27.2.22

Thời đại thái cực 1914 (7): Sự cáo chung của các đế chế

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (7)

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ nhất

THỜI ĐẠI TAI HỌA

Chương 7

SỰ CÁO CHUNG CỦA CÁC ĐẾ CHẾ

 

Năm 1918 anh ta trở thành người khủng bố cách mạng. “Sư phụ” của anh có mặt trong buổi lễ cưới, và trong 10 năm trời, cho đến khi vợ chết vào năm 1928, anh ta không hề sống chung với vợ. Đối với người cách mạng, đó là một thứ kỉ luật sắt: tránh xa đàn bà [...]. Anh ta thường kể lể với tôi Ấn Độ sẽ tự giải phóng như kiểu Ireland. Chính trong thời gian quen anh ta mà tôi đọc cuốn My Fight for Irish Freedom (Đấu tranh cho Tự do của Ireland) của Dan Breen. Dan Breen là người mẫu lý tưởng của Masterda. Anh đặt tên cho tổ chức của mình là “chi đội Chittagong” của “Quân đội Cộng hòa Ấn Độ”, giống như “Quân đội Cộng hòa Ireland”.

Kalpana DUTT, (1945, tr. 16-17)

 

Các nhà cai trị thuộc địa hợp thành một chủng loại người trời riêng biệt, họ chấp nhận, thậm chí khuyến khích hệ thống hối lộ và tham nhũng, vì đó là phương tiện ít tốn kém để kiểm soát đám dân chúng nghịch ngạo và thường muốn li khai. Trên thực tế, điều ấy có nghĩa là mỗi người có thể đạt được cái gì mình muốn (thắng kiện, giành được một hợp đồng với chính quyền, được vinh danh nhân dịp sinh nhật, hay được bổ nhiệm vào một chức tước) bằng cách quà cáp cho người nào có quyền ban phát hay từ chối điều anh ta mong muốn. “Quà cáp” không nhất thiết một món tiền (như thế thì thô lỗ quá, Ấn Độ, hiếm có người châu Âu nào chịu giơ tay làm như vậy). Quà có thể là sự biểu thị lòng tôn kính, thân thiện, có thể là tiếp đón đãi đằng hậu hĩ, hay là đóng góp vào một “việc nghĩa”, và, trên hết cả, sự quy phục chính quyền thuộc địa”.

M. CARRITT (1985, tr. 63-64)

 

I

 

Trong thế kỉ XIX, một nhúm quốc gia – chủ yếu là những nước ở ven bờ bắc Đại Tây Dương – đã chinh phục toàn bộ thế giới ngoài châu Âu một cách dễ dàng đến mức nực cười. Không cần chiếm đóng hoặc cai trị, các nước phương Tây thiết lập sự ưu việt không thể cưỡng lại thông qua hệ thống kinh tế xã hội cũng như tổ chức và công nghệ của họ. Chủ nghĩa tư bản và xã hội tư sản làm thay đổi thế giới, chế ngự thế giới và cung cấp mô hình – cho đến năm 1917, đó là mô hình duy nhất – cho những ai không muốn bị cỗ xe của Lịch sử đè bẹp hay xua đuổi. Sau năm 1917, chủ nghĩa cộng sản Soviet đề xướng một mô hình thay thế, nhưng về cơ bản, mô hình này cũng cùng một loại, chỉ khác là không có doanh nghiệp tư nhân và không có các định chế liberal. Lịch sử thế kỉ XX của thế giới phi – Tây phương, hay chính xác hơn, của thế giới ngoài phía bắc của phương Tây, vì vậy chủ yếu bị quy định bởi mối quan hệ của nó đối với những nước, trong thế kỉ XIX, đã tự xưng là chúa tể của loài người.

Edward P. Thompson (1924-1993)

Trong ý nghĩa ấy, lịch sử Thế kỉ XX Ngắn là một thứ lịch sử thiên vị về địa lí, và chỉ có thể như vậy khi sử gia muốn tập trung vào động lực của những biến đổi có tính toàn cầu. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi chia sẻ quan điểm trịch thượng, rất ư “dĩ Âu vi trung”, thậm chí kỳ thị chủng tộc, hay thái độ tự mãn phi lý khá phổ biến ở các nước giàu có. Sự thật là người viết cực lực phản đối cái mà E. P. Thompson gọi là “sự trịch thượng ghê gớm” đối với các nước nghèo khó và lạc hậu. Song quả thật là động lực bộ phận lớn nhất của thế giới trong Thế kỉ XX là động lực phái sinh chứ không phải là động lực nguyên khởi. Đó chủ yếu là những nỗ lực của các thành phần tinh hoa trong các xã hội phi – tư sản tìm cách noi theo mô hình do phương Tây đề xuất: một mô hình được nhìn nhận như là mô hình của những xã hội sản sinh ra tiến bộ, phồn vinh, phú cường và văn minh, thông qua “phát triển” kinh tế và khoa học – kĩ thuật, dưới dạng tư bản chủ nghĩa hay XHCN[56]. Không có con đường nào khác hơn là “Tây phương hóa” hay “hiện đại hóa”, muốn gọi nó thế nào cũng được. Ngược lại, chỉ vì sự tế nhị ngoại giao mới buộc người ta phải tạo ra những tên gọi khác nhau cho sự “lạc hậu” (Lenin không ngần ngại dùng từ “lạc hậu” để nói về nước Nga của mình và “các nước thuộc địa lạc hậu”) khi đề cập tới các nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân (“chậm phát triển”, “đang phát triển”…).

Mô hình “phát triển” này có thể kết hợp với những tín ngưỡng và hệ tư tưởng khác miễn là những thứ này không can thiệp vào sự phát triển, nói ví dụ: miễn là nước “đang phát triển” này không chống lại việc xây cất sân bay chỉ vì kinh Islam hay kinh Thánh cấm đoán, hay vì việc này đi ngược lại truyền thống hiệp sĩ Trung cổ, hay mâu thuẫn với “tâm hồn slav”. Mặt khác, khi những tín ngưỡng ấy chống lại quá trình “phát triển” trong thực tiễn chứ không phải đơn thuần về mặt lí luận, thì chắc chắn sẽ thất bại và phá sản. Tuy nhiên, tin rằng ma thuật bùa chú có thể gạt được đạn súng máy sang một bên, dù niềm tin ấy thành khẩn và mạnh mẽ tới đâu chăng nữa, cũng khó thành công. Điện thoại hay điện tín rốt cuộc là những phương tiện truyền thông hiệu quả hơn là sự thần giao cách cảm của các bậc tu hành thánh thiện.

Adam Smith (1723-1790)

Nói như vậy không có nghĩa là coi nhẹ truyền thống, tín ngưỡng và hệ tư tưởng – còn được giữ nguyên vẹn hay đã được cải cách – mà mỗi xã hội qua đó đánh giá thế giới “phát triển” mình đang tiếp xúc. Chủ nghĩa truyền thống cũng như chủ nghĩa xã hội gặp nhau ở chỗ phát hiện ra khoảng trống tinh thần toang hoác ở chính giữa chủ nghĩa tư bản liberal kinh tế và chính trị đang toàn thắng, bởi vì nó đã hủy diệt tất cả các mối quan hệ giữa con người với con người, ngoại trừ những quan hệ dựa trên “thiên hướng đổi chác” mà Adam Smith vẫn tâm đắc, nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu và lợi ích cá nhân. Với tư cách hệ thống đạo lí, phương cách xếp đặt chỗ đứng của con người trong thế giới, nhận thức được bản chất và quy mô những sự hủy diệt do “phát triển” và “tiến bộ” mang lại, thì các hệ tư tưởng và hệ thống giá trị tiền tư bản chủ nghĩa hay phi tư bản chủ nghĩa thường hơn hẳn những tín điều mà pháo thuyền, thương gia, giáo sĩ, và quan lại thực dân mang lại. Với tư cách là phương tiện huy động quần chúng ở các xã hội truyền thống đứng lên chống lại quá trình hiện đại hóa, dù là hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa hay XHCN, hay nói chính xác hơn, đứng lên chống lại những ngoại nhân đã du nhập sự hiện đại hóa, các hệ tư tưởng cổ truyền đôi khi tỏ ra khá hiệu lực, dù cho, trên thực tế, trước năm 1970, không có phong trào giải phóng dân tộc nào đã dựa trên hay gắn liền với những hệ tư tưởng truyền thống hay “tân” truyền thống. Sự thật là thế, mặc dầu đã có một phong trào ngắn ngủi – cuộc vận động Khilafat ở Ấn Độ thuộc Anh (1920-21), mà yêu sách là đòi Sultan [quốc vương Islam] Thổ Nhĩ Kì phải được công nhận là giáo chủ của toàn thể tín đồ Islam, Đế chế Ottoman phải được thừa nhận trong biên giới 1914, và các thánh địa Islam (kể cả Palestine) phải do người Islam quản lí – có lẽ đã buộc Đảng Quốc đại Ấn Độ lúc đó còn do dự phải phát động quần chúng bất hợp tác và bất tuân dân sự (Minaut, 1982). Những cuộc vận động quần chúng đặc trưng nhất dưới danh nghĩa tôn giáo – “Giáo hội” nắm được bàn dân thiên hạ giỏi hơn là “Đức Vua” – đều có tính chất “hậu tập”, cho dù đôi khi rất ngoan cường, anh dũng, chẳng hạn như phong trào nông dân chống lại cuộc Cách mạng Mexico dưới ngọn cờ “Ki-tô vương” (1926-32), mà Meyer, nhà sử học số 1 về sự kiện này, đã gọi là “cuộc Ki-tô chiến” (Meyer, 1973-79). Phải đợi đến những thập niên cuối của thế kỉ XX mới thấy tôn giáo toàn thủ trở thành lực lượng hùng mạnh có thể huy động được quần chúng rộng lớn. Đó cũng là lúc người ta chứng kiến cảnh tượng quái đản một số trí thức tin vào những điều mà thế hệ ông bà có học của họ coi là dị đoan, man rợ.

Mahatma Gandhi (1869-1948)
Muhammad Ali Jinnah (1876-1948)

Trái lại, các hệ tư tưởng, cương lĩnh, thậm chí phương pháp và hình thức tổ chức chính trị cổ xúy công cuộc giải phóng các nước bị trị ra khỏi vòng lệ thuộc, các nước lạc hậu thoát khỏi sự chậm tiến, đều du nhập từ phương Tây: liberal, XHCN, cộng sản và/hay dân tộc chủ nghĩa, thế tục và nghi ngại giáo quyền, sử dụng những tiêu ngữ thường được đề xướng cho đời sống công cộng trong các xã hội thị dân – báo chí, mít tinh, chính đảng, vận động quần chúng, ngay cả trong trường hợp (buộc phải) sử dụng ngôn ngữ tôn giáo quen thuộc với quần chúng. Điều đó có nghĩa là lịch sử những con người tạo ra những biến đổi ở Thế giới thứ Ba trong thế kỉ này là lịch sử của những thiểu số ưu tú, thậm chí cực nhỏ, bởi lẽ, ngoài lí do tại hầu hết các nước này không có những thể chế chính trị dân chủ, chỉ có một tầng lớp rất nhỏ mới có đủ tri thức, học vấn, thậm chí mới học vỡ lòng. Xét cho cùng, trước ngày độc lập, 90% người dân ở tiểu lục địa Ấn Độ là những người mù chữ. Số người biết ngôn ngữ phương Tây (cụ thể là tiếng Anh) lại càng ít hơn nữa: nửa triệu người trên tổng số ba trăm triệu (con số năm 1914), tức là cứ mỗi 600 người mới có một người biết tiếng Anh[57]. Ngay tại vùng hiếu học nhất (Tây Bengal), thời kì độc lập (1949-50), cũng chỉ có 272 sinh viên dự bị đại học trên 100.000 dân số, tức là nhiều gấp 5 lần so với miền bắc Ấn Độ. Những thiểu số nhỏ bé ấy đóng một vai trò cực kì to lớn. 38.000 đàn ông thuộc dân tộc Parsi làm việc ở Bombay Presidency [cơ quan hành chính cai quản tỉnh Bombay, thành phố Bombay và tỉnh Sind (nay thuộc Pakistan) dưới thời thực dân Anh, chú thích của người dịch], tức là một trong những cơ quan hành chính quan trọng nhất của Ấn Độ thuộc Anh, trong đó có hơn 1/4 biết tiếng Anh, đương nhiên trở thành tầng lớp thượng lưu của giới thương gia, nghiệp chủ và nhà tài chính của toàn bộ tiểu lục địa. Trong số một trăm trạng sư được đăng kí trong thời gian 1890-1900 ở Tòa thượng thẩm Bombay, đã có hai lãnh tụ của nước Ấn Độ độc lập (Mohandas Karamchand Gandhi và Vallabhai Patel) và cha đẻ tương lai của nước Pakistan, Muhammad Ali Jinnah (Seal, 1968, tr. 884; Misra, 1961, tr. 328). Chức năng toàn tài này của giới thượng lưu Tây học, có thể lấy điển hình là một gia đình mà tác giả quen biết. Người cha dưới thời Anh thuộc là điền chủ, trạng sư thành đạt, có vai vế trong xã hội, sau năm 1947 trở thành nhà ngoại giao, và cuối cùng là thống đốc tiểu bang. Người mẹ là người phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng trong chính quyền tỉnh của Đảng Quốc đại năm 1937. Bốn người con (đều du học ở Anh), thì ba người gia nhập đảng Cộng sản, một người trở thành Tổng tư lệnh Quân đội Ấn Độ, một người trở thành đại biểu cộng sản ở Quốc hội, người thứ ba, trải qua những thăng trầm chính trị, trở thành bộ trưởng trong chính phủ của bà Gandhi, còn người thứ tư thì chọn con đường kinh doanh.

Điều ấy hoàn toàn không có nghĩa rằng giới thượng lưu Tây hóa đã chấp nhận mọi giá trị của các quốc gia và những nền văn hóa mà họ coi là kiểu mẫu. Xét từng cá nhân mà nói, thái độ của họ có thể là đồng hóa 100% mà cũng có thể là nghi ngại cao độ đối với phương Tây, song song với điều này, họ tin chắc cần phải thích nghi sự canh tân để vẫn giữ gìn được hoặc khôi phục lại những giá trị riêng của nền văn minh bản địa. Mục tiêu của dự án “canh tân” chân thành và thành công nhất – là cuộc cải cách của Nhật Bản dưới thời Minh Trị – không phải là Tây phương hóa đất nước cổ truyền, mà là để bảo đảm sự sinh tồn của nó. Tương tự, ở các nước Thế giới thứ Ba, những người đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng không “đọc” cương lĩnh và hệ tư tưởng mà họ đã chấp nhận trong văn bản bề mặt của chúng, mà họ đọc “dưới văn bản”. Thí dụ, trong thời kì đã giành được độc lập, chủ nghĩa xã hội (tức là theo kiểu cộng sản Liên Xô) đã quyến rũ chính quyền các nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân, không phải chỉ vì phái tả ở chính quốc trước sau vẫn kiên trì lập trường phản đế, mà hơn thế nữa, họ tin rằng đi theo mô hình Liên Xô, họ sẽ thoát khỏi tình trạng chậm tiến nhờ con đường công nghiệp hóa có kế hoạch; đối với họ, mục tiêu này cấp thiết hơn hẳn sự giải phóng “giai cấp vô sản” (xem tr. 456 và 488). Tương tự như thế, ĐCS Brasil vẫn một mực trung thành với chủ nghĩa Marx: từ đầu thập niên 1930, chủ trương “phát triển dân tộc chủ nghĩa” khá đặc biệt đã trở thành “chất liệu cơ bản” trong đường lối của đảng, mặc dù nó đi ngược lại quyền lợi của người lao động Brasil (Martins Rodrigues, tr. 437). Tuy nhiên, bất luận mục tiêu ý thức hay vô thức của những người làm ra diện mạo của thế giới chậm tiến là như thế nào, thì công cuộc hiện đại hóa, nghĩa là noi theo mô hình phương Tây, là phương thức và phương tiện cần thiết để đạt mục đích.

Điều này càng hiển nhiên hơn nữa nếu ta thấy rõ sự cách biệt to lớn giữa viễn tượng của giới thượng lưu và viễn tượng của đại chúng, ngoại trừ trường hợp sự kỳ thị chủng tộc của người da trắng (Bắc Đại Tây Dương) khiến cho những maharajah [vương công] cũng như những người phu quét đường đều có chung một nỗi oán hận. Song, ngay trong trường hợp ấy, nỗi hận cũng ít có cơ sâu sắc đối với những con người, nhất là phụ nữ, vốn ở vị trí thấp hèn trong xã hội, bất luận màu da của họ như thế nào. Ngoài thế giới Islam ra, ít khi nào một tôn giáo chung có thể tạo ra sự gắn kết như vậy: sự gắn kết vì tin rằng mình mãi mãi hơn hẳn bọn ngoại đạo.

 

II

 

Kinh tế toàn cầu của chủ nghĩa tư bản trong Thời đại Đế chế đã thâm nhập và làm biến đổi hầu hết các khu vực trên trái đất (ngoại trừ lãnh thổ Liên Xô từ sau năm 1917). Vì thế mà cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 đã đánh dấu cả một giai đoạn trong lịch sử cuộc đấu tranh phản đế và phong trào giải phóng của Thế giới thứ Ba. Tất cả các nước đều bị lôi cuốn vào thị trường thế giới, bất luận trước khi con bạch tuộc Bắc Đại Tây Dương vươn vòi tới nơi nền kinh tế, tài nguyên, văn hóa và chế độ chính trị là như thế nào, trừ phi các doanh nhân và chính quyền coi là không đáng chú ý, cho dù họ độc đáo đến đâu: thí dụ như những bộ tộc người Bedouin trên sa mạc châu Phi trước khi phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt nơi sinh sống hoang vắng của họ. Đối với thị trường toàn cầu, giá trị của họ chủ yếu là giá trị của những người cung cấp những sản phẩm cơ bản – nguyên liệu cho công nghiệp, năng lượng, sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi – và là nơi chốn để phương Bắc tìm chỗ đầu tư: đặc biệt là dưới dạng cho vay công và xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, vận tải, thành phố) cần thiết cho việc khai thác hiệu quả tài nguyên của các nước lệ thuộc. Năm 1913, hơn 3/4 vốn đầu tư hải ngoại của Anh – mà người Anh xuất khẩu vốn nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại – dành cho các quỹ nhà nước, xe lửa, hải cảng và hàng hải (Brown, 1963, tr. 153).

Công nghiệp hóa thế giới thuộc địa chưa được ghi vào “kế hoạch săn bắn” nào của chủ nghĩa tư bản, kể cả ở những nước thuộc vùng hình nón phía nam của châu Mỹ Latin, vì logic mà nói, lẽ ra thực phẩm sản xuất tại chỗ, như thịt, phải được chế biến thành thịt hộp để chuyên chở dễ dàng hơn. Xét cho cùng, đâu có phải nhờ những hộp cá mòi và những chai rượu khai vị porto mà Bồ Đào Nha được công nghiệp hóa: và đó cũng không phải là mục đích. Mô hình của đa phần các chính quyền và doanh nhân phương Bắc là thế giới thuộc địa mua sản phẩm công nghiệp bằng tiền bán sản phẩm cơ bản. Đó chính là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu do người Anh thống trị trước năm 1914 (xem Age of Empire, ch. 2), mặc dầu, ngoại trừ những nước có “tư bản thực dân”, thế giới thuộc địa không phải là một thị trường xuất khẩu màu mỡ gì đối với giới công nghiệp. 300 triệu người dân ở tiểu lục địa Ấn Độ, 400 triệu người Trung Hoa quá nghèo, phần lớn các nhu cầu hàng ngày của họ lại được đáp ứng bằng sản xuất bản địa, nên cũng chẳng mua gì mấy của bên ngoài. Cũng may cho Anh là trong thời kỳ Anh thống trị kinh tế thế giới, cái ngân sách nhỏ nhoi của 700 triệu người ấy cũng đủ để nuôi sống công nghệ dệt của vùng Lancashire. Quyền lợi của công nghệ này cũng như quyền lợi của tất cả các nhà sản xuất phương Bắc là làm thế nào thị trường của họ hoàn toàn lệ thuộc vào sản xuất của họ, nghĩa là phải “nông thôn hóa” toàn bộ thị trường.

Cho dù đó là mục tiêu họ đeo đuổi hay không, họ không thể nào đạt được điều đó, vì hai lẽ. Thứ nhất, bởi thị trường bản địa do sự sáp nhập vào kinh tế thị trường toàn cầu (một xã hội dựa trên sự mua bán) tạo ra lại kích thích việc sản xuất tại chỗ những loại hàng hóa tiêu thụ vì giá thành rẻ hơn. Thứ hai, khá nhiều nền kinh tế của các khu vực thuộc địa, nhất là ở châu Á, có những cấu trúc rất phức tạp, kế thừa truyền thống sản xuất công nghiệp lâu năm, rất tinh tế, lại có nhiều tài nguyên, tiềm lực đáng kể về kĩ năng cũng như về con người. Do đó mà những kho hàng mênh mông của các hải cảng, đặc trưng của mối liên hệ giữa phương bắc và các nước lệ thuộc – từ Buenos Aires, Sydney cho tới Bombay, Thượng Hải và Sài Gòn – đã lợi dụng cái thế được tạm thời bảo hộ để tạo ra những công nghiệp địa phương, mặc dù đó không phải là ý định của giới lãnh đạo. Chẳng cần gì nhiều cũng có thể biến những người sản xuất hàng dệt địa phương ở Ahmedabad hay Thượng Hải – bất luận họ là người bản địa hay là nhân viên của một doanh nghiệp ngoại quốc – thành người cung ứng cho các thị trường Ấn Độ hay Trung Quốc kế cận, trước đó phải nhập vải bông giá cao từ vùng Lancashire xa xôi. Thế là điều ấy đã xảy ra ngay sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, khiến cho công nghiệp dệt bông của Anh bị ngã quị.

Tuy nhiên, càng nghĩ tới lời tiên đoán có vẻ như rất logic của Marx, theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp cuối cùng sẽ lan tràn khắp thế giới, ta càng ngạc nhiên thấy có rất ít nền công nghiệp mà chủ nghĩa tư bản của thế giới phát triển đã để lại trước ngày cáo chung của các đế chế (nghĩa là trước thập niên 1970). Cho đến cuối thập niên 1930, sự thay đổi lớn duy nhất trên bản đồ công nghiệp thế giới là do các kế hoạch 5 năm của Liên Xô (xem ch. 2). Năm 1960, các trung tâm công nghiệp cũ của Tây Âu và Bắc Mỹ vẫn chiếm hơn 70% sản lượng công nghiệp thô toàn cầu và gần 80% “giá trị gia tăng chế biến” nghĩa là sản xuất công nghiệp (Harris, 1987, tr. 102-103). Phải tới phần ba cuối cùng của thế kỉ mới xảy ra sự thay đổi thực sự ngoạn mục, làm cho phương Tây mất thế thượng phong, cụ thể với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp Nhật Bản (mà năm 1960, chỉ chiếm vỏn vẹn 4% sản lượng công nghiệp thế giới). Phải đợi đến những năm 1970 thì các nhà kinh tế học mới bắt đầu viết sách về “sự phân công quốc tế lao động mới”, nghĩa là bắt đầu quá trình phi công nghiệp hóa của các trung tâm cũ.

Rõ ràng là trong sự “phân công lao động quốc tế” cũ, chủ nghĩa đế quốc có xu hướng tự nhiên là củng cố độc quyền công nghiệp của các trung tâm công nghiệp cũ. Trong phạm vi đó, những người mác-xít của thời kì giữa hai cuộc Đại chiến, và sau năm 1945 lại có thêm những “lí thuyết gia về sự lệ thuộc” thuộc đủ mọi môn phái, có đầy đủ lí do để tố cáo chủ nghĩa đế quốc là phương tiện duy trì sự tụt hậu của các nước chậm tiến. Điều nghịch lí là sự duy trì công nghiệp ở những trung tâm phát sinh này lại bắt nguồn từ sự non kém tương đối trong phát triển của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, cụ thể là từ sự non kém của công nghệ giao thông vận chuyển. Trong cái logic lợi nhuận và tích lũy tư bản, không có lí do gì buộc phải giữ mãi công nghiệp luyện gang thép ở bang Pennsylvania Hoa Kỳ hay vùng Ruhr nước Đức, dù rằng không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta thấy chính phủ các nước công nghiệp (nhất là các nước có xu hướng bảo hộ hoặc có thuộc địa rộng lớn) tìm mọi cách ngăn chặn các nước cạnh tranh có thể đe dọa nền công nghiệp của mình. Trong các nước đế quốc có lí do để tiến hành công nghiệp hóa thuộc địa của mình, chỉ có Nhật Bản là đã thực hiện một cách có hệ thống khi nó xây dựng công nghiệp nặng ở Triều Tiên (bị sát nhập năm 1931) và, từ năm 1931 trở đi, ở Mãn Châu và Đài Loan, bởi vì các thuộc địa giàu tài nguyên này ở rất gần trung tâm, trong khi chính quốc thì quá chật hẹp, nguyên liệu quá nghèo nàn để có thể trực tiếp phục vụ công cuộc công nghiệp hóa quốc gia. Tuy nhiên, tại Ấn Độ là thuộc địa to lớn nhất, trong thời kì Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, khi thấy rằng Ấn Độ sản xuất không đủ để bảo đảm sự tự lập công nghiệp và công cuộc quốc phòng, Anh đã phải đi tới một chính sách bảo hộ và trực tiếp tham gia vào cuộc công nghiệp hóa Ấn Độ (Misra, 1961, tr. 239 và 256). Chiến tranh làm cho chính quyền thực dân thấy rõ công nghiệp thuộc địa yếu kém gây ra bất lợi như thế nào, còn cuộc Khủng hoảng 1929-1933 gây thêm những áp lực tài chính. Thu nhập về nông sản giảm sút mạnh, chính quyền thuộc địa phải bù vào sự hao hụt bằng cách tăng thuế đánh vào các mặt hàng công nghiệp, kể cả hàng hóa đến từ chính quốc – Anh, Pháp hay Hà Lan. Lần đầu tiên, các doanh nghiệp phương Tây, trước đây chỉ thoải mái nhập khẩu, nay được thúc đẩy triển khai những đơn vị sản xuất ở ngay các thị trường ngoại vi (Holland, 1985, tr. 13). Nhưng xét cho cùng, tuy có tác động của chiến tranh và của cuộc khủng hoảng, trong nửa đầu thế kỉ XX, thế giới lệ thuộc chủ yếu vẫn là nông thôn và nông nghiệp. Vì vậy là “bước Nhảy vọt vĩ đại” của kinh tế thế giới vào phần tư thứ ba của thế kỉ mới đánh dấu cả một bước ngoặt ngoạn mục.

 

III

 

Hầu như toàn bộ các vùng châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin và vùng biển Caribe đều lệ thuộc và cảm thấy mình lệ thuộc vào các biến cố xảy ra ở mấy nước bắc bán cầu, nhưng (ngoài châu Mỹ ra) phần lớn các khu vực này là do mấy nước bắc bán cầu sở hữu, cai trị, nếu không thì cũng thống trị và chỉ đạo. Đó cũng là cảnh ngộ của những nước còn có chính quyền bản địa (tức là những “xứ bảo hộ” hay là các vương quốc) vì ai cũng hiểu rằng “ý kiến” của đại diện Anh hay Pháp nói với triều đình của các vị emir, bey, rajah, hoàng đế hay sultan, đều có giá trị mệnh lệnh. Điều đó đúng đối với cả những quốc gia độc lập trên danh nghĩa như Trung Quốc, vì tại đó, người ngoại quốc đều được đặc quyền lãnh ngoại và quyền giám sát một số chức năng trung ương của nhà nước có chủ quyền, thí dụ như quyền thu thuế. Tại các vùng này, vấn đề tìm cách thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang sớm muộn tất nhiên đặt ra. Ở Trung Mỹ và Nam Mỹ thì khác, vì hầu hết các nước ở châu lục này đều là những quốc gia có chủ quyền, còn Hoa Kỳ thì có xu hướng coi các nước Trung Mỹ là những nước trên thực tế đặt dưới quyền bảo hộ của mình, nhất là trong phần ba thứ nhất và thứ ba của thế kỉ.

Thế giới thuộc địa từ năm 1945 trở đi đã thay đổi toàn bộ, trở thành một loạt những quốc gia độc lập trên lí thuyết, nên bây giờ nhìn lại, người ta dễ có thể nghĩ rằng đó là một hiện tượng tất yếu: hơn thế nữa, đó là ước muốn của toàn thể dân chúng thuộc địa. Chắc chắn là như thế đối với những nước kế thừa một lịch sử lâu đời như là những thực thể chính trị: các đế chế lớn ở châu Á – Trung Hoa, Ba Tư, Đế chế Ottoman – và một vài nước khác như Ai Cập, nhất là trong trường hợp các nước này đã được tạo dựng chung quanh một Staatvolk, một Nhà nước – Dân tộc như người Hán ở Trung Quốc, hay các tín đồ Islam coi tông phái Shiite là quốc giáo của Iran. Ở những nước này, tình cảm của người dân đối với ngoại bang rất dễ được chính trị hóa. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì và Iran đã có những phong trào cách mạng bản địa lớn mạnh. Tuy nhiên, đó là những trường hợp ngoại lệ. Ở phần lớn các nơi, ngay cả khái niệm một thực thể chính trị có cương vực thường trực, có ranh giới rõ ràng đối với những thực thể khác, đặt dưới sự cai trị của một quyền lực thường trực, tức là khái niệm một nhà nước độc lập, có chủ quyền mà chúng ta tưởng là đương nhiên, thực ra là một cái gì vô nghĩa đối với người dân, ngay cả người dân ở những vùng nông nghiệp định cư, ít nhất ở cấp độ cao hơn là làng xã. Thật vậy, ngay ở những nơi mà những “dân tộc” tồn tại, tự coi mình là dân tộc hay được coi là thế, như người Âu vẫn thường mô tả các “bộ tộc”, thì việc mỗi dân tộc có lãnh thổ tách biệt với lãnh thổ một dân tộc khác, mà họ vẫn sống chung và có chung một số chức năng, quả là một ý niệm rất khó hình dung bởi vì chẳng có mấy ý nghĩa. Tại những vùng này, cơ sở duy nhất của các nhà nước độc lập theo kiểu thế kỉ XX là các lãnh thổ mà các cuộc chinh phục và tranh giành giữa các đế chế đã vạch ra, thường chẳng ăn nhằm gì với các cấu trúc địa phương cả. Cho nên, thế giới hậu thuộc địa hầu như hoàn toàn được phân định thành quốc gia bởi các đường biên giới do chủ nghĩa đế quốc vạch ra.

Thêm nữa, những người dân Thế giới thứ Ba dị ứng nhất đối với người phương Tây – họ coi là bọn ngoại đạo hay là những kẻ mang lại những cải cách hiện đại gây rối và vô thần, hay đơn giản hơn, họ không muốn có sự thay đổi trong nếp sống, vì họ nghĩ, không phải không có lý, rằng thay đổi chỉ làm cho tình hình càng xấu hơn – và cũng phản đối mạnh mẽ giới thượng lưu bản địa tin tưởng vào sự cần thiết phải canh tân. Do đó, rất khó thành lập một mặt trận phản đế chung, ngay ở những nước thuộc địa là nơi mà tất cả các thành phần dân chúng phải chịu đựng sự khinh miệt của thực dân đối với những nòi giống thấp hèn.

Bal Gangadhar Tilak (1856-1920)

Nhiệm vụ lớn của các phong trào dân tộc chủ nghĩa của giai cấp tư sản tại các nước này là làm sao tranh thủ được các thành phần quần chúng bám chặt lấy truyền thống, chống lại mọi cuộc cải cách mà không từ bỏ mục tiêu hiện đại hóa. Trong thời kì đầu của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ, Bal Gangadhar Tilak (1856-1920), một lãnh tụ năng động, đã hiểu rằng cách tốt nhất để tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng, kể cả thành phần tiểu tư sản – và không chỉ ở quê hương của ông ở miền Tây Ấn – là coi giống bò là linh vật, chủ trương tảo hôn cho con gái 10 tuổi, và tuyên bố nền văn minh tinh thần Ấn Độ, tức là “aryan”, và Ấn Độ giáo là cao hơn văn minh phương Tây “hiện đại” và những người bản xứ hâm mộ phương Tây. Trong giai đoạn lớn đầu tiên của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ, từ 1905 đến 1910, người ta đã sử dụng khá thường xuyên thứ ngôn ngữ “sinh quán chủ nghĩa” này, nhất là trong giới thanh niên chủ trương khủng bố ở Bengale. Cuối cùng, Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) đã thành công trong việc huy động hàng chục triệu người từ các làng mạc chợ búa Ấn Độ bằng cách kêu gọi lòng yêu nước và giá trị tinh thần Ấn Độ, mà vẫn duy trì được mặt trận thống nhất với những người chủ trương duy tân (trong một ý nghĩa nào đó, Gandhi đứng về phía duy tân, xem Age of Empire, ch. 13) và tránh thái độ xung đột với Ấn Độ Islam vốn ẩn tàng trong phong trào của người Hindi. Gandhi sáng tạo ra hình tượng một nhà hoạt động chính trị thánh thiện, khái niệm làm cách mạng thông qua một hành động tập thể thụ động (chủ trương “bất hợp tác không bạo động”), thậm chí hiện đại hóa về mặt xã hội, ví dụ như chủ trương bãi bỏ chế độ đẳng cấp, khai thác tiềm năng cải cách chứa đựng ngay trong những sự biến hóa liên tục và mờ ảo của Ấn Độ giáo đang chuyển mình. Gandhi đã thành công vượt mức chờ đợi (và lo ngại) viển vông nhất. Vậy mà, như chính ông đã thừa nhận lúc cuối đời, trước khi bị một tín đồ Ấn Độ giáo cực đoan (xu hướng Tilak) ám hại, là mình đã thất bại trong sự nghiệp cơ bản nhất. Không thể nào hòa giải một cách lâu bền hai thái cực là huy động quần chúng và thực hiện những cải cách cần thiết. Cuối cùng, nước Ấn Độ tự do sẽ đặt dưới sự cầm quyền của “những người không mơ mộng làm sống lại nước Ấn Độ ngày xưa”, những người “không đồng ý hay đồng cảm với (những người ước mơ như thế), mà hướng về phương Tây, thiết tha sự tiến bộ của phương Tây” (Nehru, 1936, tr. 23-24). Song, vào giờ phút tôi biên soạn cuốn sách này, truyền thống chống hiện đại hóa của Tilak, từ nay do đảng BJP thể hiện, vẫn là nòng cốt của lực lượng quần chúng đối kháng. Trước đây cũng như bây giờ, đó là lực lượng chủ yếu gây ra chia rẽ, bắt rễ trong quần chúng cũng như trong giới trí thức. Nỗ lực yểu mệnh của Gandhi – xây dựng một Ấn Độ giáo vừa bình dân vừa tiến bộ – không còn được đặt ra nữa.

Một tình huống tương tự cũng diễn ra trong thế giới Islam: tại đây, tất cả các nhà cải cách (ngoại trừ trường hợp vừa thành công trong một cuộc cách mạng) đều lớn tiếng ca ngợi tín ngưỡng phổ độ của quần chúng, bất luận trong thâm tâm họ cảm nghĩ thế nào. Tuy nhiên cũng có một điểm khác tình hình Ấn Độ: những cố gắng tìm đọc trong Islam một thông điệp cải cách hay hiện đại hóa không nhằm mục đích huy động quần chúng và cũng mang lại kết quả ấy. Các đồ đệ của Jamal al-Din al Afghani (1839-1897) ở Iran, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì, hay của người kế tục ông là Mohammed Abduh (1849-1905) ở Ai Cập, hay là của Abdul Hamid Ben Badis (1889-1940) người Algeria đều không được tuyển mộ ở nông thôn, mà ở các trường trung học hay đại học, là nơi mà thông điệp kêu gọi chống lại các cường quốc châu Âu dễ gặp được sự đồng tình[58]. Tuy nhiên, những nhà cách mạng chân chính ở thế giới Islam cũng như những người đã leo lên đỉnh cao quyền lực đều là những người chủ trương canh tân, xây dựng nhà nước thế tục, chứ không phải là những người Islam cực đoan (xem ch. 5): chẳng hạn như Kemal Ataturk, người đã áp đặt việc đội mũ quả dưa thay cho cái mũ fez Thổ Nhĩ Kì (cái mũ fez, một thế kỉ trước đó, cũng là biểu tượng của sự canh tân), chữ viết Latin thay thế chữ viết Arab đượm mùi Islam, và trên thực tế đã phá vỡ được mối dây ràng buộc Islam, nhà nước và luật pháp. Song, như lịch sử gần đây đã xác nhận một lần nữa, phát động quần chúng bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều khi người ta dựa vào sự sùng đạo và chống hiện đại của đại chúng (“chủ nghĩa toàn thống” Islam). Tóm lại, có sự xung đột sâu sắc giữa những người chủ trương canh tân, cũng là những người theo chủ nghĩa dân tộc (một khái niệm xa lạ với truyền thống) và người dân bình thường ở Thế giới thứ Ba.

Như vậy là các phong trào chống đế quốc, chống thực dân trước năm 1914 không rõ nét như ta có thể hình dung dưới ánh sáng của sự thanh lí hầu như toàn bộ các đế quốc thuộc địa phương Tây và Nhật Bản trong nửa thế kỉ sau ngày Thế chiến thứ Nhất bùng nổ. Ngay ở châu Mỹ Latin, là châu lục đối nghịch với sự lệ thuộc kinh tế nói chung và sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ nói riêng, nhà nước đế quốc duy nhất hiện diện về mặt quân sự ở khu vực này cũng không đóng vai trò chủ bài trong đời sống chính trị cục bộ. Chỉ có duy nhất một đế quốc gặp những vấn đề nghiêm trọng ở một số khu vực – những vấn đề mà cảnh sát cũng không tài nào giải quyết được – đó là đế quốc Anh. Năm 1914, Anh đã phải trao quyền tự trị nội bộ cho những thuộc địa có đông người da trắng, từ năm 1907 được gọi tên là những “dominion”: Canada, Australia, New Zealand, Nam Phi, và cũng cam kết trao quyền tự trị (“Home Rule”) cho nước Ireland cứng đầu. Ở Ấn Độ và Ai Cập, cũng thấy rõ là quyền lợi đế chế và những yêu sách bản địa về tự trị, thậm chí về độc lập, có thể đòi hỏi phải có giải pháp chính trị. Từ năm 1905 trở đi, có thể nói là quần chúng phần nào hưởng ứng phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ và Ai Cập.

Tuy nhiên, Thế chiến thứ Nhất mới là một chuỗi những biến cố làm rung chuyển hệ thống thực dân chủ nghĩa thế giới, tới mức là nó đã phá sập hai đế chế (Đức và Ottoman, để cho người Anh và người Pháp sau đó chia chác các thuộc quốc) và làm ngã quị tạm thời đế chế thứ ba là Nga (vài năm sau mới giành lại được các thuộc quốc cũ của mình). Chiến tranh đã gây ra những tác động căng thẳng lên các thuộc quốc mà London cần huy động tài nguyên, làm nảy sinh những náo loạn. Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười, của sự sụp đổ của các chế độ cũ, tiếp theo đó là sự độc lập trên thực tế của 26 quận miền nam Ireland (năm 1921) lần đầu tiên khiến cho người ta thấy đế quốc [Anh] cũng có ngày tiêu vong. Khi thế chiến chấm dứt, đảng Wald (“đại biểu”) của Saïd Zaghlul ở Ai Cập, cảm hứng từ mỹ từ của tổng thống Wilson, lần đầu tiên, đã đưa ra yêu sách độc lập hoàn toàn. Sau 3 năm đấu tranh (1919 - 1922), Anh buộc phải biến quy chế bảo hộ thành một nước Ai Cập nửa độc lập đặt dưới quyền kiểm soát của Anh; Anh hài lòng với công thức này nên đã đem áp dụng ở các khu vực khác ở châu Á, ngoại trừ vùng Irak và Transjordan giành lấy từ đế quốc Thổ. Biệt lệ là Palestine, tại đây Anh thi hành chế độ trực trị, đồng thời tìm cách biện minh một cách vô vọng những lời hứa hẹn với người Do Thái thuộc phong trào Sion để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến tranh chống Đức và với người Arab trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kì.

Đối với thuộc địa lớn nhất của đế chế là Ấn Độ thì không dễ gì tìm ra một công thức giản dị để duy trì sự thống trị. Tại đây, khẩu hiệu Swaraj (Tự trị), mà Đảng Quốc đại Ấn Độ thông qua lần đầu tiên từ năm 1906, lần lần chuyển sang yêu sách độc lập hoàn toàn. Những năm cách mạng, 1918-1922, đã biến đổi hẳn đường lối chính trị dân tộc chủ nghĩa của quần chúng ở tiểu lục địa Nam Á: một phần là do phong trào quần chúng Islam chống Anh dâng cao; phần khác là do sự cuồng nộ đẫm máu của một viên tướng người Anh trong năm cao trào 1919 đã tàn sát đám đông không mang vũ khí trong một khu đất rào kín, không có lối ra (cuộc “thảm sát Amritsar”); nhưng quan trọng hơn hết là sự trùng hợp hội tụ của một loạt những cuộc đình công của thợ thuyền, và lời kêu gọi quần chúng bất tuân dân sự của Gandhi và của Đảng Quốc đại đã trở thành triệt để. Có một lúc, phong trào giải phóng đã có hơi hướng của tình thần “thiên niên tận thế”, Gandhi tuyên bố sẽ giành được quyền Swaraj vào cuối năm 1921. Chính quyền “không hề tìm cách giảm nhẹ sự lo lắng lan rộng do tình hình gây ra”: các thành phố bị tê liệt vì phong trào bất hợp tác; các vùng nông thôn rộng lớn ở Bắc Ấn, Bengal, Orissa và Assam trở nên sôi động, trong khi đó “một tỉ số khá lớn dân chúng Islam tỏ ra bực bội uất ức” (Cmd 1586, 1922, tr. 13). Từ đó trở đi, có những lúc Ấn Độ trở thành một đất nước bất trị. Chính quyền thực dân Anh còn giữ được vị trí, có lẽ chỉ vì phần lớn những người lãnh đạo Đảng Quốc đại, kể cả Gandhi, còn do dự, không muốn đẩy đất nước vào đêm tối man dại của một cuộc quần chúng nổi dậy rất khó kiểm soát, vì họ chưa đủ tự tin, và vì phần đông những người lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa còn tin tưởng rằng người Anh bị rúng động nhưng chưa mất hết ý chí, và cũng thực sự muốn cải cách Ấn Độ. Sau khi Gandhi viện cớ tại một làng, có những viên cảnh sát bị giết hại, tuyên bố chấm dứt cuộc vận động bất phục tùng vào đầu năm 1922, có căn cứ để khẳng định rằng chính quyền Anh ở Ấn Độ còn tồn tại là nhờ sự ôn hòa của Gandhi hơn là nhờ công an và quân đội.

Winston Churchill (1874-1965)

Niềm tin ấy không phải là không có cơ sở. Ở London, tuy có một khối chính khách cứng rắn chủ trương đường lối đế quốc chủ nghĩa, mà Winston Churchill là phát ngôn viên, quan điểm chung của giai cấp cầm quyền sau năm 1919 là xét cho cùng, tất yếu phải thừa nhận một hình thái tự trị của Ấn Độ tương tự như quy chế “dominion”: tương lai của nước Anh ở Ấn Độ tùy vào khả năng tìm ra một sự thoả thuận nào đó với lớp người tinh hoa của Ấn Độ, trong đó có những người dân tộc chủ nghĩa. Kết thúc tình trạng người Anh đơn phương cầm quyền ở Ấn Độ, do đó, chỉ còn là vấn đề thời gian. Ấn Độ là trái tim của toàn bộ đế chế Anh, nên tương lai của đế chế từ nay trở thành bất trắc, có chăng là còn châu Phi, hay các hải đảo vùng biển Caribe và Thái Bình Dương là nơi tinh thần gia trưởng chưa gặp sự phản đối. Chưa bao giờ nước Anh lại kiểm soát (một cách chính thức hay không chính thức) được những vùng rộng lớn đến thế như trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến, nhưng cũng chưa bao giờ giới cầm quyền lại cảm thấy triển vọng duy trì ưu thế đế quốc lại bấp bênh như vậy. Đó là một trong những lí do chủ yếu giải thích tại sao, sau Thế chiến thứ Hai, khi tình hình trở thành bất kham, nói chung người Anh không cưỡng lại cuộc giải thực. Và có lẽ đó cũng là lí do tại sao, sau năm 1945, những đế chế khác, Pháp chẳng hạn – nhưng Hà Lan cũng thế – đã sử dụng vũ lực để tìm cách duy trì thuộc địa. Đế chế của họ không bị lung lay sau Thế chiến thứ Nhất. Quan tâm lớn duy nhất của Pháp là họ vẫn chưa hoàn tất cuộc chinh phục Morocco, nhưng các bộ tộc chiến binh Berber ở vùng núi Atlas là một vấn đề quân sự hơn là chính trị. Thật ra, vấn đề Berber tương đối nghiêm trọng hơn đối với thuộc địa Morocco của Tây Ban Nha, khi Abd-el-Krim, một nhà trí thức người miền núi, năm 1923 tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Rif. Abd-el-Krim được sự ủng hộ nhiệt tình của những người cộng sản Pháp và những người phái tả khác. Năm 1926, ông bị Tây Ban Nha, với sự giúp đỡ của Paris, đánh bại. Từ đó trở đi, người Berber vùng sơn cước trở lại truyền thống cố hữu của họ là bên ngoài thì chiến đấu chống lại các đạo quân thực dân Pháp và Tây Ban Nha, trong nước thì chống lại mọi dạng thức chính quyền trung ương. Ở các thuộc địa Islam và ở Đông Dương thuộc Pháp, ngoại trừ một phong trào nhỏ ở Tunisia, phải đợi nhiều năm sau Thế chiến thứ Nhất, mới thấy phát triển phong trào chống thực dân mang tính chất duy tân.

 

IV

 

Nếu trong những năm cách mạng, chủ yếu chỉ có đế quốc Anh bị lay động, thì cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 đã làm rung chuyển toàn thể thế giới thuộc địa. Hầu như toàn bộ thời đại của chủ nghĩa đế quốc là một thời kì tăng trưởng liên tục, không bị chiến tranh thế giới ảnh hưởng, vì đa phần các thuộc địa đều ở xa chiến trường. Cố nhiên, nhiều người dân thuộc địa chưa dính líu nhiều với nền kinh tế toàn cầu đang trên đà bành trướng, hoặc là họ chưa cảm thấy dính kết khác trước: bởi vì, xét cho cùng, bối cảnh thế giới có nghĩa lí gì chăng đối với những người đàn ông, đàn bà nghèo khó, phải đào sâu vác nặng từ buổi bình minh của lịch sử? Song thực ra, nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa đã mang lại những biến đổi thực chất trong cuộc sống của người dân bình thường, nhất là ở những vùng sản xuất sơ cấp hướng về xuất khẩu. Đôi khi, những biến đổi cũng đã biểu hiện dưới dạng chính trị mà người dân bản địa cũng như giới cầm quyền ngoại quốc đều nhận ra. Thí dụ, từ năm 1900 đến 1930 ở Peru, trong khi những hacienda (đồn điền) ven biển đã biến thành xưởng làm đường (mía), ở vùng núi thì trở thành những trang trại nuôi cừu thương nghiệp, thì những ý tưởng mới đã thâm nhập vùng xa vùng sâu cổ truyền. Đầu thập niên 1930, cộng đồng Huasichanca ở chót vót 3.700 mét trên rặng Andes, nơi khỉ ho cò gáy, đã tự hỏi trong hai đảng quốc gia cấp tiến, đảng nào bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho mình (Smith, 1989, nhất là tr. 175). Nhưng trường hợp phổ biến là, ngoại trừ các đương sự sống tại chỗ, chẳng ai đo được quy mô những thay đổi, cũng chẳng ai quan tâm tới điều đó.

Đối với những nền kinh tế gần như không dùng tới tiền tệ, hay chỉ dùng trong những mục đích hạn chế – thí dụ như các biển đảo Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – thì sự hội nhập vào một nền kinh tế trong đó tiền tệ là công cụ trao đổi phổ biến có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của cải, dịch vụ và doanh vụ tất nhiên sẽ thay đổi, nhưng cả các giá trị tinh thần của xã hội và dạng thức phân bố xã hội cũng thế. Trong các tộc Negri Sembilan (ở Mã Lai) trồng lúa và tổ chức theo mẫu hệ, đất đai của tiền nhân để lại, chủ yếu do phụ nữ canh tác, chỉ có thể do phụ nữ thừa kế từ phụ nữ; ngược lại, những thửa đất do đàn ông mới khai phá trong rừng, nhằm trồng trọt bổ sung (rau quả) thì có thể chuyển thẳng cho đàn ông. Nhưng đến khi nghề trồng cao su phát triển, mang lại nhiều hoa lợi hơn nghề trồng lúa, thì sự quân bình nam nữ liền thay đổi và phần chuyển nhượng đất đai về tay đàn ông chiếm ưu thế. Sự thay đổi này sau đó củng cố vị trí những người lãnh đạo có tinh thần phụ hệ của Islam chính thống. Họ tìm cách áp đặt giáo luật lên trên tục luật bản địa, đó là không kể người đàn ông tộc trưởng địa phương và thân nhân của ông ta, họp thành một cô đảo phụ hệ nằm giữa mặt hồ mẫu hệ (Firth, 1954).  Thế giới thuộc địa đầy những thay đổi và biến hóa như vậy trong những cộng đồng mà sự xúc tiếp với bên ngoài bị hạn chế tối thiểu: đôi khi, như trong trường hợp vừa kể, vỏn vẹn là một thương nhân Trung Hoa, bình thường cũng xuất thân từ nông thôn hay là một người thợ thủ công di cư từ Phúc Kiến, có thói quen lao động cần cù và hiểu rõ giá trị vi tế của tiền bạc, chứ ngoài ra cũng rất xa lạ với thế giới của Henry Ford và công ti General Motors (Freedman, 1959).

Vậy mà nền kinh tế toàn cầu tự nó có vẻ như xa vời, vì tác động trực tiếp, dễ thấy của nó không có gì là tai ương, ngoại trừ ở những biệt khu” công nghiệp, nhân công rẻ mạt, đang phát triển ở những khu vực như Ấn Độ và Trung Quốc, là nơi mà, bắt đầu từ năm 1917, những xung đột xã hội, và cả những phong trào công đoàn theo kiểu mẫu phương Tây bắt đầu lan rộng. Và không kể những thành phố cảng và công nghiệp khổng lồ qua đó thế giới thuộc địa giao lưu với kinh tế thế giới, nhân tố quyết định số phận của mình: Bombay, Thượng Hải (mà dân số từ 200.000 người vào giữa thế kỉ XIX đã lên tới ba triệu rưỡi năm 1930), Buenos Aires, và ở một bậc thấp hơn, Casablanca mà dân số đã lên tới 250.000 chưa đầy 30 năm sau khi trở thành một hải cảng hiện đại (Bairoch, 1985, tr. 517, 525).

Đại Khủng hoảng sẽ đảo lộn tất cả. Lần đầu tiên, rõ ràng quyền lợi của kinh tế thuộc địa và kinh tế chính quốc xung đột nhau, ít nhất vì một lí do: các sản phẩm sơ cấp, nguồn sống của Thế giới thứ Ba, sụt giá một cách thê thảm, nặng nề hơn giá cả các sản phẩm công nghiệp mà họ mua của phương Tây (xem ch. 3). Lần đầu tiên, chủ nghĩa thực dân và sự lệ thuộc trở thành cái gì không thể chấp nhận được đối với ngay cả những người, cho tới nay, vẫn nhờ đó hưởng lợi. “Sinh viên nổi dậy ở Cairo, Rangoon, Djakarta (Batavia): không phải vì họ cảm thấy sắp xảy ra đảo lộn chính trị, nhưng vì đột nhiên cuộc khủng hoảng đã quét sạch những nền tảng khiến cho thế hệ cha anh của họ chấp nhận chủ nghĩa thực dân” (Holland, 1985, tr. 12). Hơn thế nữa: đây là lần đầu tiên (ngoại trừ các cuộc chiến tranh) mà cuộc sống của những con người bình thường bị đảo lộn bởi những cơn địa chấn không do thiên nhiên gây ra, và phản ứng tốt nhất không phải là cầu khấn mà là lên tiếng phản đối. Đó chính là cơ sở của phong trào chính trị vận động quần chúng, nhất là ở các khu vực mà nông dân đã phải thay đổi cây trồng để đáp ứng thị trường, như ở vùng ven biển Tây Phi và Đông Nam Á. Đồng thời, cuộc khủng hoảng đã phá vỡ sự ổn định trong đời sống chính trị quốc gia và quốc tế của thế giới thuộc địa.

Như vậy, những năm 1930 là thập niên mấu chốt của Thế giới thứ Ba: không phải vì khủng hoảng đã dẫn tới sự triệt để hóa chính trị mà vì nó đã tạo ra sự tiếp cận giữa những thiểu số có ý thức chính trị và những người dân bình thường. Điều này đúng với cả những nước như Ấn Độ là nơi mà phong trào dân tộc chủ nghĩa đã từng huy động được quần chúng. Đợt vận động bất hợp tác lần thứ hai tổ chức vào đầu thập niên 1930, bản hiến pháp thỏa hiệp mới mà người Anh phải chấp nhận và những cuộc bầu cử ở cấp thị xã được tổ chức năm 1937 trên toàn quốc cho thấy thế lực của Đảng Quốc đại đã triển khai ra khắp nước: năm 1935 số đảng viên là khoảng 60 nghìn người ở vùng trung lưu sông Hằng, đến cuối thập niên 1930 đã lên tới 1,5 triệu (Tomlinson, 1976, tr. 86). Hiện tượng này còn hiển nhiên hơn nữa ở những nước trước đó chưa có những cuộc huy động quần chúng lớn như thế. Những nét lớn của định hướng chính trị tương lai bắt đầu hiện ra ít nhiều rõ rệt: chủ nghĩa dân túy của châu Mỹ Latin dựa trên những lãnh tụ cực quyền tìm kiếm hậu thuẫn trong giới thợ thuyền; vận động chính trị bởi những lãnh tụ công đoàn mà tương lai sẽ là những người lãnh đạo chính đảng như ở vùng biển đảo Caribe thuộc Anh; một phong trào cách mạng có cơ sở mạnh mẽ trong khối lao động di cư sang Pháp hay từ Pháp trở về, như ở Algeria; một cuộc kháng chiến toàn dân do cộng sản chỉ đạo và có cơ sở vững vàng trong nông dân, như ở Việt Nam. Chí ít, thì như ở Mã Lai, những năm khủng hoảng đã cắt đứt mối liên hệ giữa chính quyền thuộc địa và quần chúng nông dân, do đó mở ra một không gian cho một ván bài chính trị mới.

Đến cuối thập niên 1930, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thực dân đã lan rộng sang các đế quốc khác, cho dù trong số này, có hai đế chế còn đang bành trướng, tuy chẳng dài lâu nữa, đó là Italia (vừa chinh phục Ethiopia) và Nhật (tìm cách thống trị Trung Quốc). Ở Ấn Độ, bản hiến pháp mới (1935), thỏa hiệp miễn cưỡng với các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy, hiện rõ như một sự nhân nhượng lớn, với sự thắng cử hầu như toàn quốc của đảng Quốc đại. Ở Bắc Phi thuộc Pháp, những phong trào chính trị nghiêm túc lần đầu tiên thành lập ở Tunisia và Algeria – ở Morocco tình hình cũng sôi động – còn ở Đông Dương, cuộc vận động quần chúng diễn ra một cách quy mô theo sự chỉ dẫn của những người Cộng sản (chính thống hay li khai). Người Hà Lan đã làm chủ được tình hình ở Indonesia, là nơi “cảm thụ những xung động ở phương Đông hơn nhiều nơi khác” (Van Asbeck, 1939): chẳng phải vì tình hình ở đây êm ả gì, nhưng chủ yếu là vì các lực lượng đối lập – Islam, cộng sản, quốc gia thế tục – chia năm xẻ bảy và xâu xé lẫn nhau. Ngay tại vùng biển Caribe, nơi các bộ thuộc địa xếp là loại lừ đừ, từ 1935 đến 1938, một chuỗi các cuộc đình công trên các bãi khoan dầu mỏ ở Trinidad, trong các đồn điền trồng trọt và thành phố ở Jamaica đã biến thành nổi loạn và đụng độ trên toàn đảo, biểu hiện sự chán ngán của quần chúng mà trước đó không ai cảm nhận.

Chỉ vùng Hạ Sahara châu Phi là yên ắng, dù cho cuộc khủng hoảng đã làm bùng nổ những cuộc đình công đầu tiên của thợ thuyền sau năm 1935, khởi thủy từ vành đai mỏ đồng Trung Phi (Congo và Zambia ngày nay). Lúc đó, London mới bắt đầu thúc đẩy các chính quyền thuộc địa đặt ra “bộ lao động”, đưa ra những biện pháp nhằm cải thiện điều kiện của công nhân, ổn định nhân công, thừa nhận rằng cơ chế đưa người nông dân ra làm phu mỏ là nhân tố tạo ra bất ổn định cả về xã hội lẫn chính trị. Đợt đình công những năm 1935-1940 lan ra châu Phi như một đám cháy, nhưng chưa mang tính chất chính trị như là chống thực dân, trừ phi ta coi là chống thực dân sự phát triển của những Giáo hội châu Phi hướng về người da đen, của những nhà tiên tri, của những phong trào chủ trương từ khước những chính quyền hạ giới, ví dụ như Watchtower, phong trào thiên niên tận thế phát sinh từ Mỹ, lan tràn ở vành đai mỏ đồng. Lần đầu tiên, các chính quyền thuộc địa mới quan tâm tìm hiểu tác động của biến động kinh tế gây bất an trong xã hội nông thôn châu Phi – thực ra xã hội này đang trải qua một thời kỳ sung túc đáng kể – và khuyến khích các chuyên gia nhân học xã hội phải nghiên cứu vấn đề này.

Jomo Kenyatta (1889-1978)
Nnamdi Azikiwe (1904-1996)

Tuy nhiên, về mặt chính trị, hiểm họa dường như còn xa vời. Ở nông thôn, vẫn là thời kì hoàng kim của nhà cầm quyền da trắng, cai trị trực tiếp hay gián tiếp, thông qua một “tộc trưởng” dễ bảo, đôi khi do chính quyền đặt ra lấy lệ. Ở các thành phố, giữa những năm 1930, lớp người châu Phi có học, trở thành bất mãn, đã khá đông, thúc đẩy sự phát triển của báo chí chính trị, như tờ African Morning Post (Bưu điện Châu Phi Buổi sáng) ở Bờ Biển Vàng (Ghana), West African Pilot (Hoa tiêu Tây Phi) ở Nigeria, và L’Eclaireur de la Côte d’Ivoire (Người dẫn đường Bờ Biển Ngà): “Báo chí mở ra những đợt vận động chống những tộc trưởng cổ hủ và lực lượng công an, đòi thi hành những biện pháp tái cơ cấu chính trị, bảo vệ quyền lợi của những người thất nghiệp và nông dân châu Phi nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế” (Hodgkin, 1961, tr. 32). Ngay từ bấy giờ bắt đầu xuất hiện những nhà lãnh đạo phong trào dân tộc chủ nghĩa bản địa, hấp thu ý tưởng của phong trào da đen Hoa Kỳ, của Mặt trận nhân dân ở Pháp, và cả những tư tưởng phổ biến trong West African Students Union (Liên hiệp Sinh viên Tây Phi), thậm chí những tư tưởng của phong trào cộng sản[59]. Một vài người sau này trở thành tổng thống của các nước cộng hòa tương lai: Jomo Kenyatta (1889-1978) ở Kenya, bác sĩ Nnamdi Azikiwe ở Nigeria. Nhưng tất cả những điều đó chưa hề làm rộn giấc ngủ của các ngài bộ trưởng bộ thuộc địa ở chính quốc châu Âu.

Đến năm 1939, xác suất thì có đấy, nhưng sự kết liễu các đế quốc thực dân trên toàn cầu có được linh cảm là gần kề hay chăng? Hoàn toàn không, nếu người viết những trang sách này căn cứ vào ký ức của mình về một “khóa học” dành cho một số người cộng sản Anh và “người thuộc địa” tổ chức vào năm ấy. Thời ấy, không ai lạc quan hi vọng cho bằng những thanh niên mác-xít. Chính cuộc Thế chiến thứ Hai đã làm thay đổi tình hình. Nó không chỉ là thế, nhưng rõ ràng nó có tính chất phản đế, và cho đến năm 1943, các đế quốc thuộc địa lớn nằm trong phe thất trận. Nước Pháp đã sụp đổ một cách thảm hại, nhiều thuộc địa của Pháp chỉ còn tồn tại được là do những nước phe Trục cho phép. Nhật Bản chiếm tất cả các thuộc địa phương Tây (Anh, Hà Lan và những nước khác) ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ngay ở Bắc Phi, Đức đã chiếm đóng lãnh thổ mình muốn kiểm soát, cách Alexandria vỏn vẹn 20 km. Chỉ những nước châu Phi Hạ Sahara là còn nằm trong vùng kiềm tỏa của phương Tây; và, thực ra, Anh đã thanh toán không mấy khó khăn đế quốc Italia ở vùng Sừng châu Phi.

Subhas C. Bose (1897-1945)

Đòn trí mạng đánh vào thực dân là cảnh tượng người da trắng và những quốc gia da trắng có thể bị đánh bại một cách nhục nhã, mất hết danh dự. Và ngay cả sau khi chiến thắng, những cường quốc thực dân cũ rõ ràng đã quá suy yếu để có thể khôi phục được vị thế cũ. Ở Ấn Độ, thử thách đối với thực dân Anh không phải là cuộc Tổng khởi nghĩa 1942 của Đảng Quốc đại, với khẩu hiệu Quit India (Hãy cút khỏi Ấn Độ): London đã dẹp tan không mấy khó khăn. Lần đầu tiên, 55 nghìn binh sĩ Ấn Độ bỏ sang hàng ngũ địch để thành lập “Quân đội quốc gia Ấn Độ” dưới sự chỉ huy của một thủ lĩnh phái tả của Đảng Quốc đại, Subhas Chandra Bose, người đã quyết định cầu viện người Nhật để giành độc lập cho nước mình (Barghava/Singh Gill, 1988, tr. 10; Sareen, 1988, tr. 20-21). Có lẽ do ảnh hưởng của hải quân, tinh tế hơn lục quân, người Nhật đã dùng màu da vàng để tự phong mình là người giải phóng các nước thuộc địa: và họ đã thành công ở nhiều nơi, ngoại trừ giới Hoa Kiều cũng như ở Việt Nam là nơi họ duy trì bộ máy cai trị người Pháp. Năm 1943, Nhật Bản còn tổ chức tại Tokyo cả một “Đại hội đồng Đại Đông Á” với sự tham dự của những “tổng thống” và “thủ tướng” Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện và Mãn Châu Quốc dưới sự bảo hộ của Nhật Bản (nhưng không có Indonesia, đến khi Nhật thất trận rồi mới được trao trả “độc lập”). Người quốc gia ở thuộc địa là những người quá thực tế để trở thành thân Nhật, ngay cả trong trường hợp họ được Nhật giúp đỡ, nhất là khi được giúp đỡ rất nhiều, như ở Indonesia. Khi người Nhật sắp thất trận, họ quay lại đánh Nhật, nhưng họ không bao giờ quên là các đế quốc phương Tây đã khiếp nhược đến mức nào. Cũng như họ không quên rằng, vì những lí do khác nhau, hai cường quốc đã chiến thắng phe Trục, Hoa Kỳ của Roosevelt và Liên Xô của Stalin, đều căm ghét chủ nghĩa thực dân cũ, dù rằng ít lâu sau chủ nghĩa chống cộng đã khiến Washington bênh vực chủ nghĩa bảo thủ ở Thế giới thứ Ba.

 

V

 

Không có gì lạ nếu các hệ thống thuộc địa già nua bắt đầu suy sụp ở châu Á. Syria và Lebanon, thuộc Pháp, được độc lập vào năm 1945; Miến Điện, Tích Lan (Sri Lanka), Palestine (Israel) và Đông Ấn Hà Lan (Indonesia) năm 1948. Năm 1946, Hoa Kỳ đã ban độc lập (hình thức) cho Philippines mà họ chiếm từ năm 1898. Đế quốc Nhật Bản tất nhiên đã tiêu tan năm 1945. Tuy đã bắt đầu lung lay, Bắc Phi Islam vẫn còn thuộc Pháp. Đại bộ phận châu Phi ở Hạ Sahara, các đảo ở biển Caribe và Thái Bình Dương tương đối còn bình lặng. Cuộc giải thực chính trị chỉ gặp sự kháng cự mạnh mẽ ở một vài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương thuộc Pháp (Việt Nam, Campuchia và Lào hiện nay), tại đây, sau ngày giải phóng, lực lượng kháng chiến cộng sản đã tuyên bố độc lập dưới quyền của nhân vật cao thượng Hồ Chí Minh. Được Anh, rồi sau đó là Mỹ ủng hộ, người Pháp đã tiến hành cuộc hậu vệ tuyệt vọng nhằm chiếm lại và giữ lấy một đất nước chống lại một cuộc cách mạng thắng lợi. Bị đánh bại, năm 1954 Pháp buộc phải rút đi, nhưng Hoa Kỳ đã cản trở việc thống nhất Việt Nam để duy trì một chế độ chư hầu ở miền Nam. Khi chế độ này sắp sụp đổ, Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến tranh 10 năm ở Việt Nam: cuối cùng bị thua, Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam năm 1975 sau khi đã dội trên đất nước khổ đau này một khối lượng bom đạn lớn hơn tổng số bom đạn sử dụng trong toàn bộ Thế chiến thứ Hai.

Tại các nước khác ở Đông Nam Á, sự kháng cự của chủ nghĩa thực dân mạnh nhẹ tùy nơi. Hà Lan (đã kết thúc chế độ thực dân ở vùng Đông Ấn tương đối khá hơn người Anh ở Ấn Độ vì không dẫn tới nạn chia năm xẻ bảy) quá yếu, không thể duy trì sự có mặt quân sự của mình trên quần đảo Indonesia rộng lớn, trong khi phần lớn các đảo muốn giữ chân họ lại để làm đối trọng với địa vị áp đảo của 55 triệu người Java. Rốt cuộc Hà Lan từ bỏ ý chí duy trì khi họ thấy rằng Hoa Kỳ không thiết tha gì với Indonesia, không giống như Đông Dương mà Hoa Kỳ coi là bộ phận thiết yếu của mặt trận chống lại cộng sản quốc tế. Sự thật là người quốc gia Indonesia không chịu ảnh hưởng cộng sản; năm 1948 họ đã đập tan một cuộc nổi dậy do đảng Cộng sản bản địa khởi xướng: sự kiện khiến cho Washington kết luận rằng quân lực Hà Lan nên rút về châu Âu để đối phó với nguy cơ Liên Xô thì có lợi hơn là duy trì thuộc địa. Thành ra người Hà Lan đã rút khỏi Indonesia, chỉ giữ lại một bộ phận thuộc địa trên nửa phía tây của một hòn đảo lớn New Guinea ở vùng biển Melanesia, mãi đến những năm 1960 mới nhượng lại cho Indonesia. Ở Mã Lai, người Anh bị kẹt giữa một bên là những tiểu vương (sultan) cổ truyền, là những người cũng đã tâm đầu ý hợp với đế chế, và bên kia là hai nhóm cư dân dè chừng lẫn nhau: người Mã Lai và người Hoa, cả hai nhóm đều có xu hướng triệt để, nhưng rất khác nhau: người Hoa thì theo đảng Cộng sản, có ảnh hưởng lớn vì là tổ chức kháng chiến chống Nhật duy nhất. Nhưng với cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu, không đời nào có chuyện chuyển giao quyền bính cho cộng sản, người Hoa lại càng không, tại một nước thuộc địa: tuy nhiên, sau 1948, người Anh phải mất 12 năm, huy động 50 nghìn binh lính, 60 nghìn cảnh sát và một lực lượng “gia vệ” (home guard) 200 nghìn người mới thanh toán được một cuộc du kích nổi dậy, chủ yếu là của người Hoa. Người ta có thể tự hỏi London có chịu trả giá cao như vậy không nếu không có cao su, nguồn Đô la phong phú, bảo đảm cho sự ổn định của đồng Bảng Anh. Dù sao chăng nữa, giải thực ở Mã Lai là một công cuộc khá phức tạp: mãi đến năm 1957 mới được giải quyết thỏa đáng đối với phe Mã Lai bảo thủ và các nhà triệu phú người Hoa. Năm 1965, nhà nước Singapore với đa số là người Hoa đã ra đời, thành một đảo quốc độc lập và trù phú.

Khác hẳn Pháp và Hà Lan, nhờ kinh nghiệm Ấn Độ, người Anh đã hiểu ra rằng trước một phong trào quốc gia nghiêm chỉnh, thì chỉ còn một cách duy nhất duy trì những lợi ích của đế chế: từ bỏ chính quyền chính thức. Thấy không còn nắm được tình hình, năm 1947, người Anh đã rút ra khỏi tiểu lục địa Ấn Độ mà không tìm cách chống chế. Tích Lan (từ năm 1972 lấy tên là Sri Lanka) và Miến Điện cũng được trao độc lập: đối với Tích Lan đó là một bất ngờ thú vị, còn ở Miến Điện, Anh cũng có đôi chút đắn đo bởi vì hàng ngũ quốc gia Miến Điện tuy đặt dưới sự lãnh đạo của một Liên đoàn Tự do Nhân dân có lập trường chống phát-xít, cũng đã từng cộng tác với Nhật. Đúng là họ căm ghét London, đến mức ngay sau đó Miến Điện là nước duy nhất trong các thuộc địa của Anh không chịu tham gia khối Thịnh vượng chung của Anh, một thứ hiệp hội không có tính ràng buộc, qua đó London muốn duy trì ký ức về Đế chế quá khứ. Như vậy là Miến Điện đã đi trước Ireland: cùng năm đó, Ireland đã thành lập nhà nước Cộng hòa đứng ngoài khối Thịnh vượng chung. Người ta có thể ghi nhận thành tích của chính phủ Công đảng Anh, là triệt thoái một cách nhanh chóng và hòa bình, ra khỏi một khối dân cư to lớn chưa từng thấy đặt dưới sự thống trị và quản lý của một cường quốc ngoại lai sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, nhưng cũng phải nói là còn xa cuộc triệt thoái này mới được coi là hoàn toàn thành công. Cái giá phải trả của nó là cuộc tắm máu và sự chia cắt lục địa Ấn Độ thành một nước Pakistan Islam và một nhà nước Ấn Độ không tôn giáo, nhưng tuyệt đại dân số đều theo Ấn Độ giáo: có lẽ hàng trăm nghìn người đã bị những tín đồ đối nghịch nhau sát hại, và hàng triệu người đã bị xua đuổi khỏi quê hương sang sống ở một đất nước xa lạ. Sự chia cắt này không nằm trong ý đồ của phong trào quốc gia Ấn Độ, cũng chẳng phải là ý đồ của phong trào Islam hay của nhà cầm quyền đế chế.

Vì sao mà ý niệm một nước “Pakistan” li khai – cái tên gọi và khái niệm ấy mãi đến những năm 1932-1933 mới do những sinh viên tạo dựng nên – năm 1947 đã trở thành hiện thực? Câu hỏi ấy ngày nay vẫn còn ám ảnh các nhà nghiên cứu cũng như những người muốn làm lại lịch sử bằng những chữ “nếu” và “giá như”. Bởi vì sự chia cắt Ấn Độ theo giới tuyến tôn giáo này đã tạo ra một tiền lệ thảm thương cho tương lai thế giới, nên cũng cần một sự giải thích. Theo một ý nghĩa nào đó, sự chia cắt này không do lỗi của ai cả, trừ phi là nói do mọi người. Trong cuộc bầu cử tổ chức trong khuôn khổ Hiến pháp 1935, Đảng Quốc đại đã toàn thắng, kể cả những vùng có nhiều tín đồ Islam nhất, còn Muslim League (Liên minh Islam) tổ chức tự xưng là đại diện cho cộng đồng thiểu số bị thua kém. Sự lớn mạnh của một Đảng Quốc đại Ấn Độ thế tục, không mang tính chất tôn giáo, tất nhiên đã gây ra sự quan ngại trong đông đảo người Islam – cũng như các tín đồ Hindu – mà đa số chưa bao giờ đi bỏ phiếu. Họ lo sợ chính quyền được thành lập sẽ là một chính quyền mang màu sắc tôn giáo Hindu trong một nước mà đa số theo đạo Hindu, và phần lớn những người lãnh đạo Quốc đại cũng thế. Lẽ ra phải ghi nhận sự lo ngại ấy và dành cho người Islam sự đại biểu đặc biệt, thì cuộc bầu cử dường như lại củng cố niềm tin của Đảng Quốc đại rằng mình là chính đảng quốc gia duy nhất, đại diện cho cả tín đồ Islam cũng như tín đồ Hindu. Điều này đã đưa Muslim League, do một lãnh tụ xuất chúng, Muhammad Ali Jinnah, cầm đầu, đi tới chỗ đoạn tuyệt với Quốc đại, và đi theo con đường li khai tiềm thể. Tuy nhiên, cũng phải đợi đến năm 1940 thì Jinnah mới thôi không phản đối chủ trương thành lập nhà nước Islam riêng biệt.

Chính là cuộc chiến tranh đã chia cắt Ấn Độ làm hai. Có thể nói đó là thắng lợi vĩ đại tột cùng của chế độ thực dân Anh ở tiểu lục địa Nam Á, đồng thời cũng là tiếng rên rít kiệt quệ cuối cùng của nó. Đây là lần chót chính quyền thuộc địa động viên nhân lực và tài lực của bán đảo cho cuộc chiến tranh của chính quốc, ở một quy mô lớn hơn cả những năm 1914-1918, và lần này, nó gặp phải sự chống đối của quần chúng tập hợp đằng sau một chính đảng chủ trương giải phóng dân tộc và – khác với Thế chiến thứ Nhất – phải chống lại cuộc xâm lăng quân sự gần kề của Nhật Bản. Kết quả sự huy động này to lớn không ngờ, nhưng giá phải trả cũng rất cao. Chủ trương chống chiến tranh của Quốc đại đã gạt lãnh đạo đảng này ra khỏi sân khấu chính trị, và sau năm 1942, đưa họ vào tù. Về phía người Islam, những ràng buộc của nền kinh tế chiến tranh đã đưa đẩy nhiều thành phần người ủng hộ chính sách thực dân, nhất là ở vùng Punjab, bỏ sang hàng ngũ Muslim League, nhờ đó liên đoàn này trở thành một phong trào quần chúng vào đúng thời điểm mà chính quyền Delhi, lo sợ Quốc đại phá hoại nỗ lực chiến tranh, tìm đủ mọi cách kích động sự kình chống giữa tín đồ Hindu và tín đồ Islam nhằm làm tê liệt phong trào dân tộc. Ở đây, thực sự có thể nói rằng nước Anh đã “chia để trị”. Trong cố gắng tột cùng tuyệt vọng để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh, chính quyền thực dân đã tự hủy hoại mình và đồng thời đánh mất danh nghĩa tinh thần của nó: sự tồn tại của tiểu lục địa Nam Á trên đó bao nhiêu cộng đồng cư dân có thể chung sống một cách tương đối hòa bình, dưới một chính quyền và luật pháp duy nhất và không thiên vị. Khi chiến tranh kết thúc, thì đã quá muộn để đảo ngược cái đà của chính sách duy cộng đồng.

Gamal Nasser (1918-1970)
Mohammad Mossadegh (1880-1967)

Năm 1950, trừ Đông Dương ra, chế độ thực dân đã cáo chung ở châu Á. Trong khi đó, tại vùng phía tây của thế giới Islam, từ Ba Tư tới Morocco, đã diễn ra nhiều cuộc vận động quần chúng, đảo chính và khởi nghĩa cách mạng, với điểm xuất phát là cuộc quốc hữu hóa các công ti dầu mỏ của phương Tây ở Iran (1951) và việc Iran chuyển sang xu hướng dân túy dưới chính quyền của tiến sĩ Mohammad Mossadegh (1880-1967) được sự ủng hộ của đảng Tudeh (cộng sản) hùng mạnh. (Việc các đảng Cộng sản giành được ảnh hưởng ở Trung Đông không có gì lạ sau khi Liên Xô đại thắng). Năm 1953, Mossadegh bị lật đổ trong cuộc đảo chính do mật vụ Anh - Mỹ tổ chức. Ngược lại, không gì ngăn cản nổi cuộc cách mạng của các Sĩ quan Tự do (1952) do Gamal Nasser (1918-1970) cầm đầu, rồi cuộc lật đổ những chế độ thân phương Tây ở Irak (1958) và ở Syria, dù rằng Anh và Pháp tiếp sức với lực lượng của nhà nước Israel chống Arab tìm cách lật đổ chế độ Nasser trong cuộc chiến tranh Suez năm 1956 (xem ch. 12, IV). Ngược lại, Pháp kịch liệt chống lại nền độc lập dân tộc của Algeria (1954-1962), một trong những lãnh thổ, như Nam Phi, và ở một cung bậc khác, như Israel, là nơi mà sự tồn tại của dân tộc bản địa với số lượng người gốc châu Âu di dân khá lớn khiến cho cuộc giải thực trở thành phức tạp. Chiến tranh Algeria là một cuộc xung đột rất bạo liệt, nó đã định chế hóa sự tra tấn trong hàng ngũ quân đội, công an và các lực lượng an ninh ở một nước mệnh danh là văn minh. Sau đó, nó đã phổ biến việc sử dụng nạn tra điện dã man (gí điện vào lưỡi, núm vú và bộ phận sinh dục) và cuối cùng dẫn tới việc lật đổ nền cộng hòa thứ IV của Pháp. Xém nữa thì nó kết liễu cả nền cộng hòa thứ V (năm 1961) trước khi Algeria giành giật được chủ quyền độc lập, điều mà từ lâu trước đó tướng De Gaulle đã nhận thức được sự tất yếu. Trong thời gian đó, chính phủ Pháp đã thương thảo êm thấm quy chế tự trị và (năm 1956) nền độc lập của hai nước bảo hộ khác ở Bắc Phi là Tunisia (trở thành một nước cộng hòa) và Morocco (vẫn còn là nước quân chủ). Cùng năm đó, Anh cũng đã an bình rút khỏi Sudan, nước đã trở thành bất trị một khi Anh không kiểm tra được tình hình ở Ai Cập nữa.

Anthony Eden (1897-1977)
Charles de Gaulle (1890-1970)

Khó mà nói từ thời điểm nào trở đi các nước đế quốc cũ mới hiểu ra rằng thời đại của họ đã vĩnh viễn kết thúc rồi. Năm 1956, Anh và Pháp còn tìm cách áp đặt ý chí của họ ở kênh Suez như những đế quốc: sau này nhìn lại thì dễ thấy nhất định họ sẽ thất bại, nhưng lúc đó London, Paris không nghĩ như vậy. Cuộc phiêu lưu này đã thất bại thảm hại (có lẽ đứng ở giác độ của Israel thì không vậy), thậm chí còn nực cười vì thủ tướng Anh Anthony Eden tỏ ra đắn đo, do dự, ngụy tín đến mức không ai tin nổi. Vừa được xuất phát, cuộc hành quân đã bị hủy bỏ dưới áp lực của Hoa Kỳ, nhưng nó đã đẩy Ai Cập đứng về phe Liên Xô và đã chấm dứt vĩnh viễn cái mà người ta vẫn gọi là “thời Anh ở Trung Đông”: thời kì mà không ai tranh cãi bá quyền của Anh trên toàn khu vực bắt đầu từ năm 1918.

Kwame Nkrumah (1909-1972)
Sékou Touré (1922-1984)

Điều chắc chắn là đến cuối thập niên 1950, đối với những đế quốc cũ còn tồn tại, hiển nhiên là phải thanh lí chủ nghĩa thực dân chính thức. Duy nhất chỉ còn Bồ Đào Nha vẫn không chịu giải thể chế độ thực dân bởi vì nền kinh tế chính quốc lạc hậu, bị cô lập và lây lất bên lề về mặt chính trị khiến cho Bồ Đào Nha không đổi sang được chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Bồ Đào Nha đành khai thác tài nguyên châu Phi, và do nền kinh tế của họ không có khả năng cạnh tranh, Bồ Đào Nha chỉ có thể khai thác trực tiếp tại chỗ. Nam Phi và Nam Rhodesia, những quốc gia châu Phi có tỉ số da trắng cao (trừ Kenya) cũng không chịu đi vào con đường tất nhiên sẽ dẫn tới việc thành lập những nhà nước trong đó người châu Phi giữ vị trí chủ chốt, và, năm 1965, để tránh khỏi số phận này, thuộc địa người da trắng ở Nam Rhodesia đã tuyên bố độc lập đối với nước Anh. Tuy nhiên, Paris, London và Bruxelles (Congo thuộc Bỉ) đã quyết định là ban bố một nền độc lập về danh nghĩa, gắn kết với lệ thuộc kinh tế và văn hóa có lợi hơn là đấu tranh dài lâu mà cuối cùng có thể dẫn tới độc lập dưới những chính quyền phái tả. Kenya là nước duy nhất có khởi nghĩa quần chúng và chiến tranh du kích, tuy du kích chủ yếu chỉ khoanh vùng ở một sắc tộc địa phương, người Kikuyu (cuộc nổi dậy của người Mau Mau, 1952-1956). Chủ trương giải thực “phòng ngừa” đã được thực hiện thành công, ngoại trừ trường hợp Congo thuộc Bỉ bị sa vào cảnh vô chính phủ và nội chiến, trở thành đối tượng tranh giành của chính trị quốc tế. Ở châu Phi thuộc Anh, Bờ Biển Vàng (Ghana hiện nay) đã có một chính đảng tập hợp rộng rãi quần chúng, dưới sự lãnh đạo của nhà chính khách và trí thức tài ba Kwame Nkrumah, đã được trao trả độc lập năm 1957. Ở châu Phi thuộc Pháp, năm 1958, Guinée bỗng chốc trở thành độc lập quá sớm và ở trong tình trạng nghèo khó, khi lãnh tụ Sékou Touré không chịu gia nhập “Cộng đồng Pháp” do De Gaulle đề nghị, liên kết tự trị với sự lệ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Pháp: là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Phi Đen, Sékou Touré buộc phải đi tìm sự viện trợ của Moskva. Hầu hết các thuộc địa khác của Anh, Pháp và Bỉ ở châu Phi đã được nhả ra trong những năm 1960-1962, ít lâu sau tới phiên các thuộc địa khác. Chỉ có Bồ Đào Nha và những quốc gia thực dân độc lập còn tiếp tục lội ngược dòng.

Các thuộc địa lớn của Anh ở vùng biển Caribe đã được giải thực một cách êm thấm trong những năm 1960; tiếp theo là các đảo nhỏ hơn, từng đợt một, cho đến năm 1981; các đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương từ cuối những năm 1960 và trong thập niên 1970. Sự thực là đến năm 1970, không còn một lãnh thổ tầm cỡ đáng kể nào còn nằm dưới sự trực trị của các nước đế quốc hay nhà nước thực dân, ngoại trừ ở Trung Phi và Nam Phi – và tất nhiên, còn Việt Nam vẫn bị chiến tranh tàn khốc. Thời đại Đế chế đã kết thúc. Chưa đầy 3/4 thế kỉ trước đó, tưởng như nó sẽ đời đời bền vững. Từ nay, mảng quá khứ không tài nào khôi phục được ấy sẽ nuôi dưỡng, đôi khi khá sướt mướt, sáng tác văn học và điện ảnh của các nước đế quốc cũ, trong khi cả một thế hệ các nhà văn ở các nước thuộc địa cũ bắt đầu sáng tạo nền văn học của thời đại độc lập.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[56] Nên để ý là sự “nhị phân” sơ giản tư bản chủ nghĩa – XHCN có tính chất chính trị hơn là phân tích. Nó phản ánh sự trỗi dậy của những phong trào chính trị quần chúng của công nhân; hệ tư tưởng XHCN của các phong trào này, trên thực tế, không vượt quá nguyên tắc là đơn thuần lật đổ chế độ hiện tồn (là “chủ nghĩa tư bản”). Sau tháng Mười 1917, sự đối lập này được củng cố qua cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài giữa hai phe Cộng và Chống Cộng trong Thế kỉ XX (Ngắn). Thay vì xếp tất cả các chế độ kinh tế Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Áo, Hongkong, Đức và Mexico dưới cùng một thể loại là “chủ nghĩa tư bản”, người ta có thể chia thành nhiều phạm trù khác nhau.

[57] Tính theo sĩ số các trường trung học theo kiểu Tây phương (Anil Seal, 1971, tr. 21-22).

[58] Ở các nước Bắc Phi thuộc Pháp, người nông dân theo đạo Islam chịu sự khuynh loát của những giáo sĩ thuộc tông phái Sufi (còn gọi là những Marabout), họ là đối tượng chỉ trích của những người canh tân.

[59] Song không có nhà lãnh đạo châu Phi nào trở thành cộng sản hay ở lâu trong phong trào cộng sản.

Print Friendly and PDF