23.5.17

Kinh tế học vĩ mô mới



KINH TẾ HỌC VĨ MÔ MỚI

New Macroeconomics
® Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976 HAYEK, 1974 LUCAS, 1995
Có lẽ ngày nay việc giảng dạy kinh tế vĩ mô là khó hơn cách đây ba mươi hay bốn mươi năm trước khi mà phân tích dựa trên một mô hình keynesian đơn giản hoá: biểu đồ 450, rồi mô hình IS-LM (hay mô hình Hicks-Hansen) được bổ sung trước tiên bằng một đường Phillips rồi sau đó tính đến những quan hệ với nước ngoài, thường là trong khuôn khổ của mô hình Mundell-Fleming, vốn chỉ là một biến thể của mô hình IS-LM.
Mô hình của sự tổng hợp và việc xét lại mô hình này
Trong nhiều thập niên, trình bày trên là cơ sở của kinh tế học vĩ mô. Cho đến tận những năm 1960, người ta chủ yếu quan tâm đến việc cải tiến và tinh vi hoá những hàm kinh tế vĩ mô chính (hàm tiêu dùng, hàm đầu tư, v.v.). Người ta chứng minh, với giả thiết tính cứng nhắc của lương danh nghĩa, rằng những kết quả keynesian chính hoàn toàn tương hợp với một mô hình tân cổ điển truyền thống. Do điều thường được chấp nhận là lương còn xa mới linh hoạt trong ngắn hạn, nên hình như là một điều tự nhiên khi xem rằng lí thuyết keynesian là xác đáng cho việc nghiên cứu những biến động và mất cân bằng ngắn hạn, còn mô hình cân bằng chung vẫn còn xác đáng để phân tích dài hạn; như thế người ta có thể là một nhà keynesian trong ngắn hạn và là một nhà tân cổ điển trong dài hạn; đó là điều được gọi là trường phái của sự tổng hợp.
Alvin Hansen (1887-1975)
Robert Clower (1926-2011)
Trong những năm 1960, nổi lên nhiều nghi ngờ nghiêm trọng về cơ sở của sự phân biệt trên. Clower nhấn mạnh tính không tương thích của hàm tiêu dùng keynesian, điểm mấu chốt của hệ thống, với một mô hình cân bằng chung: thật vậy, người ta giả định rằng hộ gia đình xem thu nhập của hộ như là cho trước trong lúc trong một mô hình cân bằng chung hộ gia đình được giả định là chọn lượng nhân tố lao động mà hộ muốn cung cấp. Làm thế nào hoà giải một hàm tiêu dùng như thế với lí thuyết kinh tế vi mô chuẩn? 
Đề xuất của Clower là hình dung những cầu thực tế các tác nhân khi hệ thống không ở thế cân bằng. Nếu những giá của cân bằng chung không được xác định, nếu những giao dịch được tiến hành ở ngoài thế cân bằng thì, với những dư cung và dư cầu này, các tác nhân không thể triển khai những kế hoạch được họ dự tính từ các ràng buộc ngân sách của họ. Thật vậy các tác nhân bị ràng buộc, bị hạn mức: những dự án mua sắm (hay bán buôn) những nhân tố hay sản phẩm không thể tiến hành được. Tóm lại, do những hạn mức trên số lượng này các tác nhân sẽ vấp phải những ràng buộc mới. Người lao động bị thất nghiệp sẽ phát ra những cầu (sản phẩm tiêu dùng) không phải trên cơ sở lương lao động người này muốn bán, nhưng trên cơ sở của lương lao động thật sự bán được.
Những gợi ý của Clower được Barro và Grossman (1971), và tại châu Âu được Bénassy, Drèze và Malinvaud lấy lại đã có tiếng vang lớn. Những gợi ý này đã cho phép trang bị những cơ sở kinh tế vi mô cho kinh tế học vĩ mô kiểu keynesian, đồng thời không giải quyết vấn đề dài hạn. Tuy nhiên, lí thuyết mất cân bằng và chương trình nghiên cứu tân keyensian này đã bị sự phát triển của kinh tế học cổ điển mới che khuất trên bình diện quốc tế.
Ở cội nguồn của kinh tế học cổ điển mới
William Phillips (1914-1975)
Robert Barro (1944-)
Kinh tế học cổ điển mới thường bị lẫn lộn với hay được nhận diện như giả thiết dự kiến duy lí, xuất hiện trong những năm 1970 tại Hoa Kì; trào lưu này đã làm thay đổi sâu sắc bộ máy phân tích và có một ảnh hưởng chính trị đáng kể, như được minh chứng qua nhiều cuộc tranh luận về chính sách kinh tế đương đại.
Công trình nghiên của A. W. Phillips năm 1958 đặt một mối quan hệ giữa thất nghiệp và tỉ suất lương danh nghĩa ở Anh từ 1861 đến 1957 và dẫn đến kết luận là tỉ suất biến thiên của lương danh nghĩa có thể được giải thích bằng mức thất nghiệp và tỉ suất biến thiên của mức này.
Tất nhiên ý tưởng cho rằng có một sự đánh đổi giữa gia tăng của lương danh nghĩa và thất nghiệp không phải là một ý hoàn toàn mới. Nếu bài viết trên có được tiếng vang lớn như thế trước hết là vì, theo một cách nào đó, nó khép lại học thuyết Keynes của sự tổng hợp hay tổng hợp tân cổ điển; trong lúc trong học thuyết Keynes đơn giản hoá lương là bất định thì quan hệ Phillips cho phép trang bị phương trình còn thiếu; hơn nữa quan hệ này cho phép trả lời một loạt câu hỏi quan trọng: trong chừng mực nào có một liên hệ giữa gia tăng của lương và sự căng thẳng trên thị trường việc làm? Một mức thất nghiệp có là cần thiết cho sự ổn định của giá cả không? Phải chăng ta có thể lựa chọn giữa việc có ít người thất nghiệp hơn và một lạm phát cao hơn?
Edmund Phelps (1933-)
Milton Friedman (1912-2006)
Nhưng bài viết của Phillips, theo một nghĩa nào đó, là sự đăng quang của học thuyết Keynes của sự tổng hợp cũng là nguyên nhân thất bại của học thuyết này. Chính những phân tích được một số chức trách rút ra từ học thuyết này là đối tượng của nhiều phê phán và kinh tế học cổ điển mới sẽ tập trung tấn công vào đó, từ sự kết hợp của những đóng góp khác nhau của M. Friedman, E. Phelps và J. Muth: vai trò của chính sách tiền tệ, ngụ ngôn các đảo, lí thuyết những dự kiến duy lí.
Bài diễn văn của M. Friedman, được công bố năm 1968, có một tiếng vang rất lớn: một số tác giả tìm thấy trong đó lời giải thích (tiên tri) của hiện tượng đình đốn và lạm phát, của sự trượt dài của các đường Phillips đặc trưng cho thập niên 1970. Tác giả lấy lại khái niệm về lãi suất tự nhiên được Wicksell đề xuất và chỉ ra là phân tích của ông có một khái niệm tương đương chính xác cho thị trường lao động. Từ đó có định nghĩa nổi tiếng về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên: mức do một hệ thống cân bằng chung walrasian tạo ra miễn là hệ thống này bao gồm những đặc điểm cấu trúc của thị trường sản phẩm và của thị trường lao động, kể cả những khiếm khuyết, những thay đổi ngẫu nhiên của cầu và cung, chi phí tìm kiếm thông tin về những việc làm còn trống chỗ và nhân công sẵn sàng làm việc, những chi phí cơ động, v.v.. Từ đó có phê phán vào niềm tin về tính ổn định của quan hệ Phillips: Bao giờ cũng có một đánh đổi tạm thời giữa lạm phát và thất nghiệp, song đánh đổi này là không thường xuyên. Việc đánh đổi tạm thời không bắt nguồn từ bản thân lạm phát, nhưng từ lạm phát không được dự kiến“. Có lẽ đây là mệnh đề then chốt và điểm chốt của dòng tư duy sẽ dẫn đến kinh tế học cổ điển mới mà ta thấy rằng Friedman là người tạo cảm hứng nhưng không vì thế mà là nhà sáng lập trường phái này.
Axel Leijonhufvud (1933-)
Knut Wicksell (1851-1926)
Tiếng vang của phê phán của Friedman không thể làm cho ta quên được là có một phê phán song song của E. Phelps (tác giả này có những quan điểm khá xa với những quan điểm trọng tiền) đối với tính ổn định của đường Phillips vừa tìm cách trang bị cho kinh tế học vĩ mô một cơ sở kinh tế vi mô. Phản ứng lại kinh tế học vĩ mô của một học thuyết Keynes đơn giản hoá, ông minh hoạ giá trị của phương pháp tân cổ điển được ông dùng lại bằng cách bỏ đi tiên đề walrasian về thông tin hoàn hảo. Cũng vào thời kì đó, Clower và Leijonhufvud và trường phái mất cân bằng cũng chứng minh là nên từ bỏ giả thiết người rao giá chi phối toàn bộ các thị trường bằng cách cung cấp một thông tin tức thì và hoàn hảo. Nhưng trong lúc Clower và Leijonhufvud suy ra từ đó rằng tính không hoàn hảo của thông tin dẫn đến những thị trường mất cân bằng thì Phelps lại tìm cách trình bày sự sụt giảm của việc làm và của hoạt động kinh tế trong khuôn khổ tân cổ điển, nghĩa là bằng cách tôn trọng giả thiết cho rằng các tác nhân là duy lí và các thị trường tự cân bằng thông qua giá cả. 
Đối với Phelps, thông tin là không hoàn hảo và do đó là tốn kém; có những khoảng cách, xã hội cũng như địa lí, tách biệt các thị trường với nhau. Để dùng lại hình ảnh của chính tác giả, đó là ngụ ngôn về các đảo: để biết lương trả trên một hòn đảo bên cạnh, một người lao động phải mất một ngày để đến đảo ấy. Như vậy xuất hiện một thất nghiệp tìm kiếm: đối mặt với một sụt giảm của lương thực tế, người lao động sẽ không ra đi vì họ không biết rằng sụt giảm của hoạt động có tính bộ phận hay là tổng quát; nếu họ đi tìm một thù lao tốt hơn chỗ khác, bằng cách chèo sang một đảo khác, thì cung lao động giảm và thất nghiệp tìm kiếm sẽ tăng.
Đóng góp thứ ba có thể được xem như đóng góp trung tâm cho sự nổi lên của kinh tế học cổ điển mới là xưa hơn và tầm quan trọng của nó chỉ hiện ra một cách hồi cố: thật vậy ngay từ 1961, J. F. Muth đã trình bày giả thiết dự kiến duy lí, giả thiết này sẽ cho phép đi xa hơn phê phán của Friedman-Phelps, vốn dựa trên những dự kiến thích nghi. Đối với các tác giả này, chính vì lạm phát không được dự kiến nên mới có khả năng tạm thời đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp; chính vì những dự kiến thay đổi dần theo diễn tiến của quá trình lạm phát mà, trong dài hạn, đường Phillips trở thành thẳng đứng. Muth, khi nghiên cứu những dữ liệu liên quan đến các dự kiến kết luận: “[…], trong một ngành, các dự kiến trung bình tốt hơn những dự kiến của những mô hình ngây thơ. Do đó, xuất phát từ một phê phán những cách hình thức hoá chuẩn của thời bấy giờ những dự kiến, tác giả gợi ý rằng những dự kiến là những tiên đoán có cơ sở về những biến cố tương lai và chủ yếu giống với những tiên đoán của lí thuyết kinh tế xác đáng và ông đề nghị gọi những dự kiến này là những dự kiến duy lí.
Lev Pontryagin (1908-1988)
Do đó có công thức: t-1Xt* = E(Xt\It-1). Giá trị dự kiến của Xt tại thời điểm (t-1), được kí hiệu là t-1Xt*, như vậy là kì vọng toán học của Xt, được tính từ thông tin sẵn có tại thời điểm (t-1), thông tin này được kí hiệu là It-1; do X* là giá trị cân bằng và et là một biến ngẫu nhiên với kì vọng toán học bằng không nên giá trị dự kiến này còn được viết như:
t-1Xt* = X* + et*
Bởi thế trường phái cổ điển mới là sự kết hợp của học thuyết trọng tiền, với giả thiết thông tin không hoàn hảo và tốn kém và cuối cùng với giả thiết những dự kiến duy lí. Có lẽ để đầy đủ hơn phải kể thêm vai trò của những công cụ mới (nguyên lí gọi là cực đại phát triển từ những công trình của nhà toán học Nga L. Pontryagin) được phát triển trong những năm 1960 và cho phép xử lí một cách đầy đủ và dễ dàng hơn việc tối ưu hoá liên thời gian. Khái niệm cân bằng yên ngựa, một khái niệm làm đổi mới hoàn toàn khái niệm cân bằng, dường như chỉ tìm được sự biện minh đầy đủ khi được liên kết với giả thiết dự kiến duy lí. 
Thông điệp kép của kinh tế học cổ điển mới
Friedrich Hayek (1899-1992)
Robert Lucas (1937-)
Trào lưu này được phát triển từ giữa những năm 1970 từ Hoa Kì; những nhà lãnh đạo chính của trào lưu là R. Lucas (giải Nobel 1995), Th. Sargent, N. Wallace và R. Barro. Các nhà kinh tế này tự nhận họ là những nhà cổ điển vì muốn chỉ rõ sự thừa kế về mặt tri thức với những nhà tiền keynesian, đặc biệt là với Hayek, và đóng lại dấu ngoặc mà Keynes đã, một cách bất chính, mở ra. Điều được nhấn mạnh là những hành vi cá thể, do các thị trường luôn ở thế cân bằng nên giá cả tự điều chỉnh rất nhanh. Những hiệu ứng bất ngờ và thay thế liên thời gian sẽ có một vai trò vô cùng quan trọng. Ở đây chúng tôi đặt ưu tiên cho một thông điệp kép: một mặt, chính sách điều tiết tình thế, theo các nhà cổ điển mới, hoàn toàn không có hiệu quả (nguyên lí bất biến); mặt khác, phải từ bỏ cách mô hình hoá kinh trắc vĩ mô truyền thống.
Neil Wallace (1939-)
Thomas Sargent (1943-)
Về điểm thứ nhất, ở đây cần phải trích dẫn Sargent và Wallace (1976): “Trong hệ thống này, không có chỗ cho một chính sách ngược chu kì. Để tận dụng đường Phillips, bằng cách này hay cách khác, phải đánh lừa công chúng. Nhưng, do có giả thiết những dự kiến duy lí, các giới chức trách không thể sử dụng bất kì quy tắc nào có tác động ngược với hi vọng đánh lừa được công chúng một cách có hệ thống. Điều này có nghĩa là giới chức trách không thể khai thác đường Phillips, cho dù chỉ trong một thời kì. Như thế, việc kết hợp giả thiết tỉ suất tự nhiên và giả thiết dự kiến duy lí làm cho giả thiết đầu, từ một điều lạ lùng … biến thành một giả thiết có những hệ quả tức thì và triệt để đối với tính khả thi của một chính sách ngược chu kì”.   
Trước hết đoạn trích dẫn trên là lí thú vì chỉ ra cơ sở của điều đôi lúc được gọi là nguyên lí bất biến, hay tính không hiệu quả của những chính sách ngược chu kì; kinh tế cổ điển mới đi xa hơn những đề xuất của Friedman về tính không ổn định của đường Phillips; đối với Friedman, còn có một đánh đổi tạm thời giữa lạm phát và thất nghiệp; đường Phillips dài hạn tất nhiên là thẳng đứng nhưng vẫn có một họ những đường Phillips ngắn hạn có những đặc tính tốt. Ngược lại, đối với Lucas và kinh tế học cổ điển mới thì đường Phillips là thẳng đứng, trong dài hạn cũng như trong ngắn hạn.
Đoạn trích dẫn trên còn có một ích lợi khác, đó là lời nhắc nhở của ngay chính những tác giả tạo lập trường phái này là không thể đồng hoá kinh tế học cổ điển mới với giả thiết những dự kiến duy lí hay qui kinh tế học cổ điển mới về giả thiết những dự kiến duy lí. Tính không hiệu quả của chính sách ngược chu kì quả thật là kết quả của việc vận dụng đồng thời hai giả thiết, giả thiết tỉ suất tự nhiên và giả thiết những dự kiến duy lí. Do đó ta sẽ bớt ngạc nhiên hơn trước việc những mô hình hoá khá xa với những mô hình hoá của kinh tế học cổ điển mới thường xuyên sử dụng giả thiết những dự kiến duy lí.
Thông điệp trung tâm thứ hai là phê phán việc sử dụng truyền thống các mô hình kinh trắc. Quan điểm của Lucas (1972) là không nhập nhằng: Do cấu trúc của một mô hình kinh trắc gồm những qui tắc ra quyết định tối ưu của các tác nhân kinh tế và những qui tắc tối ưu thay đổi một cách có hệ thống với những thay đổi của cấu trúc của những chuỗi xác đáng đối với người ra quyết định, nên mọi thay đổi của chính sách sẽ làm thay đổi một cách triệt để cấu trúc của các mô hình kinh trắc […] [kết luận này] kéo theo là những so sánh, với sự hỗ trợ của những mô hình kinh trắc hiện nay, những hiệu ứng của những qui tắc chính sách là không có giá trị mặc dù hiệu năng của những mô hình này trên thời kì quan sát hay của việc dự báo ngắn hạn ex ante.
Tóm lại, những mô phỏng, từ những mô hình hiện có, về mặt nguyên tắc, không thể cho được bất kì thông tin có ích nào về những hệ quả thực tế của những chính sách đối chọn khác nhau. 
Kết luận trên được suy ra từ việc xem xét chính những phương trình được sử dụng trong các mô hình kinh trắc tiêu biểu. Lucas nói rằng cách làm thông thường là ước lượng một hàm (ví dụ hàm tiêu dùng) và tiếp đó sử dụng quan hệ đã được làm rõ bằng cách này để tiến hành những dự báo tiêu dùng với những giả thiết hay kịch bản khác nhau.
Kiểu sử dụng như thế dựa trên một giả thiết ngầm: quan hệ kinh trắc được giả định là ổn định trong những giả thiết khác nhau hình dung được. Lucas bảo vệ ý là những giáo huấn của lí thuyết động cho thấy rằng không thể giữ lại giả thiết này và do đó ta có thể chờ đợi là những phương trình hành vi thay đổi khi những giả thiết được chọn thay đổi. Những thay đổi trong các quan hệ hành vi xuất phát từ những thay đổi trong các quan hệ và phản ứng của các tác nhân đối mặt với một chân trời kinh tế đã thay đổi.  
Bên kia kinh tế học cổ điển mới (NCE) là kinh tế học keynesian mới (NKE)
David Romer (1958-)
Gregory Mankiw (1958-)
Tuy nhiên nếu kinh tế học cổ điển mới tỏ ra thống trị trong thế giới anglo-saxon trong những năm 1980 thì mười năm sau đó ảnh hưởng của trường phái này bị những trào lưu tự nhận là kế thừa tư tưởng Keynes đồng thời kế thừa một vài yếu tố của kinh tế học cổ điển mới công kích kịch liệt. Tên gọi kinh tế học keynesian mới chỉ mới xuất hiện gần đây, dù cho thuật ngữ đã được dùng vào đầu những năm 1980 và một trong những lần xuất hiện đầu tiên của thuật ngữ này là trong tựa đề một bài viết của L. Ball, M. G. Mankiw và D. Romer.
Sự đoạn tuyệt với “học thuyết keynesian của sự tổng hợp” hoàn toàn to lớn: thật vậy, điểm xuất phát nằm ở lăng kính kinh tế vi mô, cá nhân luận (phương pháp luận cá thể), đối lập với truyền thống keynesian trước đó vốn dựa trên phương pháp luận tổng thể, lập luận nhiều hơn trên toàn bộ hệ thống kinh tế và xã hội.
Sự đối lập chủ yếu với các nhà cổ điển mới không liên quan đến sự hình thành những dự kiến lẫn việc viện đến phương pháp luận cá thể. Trung tâm của sự đối lập nằm ở chỗ khác: vai trò của các thị trường. Thật vậy, đối với kinh tế học cổ điển mới, giả thiết cơ bản là các thị trường phải được dọn sạch (cleared) [ND] hay nếu muốn nhưng thành ngữ là ít hàn lâm hơn được tẩy thoát sạch bằng sự điều chỉnh của giá cả. Đối với kinh tế học keynesian mới, trái lại, hoạt động của các thị trường không cho phép đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của hệ thống. Trên điểm này, còn phải phân biệt trong nhóm tác giả này, những ai quan tâm đến tính không ổn định của các đường cung với những ai nhấn mạnh đến những vấn đề phối hợp, và cuối cùng với những ai nhấn mạnh đến những thời gian điều chỉnh của giá cả, tức là những hiện tượng nhờn. Nhưng vượt lên trên những khác biệt này là một quan điểm chung: thị trường không đảm bảo cho hệ thống hoạt động có hiệu quả.
Cũng phải làm rõ sự đối lập với các nhà tân keynesian. Trong lúc trào lưu tân keynesian coi tính cứng nhắc (trong ngắn hạn) của giá cả như một dữ kiện cho trước và muốn rút ra từ đó những hệ quả thì các nhà keyesian mới đi tìm những cơ sở kinh tế vi mô của sự điều chỉnh chậm chạp và từng bước này. Đối với nhiều tác giả tự nhận mình thuộc trào lưu kinh tế học keynesian mới thì giá cả có tính nhờn (sticky); việc điều chỉnh giá cả với những biến thiên của số lượng, còn xa mới là tức thì, đòi hỏi thời gian và chính tính nhờn này của những biến giá cả và thù lao cần phải được giải thích. Do đó có sự đồng ý (ít nhất là một phần) với một phần những quan tâm của kinh tế học cổ điển mới, tức là những cơ sở kinh tế vi mô của kinh tế học vĩ mô. 
Có thể cũng nên nói thêm là những tính nhờn nói đến ở đây liên quan đến thị trường sản phẩm (giả thiết menu cost) lẫn thị trường tín dụng (hạn mức tín dụng) cũng như đến thị trường lao động (mô hình người trong cuộc-người ngoài cuộc, những vấn đề thương thảo, lí thuyết lương hiệu quả). Nằm ở trung tâm của những mối quan tâm của kinh tế học keynesian mới không chỉ có vấn đề những đặc thù của hợp đồng lao động. Hoạt động của những kiểu thị trường khác nhau cũng được phân tích kĩ (học thuyết keynesian thông tin), cho dù các tác giả ít nhiều tự coi mình thuộc trào lưu kinh tế học keynesian mới không gắn một tầm quan trọng bằng nhau, tuỳ trường hợp, cho những hiện tượng nhờn, tính cứng nhắc danh nghĩa hay thực tế. Trong số này, một số tác giả thăm dò một hướng khác, vả lại hướng này đã được chính Keynes gợi ý: họ nhấn mạnh là không thể loại trừ rằng việc gia tăng của tính linh hoạt của giá cả có thể làm tăng, chứ không giảm bớt, tính không ổn định. Đặc biệt điều này hiện lên trong việc phân tích những vấn đề mà nợ nần và thị trường tín dụng đặt ra. Cuối cùng, rõ ràng là những vấn đề phối hợp nằm ở trung tâm của nhiều mối quan tâm.
Mặt khác, điều được thừa nhận là những dự kiến duy lí là một ứng dụng của nguyên lí hành vi duy lí vào việc thu thập và xử lí thông tin và sự hình thành của những dự kiến. Điều cũng được công nhận là nguyên lí không hiệu quả, tính bất lực của chính sách điều tiết kinh tế bằng cầu không trực tiếp gắn với giả thiết những dự kiến duy lí và do đó không thể nào lẫn lộn hay đồng nhất kinh tế học cổ điển mới với những dự kiến duy lí: nếu kết hợp những dự kiến duy lí với biểu trưng cổ điển của nền kinh tế chủ yếu dựa trên giả thiết tỉ suất tự nhiên thì không phải là một điều ngạc nhiên khi đi đến kết luận kiểu Lucas-Sargent-Wallace về tính bất lực, không hiệu quả của chính sách kinh tế. Nhưng thử giả định rằng các tác nhân có một biểu trưng keynesian (chứ không còn là một biểu trưng cổ điển nữa) về hoạt động của nền kinh tế thì, trong trường hợp này, những dự kiến duy lí, thay vì làm cho chính sách kinh tế bất lực, ngược lại, lại làm cho chính sách này hiệu quả hơn. Đối với nhiều tác giả tự nhận mình thuộc trào lưu kinh tế học keynesian mới, khái niệm dự kiến hiện nay là một điểm xuất phát có ích cho việc mô hình hoá.
Đi đến một trường phái tổng hợp mới?


Trong hai mươi năm nữa, trong số tất cả những phát triển tinh vi này, phát triển nào sẽ được các nhà kinh tế hợp nhất vào biểu trưng về hoạt động của thế giới? Tổng hợp cổ điển keynesian”, một trào lưu tư tưởng thống trị rộng rãi cách đây vài thập niên đã thấy ảnh hưởng của nó bị đánh bạt bởi sự phê phán và lớn mạnh của trường phái trọng tiền (M. Friedman) rồi của kinh tế học cổ điển mới. Đến lượt kinh tế học cổ điển mới bị phản bác, ta có thể tự hỏi phải chăng vào đầu thế kỉ XXI đang xuất hiện điều có thể gọi là một trường phái tổng hợp mới? Phải chăng sự hợp nhất của kinh tế học vĩ mô đã ló dạng? Hiện nay có nhiều câu hỏi được đặt ra. Có khả năng là những kiểu mô hình hoá sắp tới sẽ dành một chỗ xứng đáng cho những dự kiến, những quan tâm liên quan đến tính thay thế liên thời gian và tính tiền hậu bất nhất động, những vấn đề tính tin cậy và danh tiếng; cũng phải hình dung đến việc tính đến những hiện tượng có tính dai dẳng và những hiện tượng trễ, việc đưa vào những động thái phi tuyến tính. Do đó phải làm thất vọng những ai hi vọng thấy xuất hiện trở lại một biểu trưng đơn giản kiểu IS-LM; tuy nhiên mô hình thế hệ đan chéo, không được đề cập ở đây, có thể cấu thành một khuôn khổ phân tích sử dụng được ở nhiều cấp độ.


ABRAHAM-FROIS G., chủ biên, La macroéconomie après Lucas, Paris, Economica, 1998. ARTUS P., Macroéconomie, Paris, Économica, 1995. BLANCHARD O. J. & FISHER S., Lectures on Macroeconomics, Cambridge, MIT Press, 1989. MANKIW N. G. & ROMER D., New Keynesian Economics, Cambridge, MIT Press, 1991. ROMER D., Macroéconomie approfondie, McGraw-Hill/Ediscience, 1997.

Gilbert ABRAHAM-FROIS
Giáo sư đại học Nanterre (Paris 10)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Chu kì kinh tế; Duy lí hạn chế (tính); Duy lí tân cổ điển (tính); Dự kiến duy lí; Hệ động trong kinh tế; Keynes (học thuyết); Kinh tế học vi mô.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF