28.5.17

Trong khi theo đuổi lí tính, con người đã đánh mất một phần nhân tính của mình



TRONG KHI THEO ĐUỔI LÍ TÍNH, CON NGƯỜI ĐÃ ĐÁNH MẤT MỘT PHẦN NHÂN TÍNH CỦA MÌNH
Liệu chúng ta có đang tự huyễn hoặc chính mình để tôn thờ thần tượng sai lầm?
Hunter Maats, Katie O’Brien
Loài người thật đáng ngạc nhiên. Con người ta đã tạo ra công nghệ cho phép xử lí hàng ‘zetta byte’ [mỗi zetta byte bằng một ngàn tỉ giga byte] thông tin và in 3D. Những người liệt chi dưới đã có thể đi lại với sự hỗ trợ của bộ quần áo người máy, và những đứa trẻ sơ sinh khiếm thính đã có thể nghe được (lần đầu tiên) nhờ vào việc cấy ghép ốc tai và ta có thể xem tận mắt tất cả điều này trên kênh Youtube. Đáng ngạc nhiên nhất là việc ta hạ cánh thành công một tàu thăm dò xuống một ngôi sao chổi đang di chuyển với vận tốc 80.000 dặm/giờ [= 128.000 km/h]. Loài người đang đến gần với việc chinh phục thế giới vật chất này hơn bao giờ hết. Ta đã trở thành các chuyên gia trong việc chuyển biến các thách thức trong cuộc sống của mình trở nên dễ dàng hơn từ bệnh tật đến nguồn cung thực phẩm hay lao động tay chân.
Và bất chấp tất cả điều này, những cuộc bạo động vẫn nổ ra sau sự kiện ở Ferguson, bang Missouri [Mỹ]. Tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS tiếp tục giành lãnh thổ ở Trung Đông và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân ở các nước phương Tây. Làm sao có thể bất chấp tất cả tiến bộ đã đạt được, mà ta vẫn dậm chân tại chỗ trong việc giải quyết các vấn đề xưa-cũ như chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giáo dục, hoặc môi trường? Tại sao chúng ta lại có vẻ như đang ngày càng xa rời việc giải quyết các vấn đề đời thường nhất mà loài người phải đối mặt, trong khi đang có nhiều nguồn lực đầu tư hơn bao giờ hết cho phép ta tiếp cận các vấn đề từ quan điểm kĩ thuật, khoa học, hoàn toàn thuần lí?
Phải chăng, trong sự hứng khởi về sự tiến bộ công nghệ của mình, chúng ta đang tự huyễn hoặc chính mình để tôn thờ thần tượng sai lầm (false idol)[1]. Ta đã chìm sâu đến mức ám ảnh vào công nghệ, rô-bốt học, dữ liệu lớn (big data) — đó là những thứ lạnh lùng, [đầy các con số] tính toán và duy lí mà ta quên mất rằng thứ tài sản quý giá nhất ta có để giải quyết các vấn đề của loài người chính là nhân tính (humanity) của ta.
Chẳng có cái gì mới mẻ ở đây cả. Từ thời Plato, phương Tây đã tôn thờ lí tính/lí trí (reason) rồi. Đó là khả năng tư duy phê phán vốn làm cho con người tách khỏi những con thú. Lí tính cho phép Plato suy tư triết lí (philosophize), Pythagoras trình bày toán học của mình, và Aristotle khám phá ra dạng tiền thân của khoa học. Lí tính được xem là thứ thuần khiết không bị hoen ố bởi bản năng động vật của ta. Và hệ luận tự nhiên, sau đó, là những cảm xúc (emotions) mới chính là kẻ thù tầm thường và nhem nhuốc, xuất phát từ phần “con” trong mỗi chúng ta. Những cảm xúc như sợ hãi và xấu hổ có thể đập nát chủ nghĩa khắc kỉ của triết gia và khiến họ cúi đầu run rẩy. Ngay cả những cảm xúc được tung hô như tình yêu (có thể là lãng mạn [tình yêu đôi lứa] hay hiếu thảo [tình yêu gia đình]) cũng bị xem thường vì nó là “phi lí tính” (“irrational”). Với cuộc Cách mạng Khoa học, sự sùng bái lí tính của chúng ta chỉ ngày càng tăng. Và hiện nay, ta lại càng dựa dẫm vào máy vi tính và công nghệ hơn bao giờ hết, sử dụng chúng để giảm thiểu và loại bỏ những gì ta gọi là “lỗi của con người” (“human error”). [Quả đúng như vậy thì] dường như Plato đang thắng thế.
Sự trớ trêu, mặc dù ta vẫn tin, là khoa học và cảm tính (emotionality) có thể tồn tại độc lập thì thật ra điều này lại chẳng còn chút gì là khoa học nữa. Từ thời Plato (và không chừng từ trước đó) con người ta đã biết rằng những cảm xúc có thể ảnh hưởng đến quyết định của mình. Trong vài thập niên gần đây, khoa học đã có thể giải thích chính xác ‘những cảm xúc hoạt động như thế nào’, ‘chúng là gì’, … và tại sao việc cố gắng tách bản thân ra khỏi chúng chỉ là một nhiệm vụ [vô ích và vô vọng] như nhiệm vụ của chàng Sisyphe[2]. Khả năng tư duy và khả năng cảm nhận của ta được kết-dính-chặt-chẽ với nhau trong não bộ của mình.
Phần ngoài cùng của não bộ chịu trách nhiệm cho các chức năng bậc cao, bao gồm tri giác và tư duy trừu tượng; đó là cách ta có thể nhận thức về những thứ như mạng internet mà không thực sự nhìn thấy chúng. Nhưng bởi ta có phần não này không có nghĩa rằng bản năng động vật của ta đã biến mất. Sâu thẳm trong não bộ có một cấu trúc gọi là hạch hạnh nhân (uh-MIG-duh-luh), vốn có khả năng dừng tự động khả năng tư duy của ta. Nhìn từ viễn tượng tiến hoá, đây là một bản năng thiết yếu và năng lực ấn tượng [của con người]: khi tổ tiên ta đối diện với thú dữ, họ sẽ không đủ thời gian để tò mò về các giống, loài [động vật], hoặc chiêm ngưỡng hoa văn đẹp đẽ của một con rắn cực độc. Phản ứng tốt nhất lúc đó [của con người] chính là ớn lạnh và bỏ chạy. Cảm xúc sẽ tự động chiếm lĩnh hoàn toàn sự chú ý, và tư duy phê phán bị ngưng trệ. Trong khi may thay tần suất bắt gặp một con vật nguy hiểm muốn tấn công ta đã giảm dần trong thế giới hiện đại, thì phản ứng chiến-đấu-hay-bỏ-chạy vẫn cứ hiện diện trong não bộ ta. Nếu bạn đã từng nghe ai đó nói rằng “tôi quá sợ hãi đến mức chẳng thể nghĩ gì được nữa”, thì họ đang nói thật lòng đấy.
Nỗi sợ không phải là cảm xúc duy nhất có thể chiếm quyền điều khiển suy nghĩ của ta. Sự xấu hổ khiến ta muốn chạy trốn, sự giận dữ khiến ta muốn đập phá (đã bao giờ bạn nghe “cơn giận làm mờ mắt” chưa?), sự phẫn nộ, ghen tị hay những cảm xúc mạnh mẽ khác, tất cả đều có khả năng làm rối loạn tư duy trong hệ thần kinh của ta một cách mạnh mẽ. Dĩ nhiên, ta có khả năng vượt bỏ những cảm xúc này hãy hỏi bất cứ ai từng phẫn nộ khi bị một chiếc xe khác cắt ngang, [cuối cùng] phát hiện ra rằng thì ra là một thằng ‘điên’ đang chở người vợ mang thai đến bệnh viện. Khi ta nhận được một sự giải thích hợp lí, ta có thể tự nhủ rằng cảm xúc là không cần thiết hay chẳng có giá trị gì, và nó sẽ tan biến ngay thôi. Nhưng để thực hiện được cơ chế vượt bỏ [cảm xúc] một cách duy lí thì trước hết bạn cần phải nhận thức được về cảm xúc và cách nó hoạt động. Nếu không công nhận và tôn trọng sức mạnh cảm xúc, thì ta sẽ bị chúng chi phối hoàn toàn.
Trong khi tự thân khoa học thần kinh rất hấp dẫn, thì hệ quả của cách ta sống mà không cần thấu hiểu cảm xúc từ trước đến nay hẳn là quá tuyệt vời nhỉ. Nhưng trong thực tế, bằng cách phủ nhận sức mạnh cảm xúc, ta đã tự hủy hoại chính mình ngay từ ngày đầu đến trường. Chắc hẳn bất kì ai đi học thì cũng từng trải qua cảm nhận ngồi cạnh một đứa luôn giơ tay xung phong trả lời tất cả câu hỏi. Tại sao những đứa ấy có thể biết câu trả lời ngay lập tức như thế? Việc này nói lên điều gì về tôi? Rồi còn cái cảm nhận ngồi trong lớp suốt buổi mà không hiểu lấy một chữ thầy/cô nói. Trong trường hợp này, ta sẽ làm điều đã luôn được dạy, đó là tìm kiếm lời giải thích hợp lí, và thật dễ dàng tìm ra nó: những bạn khác thì thông minh bẩm sinh, còn tôi thì không. Với tư cách trợ giảng, chúng tôi đã có hơn 10 năm làm việc với vô số học sinh, chúng nói với chúng tôi rằng chúng “đơn giản là dở toán” hoặc “chẳng thể hiểu nổi ông Shakespeare” hay chẳng có “khiếu ngoại ngữ”. Và ngay khi chúng mở những cuốn sách của mình ra thì chúng tôi đã biết chính xác vấn đề của chúng là gì rồi. Chúng nhướng mày, những nếp nhăn lo lắng xuất hiện, và thường chúng sẽ rụt người ra xa quyển sách. Chúng luôn tin rằng chúng sẽ chẳng bao giờ học tốt những môn này, trong khi thực tế đơn giản chỉ là chúng sợ nó [môn học] và đã từ bao giờ hạch hạnh nhân của chúng đã tự ngưng khả năng học tập. Nói cách khác, chính những cảm nhận (feelings) của học sinh về trường học sẽ quyết định thành tích học tập của chúng.
Cách dễ nhất để hiểu tầm ảnh hưởng của sức mạnh cảm xúc lên sự thành công của quá trình học tập là thông qua việc hiểu suy nghĩ của học sinh khi chúng nói rằng chúng “thấy mình ngu”. Chúng tôi đã nghe điều này hết lần này đến lần khác, và mặc dù hầu hết chúng tôi nghĩ rằng ‘ngu’ như là một thuộc tính cố hữu, nhưng thật ra nó lại là một cảm nhận cảm nhận về sự hổ thẹn. Trong một tình huống xấu hổ về mặt xã hội, sự hổ thẹn buộc ta che mặt và chạy ra khỏi phòng. Trong trường học cũng thế, sự hổ thẹn làm ta tránh né nguyên nhân sinh ra nó: các lỗi của mình. Khi học sinh làm bài kiểm tra bị điểm kém, chúng hay che nó lại và nhét vào đáy ba lô, và chẳng bao giờ nhìn lại cả. Dĩ nhiên, vấn đề là các lỗi mắc phải đó chính là thứ ta sẽ sử dụng để từ đó cải thiện [việc học của mình]. Bất kì chuyên gia trong lĩnh vực nào cũng sẽ nói với bạn rằng việc đối diện và sửa chữa các lỗi của mình một cách có hệ thống chính là con đường [tốt nhất] để vươn lên dẫn đầu trong việc học. Những hành động hợp lí tiếp theo sẽ là lấy ra bài kiểm tra điểm kém và sửa các lỗi cho đến khi chắc chắn rằng các lỗi ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra nữa. Nhưng học sinh hiếm khi chọn cách này vì chúng gần như lúc nào cũng nghĩ mình ngu.
Ta trải nhiệm những cảm xúc do trường học mang lại ở phương diện cá nhân, nhưng ta cũng cần phải xem xét trên khía cạnh văn hoá và hệ thống rằng ‘cảm xúc sẽ tác động lên việc học như thế nào’. Cảm xúc kích hoạt ‘lời tiên tri tự đúng’ (self-fulfilling prophecy)[3] trong quá trình học tập. Khi bạn yêu thích một môn học, bạn đang hạnh phúc và sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho nó; dĩ nhiên bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn, điều này khiến bạn tin rằng bạn có năng khiếu trong lĩnh vực này. Còn khi bạn cảm thấy mình ngu thì điều ngược lại sẽ xảy ra. Bạn trốn tránh các lỗi, có nghĩa là bạn sẽ thường xuyên lặp lại chúng, và mỗi khi bạn có một số điểm thất vọng thì càng làm bạn "tin" rằng mình ngu thật. Vòng lẩn quẩn này chính là mối nguy hiểm thật sự của cảm xúc, và nó bắt nguồn từ một hiện tượng gọi là “chủ nghĩa hiện thực ngây thơ” (“naive realism”).
Jonathan Haidt (1963-)
Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ chính là khuynh hướng của con người tin rằng điều ta cảm nhận về thế giới chính là cách thế giới thực tế đang vận hành. Những [thứ mà ta cho rằng đó là] cảm nhận của ta về chính trị, tôn giáo, và đặc biệt là về chính bản thân mình thì đều có vẻ như là chẳng phải là “những cảm nhận” [đích thực] chút nào; bởi ta có xu hướng tin rằng chúng là chân lí thực sự, không thể chối cãi. Nhà tâm lí học Jonathan Haidt từng viết rằng nếu ông ấy có thể “đề cử một ứng cử viên cho ‘trở ngại lớn nhất đối với hòa bình thế giới và hòa hợp xã hội’, thì đó chính là chủ nghĩa hiện thực ngây thơ”. Trong thực tế, đúng như ông Haidt nghĩ, ta không xây dựng niềm tin từ thực tế. Ta bắt đầu với cách ta cảm nhận về một thứ gì đó, sau đó não bộ ta cố gắng tìm những thông tin/sự kiện hiện thực có thể củng cố cho những kết luận đó. Khi học sinh bắt đầu thấy mình ngu, chúng nhặt nhạnh những thông tin để củng cố và giải thích cho ý nghĩ này. “Mẹ tôi nói rằng mẹ chưa bao giờ giỏi môn toán. Vậy chắc mình di truyền từ mẹ khoản này. Mấy đứa khác trong lớp học toán hiểu ngay còn mình thì không. Cũng phải thôi mình dở toán một cách tự nhiên mà. Mình thất bại với môn toán thật rồi”. Chẳng có nhà di truyền học nào công nhận những kết luận kiểu này cả, nhưng đối với một đứa trẻ mới lớn, điều này mang lại cảm thức (sense) hoàn hảo về mặt cảm xúc.
Điều trớ trêu là trong nhiều thập niên, nhiều quốc gia phương Tây đã giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục bằng con đường hoàn-toàn-thuần-lí (all-too-rational way). Các cuộc tranh luận tập trung vào tỉ lệ giáo viên trên học sinh, số lượng máy tính xách tay trên mỗi lớp, và số tiền (đô-la) chi tiêu trên mỗi học sinh mỗi năm. Và trong nhiều thập niên, những con số không hề tăng lên. Ta đầu tư nhiều hơn cho học sinh của mình, nhưng lại không thấy được những kết quả tương xứng. Liệu có nhiều giáo viên hơn, nhiều tiền hơn, nhiều máy tính hơn thì kết quả học tập có tốt hơn không? Sự thật là không điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi ta hiểu là mình cần công nhận và tôn trọng vai trò của cảm xúc trong việc học. Rất nhiều học sinh được tặng những quyển sách giáo khoa mới tinh nhưng chúng cũng chẳng buồn mở ra nữa ấy chứ.
Chúng được tặng máy tính bảng nhưng lại không dùng để xem tài liệu mà chỉ toàn xem kênh Youtube. [Thực tế là thế đó,] chỉ mỗi công nghệ và các nguồn lực đầu tư thôi là chưa đủ.
William Kamkwamba (1987-)

Trong khi ta tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bằng những giải pháp duy lí thì học sinh của các quốc gia có GDP [Gross Domestic Product - Tổng Sản phẩm Quốc nội] thấp lại có thành tích rất tốt, minh chứng cho điều này là điểm PISA (Programme for International Student Assessment - Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế). Thái độ và quan điểm của học sinh về việc học quan trọng hơn bất kì ưu thế nào mà công nghệ hay nguồn lực đầu tư có thể mang lại, điều này ngày càng trở nên rõ ràng. Trong quyển sách The Boy Who Harnessed the Wind (tạm dịch: Chàng trai cưỡi gió), anh William Kamkwamba kể lại câu chuyện đáng kinh ngạc về tuổi thơ của mình ở đất nước Malawi nhỏ bé. Do không có điều kiện đến trường, mỗi ngày anh ấy phải đi bộ đến thư viện địa phương và tự học qua sách. Kamkwamba đã tự mày mò nghiên cứu để lắp ráp một chiếc tua-bin gió từ những đồ ve chai và mang điện về cho thôn mình; còn hiện tại, anh ấy đã diễn thuyết trên TED talk, xuất hiện trên tạp chí Time, và tốt nghiệp Đại học Dartmouth [Mỹ]. Nói về lí, có nhiều nguồn lực đầu tư hơn thì có nghĩa là việc học tốt hơn. Nhưng sự thật là việc học là một quá trình không thể tách rời khỏi những cảm xúc. Chừng nào học sinh, phụ huynh, giáo viên và cử tri vẫn chưa đối xứ với những cảm nhận một cách nghiêm túc thì chừng đó ta vẫn chẳng thể có được sự thay đổi sâu sắc trong giáo dục ở bình diện cá nhân, quốc gia và quốc tế.
Trường học là nơi ta lần đầu tiên được dạy là phải hạ thấp giá trị của những cảm nhận và tôn thờ các giải pháp duy lí, và ta mang theo mình điều này đến khi trưởng thành, ở lúc đó nó điều khiển tư tưởng chính trị của mình một cách thầm lặng. Ở Lầu Năm Góc sau ngày 11/09, có rất ít không gian dành cho cảm nghĩ. Quốc gia [Mỹ] đã bị tấn công. Bản thân Lầu Năm Góc cũng bị tấn công. Giải pháp thật đơn giản: tiêu diệt hoặc bắt tất cả những kẻ khủng bố, và [như thế] vấn đề sẽ được giải quyết. Kể từ Thế chiến thứ hai, quan điểm rằng ‘tất cả mâu thuẫn có thể giải quyết bằng vũ lực vượt trội’ đã trở thành tâm điểm trong chiến lược quân sự của Mỹ. Những cuộc tấn công [khủng bố] vào ngày 11/9 [năm 2001] đã trở thành một Trân Châu Cảng thứ hai. Ta đang tham gia vào cuộc Chiến tranh chống khủng bố và các nước Iraq, Iran, Bắc Triều Tiên đều nằm trong phe Trục ma quỷ. Mỹ muốn cuộc xung đột này trở thành một Thế chiến thứ hai khác, nhưng các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan lại nhanh chóng trở thành hai Việt Nam khác. Vẫn còn may là trong hàng ngũ quân đội vẫn còn một nhóm người thấu hiểu những sai lầm của Mỹ ở Việt Nam.
R. McNamara (1916-2009)

Lô-gíc của cuộc chiến tranh chính là ‘giết được càng nhiều tên địch càng tốt là chiến thắng’, và khi hướng tới mục tiêu này thì sự ám ảnh với công nghệ đã thúc đẩy các nỗ lực quân sự của phương Tây trong lịch sử. Máy bay ném bom, tên lửa hành trình hay máy bay không người lái tối tân khích lệ tinh thần ta vì chúng gia tăng hỏa lực cho ta. Cái mạch lô-gíc từ thời Thế chiến thứ hai này chính là cái lô-gíc mà Mỹ áp dụng ở Việt Nam; tuy nhiên, lần này Mỹ càng đem vào nơi đây nhiều hỏa lực thì cuộc xung đột càng trở nên tồi tệ. Công thức đó không còn hiệu nghiệm nữa rồi. Gần 40 năm sau, trong bộ phim tài liệu Fog of War (tạm dịch: Màn sương Chiến tranh), [cựu] Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã nói rằng:
“Trong trường hợp của [chiến tranh] Việt Nam, ta đã không hiểu họ đủ để thấu cảm (empathize) với họ. Kết quả là đã có sự hiểu lầm nghiêm trọng giữa 2 bên. Họ tin rằng ta đơn giản là thay thế người Pháp như là một chính quyền thuộc địa và đã tìm cách biến Nam và Bắc Việt Nam thành thuộc địa, những điều hoàn toàn vô lí. Về phía mình, ta xem Việt Nam giống như một phần của cuộc Chiến tranh Lạnh. Khác với cách họ nhìn nó: một cuộc nội chiến.”
Quân đội Mỹ đã bỏ sót một điều trong những tính toán của mình - những cảm nhận của người Việt Nam. Khi mà những người thân trong gia đình bị giết và tổ quốc bị tàn phá, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi họ ngày càng quay lưng lại với người Mỹ và đứng về phía Việt Cộng! Khi xem xét cuộc chiến Việt Nam thì góc nhìn mang tính thống kê sẽ cho rằng giết được nhiều kẻ thù chính là chìa khóa để giành chiến thắng. Nhưng góc nhìn mang tính thấu cảm (empathetic) mới tiết lộ sự thật đầy nhân tính: trong chiến tranh du kích, giảm thấp nhất số người chết là mấu chốt của chiến thắng. Điều này không có nghĩa là công nghệ không phải là một phần thiết yếu trong cuộc chiến. Nhưng nỗi ám ảnh ta dành cho công nghệ không thể lấn át sự quan tâm ta dành cho con người.
Rút kinh nghiệm từ những bài học từ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ và đồng minh đã thay đổi từ việc cố gắng giết càng nhiều càng tốt những kẻ xấu xa ở Iraq và Afghanistan sang việc cố gắng mang đến hòa bình và an ninh càng nhiều càng tốt cho đại đa số người dân địa phương, mà với họ sự an toàn và hạnh phúc của gia đình là trên hết. Một số bộ tộc người Sunni của Iraq ban đầu còn sát cánh cùng Al Qaeda [một tổ chức hồi giáo cực đoan] thì nay chuyển sang chiến đấu chống lại chúng, đây chính là thành quả của chiến lược [tâm lí chiến] “tranh thủ con tim và khối óc” mới này. Xem xét diễn tiến của chiến lược này thì kế hoạch "Sunni Awakening” (Tạm dịch: “Thức tỉnh người Sunni") như nó được gọi là một thành tựu thực sự đáng ngạc nhiên. Trong các cuộc xung đột như chiến tranh Việt Nam và việc chiếm đóng Iraq và Afghanistan thì sự thấu cảm (empathy) là công cụ mạnh mẽ nhất mà quân đội sở hữu.
Ed Catmull (1945-)

Sự ám ảnh với tính hiệu quả thuần lí bắt nguồn từ kinh doanh, nên chẳng có gì lạ khi những thứ như phân tích thuần số liệu, hệ thống thứ bậc nghiêm ngặt và việc loại bỏ những gì không hiệu quả đã trở thành nền tảng của giới doanh nghiệp. Trong khi phong cách quản lí duy lí, khách quan dĩ nhiên có thể giúp cắt giảm chi phí, nhưng đi kèm với nó là sự mất đi một thứ mà doanh nghiệp (và chính quyền) khao khát hơn bất kì thứ gì khác: đó chính là sự sáng tạo. Trong cuốn sách Creativity, Inc.: Overcoming the Unseen Forces That Stand in the Way of Innovation (tạm dịch: Vương quốc sáng tạo: Vượt qua các Lực lượng Ẩn tàng để Đứng vững trên con đường Đổi mới), [tác giả] Ed Catmull - người đồng sáng lập Pixar với Steve Jobs và John Lasseter - đã nói rằng:
"... Những nhà quản lí giỏi nhất đều thừa nhận và dành chỗ cho những thứ họ không thể biết không đơn thuần chỉ vì sự khiêm tốn là một đức tính tốt, mà còn bởi nếu không thấu hiểu nhận thức đó, thì những đột phá ấn tượng nhất không thể diễn ra. Tôi tin rằng các nhà quản lí phải nới lỏng sự kiểm soát thay vì thắt chặt. Họ phải chấp nhận rủi ro; phải tin tưởng những cộng sự và cố gắng làm quang đãng con đường trước mắt mình; và họ phải luôn luôn chú ý và quan tâm đến bất kì điều gì tạo ra nỗi sợ hãi."
Việc nhấn mạnh của Catmull vào sự khiêm tốn (humility) rất đáng ghi nhận và cùng ý kiến với phần lớn các nghiên cứu về đổi mới. Sự khiêm tốn tạo ra không gian cho phép mọi người chia sẻ ý tưởng của mình. Nó khuyến khích trí tuệ tập thể của nhóm. Mặt khác, trong cái hệ thống thứ bậc, ở đó những vị Tổng Giám đốc Điều hành (CEO - Chief Executive Officer) mong đợi nhân viên của mình chỉ làm những gì được bảo, ở đó chính quyền quy định chính xác những gì giáo viên phải làm, và ở đó quân đội không cho phép binh sĩ trên mặt đất tự làm theo ý mình, [tất cả đều phải] chấp hành theo trí tuệ của một người: đó là trí tuệ của người lãnh đạo. Công ty Pixar đã tạo ra một môi trường có sử dụng những động lực cảm xúc và tâm lí để nhân viên có thể theo đuổi nguyên tắc cốt lõi của mình: hai cái đầu thì thực sự là tốt hơn là một. Dù cho bạn đo lường sự thành công của họ về mặt tài chính hay dựa trên cách những câu chuyện của họ làm bạn rung động thì cách làm của Pixar là rất rõ ràng.
Trong khi những động lực cảm xúc sự nhấn mạnh vào nhân tính được [con người] chia sẻ là một phần chủ đích của văn hóa doanh nghiệp ở Pixar, thì sức mạnh của việc trân trọng nhân tính của mình đã được sử dụng theo những cách khéo léo hơn trong đời sống thường nhật và mang đến những cơ hội to lớn. Ngay bây giờ có thể thấy rõ hơn sự lan tỏa những ý tưởng trong thời kì hiện đại. Vào mùa hè 2014, chương trình Ice Bucket Challenge ALS (tạm dịch: Thử thách Dội nước Đá lên đầu ALS) đã dùng mạng xã hội để gây quỹ 100 triệu đô-la. Con số này thể hiện số tiền đóng góp đã tăng 3.500% so với cùng kì năm trước. Trong khi đa số nỗ lực gây quỹ phải được thúc đẩy thì chương trình Ice Bucket Challenge ALS mới tự thúc đẩy chính mình. Nhìn nhà bình luận xem, chương trình Ice Bucket Challenge ALS là một ví dụ tuyệt vời cho sức mạnh của truyền thông xã hội. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thứ thực sự thúc đẩy truyền thông xã hội không phải là các trang mạng Facebook hay Twitter mà là mong muốn sâu sắc của con người được là một phần của xã hội, chia sẻ những thứ mình quan tâm, giúp đỡ yêu cầu chính đáng, tăng uy tín bản thân, và làm một thứ gì đó vui vẻ và mới mẻ. Thành công của chương trình Ice Bucket Challenge ALS (và của những trang mạng như Facebook hay Twitter nói chung) là bằng chứng cho những gì đã xảy ra khi ta làm việc cùng với nhân tính của mình thay vì chống lại nó.
Nhưng quan trọng hơn hết, bắt tay với nhân tính của mình đòi hỏi ta phải từ bỏ những mong đợi về những thứ mà người ta “nên” phản ứng. Năm 1985, tiểu bang Texas chi khoảng 20 triệu đô-la cho việc dọn rác bị vứt bừa bãi trên đường cao tốc. Các nghiên cứu cho thấy nhóm vi phạm lớn nhất, và hơn xa những nhóm khác, chính là những người đàn ông trong độ tuổi 18-35. Ông Tim McClure (một trong những người trong công ty quảng cáo cố gắng giải quyết vấn đề) miêu tả nhóm đối tượng mà họ muốn tiếp cận này như là “các huynh đệ lái xe tải nhỏ”, những người tin rằng việc xả rác chính là “quyền được Chúa cho phép”. Những người này không thích bị bảo phải làm gì, nhưng họ rất yêu mến tiểu bang quê hương mình. Đó là hoàn cảnh mà chiến dịch “Don’t Mess With Texas” (tạm dịch: “Đừng giỡn mặt với Texas”) ra đời. Những quan chức lớn tuổi, bảo thủ của chính quyền chịu trách nhiệm kiểm duyệt thì không ưng thông điệp này cho lắm, họ thích những câu kiểu như “Giữ cho nước Mỹ Tươi đẹp” hơn (một trong số các vị này thậm chí còn đề nghị thêm chữ “please” (“xin vui lòng”) trước câu “Don’t Mess With Texas”). Tác giả của câu khẩu hiệu này đã lịch sự từ chối. Để có thể kích hoạt cảm xúc của những người đàn ông trong độ tuổi 18 - 35 thì câu khẩu hiệu phải phù hợp với mô thức xấu tính, yêu-mến-Texas của họ. Từ năm 1986 đến năm 1990, chiến dịch “Don’t Mess With Texas” đã làm giảm 72% nạn xả rác trên đường cao tốc. Câu khẩu hiệu này vẫn còn phổ biến đến nỗi 15 năm sau kể từ ngày ông George W. Bush chính thức được chọn là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa [năm 2000], ông đã sử dụng cụm từ này trong bài phát biểu của mình, khiến cho nó phổ biến trên khắp thế giới. Chiến dịch “Don’t Mess With Texas” đã đánh trúng những cung bậc cảm xúc của những người đàn ông Texas. Và chính việc đánh đúng những cung bậc cảm xúc này là yếu tố làm rung động con người và thay đổi cuộc sống.
Và như thế, đã đến lúc ta tự hỏi câu hỏi cuối cùng: nếu cảm xúc và lí tính được liên kết chặt chẽ bên trong não bộ con người thì cảm xúc của lí tính thuần túy (pure reason) là gì? Trên hành trình theo đuổi lí tính thuần túy, ta đã cố gắng trở nên lạnh lùng, vô cảm (unfeeling) và tách rời khỏi những tồn tại người (human beings) đồng loại của mình. Để đạt được “lí tính thuần túy”, ta đã chọn cách không cảm nhận bất kì thứ gì liên quan đến những tồn tại người đồng loại, và để rồi tự hỏi tại sao ta lại không thể hiểu được hành vi của họ. Ta đã tự lấy đi sự thấu cảm của chính bản thân mình. Vì thế, khi bước chân vào kỉ nguyên của Dữ liệu Lớn, ta hãy vui vì điều đó, nhưng ta hãy luôn cảnh giác khi nó đi kèm với sự thấu cảm, vốn cũng quan trọng không kém. Những chuyên gia bị cô-lập-cảm-xúc (emotionally-isolated) lên kế hoạch về giáo dục mà không lắng nghe giáo viên hay học sinh, những tướng lĩnh quân đội đối xử với binh lính và người dân bằng sự kiêu ngạo, những vị Tổng Giám đốc Điều hành không chấp nhận những sai lầm vốn có thể tạo ra sự đổi mới, tất cả họ sẽ biến giấc mộng về lí tính thuần túy của triết gia[4] thành cơn ác mộng tồi tệ.
Nhân loại thật tuyệt vời. Chúng ta có một sức mạnh đáng kinh ngạc để đổi mới, sáng tạo, cải tạo thế giới xung quanh, và để giải quyết các thách thức cản đường mình. Nhưng trước hết, ta cần phải chấp nhận rằng chỉ mỗi mình công nghệ thì sẽ chẳng thể làm cho con người thay đổi. Chỉ có con người mới làm cho con người thay đổi. Ta không phải là máy tính, và đây chính là điều mà ta nên tự hào. Đã đến lúc ta phải giải quyết những vấn đề lớn nhất của loài người theo một cách tiếp cận tươi mới về nhân tính, bằng việc bắt đầu từ cốt lõi của tự thân nhân tính (humanity itself).
Ngày 23 tháng 10 năm 2015
----
Về Hunter Maats & Katie O'Brien
Hunter Maats & Katie O'Brien

Cả hai đều là bạn học ở trường Harvard College. Sau khi tốt nghiệp, họ đã làm việc với hàng ngàn sinh viên thông qua các vai trò trợ giảng, giáo viên, và diễn giả nhằm mục đích giúp học sinh làm chủ của việc học tập của mình.
Đồng thời họ cũng là đồng tác giả quyển sách Straight A-Conspiracy: Your Secret Guide to Ending the Stress of School and Totally Ruling the World (tạm dịch: Mưu đồ điểm A: bản Hướng dẫn Bí mật nhằm chấm dứt sự căng thẳng ở trường và Hoàn toàn làm chủ thế giới của mình) Follow: @HunterMaats, @thisiskatieo.
Võ Đình Thi, Nguyễn Việt Anh dịch
(Các chú thích trong bài là của người dịch.)




[1] “Idol” bắt nguồn từ chữ Hi Lạp “eidolon”, là hình ảnh đã trở thành biểu tượng để được tôn thờ, như thế, dù “hiện đại” đến đâu, ta vẫn thấy rõ ý nghĩa tín ngưỡng cổ xưa của từ này.
Jean-Luc Marion, trong “The Idol and Distance” (Thần tượng và Khoảng cách), có nhận xét rất hay: “Tôi phải gọi tình yêu này là tình yêu của tôi, vì lẽ nó ắt không lôi cuốn tôi như thần tượng, nếu, trước hết, nó không mang lại cho tôi hình ảnh về chính mình, như một tấm gương vô hình. Tình yêu không thể không kết thúc như là yêu chính mình, trong hình ảnh của một sự tự-thần tượng hoá”. Trước tiên, ta “thần tượng hoá” đồ vật hữu hình (túi xách, xe hơi, nhà lầu…), gọi là “bái vật hàng hoá”, sau đó là thần tượng hoá những ham muốn, ý tưởng, lí tưởng, đức tin, hệ tư tưởng vốn là gốc rễ của loại trước, và sau cùng, là đi tìm những giây phút “thăng hoa” cho chính mình, vượt ra khỏi khuôn khổ nhàm chán của đời thường, tự đo mình bằng những thước đo khác, cao hơn.
Trích Bùi Văn Nam Sơn, Nếu không còn … “thần tượng”, Cát Khuê thực hiện, đăng trên báo Tuổi Trẻ Online với nhan đề "Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng".

[2] Sisyphe là nhân vật thần thoại Hi Lạp. Chàng phát hiện hành vi mờ ám và tồi bại của một ông thần chóp bu (Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter, tức thần Zeus bắt cóc) và bị trả thù. Hình phạt dành cho chàng (tại sao chống tiêu cực không được thưởng mà bị phạt?) là phải không ngừng hì hục vần một tảng đá lên đỉnh núi, rồi tảng đá lăn xuống, và lại hì hục! Thần linh có khác: họ có lí khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng. Họ có lí ở chỗ tạo ra được một cái cực phi lí! Khi kể lại thần thoại này bằng giọng văn cảm khái, văn hào Albert Camus viết: “Ta biết từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lí. Chàng tỏ ra phi lí bởi cả những nỗi đam mê lẫn nhục hình của chàng.Thái độ coi thường thần linh của chàng, lòng căm thù cái chết (chàng đã từng bắt trói thần chết khiến Diêm vương suýt thất nghiệp!) và lòng ham mê cuộc sống của chàng đã khiến cho chàng phải chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong được việc gì. Đó là cái giá phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của chàng”.
Trích Bùi Văn Nam Sơn, Hạnh phúc ai bán mà mua, Thời báo kinh tế Sài Gòn Xuân Nhâm Thìn 2012.

[3] Lời tiên tri tự đúng (self-fulfilling prophecy), hay còn gọi là Hiệu ứng Pygmalion, phát biểu như sau:
Nếu một người (hoặc chính ta) nghĩ rằng ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, họ sẽ đối xử với ta theo cách họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, ta sẽ hành xử, và thậm chí trở thành như thế. Do vậy, những “tiên cảm” ban đầu của người đó về ta đã trở thành hiện thực! Tóm lại, một khi ý niệm đã hình thành, thậm chí ngay cả khi nó không đúng với thực tế, ta vẫn có khuynh hướng hành xử theo đó. Và kì diệu thay, kết quả sẽ xảy ra đúng theo kì vọng đó, như thể có phép lạ!
Hiệu ứng Pygmalion mang một ý nghĩa to lớn khi ứng dụng trong quản lí nhân sự và giáo dục, nhất là đối với việc giáo dục các trẻ cá biệt. Người ta thấy rằng nhân viên/học sinh có khuynh hướng thể hiện, hoàn thành công việc tốt hơn khi được cấp trên/thầy giáo tôn trọng, kì vọng, tin tưởng.
Đôi khi người ta còn phân ra làm hai dạng: (1) Hiệu ứng Pygmalion – sức mạnh của sự kì vọng của cấp trên đối với nhân viên (hay thầy giáo đối với học sinh) và (2) hiệu ứng Galatea – sức mạnh của sự tự kì vọng (của nhân viên/học sinh vào bản thân mình). Người ta cho rằng hiệu ứng Galatea (năng lực của sự tự kì vọng) này còn thậm chí còn quan trọng hơn cả hiệu ứng Pygmalion. Do đó, người thầy giáo giỏi phải là người biết truyền cho học trò niềm tin và sự kì vọng vào bản thân mình.
Trích Thùy Dương, Hiệu ứng Pygmalion, dotchuoinon, 2009.

[4] Lý tính thuần túy, theo I.Kant, là loại nhận thức hoàn toàn độc lập với kinh nghiệm, tức là lý tính dựa đơn độc vào chính mình một cách “thuần túy”, không dựa vào kinh nghiệm nào cả mà vẫn cứ [mộng] tưởng có thể đạt được những tri thức có thực về những đối tượng vượt khỏi kinh nghiệm (vũ trụ xét như toàn thể, Thượng đế, linh hồn, tự do, ...).
Tri thức/nhận thức “thuần túy”, tức độc lập với kinh nghiệm không có cách gì kiểm tra được ngoài trừ bằng các quy luật của lô-gíc học nói chung. Nhưng, các quy luật lô-gíc chỉ bảo đảm được việc không mâu thuẫn về mặt hình thức, chứ không phải về nội dung.
Do đó, nguy cơ sai lầm là rất lớn khi tư biện của lý tính thuần túy tự vận hành độc lập: bằng con đường suy luận lô-gíc tưởng rằng rất vững chắc, người ta đi đến những luận điểm siêu hình học không có cơ sở. Nguy cơ này, theo Kant, có thể và cần phải ngăn chặn, khắc phục bằng sự “phê phán lý tính thuần túy”: thẩm tra toàn diện các quan năng nhận thức nói chung của con người và nhất là thẩm tra, giới ước phạm vi của loại tư duy “thuần túy”, độc lập với kinh nghiệm.
Trích I.Kant, Phê phán Lý tính Thuần túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, phần “Chú giải dẫn nhập”, tr.26, Nxb.Văn học, 2007.

Print Friendly and PDF