12.6.18

Dữ liệu cá nhân, một vấn đề chính trị

DỮ LIỆU CÁ NHÂN, MỘT VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ

PIERRE RIMBERT
Những dấu tích mà chúng ta để lại trên Internet, những thông tin từ điện thoại thông minh của chúng ta, những hoạt động đóng góp của chúng ta vào các mạng xã hội không chỉ được các cơ quan tình báo thèm thuồng: chúng làm cho các nhà quảng cáo hài lòng và làm cho các đại gia ở Thung lũng Silicon giàu thêm. Tuy nhiên, dữ liệu cá nhân không nhất thiết phải gánh chịu định mệnh này. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân vì các mục đích công cộng đòi hỏi phải có một sự vận động chính trị.
Kim Dong-Kyu. – Đánh tráo bức tranh “Les Joueurs de cartes [Những người chơi bài]” của Paul Cezanne (giữa năm 1890 và 1895), năm 2013
Đã 1.424 tỷ chiếc điện thoại thông minh được bán ra trên thế giới vào năm 2015; hai trăm triệu chiếc nhiều hơn năm trước. Một phần ba nhân loại mang trong túi mình một máy tính. Việc mân mê chiếc máy khá thuận tiện này là một điều khá hiển nhiên đến mức chúng ta quên đi sự đổi chác mà nó áp đặt lên bản thân và dựa trên đó mà toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số được xây dựng: các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon tạo ra các ứng dụng cho người dùng, đổi lại, họ từ bỏ các dữ liệu cá nhân của mình cho các doanh nghiệp đó. Sự định vị, lịch sử hoạt động trực tuyến, danh bạ điện thoại, v.v., được thu thập một cách không ngượng ngùng[1], được phân tích và bán lại cho các nhà quảng cáo quá vui mừng khi cho phép họ nhắm đến việc “gửi đúng thông điệp đến đúng người vào đúng thời điểm, như bộ phận quản lý của Facebook đã loan báo ầm ĩ. “Nếu là miễn phí, thì bạn chính là sản phẩm" theo như một ngạn ngữ của những năm 1970.
Edward Snowden (1983-)
Trong khi những cuộc tranh luận về vấn đề giám sát đã tăng lên kể từ khi có những tiết lộ của Edward Snowden vào năm 2013, thì việc cưỡng đoạt dữ liệu vì mục đích thương mại hầu như không được coi là một vấn đề chính trị, có nghĩa là gắn với các lựa chọn chung và có thể là chủ đề của một cuộc thảo luận tập thể. Ngoài các hiệp hội chuyên ngành, vấn đề đó hầu như không vận động được người ta. Có lẽ bởi vì người ta ít biết đến nó.
Dallas Smythe (1907-1992)
Vào những năm 1970, nhà kinh tế học người Mỹ Dallas Smythe nhận thức rằng bất cứ ai bị kiệt sức trước một màn hình đều là một người lao động không biết là mình đang làm việc. Theo lời giải thích của ông, truyền hình tạo ra một mặt hàng: khán giả, hợp thành từ sự chú ý của người xem, mà các kênh truyền hình bán cho các nhà quảng cáo. “Bạn đánh đổi thời gian làm việc không được trả lương của mình bằng các chương trình truyền hình và quảng cáo[2]. Công việc không được trả lương của người dùng Internet thật ra còn tích cực hơn so với công việc của người xem truyền hình. Trên các mạng xã hội, tự chúng ta chuyển đổi tình bạn, cảm xúc, mong muốn và cơn giận của mình thành những dữ liệu có thể được các thuật toán khai thác. Mỗi cái hồ sơ, mỗi cái “like, mỗi dòng tweet, mỗi yêu cầu, mỗi cái nhấp chuột đều tuôn ra một giọt thông tin có giá trị vào đại dương các máy chủ được Amazon, Google và Microsoft đặt trong các phòng điều hòa không khí trên tất cả các châu lục.

Karl Marx (1818-1883)
Công việc kỹ thuật sốhay lao động kỹ thuật số, là tên gọi các tác vụ dữ liệu hóa thế giới đó một cách miễn phí. Những tập đoàn khổng lồ ở Thung lũng Silicon trở nên thịnh vượng trên “tội tổ tông" đó. Vào năm 1867, trong cuốn Tư bản luận, Karl Marx đã viết “những gì nằm sâu trong sự tích lũy tư bản ban đầu là sự truất hữu người lao động sản xuất trực tiếp.” Để rào chắn các đồng cỏ chung, để bắt người nông dân đói khổ lao động ăn lương hoặc để thực dân hóa phương Nam, tư bản phải dùng đến “sự xâm chiếm, sự nô lệ hoá, cướp bóc vũ trang, chế độ cai trị bằng bạo lực. Vào thế kỷ 21, kho vũ khí còn bao gồm cả những vũ khí hạng nhẹ, như các video về những chú mèo con vui nhộn.
Lịch sử kinh tế có thể ghi nhận công lao của giới chủ mang giày thể thao vì đã phổ cập gương mặt của một người nghèo xơ xác tươi cười, người đồng sản xuất ưng thuận với dịch vụ mà anh ta tiêu thụ. Doanh thu 75 tỷ US$ của Google trong năm 2015, chủ yếu phát sinh từ hoạt động quảng cáo, cho thấy khá đủ mức độ tích lũy bằng cách truất hữu người sử dụng mà không cần phải giấu giếm nữa. Khi kết quả kinh doanh của Facebook trong quý II năm 2016 được công bố, trang web Re/Code vui mừng với những gì mà mạng xã hội, với 1,71 tỷ người đăng ký, “kiếm được nhiều tiền hơn trên từng người dùng, 3,82 US$ mỗi người[3].
Do đó không có gì sai trái hơn khi gọi dữ liệu (donnée) là cho trước (tác giả chơi chữ, donnée trong tiếng Pháp còn có nghĩa là cho – ND): dữ liệu không chỉ được tạo ra, mà hơn nữa còn bị đánh cắp. Nếu công việc không tự nguyện của người dùng Internet là chủ đề phân tích sáng tỏ của giới học thuật[4], thì các đảng phái hoặc nghiệp đoàn thuộc cánh tả chưa tích hợp chiều kích này vào phân tích của họ – và thậm chí còn ít hơn trong các yêu sách của họ. Thế nhưng, các hình thái bóc lột hữu hình và vô hình gắn chặt với nhau. Công việc kỹ thuật số chỉ là một mắt xích trong một chuỗi sản xuất đi từ những bàn chân của các thợ mỏ vùng Kivu [châu Phi] bị buộc phải khai quật quặng coltan cần thiết để sản xuất điện thoại thông minh, đến những cổ tay của các công nhân nữ của công ty Foxconn ở Thm Quyến – những người lắp ráp điện thoại thông minh, đến những chiếc bánh xe của các bác tài Uber không có quy chế người lao động và của các nhân viên giao hàng bằng xe đạp của công ty Deliveroo, đến cái cổ của những người chuyển hàng của công ty Amazon bị điều khiển bởi các thuật toán[5].

Sự nổi dậy của nông dân

Mark Fields
Ai tạo ra dữ liệu? Ai kiểm soát chúng? Phân chia của cải được làm ra như thế nào? Những mô hình nào khác cần xem xét? Đặt những câu hỏi này thành thách thức chính trị càng cấp bách hơn khi việc nhân rộng các đối tượng được kết nối và việc lắp đặt có hệ thống những cảm biến trong các chu trình sản xuất công nghiệp đang mỗi ngày làm phình lên các luồng thông tin. Mark Fields (Las Vegas, ngày 6 tháng 1 năm 2015), chủ tịch tập đoàn Ford, khoe rằng “những chiếc ô tô ngày nay đang tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ: hơn 25 gigabyte mỗi giờ, tương đương với hai mùa của bộ phim truyện Game of Thrones [Trò chơi vương quyền]. Từ các lộ trình đến các thông số về việc cầm lái, qua sở thích âm nhạc và dự báo thời tiết, tất cả đều được đưa vào các máy chủ của nhà sản xuất. Và, đã có những nhà tư vấn đang tự hỏi: đổi lại, liệu người lái xe có thể thương lượng một khoản giảm giá nào không[6]?
Một số lực lượng xã hội có tổ chức và có ý thức về quyền lợi của họ đã chọn nêu việc ăn cắp vặt dữ liệu lên hàng đầu các ưu tiên chính trị của họ. Ví dụ, các chủ nông trại lớn người Mỹ. Từ nhiều năm nay, các máy và thiết bị nông nghiệp có cảm biến đã thu thập rất nhiều thông tin giúp có thể điều chỉnh sai biệt theo từng mét việc gieo hạt, xử lý, tưới tiêu, v.v.. Đầu năm 2014, nhà sản xuất hạt giống Monsanto và nhà sản xuất máy kéo John Deere, mỗi công ty đều đã đề xuất người nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ truyền trực tiếp các thông số này đến các máy chủ của họ để xử lý.
Mary Kay Thatcher
Nhưng bà Mary Kay Thatcher, một người khắc khổ chịu trách nhiệm về mối quan hệ giữa Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ với Quốc hội, không nghe theo cách đó. “Người nông dân cần phải biết ai kiểm soát dữ liệu của họ, ai có thể truy cập dữ liệu của họ và liệu các dữ liệu tổng hợp hoặc cá nhân đó có thể được chia sẻ hoặc bán không, bà khẳng định trong một video giáo dục có tiêu đề “Ai sở hữu dữ liệu của tôi?. Bà Thatcher lo ngại liệu các dữ liệu này, được các công ty đa quốc gia thu thập, có rơi vào tay các nhà đầu cơ không: “Họ chỉ cần biết thông tin về vụ thu hoạch đang diễn ra vài phút trước mọi người[7]. Cuộc vận động đã mang lại kết quả. Vào tháng 3 năm 2016, các nhà cung cấp công nghệ thông tin và các đại diện nông dân đã nhất trí về các “nguyên tắc an toàn và bảo mật đối với các dữ liệu nông nghiệp, trong khi một tổ chức, Liên minh các dữ liệu nông nghiệp (Agricultural Data Coalition), đã thành lập vào tháng 7 năm 2016 một trang trại các máy chủ hợp tác để cùng nhau chia sẻ việc lưu trữ dữ liệu.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu còn không thoáng nghĩ đến những ý tưởng như vậy. Tháng 10 năm 2015, một sinh viên người Áo đệ trình một loạt các khiếu kiện chống lại Facebook vì không tôn trọng quyền riêng tư đã dẫn đến việc vô hiệu hóa một thoả thuận đã có từ hai mươi năm trước cho phép chuyển dữ liệu cho các doanh nghiệp Mỹ (thoả thuận Safe Harbor). Lúc đó Liên minh châu Âu đã có thể buộc tập đoàn Web khổng lồ phải lưu trữ thông tin cá nhân của người châu Âu trên Lục địa già. Nhưng ngược lại, họ đã gấp rút ký kết, vào đầu năm 2016, một thỏa thuận mới cho phép chuyển dữ liệu một cách tự động, phần mềm “Lá chắn bảo mật(Privacy Shield) theo kiểu Orwellian, để đổi lấy sự đảm bảo của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ rằng sẽ không thực hành bất cứ “sự giám sát đại trà bừa bãi" nào – hứa danh dự! Chỉ cần bật điện thoại di động lên là đã thực hành việc nhập-xuất dữ liệu mà không hề biết điều đó. Vào thời điểm khi mà trận chiến chống lại thị trường lớn xuyên Đại Tây Dương đang tập hợp hàng triệu đối thủ, thì việc tái khẳng định tự do thương mại điện tử đã không gây ra một phản ứng cụ thể nào.
Jaron Lanier (1960-)
Sự tồn tại và quy mô của cuộc vận động theo các chủ đề này sẽ hướng tương lai của “lao động kỹ thuật số” theo một trong những hướng đi đang được vẽ ra. Thứ nhất là hướng đi của một thất bại khi chưa chiến đấu, thừa nhận quy chế của người dùng-môi giới chính các dữ liệu của mình. Theo mô hình này, được tưởng tượng ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 2010 bởi Jaron Lanier, nhà điện toán và giáo chủ về thực tế ảo, “ngay khi một người đóng góp bằng bất kỳ phương tiện nào và dù ở một mức độ nhỏ nhất đi nữa vào một cơ sở dữ liệu, (...) thì họ sẽ nhận được một khoản thanh toán nano tỷ lệ thuận với quy mô đóng góp và giá trị mang lại. Các khoản thanh toán nano này sẽ được cộng dồn và sẽ hình thành một khế ước xã hội mới[8]” . Tất cả đều trở thành những chủ cửa hàng (cực nhỏ – nano)!
Thứ hai là hướng để các Nhà nước nắm lại quyền kiểm soát. Kể từ đầu những năm 2010 tại Hoa Kỳ và từ việc tăng cường chính sách thắt lưng buộc bụng, sự phẫn nộ chống lại làn sóng lớn trốn tránh thuế của các doanh nghiệp công nghệ cao đã tăng lên. Bên lề các thủ tục của Ủy ban châu Âu tiến hành chống lại Google và nhiều cuộc điều tra gian lận khác nhau ở cấp độ quốc gia, ở Pháp đã nảy sinh ý tưởng đánh thuế các doanh nghiệp công nghệ trên giá trị được tạo ra từ các dữ liệu cá nhân. Trong một báo cáo của Pháp về chính sách thuế của ngành kỹ thuật số, các quan chức cấp cao Nicolas Colin và Pierre Collin chủ trương rằng “nước Pháp phải giành lại quyền đánh thuế trên tiền lời có nguồn gốc là lao động miễn phícủa người dùng Internet định cư trên lãnh thổ Pháptheo nguyên tắc “kẻ săn mồi-kẻ trả tiền[9].
Antonio Casilli (1972-)
Dựa trên phương pháp này, nhà xã hội học Antonio Casilli đã đề xuất rằng khoản thuế này sẽ cung cấp tài chính cho một thu nhập cơ bản vô điều kiện. Ông giải thích rằng thu nhập cơ bản này sẽ được coi “vừa như một đòn bẩy giải phóng và vừa như một biện pháp bồi thường cho lao động kỹ thuật số[10]” .  Sự biến thái từ một vấn đề về dữ liệu cá nhân thành một vấn đề chính trị cấp tiến sẽ tìm ra ở đây một công thức. Chúng ta có thể tưởng tượng ra nhiều công thức khác, không còn dựa trên sự hàng hóa hoá, mà dựa trên sự xã hội hóa.
Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, y tế và năng lượng, các thông tin đại trà cho đến nay chỉ được dùng để phổ nhạc chính sách thắt lưng buộc bụng bằng cách tiết kiệm. Các thông tin này cũng có thể góp phần vào việc cải thiện sự dịch chuyển của người dân thành thị, hệ thống chăm sóc y tế, phân bổ nguồn năng lượng, giáo dục. Thay vì chuyển thông tin theo mặc định sang bên kia Đại Tây Dương, các thông tin này có thể giao cho một cơ quan dữ liệu quốc tế dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Các quyền truy cập có phân biệt sẽ phân tầng khả năng tham vấn và sử dụng: tự động đối với những cá nhân có liên quan; miễn phí nhưng ẩn danh đối với các đoàn thể địa phương, các cơ quan nghiên cứu và thống kê công; có thể đối với những người thúc đẩy các dự án tiện ích tập thể phi thương mại.
Ngược lại, việc các tác nhân tư nhân tiếp cận nguồn nguyên liệu thô quý giá sẽ có điều kiện và có trả tiền: ưu tiên cho công chúng, và không còn ưu tiên cho thương mại. Một đề xuất có liên quan, nhưng được xem xét ở cấp độ quốc gia, theo quan điểm chủ quyền quốc gia, đã được nêu chi tiết vào năm 2015.[11] Một cơ quan quốc tế sẽ, ngay lập tức, có lợi thế tập hợp lại, xung quanh những chuẩn mực nghiêm ngặt, một tập hợp những nước nhạy cảm với các vấn đề bảo mật và mong muốn tranh cãi quyền bá chủ của Mỹ.

Một cơn giận nhắm sai đối tượng

Evgeny Morozov (1984-)
Động lực cần thiết để đại chúng hóa quyền sở hữu và quyền sử dụng được xã hội hóa các dữ liệu vẫn còn bị vướng bởi cảm giác tự ti về mặt kỹ thuật, kết hợp tâm lý “Điều này quá phức tạpvới Không thể làm gì được". Tuy nhiên, mặc cho sự phức tạp và từ vựng rối răm, lĩnh vực kỹ thuật số không hề tách khỏi phần còn lại của xã hội, cũng như không thoát li chính trị. Theo nhà phê bình Evgeny Morozov: Nhiều nhà thiết kế Internet thương xót cho số phận của thực thể mà họ tạo ra, nhưng cơn giận của họ nhắm sai đối tượng, lỗi không thuộc về một thực thể không có hình dạng nhất định này, mà thuộc về cánh tả, đã không có khả năng đề xuất những chính sách vững mạnh về công nghệ, những chính sách có khả năng đối trọng với sự đổi mới, sự đảo lộn”, sự tư nhân hóa được các đại gia ở Thung lũng Silicon thúc đẩy)”.[12]
Vấn đề đặt ra không còn là liệu có xuất hiện một cuộc tranh luận xung quanh vấn đề kiểm soát các nguồn tài nguyên kỹ thuật số hay không, mà là liệu các lực lượng tiến bộ có tham gia vào cuộc đối đầu này hay không. Những yêu sách như việc chiếm hữu trở lại có tính dân chủ các phương tiện truyền thông trực tuyến, giải phóng lao động kỹ thuật số, quyền sở hữu và quyền sử dụng xã hội hóa các dữ liệu sẽ tiếp nối một cách logic cuộc đấu tranh đã có từ hai thế kỷ qua. Và làm thất bại tâm lí bó tay mang tính định mệnh luận, chắc chắn sẽ đặt tương lai vào nơi giao nhau giữa Nhà nước giám sát và thị trường săn mồi.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Données personnelles, une affaire politique, Monde Diplomatique, Septembre 2016.



[1] Bruce Schneier, Data and Goliath. The Hidden Battles to Collect Your Data and Control Your World, W. W. Norton and Company, New York, 2015.
[2] Dallas W. Smythe, “On the audience commodity and its work” , dans In Dependency Road: Communications, Capitalism, Consciousness, and Canada, Ablex, Norwood (États-Unis), 1981.
[3] Kurt Wagner, “You’re more valuable to Facebook than ever before“, Re/Code, 27 juillet 2016.
[4] Cf. notamment la revue en ligne Triple C.
[5] Trebor Scholz (sous la dir. de), Digital Labor. The Internet as Playground and Factory, Routledge, New York, 2012.
[6] Chuck Tannert, “ Could your personal data subsidize the cost of a new car ?“, The Drive. com, 18 juillet 2016.
[7] Dan Charles, “ Should farmers give John Deere and Monsanto their data ?“, NPR. org, 22 janvier 2014.
[8] Jaron Lanier, Who Owns the Future?, Simon & Schuster, New York, 2013.
[9] Nicolas Colin et Pierre Collin, Mission d’expertise sur la fiscalité de l’économie numérique, La Documentation française, Paris, 2013.
[10] Dominique Cardon et Antonio A. Casilli, Qu’est-ce que le Digital Labor?, INA Éditions, Paris, 2015. Lire Mona Chollet, “Le revenu garanti et ses faux amis“, Le Monde diplomatique,, juillet 2016.
[11] Pierre Bellanger, “Les données personnelles: une question de souveraineté” , Le Débat, no 183, Paris, janvier-février 2015.
[12] Evgeny Morozov, Le Mirage numérique. Pour une politique du Big Data, Les Prairies ordinaires, Paris, 2015. Lire aussi Thomas Frank, “Les démocrates américains envoûtés par la Silicon Valley “, Le Monde diplomatique, mars 2016.

Print Friendly and PDF