24.2.18

Bất bình đẳng đã tiến triển ở mọi nơi, nhưng không cùng tốc độ

LUCAS CHANCEL: “BẤT BÌNH ĐẲNG ĐÃ TIẾN TRIỂN Ở MỌI NƠI, NHƯNG KHÔNG CÙNG TỐC ĐỘ”

Christian Chavagneux
Lucas Chancel
Lucas Chancel
Đồng giám đốc, Phòng thí nghiệm về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới và dự án WID.world
Kiến thức về tình trạng bất bình đẳng trên quy mô toàn cầu đang tăng lên. Một nhóm nghiên cứu, trong đó có Facundo Alvaredo, Lucas Chancel, Thomas Piketty, Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, sáng nay, tại Trường Kinh tế Paris (PSE), đã trình bày bản “Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới năm 2018” [“World Inequality Report 2018”]. Một tài liệu dựa trên các dữ liệu độc nhất về tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và của cải, trong khuôn khổ của dự án WID.world. Bài phỏng vấn Lucas Chancel, đồng giám đốc của Phòng thí nghiệm về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới và của dự án WID.world.
Lại các con số về tình trạng bất bình đẳng! Liệu chủ đề này chưa bàn thảo đủ à?
Emmanuel Saez (1972-)
Gabriel Zucman (1986-)
Không hề! Những dữ liệu độc đáo mà chúng tôi huy động được cho phép làm nổi bật nhiều kết quả mới. Kết quả thứ nhất liên quan đến những gì đang xảy ra ở phần đáy của sự phân phối thu nhập ở các nước giàu. Cho đến nay, chúng ta tập trung chủ yếu vào những diễn tiến liên quan đến 1% ở phần trên [của sự phân phối thu nhập], bởi vì chúng ta không có các dữ liệu đáng tin và trong dài hạn về các tầng lớp trung lưu và bình dân. Ví dụ, nếu so sánh những gì đã xảy ra ở Châu Âu và ở Hoa Kỳ từ năm 1980, chúng ta thấy trong cả hai trường hợp một sự gia tăng các mức thu nhập cao. Nhưng chúng ta không nhận thấy ở châu Âu sự suy giảm [thu nhập] của các tầng lớp lao động và một phần của tầng lớp trung lưu, so với những gì chúng ta quan sát được ở phía bên kia Đại Tây Dương.
“Chúng ta không nhận thấy ở châu Âu sự suy giảm [thu nhập] của các tầng lớp lao động và một phần của tầng lớp trung lưu được quan sát thấy ở Hoa Kỳ”
Ở các nước mới nổi, nói chung người ta nhấn mạnh đến việc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt từ thực tế phát triển của châu Á. Tất nhiên là người dân thuộc tầng lớp dưới cùng đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó diễn ra hoàn toàn khác ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Braxin. Cuối cùng, từ lúc mà người ta có thể đánh giá động thái của các tầng lớp dưới cùng và động thái ở các nước mới nổi, thì xuất hiện một hình ảnh đáng tin hơn về tình trạng bất bình đẳng giữa các cá thể ở cấp độ thế giới. Hình ảnh này cho chúng ta thấy, nếu tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng ở mọi nơi, thì sự tiến triển của tình trạng đó diễn ra rất khác nhau theo từng nước, điều này cho thấy có khả năng kiểm soát được tình trạng bất bình đẳng.
Các mức tình trạng bất bình đẳng khác nhau
Phần thu nhập của 10% những người giàu nhất, tính bằng %, vào năm 2016
[Chú thích của ND: Tên nước/vùng lần lượt là: Châu Âu, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ/Canada, Tiểu vùng Sahara Châu Phi, Brazil, Ấn Độ, Trung Đông; Part des revenue détenue par les 10 % les plus aisés: Phần thu nhập của 10% những người giàu nhất.]
Trong những thập niên gần đây, tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng khắp nơi trên thế giới. Nhưng theo những cách khác nhau tuỳ từng khu vực. Tình trạng bất bình đẳng ở châu Âu có tỷ lệ thấp nhất. Bằng chứng là các định chế quốc gia (thuế vụ, dịch vụ công, v.v.) đóng một vai trò quan trọng trong khả năng kiểm soát tình trạng bất bình đẳng.
Nguồn: Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng toàn cầu năm 2018 (có thể truy cập dữ liệu tại wir2018.wid.world)
Tình trạng bất bình đẳng giữa các nước có xu hướng giảm trong những thập niên gần đây. Như vậy, liệu có phải sự gia tăng bất bình đẳng được nêu bật trong báo cáo của các ông là do sự gia tăng bất bình đẳng ở bên trong các nước không?
Tình trạng bất bình đẳng trên thế giới giữa các cá nhân là kết quả của hai tác lực này. Một cách tiên nghiệm, biết được lực nào trội hơn lực nào không phải là một điều hiển nhiên. Một vài nghiên cứu sẵn có có xu hướng cho thấy, do sự tăng trưởng kinh tế ở các nước mới nổi, một sự suy giảm tình trạng bất bình đẳng giữa các cá nhân ở cấp độ thế giới. Nhưng kết quả này được thu thập trên cơ sở những dữ liệu không đáng tin (xem khung dưới đây).
Một công trình thống kê độc đáo
Trong chừng mực nào báo cáo của ông dựa trên các dữ liệu thống kê độc đáo?
Thomas Piketty (1971-)

Đây là lần đầu tiên chúng ta có được các kết quả này từ những dữ liệu thu thập được, mà một phần trong số các dữ liệu đó, nhờ các cuộc tranh luận từ ấn phẩm Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ 21] của Thomas Piketty. Điều này đặc biệt đúng ở các nước mới nổi, nơi mà người ta than phiền rằng các cuộc tranh luận chỉ diễn ra ở các nước giàu. Vì vậy chính phủ của nhiều nước đã công bố các dữ liệu về thuế, điều chưa bao giờ được thực hiện cho đến nay.
Các dữ liệu về thu nhập được sử dụng cho đến nay không cho phép có được một mức độ chính xác giống nhau, bởi vì các dữ liệu đó thường được thu thập từ các cuộc khảo sát các hộ gia đình vốn không nắm bắt được đúng đắn những gì đang xảy ra ở thượng tầng của sự phân phối thu nhập. Chất lượng thông tin về thuế còn hạn chế, chúng tôi nhận thức được điều này, đặc biệt từ thực tế các vấn đề khai man và trốn thuế. Đây là lý do vì sao các dữ liệu của chúng tôi cung cấp một ngưỡng thấp đối với các ước tính về tình trạng bất bình đẳng.
Các dữ liệu của ông không bao gồm phần các tài sản được che giấu ở các thiên đường thuế?
Chúng tôi sẽ cần rất nhiều thời gian để làm tốt được điều như chúng tôi ao ước. Vâng, nhưng chúng tôi đã bắt đầu bằng cách sửa lại các báo cáo khai man thấp đi bằng các con số ước tính của Gabriel Zucman. Ở Nga ví dụ, tình trạng bất bình đẳng gia tăng ở mức độ đáng kể, khi người ta xem xét đến các con số ước tính về những tài sản mà các nhà tài phiệt Nga sở hữu ở hải ngoại.
Con số của chúng tôi cho thấy rằng giữa tác lực hội tụ – có nghĩa là, sự giảm bớt tình trạng bất bình đẳng giữa các nướcvà tác lực phân kỳ – có nghĩa là, sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong các nướcchính tác lực thứ hai nổi trội hơn tác lực kia.
“1% những người giàu nhất thế giới chiếm 16% thu nhập vào năm 1980, ngày nay họ chiếm 20% thu nhập”
1% những người giàu nhất thế giới chiếm 16% thu nhập vào năm 1980, ngày nay họ chiếm 20% thu nhập. Một nửa số người nghèo nhất vẫn ở mức khoảng 9% cùng kỳ nói trên, dù cho có sự tăng trưởng kinh tế ở các nước mới nổi. Ở cấp độ toàn cầu, 1% những người giàu nhất đã thụ hưởng từ sự tăng trưởng hơn gấp đôi so với một nửa dân số thuộc tầng lớp ở dưới đáy, đó là một con số đáng kể.
Những người giàu nhất đã thụ hưởng từ sự tăng trưởng hơn gấp đôi so với những người nghèo nhất
Mức tăng trưởng lũy tích thu nhập trong giai đoạn 1980-2016, theo điểm phân vị trong thang thu nhập, tính bằng %
[Chú thích của ND: Position dans l'échelle des revenue: Vị trí trong thang thu nhập; Croissance cumulée du revenu sur le période 1980-2016: Mức tăng trưởng lũy tích thu nhập trong giai đoạn 1980-2016.]
Chúng ta có thể phân loại những cá nhân hợp thành dân số thế giới theo nhóm tương ứng với mức thu nhập của họ, từ 10% những người nghèo nhất đến 10% những người giàu nhất. Tương tự, chúng ta có thể chia nhỏ nhóm những người giàu nhất để quan sát tình hình của mỗi 1% những người giàu nhất và thậm chí mỗi 0,1% những người giàu nhất. Biểu đồ cho thấy sự gia tăng lũy tích thu nhập của mỗi nhóm trong giai đoạn 1980-2016. Thu nhập của một nửa những người nghèo nhất thế giới đã tăng 12% và thu nhập của 1% những người giàu nhất đã tăng 27%, tức hơn gấp đôi, trong giai đoạn 1980-2016.
Nguồn: Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng toàn cầu năm 2018 (có thể truy cập dữ liệu tại wir2018.wid.world)
Liệu kiểu phép đo toàn cầu về tình trạng bất bình đẳng này có bị chệch không bởi động thái bất bình đẳng rất cao của Hoa Kỳ?
Rõ ràng, Hoa Kỳ là một tác lực phân kỳ rất lớn, với một nửa người nghèo nhất nước Mỹ có thu nhập hầu như không thay đổi trong ba thập niên qua, với một mức tăng vào khoảng dưới 1%. Ở châu Âu, động thái ít bất lợi hơn (một mức tăng từ 20 đến 30% tùy theo nước) nhưng chưa tốt. Nhưng nếu rút Hoa Kỳ ra khỏi tổng thể, chúng ta cũng không có được một kết quả khác một cách triệt để. Dạng thức toàn cầu của tình trạng bất bình đẳng vẫn như cũ: một mức tăng nhẹ thu nhập của những người nghèo nhất, một suy giảm thu nhập của tầng lớp trung lưu, một mức tăng mạnh thu nhập của những người giàu nhất.
Khi nói về 1% những người giàu nhất trên thế giới, thì có bao nhiêu người?
Có khoảng 70 triệu người, ngang quy mô dân số một quốc gia như nước Pháp. Nếu lập luận với dân số trưởng thành, thì có khoảng 40 triệu người và tương ứng với một mức thu nhập 330.000 euro/ người trưởng thành/ năm. Còn một nửa những người nghèo nhất thế giới, những người có thu nhập dưới 3.200 euro/ người trưởng thành/ năm, thì có 3,5 tỷ người.
1% những người giàu nhất sống ở những nước nào? Điều này có thay đổi không trong những thập niên gần đây?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi ghi nhận một mức tăng rất lớn những người giàu nhất thuộc các nước mới nổi trong top 1% và 0,1%. “Kho” người giàu, nếu có thể nói như vậy, phần lớn vẫn là người Mỹ và người châu Âu, nhưng ít hơn nhiều so với trước đây: họ chiếm hai phần ba trong top 1% những người giàu nhất trên thế giới vào những năm 1990, ngày nay họ chỉ còn không đến một nửa.
Ông giới thiệu Châu Âu như là một khu vực có tình trạng bất bình đẳng thấp. Nếu xem Liên minh Châu Âu như một tổng thể, thì làm thế nào để định vị lục địa của chúng ta so với Hoa Kỳ?
Khoảng cách này sẽ không thay đổi. 10% những người giàu nhất ở Tây Âu tập trung 37% thu nhập vào năm 2016. Nếu thêm các nước Đông Âu, thì tỷ lệ này là 38%.
Ông mô tả nước Pháp như thế nào trong bức tranh toàn cầu này?
Nước Pháp cũng không là ngoại lệ. Chúng ta đã ghi nhận một tăng trưởng mạnh hơn về thu nhập, của cải, thu nhập từ của cải và lương cao của những người giàu nhất so với phần còn lại của dân số. Nhưng Pháp đã làm khá tốt so với các nước khác để đảm bảo một mức tăng thu nhập cho những người nghèo nhất.
Vì đâu? Nhờ các chính sách thuế, đầu tư cho giáo dục, y tế, nói chung cho các dịch vụ công để tất cả mọi người tiếp cận đã cho phép các tầng lớp trung lưu và bình dân ít bị thua thiệt hơn so với nhiều nước khác.
0,1% những người giàu nhất tượng trưng cho bao nhiêu người ở Pháp?
Có khoảng hơn 65.000 người một chút, hay 50.000 người trưởng thành. Mức thu nhập của họ cao hơn 550.000 euro (mức thu nhập trung bình là 33.000 euro) và của cải của họ có giá trị cao hơn 7,5 triệu euro (trung bình 200.000 euro).
Liệu nhóm nhỏ này [0,1% những người giàu nhất] có đóng một vai trò then chốt trong xã hội chúng ta không?
Liệu 0,1những người giàu nhất đó có phải là những người đi đầu lôi kéo việc làm và sự năng động của nền kinh tế không? Lập luận này được dùng để biện minh cho việc triển khai các mức thuế trái luật có lợi cho họ. Nếu không, chúng ta được nói cho biết, thì tất cả họ sẽ ra đi, và đó sẽ là sự hỗn loạn của quốc gia và sự phá sản! Bất chấp diễn ngôn đó, các dữ liệu của chúng tôi cho thấy không có bất cứ dòng chảy nào của các nguồn thu nhập cao và của cải quan trọng thoát ra nước ngoài. Ngược lại, họ đang có một cuộc sống cực kỳ giàu sang với một mức tăng trưởng tài sản còn cao hơn nhiều so với mức trung bình.
“Thuế suất đối với những người giàu nhất lại thấp hơn thuế suất đối với tầng lớp trung lưu”
Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng thuế suất đối với những người giàu nhất lại thấp hơn thuế suất đối với tầng lớp trung lưu: họ đóng thuế theo một tỷ lệ ít hơn! Vì thế, việc giảm thuế cho họ trên cơ sở cho rằng họ sẽ ở một vị thế bất lợi về mặt thuế, đối với chúng tôi, là điều có vẻ như hoàn toàn vô căn cứ.
Liệu nhóm nhỏ này [0,1những người giàu nhất] góp phần vào “cảm giác” bất bình đẳng tới đâu?
Đây là một chiều kích rất quan trọng của cuộc tranh luận. Mức độ bất bình đẳng ở Pháp thấp hơn so với khá nhiều nước khác. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng được cảm nhận mạnh hơn, bởi vì tình trạng bất bình đẳng này hữu hình. Hàng năm, tạp chí này hoặc tạp chí nọ cung cấp cho chúng ta bảng xếp hạng những người giàu nhất và chúng ta thấy được mức tăng trưởng cực độ của các nguồn thu nhập và tư bản của những tài sản rất giàu có này (của cải của những người giàu nhất thế giới tăng 7-8%/ năm so với mức tăng 2% của cải của tầng lớp trung lưu), và các của cải này ngày càng sinh sôi nảy nở và khá hơn.
“Đi theo hướng giảm thuế cho những người có thu nhập cao nhất sẽ góp phần làm tăng tâm trạng ấm ức đối với hệ thống kinh tế
Điều này dẫn đến việc cộng đồng đặt câu hỏi về lý lẽ biện hộ cho một sự tiến triển như vậy và về mức thuế thỏa đáng đối với những của cải đó. Đi theo hướng giảm thuế cho những người có thu nhập cao nhất sẽ góp phần làm tăng tâm trạng ấm ức đối với hệ thống kinh tế và đối với những phát triển của toàn cầu hoá trong 30 năm qua.
Liệu các nhà kinh tế có hay không một sự đồng thuận về một mức độ bất bình đẳng “hợp lý”?
Không, và như thế là càng tốt. Một sự đồng thuận như vậy phải được xác định qua một cuộc tranh luận mang tính dân chủ rộng lớn hơn là các cuộc họp của các nhà kinh tế. Ý tưởng đang chiếm ưu thế ngày nay là nhiều nước đã bước vào vùng báo động màu đỏ về tình trạng bất bình đẳng và ta đang dần dần chuyển, theo những nhịp độ khác nhau, đến các nước khác có tình trạng bất bình đẳng thấp hơn nhưng đang gia tăng, ở nhiều mức độ khác nhau, như ở Pháp chẳng hạn. Đây là thông điệp mà chẳng hạn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra gần đây nhất, đến lượt nó cũng là tổ chức phát ra lời cảnh báo.
Tình trạng bất bình đẳng đặt ra những vấn đề gì?
Joseph Stiglitz (1943- )
Nói về vấn đề thì có rất nhiều. Một xã hội bất bình đẳng sẽ đầu tư kém cho tương lai, cho giáo dục, cho các cơ sở hạ tầng công cộng. Sự lựa chọn đầu tư sẽ không mang tính tối ưu, đó là điều mà nhà kinh tế học người Mỹ Joseph Stiglitz nhấn mạnh. Ngoài ra, kinh tế học hành vi cho thấy rằng một mức độ bất bình đẳng cao tượng trưng cho một sự thoái chí trong công việc, một sự thiếu động cơ làm cho năng suất giảm sút.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng bất bình đẳng và vấn đề sức khoẻ: những xã hội bất bình đẳng bị tâm trạng căng thẳng nhiều hơn so với các xã hội khác, và tâm trạng căng thẳng là nguồn gốc của các chứng rối loạn, các bệnh mãn tính. Về mặt chính trị, tâm trạng ức chế bởi một sự toàn cầu hóa không bình đẳng thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump hoặc ủng hộ kế hoạch Brexit.
Phải chăng chúng ta xứng đáng với tình trạng bất bình đẳng này?
Một trong những kết luận thiết yếu trong báo cáo của chúng tôi là chỉ ra rằng sự gia tăng của bất bình đẳng không phải là một định mệnh. Những lựa chọn mang tính chính trị và thể chế đóng một vai trò then chốt trong việc kiểm soát tình trạng bất bình đẳng. Đó là một thông điệp khá lạc quan, còn có khả năng tác động mà!
Đối với tương lai của tình trạng bất bình đẳng trên thế giới đâu là kịch bản có khả năng xảy ra nhất?
Nếu các xu hướng hiện tại vẫn kéo dài, thì tình trạng bất bình đẳng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dù cho có khả năng tăng trưởng năng động ở các nước mới nổi, đặc biệt do sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong nội bộ các nước. Chúng ta có thể mô hình hóa nhiều kịch bản và chỉ ra rằng nếu tất cả các nước trên thế giới đi theo quỹ đạo chẳng hạn như quỹ đạo của châu Âu trong những thập kỷ qua, thì chúng ta có khả năng đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.
Còn đối với nước Pháp?
Nếu chúng ta tiếp tục giảm thuế cho những người giàu nhất, tiếp tục giảm thiểu các nỗ lực đào tạongân sách cho mỗi sinh viên của ngành giáo dục đại học đã giảm 10% trong vòng 10 năm –, tiếp tục phi chỉ số hóa mức lương tối thiểu của những người có thu nhập trung bình, thì nước Pháp có nhiều khả năng sẽ đi theo xu hướng của những nước có tình trạng bất bình đẳng cao nhất.
Bài phỏng vấn do Christian Chavagneux thực hiện
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF