THỐNG KÊ HỌC ĐÃ ĐÁNH MẤT QUYỀN LỰC CỦA NÓ NHƯ THẾ NÀO – VÀ TẠI SAO CHÚNG TA NÊN LO NGẠI VỀ NHỮNG ĐIỀU SẮP TỚI
Khả năng của thống kê học để mô tả thế giới một cách chính xác đang suy giảm. Ngay sau đó, là một thời đại mới của dữ liệu lớn do các công ty tư nhân kiểm soát đang thế chỗ [của thống kê học] – và gây nguy hiểm cho nền dân chủ.
Về mặt lý thuyết, thống kê học giúp giải quyết các cuộc tranh luận. Nó cung cấp các điểm tham chiếu ổn định để tất cả mọi người – bất luận có quan điểm chính trị thế nào – có thể đồng ý với nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều mức độ tin tưởng khác nhau về thống kê học đã trở thành một trong những luồng chia rẽ chính được mở ra trong các nền dân chủ tự do phương Tây. Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng 68% số người ủng hộ Trump không tin vào các dữ liệu kinh tế được chính phủ liên bang công bố. Tại Anh, một dự án nghiên cứu của Đại học Cambridge và YouGov về các thuyết âm mưu phát hiện ra rằng 55% người dân tin rằng chính phủ “đang che giấu sự thật về số lượng người nhập cư đang sinh sống tại đây”.
Thay vì phổ biến cuộc tranh luận và sự phân cực, trên thực tế dường như thống kê học đang đổ thêm dầu vào lửa. Sự ác cảm đối với thống kê học đã trở thành một trong những dấu ấn của phái hữu dân túy, với việc các nhà thống kê và các nhà kinh tế chủ yếu nằm trong số nhiều “chuyên gia” khác có vẻ đã bị các cử tri loại bỏ trong năm 2016. Thống kê học không những bị nhiều người xem là không đáng tin cậy, mà dường như đối với họ còn là một cái gì đó gần như luôn có tính xúc phạm hoặc ngạo mạn. Quy giản các vấn đề xã hội và kinh tế thành các tổng gộp và bình quân số học dường như là điều vi phạm ý thức của một số người về sự đúng đắn chính trị.
Điều này được biểu hiện không ở đâu mạnh mẽ bằng vấn đề nhập cư. Viện nghiên cứu chính sách British Future đã nghiên cứu cách thức tốt nhất để chiến thắng những lập luận ủng hộ vấn đề nhập cư và đa văn hóa. Một trong những phát hiện chính của họ là người dân thường phản ứng nồng nhiệt với các bằng chứng định tính, chẳng hạn như các chuyện kể của những cá nhân nhập cư và hình ảnh của nhiều cộng đồng khác nhau. Nhưng thống kê học – đặc biệt liên quan đến những lợi ích được cho là của việc nhập cư đối với nền kinh tế Anh – lại gây nên những phản ứng khá đối lập. Người dân cho rằng các con số đã bị thao túng và không thích việc giới tinh hoa viện đến những bằng chứng định lượng. Được cho biết ước tính chính thức về số người nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh, phản ứng chung là một sự chế giễu. Viện British Future nhận thấy là khi chỉ ra hiệu ứng tích cực của vấn đề nhập cư đối với GDP, thì thay vì làm tăng sự ủng hộ vấn đề nhập cư thì ngược lại trên thực tế điều này có thể lại làm cho người dân Anh càng thù địch hơn đối với vấn đề đó. Bản thân GDP có vẻ giống như con ngựa thành Troia cho một nghị trình theo chủ nghĩa tự do của giới tinh hoa. Cảm nhận được điều này, các chính trị gia hiện nay đã hầu như không thảo luận vấn đề nhập cư về mặt kinh tế.
Tất cả điều này là một thách thức nghiêm trọng đối với nền dân chủ tự do. Nói một cách thẳng thừng, chính phủ Anh – các quan chức, chuyên gia, cố vấn và nhiều chính trị gia khác – tin rằng vấn đề nhập cư khi cân nhắc kĩ là có lợi cho nền kinh tế. Chính phủ Anh tin rằng Brexit là một lựa chọn sai. Vấn đề là chính phủ giờ đây đang dấn thân vào một hình thức tự kiểm duyệt, vì lo ngại khiêu khích người dân hơn nữa.
Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan không mong muốn. Hoặc nhà nước tiếp tục tuyên bố tin tưởng vấn đề nhập cư là có cơ sở vững chắc và bị những hoài nghi cáo buộc là tuyên truyền, hoặc khác, các chính trị gia và quan chức đều bị giới hạn nói ra những gì họ cảm thấy hợp lý và đúng theo trực giác, nhưng có thể cuối cùng là không chính xác. Trong cả hai trường hợp, hoạt động chính trị sa lầy trong những lời buộc tội dối trá và bao che.
Uy tín suy giảm của thống kê học là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, được biết đến là hoạt động chính trị “hậu sự thật”
Uy tín suy giảm của thống kê học – và của các chuyên gia phân tích nó – là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, được biết đến dưới tên gọi chính trị “hậu sự thật”. Và trong thế giới mới bất định này, thái độ đối với đánh giá định lượng của chuyên gia đã trở nên ngày càng không thống nhất. Theo quan điểm của một phía, đặt chính trị trên nền tảng của thống kê học thuộc về giới tinh hoa, phi dân chủ và mù tịt về sự đầu tư cảm xúc của người dân vào cộng đồng và quốc gia của họ. Đó chỉ là một cách khác để những người có đặc quyền ở London, Washington DC hay Brussels tìm cách áp đặt thế giới quan của họ lên tất cả mọi người khác. Theo quan điểm đối lập lại, thống kê học là hoàn toàn trái ngược với giới tinh hoa. Nó cho phép các nhà báo, người dân và các chính trị gia cùng thảo luận chung vấn đề xã hội nhìn như một tổng thể, không phải trên cơ sở các giai thoại, tình cảm hay thành kiến, mà là theo những cách có thể chứng minh là đúng đắn. Đối chọn cho đánh giá định lượng ít có khả năng là dân chủ hơn bằng việc thả lõng những biên tập viên của các tờ báo lá cải và những người mị dân cung cấp những “sự thật” của riêng họ về những gì đang xảy ra trong toàn xã hội.
Liệu có cách nào để thoát khỏi sự phân cực này không? Liệu chúng ta chỉ phải đơn giản lựa chọn giữa một nền chính trị dựa vào sự kiện và một nền chính trị dựa vào cảm xúc, hay là liệu có một cách phân tích nào khác không? Có một cách là xem xét thống kê học qua lăng kính lịch sử của bộ môn này. Chúng ta cần thử và xem những gì thống kê thật sự là gì: đó không phải là những sự thật không thể bác bỏ và cũng không phải là những âm mưu của giới tinh hoa, mà đúng hơn là những công cụ được thiết kế để đơn giản hóa công việc của chính phủ, vì điều tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Xem xét về mặt lịch sử, chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng mà thống kê học đã đóng góp vào sự hiểu biết của chúng ta về nhà nước-dân tộc và sự tiến triển của nó. Điều này đặt ra câu hỏi đáng báo động là làm thế nào – nếu có thể – để chúng ta có thể tiếp tục có những ý tưởng chung về xã hội và sự tiến bộ tập thể, nếu thống kê học rơi rụng giữa đường.
Trong nửa sau của thế kỷ 17, do hậu quả của các cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu, các nhà cai trị châu Âu đã chọn một quan điểm hoàn toàn mới về nhiệm vụ của chính phủ, tập trung vào các xu hướng của dân số – một cách tiếp cận khả thi với sự ra đời của thống kê học hiện đại. Từ xa xưa, các cuộc tổng điều tra đã được sử dụng để theo dõi quy mô dân số, nhưng chúng rất tốn kém và mất thời gian để thực hiện và tập trung vào những công dân được coi là quan trọng về mặt chính trị (những người sở hữu tài sản), chứ không phải là xã hội nói chung. Thống kê học đã cung cấp một cái gì đó hoàn toàn khác, làm biến đổi bản chất của chính trị trong quá trình xử lí.
Thống kê học được thiết kế để cung cấp sự hiểu biết về một dân số trong tính toàn vẹn của nó, chứ không phải đơn thuần nhận diện nguồn gốc của quyền lực và sự giàu có có giá trị về mặt chiến lược. Ban đầu, điều này không phải lúc nào cũng liên quan đến việc đưa ra các con số. Ví dụ, tại Đức (nơi đã sản sinh cho chúng ta thuật ngữ Statistik) thách thức là lập bản đồ nhiều tập tục, thể chế và luật pháp khác nhau trong một đế chế của hàng trăm bang siêu nhỏ. Điều đặc trưng cho kiến thức này về mặt thống kê là bản chất tổng thể luận của nó: nó nhằm mục đích tạo ra hình ảnh của quốc gia như một bức tranh toàn thể. Thống kê học xử lí dân số cũng giống như bản đồ học xử lí lãnh thổ.
William Petty (1623-1687) |
John Graunt (1620- 1674) |
Sự xuất hiện, vào cuối thế kỷ thứ 17, của các cố vấn chính phủ được khẳng định bởi uy tín khoa học, chứ không phải là sự nhạy bén về chính trị hay quân sự, tượng trưng cho nguồn gốc của văn hóa “chuyên gia” mà giờ đây đang bị những người theo tư tưởng dân túy mắng nhiếc. Những cá nhân mở đường này không phải là những học giả thuần túy và cũng không phải là những quan chức chính phủ, mà là những người ở đâu đó giữa hai loại người nói trên. Họ là những người nghiệp dư nhiệt tình, những người tạo ra một cách suy nghĩ mới về dân số nhờ các tổng gộp và sự kiện khách quan. Nhờ vào năng lực toán học, họ tự tin là có thể tính toán những gì mà nếu không đòi hỏi phải tiến hành một cuộc điều tra rộng lớn mới khám phá được.
Mù tịt về tính đa dạng của văn hóa địa phương chính là điều làm cho thống kê học trở nên tầm thường và có khả năng mang tính xúc phạm
Ban đầu chỉ có một khách hàng cho loại hình đánh giá chuyên môn này, và đầu mối nằm trong từ “thống kê học”. Chỉ có các nhà nước-dân tộc tập quyền mới có khả năng thu thập dữ liệu trên các tổng thể lớn theo một cách được chuẩn hóa và chỉ nhà nước mới có bất cứ nhu cầu nào về những dữ liệu như vậy, trước tiên. Trong nửa sau thế kỷ 18, các quốc gia châu Âu bắt đầu thu thập nhiều số liệu thống kê hơn mà về mặt về hình thức trông có vẻ quen thuộc với chúng ta ngày nay. Xét một cách tổng quát các tổng thể ở cấp quốc gia, các nhà nước đã tập trung vào một loạt các vấn đề: sinh, tử, rửa tội, hôn nhân, thu hoạch, nhập khẩu, xuất khẩu, biến động giá cả. Những thứ mà trước đây được đăng ký ở cấp địa phương và theo nhiều cách khác nhau ở cấp giáo phận thì nay đã tổng gộp lại ở cấp quốc gia.
Những kỹ thuật mới đã được phát triển để biểu trưng các chỉ báo này, chúng khai thác cả chiều kích hàng dọc lẫn hàng ngang của trang, trình bày dữ liệu dưới dạng ma trận và bảng biểu, giống như các nhà buôn đã làm với sự phát triển của kỹ thuật kế toán được chuẩn hóa vào những năm cuối của thế kỷ 15. Việc sắp xếp các con số thành hàng và cột đã tạo ra một cách thức mới mạnh mẽ để giới thiệu các thuộc tính của một xã hội nhất định. Những vấn đề lớn, phức tạp giờ đây có thể được khảo sát một cách đơn giản bằng cách quét các dữ liệu được trình bày bằng hình học chỉ trên một trang.
Những đổi mới này mang lại tiềm lực phi thường cho các chính phủ. Bằng cách đơn giản hóa nhiều tổng thể khác nhau xuống thành những chỉ báo cụ thể, và sắp xếp chúng trong những bảng biểu thích hợp, các chính phủ có thể tránh né sự cần thiết phải hiểu tường tận về địa phương và lịch sử một cách chi tiết ở diện rộng hơn. Tất nhiên, nhìn từ một góc độ khác, sự mù tịt về tính đa dạng của văn hóa địa phương chính là điều làm cho thống kê học trở nên tầm thường và có khả năng mang tính xúc phạm. Bất luận việc một quốc gia nhất định có hay không một bản sắc văn hóa chung, các nhà thống kê học sẽ giả định là quốc gia ấy có một sự đồng nhất về mặt văn hóa hoặc, như một số người có thể lập luận, áp đặt tính đồng nhất đó lên quốc gia này.
Không phải mọi khía cạnh của một tổng thể nhất định đều có thể được thống kê học nắm bắt. Luôn có một sự lựa chọn ngầm ẩn về những gì được đưa vào và những gì được loại ra, và sự lựa chọn này tự thân nó đã có thể là một vấn đề chính trị. Việc GDP chỉ nắm bắt giá trị của những công việc được trả lương, do đó loại trừ công việc nội trợ truyền thống của phụ nữ, đã làm cho phong trào nữ quyền lấy đó làm mục tiêu phê phán kể từ năm 1960. Ở Pháp, việc thu thập dữ liệu điều tra dân số về sắc tộc là điều bất hợp pháp kể từ năm 1978, trên cơ sở cho rằng các dữ liệu đó có thể được sử dụng vì các mục đích chính trị về phân biệt chủng tộc. (Điều này có tác dụng phụ là khiến càng khó lượng hóa hơn tệ phân biệt chủng tộc có hệ thống trong thị trường lao động.)
Mặc cho những lời phê phán nói trên, khát vọng mô tả xã hội trong tổng thể của nó, và để làm điều đó một cách khách quan, có nghĩa là có nhiều lý tưởng tiến bộ khác nhau đã được gắn liền với thống kê học. Hình ảnh của thống kê học là một khoa học xã hội lạnh lùng chỉ là một phần của câu chuyện. Phần khác [của câu chuyện] là việc những lý tưởng chính trị mạnh mẽ đó được đầu tư như thế nào vào những kỹ thuật này: đó là lý tưởng của các “chính sách dựa trên chứng cứ”, tính duy lý, sự tiến bộ và tinh thần dân tộc căn cứ vào sự kiện, hơn là vào là những câu chuyện lãng mạn hóa.
Benedict Anderson (1936-2015) |
Tiềm năng của thống kê học để bộc lộ trạng thái của quốc gia đã được tận dụng trong thời kỳ sau cuộc cách mạng Pháp. Nhà nước theo phái Jacobin dự định áp đặt một khung đo lường quốc gia và thu thập dữ liệu quốc gia hoàn toàn mới. Văn phòng thống kê chính thức đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Paris vào năm 1800. Tính đồng nhất của việc thu thập dữ liệu, được giám sát bởi các chuyên gia có trình độ chuyên ngành cao, là một phần không thể thiếu của lý tưởng về một nước cộng hòa tập quyền ở trung ương, để tìm cách thiết lập một xã hội thống nhất, bình đẳng.
Charles Booth (1840-1916) |
Web Du Bois (1868-1963) |
Để nhận ra cách thức mà thống kê học đã sa lầy vào các khái niệm về sự tiến bộ quốc gia, hãy xem xét trường hợp của GDP. GDP là một ước tính về tổng số tiền chi tiêu của người tiêu dùng, chi tiêu của chính phủ, đầu tư và cán cân thương mại (kim ngạch xuất khẩu trừ nhập khẩu) của một quốc gia, được tượng trưng bằng một con số đơn nhất. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn để tính đúng, và những nỗ lực để tính con số này bắt đầu, giống như rất nhiều kỹ thuật toán học khác, như là một việc bên lề, một quan tâm có phần nào đó chuyên sâu trong những năm 1930. Nó chỉ được nâng lên thành một vấn đề chính trị cấp bách ở tầm quốc gia bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi các chính phủ cần phải biết liệu dân số cả nước có sản xuất đủ để theo kịp các nỗ lực phục vụ chiến tranh hay không. Trong những thập niên sau đó, chỉ báo đơn nhất này, mặc dù chưa bao giờ không bị phê phán, đã có được một địa vị chính trị thiêng liêng, như là một phong vũ biểu tối thượng về năng lực điều hành của chính phủ. Cho dù GDP tăng hay giảm, hiện nay nó gần như là một biểu trưng cho năng lực này bất luận là xã hội đang tiến lên hay tụt lùi.
Hoặc thử lấy ví dụ về cuộc điều tra dư luận, một ví dụ rất sớm cho sự đổi mới thống kê trong khu vực tư nhân. Trong những năm 1920, các nhà thống kê đã phát triển các phương pháp để xác định một mẫu đại diện của những người trả lời khảo sát, để thu nhặt thông tin về thái độ của công chúng nói chung. Bước đột phá này, trước tiên được các nhà nghiên cứu thị trường nhận thức, đã sớm dẫn đến sự ra đời của cuộc điều tra dư luận. Ngành công nghiệp mới này ngay lập tức trở thành đối tượng mê hoặc của công chúng và giới chính trị, khi các phương tiện truyền thông tường thuật những gì mà ngành khoa học mới này cho chúng ta biết những suy nghĩ về thế giới của “phụ nữ” hay “người Mỹ” hay “người lao động chân tay”.
Ngày nay, người ta không ngừng phê phán những khuyết tật của các cuộc điều tra dư luận. Nhưng điều này có lý do một phần từ những hy vọng quá to lớn đã từng được đầu tư vào việc điều tra dư luận ngay từ khi kĩ thuật này ra đời. Chỉ trong chừng mực ta tin vào nền dân chủ đại chúng thì mới bị mê hoặc hoặc quá quan tâm đến những gì mà công chúng suy nghĩ. Nhưng nhờ phần lớn vào thống kê học, chớ không phải vào bản thân các định chế dân chủ, ta mới có thể biết được những gì công chúng suy nghĩ về những vấn đề cụ thể. Chúng ta đã đánh giá thấp ý thức của chúng ta về “lợi ích công cộng” bắt nguồn sâu như thế nào từ những tính toán của các chuyên gia, như được đối lập với các định chế dân chủ.
Khi các chỉ báo về sức khỏe, thịnh vượng, bình đẳng, dư luận và chất lượng cuộc sống cho chúng ta biết chúng ta là một tập thể, bất luận sự vật có trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn, thì các chính trị gia đã dựa rất nhiều vào thống kê học để củng cố quyền lực của họ. Họ thường dựa vào thống kê học quá nhiều, cường điệu hóa bằng chứng quá đà, diễn giải dữ liệu quá dễ dãi, để phục vụ các mục đích của họ. Nhưng đó là một nguy cơ không thể tránh khỏi của tình trạng phổ biến của các con số trong đời sống công cộng, và không tất yếu kích hoạt loại chối bỏ thật tình đánh giá của chuyên gia mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian gần đây.
James C. Scott (1936- ) |
Mặt khác, thống kê học (cùng với các đại biểu dân cử) đã thực hiện một công việc thích hợp là hỗ trợ một diễn ngôn đáng tin trong công chúng trong nhiều thập niên qua, nếu không muốn nói nhiều thế kỷ qua. Điều gì đã thay đổi?
Cuộc khủng hoảng thống kê học không bất ngờ như nó có vẻ. Trong khoảng 450 năm, thành tích tuyệt vời của các nhà thống kê là làm giảm tính phức tạp và tính lỏng lẻo của các tổng thể quốc gia thành những cơ sở lập luận và con số có thể quản lý, dễ hiểu. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, thế giới đã thay đổi đáng kể, nhờ vào các quan niệm chính trị văn hoá xuất hiện trong những năm 1960 và sự định hình lại của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu ngay sau đó. Có điều không rõ là liệu các nhà thống kê có luôn theo kịp với những thay đổi này không. Các hình thức phân loại và định nghĩa thống kê truyền thống đang bị thử thách từ những bản sắc, thái độ và lộ trình kinh tế lỏng lẻo hơn. Những nỗ lực để biểu trưng sự thay đổi về dân số, xã hội và kinh tế bằng những chỉ báo đơn giản, được thừa nhận đang đánh mất tính chính danh.
Hãy thử xem xét sự thay đổi về mặt địa lý chính trị và kinh tế của các nhà nước-dân tộc trong 40 năm qua. Các số liệu thống kê, chi phối các cuộc tranh luận chính trị, phần lớn là các số liệu mang tính quốc gia: mức độ nghèo đói, thất nghiệp, GDP, nhập cư thuần. Nhưng vị trí địa lý của chủ nghĩa tư bản đang bị lôi kéo theo những hướng có phần nào đó khác nhau. Rõ ràng toàn cầu hóa đã không làm cho vị trí địa lý không thích hợp. Trong nhiều trường hợp, nó đã làm cho vị trí của hoạt động kinh tế quan trọng hơn, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa những địa danh thành công (như London hay San Francisco) và những địa danh kém thành công (như phía đông bắc nước Anh hoặc vành đai rỉ sét của Hoa Kỳ). Đơn vị then chốt theo địa lý không còn là nhà nước-dân tộc nữa. Thay vào đó, đó là các thành phố, vùng miền hoặc khu đô thị cá lẻ lân cận đang tăng lên và giảm xuống.
Quốc gia lý tưởng của thời kỳ Khai sáng như là một cộng đồng đơn nhất, gắn kết với nhau bởi một khung đo lường chung, là điều ngày càng khó duy trì. Khi bạn sống ở một trong những thị trấn trong vùng thung lũng Welsh, từng phụ thuộc vào các việc làm sản xuất thép hoặc khai thác mỏ, và khi các chính trị gia nói về mức độ “hoạt động tốt” của “nền kinh tế”, thì điều đó có nhiều khả năng làm sản sinh thêm nhiều sự bất mãn. Từ quan điểm đó, thuật ngữ “GDP” không có khả năng nắm bắt được bất cứ điều gì có ý nghĩa hoặc đáng tin cậy.
Khi kinh tế học vĩ mô được sử dụng để hậu thuẫn cho một lập luận chính trị, thì điều này hàm ý rằng những thiệt hại trong một phần của đất nước được bù đắp bởi những lợi ích ở một nơi khác. Các chỉ báo quốc gia thu hút sự chú ý, chẳng hạn như GDP và lạm phát, che đậy tất cả các loại lợi ích và tổn thất cục bộ ít được các chính trị gia quốc gia thảo luận. Vấn đề nhập cư có thể tốt cho nền kinh tế nói chung, nhưng điều này không có nghĩa là không hề có chi phí nào cả cho địa phương. Do đó, khi các chính trị gia sử dụng các chỉ báo quốc gia để biện minh việc họ làm là đúng, thì họ ngầm giả định cử tri có một tinh thần yêu nước hy sinh cho nhau: bạn có thể là người thua cuộc trong dịp này, nhưng trong thời gian tới bạn có thể là người thụ hưởng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình thế không bao giờ đảo ngược? Điều gì sẽ xảy ra nếu cùng một thành phố hoặc vùng miền đó luôn giành thắng lợi, trong khi những thành phố hoặc vùng miền khác thì luôn thất bại? Chúng ta sẽ dựa vào nguyên tắc nào để biện minh cho quan hệ có qua có lại này?
Tại châu Âu, liên minh tiền tệ đã làm vấn đề này thêm gay gắt. Những chỉ báo quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ví dụ, là những chỉ báo đại diện cho một nửa tỷ người. ECB quan tâm đến tỷ lệ lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp trong toàn khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, như thể đó là một vùng lãnh thổ đồng nhất và đơn nhất, cùng lúc số phận của người dân châu Âu về mặt kinh tế lại phân mảnh theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào vùng miền, thành phố hoặc vùng lân cận mà họ đang sống. Kiến thức chính thức càng trở nên trừu tượng hơn so với kinh nghiệm sống, cho đến khi kiến thức này đơn giản không còn phù hợp hoặc đáng tin nữa.
Ưu tiên cho quốc gia, như là một cấp độ thước đo phân tích tự nhiên, là một trong những định kiến vốn có của thống kê học mà những năm tháng thay đổi kinh tế đã phá hủy từ từ. Một định kiến vốn có khác đang ngày càng bị thử thách là phương pháp phân loại. Một phần công việc của các nhà thống kê là phân loại người dân bằng cách đưa họ vào một loạt các khung mà các nhà thống kê đã tạo ra: có việc làm hay thất nghiệp, đã lập gia đình hay chưa có gia đình, có tư tưởng ủng hộ Âu hay chống lại châu Âu. Chừng nào người dân còn được đặt vào những khung theo cách trên, thì người ta thấy rõ một phân loại nhất định có thể được mở rộng tới mức nào trên toàn thể dân số.
Điều này có thể kéo theo những lựa chọn có phần nào đó bị thu hẹp. Để được tính là người thất nghiệp, ví dụ, một người phải báo cáo cho cuộc khảo sát rằng họ không tự nguyện thất nghiệp, một điều thậm chí có thể còn phức tạp hơn trong thực tế. Lúc nào cũng có rất nhiều người kiếm được việc và rất nhiều người thất nghiệp, vì nhiều lý do có thể có, từ những lý do liên quan đến sức khỏe và nhu cầu của gia đình đến các điều kiện của thị trường lao động. Nhưng nhờ vào cách đơn giản hóa này, người ta có thể xác định tỷ lệ thất nghiệp trên toàn dân số nói chung.
Dữ liệu thống kê chỉ đáng tin nếu người dân chấp nhận những phạm vi hạn chế về nhân khẩu học được cung cấp
Tuy vậy, cũng có một vấn đề. Điều gì sẽ xảy ra nếu không thể giải quyết nhiều vấn đề xác định thời đại của chúng ta bằng phạm vi người dân được tính đến mà bằng cường độ người dân bị tác động? Tình trạng thất nghiệp là một ví dụ. Việc nước Anh vượt qua cuộc Đại suy thoái từ năm 2008 đến năm 2013, trong khi về cơ bản tỷ lệ thất nghiệp không tăng, thường được xem là một thành tựu tích cực. Nhưng tập trung chú ý vào “thất nghiệp” che giấu sự gia tăng của tình trạng thiếu việc làm, đó là người dân không có đủ việc làm hoặc đang làm một công việc ở mức độ thấp hơn khả năng của họ. Hiện tượng này hiện đang chiếm khoảng 6% lực lượng lao động “có việc làm”. Tiếp đến là sự gia tăng của lực lượng lao động tự làm chủ, làm cho sự phân chia thành “người có việc làm” và “người thất nghiệp không tự nguyện” là không mấy ý nghĩa.
Đây không phải là một lời phê phán các cơ quan như Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), mà hiện nay đang tính toán các số liệu về tình trạng thiếu việc làm. Nhưng chừng nào các chính trị gia còn tiếp tục làm chệch hướng sự phê phán bằng cách viện dẫn tỷ lệ thất nghiệp, thì kinh nghiệm của những người đấu tranh để có đủ việc làm hoặc sống nhờ vào tiền lương không được đại diện trong các cuộc tranh luận công cộng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi chính những người này trở nên nghi ngờ các chuyên gia về chính sách và việc sử dụng các số liệu thống kê trong các cuộc tranh luận chính trị, căn cứ vào sự không khớp nhau giữa những gì các chính trị gia nói về thị trường lao động và thực tế cuộc sống.
Sự nổi lên của các phong trào bản sắc chính trị kể từ những năm 1960 đã làm tăng thêm tình trạng căng thẳng về những hệ thống phân loại như vậy. Dữ liệu thống kê chỉ đáng tin nếu người dân chấp nhận số hạn chế những phạm trù về dân số học được cung cấp, được các chuyên gia lựa chọn chớ không phải bởi những người trả lời khảo sát. Nhưng khi bản sắc trở thành một vấn đề chính trị, thì người dân yêu cầu được tự xác định những điều kiện của riêng họ, khi liên quan đến vấn đề giới tính, tình dục, chủng tộc hay giai cấp.
Cuộc điều tra dư luận có thể cũng bị tổn thương vì những lý do tương tự. Theo truyền thống, các cuộc điều tra dư luận nắm bắt thái độ và sở thích của người dân, trên cơ sở sự giả định hợp lý cho rằng người dân sẽ cư xử phù hợp với điều đã được nhắc đến. Nhưng trong thời đại mà mức độ tham gia chính trị suy giảm, thì việc biết rằng ô nào được ai đó đánh dấu “X” là chưa đủ. Người ta còn cần phải biết liệu dân có cảm thấy đủ mạnh để bõ công làm điều như vậy. Và khi nói đến việc nắm bắt những biến động về cường độ cảm xúc như vậy, thì điều tra dư luận là một công cụ vụng về.
Thống kê học đã phải thường xuyên đối mặt với sự phê phán suốt lịch sử lâu dài của nó. Những thách thức mà bản sắc chính trị và toàn cầu hóa mang đến cũng không phải là điều mới đối với thống kê học. Vậy tại sao những sự kiện của năm qua được cảm nhận là gây tác hại đến thế cho lý tưởng của việc đánh giá định lượng của chuyên gia và vai trò của đánh giá này trong các cuộc tranh luận chính trị?
Trong những năm gần đây, một phương pháp mới định lượng và hình dung các quần thể đã xuất hiện, có nhiều khả năng đẩy thống kê học ra bên lề, báo hiệu một thời đại khác hoàn toàn. Thống kê học, được các chuyên gia kỹ thuật thu thập và biên soạn, đang nhường đường cho dữ liệu được tích lũy một cách mặc định, như một hệ quả của kỹ thuật số hóa sâu rộng. Theo truyền thống, các nhà thống kê biết những câu hỏi nào mà họ muốn hỏi liên quan đến dân số nào, rồi lên kế hoạch để có các câu trả lời. Ngược lại, dữ liệu sẽ tự động tạo ra bất cứ lúc nào khi chúng ta quẹt một thẻ khách hàng trung thành, bình luận trên Facebook hay tìm kiếm một điều gì đó trên Google. Khi các thành phố, xe hơi, nhà cửa và vật dụng gia đình được kết nối bằng kỹ thuật số, thì khối lượng dữ liệu mà chúng ta để lại dấu vết càng phát triển lớn hơn bao giờ hết. Trong thế giới mới này, dữ liệu được thu thập trước, rồi mới đến câu hỏi khảo sát.
Về lâu dài, hệ lụy của việc này chắc chắn sẽ rất sâu sắc như việc phát minh ra thống kê học vào cuối những năm của thế kỷ 17. Sự nổi lên của “dữ liệu lớn” đã tạo ra những cơ hội lớn hơn nhiều cho phân tích định lượng so với bất kỳ số lượng điều tra dư luận hay kỹ thuật mô hình hóa thống kê nào. Nhưng điều khác biệt không chỉ là khối lượng dữ liệu. Dữ liệu lớn còn tượng trưng cho một loại kiến thức hoàn toàn khác, đi kèm với một phương thức đánh giá chuyên gia mới.
Thứ nhất, dữ liệu lớn không giới hạn một cấp độ phân tích cố định (chẳng hạn như quốc gia) hay bất kỳ phân loại cụ thể nào (chẳng hạn như “người thất nghiệp”). Những tập hợp rộng lớn các dữ liệu mới này có thể được khai thác để tìm kiếm các mô thức, xu hướng, tương quan và tâm trạng mới nổi. Nó trở thành một cách để theo dõi những bản sắc mà con người tự gán cho chính mình (chẳng hạn như “#ImwithCorbyn” hay “doanh nhân”) thay vì áp đặt những phân loại nào đó cho họ. Đây là một hình thức tổng gộp phù hợp với một thời đại chính trị lỏng lẻo, trong đó không phải mọi thứ đều có thể quy chiếu một cách đáng tin về một số lý tưởng của nhà nước-dân tộc của thời kỳ Khai sáng như là người giám hộ lợi ích công cộng.
Thứ hai, phần lớn trong chúng ta đều hoàn toàn mù tịt về tất cả những gì mà dữ liệu này nói về chúng ta, về mặt cá thể hoặc tập thể. Không có một cơ quan nào tương đương với Văn phòng Thống kê Quốc gia đối với các dữ liệu lớn được thu thập về mặt thương mại. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó cảm xúc, bản sắc và quan hệ của chúng ta có thể được theo dõi và phân tích với tốc độ và sự nhạy cảm chưa từng có – nhưng không có cái gì neo được khả năng mới này vào lợi ích của công cộng hay tranh luận công cộng. Có những nhà phân tích dữ liệu làm việc cho Google và Facebook, nhưng họ không phải là những “chuyên gia” theo kiểu người tạo ra các số liệu thống kê và hiện đang bị lên án trên diện rộng. Sự khuyết danh và bí mật của những nhà phân tích [dữ liệu] mới có khả năng làm cho họ có quyền lực lớn hơn rất nhiều so với bất cứ nhà khoa học xã hội nào về mặt chính trị.
Một công ty như Facebook có khả năng nghiên cứu khoa học xã hội định lượng về hàng trăm triệu người, với chi phí rất thấp. Nhưng nó có rất ít động cơ để tiết lộ kết quả. Trong năm 2014, khi các nhà nghiên cứu của Facebook công bố kết quả của một nghiên cứu về “sự lây lan cảm xúc” mà họ đã thực hiện trên người sử dụng – trong đó họ thay đổi tin tức cập nhật để xem nó ảnh hưởng như thế nào đến nội dung mà sau đó người sử dụng đã chia sẻ để đáp lại – kết quả là đã có một làn sóng phản đối về việc người sử dụng Faceboook đã bị thử nghiệm mà không hề hay biết. Vì vậy, từ quan điểm của Facebook, tại sao phải quan tâm đến những rắc rối phức tạp của việc công bố kết quả? Tại sao không giới hạn vào việc nghiên cứu và giữ im lặng?
Dominic Cummings (1971- ) |
Steve Bannon (1953- ) |
Khả năng phát triển và cải tiến những hiểu biết về tâm lý trên các quần thể rộng lớn là một trong những tính năng sáng tạo và gây tranh cãi nhất của kĩ thuật phân tích mới các dữ liệu. Khi các kỹ thuật “phân tích tình cảm”, phát hiện tâm trạng của một lượng lớn người dân bằng các chỉ báo theo dõi như việc sử dụng từ ngữ trên các phương tiện truyền thông xã hội, được kết hợp chặt chẽ trong các chiến dịch vận động chính trị, thì sự lôi cuốn cảm xúc của những nhân vật như Trump sẽ trở thành đối tượng củasự khảo sát khoa học. Trong một thế giới mà những cảm xúc chính trị của công chúng đang trở thành điều có thể theo dõi được, thì ai cần đến các nhà thăm dò dư luận?
Rất ít những phát hiện xã hội từ hình thức phân tích dữ liệu này kết thúc trong lĩnh vực công cộng. Điều này có nghĩa là nó giúp rất ít trong việc neo các tự sự chính trị vào một thực tế bất kỳ nào được chia sẻ. Với sự suy yếu của quyền lực thống kê, và khi không có cái gì thay thế nó trong lĩnh vực công cộng, thì người dân có thể sống trong bất cứ một cộng đồng tưởng tượng nào mà họ cảm thấy phù hợp nhất và sẵn sàng đặt niềm tin vào nhất. Khi thống kê học có thể được sử dụng để chỉnh sửa những yêu sách sai lầm về mặt kinh tế hay xã hội hay dân số, thì trong thời đại phân tích dữ liệu,sẽ có rất ít cơ chế để ngăn chặn người dân buông thả để phản ứng theo bản năng hay theo những định kiến nặng cảm tính của họ. Ngược lại, những công ty như Cambridge Analytica xử lý những cảm xúc nói trên như là những điều cần theo dõi.
Nhưng ngay cả khi có một Văn phòng phân tích dữ liệu, đại diện cho công chúng và chính phủ như Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) hiện tại, thì cũng không rõ liệu nó có cung cấp loại quan điểm trung lập mà những người theo chủ nghĩa tự do ngày nay đang đấu tranh để bảo vệ không. Bộ máy tính toán siêu tốc mới rất thích hợp để phát hiện các xu hướng, hiểu được tâm trạng và nhận ra sự việc khi chúng nổi lên. Nó phục vụ rất tốt cho các nhà quản lý chiến dịch và các nhà tiếp thị. Nó ít phù hợp với việc đưa ra những kiểu yêu sách rõ ràng, khách quan, có khả năng hình thành sự đồng thuận về các vấn đề xã hội mà các nhà thống kê và các nhà kinh tế đã làm.
Trong môi trường kỹ thuật và chính trị mới này, giới tinh hoa mới về kỹ thuật số sẽ chịu trách nhiệm xác định những sự kiện, dự đoán và sự thật giữa dòng thác mà các dữ liệu đưa đến. Cho dù các chỉ báo như GDP và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục được xem là có ảnh hưởng về mặt chính trị, hay không, thì điều này cũng không nhất thiết báo trước sự kết thúc của các chuyên gia, huống hồ gì sự kết thúc của chân lý. Câu hỏi đặt ra một cách nghiêm túc hơn, là bây giờ khi mà con số đang được liên tục tạo ra sau lưng chúng ta và vượt xa kiến thức của chúng ta, thì cuộc khủng hoảng về thống kê học sẽ bỏ rơi nền dân chủ đại diện ở đâu.
Tim Berners-Lee (1955- ) |
Một xã hội hậu thống kê là một đề xuất có tiềm năng đáng sợ, không phải bởi vì nó thiếu hoàn toàn mọi hình thức về chân lý hay đánh giá chuyên môn, mà bởi vì nó sẽ tư nhân hóa cách hình thức trên một cách mạnh mẽ. Thống kê học là một trong nhiều cột trụ của chủ nghĩa tự do, quả nhiên là của thời kỳ Khai sáng. Các chuyên gia đã tạo ra và sử dụng nó đã bị tô điểm thành những người ngạo mạn và mù tịt về các chiều kích cảm xúc và cục bộ của chính trị. Chúng ta không nghi ngờ là các cách thức thu thập dữ liệu có thể được điều chỉnh để phản ánh tốt hơn các kinh nghiệm sống. Nhưng cuộc chiến cần được tiến hành trong dài hạn không phải là cuộc chiến giữa một nền chính trị dựa vào sự kiện do giới tinh hoa dẫn đầu với một nền chính trị dân túy dựa vào cảm xúc. Đó là cuộc chiến giữa những người còn cam kết với kiến thức công cộng và tranh luận công cộng với những người hưởng lợi từ sự tan rã đang diễn ra của những cam kết ấy.
William Davies |
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: How statistics lost their power – and why we should fear what comes next, The Guardian, 19 January 2017.