BONG BÓNG, BONG BÓNG, GIAN LẬN VÀ RẮC RỐI
Mark Lennihan/Associated Press |
Kinh tế học vĩ mô, thương mại, chăm sóc y tế, chính sách xã hội và chính trị học.
Ngày hôm trước, người thợ cắt tóc của tôi đã hỏi tôi liệu anh ta có nên đầu tư hết tất cả tiền của mình vào Bitcoin hay không. Và sự thật là nếu anh ấy đã mua Bitcoin, ví dụ, một năm trước thì anh ấy sẽ cảm thấy khá tốt hơn ngay lúc này. Mặt khác, các nhà đầu cơ người Hà Lan, những người đã mua hoa tulip vào năm 1635, cũng cảm thấy khá tốt trong một thời gian, cho đến khi hoa tulip rớt giá vào đầu năm 1637.
Vậy liệu Bitcoin có là một bong bóng khổng lồ sẽ kết thúc trong đau buồn không? Có. Nhưng đó là một bong bóng được bao bọc trong sự thần bí về công nghệ trong lòng cái kén của hệ tư tưởng tự do triệt để. Và chúng ta cần phải học một điều gì đó về thời buổi chúng ta đang sống bằng cách bóc đi lớp vỏ đó.
Nếu bạn sống trong một hang động và chưa từng nghe đến Bitcoin, thì đây là ví dụ lớn nhất, nổi tiếng nhất về “tiền mã hoá”: một tài sản không tồn tại về mặt hữu hình, thực chất không có gì khác hơn là một dữ liệu số được lưu trên máy tính. Điều làm cho các loại tiền mã hoá khác biệt với các tài khoản ngân hàng thông thường, mà thực chất cũng chỉ là các số liệu số, là chúng không tồn tại trong máy chủ của bất kỳ định chế tài chính cụ thể nào. Thay vào đó, sự tồn tại của Bitcoin được ghi lại bằng các dữ liệu được phân phối ở nhiều nơi.
Và quyền sở hữu của bạn không được xác minh bằng cách chứng minh (và từ đó tiết lộ) danh tính của bạn. Thay vào đó, quyền sở hữu Bitcoin được xác minh qua việc sở hữu một mật khẩu, sử dụng các kỹ thuật bắt nguồn từ mật mã học, nghệ thuật viết hoặc giải mã – cho phép bạn truy cập đồng tiền ảo đó mà không tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà bạn không muốn tiết lộ.
Đó là một thủ thuật tiện lợi. Nhưng điều gì là tốt cho chúng ta?
Về nguyên tắc, bạn có thể sử dụng Bitcoin để thanh toán mọi thứ bằng điện tử. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng các loại thẻ ghi nợ, PayPal, Venmo, v.v. để thanh toán – và Bitcoin hóa ra là một phương tiện thanh toán rườm rà, chậm chạp, tốn kém. Trên thực tế, thậm chí các hội nghị về Bitcoin đôi khi cũng từ chối việc người tham dự thanh toán bằng Bitcoins. Thực sự không có lý do để sử dụng Bitcoin trong giao dịch – trừ khi bạn không muốn bất cứ ai thấy được những gì bạn đang mua hoặc những gì bạn đang bán, và đó là lý do vì sao nhiều giao dịch thanh toán hiện tại bằng Bitcoin dường như liên quan đến ma túy, tình dục và các mặt hàng chợ đen khác.
Vì vậy, Bitcoins không thực sự là tiền mặt kỹ thuật số. Bitcoins, phần nào đó, là số tương đương về kỹ thuật số của tờ bạc 100 US$.
Giống như Bitcoins, tờ bạc 100 US$ không được sử dụng nhiều trong các giao dịch thông thường: Hầu hết các cửa hàng sẽ không chấp nhận tờ giấy bạc đó. Nhưng “tờ bạc Benjamins” đó phổ biến với các tên trộm, các tên buôn ma túy và những kẻ trốn thuế. Và trong khi hầu hết chúng ta, trong nhiều năm, có thể không thấy tờ bạc 100 US$ đó, chúng được lưu hành rất nhiều ngoài thị trường – trị giá hơn một nghìn tỷ US$, chiếm 78% giá trị tiền tệ của Hoa Kỳ được lưu hành.
Vì vậy, Bitcoins là một sự thay thế cấp cao cho tờ bạc 100 US$, cho phép bạn thực hiện các giao dịch bí mật mà không cần phải kéo lê những chiếc vali đầy tiền mặt? Không hẳn như vậy, bởi vì Bitcoins thiếu một tính năng then chốt: tính nối kết với thực tế.
Mặc dù đồng US$ hiện đại là đồng tiền “pháp định”, không được bất kỳ tài sản nào khác bảo chứng, chẳng hạn như vàng, nhưng giá trị của nó được bảo chứng bởi thực tế là chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận nó, trên thực tế là yêu cầu sử dụng nó để thanh toán thuế. Sức mua của nó cũng ổn định bởi Cục Dự trữ Liên bang, sẽ làm giảm nguồn cung US$ nếu tỷ lệ lạm phát quá cao, và sẽ làm tăng nguồn cung đó để ngăn ngừa tình trạng giảm phát. Và một tờ bạc 100 US$, tất nhiên, có giá trị 100 của những tờ đô la có tính ổn định này.
Bitcoin, ngược lại, không có giá trị nội tại nào cả. Khi kết hợp việc thiếu tính nối kết với thực tế với một phạm vi sử dụng rất hạn chế của Bitcoin cho bất cứ điều gì, thì bạn sẽ có một tài sản có giá gần như mang tính đầu cơ thuần túy, và do đó có tính cực kỳ thất thường. Bitcoins đã mất khoảng 40% giá trị trong sáu tuần qua; nếu Bitcoin là một đồng tiền thực tế, thì điều đó sẽ tương đương với mức lạm phát khoảng 8.000 phần trăm hàng năm.
Oh, và bản chất không nối kết với thực tế của Bitcoin cũng làm cho nó rất dễ bị thị trường thao túng. Ngược dòng năm 2013, các hoạt động gian lận của một nhà giao dịch duy nhất có vẻ như đã làm giá Bitcoin tăng lên gấp 7 lần. Còn giờ đây, ai đang đẩy giá Bitcoin lên? Không ai biết. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Triều Tiên có thể có liên quan.
Bernie Madoff (1938-) |
Robert Shiller (1946-) |
Nhưng còn việc những ai đã mua Bitcoin sớm đã kiếm được rất nhiều tiền thì sao? Vâng, những người đã đầu tư cùng với Bernie Madoff cũng đã kiếm được rất nhiều tiền, hoặc ít nhất có vẻ như vậy, trong một thời gian dài.
Như Robert Shiller, chuyên gia hàng đầu về các hiện tượng bong bóng trên thế giới, đã chỉ ra rằng các bong bóng tài sản giống như “các kế hoạch Ponzi tự phát.” Các nhà đầu tư ban đầu vào một bong bóng kiếm rất nhiều tiền khi các nhà đầu tư mới nhảy vào, và các khoản lợi nhuận đó càng thu hút nhiều người nhảy vào hơn. Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều năm trước khi một điều gì đó – một cuộc kiểm tra thực tế, hoặc đơn giản tình trạng kiệt quệ của các điểm tiềm ẩn – khiến cho bữa tiệc kết thúc một cách đột ngột, đau đớn.
Khi nói đến tiền mã hoá, có một nhân tố bổ sung: Đó là một hiện tượng bong bóng, nhưng đó cũng là một thứ sùng bái, mà người thụ giáo được nói về những ý nghĩ hoang tưởng về những chính phủ xấu xa đang ăn cắp toàn bộ tiền của họ (trái với các tin tặc cá thể, những kẻ đã đánh cắp một tỷ lệ đáng kể những thẻ bảo mật hiện có của tiền mã hoá). Các nhà báo, những người viết về Bitcoin một cách hoài nghi, nói với tôi rằng không có chủ đề nào khác tạo ra nhiều thư bày tỏ sự căm ghét như vậy.
Vì vậy, người thợ cắt tóc của tôi không nên mua Bitcoin. Điều này sẽ kết thúc một cách tồi tệ, và điều này càng kết thúc sớm thì càng tốt.
Một phiên bản của bài xã luận này được đăng vào ngày 30/1/2018, trên trang A23 của báo New York Times với tiêu đề: Bubble, Bubble, Fraud And Trouble [Bong bóng, Bong bóng, Gian lận và Rắc rối].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Bubble, Bubble, Fraud and Trouble, New York Times, Jan. 29, 2018.