24.6.18

Căn cước Đạo đức của Con người Kinh tế

CĂN CƯỚC ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI KINH TẾ

RICARDO HAUSMANN

Hai cuốn sách gần đây cho thấy rằng một cuộc cách mạng thầm lặng đang thách thức nền tảng của khoa học ảm đạm, hứa hẹn những thay đổi triệt để trong cách ta nhìn nhận nhiều khía cạnh của các tổ chức, chính sách công và cả đời sống xã hội. Giống như sự phát triển của kinh tế học hành vi, cuộc cách mạng này bắt nguồn từ tâm lý học.
CAMBRIDGE - Tại sao mọi người lại đi bỏ phiếu, nếu làm như vậy thì vừa tốn kém lại vừa rất khó để ảnh hưởng đến kết quả? Tại sao mọi người thường làm cái gì đó nằm ngoài trách nhiệm công việc của họ?
George Akerlof (1940-)
Sam Bowles (1939-)
Hai cuốn sách gần đây - Identity Economics (Kinh tế học Căn cước) của tác giả đoạt giải thưởng kinh tế học để tướng nhớ Nobel [năm 1995] George Akerlof và Rachel Kranton cùng với The Moral Economy (Nền Kinh tế Đạo đức) của Sam Bowles cho thấy một cuộc cách mạng thầm lặng đang thách thức nền tảng của khoa học ảm đạm, hứa hẹn những thay đổi triệt để trong cách ta nhìn nhận nhiều khía cạnh về các tổ chức, chính sách công, và cả đời sống xã hội. Giống như sự phát triển của kinh tế học hành vi (trong đó có sáu người đoạt giải Nobel trong số các người tiên phong), cuộc cách mạng này bắt nguồn từ tâm lý học. Nhưng trong khi kinh tế học hành vi bắt nguồn từ tâm lý học nhận thức thì kinh tế học này lại bắt nguồn từ tâm lý học đạo đức.
Thomas H. Huxley (1825-1895)
Giống như đối với hầu hết các cuộc cách mạng, điều này không xảy ra bởi vì, như Thomas Huxley dự đoán, một lý thuyết chuẩn mực cũ đã bị các sự kiện xấu xí mới tiêu diệt. Sự kiện xấu xí đã trở nên rõ ràng trong một khoảng thời gian, nhưng mọi người không thể từ bỏ một khuôn khổ tinh thần trừ khi một khuôn khổ khác có thể thay thế vị trí của nó: rốt cuộc, những lý thuyết chuẩn mực cũ chỉ bị các lý thuyết mới hơn, vững mạnh hơn tiêu diệt.
Euclide (...-366 TCN)
Trong một thời gian dài, lý thuyết kinh tế đã khao khát sự sang trọng của hình học Euclide, nơi mà tất cả các phát biểu đúng có thể được suy ra từ năm tiên đề rõ ràng không thể chối cãi, như ý niệm chỉ có một đường thẳng nối hai điểm trong không gian. Vào thế kỷ XIX, các nhà toán học đã khám phá ra kết quả của việc nới lỏng một trong những tiên đề đó và khám phá ra các kiểu hình học của không gian cong, nơi có vô số các đường kinh tuyến có thể đi qua các cực của hình cầu.
Các tiên đề đặt cơ sở cho kinh tế học truyền thống thể hiện quan điểm về hành vi của con người được biết đến là con người kinh tế (homo economicus): chúng ta chọn một trong những tùy chọn sẵn có mà chúng ta muốn hoặc thích nhất. Nhưng điều gì lại khiến chúng ta muốn hoặc thích một thứ gì đó hơn?
George Stigler (1911-1991)
Gary Becker (1930-2014)
Kinh tế học từ lâu giả định rằng bất cứ điều gì ảnh hưởng đến các sở thích của chúng ta là có nguồn gốc ngoại sinh về vấn đề trong tầm tay: de gustibus non est dispputandum [Thị hiếu thì không tranh cãi], như George Stigler và Gary Becker lập luận. Nhưng với một vài giả định hợp lý, chẳng hạn như ý tưởng rằng nhiều hơn là tốt hơn thay vì với ít hơn, bạn có thể đưa ra nhiều dự đoán về cách con người sẽ hành xử.
Cuộc cách mạng kinh tế học hành vi đã tra vấn ý tưởng rằng chúng ta giỏi đưa ra các đánh giá trên. Trong quá trình này, nó đã dùng các giả định về con người kinh tế làm đối tượng của các cuộc kiểm định thực nghiệm và thấy là các giả định này là không có cơ sở. Nhưng điều này nhiều lắm là dẫn tới ý tưởng về cú hích thúc đẩy con người đưa ra các quyết định tốt hơn, chẳng hạn như buộc họ không chọn một quyết định thay vì chủ động tham gia vào các lựa chọn tốt hơn.
Cuộc cách mạng mới có thể đã được kích hoạt bởi một phát hiện không thoải mái trong cuộc cách mạng cũ. Hãy xem xét cái gọi là trò chơi tối hậu thư, trong đó một người chơi được cho một khoản tiền là 100 đô la. Anh ta phải chia sẻ một phần của khoản tiền đó cho người chơi thứ hai. Nếu người thứ hai chấp nhận lời đề nghị, cả hai đều có một khoản tiền. Nếu không, cả hai không có gì cả.
Con người kinh tế sẽ đưa 1 đô la cho người chơi thứ hai, tức người chấp nhận lời đề nghị, bởi vì việc có 1 đô la thì tốt hơn là việc không có đô la nào. Nhưng mọi người trên khắp thế giới đều có xu hướng từ chối những lời đề nghị dưới 30 đô la. Tại sao lại như vậy?
Cuộc cách mạng mới giả định rằng khi lựa chọn, ta không chỉ đơn thuần xem xét những tùy chọn nào mà ta thích nhất. Ta cũng tự hỏi chính mình nên làm gì.
Adam Smith (1723-1790)
Trên thực tế, theo tâm lý học đạo đức, những tình cảm đạo đức của chúng ta, một chủ đề mà Adam Smith đã viết một cuốn sách nổi tiếng khác, đã tiến hóa để kiểm soát hành vi. Chúng ta là những loài sinh vật hợp tác nhất trên trái đất này vì các cảm giác của chúng ta đã tiến hóa để nuôi dưỡng sự hợp tác này, đặt "cái chúng ta" trước "cái tôi". Những cảm giác này bao gồm tội lỗi, xấu hổ, phẫn nộ, đồng cảm, cảm thông, sợ hãi, ghê tởm, và một hỗn hợp những tình cảm khác. Chúng ta từ chối những lời đề nghị trong trò chơi tối hậu thư vì chúng ta cảm thấy chúng không công bằng.
Rachel Kranton (1962-)
Akerlof và Kranton đề xuất một sự bổ sung đơn giản cho mô hình kinh tế học truyền thống về hành vi của con người. Bên cạnh các yếu tố vị kỷ chuẩn xác định các sở thích của chúng ta, họ cho rằng mọi người xem mình là thành viên của "các tầng lớp xã hội” mà họ xác định. Mỗi loại hình xã hội này  ví dụ một người theo Thiên Chúa giáo, một người cha, một người thợ xây, một người hàng xóm, hoặc một vận động viên  có một chuẩn mực hoặc lý tưởng có liên quan. Và, bởi vì con người có được sự thỏa mãn từ việc hành xử theo lý tưởng, họ hành xử không chỉ để có được, mà còn để trở thành.
Bowles cho thấy rằng chúng ta có các khuôn khổ riêng biệt để phân tích các tình huống. Đặc biệt, việc mang đến cho con người các ưu đãi về tiền tệ vốn có thể hoạt động trong các tình huống như thị trường. Nhưng, như một nghiên cứu nổi tiếng hiện nay của các trung tâm chăm sóc trẻ em Haifa cho thấy, việc áp đặt tiền phạt cho những người đón con muộn thực sự có hiệu ứng ngược: nếu tiền phạt giống như một mức giá, mọi người có thể thấy rằng đó là mức giá đáng để trả.
Nhưng nếu không có tiền phạt, việc đến muộn được xem là hành vi bất lịch sự, hỗn láo hoặc thiếu tôn trọng đối với những người chăm sóc, mà những người tự trọng sẽ tránh được, thậm chí ngay cả khi không có tiền phạt. Thật không may, quan điểm khác về hành vi này đã không còn được nhấn mạnh nữa cả trong khu vực doanh nghiệp và khu vực công. Thay vào đó, các chiến lược bắt nguồn từ quan điểm cho rằng tất cả các hành vi của chúng ta đều là vị kỷ, với thử thách trí tuệ là thiết kế những cơ chế hoặc hợp đồng “khuyến khích phù hợp”, một nỗ lực cũng được giải Nobel công nhận.
Charles Darwin (1809-1882)
George R. Price (1922-1975)
Nhưng, như George Price đã nói từ rất lâu, sự tiến hóa theo thuyết Darwin có thể làm cho chúng ta có lòng vị tha, ít nhất là đối với những người mà chúng ta cảm nhận như những thành viên của nhóm mà chúng ta gọi là “cái chúng ta”. Cuộc cách mạng mới trong kinh tế học có thể tìm ra một vai trò cho các chiến lược dựa trên ảnh hưởng từ các lý tưởng và căn cước, không chỉ dựa trên thuế và trợ cấp. Trong quá trình này, chúng ta có thể hiểu rằng chúng ta bỏ phiếu vì đó là những gì mà công dân nên làm, và chúng ta giỏi trong công việc của mình bởi vì chúng ta phấn đấu vì sự tôn trọng và tự hoàn thành, chứ không chỉ vì để được tăng lương.
Nếu thành công, cuộc cách mạng mới có thể dẫn đến những chiến lược giúp chúng ta phản ứng tốt hơn với các thiên thần trong mỗi người. Kinh tế học và quan điểm của chúng ta đối với hành vi của con người không nhất thiết phải là ảm đạm. Nó thậm chí có thể trở thành nguồn cảm hứng.

Giới thiệu tác giả

Ricardo Hausmann

RICARDO HAUSMANN

Viết cho PS kể từ năm 2001
Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard và là giáo sư kinh tế tại Trường Harvard Kennedy.
Hồ Thị Thu Hiền, Nguyễn Việt Anh dịch
NguồnThe Moral Identity of Homo Economicus, Project-Syndicate, Nov 7, 2017. Print Friendly and PDF