20.12.20

Năm năm sau Thỏa thuận Paris, 30 năm sau báo cáo đầu tiên của IPCC, cuối cùng sẽ là sự tăng tốc hành động vì khí hậu toàn cầu?

NĂM NĂM SAU THỎA THUẬN PARIS, 30 NĂM SAU BÁO CÁO ĐẦU TIÊN CỦA IPCC, CUỐI CÙNG SẼ LÀ SỰ TĂNG TỐC HÀNH ĐỘNG VÌ KHÍ HẬU TOÀN CẦU?

Ngày 10 tháng 12 năm 2020

Christian de Perthuis

Biểu tình ủng hộ hành động vì khí hậu vào tháng 12 năm 2015, tại Oostende (Bỉ). NICOLAS MAETERLINCK / BELGA / AFP

Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển chỉ cân bằng một cách chậm chạp dưới hiệu ứng của việc giảm thải khí nhà kính. Thời gian tăng phát thải càng dài, thì cần phải giảm thải càng nhiều để nồng độ khí nhà kính cân bằng ở một mức nhất định.”

Chúng ta có thể tưởng rằng trích dẫn trên được rút ra từ văn kiện của Thỏa thuận Paris về khí hậu, vừa được tổ chức kỷ niệm lần thứ năm ngày ký kết Thỏa thuận này vào hôm thứ Bảy tuần này, hôm 12 tháng 12 năm 2020. Thế nhưng, nguồn gốc của nó là báo cáo đánh giá đầu tiên của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, Intergouvernemental Panel on Climate Change), được đệ trình cách đây 30 năm cho các nhà hoạch định chính sách vào thời đó. Đó là điểm khởi đầu thực sự của cuộc đàm phán về khí hậu.

Từ kỷ niệm kép nói trên nổi lên một ấn tượng chung: cứ mỗi lần như vậy là một sự khởi động hết tốc độ, sau đó là việc động cơ bị rít và cuối cùng là một hành trình chậm chạp trong tuyệt vọng.

Những khởi động đầy hứa hẹn

Năm 1990, báo cáo đánh giá đầu tiên của IPCC đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách toàn cầu về biến đổi khí hậu. IPCC

Các giai đoạn đầu của cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đều diễn ra với tốc độ nhanh. Được thành lập vào năm 1988, IPCC đã công bố bản báo cáo đánh giá đầu tiên sau hai năm. Báo cáo này mở đường cho Công ước Khung về Khí hậu, được thông qua vào năm 1990 tại hội nghị thượng đỉnh Rio. Đóng vai trò trung tâm trong cơ cấu, công ước có hiệu lực vào năm 1994 và cơ quan cao nhất của nó, COP (Conference of the Parties - Hội nghị các bên), đã họp lần đầu tại Berlin vào năm 1995. Phải mất hai năm để COP đưa ra được một văn kiện thực thi, nêu rõ các điều khoản của công ước. COP hoàn thành sứ mệnh vào năm 1997 với việc thông qua Nghị định thư Kyoto tại COP3, chưa đầy mười năm sau khi thành lập IPCC.

Thỏa thuận Paris cũng diễn ra với tốc độ nhanh tương tự, văn kiện thực thi Công ước năm 1992 nối tiếp Nghị định thư Kyoto. Được thông qua vào ngày 12 tháng 12 năm 2015 khi kết thúc COP21, thỏa thuận này tập hợp đủ số lượng các nước phê chuẩn (trong đó có cả Hoa Kỳ) để có hiệu lực vào ngày 6 tháng 11 năm 2016, trước khi khai mạc COP22 tại Marrakech. Một công ước đa phương được phê chuẩn trong vòng chưa đầy một năm? Điều chưa từng thấy trước đây tại Liên Hợp Quốc!

Phần còn lại của câu chuyện ít rực sáng bằng. Trái với sự vận động của quốc tế trước việc tầng ôzôn bị phá hủy, được tổ chức thành công qua Công ước Viên (1985) và Nghị định thư Montreal (1987), việc triển khai các hành động của quốc tế vì khí hậu vấp phải vô vàn khó khăn.

Hành trình chậm chạp

Trước tiên, việc triển khai Nghị định thư Kyoto bị suy yếu do sự bất lực của quốc gia phát thải CO2 hàng đầu thế giới vào thời đó: Hoa Kỳ. Quốc hội của một nước phải phê chuẩn để nước đó được phép thực thi một hiệp ước quốc tế. Thế nhưng, văn kiện của Nghị định thư Kyoto chưa bao giờ được trình lên Thượng viện Hoa Kỳ để được phê chuẩn, dưới thời của chính quyền Clinton, và cả dưới thời của chính quyền Tổng thống Bush, người đã chính thức rút nước Mỹ khỏi hiệp ước ngay sau khi nắm quyền ở Nhà Trắng vào năm 2001.

Từ năm 2001 đến năm 2005, thách thức trung tâm của COP là cứu vãn những gì có thể của hệ thống này. Điều này dẫn đến việc áp dụng một nghị định thư không quan trọng, chỉ điều chỉnh lượng phát thải khí nhà kính của các nước công nghiệp phát triển (trừ Hoa Kỳ) trong giai đoạn 2008-2012. Kể từ năm 2005, sợi chỉ dẫn đường cuộc đàm phán là chuẩn bị cho một thời kỳ “hậu Kyoto”.

Nỗ lực của châu Âu để mở rộng Nghị định thư Kyoto sau năm 2012, bằng cách tái hợp Hoa Kỳ và các nước mới nổi, đã thất bại tại COP ở Copenhagen năm 2009. Sau đó, cuộc đàm phán đã chuyển sang một hướng khác khi ưu tiên cho một cách tiếp cận theo hướng từ dưới lên, theo đó mỗi nước phải đóng góp phần của mình vì mục đích chung. Cuộc đàm phán cũng xa rời biểu tượng nhị phân của thế giới mà Nghị định thư Kyoto đã dựa vào, bằng cách loại trừ mọi cam kết của các nước không công nghiệp hoá, nhân danh quyền ưu tiên dành cho sự phát triển của các nước này.

Bộ ba mục tiêu của Thỏa thuận Paris

Sự chuyển hướng này dẫn đến Thỏa thuận Paris, dựa trên bộ ba mục tiêu mới: mục tiêu chung về “sự trung tính khí hậu” (hay “mức phát thải ròng bằng không”) sẽ phải đạt được càng nhanh càng tốt trước khi kết thúc thế kỷ XXI; sự cụ thể hoá mục tiêu này bằng các mục tiêu trung gian thông qua mức đóng góp của các quốc gia được đánh giá lại mỗi 5 năm một lần; sự đoàn kết trong việc tài trợ cho những nước dễ bị tổn thương nhất trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Kể từ COP22 ở Marrakech, việc Hoa Kỳ một lần nữa tuyên bố rút khỏi hội nghị có hiệu ứng như một gáo nước lạnh, quá trình đàm phán có vẻ như bị đình trệ một lần nữa. Chỉ có một tiến bộ duy nhất, rất nhỏ: thông qua cuốn Rule Book [Sách Quy tắc] vào năm 2018 tại COP24 ở Katowice (Ba Lan), hệ thống hóa các quy tắc để thực thi thỏa thuận trên thực tế, nhưng lại im hơi lặng tiếng về hai điều khoản thiết yếu vì thiếu sự nhất trí giữa các bên: các công cụ kinh tế (Điều 6) và trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 8).

Quá trình đánh giá lại sự đóng góp của các nước, vốn phải dẫn đến vào tháng 12 năm 2020 một tham vọng toàn cầu được củng cố, đã không mấy tiến triển. Chỉ có Liên minh châu Âu với 27 nước và Vương quốc Anh là đang trong quá trình đệ trình các cam kết về khí hậu cho năm 2030, lớn hơn những cam kết đã có từ năm 2015. Với cuộc khủng hoảng y tế, có vẻ như các nước chưa sẵn sàng bước vào cuộc đàm phán. Ban đầu, COP26 được dự kiến tổ chức vào tháng 12 năm 2020 tại Glasgow nay đã bị hoãn lại một năm. Vì vậy, các nhà đàm phán sẽ tổ chức kỷ niệm năm năm ký kết Thỏa thuận Paris, trực tuyến từ xa.

Những lý do cho sự tăng tốc

Để tổ chức kỷ niệm một cách trang trọng, chúng ta không thể chỉ nhìn vào quá khứ. Chúng ta phải phóng chiếu đến tương lai. Liệu có nên cam chịu theo đuổi hành trình chậm chạp bất tận này không? 30 năm sau báo cáo đầu tiên của IPCC và 5 năm sau khi ký kết Thỏa thuận Paris, ngược lại, chúng ta có thể chứng kiến ​​một sự tăng tốc vượt bậc vốn được mong đợi từ lâu về một hành động toàn cầu vì khí hậu. Sự liên kết của ba nhân tố dưới đây có thể giúp đạt được điều đó.

Trước hết, thế giới đang trải qua một bước ngoặt lịch sử về vấn đề năng lượng. Kể từ đầu thế kỷ XX, năng lượng hóa thạch đã gần như chiến thắng trong mọi cuộc chiến khi xét về các chi phí tương đối. Một loạt những đổi mới lớn diễn ra trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đang làm thay đổi tình thế: với việc giảm chi phí sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cộng với việc giảm chi phí lưu trữ điện và quản lý hiệu quả các mạng lưới điện, các nguồn năng lượng tái tạo đang trở nên cạnh tranh hơn từng ngày. Việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp những lựa chọn thay thế đáng tin cho các nguồn năng lượng hóa thạch. Nó có thể giúp các nước kém phát triển tăng tốc tiếp cận nguồn năng lượng mà không phải trải nghiệm nguồn năng lượng hóa thạch.

Thứ hai, cần phải tính đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc Donald Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris chỉ là một dấu ngoặc đơn thoáng qua. Donald Trump đắc cử dựa vào một dự án làm hồi sinh ngành than, nhưng chính quyền của ông đã không làm được bất cứ điều gì cả. Joe Biden đã cam kết quay trở lại Thỏa thuận Paris ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021. Thách thức lớn đối với chính quyền Joe Biden sẽ là tăng tốc, bằng cách bắt đầu loại bỏ dần năng lượng dầu và khí đốt. Điều đó sẽ giúp ông đệ trình, vào năm 2021, một mức đóng góp quốc gia được củng cố đáng kể so với mức đóng góp của chính quyền Obama vào năm 2015. Chính dựa trên mức đóng góp đó mà chúng ta sẽ đánh giá mức độ tin cậy của việc nước Mỹ quay trở lại [Thỏa thuận Paris].

Cuối cùng, việc Hoa Kỳ quay trở lại [Thỏa thuận Paris] có thể tạo ra các hiệu ứng lan tỏa. Nếu châu Âu đã có những quyết định với kế hoạch “Green Deal [Thỏa thuận xanh]” và Bắc Kinh đã cam kết một mục tiêu carbon trung tính vào năm 2060, thì những thách thức chính liên quan đến “phần còn lại của thế giới”, nơi sẽ trở thành động cơ chính của sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.

Do đó, việc Hoa Kỳ quay trở lại [Thỏa thuận Paris] có thể khiến những nước lớn khác sản xuất năng lượng hóa thạch (Nga, Trung Đông, Australia, Canada, Indonesia, v.v.) bắt tay vào quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách khởi động việc tái cấu trúc các cơ sở hạ tầng của họ. Nó cũng sẽ giúp tăng cường đáng kể việc chuyển giao nguồn lực cho các nước kém phát triển - đặc biệt là vùng cận Sahara châu Phi - để tạo điều kiện cho một động thái mới về sự phát triển kinh tế sử dụng ít khí carbon.

Năm 2018, ba quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu (Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU-28) chiếm 47% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. “Phần còn lại của thế giới” chiếm 53%. Chính họ, phần còn lại của thế giới đã góp phần làm tăng nhiều nhất lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ qua. Nguồn dữ liệu của biểu đồ: “Trends in global CO₂ and total greenhouse gas emissions: 2019 report [Xu hướng phát thải CO₂ và tổng lượng khí nhà kính trên thế giới: Báo cáo năm 2019]”, Olivier J.G.J. và Peters J.A.H.W. C.de PerthuisCC BY-NC-ND

Hẹn gặp lại ở Glasgow vào tháng 11 năm 2021!

Liệu ba nhân tố tăng tốc nói trên có nguy cơ bị thảm họa y tế đang xảy ra trên thế giới với Covid-19 cuốn trôi đi không?

Vào năm 2021, cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu và việc tái khởi động kinh tế sẽ là hai ưu tiên mà không chính phủ nào có thể né tránh được. Từ đó, nhiều nhà hoạt động môi trường quan ngại rằng khí hậu sẽ một lần nữa đứng sau các mục tiêu khẩn cấp ngắn hạn và rằng sự tái khởi động kinh tế sẽ tạo điều kiện cho một “hiệu ứng tăng trở lại” lượng phát thải khí nhà kính.

Christian de Perthuis (1954-)

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã cho thấy điều đó đến mức như một bức biếm họa: ứng cử viên tham gia ít nhất vào cuộc chiến chống đại dịch là người phớt lờ nguy cơ về khí hậu. Như tôi đã phân tích chi tiết trong cuốn sách gần đây của mình Covid-19 & Réchauffement climatique [Covid-19 và tình trạng khí hậu nóng lên], sự hoài nghi về biến đổi khí hậu và sự phủ nhận về nguy cơ đại dịch đồng hành với nhau.

Cuộc chiến chống lại nguy cơ dịch bệnh và cuộc chiến chống lại rủi ro khí hậu tự tăng cường lẫn nhau. Vì vậy, có một cách để khởi động lại nền kinh tế thế giới, bằng cách hỗ trợ khả năng chống chọi trước nguy cơ dịch bệnh và cả trước tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu.

Một viễn cảnh lý tưởng, không gắn liền với thực tế? Câu trả lời sẽ có vào tháng 11 năm 2021 tại COP26 ở Glasgow.

Tác giả

Christian de Perthuis

Giáo sư kinh tế, người sáng lập bộ môn Kinh tế học khí hậu”, Đại học Paris Dauphine - PSL

Tuyên bố công khai

Christian de Perthuis không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài những công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Cinq ans après l’accord de Paris, 30 ans après le premier rapport du GIEC, enfin l’accélération pour l’action climatique mondiale?, The Conversation, ngày 10/12/2020.

Print Friendly and PDF