7.2.18

Kinh tế học mở ra với các khoa học khác

KINH TẾ HỌC MỞ RA VỚI CÁC KHOA HỌC KHÁC

Từ hai mươi năm qua, khoa học kinh tế đã nắm bắt các vấn đề của xã hội, không ngần ngại đặt thành vấn đề các lý thuyết truyền thống mang tính quá lý thuyết.
Hàng năm vào đầu tháng Giêng, toàn bộ giới học thuật đã gặp nhau tại các cuộc họp của Hiệp hội Kinh tế Mỹ. Là một giáo sư kinh tế ở Hoa Kỳ, tôi đã tham dự các cuộc họp đó một cách nghiêm túc. Gần hai mươi năm trước, vào năm 2000, có một nhóm sinh viên người Pháp, trong đó có tôi, đã  một kiến nghị đăng trên báo Le Monde khởi xướng yêu cầu cải cách việc đào tạo trong kinh tế học. Chúng tôi đòi hỏi môn học [kinh tế] cần có sự cởi mở hơn đối với các vấn đề của xã hội và ít bị ám ảnh một cách không có căn cứ hơn bởi các mô hình lý thuyết. Kể từ đó, những tiến bộ đã vượt quá mong đợi của tôi.
Gary Becker (1930-2014)
Một ví dụ: theo lý thuyết kinh tế chuẩn, việc phân biệt đối xử trong tuyển dụng không thể tồn tại bởi vì thị trường sẽ tự động loại bỏ vấn đề đó. Lập luận của Gary Becker, vả lại thu hút rất nhiều sự chú ý, là: những doanh nghiệp nào không phân biệt đối xử sẽ tuyển dụng được người giỏi hơn và cuối cùng thắng được các đối thủ cạnh tranh có phân biệt đối xử của họ. Năm nay, chúng ta đã thấy “người làm vườn bị té nước”: đó là toàn bộ giới kinh tế, những người đã phải học một bài học về sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong các khoa học kinh tế. Và bởi ai? Không hơn không kém bởi một nhóm các nhà kinh tế nữ trẻ tuổi.
Trước một khán phòng đông nghẹt, Alice Wu đã trình bày một bài báo mà bà đã bắt đầu viết khi còn học đại học. Bà đã phân tích các cuộc đối thoại trên một diễn đàn nặc danh, nhắm đến việc trao đổi những thông tin và tin đồn về thị trường lao động của các nhà kinh tế. Vấn đề đặt ra là biết được ai sẽ được trường đại học nào tuyển dụng. Các nhà kinh tế nữ có được đối xử như thế nào trong diễn đàn này so với nam giới? Phân tích chỉ ra rằng phụ nữ thường xuyên là đối tượng của những suy nghĩ và đánh giá lệch lạc hay về ngoại hình của họ hoặc của những bình phẩm có tính tình dục. Ngoài ra, một cuộc trao đổi với phụ nữ về một đề tài học thuật hoặc chuyên môn có nhiều khả năng chệch hướng đến những vấn đề gắn với ngoại hình hoặc cuộc sống cá nhân. Tự thân những cuộc trao đổi này không chứng minh được có sự phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng phụ nữ. Nhưng chúng cho thấy một bầu không khí có thể có tính rất thù địch đối với họ trong giới kinh tế, tạo ra thêm một trở ngại cho sự thành công của họ.
Nghiên cứu này, cùng với nhiều bài viết khác về tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong lòng bộ môn, đã dẫn các giới chức trong Hiệp hội Kinh tế Mỹ phát triển một bộ quy tắc ứng xử nhằm mục đích thúc đẩy quyền bình đẳng. Hiệp hội cũng sẽ lập ra một diễn đàn thảo luận và thông tin, được điều hòa nhằm chấm dứt những ứng xử cực đoan trên diễn đàn nặc danh được Alice Wu nghiên cứu.
David Laibson (1966- )
Một giả thuyết cơ bản khác của lý thuyết kinh tế chuẩn là người tiêu dùng có tính duy lý. David Laibson là giám đốc khoa kinh tế của Đại học Harvard và là một nhà kinh tế học hành vi. Tại một trong các buổi họp toàn thể  sự tham dự của hàng trăm nhà kinh tế, ông đã giải thích rằng người ta không thể kỳ vọng là con người đưa ra những lựa chọn có cơ sở nếu chỉ dựa duy nhất vào một tính toán duy lý các hậu quả. Tại sao? Bởi vì hầu hết mọi người đều quá tự tin. Họ nghĩ rằng họ sẽ giảm cân được khi theo đuổi một chế độ ăn kiêng ngay cả trong kỳ nghỉ hè – một điều có vẻ như không khả thi. Do đó, đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, điều tốt nhất là tự hỏi xem liệu những người giống mình và đã có sự lựa chọn trên có hài lòng với điều đó hay không, thay vì cố gắng tính toán sự lựa chọn tối ưu.
Alvin E. Roth (1951- )
Cuối cùng, liệu các thị trường có vận hành một cách hoàn hảo không khi không có sự can thiệp từ bên ngoài, như kinh tế học chuẩn có xu hướng coi đó là một định đề? Hoàn toàn không, nếu không, chúng ta sẽ không cần đến ngài chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Mỹ và chủ nhân của giải thưởng Nobel về kinh tế, Alvin Roth.
Trong bài phát biểu của mình, Alvin Roth đã giải thích rằng để xã hội hưởng lợi, một thị trường phải được nghiên cứu một cách cẩn thận. Thị trường có những quy tắc rất quan trọng và không thể phó mặc cho sự may rủi. Như vậy, Alvin Roth đã giúp thiết kế một thị trường để phân công các sinh viên ngành y khoa đến các bệnh viện một cách tối ưu, có tính đến sở thích của sinh viên – ngay cả những sinh viên cặp đôi với một sinh viên khác! – và nhu cầu của các bệnh viện. Ông cũng đã giúp tạo ra một tựa thị trường cho hoạt động hiến tạng, một hoạt động đã cứu sống rất nhiều người ở Hoa Kỳ.
Joshua Angrist (1960- )
Các bạn có thể nghĩ tôi quá yêu đời [thấy mọi vật màu hồng]. Nhưng đánh giá của Joshua Angrist cho thấy rằng nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế học hiện đang chiếm ưu thế, và được trích dẫn nhiều hơn nghiên cứu lý thuyết. Ngoài ra, những bài viết thực nghiệm trích dẫn ngày càng nhiều những bài nghiên cứu khoa học từ các ngành học thuật khác và được các ngành học thuật khác này trích dẫn ngày càng nhiều. Khoa học kinh tế đã vượt qua một cột mốc quan trọng và tương lai hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Mục bình luận thời sự này do Pierre-Yves Geoffard, Anne-Laure Delatte, Bruno Amable và Ioana Marinescu lần lượt đảm trách.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnL’économie s’ouvre aux autres sciencesLibération15 janvier 2018.
Print Friendly and PDF