25.5.17

Niết bàn của các nhà kinh tế học (3): Các hiệu ứng



Niết bàn của các nhà kinh tế học (3):

CÁC HIỆU ỨNG

Xin được nói rõ: các nhà kinh tế đã sáng tạo hoặc tưởng tượng cả khối hiệu ứng (hiệu ứng tích tụ, tập huấn, bất ngờ, lấn thế, thu nhập, giá cả...). Chúng tôi chỉ đề cập dưới đây những hiệu ứng mang tên của những tác giả đã xây dựng chúng.
Hiệu ứng Balassa (hay hiệu ứng Balassa-Samuelson)
Ở những nước nghèo, giá cả đi xe taxi, giá cả ăn uống ở nhà hàng và giá cả các dịch vụ khác của địa phương đặc biệt rẻ so với giá cả ở những nước như Pháp hay Hoa KỳTại sao? Đối với Bela Balassa (1928-1991), một nhà kinh tế học người Hungary từng làm việc tại Hoa Kỳ cùng với Paul A. Samuelson (được “giải thưởng Nobel kinh tế” năm 1970), điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Một phần khác của câu trả lời xuất phát từ tỷ giá hối đoái có hiệu lực tại quốc gia đó. Tỷ giá hối đoái được xác định bởi nhu cầu cân đối các hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng những người lao động sản xuất ra các hàng hoá xuất khẩu, nói chung, có năng suất lao động thấp hơn đáng kể so với những người lao động ở Pháp, dẫn đến tỷ giá hối đoái thấp hơn giữa nước có liên quan và Pháp, nếu không thì giá bán các sản phẩm được Pháp nhập khẩu sẽ đắt quá và sẽ không bán được hoặc bán không nhiều.
Bela Balassa (1928-1991)
Paul Samuelson (1915-2009)
Ngược lại, trong các dịch vụ của địa phương, năng suất lao động không khác biệt nhiều giữa hai nước: người lái xe taxi người Miến Điện (ví dụ) lái xe với vận tốc cũng nhanh gần bằng so với người lái xe taxi người Pháp, và không cần nhiều hơn thời gian (thậm chí thường mất ít thời gian hơn) để chuẩn bị và phục vụ một bữa ăn tại một nhà hàng Ấn Độ so với tại một nhà hàng Pháp. Nhưng khách du lịch đến Ấn Độ, nhờ tỷ giá hối đoái thấp, đổi được nhiều đồng nội tệ hơn với đồng euro. Khi mua dịch vụ [ở Ấn Độ], giá cả sẽ đặc biệt rẻ hơn rất nhiều so với những dịch vụ tương tự ở Pháp. Đây là hiệu ứng Balassa, giải thích rằng, về “tiêu chuẩn sức mua”, một người phương Tây có thể sống như một vương công ở Ấn Độ... nhưng với điều kiện là mua các sản phẩm của địa phương, chứ không phải các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, ngược lại, khi mà khoảng cách phát triển giữa các nước thu hẹp càng nhiều, thì hiệu ứng Balassa càng ít hiệu quả, bởi vì khi đó tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và đồng euro có xu hướng tăng lên.
Hiệu ứng Pigou (và hiệu ứng Keynes)
Alfred Marshall (1842-1924)
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Là một người bạn và đối thủ của Keynes, Arthur Cecil Pigou (1877-1959), giáo sư tại Đại học Cambridge (nơi ông đã kế thừa Alfred Marshall ở vị trí nổi tiếng là giáo sư chuyên ngành kinh tế của Đại học Cambridge, một vị trí mà Keynes cũng quan tâm) đã cố bảo vệ một cách tuyệt vọng tư tưởng tân cổ điển chính thống vào những năm 40, thậm chí trong khi cuộc cách mạng keynesian đã cuốn đi tất cả trên đường đi của nó. Hiệu ứng mang tên ông là một trong những nỗ lực của ông. Hiệu ứng đó bắt đầu từ một giả thuyết: giả định rằng tất cả giá cả đều giảm, điều mà chúng ta gọi là “giảm phát”. Đây là một tin tốt lành đối với mỗi cá nhân, nhưng, theo lời giải thích của Keynes vào thời đó, đó không phải là một tin tốt lành đối với nền kinh tế nói chung (hay nền kinh tế vĩ mô). Người mua, khi thấy giá cả giảm, có xu hướng trì hoãn một phần khả năng mua hàng của họ, với hy vọng hưởng lợi sau này khi giá cả giảm thêm nữa. Ngoài ra, một số khoản chi tiêu khác lại đắt hơn, bởi vì trái với việc thu nhập có xu hướng giảm, các khoản chi tiêu đó không giảm giá khi mà các hợp đồng đã ký không được đàm phán lại: trả nợ vay, tiền thuê nhà, thuế thu nhập, tiền bảo hiểm, v.v. bao nhiêu hậu quả dẫn đến việc hạ thấp hơn mức sống của các hộ gia đình và giảm mức hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm cho toàn bộ nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy thoái.
John M. Keynes (1883-1946)
Don Patinkin (1922-1995)
Đối với Pigou, sự lo sợ này không có cơ sở. Khi giá giảm, thì sức mua của tiền mặt (tiền giấy và tiết kiệm có tính thanh khoản) của cá nhân (doanh nghiệp và hộ gia đình) tăng. Mỗi cá nhân sẽ không thấy cần thiết phải giữ một lượng tiền mặt quan trọng để đối phó với các khoản chi tiêu đã được tính trước và họ sẽ chuyển một phần tiền mặt dư thừa này cho các khoản chi tiêu nhu cầu bổ sung. Đây là hiệu ứng Pigou, một hiệu ứng có thể phá sạch vòng tròn luẩn quẩn giảm phát được Keynes mô tả. Ngoại trừ một điều cho thấy có lẽ Pigou hơi quá lạc quan. Và nếu mọi người đều nghĩ rằng giá cả sẽ tiếp tục giảm nữa và chờ đợi để chi tiêu lượng tiền mặt dư thừa của mình, hoặc tranh thủ để trả nợ? Còn gì nữa đâu sự bật dậy của khả năng tiêu thụ: bị đóng khung trong cái vòng giảm phát, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chìm sâu [vào cái vòng đó]. Và trên thực tế, tình trạng giảm phát thực tế (ở Nhật Bản, ví dụ) xác thực cách tiếp cận của Keynes hơn là hiệu ứng Pigou.
Tuy nhiên, hiệu ứng Pigou đã có một cuộc sống thứ hai, nhưng bằng một cách nào đó theo chiều ngược lại. Khi giá của một số tài sản nào đó tăng – bất động sản, ví dụ –, thì chủ sở hữu của các tài sản này làm giàu. Điều mà Don Patinkin, một nhà kinh tế học người Mỹ, đặt tên (vào những năm 1960) là “hiệu ứng tiền mặt thực tế”, có thể thúc đẩy một số chủ sở hữu, những người nắm giữ những tài sản bảo đảm vững chắc hơn trong con mắt của các ngân hàng, vay tiền để làm giàu hơn nữa. Sự tăng giá tài sản này, và được duy trì như vậy (sự tăng giá duy trì sự tăng giá), có thể dẫn đến hiện tượng bong bóng đầu cơ mà sớm muộn gì cũng bùng nổ, như cuộc khủng hoảng các khoản cho vay dưới chuẩn đã chứng minhTrớ trêu thay, hiệu ứng Pigou đảo ngược này (bởi vì nó có hiệu lực khi giá các tài sản tăng) từ nay được gọi là hiệu ứng Keynes. Sự báo thù là một món ăn lạnh.
Hiệu ứng Veblen
Thorstein Veblen (1857-1929)

Thorstein Veblen (1857-1929) là một nhà kinh tế học người Mỹ, có lẽ do nhìn xã hội mà ông sống bằng con mắt phê phán (ông xuất thân từ một gia đình gốc Na Uy sống rất giản dị), ông đã xuất bản vào năm 1899 một cuốn sách đã làm cho ông nổi tiếng: The Theory of The Leisure Class [Lý thuyết về tầng lớp nhàn rỗi]. Trong cuốn sách đó, ông bóc vỏ một ngàn lẻ một cách mà một người đã từng thành công về mặt vật chất trong cuộc sống bộc lộ sự thành công đó: các quần áo, các bữa ăn, sử dụng từ vựng, giọng nói, nhà ở, v.v.. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng các tầng lớp xã hội ngay dưới tầng lớp nói trên cũng bắt chước lối sống ấy để cố tiếp cận sự thừa nhận tương tự về mặt xã hội: đó là hiệu ứng Veblen, dựa trên cơ sở của sự bắt chước, mỗi người rập khuôn theo lối sống của tầng lớp xã hội cao hơn mình một bậc.
Hiệu ứng Q của Tobin
James Tobin (1918-2002)
Việc truyền tải sang nghĩa đen của tiếng Pháp đối với các thuật ngữ Mỹ không phải là điều thanh lịch nhất, và người ta cũng không chắc là nó có biểu dương hay không sự vinh quang của James Tobin, nhà kinh tế học người Mỹ (1918-2002, được “giải thưởng Nobel kinh tế” vào năm 1981), ít nhất là tại các nước nói tiếng Pháp (mẫu tự Q trong tiếng Pháp phát âm tương tự như từ “cul”, có nghĩa là moont – ND). Chữ “Q” (không có ý nghĩa đặc biệt nào) đo lường mối quan hệ giữa giá trị trên thị trường chứng khoán của một doanh nghiệp với giá trị kinh tế được gọi là giá trị “thay thế” (cần phải tốn bao nhiêu tiền để khôi phục lại một doanh nghiệp tương tự nếu chẳng may nó phá sản?). Nếu giá trị trên thị trường chứng khoán (điều thường được gọi là “thị giá vốn cổ phần”) vượt quá giá trị thay thế, thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có lợi khi đầu tư, bởi vì thị trường (chứng khoán) sẽ làm tăng giá trị các tài sản nhiều hơn so với giá trị hiện có của chúng. Và nếu là điều ngược lại (giá trị trên thị trường chứng khoán thấp hơn giá trị thay thế), thì các cổ đông có lợi khi bán chúng, bởi vì doanh nghiệp sẽ thu về ít hơn so với giá trị hiện có của nó. Hiệu ứng “Q” này trái với định lý Modigliani-Miller (xem Định lý Modigliani-Miller), nhưng hiệu lực của nó dựa trên một giả thuyết đặc biệt bấp bênh: thị trường chứng khoán đánh giá khá chính xác giá trị của một doanh nghiệp. Đó là điều mà chúng ta có thể nghi ngờ...
Trên thực tế, Tobin nổi tiếng hơn vì đề xuất của ông về việc đánh thuế các giao dịch ngoại hối, nhằm “gây rắc rối một chút cho hoạt động của các thị trường tiền tệ quốc tế” được ông đánh giá, trong đường lối của Keynes, là gây bất ổn định do tạo ra quá nhiều hoạt động đầu cơ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les lois, les théorèmes, les courbes..., Les Dossiers d’Alternatives Economiques, Hors-série no 4, septembre 2016.
Print Friendly and PDF