22.6.18

Trump, Châu Âu, Trung Quốc, cuộc chiến các con số


TRUMP, CHÂU ÂU, TRUNG QUỐC: CUỘC CHIẾN CÁC CON SỐ
Sau những lời đe dọa là hành động: vừa mới ra lệnh tăng thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm, Donald Trump lại cường điệu thêm xu hướng bảo hộ [của Mỹ] qua việc công bố những biện pháp mới chống lại Trung Quốc vào ngày 15 tháng 6 vừa qua. Tổng thống Mỹ cáo buộc các đối tác của mình tạo ra các mức thặng dư ngoại thương trên lưng của Hoa Kỳ và muốn lật ngược thế cờ.
Liệu ông ta có đúng không? Để hiểu vấn đề, cần đi sâu nghiên cứu các dữ liệu về giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và hai đối tác của họ. Và, hơn thế nữa, trong tổng thể các giao dịch ngoại thương. Một công việc thể hiện các số liệu thống kê khá kinh ngạc.
Các thâm hụt thương mại ở đâu?
Chỉ cần đơn giản nhìn vào dữ liệu để có thể hiểu được một số quan điểm của Donald Trump. Hoa Kỳ công bố một mức thâm hụt thương mại lên đến 811,2 tỷ US$ vào năm 2017. Với Trung Quốc mức thâm hụt đó là 376 tỷ US$ và với Liên minh châu Âu là 153 tỷ US$. Vâng, người Trung Quốc và người châu Âu bán cho người Mỹ nhiều hàng hóa hơn là họ mua từ họ. Chính xác thì đó là các lĩnh vực nào?

Hoa Kỳ / Châu Âu: bài toán về mặt hàng xe ô-tô

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao dịch thương mại với Liên minh châu Âu, tính theo % GDP của Hoa Kỳ


Các nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản Candriam, Anton Brender và Florence Pisani, đã nghiên cứu kỹ lưỡng cấu trúc ngoại thương của Mỹ. Hai nguồn thâm hụt thương mại lớn với Liên minh châu Âu là dược phẩm và xe ô-tô.
Cuộc chiến thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm chỉ là món khai vị để gây áp lực lên châu Âu, và chính xác hơn là lên nước Đức
Khó mà tưởng tượng cách mà Donald Trump giải thích cho cử tri của ông rằng họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua thuốc men, mà phải hiểu rõ hơn mục tiêu thực sự của ông ấy đối với Châu Âu: tấn công vào mức thâm hụt doanh số bán xe ô-tô của châu Âu, đặc biệt là xe ô-tô của Đức. Cuộc chiến thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm chỉ là món khai vị để gây áp lực lên châu Âu, và chính xác hơn là lên nước Đức, mà ngay từ đầu xe ô-tô đã tượng trưng cho mục tiêu hàng đầu của ông. Toàn thể Châu Âu sẽ phải trả giá cho các mức thặng dư của Đức.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tính theo % GDP của Hoa Kỳ
Đối với Trung Quốc, người ta tìm thấy lại hình ảnh cổ điển về “công xưởng của thế giới” với mức thâm hụt của Mỹ ở các mặt hàng quần áo, truyền hình hoặc sản phẩm nội thất (bàn, ghế, tủ, giường). Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn, cần đặc biệt lưu ý đến hai lĩnh vực đầu tiên trong thặng dư của Trung Quốc, là các thiết bị viễn thông và máy tính. Ngoài ra, còn có các thiết bị bán dẫn, những sản phẩm cho thấy một nước Trung Quốc ngày càng khống chế thế giới công nghệ, một lĩnh vực mà thông thường bị thống trị bởi Hoa Kỳ. Người ta càng hiểu rõ hơn các biện pháp mà Donald Trump đã công bố vào ngày 15 tháng 6: đánh 25% thuế quan bổ sung đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá lên đến 50 tỷ US$ và nhắm vào các lĩnh vực công nghệ, quốc gia bị cáo buộc đã thành công trong lĩnh vực này bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Không chỉ có vấn đề thâm hụt thương mại
Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại chưa đủ để nắm bắt được bản chất các giao dịch kinh tế đối ngoại giữa hai khu vực trên thế giới. Bên cạnh các giao dịch thương mại hàng hóa còn có các giao dịch thương mại dịch vụ, thu nhập sơ cấp (thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp và danh mục đầu tư) và thu nhập thứ cấp (viện trợ phát triển, chuyển giao cho các định chế quốc tế, kiều hối...). Tất cả những mục đó có thể cho phép chuyển từ cán cân thương mại[1] sang cán cân vãng lai[2] và cho thấy một bức tranh hoàn chỉnh hơn về các giao dịch quốc tế.
Về phía Trung Quốc, người ta nhận thấy rằng một khi đã tính đến tất cả các mục nói trên, mức thâm hụt vãng lai của Hoa Kỳ với Trung Quốc là 358 tỷ US$ so với 376 tỷ US$ thâm hụt thương mại. Vì thế, vấn đề giữa hai nước trước hết là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất trên hai lãnh thổ.
Eurostat [cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu – ND] công bố mức thặng dư vãng lai của châu Âu với Hoa Kỳ là 170 tỷ euro, còn theo các dữ liệu của Mỹ thì mức thặng dư của Mỹ là 14 tỷ US$!
Về phía châu Âu, theo các dữ liệu của Eurostat mức thặng dư vãng lai với Hoa Kỳ là 170 tỷ euro, hay theo tỷ giá hối đoái vào cuối năm 2017, thì là một mức thặng dư hơn 200 tỷ US$. Vì thế, người Mỹ sẽ có điều gì đó để phàn nàn: toàn bộ các giao dịch ngoại thương của họ với châu Âu có vẻ bị thâm hụt.
Nhưng khi truy cập vào trang web của Văn phòng Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, cơ quan cung cấp các số liệu thống kê về các quan hệ kinh tế đối ngoại của Mỹ, thì mọi thứ đều thay đổi cả. Trang web đó cho thấy, nhờ vào mức thặng dư dịch vụ 5,1 tỷ US$, mức thặng dư thu nhập thứ cấp 9,1 tỷ US$ và, đặc biệt, một mức thặng dư khổng lồ 106,2 tỷ US$ về thu nhập từ các khoản đầu tư được thực hiện ở châu Âu, Hoa Kỳ có được một mức thặng dư vãng lai 14,2 tỷ US$ với lục địa già, vào năm 2017. Hai lục địa lớn này đều công bố các số liệu thống kê chính thức cho thấy cả hai đều có một mức thặng dư vãng lai với lục địa kia, với một mức chênh lệch thống kê lên đến hơn 200 tỷ US$!
Các chuyên gia của Mạng lưới Nghiên cứu Chính sách Kinh tế và Tài chính Châu Âu (Econpol), tổ chức đã phát hiện vấn đề bị che giấu này, đã đi sâu nghiên cứu các dữ liệu để cố tìm hiểu một điều gì nằm sau nghịch lí trên. Họ nhận thấy rằng nếu các số liệu thống kê về giao dịch thương mại hàng hóa gần giống nhau ở cả hai phía, thì mức chênh lệch lại lớn hơn đối với các giao dịch thương mại dịch vụ, và nhất là đối với các thu nhập đầu tư: Hoa Kỳ công bố một mức thặng dư 106 tỷ US$ với Châu Âu và Liên minh có mức thặng dư 6 tỷ euro, nhiều hơn 7 tỷ US$ một chút với Hoa Kỳ.
Một mức chênh lệch khổng lồ giữa các dữ liệu của Mỹ và châu Âu về thu nhập đầu tư
Thế thì mức chênh lệch này từ đâu đến? Phải nhìn vào các số liệu thống kê song phương để khám phá ra rằng các dòng thu nhập đầu tư chảy vào châu Âu được thực hiện ở một số quốc gia, Hà Lan, Luxembourg, Ireland, Malta và các mức thặng dư chủ yếu được tạo ra ở hai quốc gia, Hà Lan và Ireland. Như vậy, các chuyên gia của Econpol đã giải thích được điều khó hiểu trên: có vẻ như Hà Lan đang kê khai thấp hơn rất nhiều cho Eurostat các dòng vốn đầu tư vào Hoa Kỳ. Người ta có thể nghĩ rằng các thiên đường thuế khác của châu Âu như Ireland cũng làm như vậy, để không làm nổi bật quá nhiều mức lợi nhuận mà các công ty Mỹ thu được trên khắp châu Âu được chuyển về lãnh thổ của họ một cách giả tạo, trước khi được ghi nhận là mức thặng dư của Mỹ.
Có vẻ như Hà Lan đang kê khai thấp hơn rất nhiều cho Eurostat các dòng vốn đầu tư vào Hoa Kỳ
Trong thực tế, Liên minh châu Âu công bố một vị thế kinh tế đối ngoại xấu hơn nhiều đối với Hoa Kỳ, so với những gì thấy được qua các dữ liệu chính thức của Liên Minh. Nếu tin vào các số liệu thống kê của Mỹ, thì thậm chí Liên minh châu Âu còn ở vị thế thâm hụt. Đúng hơn châu Âu mới là bên có lý do để phàn nàn về mức thặng dư vãng lai của đối tác của mình và là bên có thể lớn tiếng yêu cầu một sự tái cân đối trong các giao dịch của mình. Các thiên đường thuế của họ đã bóp méo tình hình và làm xuất hiện mức thặng dư với Hoa Kỳ, cung cấp những luận chứng cho tất cả những cám dỗ về bảo hộ.
Như vậy, người châu Âu phải trả giá cho các mức thặng dư quá mức của Đức, cũng như cho các thực hành thuế đáng ngờ của nhiều nước thành viên của mình. Tính phi lý và khuynh hướng chỉ nhắm vào bầu cử để làm quên đi những thực tại chính trị khác của Donald Trump không phải là những nguyên nhân duy nhất.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Trump, Europe, Chine: la guerre des chiffres, Alternatives Economiques, 15/06/2018.




Chú thích:
[1] Cán cân thương mại: số dư, theo giá danh nghĩa, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

[2] Cán cân tài khoản vãng lai: Số dư của dòng tiền phát sinh từ các giao dịch thương mại sản phẩm và dịch vụ, thu nhập và các chuyển khoản vãng lai.

Print Friendly and PDF