16.2.22

Maurizio Bettini: “cancel culture” (văn hoá xoá sổ), đó là tiếng La tinh

MAURIZIO BETTINI: “CANCEL CULTURE”[i] (VĂN HÓA XÓA SỔ), ĐÓ LÀ TIẾNG LA TINH

Nhân Ngày châu Âu về ngôn ngữ và văn hóa thời Cổ đại, nhà trí thức người Ý đã có một bài phát biểu đáp lại những cuộc thảo luận hôm nay. Đây là bài phát biểu, được công bố độc quyền.

Tác giả: Christophe Ono-dit-Biot

Đáp lại những người ở các đại học tả khuynh cực đoan về những vấn đề xã hội (woke)[ii] ở Mỹ và đôi khi cả ở đây, khi họ cho rằng việc học ngôn ngữ La tinh và Hy Lạp sẽ đào tạo nên những người “thượng tôn chủng tộc da trắng” tương lai, chỉ có một câu trả lời với cái tên: Maurizio Bettini. Đáp lại những người, ở châu Âu và đôi khi cũng ở đây, ở phía khác của bàn cờ chính trị, ở cửa miệng chỉ có từ “gốc rễ” khi họ nói về việc học tiếng La tinh và Hy Lạp, cũng chỉ cùng một cái tên cho câu trả lời: Maurizio Bettini. Đồng thời cũng nói thêm có lẽ là lúc, thay vì nói về “gốc rễ”, thì ngước mắt lên nhìn về tương lai và nói về lá rồi quả. Đó là điều nhà trí thức lớn người Ý đã làm một các xuất sắc, tác giả của tác phẩm Contre les racines (nhà xuất bản Champs Flammarion, 2017), trong bài tham luận của ông vào ngày 16 tháng 11 vừa qua, ngay vào ngày đầu tiên của Ngày châu Âu về ngôn ngữ và văn hóa thời Cổ đại do Jean-Michel Blanquer tổ chức và được đặt trong khung cảnh của sự mở rộng đến hai bờ của Địa Trung Hải. Chúng tôi trình bày lại bài phát biểu tại đây.

Maurizio Bettini (1947-)

Bạn chỉ mất mười phút để đọc văn bản này, nhưng trong giai đoạn này đang rất có vấn đề về “quyền quốc tịch ở nơi được sinh ra”, bạn sẽ không mất thì giờ đâu bởi vì việc so sánh huyền thoại sáng lập La Mã theo nghi lễ của nơi ẩn náu (asylum) với huyền thoại sáng lập Hy Lạp với tính bản địa hấp dẫn biết bao… Nếu “quả thật loài người thời Cổ đại giống chúng ta trên nhiều khía cạnh, vì chúng ta đã thừa kế một phần lớn các lối sống và suy nghĩ của họ”, Maurizio Bettini nhắc lại, “thì họ cũng khác chúng ta với một số lượng cũng lớn bằng về tập quán và lối sống”. Và đó chính xác là lý do tại sao phải cho học sinh học tiếng La tinh và Hy Lạp, ông kết luận như vậy, để biến việc học này, được nâng đỡ bởi tinh thần phê phán, thành một “không gian luyện tập” thực sự về đối chiếu so sánh với kẻ khác”. Và cuối cùng, tại sao không, để “giúp chúng ta xác định mô hình nào ta sẽ tiếp nhận và mô hình nào ta sẽ loại bỏ trong quan niệm của chúng ta về châu Âu trong tương lai”?

MAURIZIO BETTINI

Tương lai của châu Âu đối diện với “tính cách hướng ra bên ngoài (phóng khoáng)” của La Mã

Chủ đề của ngày hôm nay rất rộng, cho nên tôi sẽ giới hạn vào hai điểm nổi bật liên quan đến chức năng của giảng dạy văn hóa cổ điển tại châu Âu ngày nay và nhất là trong tương lai. Điểm đầu tiên liên quan đến ngôn ngữ, điểm thứ hai là văn hóa.

Điểm thứ nhất, ngôn ngữ. Về vấn đề này, trước tiên là phải bác bỏ một định kiến. Trong nhận thức chung, tiếng La tinh cũng như tiếng Hy Lạp được xem là những “tử ngữ”. Từ đó nhiều người suy ra những ngôn ngữ này là vô ích: Học làm gì những ngôn ngữ mà không còn ai nói nữa?”, người ta phản bác như vậy. Nhưng “cái chết” của một ngôn ngữ thực sự có nghĩa là gì?

Ngày nay ta đếm được khoảng bảy ngàn ngôn ngữ được nói trên toàn cầu. Điều đó có vẻ là nhiều, nhưng quả là ít khi ta liên hệ với số các ngôn ngữ đã biến mất theo thời gian, vì rất nhiều lý do khác nhau: một phần ba của nhiều ngôn ngữ của người Anh-Điêng ở Bắc Mỹ đã lụi tàn, một phần ba khác chỉ tồn tại một cách èo uột, còn một số ít người nay đã lớn tuổi nói những ngôn ngữ này. Về phần hàng ngàn ngôn ngữ xưa kia được nói ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, duy nhất chỉ có tiếng guarani có hy vọng sống sót: cùng với tiếng Tây Ban Nha, nó là ngôn ngữ chính thức của Paraguay. Một sự tàn sát ngôn ngữ thực sự. Trong nghĩa đó, tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp cũng đồng hành - tiếc thay -. Nhưng các ngôn ngữ không chết cùng một cách, và tất cả các tử ngữ không giống nhau.

Đọc thêm: Vive les langues mortes! (Các tử ngữ muôn năm!)

Làm sao ta lại có thể xem một ngôn ngữ như tiếng La tinh đã “chết” được? Số phận mà tiếng La tinh đã chịu không thể so sánh với số phận của các ngôn ngữ bản địa ở Mỹ hay Úc, đã chết vĩnh viễn và không được kế thừa. Sau đó những ngôn ngữ này không để lại một di sản nào, ngoại trừ những phiếu ghi chép của vài nhà ngôn ngữ học. Trái lại, tiếng La tinh không bao giờ chết thực sự, di sản của nó vẫn rất to lớn qua nhiều thế kỷ. Như đã được biết rõ, ngôn ngữ này sống sót trong nhiều ngôn ngữ rôman phái sinh từ tiếng La tinh: cấu trúc và từ vựng tiếng La tinh tiếp tục tồn tại trong tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Ru-ma-ni, tiếng Ca-xti, tiếng Catalan, tiếng B Đào Nha… Hơn nữa, những ngôn ngữ này không ngừng quay về với tiếng La tinh – bằng cách “La tinh hóa trở lại” qua mỗi thế hệ - thông qua chương trình giáo dục cổ điển được thực hành ở châu Âu trong nhiều thế kỷ. Điều đó có nghĩa là trong các ngôn ngữ và văn hóa rôman, tiếng La tinh được “tái sinh” vô số lần.

Mặt khác, không nên quên rằng chính tiếng La tinh còn hiện diện một cách mạnh mẽ trong tiếng Anh, ngôn ngữ mà vì nhiều lý do đang đóng vai trò thống lĩnh trong các mối quan hệ văn hóa, kinh tế và chính trị trong thế giới đương đại. Bởi vì, mặc dù có nguồn gốc germanique, tiếng Anh ngày nay chứa 70% số từ có gốc La tinh. Người ta cũng đã tính toán rằng, trong số 1000 từ cần phải biết để được nhận vào một đại học nói tiếng Anh, có 90% là những từ có gốc La tinh. Đây là một ví dụ mà do tính chất nghịch lý của nó trở nên sáng tỏ khi ta cho rằng tiếng La tinh đã chết.

Jean-Michel Blanquer (1964-)

Đọc thêm: Jean-Michel Blanquer: La culture ne doit pas être associée aux privilèges d’une élite (Không nên liên kết văn hóa với những đặc quyền của một tầng lớp tinh hoa)

Trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Mỹ và Anh, đã có nhiều cuộc tranh luận về các ngôn ngữ cổ điển Hy Lạp và La tinh, bị lên án là nguồn gốc của văn hóa kỳ thị chủng tộc, theo chủ thuyết da trắng thượng đẳng, ghét phụ nữ và nhiều điều chê trách tương tự. Cuộc luận chiến này được đặt tên là “cancel culture” (văn hóa xóa sổ) hay “decolonize the classics” (giải thuộc địa ngôn ngữ cổ điển). Về vấn đề này, người ta còn đưa ra những đề nghị phi lý, như hoàn toàn xóa bỏ việc giảng dạy các ngôn ngữ cổ điển ở đại học, từ chối đọc những văn bản cổ điển vốn không thể “chấp nhận được” về phương diện chủng tộc, giới, bạo lực, v.v., nhưng những lập luận như thế cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ từ một quan điểm mới về vai trò mà các văn bản cổ điển đã có trong truyn thống phương Tây của chúng ta và về sự thay đổi cách nhìn của ta về các ngôn ngữ cổ điển, một sự thay đổi cần được thực hiện bây giờ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta không quan tâm đến điều này, mà là những “từ” được sử dụng để mô tả phong trào này: “cancel culture” và “decolonize the classics”.

Thật vậy, “Culture” là tiếng La tinh, “cultura”, “cancel” xuất xứ từ tiếng La tinh “cancellare” chính xác là hành động của người sao chép văn bản đánh dấu với những gạch chéo một từ hay một câu cần “xóa bỏ” trong một văn bản, và tạo nên hình ảnh một “khung lưới”, tiếng La tinh là “cancellum; “classics” tất nhiên là từ tiếng La tinh classicus”; còn “de-colonize” thì không phải chỉ vì từ “colonize” là một từ phái sinh từ tiếng La tinh “colonia”, mà tiền tố động từ được sử dụng trong từ ghép tiếng Anh “de-” chính là một tiền tố động từ la tinh và hơn nữa nó còn duy trì chức năng hình thái học nguyên thủy: với tư cách là tiền tố động từ, trong tiếng La tinh nó chỉ khái niệm “rời xa”, “bị lấy mất” (“de-cedo”, “de-duco”, “de-migro, v.v.). Như vậy, “decolonize” là một từ ghép la tinh được hình thành một cách hoàn hảo.

Kết luận lại, chúng ta đang đối mặt với những đề nghị tuyên bố sự cần thiết phải xóa bỏ văn hóa cổ điển mà đồng thời lại hoàn toàn lập luận từ những từ La tinh và thậm chí từ hình thái học của ngôn ngữ “bị ghét bỏ” này. Thực tế là tiếng La tinh đang “nói” trong chính chúng ta mà chúng ta không nhận ra. Tiếng La tinh tạo nên “ý thức sâu xa” của ngôn ngữ trí thức của phương Tây.

 Đọc thêm: et à l’école, quid novi? Và ở trường học, có gì mới?

Điểm thứ hai: văn hóa. Trong một thời gian dài, ít ra là tại Ý, ở trường, chương trình học thời Cổ đại được thiết kế theo hai nhánh: một mặt, học lịch sử (chiến tranh và các trận đánh, xáo trộn chính trị, biến chuyển của các hình thái chính quyền) và mặt khác, học ngôn ngữ và văn học (học cú pháp ngữ pháp, tiểu sử các tác giả, đọc các tác phẩm hợp tuyển). Ngày nay, trong một xã hội toàn cầu càng ngày càng thiết lập các mối quan hệ giữa người với người về phương diện “văn hóa” (theo nghĩa tôn giáo, dân tộc, chính trị), đã đến lúc cần rời bỏ quan điểm truyền thống này để đề cập đến việc học tập/nghiên cứu “văn hóa” Hy Lạp và La Mã đúng như tính chất của nó. Một “nền văn hóa” cần được nghiên cứu sâu trên các khía cạnh không những ngôn ngữ học, văn học hay sự kiện, mà còn là các khía cạnh gia đình, tình dục, tôn giáo, thể chế, nghệ thuật, đồng thời nêu những câu hỏi về giới, mối quan hệ giữa chủ và nô lệ, hay vai trò và vị trí của các súc vật trong xã hội.

Người La Mã có lẽ sẽ đồng tình với chúng ta, bởi vì họ nói, để hiểu nền văn minh của họ, thì trước tiên phải nghiên cứu các tập quán và lối sống (tiếng La tinh là mores), đây chính là từ - rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội La Mã - được họ dùng với nghĩa là “văn hóa” của họ. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp học sinh của chúng ta khám phá ra rằng những người cổ đại thật ra cũng “như chúng ta” ở nhiều khía cạnh – “tổ tiên” của chúng ta như ta gọi họ –, bởi vì chúng ta đã thừa kế một phần lớn cung cách sống và suy nghĩ của họ thông qua những cách thực hiện giáo dục phương Tây; nhưng cũng thấy rằng những người cổ đại “khác chúng ta” về một số cũng lớn tương đương các tập quán và lối sống.

Khi đi theo con đường này, nhất là thông qua thực hành dịch thuật, việc nghiên cứu/học tập văn hóa cổ đại có thể tr thành một “không gian luyện tập” thực sự về đối chiếu, so sánh với điều khác, một bài tập mà việc thực hành nó là tối cần thiết trong các xã hội châu Âu đương đại. Sự so sánh giữa các nền văn hóa – của chúng ta và của người Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhưng còn là giữa văn hóa Hy Lạp đối diện với văn hóa La Mã – sẽ giúp chúng ta làm nổi bật những khía cạnh của di sản cổ điển đang gây sốc cho tính nhạy cảm hiện đại của chúng ta (chế độ nô lệ, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, máu và bạo lực như là nguồn cảm hứng của nghệ thuật biểu diễn), để thảo luận về bối cảnh lịch sử nguyên thủy và những ảnh hưởng mà đôi khi chúng đã tác động lên sự phát triển của văn hóa trong những thời gian tiếp theo.

Bởi vì di sản cổ điển không chỉ bao gồm dân chủ hay tự do, mà còn có chế độ nô lệ, bạo lực và phân biệt đối xử, không nên quên điều đó. Mặt khác, liên quan cụ thể đến chúng ta trong ngày hôm nay, sự thực hành so sánh giữa các nền văn hóa sẽ có thể giúp chúng ta xác định nên tiếp nhận mô hình nào và loại bỏ mô hình nào trong quan niệm của chúng ta về châu Âu trong tương lai. Và về vấn đề này, tôi muốn so sánh hai huyền thoại về sự sáng lập, một là La Mã và hai là Hy Lạp.

Đọc thêm: que deviendrions-nous sans le latin? Chúng ta sẽ ra sao nếu không có tiếng La tinh?

Theo chuyện k truyền thống về sự sáng lập thủ đô Rome, trước tiên Romulus tập hợp ở nơi dung thân (Asylum: một không gian mở nằm trên đồi Capitole ở Rome - ND -) của ông nhiều người từ khắp mọi nơi, người tự do hay nô lệ đều được; sau đó, nhà sáng lập cho đào một hố tròn ở đó người ta để những sản phẩm đầu mùa của tất cả những thứ mà việc sử dụng được hợp pháp hóa bởi pháp luật hay trở nên cần thiết do tự nhiên. Chính Plutarque đã tường thuật như thế. Cuối cùng, mỗi người ném một nắm đất họ mang đến từ quê hương của họ, và người ta trộn lẫn tất cả cùng nhau. Họ đặt tên cho cái hố này là “mundus”, nghĩa là “thế giới”.

Cái hố do Romulus đào này mang nặng ý nghĩa. Người ta ném vào đó những sản phẩm của văn hóa lẫn những sản phẩm của tự nhiên, để nói lên sự sáng tạo một cuộc sống mới, sự xuất hiện của một nền văn minh mới. Ngoài ra, - và đối với chúng ta đó là thời điểm có ý nghĩa nhất của câu chuyện này - được ném xuống hố những mẩu đất đến từ những vùng đất quê hương khác nhau của chính những người đã tập hợp chung quanh Romulus.

Đọc thêm: La minute antique #6: l’Asylum, Rome, terre d’immigration (Ghi chép về cổ đại #6: Nơi nương thân, La Mã, đất nhập cư).

Trích đoạn đặc biệt này của huyền thoại mang ý nghĩa gì? Chắc chắn là nó phát ra một thông điệp tượng trưng rất mạnh mẽ: tạo dựng nên vùng đất riêng, việc xây dựng nó hầu như là một hành động mang tính chất vũ trụ - thực vậy, Romulus sáng tạo ra một mundus, “một thế giới” - một hành động đi xa hơn nhiều những nghi lễ xây dựng thông thường. Hành động trộn lẫn những mẩu đất được mang đến từ xa phản ánh sự trộn lẫn những con người đến từ tất cả những nơi khác nhau mà Romulus đã tập hợp tại asylum vào lúc xây dựng đô thị mới: bằng cách tiếp nhận đất từ nhiều lãnh thổ khác, vùng đất La Mã trở thành “vùng đất nương thân” (asylum) một cách rất cụ thể.

Trong biểu tượng huyền thoại, đất của đô thị sẽ được tạo hình vừa là một vừa là nhiều: một, vì những mẩu đất, lúc đầu là tách biệt nhau, sau đó được trộn lẫn; nhiều, vì có bao nhiêu mẩu đất là có bấy nhiêu “đất” nguồn gốc của nó. Thông điệp chính trị của huyền thoại này là rất mạnh, nó nêu bật một trong những đặc tính chính của văn hóa La Mã: sự cởi mở. Chính thiên hướng cởi mở ấy đã tạo điều kiện không những cho những người xa lạ, mà cả cho những người nô lệ trở thành công dân La Mã, và do đó đã đặt cộng đồng La Mã vào một tình trạng “điều chỉnh” liên tục. Thiên hướng cởi mở căn bản này, vốn tạo nên xương sống của văn hóa La Mã qua nhiều thế kỷ, tìm thấy cách diễn đạt kể chuyện trong một câu chuyện sáng lập trộn lẫn một mặt là những con người và mặt khác là những mẩu đất, trong một tương quan hỗ tương hoàn hảo.

Đọc thêm: Christophe Ono-dit-Biot – Le latin et le grec contre la “cancel culture” (Tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp chống lại “văn hóa xóa sổ)

Bây giờ nói đến huyền thoại Hy Lạp và ta có thể so sánh với huyền thoại La Mã tôi vừa kể. Đó là một huyền thoại sáng lập khác, cũng nói về đất, nguồn gốc và các dân cư, nhưng nó chuyển một thông điệp hoàn toàn trái ngược với huyền thoại về nơi nương thân và các mẩu đất: đó là thông điệp về tính bản địa của Athènes. Huyền thoại này cho rằng những người dân Athènes có nguồn gốc “từ chính mảnh đất này” trên đó họ đã sống – đó là nghĩa sát của từ “autochtonie”, “autochton” (bản địa): qua đó họ muốn nói rằng họ được “sinh ra” từ vùng đất Attique[iii], rằng họ là những cư dân đầu tiên của mảnh đất này, có nghĩa là những người duy nhất xứng đáng được sống ở đó.

Tuy nhiên, ở Athènes, xu hướng loại trừ không chỉ bắt nguồn từ huyền thoại, nó còn hiện diện trong luật pháp. Thực vậy, người ta không thể trở thành công dân như ở La Mã: người ta đã là công dân. Chỉ có con trai của cả cha lẫn mẹ người Athènes mới được hưởng đặc quyền này, trong khi tất cả những người khác - người ngoài, người cư trú nhưng không sinh ra ở Athènes và nô lệ - không thể có một khả năng nào để mong được điều đó. Như vậy, mô hình của tính bản địa chuyển tải hình ảnh một nền văn minh, trái ngược với tầm nhìn của La Mã, chỉ đặt căn tính của mình duy nhất vào chính nó: trong khi văn hóa La Mã là “hướng ra bên ngoài”, bằng cách xây dựng căn tính của mình dựa trên những người đến từ “bên ngoài” và sự trộn lẫn họ, còn văn hóa Athènes lại muốn là “bản địa”, tập trung vào chính mình, như đã thấy trong nhiều phong trào dân tộc cực hữu ở châu Âu (mouvement identitaire)[iv] ngày nay. Tương phản giữa hai huyền thoại La Mã và Hy Lạp không còn gì rõ hơn: ở Athènes, đất sản sinh ra con người, còn ở La Mã, chính là những con người sản sinh ra đất.

Để kết luận, huyền thoại sáng lập La Mã – trộn lẫn những con người, trộn lẫn đất đai – chỉ là để đưa ra một thực tế cụ thể cho biểu tượng có tính tượng trưng và lâu bền mà những người La Mã muốn tự xác định cho mình: sự trộn lẫn, đa dạng, vận động. Trong huyền thoại nguyên thủy này, tóm lại là người La Mã đã dành một chỗ không những cho sự khác biệt, tính đa dạng mà còn vươn đến khả năng vừa là chính mình vừa là người khác. Văn hóa La Mã không ngần ngại tự định nghĩa như một giai đoạn, cũng như đặt căn tính của nó ra ngoài nó.

Căn tính của người La Mã, nếu họ có, là có tính chất “hướng ra ngoài”, phóng khoáng: chính vì thế văn minh của họ còn có th cung cấp một mô hình có giá trị cho một châu Âu đó càng ngày càng cần phải vừa là chính mình vừa là khác, là công dân của một nước nhưng đồng thời là công dân của một cộng đồng các quốc gia: hoàn toàn đối lập với một châu Âu đôi khi còn cố tìm thấy mình bằng cách phân chia ra thành nhiều quốc gia mạo xưng là tự chủ, thu mình lại tập trung vào chính chúng, và do đó đi theo con đường của Athènes với tính bản địa và khép kín.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Maurizio Bettini: “cancel culture”, c’est du latin”, Le Point, 23.11.2021.




Chú thích của người dịch (theo Wikipedia):

[i] cancel culture, tạm dịch là văn hóa xóa sổ, là một thuật ngữ xuất hiện Mỹ dùng để tố cáo một cách công khai nhằm tẩy chay những cá nhân, nhóm hay tổ chức có những hành động, hành vi hay lời nói được cho là không chấp nhận được.

[ii] Woke là 1 từ được sử dụng tại Mỹ và thường được nhắc đến nhằm chỉ nhận thức về các vấn đề định kiến và phân biệt chủng tộc như người da đen, LGBTQ+, nữ quyền, ... Từ năm 2010 thì nó đã trở thành 1 thuật ngữ chung cho các phong trào cánh tả nhấn mạnh về bản sắc của người da màu, LGBT và phụ nữ.

[iii] L’Attique là một bán đảo và là một vùng lịch sử của Hy Lạp, là vùng nối dài của vùng Pinde, tiến ra biển Égée. Nó tạo thành lãnh thổ của đô th-quốc gia Athènes xưa. Ngày nay trung tâm của bán đảo có mức độ đô thị hóa rất cao với Athènes, Le Pirée, Chalándri, Maroússi, Acharnes và Éleusis.

[iv] Phong trào Identitaire là một phong trào dân tộc cực hữu toàn châu Âu ủng hộ việc bảo tồn bản sắc dân tộc và quay trở lại ‘các giá trị truyền thống’ của thế giới phương Tây như giáo huấn Cơ đốc giáo trước chiến tranh và gia đình cổ điển. Mọi thứ xa lạ với bản sắc riêng của mỗi người đều được coi là mối đe dọa đối với văn hóa phương Tây. Các cuộc họp thường được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc đánh mất văn hóa của chính mình và bác bỏ sự đúng đắn về chính trị. Phong trào Identitaire mang tính toàn châu Âu, tức là nó dựa trên một bản sắc chung của người Châu Âu được giả định, trong khi vẫn bảo tồn bản sắc dân tộc. Phong trào này được cơ quan an ninh nội bộ Đức phân loại là cực hữu vào năm 2019. (https://vnese.wiki/blog/nl/Identitaire_beweging)

Print Friendly and PDF