11.2.18

Đã đến lúc nên chấm dứt việc xếp hạng thiên lệch của Ngân hàng Thế giới đối với sự điều tiết môi trường kinh doanh

ĐÃ ĐẾN LÚC NÊN CHẤM DỨT VIỆC XẾP HẠNG THIÊN LỆCH CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI ĐỐI VỚI SỰ ĐIỀU TIẾT MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Sau nhiều năm bị các nghiệp đoàn lao động và các nhóm tiến bộ khác phê phán, nhà kinh tế trưởng của chính Ngân hàng Thế giới đang cáo buộc các đồng nghiệp của ông thao túng dữ liệu theo hướng ý thức hệ.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới đã làm nổi lên một cơn bão lửa đối với hệ thống xếp hạng của họ về môi trường kinh doanh của 190 quốc gia, được công bố hàng năm thông qua báo cáo chủ lực có tên Doing Business [báo cáo Môi trường kinh doanh]. Các nghiệp đoàn lao động, các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ một số nước, và các tổ chức quốc tế từ lâu đã phê phán bản báo cáo nói trên vì đứng trên một một lập trường ý thức hệ để chống lại sự điều tiết.
Paul Romer (1955-)
Giờ đây, ngay cả nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Paul Romer, cũng công kích bản báo cáo là thiếu tính “chính trực”Theo tường trình của báo Wall Street JournalRomer phát biểu rằng các điểm số và xếp hạng của nhiều quốc gia trong báo cáo Môi trường kinh doanh, nhằm mục đích đo lường mức độ thân thiện của các quy định trong kinh doanh, thay đổi từ năm này sang năm khác do những thay đổi về phương pháp luận của báo cáo – chứ không phải do những thay đổi về các quy định của các nước.
Michelle Bachelet
Trong khi Romer lưu ý rằng điểm số của nhiều quốc gia đã bị thay đổi một cách không công bằng thông qua những thay đổi về phương pháp luận, ông đặc biệt xin lỗi chính phủ của Tổng thống Chi-lê đã mãn nhiệm Michelle Bachelet, cho rằng công việc của Nhóm báo cáo Môi trường Kinh doanh là "gây ảnh hưởng [để biến kết quả theo chiều hướng mong muốn]". Những thay đổi này đã trừng phạt Chi-lê khi Đảng Xã hội chủ nghĩa của Bachelet lên nắm quyền, dẫn đến những điểm số thấp tồi tệ, nhưng những điểm số đó lại được cải thiện khi tổng thống Sebastián Piñera thuộc đảng bảo thủ lên nắm quyền. Romer nói rằng "những thay đổi về phương pháp luận được sử dụng trong bảng xếp hạng có vẻ như có động cơ chính trị."

Trước áp lực mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn lao động, Ngân hàng Thế giới đã loại bỏ chỉ số về tính linh hoạt của thị trường lao động khỏi bảng xếp hạng vào năm 2010, nhưng tiếp tục chấm điểm thấp những quốc gia nào yêu cầu các doanh nghiệp đóng thuế và đóng góp vào các quỹ xã hội ở mức cao hơn.

Bachelet kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về hệ thống xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, lưu ý rằng một bộ máy giám sát tài chính như vậy "phải đáng tin cậy, bởi vì nó tác động đến hoạt động đầu tư và sự phát triển của các nước." Bộ trưởng Kinh tế của Chi-lê, Jorge Rodriguez Grossi, phát biểu trong một tuyên bố rằng "hiếm khi thấy hành động vô đạo đức này." Một số quan chức của Chi-lê gợi ý rằng việc xếp hạng Chi-lê thấp trong bản báo cáo Môi trường Kinh doanh có thể là một nhân tố trong sự thành công của chiến dịch tranh cử tổng thống của Piñera thuộc đảng bảo thủ vào tháng trước.
Augusto Lopez-Claros
Bài viết trên báo Wall Street Journal trích dẫn nhiều phát biểu của cựu giám đốc Nhóm báo cáo Môi trường Kinh doanh, Augusto Lopez-Claros, hiện đã thôi việc ở Ngân hàng Thế giới, người đã mạnh mẽ bảo vệ bản báo cáo. Trước khi lãnh đạo nhóm báo cáo Môi trường Kinh doanh, Lopez-Claros đã làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ngân hàng Lehman Brothers và Đại học Chile.
Trước khi có cuộc công kích nghiêm khắc của Romer, phần lớn những phê phán đối với bản báo cáo Môi trường Kinh doanh tập trung vào một chỉ báo lao động trước đây, chấm điểm tốt nhất những nước nào phi điều tiết cao thị trường lao động. Chẳng hạn như quốc gia nào không có luật về mức lương tối thiểu, thì được chấm điểm cao hơn. Trái với những gì báo cáo Môi trường Kinh doanh đã nhiều lần khẳng định, bản thân nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng đã chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp, việc phi điều tiết thị trường lao động không cải thiện các kết quả kinh tế.
Trước áp lực mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn lao động, báo cáo [Môi trường Kinh doanh] đã loại bỏ chỉ số về tính linh hoạt của thị trường lao động vào năm 2010, nhưng tiếp tục xếp hạng thấp những quốc gia nào yêu cầu các doanh nghiệp đóng thuế và đóng góp vào các quỹ xã hội ở mức cao hơn.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018 dầy 300 trang của năm nay cũng đưa ra những tuyên bố thiếu cơ sở cho rằng những quy định "thân thiện nhiều hơn với môi trường kinh doanh" là chìa khóa để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Báo cáo ghi nhận có 20 quốc gia được chấm điểm cao nhất (hầu hết là các nước thân thiện với môi trường kinh doanh) – gần như tất cả đều tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến – có hệ số Gini thấp hơn so với 20 quốc gia được chấm điểm thấp nhất.
Nhìn sơ qua 20 nước bị chấm điểm thấp nhất, ta thấy đó là nhiều quốc gia phải đối mặt với những xung đột dân sự hoặc chính trị nghiêm trọng, trong đó có Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Yemen, Nam Sudan, Venezuela và Somalia. Thật phi lí khi Ngân hàng Thế giới chỉ ra điều duy nhất mà các quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải làm là bãi bỏ các quy định về kinh doanh để đạt được mức phân phối thu nhập bình đẳng hơn.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và một số nhà phê bình hàn lâm cũng đã nhận xét rằng báo cáo Môi trường Kinh doanh dễ bị thao túng bởi các công ty luật ủng hộ kinh doanh, các công ty này hoàn thành các bảng câu hỏi khảo sát mà báo cáo Môi trường Kinh doanh dựa trên đó để chấm điểm. Các công ty này cũng bao gồm những doanh nghiệp lừng lẫy như tập đoàn Mossack Fonseca, nổi tiếng qua vụ Hồ sơ Panama vì đã giúp những cá nhân giàu có giấu tài sản của họ ở các thiên đường thuế. Ngay cả IMF cũng thừa nhận "bản chất chủ quan" của các chỉ số trong báo cáo Môi trường Kinh doanh trong một bài viết nghiên cứu khoa học được công bố vào năm 2011.
Ở giữa mọi sự tranh luận, ban giám đốc Ngân hàng Thế giới đã thành lập một ủy ban độc lập vào năm 2013, nhóm chuyên gia này đề xuất nhiều thay đổi trong báo cáo xếp hạng và cương vị của báo cáo này trong nội bộ Ngân hàng, trong đó có việc loại bỏ việc xếp hạng các nước và xóa bỏ chỉ báo thuế suất. Chỉ báo này gây bất lợi cho những quốc gia nào yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng thuế hoặc đóng góp cho các khoản trợ cấp lương hưu và các chương trình bảo hiểm xã hội khác vượt một mức ngưỡng thấp. Tuy nhiên, ban giám đốc Ngân hàng Thế giới đã bác bỏ hầu như tất cả các khuyến nghị của ủy ban độc lập.
Trong cơn bão lửa hiện tại được tạo ra bởi nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, các viên chức Ngân hàng tiếp tục bảo vệ hệ thống xếp hạng của họ, trong đó có việc xử lý vấn đề của Chi-lê. Tuy nhiên, những phê phán của Romer đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính thích đáng của Ngân hàng Thế giới, một định chế đa phương được tài trợ bởi chính phủ các nước, trong việc thúc đẩy một nghị trình bảo thủ chống lại các quy tắc điều tiết trong báo cáo "chủ lực" và cố làm mất uy tín chính phủ những nước nào không đồng tình với bản báo cáo đó.
Peter Bakvis
Peter Bakvis điều hành văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế, Washington, DC, đại diện cho 180 triệu người lao động ở 162 quốc gia.







Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF