16.12.20

Alain Caillé: “Các khoa học xã hội không còn tạo điều kiện suy nghĩ về thế giới”


PHỎNG VẤN

ALAIN CAILLÉ: “CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI KHÔNG CÒN TẠO ĐIỀU KIỆN SUY NGHĨ VỀ THẾ GIỚI”

Alain Caillé (1944-)

Đối diện với những diễn ngôn rất chuyên sâu của các khoa học xã hội nhưng không có khả năng nắm bắt được sự phức tạp của thế giới hiện nay, nhà xã hội học và kinh tế học Alain Caillé đi tiên phong trong cách tiếp cận tổng hợp. Cùng với Philippe Chanial, Stéphane Dufoix và Frédéric Vandenberghe, ông vừa mới chủ biên tác phẩm Des sciences sociales à la science sociale globalisée. Fondements anti-utilitaristes (Từ những khoa học xã hội đến khoa học xã hội. Các nền tảng của phong trào chống chủ nghĩa duy lợi) (bộ sưu tập La bibliothèque du Mauss, Le Bord de l’eau), bộ sách này tập hợp sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Robert Boyer, François Dubet, Olivier Favereau, Nathalie Heinich, André Orléan, v.v.[*].

Các khoa học xã hội ít có khả năng hơn trước để hiểu những qui luật vận hành của các xã hội như thế nào?

Càng ngày ta càng có ít điểm mốc trong những gì đang xảy ra. Những hiện tượng hiện nay thật phức tạp vì chúng bao gồm cùng lúc các tính chất kinh tế, chính trị, tôn giáo, chiến lược và môi trường. Đối diện với điều đó, các khoa học xã hội chỉ đưa ra những diễn ngôn mang tính chuyên ngành - về khủng hoảng môi trường, những thiên đường thuế, những thách thức địa chiến lược, v.v. -, những phần rời rạc của diễn ngôn không tạo điều kiện cho việc suy nghĩ v thế giới trong tổng thể phức hợp của nó.

Nếu ta so sánh với các khoa học xã hội trước đây, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chúng vào đầu thế kỷ XX, ta thấy có những tư tưởng chủ đạo: chất vấn về hiện đại hóa, công nghiệp hóa, sự xuất hiện của xã hội thị trường… Những điều này tạo nên một khuôn khổ cho tính chất dễ hiểu và diễn giải tổng hợp. Ngày nay không còn những hệ hình xuyên ngành - như chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa mác-xít, v.v. - trước đây.

Sự phân mảnh này cho phép đi sâu vào những vấn đề rất chính xác. Tại sao việc đó lại có vấn đề?

Không phải là vấn đề, chuyên sâu là cần thiết nhưng ta không thể bằng lòng chỉ với điều đó. Về một số phương diện, chúng ta chưa bao giờ thông minh như thế: từ các quan điểm thể hiện hình thức, mô hình hóa, quan điểm về khoa học luận, v.v.. Nhưng điều đó chưa đủ. Cũng như trong một dây chuyền lắp ráp trong phân công công việc, nếu ta không tập hợp được các chi tiết mẫu vật được chế tạo từ các xưởng chuyên môn hóa, với một người trưởng dây chuyền lắp ráp để tạo cho chúng một ý nghĩa, thì ta sẽ có những mẫu vật được chế tạo tuyệt vời, nhưng chúng không làm thành sản phẩm cuối cùng.

Sản phẩm cuối cùng sẽ là gì?

J. J. Rousseau (1712-1778)

Các khoa học xã hội đang đối diện với bốn yêu cầu bức thiết. Thứ nhất là yêu cầu thực nghiệm, mô tả thực tại. Chính điều này phân biệt các khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, với truyền thống triết học có khi tự cho rằng có thể “không biết đến tất cả các sự việc” như Jean-Jacques Rousseau đã nêu. Cũng có một yêu cầu giải thích. Phải tìm những nguyên nhân và đạt được dự báo. Đây là lúc làm mô hình hóa, và kinh tế học có lợi thế đối với việc này, cho dù đó cũng là trường hợp ở những ngành khác như nhân học chẳng hạn.

Yêu cầu về thông diễn học là yêu cầu diễn dịch. Các tác nhân không chỉ quan tâm đến các nguyên nhân, về kinh tế hoặc khí hậu, mà cả các lý do hành động và các giá trị. Như vậy không chỉ là giải thích lý do “tại sao” của các hiện tượng mà cả yếu tố “cho điều gì”: điều gì là có ý nghĩa cho các tác nhân? Điều này đưa đến yêu cầu bức thiết thứ tư của các khoa học xã hội và là yêu cầu phức tạp nhất phải kết hợp vào: yêu cầu về chuẩn tắc.

Tôi không nghĩ rằng các nhà bác học, các nhà nghiên cứu có thể quan tâm đến điều có ý nghĩa đối với các tác nhân xã hội mà không tự vấn về điều có ý nghĩa đối với họ. Ngược lại với những bài giảng thông thường cho tất cả sinh viên trong tất cả các ngành của các khoa học xã hội, tôi nghĩ rằng yêu cầu về chuẩn tắc là quan trọng nhất trong bốn yêu cầu, vì nó kết nối chặt chẽ với ba yêu cầu trước và tạo ra một cấu trúc toàn thể: sự cần thiết phải tự vấn về các giá trị - không chỉ là giá trị của các tác nhân xã hội mà cả những giá trị mà các vị ấy suy ngẫm nhân danh chúng.

Tất cả những tác phẩm quan trọng của khoa học xã hội, của Karl Marx, Max Weber, Emile Durkheim, tất cả những tác phẩm đứng vững qua thời gian đều dựa trên sự chất vấn về chuẩn tắc. Câu hỏi về giải phóng với Marx, hợp lý hóa với Weber, quan hệ với xã hội quốc gia với Durkheim. Đó là yếu tố tập hợp và gắn kết tất cả những yếu tố tản mác của tri thức, như trong dây chuyền lắp ráp.

Tình trạng hiện nay như thế nào?

Émile Durkheim (1858-1917)

Max Weber (1864-1920)

Ta tưởng có thể làm cho khoa học thoát ra ngoài các giá trị. Không còn những diễn ngôn to lớn. Trong xã hội học, tham vọng đã trở nên rất hạn chế so với xã hội học cổ điển. Với Durkheim hay Weber là sự tập hợp cùng lúc các nhà nhân học, sử học, luật học, kinh tế học, v.v.. Xã hội học được xem phải là nơi tương tác giữa tất cả các ngành. Lúc đầu Max Weber là nhà kinh tế học, hay luật học, hay sử học. Có lúc ông tự cho là nhà xã hội học. Do đó, điều mới đây là sự tách rời xã hội học ra khỏi những đại tự sự chính trị quan trọng.

Một điều cũ hơn nhiều là sự rời bỏ một tham vọng tổng thể của khoa học xã hội muốn đồng thời đặt câu hỏi với cùng một logic cho các sự kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo. Một tham vọng ngày nay đã mai một nhiều. Trong quyển sách của chúng tôi, đó là nhận định của những người rất có uy tín trong chuyên ngành của họ: có điều gì đó không ổn và không thể tiếp tục như vậy, khi mỗi người chỉ thấy điều được sáng tỏ qua sự phóng chiếu của họ.

Có cần làm cho các chuyên gia các ngành khoa học xã hội làm việc cùng nhau?

Qui tụ các chuyên gia khác nhau, gọi là đa ngành, thường đưa đến một dạng xếp cạnh nhau một cách hình thức. Điều này không đem lại lợi ích gì nhiều, vì người ta không nghiên cứu trọng tâm của thao tác khái niệm hóa, của những câu hỏi. Tính đa ngành cung cấp những cách nhìn không tiến hóa về chiều sâu, mỗi ngành đóng góp một phần rất nhỏ của mình và giả vờ tôn trọng ngành láng giềng.

Tôi hoàn toàn không cổ xúy cho việc rời bỏ các chuyên ngành. Tôi nghĩ rằng chúng có tính chính đáng và chúng cần tiếp tục vận hành, nhưng không như chúng đang làm, càng ngày càng hẹp hòi và kỳ thị. Tôi nói kỳ thị, vì tôi nghĩ rằng các chuyên ngành đang hoạt động như những Quốc gia-Nhà nước. Chúng chia cắt tri thức thành những lĩnh vực nhỏ, mỗi chuyên ngành đều muốn trở thành ngành thống soái và kiểm soát tất cả tri thức từ phạm vi quốc gia của riêng mình. Điều này gây ra những thù hằn, cạnh tranh giữa các ngành. Trong một luận án về kinh tế, chỉ một việc nêu tên một triết gia đủ để bạn bị loại. Trong xã hội học cũng vậy. Điều đó đáng bị loại ra khỏi ngành!

Tôi tin rằng cần đào tạo những nhà nghiên cứu tổng quát. Không là một người biết tất cả nhưng là một nhà nghiên cứu có năng lực và được công nhận trong vài ba chuyên ngành. Đó là điều tôi đã làm ở Nanterre cách đây hai mươi năm, liên kết với Trường Sư phạm cao cấp Cachan (ENS de Cachan), lập một chương trình cao học chuyên nghiệp (magistère[**]) các khoa học nhân văn hiện đại.

Đó có phải là một tiến trình có thể nhân rộng ra trong khuôn khổ các định chế của Pháp?

Đó là một cuộc đấu tranh mà tôi đã theo đuổi từ khá lâu, nhưng tôi nhận ra là có rất ít người ủng hộ. Nhiều chuyên gia đã viết trong quyển sách là cần phải làm. Nhưng có lẽ họ không tự thúc đẩy chính họ làm việc đó…

Tại sao lại viết quyển sách này nếu không thể tiến tới?

Không hoàn toàn là không thể. Các đại học đang xây dựng những chương trình đào tạo bao gồm hai chuyên ngành để thu hút những sinh viên giỏi mà nếu không có thì họ sẽ chọn các lớp dự bị để thi vào các trường trọng điểm (grandes écoles). Các chương trình này đào tạo sinh viên trong hai chuyên ngành. Điều này góp phần thúc đẩy những hành động làm thay đổi hiện trạng. Phần còn lại là thể chế hóa và chính thức hóa loại hình đào tạo này thay vì làm tản mác theo vụ việc. Như vậy quyển sách này là một lời kêu gọi đến giới trẻ, cho dù tiến trình này còn nhiều trắc trở.

CATHERINE ANDRÉ CHRISTIAN CHAVAGNEUX ghi lại.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Les sciences sociales ne permettent plus de penser le monde”, Alternatives économiques, 23/05/2018



Chú thích:

[*] cùng với Jeffrey Alexander, Romain Bertrand, Sergio Costà, Francesco Fistetti, Christian Grataloup, François Hartog, Nathalie Heinich, Marcel Hénaff, Philippe d’Iribarne, Thomas Lindemann, Danilo Martuccelli, Elena Pulcini, Ann Rawls, Mashall Sahlins, Ilana Silber, Lucien Scubla, Michel Wieviorka. Công bố tại nhà xuất bản Le Bord de l’eau, bộ sưu tập La bibliothèque du Mauss, 2018, 368 p., 24 €.

[**] Bằng đại học magistère tại Pháp ra đời năm 1985 trong một số ngành đào tạo đại học và các trường trọng điểm. Chương trình đào tạo magistère theo hướng đào tạo chuyên nghiệp, kết hợp kiến thức cơ bản và một chuyên ngành, liên kết chặt chẽ với môi trường chuyên nghiệp. Chương trình tuyển sinh viên sau năm thứ hai đại học, và kéo dài 3 năm. Sinh viên tốt nghiệp bằng tương đương với master. (Theo Wikipedia - ND)

Print Friendly and PDF