18.6.18

“Tân” trong Chủ nghĩa Tân tự do là gì?

“TÂN” TRONG CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO LÀ GÌ?

Làm thế nào để nêu lên sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do và thứ gì đó khác.
WILLIAM DAVIES
Nigel Farage (1964-)
Trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015, Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP) đã nhắc lại sự ủng hộ của ông về “hệ thống tính điểm nhập cư kiểu Úc” như một phương tiện để kiểm soát nhập cư, chính sách này cho thấy điều mà đảng ông đã từng ưu tiên hàng đầu. Điều gây tò mò trong tuyên bố của Farage không ở những điều mà chính sách này cam kết – vì nó đã được nhắc đến vài thời điểm trước – mà là lời lẽ hoa mỹ về chủ nghĩa tự do mà ông này sử dụng để biện minh cho lời tuyên bố ấy. Trên tờ Daily Telegraph (Anh), Farage lập luận rằng “những gì đảng UKIP muốn không phải là giảm dòng người di cư. Việc này không phải là sự kì thị, hay làm nản chí, hay đổ lỗi cho những người đi vào đất nước này và nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt hơn cho bản thân họ” và rằng “hệ thống tính điểm nhập cư” là cơ sở công bằng duy nhất để quản lí nhập cư.
Có thể thấy ngay rằng, đây là một trường hợp đơn giản trong thuật hùng biện để “bắt cá hai tay” (rhetorical triangulation): đảng này, vốn nổi tiếng là không hề có thiện cảm đối với dòng người nhập cư, lại nghiễm nhiên phát ngôn ra tinh thần chung của chủ nghĩa tự do, dưới lớp vỏ ngụy trang đầy lòng trắc ẩn cho đường lối chính trị chống nhập cư của mình. Nhưng chính “hệ thống tính điểm nhập cư” mà đảng này ưu tiên sử dụng đã tố cáo những toan tính phía sau lớp vỏ đó. Lời phát ngôn mang tính hùng biện về tự do của đảng UKIP có cơ sở vững chắc dựa trên chính sự công bằng đáng ngờ của phương pháp "tính điểm" này. Như trang web của đảng này tuyên bố, “Hệ thống tính điểm nhập cư kiểu Úc” đề cao “nguyên tắc đảm bảo bình đẳng cho tất cả mọi người”. Nhưng còn có điều gì sặc mùi chủ nghĩa tự do hơn thế?
Cốt lõi của cuộc tranh luận về chính sách này là sự phân ly giữa “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa tân tự do” như là hai triết lí hay “các lí tính” đang cạnh tranh lẫn nhau của chính trị. Khái niệm về một “hệ thống tính điểm” nhập cư đã giả định rằng vấn đề về di cư hợp pháp rốt cuộc là một vấn đề về mặt kinh tế, hệ thống này chỉ cấp quốc tịch cho những người di cư thuộc những diện kinh tế nhất định. Tuy nhiên, nhiều người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế lại lập luận rằng các đường biên giới nên được nới lỏng cho mọi người, để thúc đẩy tính linh hoạt của thị trường lao động lớn hơn nói chung. Rõ ràng là đảng UKIP không quan tâm đến điều này.
Lời hứa về “hệ thống tính điểm nhập cư” là để tính toán các khả năng khác nhau của con người theo ẩn dụ kinh tế về vốn con người.
Gary Becker (1930-2014)
Một “hệ thống tính điểm nhập cư” hoạt động thông qua sự tính các điểm số khác nhau cho mỗi người nhập cư có tiềm năng được vào quốc tịch trong tương lai, dựa trên trình độ, khả năng ngôn ngữ và kinh nghiệm làm việc của họ. Để được nhập cảnh, bắt buộc phải đạt một điểm số nhất định. Mục đích của một hệ thống như thế, do đó, là nhằm phân biệt đối xử giữa những người di cư cạnh tranh lẫn nhau, thực chất nó cũng giống như đường lối chính trị của đảng UKIP. Trong khi các định kiến ​​v chng tc hoc văn hóa có thể tập trung vào những cái biểu đạt tuỳ tiện, lời hứa về “hệ thống tính điểm nhập cư” lại dựa trên sự tính toán các khả năng của con người theo ẩn dụ kinh tế về vốn con người, một khái niệm có nguồn gốc từ công trình của nhà kinh tế học Gary Becker theo Trường phái Chicago vào những năm 1960.
“Hệ thống tính điểm nhập cư” có thể được xem như có tính điển hình của chính phủ tân tự do đang hoạt động, và làm nổi bật một số khác biệt quan trọng giữa chủ nghĩa tự do về chính trị, chủ nghĩa tự do về kinh tế và chủ nghĩa tân tự do. Mỗi triết lí hoặc lí tính này đều có nguồn gốc lịch sử và nguồn gốc tri thức riêng biệt, và ngày nay cả ba đều sinh tồn cùng nhau, đôi khi bổ sung cho nhau, đôi khi xung đột lẫn nhau. Nhưng việc phân biệt một số khía cạnh quan trọng để nói lên sự khác biệt của chúng là có thể và hữu ích, để từ đó hiểu rõ hơn về cuộc xung đột giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tân tự do đang diễn ra như thế nào.
Hiểu theo hướng chính trị, chủ nghĩa tự do là một triết lí xem cá nhân là những người sở hữu một số quyền nhất định được công nhận trong một hệ thống luật pháp tối cao. Quan trọng nhất, họ có quyền được sống và có những nhu cầu cần thiết gắn với điều này, trong đó bao gồm những nhu yếu phẩm có tính kinh tế nhất định. Quyền tư hữu từ lâu đã được công nhận là một quyền cá nhân cơ bản trong khuôn khổ về tự do, phần nào giải thích mối liên hệ giữa chủ nghĩa tự do về chính trị với chủ nghĩa tự do về kinh tế. Một tiền đề quan trọng cho tất cả tư tưởng và nền chính trị về tự do là các cá nhân đều có quyền bình đẳng với nhau như các chủ thể pháp lí, bất kể các sự bất bình đẳng và khác biệt nào có thể phân chia họ. Thông thường (nhưng không nhất thiết) điều này được bổ sung với một triết lí về quyền công dân mang tính dân chủ bình đẳng.
Xét trên phạm vi rộng, chính cam kết tự do về tính hợp pháp và sự bình đẳng trước luật pháp gây nên phản ứng của một đảng như UKIP ngay từ đầu. Cảm nhận rằng các thẩm phán có thể bác bỏ các chính phủ được bầu một cách dân chủ, xác nhận hiến chương về quyền con người nhằm đối xử bình đẳng với tất cả các nền văn hóa và quốc gia là một trong những động lực chính của nền chính trị phản động ở phương Tây từ những năm 1960. Tại Hoa Kì, vai trò của Tòa án tối cao trong việc hợp pháp hóa phá thai là một trong những chất xúc tác chính cho “cuộc chiến tranh văn hóa” đã làm sống lại chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa bảo căn trong những năm 1980. Trong giấc mơ về một kiến ​​trúc bao quát cho xã hi và viện dẫn ngôn ngữ mang tính siêu hình học của “các quyền”, cam kết tự do luôn luôn gặp phải nguy cơ dường như không linh hoạt, không khoa học và “lạc hậu”.
Tất nhiên, một chính thể quốc gia có thể tìm cách rút khỏi các hiệp định và luật pháp quốc tế, để giảm phạm vi của chủ nghĩa tự do về chính trị của họ xuống chỉ còn là các chủ thể quốc gia. Tuy nhiên, hình thức chủ nghĩa tự do về chính trị này làm rối loạn những người theo thuyết cộng đồng vốn muốn nhìn thấy cuộc sống tập thể bị truyền thống và bản sắc chi phối, chứ không phải là các bộ luật pháp lí trừu tượng này. Trong trường hợp vắng mặt các nhà độc tài hay thiểu số trị để cho chủ nghĩa tự do về chính trị vận động chống lại, nguy cơ của chủ nghĩa này là trở thành một loại vai trò ngày càng lớn được quan tâm đặc biệt, một mối bận tâm cho những người luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và thành viên của Đảng Tự do.
Adam Smith (1723-1790)
Thực tế là việc những người theo chủ nghĩa tự do về chính trị có chung quan điểm với những người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế trong một chương trình nghị sự chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho quyền lực của những người theo chủ nghĩa tự do về chính trị. Những người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế bắt nguồn từ giả thuyết của những người theo thuyết vị lợi rằng chính những sự trao đổi trên thị trường không kiểm soát đã làm tăng phúc lợi, đó cũng chính là tuyên bố quan trọng nhất khởi đầu cho khoa học kinh tế của Adam Smith. Điều này đã biến thành cương lĩnh chính trị được biết đến với tên gọi là “tự do kinh doanh” [laissez-faire], trong đó nhà nước chỉ cung cấp các hình thức tối thiểu về quy định và bảo vệ mang tính pháp lí, chẳng hạn như các quyền sở hữu, luật hợp đồng và một số hàng hóa tập thể như quốc phòng, nhưng ngoài ra cũng cho phép thị trường tự vận hành. Về mặt lịch sử, đỉnh cao của cương lĩnh chính trị này là nền kinh tế Anh giữa năm 1820 và 1870.
Karl Polanyi (1886-1964)
Điều quan trọng cho việc tự do kinh doanh được hiện thực hóa là ý tưởng cho rằng các lĩnh vực chính trị và kinh tế (nói chung tương ứng với nhà nước và thị trường) tồn tại hầu như độc lập với nhau. Một người nào đó có thể là một công dân hoàn toàn về mặt chính trị, nhưng nghèo khổ về mặt kinh tế. Nhà nước có thể trừng phạt tội phạm hoặc tiến hành cuộc chiến tranh, nhưng họ không nên can thiệp vào quan hệ thị trường giữa các chủ thể tư nhân. Và vân vân. Ý tưởng phân chia chính trị và kinh tế thành hai lĩnh vực riêng biệt đã bị chỉ trích rộng rãi, không chỉ từ những người Mác xít vì nó che giấu việc bóc lột giai cấp (giải phóng giai cấp vô sản đơn thuần chỉ để tự tha hóa chính bản thân họ), nhưng đáng chú ý là những lời chí trích từ Karl Polanyi, ông lập luận rằng lí tưởng này mãi mãi chỉ là ảo tưởng. Theo quan điểm của Polanyi, nhà nước không bao giờ hoàn toàn vắng mặt khỏi lĩnh vực kinh tế, nhưng vẫn chế tác và đảm bảo các quyền tự do kinh tế được những người ủng hộ tự do kinh doanh coi là “tự nhiên”.
Tony Blair (1953-)
Việc hình dung về một chính sách di cư được thiết kế từ các nguyên tắc về tự do kinh tế là tương đối dễ dàng, mà quả thực là chính phủ của Tony Blair đã sẵn sàng để bảo vệ các mức độ di cư gia tăng trên cơ sở tăng cường phúc lợi tổng hợp trong những năm trước ngày 11/9. Nhưng một lần nữa, việc thị trường sẽ sắp xếp tất cả, trong khi chính phủ đứng lùi lại, là có tính khiêu khích đối với bất cứ ai tin rằng thị trường cần đến việc phác thảo, xây dựng và vận hành khéo léo hướng tới lợi ích cục bộ lớn nhất. Việc này bao gồm những người theo chủ nghĩa dân túy như đảng UKIP — nhưng cũng bao gồm cả những người theo chủ nghĩa tân tự do.
Thuật ngữ “chủ nghĩa tân tự do” liên quan đến nhiều thứ khác nhau, nhưng có lẽ được hiểu rõ nhất khi quy chiếu về một phong trào của giới tri thức và giới chính trị tìm cách dựng lại chủ nghĩa tự do trong bối cảnh của chủ nghĩa tư bản trong thế kỉ XX. Bối cảnh này khác với bối cảnh chủ nghĩa tự do thời nữ hoàng Victoria theo nhiều cách khác nhau, nhưng đặc biệt là trong các khía cạnh về quy mô tập trung quan liêu trong cả doanh nghiệp lẫn chính phủ. Về [phong trào của] giới tri thức, nó bắt đầu vào những năm 1930, theo đà phát triển mạnh thông qua các think tank [nhóm chuyên gia và cố vấn] và sự trao đổi học thuật trong giai đoạn hậu chiến, và sau đó được các chính phủ và tổ chức đa phương nắm bắt từ những năm 1970 trở đi. Có thể hiểu rõ nhất sự tương phản giữa chủ nghĩa “tân” tự do này và các chủ nghĩa tiền thân về chính trị và kinh tế của nó thông qua ba khía cạnh khác biệt sau.
Michel Foucault (1926-1984)
Thứ nhất, chủ nghĩa tân tự do chưa bao giờ theo đuổi việc xây dựng một nhà nước yếu hơn; thực sự nó là một loại hình triết học chính trị và là chương trình nghị sự về chính sách luôn luôn nhìn vào nhà nước để định hình lại xã hội xung quanh những lí tưởng của nó. Như Michel Foucault đã nỗ lực nhiều để nhấn mạnh rằng nó không phải là một hình thức khác của tự do kinh doanh, mà thay vào đó, nó trao cho nhà nước một vai trò chủ chốt trong việc định hình cách thức làm cho tự do kinh tế được rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, trong trường hợp nhập cư, quan điểm của chủ nghĩa tự do cho rằng phúc lợi kinh tế sẽ được tối đa hóa bằng cách đơn giản là mở cửa thị trường lao động trong quốc gia cho tất cả những người nhập cư đều sẽ bị quan điểm tân tự do chống lại. Điều hoàn toàn có thể xảy ra, từ một quan điểm tân tự do, là nhà nước có thể tìm cách kiểm soát một thứ gì đó như những dòng chảy lao động, để phục vụ một số mục tiêu kinh tế chiến lược nhất định.
Chủ nghĩa tân tự do từ bỏ quan niệm tự do về sự tách biệt giữa các mặt chính trị và kinh tế của đời sống. Cuối cùng, tất cả mọi thứ đều có thể được xử lí trong khía cạnh kinh tế.
Thomas Hobbes (1588-1679)
Niềm tin vào một nhà nước mạnh tự thân nó không mâu thuẫn với các giá trị truyền thống xưa của chủ nghĩa tự do về chính trị. Nền tảng triết học chính trị tự do của Thomas Hobbes đã tạo ra cho nhà nước một điều kiện tiên quyết về sự tự do, điều này đòi hỏi những dự trữ khổng lồ của sự tập trung hóa quyền lực trong việc duy trì một xã hội dân sự. Những người theo chủ nghĩa tân tự do thường làm việc trong truyền thống nhiều bi quan này về triết học tự do, và họ chia sẻ cùng một ý tưởng về nhà nước chuyên chế như cung cấp một khuôn khổ lí thuyết cho tự do. Những người theo chủ nghĩa tự do bị nghi ngờ nhất là những người theo chủ nghĩa bình đẳng, lạc quan hơn, họ xem thị trường và xã hội dân sự như những không gian tự trị và tự điều chỉnh có tiềm năng.
Thứ hai, chủ nghĩa tân tự do từ bỏ ý tưởng tự do về việc tách biệt giữa các mặt chính trị và kinh tế của đời sống. Cuối cùng, mọi thứ đều có thể được xem xét dưới khía cạnh kinh tế, kể cả nhà nước, luật pháp, nền dân chủ, quyền lãnh đạo và xã hội dân sự. Các lí tưởng và giá trị chính trị được xem là nguy hiểm và có khả năng dẫn đến sự chuyên chế. Từ cách nhìn tân tự do, việc xem tất cả các lĩnh vực của cách ứng xử con người như kinh tế cũng như tổ chức lại không gian chính trị hay văn hóa xung quanh khuôn mẫu của thị trường là việc an toàn hơn nhiều.
Việc này không nhất thiết đồng nghĩa với việc tư nhân hóa toàn bộ hàng hóa công. Việc tư nhân hóa gần hết (quasi-privatization) có thể xảy ra trong các thị trường giả tạo (pseudo-market): giáo dục, y tế, nghệ thuật, v.v. và các thị trường này được đánh giá, xếp hạng và quản lí “như thể” chúng đang hoạt động trong một thị trường đầy đủ. Việc này được xem là thích hợp hơn việc phán xét và kiểm soát chúng [các thị trường trên] theo các khía cạnh riêng của chúng, vốn được xem phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và tư lợi. Cuối cùng, các thể chế chính trị về luật pháp, truyền thống và chủ quyền được xem là vô nghĩa theo cách nhìn tân tự do. Các câu hỏi về quyền công dân và công lí (mà từ đó hình thành câu hỏi về di cư của những người theo chủ nghĩa tự do về chính trị) sẽ bị bỏ qua trong một khuôn khổ tân tự do, và thay thế bằng các câu hỏi kĩ thuật về năng suất, ưu đãi, rủi ro và lợi tức đầu tư. “Hệ thống tính điểm nhập cư” là một sản phẩm của những nhà kĩ trị này vốn đang né tránh các mối quan tâm về chủ quyền [của nhà nước].
Friedrich von Hayek (1899-1992)
Thứ ba, chủ nghĩa tân tự do coi cạnh tranh là đặc tính quan trọng và có giá trị nhất của chủ nghĩa tư bản. Có một lí do đơn giản cho điều này: Thông qua quá trình cạnh tranh, đã có thể phân biệt ai và điều gì là có giá trị. Như Friedrich Hayek lập luận, cạnh tranh là một “quá trình khám phá”. Khi thiếu vắng sự cạnh tranh được tổ chức tốt, tất yếu xuất hiện hoặc là quan điểm thiển cận thiểu số được giới trí thức và những nhà hoạch định (vấn đề của chủ nghĩa xã hội) áp đặt; hoặc là có một sự hỗn tạp tương đối những tiếng nói tranh cãi nhau, nghĩa là tất cả đều tìm cách át tiếng nhau (vấn đề của nền dân chủ). Nhưng việc này làm tăng tính khẩn cấp của các cuộc cạnh tranh được hoạch định và điều hành tốt, đó là quyền lực của các thính giảchỉ số xếp hạng, chỉ số nghe nhìn, huấn luyện viên, các kĩ thuật tạo động lực, cũng như là các ẩn dụ thể thao trong văn hóa đương đại.
Đối với những người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị như Smith, phẩm chất vĩ đại của thị trường là nó mang mọi người đến với nhau. Nó tạo ra một hình thức bình đẳng mới, theo đó mọi người sẽ giao dịch với nhau như những con người bình đẳng, và thông cảm với quan điểm của nhau. Cuối cùng, sự trao đổi sẽ tạo ra nền hòa bình xã hội. Đối với những người theo chủ nghĩa tân tự do, mọi thứ đều rất khác. Đặc tính trọng tâm của chủ nghĩa tư bản không phải là sự tích hợp mà là sự phân biệt đối xử: sự cạnh tranh tách biệt những người dẫn đầu khỏi kẻ theo sau; người chiến thắng khỏi kẻ thua cuộc; người nỗ lực làm việc khỏi kẻ trốn việc: người di cư có động lực, có năng suất, nói tiếng Anh khỏi kẻ ăn bám phúc lợi (benefit scrounger). Bất cứ điều gì mà nhà nước có thể làm để hỗ trợ quá trình phân loại này (như cải cách hệ thống giáo dục) được xem là đáng hoan nghênh. Ở tầm vĩ mô, bản thân các quốc gia phải cố gắng tự phân biệt với các quốc gia khác, giống như các tập đoàn hoặc công ty có thương hiệu theo đuổi các chiến lược khác nhau hướng tới “tính cạnh tranh” trong “cuộc đua toàn cầu”.
Có một lô gíc về chính trị và kinh tế đối với điều này, và không chỉ là một xung lực phản động. Thật vậy, vẫn còn một số tàn tích của chủ nghĩa tự do ở đây, nhưng nó được vùi sâu bên dưới. Giả thuyết làm nền tảng cho thế giới quan tân tự do là thế giới quan mang tính xã hội, cụ thể là chúng ta sống trong các hoàn cảnh hiện đại, nơi mà sự tồn tại của con người liên tục được tái tạo. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta muốn ưu tiên cho các thể chế chính trị và tập thể hay cho các thể chế kinh tế và cá thể trong động thái nàyKhẳng định của những người theo chủ nghĩa tân tự do là lựa chọn sau là một cơ sở an toàn hơn cho chủ nghĩa tự do so với lựa chọn đầu, ngay cả khi nó có nghĩa là sống trong bóng tối của các độc quyền tập đoàn và trong một nền văn hóa có tinh thần kinh doanh thường trực có thể đảo sang trạng thái ái kỉ trầm cảm.
Sau đó, cái gì của “chủ nghĩa tự do” đã bị lãng quên trong các hoàn cảnh “tân tự do”? Liệu ngôn ngữ về sự công bằng có thể thực sự bị đảng UKIP dễ dàng chiếm dụng như thế không? Khái niệm cho rằng công bằng hiện nay chủ yếu là một phương pháp đánh giá, có tính phân biệt đối xử được “áp dụng như nhau cho tất cả mọi người” cung cấp một mô tả chính xác hợp lí về tính quy phạm yếu của chủ nghĩa tân tự do. Điều này chắc chắn là không được thừa nhận trong chủ nghĩa tự do.
Tuy nhiên một điều mà những người tiên phong của chủ nghĩa tân tự do từng có nhưng là thứ mà những người theo chủ nghĩa tự do đương đại nên cẩn thận là một tinh thần của sự tái thiết và đổi mới. Thay vì chỉ nhìn vào thị trường hoặc luật pháp để duy trì lí tưởng của họ, như những người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị đã làm, những người theo chủ nghĩa tân tự do thấy cần thiết phải tích cực tái phát minh cả hai khía cạnh này. Các công cụ chính sách mới sẽ là cần thiết cho việc xây dựng một chủ nghĩa tự do mới cho thế kỉ XX, một số công cụ để giải quyết vấn đề hiện nằm trong tay những tên bảo thủ và phản động như Farage. Câu hỏi đặt ra là liệu ngày nay một sự tái phát minh khác, dựa trên một hình dung khác về chủ nghĩa tự do từ việc chỉ ưu tiên kinh tế học và sự cạnh tranh, được mở rng cho đến mọi bước đi của đời sống có khả thi không.
Bài viết này được trích từ cuốn Liberalism in Neoliberal Times [Chủ nghĩa Tự do trong Thời đại Tân Tự do] (Goldsmiths Press) do Alejandro Abraham-Hamanoiel, Des Freedman, Gholam Nhiabany, Kate Nash và John Petley biên soạn, trong tháng này [tháng 07/2017].

Giới thiệu tác giả

William Davies
William Davies là giảng viên cao cấp tại Goldsmiths, Đại học London và là tác giả của The Limits of Neoliberalism: Authority, Sovereignty and the Logic of Competition (2014) and The Happiness Industry: How the Government and Big Business Sold Us Well-Being (2015).
Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Chiến Trường dịch



NguồnWhat Is “Neo” About Neoliberalism?, New Republic, Jul.13, 2017.
Print Friendly and PDF