõ ràng: gia đình của người thủ lĩnh là đứng đầu xã hội, có nghĩa là họ có được nhà ở, thực phẩm và hàng hóa tốt nhất.
Hiển nhiên, có một sự liên tục của các xã hội xuyên suốt [chiều dài lịch sử] từ [thời kì] các nhóm săn bắt-hái lượm đến [thời kì] các nhà nước hiện đại. Ta sẽ hầu như tập trung vào những xã hội săn bắt-hái lượm vì đó là những xã hội khác biệt nhất với các xã hội của chúng ta [ngày nay], và do đó bảo lưu được những bài học quý giá nhất cho ta.
Các xã hội truyền thống có tỉ lệ tử vong cao do chiến tranh và giết người.
Hiện vật và thông tin khảo cổ học của các nhóm người săn bắt-hái lượm hiện đại cho thấy rằng hình thức xã hội này có xu hướng tồn tại trong các nhóm có ít hơn 100 thành viên.
Tại sao các nhóm lại quá nhỏ?
Bởi một nhóm đông hơn sẽ nảy sinh nhu cầu có nhiều đất hơn để họ có thể sinh sống và chỉ có sẵn một số lượng hữu hạn các mảnh đất chưa có người ở.
Điều này không chỉ hạn chế sự gia tăng dân số mà còn gây ra mâu thuẫn giữa các xã hội truyền thống.
Không thể bàn cãi, chiến tranh dường như là một đặc điểm chung trong đời sống của các nhóm người săn bắt-hái lượm và bộ lạc, và tỉ lệ tử vong liên quan đến chiến tranh cao hơn nhiều đối với hình thức xã hội này so với các nhà nước hiện đại.
Trong thực tế, những cuộc chiến tranh liên tục nổ ra bởi ngay cả khi hòa bình được [lập lại thông qua] đàm phán, chắc chắn vẫn có một số người với bản tính hung hãn sẽ phớt lờ và một chu kì bạo lực mới lại bắt đầu.
Mặt khác, các quốc gia hiện đại có chính quyền trung ương mạnh, ngay cả khi hòa bình đã được [lập lại thông qua] đàm phán, vẫn có thể cản trở một số kẻ [có dã tâm] xâm lược và từ đó bảo vệ nền hòa bình mong manh này.
Điều thú vị là các xã hội truyền thống tham gia vào nông nghiệp thậm chí còn hiếu chiến hơn cả những xã hội săn bắt-hái lượm: nguyên do là vì muốn chiếm dụng lượng lương thực dự trữ lớn thu được từ sản xuất nông nghiệp.
Có rất ít các xã hội, gồm cả một số bộ lạc sa mạc ở Úc, có thể hoàn toàn tránh khỏi chiến tranh. Phần lớn tránh được chiến tranh chủ yếu là do hoàn cảnh, như mật độ dân số thấp, môi trường khắc nghiệt và không màu mỡ, đây vốn [là những thứ] không đáng để tranh giành.
Nhưng trong tất cả xã hội – kể cả những xã hội không hề có chiến tranh – có những nhóm-gây hấn bằng bạo lực và vấn đề này xảy ra rất nhiều: các xã hội truyền thống có tỉ lệ giết người cao hơn các xã hội nhà nước hiện đại.
Vấn đề này chủ yếu là vì các xã hội truyền thống thiếu một hệ thống tư pháp để trừng phạt những kẻ dùng bạo lực. Nếu không có hệ thống tư pháp, nạn nhân của các gia đình có người bị nạn sẽ cảm thấy rằng nhiệm vụ của họ là trả thù cho tội ác và điều này sẽ dẫn đến việc giết người để trả thù rất phổ biến.
Rõ ràng, một trong những lợi ích lớn nhất của việc có nhà nước là định chế này có khả năng kiềm chế bạo lực bằng cách thực thi hòa bình và trừng phạt bọn tội phạm.
Các xã hội truyền thống giải quyết xung đột bằng cách thiết lập lại các mối quan hệ – Các cơ quan tư pháp hiện đại có thể học hỏi quan điểm này.
Như ta đã thấy, các xung đột và tranh chấp tồn tại trong các xã hội truyền thống, nhưng chúng lại được giải quyết rất khác nhau trong các xã hội có nhà nước.
Khi các tranh chấp cần được giải quyết trong những xã hội truyền thống thì điều được nhấn mạnh là thiết lập lại mối quan hệ hòa bình trước đây giữa hai bên, để họ có thể tiếp tục sống cùng nhau trong xã hội đoàn kết của mình.
Để đạt được điều này, việc cần thiết là bên vi phạm phải bày tỏ sự hối lỗi chân thành do đã gây thiệt hại cho nạn nhân.
Ngoài ra, họ còn phải cung cấp một số hình thức bồi thường nhằm bù đắp những mất mát cho nạn nhân. Nhưng trên thực tế khoản bồi thường này, được biết đến ở Papua New Guinea như là “tiền sori” cũng có mục đích khác: chấp nhận sự hối lỗi và lời xin nhận lỗi của người phạm tội.
Hãy so sánh điều này với các nhà nước hiện đại, khi các tranh chấp không được hai bên giải quyết với nhau thì thường sẽ kết thúc bằng một trong 2 loại hình của tòa án.
[Tòa án] hình sự (Criminal justice) nhằm mục đích trừng phạt những cá nhân phạm tội chống lại luật pháp của nhà nước.
[Tòa án] dân sự (Civil justice) nhằm mục đích lấy bồi thường từ bên phạm tội cho nạn nhân không bị thương tích.
Như ta thấy, cả hai loại tòa án này đều không có mục đích thiết lập lại mối quan hệ hòa bình giữa hai bên. Trong thực tế, một số trường hợp giải quyết bằng tòa án làm cho mối quan hệ của hai bên trở nên tồi tệ hơn.
Đây là một đấu trường mà bộ máy quyền lực trong xã hội hiện đại có thể học được từ các xã hội truyền thống: hệ thống tư pháp của ta nên có nhiều nỗ lực hơn nữa để giúp hai bên hòa giải.
Trong bối cảnh dân sự, điều này có thể thực hiện bằng việc đào tạo và tài trợ cho nhiều người hòa giải giúp giải quyết tranh chấp trong phòng xét xử.
Trong lĩnh vực hình sự, chương trình được biết dưới tên công lý phục hồi (restorative justice) có thể giúp đỡ. Ở đây, nạn nhân và người phạm tội, nếu muốn, sẽ được khuyến khích trò chuyện trực tiếp với nhau. Mục đích [của việc] này nhằm giúp những người phạm tội chịu trách nhiệm về hành vi của mình và đạt được sự thương thảo với các nạn nhân. Trên thực tế, một vài cuộc thử nghiệm về các loại chương trình này đã đạt được nhiều kết quả đầy hứa hẹn, chẳng hạn như những người phạm tội ít có xu hướng tái phạm tội và các nạn nhân cảm thấy bớt sợ hãi.
Con người trong các xã hội truyền thống nuôi dạy con cái rất khác với con người trong các xã hội hiện đại.
Trong các nhóm săn bắt-hái lượm, những người mẹ đáp ứng nhanh và tốt bụng đến đáng kinh ngạc. Những đứa trẻ sơ sinh ở bên cạnh mẹ cả ngày lẫn đêm. Chúng có thể bú bất cứ khi nào chúng muốn, ngay cả khi người mẹ đang ngủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi đứa trẻ bắt đầu khóc, chúng hầu như được dỗ dành an ủi và đáp ứng rất nhanh dưới 10 giây.
Trong các xã hội hiện đại, một số người có thể coi việc chăm sóc chu đáo của cha mẹ như vậy là có hại và có khả năng bóp nghẹt cho tính độc lập của trẻ. Nhưng điều này không được chứng minh bởi sự thật là những đứa trẻ trong các xã hội truyền thống lớn lên rất tự tin và tự chủ (autonomous), một thực tế đã được ghi nhận bởi nhiều nhà quan sát.
Khi những đứa trẻ lớn lên trong xã hội truyền thống, chúng nhận được nhiều sự chăm sóc từ những người quan tâm vốn không phải là của cha mẹ của chúng. Những người này được gọi là những người thân (allo parents), họ có thể là ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em lớn tuổi hơn hoặc cả những người chơi cùng lớn tuổi hơn. Thỉnh thoảng, các bậc cha mẹ có thể đi vắng một thời gian trong nhiều tuần để tìm kiếm thức ăn và săn bắt, trong khi những người thân sẽ chăm sóc đứa trẻ.
Nhóm ảnh hưởng xã hội phong phú này giúp cho những đứa trẻ ngày càng có khả năng xã hội hơn. Hơn nữa, nó sẽ giúp những người bạn chơi cùng lớn tuổi hơn học cách chăm sóc trẻ em, qua đó chuẩn bị cho chúng đối mặt với những thách thức khi sau này chính chúng trở thành các bậc cha mẹ.
Một điểm khác biệt so với các xã hội hiện đại là trong các xã hội truyền thống, trẻ em được giao những vai trò giống người lớn sớm hơn.
Chẳng hạn, các cậu bé [thổ dân bản địa] Sirionó người Bolivia lúc mới 3 tháng tuổi đã được nhận một cung và một mũi tên nhỏ, và bắt đầu luyện tập bắn khi chúng lên 3. Khi 8 tuổi, chúng đã sẵn sàng đi cùng cha mình trong các chuyến đi săn bắt và do đó đóng góp cho xã hội.
Một sự khác biệt khác với các xã hội hiện đại là trong các xã hội truyền thống, các trò chơi của trẻ em hiếm khi mang tính cạnh tranh. Thay vào đó, họ khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ, đây cũng là một phần không thể tách rời của cuộc sống của người trưởng thành trong các xã hội truyền thống.
Các hoạt động nuôi dạy trẻ như thế đã đào tạo đại trà những cá nhân giàu trí tuệ và hạnh phúc trong gần 100.000 năm qua, do đó, ta nên xem xét rõ ràng cách ta ngày nay có thể học được gì từ họ.
Các xã hội truyền thống có xu hướng kính trọng và đánh giá cao người lớn tuổi hơn các xã hội hiện đại.
Các xã hội truyền thống rất khác nhau khi nói đến cách ứng xử với người lớn tuổi.
Ví dụ, ở vùng nông thôn Fiji, con cái ở với cha mẹ lớn tuổi và chăm sóc họ tốt, thậm chí cả nhai nhuyễn-trước thức ăn cho họ nếu cần thiết.
Mặt khác, ở một phía cực đoạn hơn, có những nhóm người lớn tuổi bị bỏ rơi hoặc bị giết nếu không đủ nguồn lực để chăm sóc họ.
Tuy nhiên, nói chung các xã hội truyền thống giữ sự kính trọng đối với người lớn tuổi vì họ đã tích lũy rất nhiều kiến thức có giá trị về những thứ như các huyền thoại, những vùng đất màu mỡ (good foraging grounds) cũng như những cách khác nhau để sử dụng động thực vật.
Hơn nữa, trong nhiều xã hội truyền thống, người lớn tuổi có thể tiếp tục đóng góp bằng bất cứ cách nào: như đã đề cập ở phần tóm tắt trên, họ chăm sóc cháu mình, nhưng cũng săn bắt và tìm kiếm thức ăn từ bất kì loài động thực vật nào phù hợp với khả năng của họ, ví dụ như, những loài vật nhỏ [hay được săn bắt] (smaller game).
Thật tiếc, trong xã hội hiện đại, người lớn tuổi có xu hướng ít được coi trọng, và có rất nhiều bài học mà ta có thể thu nhận được từ các xã hội truyền thống ở khía cạnh này.
Một lí do lớn làm giảm sự kính trọng đối với người lớn tuổi là do [trong thời đại] hiện nay ta có những cách thức khác nhau để lưu trữ kiến thức, làm giảm bớt vai trò của họ như là những kho tàng trí tuệ (reservoirs of wisdom). Nhưng, trên thực tế, những người trẻ tuổi sẽ có lợi rất lớn từ việc nghe trực tiếp về các sự kiện lịch sử như Thế Chiến thứ hai. Thật vậy, một số chương trình giáo dục thực hiện việc này bằng cách đưa những người lớn tuổi đến với học sinh trung học, giúp các em có thể học được những bài học quý giá từ kinh nghiệm trực-tiếp (first-hand accounts) của họ.
Hơn thế nữa, ông bà có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc nuôi dạy con trẻ ngày nay: họ là những bậc cha mẹ có kinh nghiệm, có xu hướng quan tâm chăm sóc cho cháu mình và cha mẹ chúng sẽ có thời gian nghỉ ngơi, vì thế điều này sẽ giúp cho đôi bên cùng có lợi.
Đồng thời, ta nên cố gắng tìm ra những cách thức cho phép người lớn tuổi làm việc nếu họ muốn. Họ phải có khả năng đóng góp vào những lĩnh vực mà họ có kĩ năng và kinh nghiệm với năng lực phù hợp.
Lối sống hiện đại của ta đã mang lại cho ta nhiều mối quan tâm về sức khỏe mà các xã hội truyền thống không có.
Một lĩnh vực trong các xã hội hiện đại được xem là làm tốt hơn các xã hội truyền thống là sức khỏe. Ta đã có thể loại bỏ được nhiều hội chứng và căn bệnh mà con người đã phải chịu đựng trong thế giới truyền thống: bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng, kí sinh trùng, ... Thật vậy, tuổi thọ trung bình của các xã hội hiện đại có thể cao gấp đôi so với các xã hội truyền thống.
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ta đang phải đối phó với các nguyên nhân chính gây tử vong mà chưa từng xảy ra trong thế giới trước đây: các bệnh không-truyền nhiễm (hoặc [gọi tắt là] NCD). Đây là những thứ bệnh như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh thận và ung thư phổi. Trên thực tế, gần 90% tất cả người Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang đọc sách này sẽ chết vì những căn bệnh NCD này.
Vậy những tai họa mới này có nguồn gốc từ đâu?
Những nguyên nhân chính bắt nguồn từ trong lối sống hiện đại của ta.
Trước tiên, ta ít vận động. Trong khi ở các xã hội truyền thống, con người vận động cơ thể khi họ đi săn và tìm kiếm thức ăn, ta chủ yếu chỉ ngồi trước máy vi tính hoặc ti vi suốt ngày lẫn đêm.
Hơn thế nữa, ta có chế độ ăn uống không lành mạnh. Trong khi bữa ăn chính trong các xã hội săn bắt-hái lượm chủ yếu gồm chất đạm và chất xơ, nhưng ta lại ăn [thức ăn] giàu chất carbohydrates [gọi tắt là Carbs], chất béo và đường. Một nghiên cứu cho thấy chỉ hơn 300 năm qua, lượng đường tiêu thụ mỗi người ở Anh và Mỹ [hiện nay] đã tăng gần gấp 4 lần [so với trước].
Chế độ ăn uống hiện đại đang làm cho ngày càng nhiều người mắc bệnh tiểu đường: dự báo vào năm 2030, khoảng 500 triệu người sẽ mắc bệnh tiểu đường, điều này sẽ trở thành một trong những vấn nạn về sức khỏe nghiêm trọng nhất thế giới.
Hơn thế nữa, chế độ ăn uống hiện nay của ta chứa muối nhiều gấp từ 3 đến 4 lần so với những người săn bắt-hái lượm, điều này làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc phải hầu hết những căn bệnh NCD hiện tại. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn là khoảng 75% lượng muối trong cơ thể không đến từ việc ta cho vào quá nhiều mà từ các nhà sản xuất đã thêm muối vào thực phẩm chế biến.
Các bài học cho xã hội hiện đại khá là đơn giản: ta nên luyện tập thường xuyên trong khi hạn chế lượng đường, muối và chất béo, và tránh uống rượu và hút thuốc.
Từ các xã hội truyền thống đến các xã hội hiện đại, tôn giáo vẫn đóng một vai trò không thể thiếu, ngày càng tiến triển.
Một khía cạnh thú vị của nhân loại là tôn giáo luôn luôn là một phần của cuộc sống và luôn tiến triển theo xã hội, cho dù ta nhìn vào các nhóm người săn bắt-hái lượm hay các nhà nước hiện đại.
Có lẽ, tôn giáo đầu tiên xuất hiện do khuynh hướng tự nhiên của con người để tìm kiếm các nguyên nhân sẵn có cho các sự kiện mà ta thấy. Ví dụ, các xã hội truyền thống có xu hướng tin rằng những thứ như dòng sông và mặt trời di chuyển là do các lực lượng siêu nhiên.
Những lời giải thích siêu nhiên tương tự sau đó sẽ được mở rộng cho những vấn đề khó giải thích khác như bệnh tật, cái chết và nguồn gốc của thế giới. Việc cầu nguyện và các nghi thức sau đó nổi lên như là một cách thức đầy hi vọng để gây ảnh hưởng lên các lực lượng siêu nhiên này.
Khi các xã hội ngày càng trở nên to lớn hơn, thì vai trò của tôn giáo ngày càng đa dạng hơn.
Tại thời điểm này, sự bất bình đẳng đang gia tăng khi các thủ lĩnh bắt đầu yêu cầu nộp các khoản thuế và [thu nhận] những vật cống nạp từ thần dân và đưa đẩy họ đến một lối sống tương đối xa hoa. Thông thường, tôn giáo sẽ giúp họ biện minh điều này vì nó sẽ tuyên bố rằng các thủ lĩnh chính là một vị thần và vì thế có thể giúp nông dân nghèo bằng cách mang mưa đến hoặc đem lại một vụ mùa bội thu. Cho nên, việc cống nộp cho người thủ lĩnh dường như bắt đầu được xem là một ý tưởng hay.
Cùng lúc đó, tôn giáo cũng bắt đầu đưa ra những nguyên tắc đạo đức. Điều này xảy ra là do các xã hội đang phát triển quá lớn để dựa vào những mối quan hệ giữa các cá nhân (interpersonal relations) nhằm tránh bạo lực và xung đột: [thật là] cần thiết khi thiết lập được một bộ quy tắc ứng xử lịch sự với những người xa lạ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là các quy tắc này chỉ có thể áp dụng đối với các thành viên trong nhóm. Các xã hội vẫn phải tiến hành chiến tranh chống lại nhau, do đó, các tôn giáo cũng nhấn mạnh rằng nên khinh thường những thành viên trong các xã hội khác.
Nhưng ngày này, vai trò tôn giáo trong xã hội đang bị thách thức: các đạo luật thế tục bắt buộc hành vi dân sự thậm chí không có các biện pháp khuyến khích tôn giáo, trong khi sự gia tăng trong sự thấu hiểu khoa học đã làm giảm nhu cầu cần tôn giáo biện minh về thế giới và làm hạn chế bớt nỗi lo âu hiện sinh (existential angst) trong ta.
Nhưng ngay cả hiện nay, khoa học vẫn không thể đưa ra tất cả câu trả lời mà con người tìm kiếm [tức là chưa giải đáp được tất cả câu hỏi mà con người đặt ra], và do đó có khả năng tôn giáo vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò [quan trọng] lâu dài trong xã hội.
Tóm lại
Thông điệp chính trong quyển sách này:
Thực tế là cho tới ngày hôm qua, tất cả loài người đã sống trong các nhóm nhỏ săn bắt-hái lượm. Thậm chí ngày nay, các xã hội truyền thống cũng có rất nhiều thứ để dạy cho ta: từ việc nuôi dạy con cái đến cách họ giải quyết tranh chấp như thế nào.
Lời khuyên cụ thể:
Cầu viện đến ông bà nuôi dạy con bạn
Một trong những bài học mà cha mẹ trong xã hội hiện đại có thể rút ra từ những người trong các xã hội truyền thống là ông bà có thể là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy con cái của mình. Nếu bạn có một đứa con và sống gần gũi với ông bà, tại sao bạn không thấy rằng nếu họ hứng thú với việc đóng một vai trò lớn hơn trong việc nuôi dạy trẻ, [cụ thể là] bằng cách chăm sóc cho cháu vào một vài buổi tối trong tuần? Họ cũng là những người chăm sóc có kinh nghiệm và thường hạnh phúc khi dành thời gian cho cháu mình, những đứa trẻ sẽ nhận được một môi trường xã hội phong phú hơn để học được cách tương tác trong đó.
Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: The World Until Yesterday: What Can We Learn from Traditional Societies, Blinkist, 2016.