3.2.22

Năm số Kỷ yếu Khoa học & Giáo dục đại học (2008-2014)

NĂM SỐ KỶ YẾU KHOA HỌC

& GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Của cộng đồng các nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam và bè bạn thế giới

(2008-2014)

Giữa một vũ trụ đầy những sự huyền bí, người mình như khách qua đường bưng mắt mà đi vì sợ mệt mắt. […] Nếu dân tộc này không bao giờ tự dựng lên được một nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có trên pho lịch sử văn minh loài người.

Hoài Thanh

Sông Hương, 1936

(Từ Người Xưa Cảnh Tỉnh, tác giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019)


Lời giới thiệu

Dưới đây tôi xin ghi lại 5 số kỷ yếu, với gần 3.000 trang giấy in, đã được cộng đồng trí thức, khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam, cùng sự tham gia bài vở của một số nhà khoa học nước ngoài, đầu tư tâm trí thực hiện trong giai đoạn từ 2008-2014, tức từ 14 năm trước. Đó là các số kỷ niệm Max Planck 150 tuổi (2008), kỷ niệm 400 năm Thiên văn & Galilei, 150 năm Thuyết tiến hóa & Darwin (2009), Đại học Humboldt 200 năm (2010), và sự kiện Hạt Higgs được tìm thấy tại CERN năm 2012 sau gần nửa thế kỷ, gây chấn động cả thế giới. Tất cả năm số này được in và phát hành tại NXB Tri Thức dưới thời của nguyên giám đốc GS Chu Hảo. Ngoài khối lượng chất xám to lớn chứa đựng trong đó, những số kỷ yếu này được nhiều mạnh thường quân, quỹ quốc tế, viện văn hóa và cá nhân tài trợ, giúp cho sự ra đời được dễ dàng. Trước 5 số này còn có 2 số nữa, mừng sinh nhật thứ 80 của hai nhà toán học lão thành có nhiều đóng góp, là GS Đặng Đình Áng (2006), và GS Hoàng Tụy (2007). Mỗi số kỷ yếu là một bức tượng khắc họa cho một đề tài quan trọng.

,,

Đối với những con người hành động, nhận thức một lần về chân lý là không đủ; ngược lại, nhận thức này cần phải được luôn luôn làm mới lại một cách không mệt mỏi nếu không muốn nó bị mai một. Nhận thức giống một bức tượng cẩm thạch đứng giữa sa mạc và luôn có nguy cơ bị gió cát chôn vùi. Những bàn tay siêng năng phải luôn luôn không ngừng hoạt động để cho cẩm thạch có thể tiếp tục lấp lánh lâu dài dưới ánh mặt trời.

Albert Einstein

 

Nhắc lại một thời để nhớ, và để tri ân các nhà khoa học Việt Nam, từ trong nước, Nhật Bản, đến Cộng đồng châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, đã chung sức đóng góp, chia sẻ, với bao kỷ niệm đẹp của sự hợp tác sôi nổi, thân tình, với mong muốn truyền bá khoa học, giáo dục rộng rãi đến đại chúng, góp phần vào việc xây dựng văn hóa khoa học nước nhà. Chúng ta đang có một trường (field) các nhà khoa học sống rải rác trên thế giới mang trong minh khối kiến thức khổng lồ. Chỉ cần có lực kết nối, chẳng hạn bằng các vị chủ biên, hay “doanh nhân xã hội” tâm huyết, thì có thể tạo ra những sản phẩm đa dạng và thú vị.

Các số kỷ yếu là một sự kiện đáng ghi nhớ, một hoạt động văn hóa kiên trì, liên tục trong việc kết nối trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Trước 7 số kỷ yếu nói trên, đã có một số kỷ yếu do các anh chị Việt kiều Pháp chủ trì, có tên Từ Đông sang Tây – Tập biên khảo về Khoa học xã hội và nhân văn, với sự tham gia của đông đảo trí thức và các đề tài rất phong phú, NXB Đà Nẵng, 465 trang, dành tặng GS Lê Thành Khôi 80 tuổi, nhà sử học Việt Nam rất tên tuổi sống ở Pháp. Và năm 2020 có quyển sách VIỆT NAM – HÔM QUA VÀ NGÀY MAI, do GS Trần Văn Thọ chủ trì, cũng nằm trong mạch này.

Tôi rất biết ơn tất cả các nhà khoa học, nghiên cứu đã bỏ nhiều công sức cho bộ sách này, đặc biệt cảm ơn các anh GS Phạm Xuân Yêm và Chu Hảo, giúp kết nối cộng đồng khoa học, mà nếu không có, chắc không thể có bộ sách kỷ yếu vô giá này. Cũng như tôi không thể quên cảm ơn các mạnh thường quân đã tài trợ, từ cá nhân đến tổ chức, mà nếu không có, sự ra đời kỷ yếu chưa biết ra sao.

Trong số đó, tôi rất cảm ơn một mạnh thường quân đặc biệt, anh N.A.T., Việt Kiều Nhật & Úc, người một đêm tại căn hộ của anh ở Sài gòn đã trao vào tay tôi một số tiền đô la lớn vừa lấy từ ngân hàng để in thêm 800 bản Kỷ yếu Đại học Humboldt tặng cho các trường đại học và thư viện Việt Nam. Anh Chu Hảo đã tổ chức lễ tặng sách này rất trang trọng tại Hà Nội sau đó. Tôi mãi mãi nhớ cử chỉ hào hiệp, chia sẻ đầy trách nhiệm này của anh. Tôi thường nghĩ đến anh, và muốn cầu chúc anh luôn luôn đầy đủ sức khỏe để sống an lành và hạnh phúc. Anh là một doanh nhân có tầm nhìn và trái tim. Những cuộc nói chuyện với anh luôn luôn gây ấn tượng mạnh mẽ lên tôi, và rất bổ ích. Rất tiếc từ lâu tôi không còn gặp anh nữa.

Tôi cũng cảm ơn Ủy Ban Người Việt ở Nước Ngoài của Thành phố, dưới thời anh P.T., đã tài trợ cho số kỷ yếu Hạt Higgs một số tiền đáng kể, bày tỏ sự ủng hộ việc làm truyền bá khoa học. Có lẽ lần đầu tiên một tổ chức nhà nước ủng hộ công việc giáo dục của tư nhân. Tôi hết sức cảm động, và nhớ mãi nghĩa cử cao đẹp này. Tôi cũng rất cảm ơn Viện Văn hóa Goethe ở TP Hồ Chí Minh, và ở Hà Nội, hai lần tài trợ, Quỹ Asia Foundation của Hoa Kỳ, cũng hai lần tài trợ, Đại học Hoa Sen đã cùng đồng hành và chia sẻ với bộ kỷ yếu.

Cảm ơn Đài Thiên văn Paris, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Không gian và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp, qua sự vận động của cố GS Nguyễn Quang Riệu ủng hộ hai số Thiên văn và Tiến hóa. Tôi rất nhớ anh. Còn nhiều mạnh thường quân khác, như chị Mai Ninh, GS Trần Thanh Vân, anh Trương Văn Tân, Nguyễn Minh Thọ, Phạm Duy Thoại, một số mạnh thường quân khác muốn dấu tên, tất cả các đóng góp đều được ghi nhận lại trong mỗi số kỷ yếu với lời biết ơn rất trân trọng.

Những điều trên cho thấy, việc truyền bá khoa học & giáo dục được cộng đồng rất hoan nghênh và chia sẻ. Và tôi tin rằng, nếu có những số kỷ yếu tiếp tục ra mắt, chúng cũng sẽ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của cộng đồng.

Tôi muốn có hai điều ước:

1) Xin có một mạnh thường quân xuất hiện dang tay tái bản dùm 5 quyển kỷ yếu này thành một bộ, vì giá trị đặc biệt, vì khối lượng thông tin lớn quý báu chứa trong đó, vì tính giáo dục và truyền cảm hứng cao của chúng;

2) Mong cho tinh thần của kỷ yếu sẽ được tiếp nối bởi cộng đồng trí thức Việt Nam, nhất là các trí thức trẻ, dưới những dạng nào đó. Văn hóa khoa học, học thuật nước nhà cần được tiếp tục phát triển để giữ cho ngọn lửa của nó ngày càng cháy sáng.

Chúng ta tiếp tục cần khai sáng. Chúng ta đang có lỗ hổng văn hóa khoa học, học thuật (Wissenschaft) hơn 100 năm so với một số quốc gia đi trước trong khu vực, 400 năm so với thế giới. Chúng ta cần biết yêu khoa học mới xây dựng đất nước một cách khoa học và thông minh, mới phồn vinh và an ninh. Không có con đường vá víu nào khác, hay đường tắt mà không có khoa học. Khoa học có tính cách mạng, và tác động đột phá, mà mọi quốc gia muốn chấn hưng phải tiếp thu nó, và tu chỉnh văn hóa, thể chế, định chế cho tương thích với nó. Phải có chương trình khoa học hóa quốc gia để khoa học thấm sâu vào tấm thảm xã hội và làm bật lên sức mạnh. Không có cuộc chấn hưng nào thành công mà lại thiếu vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, giáo dục và các thể chế tương thích cả.

Xin cảm ơn tất cả anh chị.

Nguyễn Xuân Xanh, một buổi sáng đầu năm dương lịch 2022

 

(1)

MỪNG MAX PLANCK

NHÀ KHAI SÁNG LƯỢNG TỬ 15O TUỔI

Ảnh bìa Kỷ yếu Max Planck. Nxb Tri Thức, phát hành 2009, 590 trang.

Xem chi tiết:

 Kỷ yếu Max Planck 2008

 

(2)

400 NĂM THIÊN VĂN HỌC

& GALILEO GALILEI

Nxb Tri Thức, phát hành đầu năm 2010, 455 trang

Xem chi tiết:

 Kỷ yếu 400 năm Thiên văn học & Galileo Galilei

 

(3)

150 NĂM THUYẾT TIẾN HÓA & CHARLES DARWIN

Nxb Tri Thức, phát hành đầu năm 2010, 479 trang

Xem chi tiết:

 Kỷ yếu 150 Năm Thuyết tiến hóa & Charles Darwin

 

(4)

ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM

(1810−2010)

Nhà xuất bản Tri Thức, phát hành năm 2011, 820 trang

Xem chi tiết:

 Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm

 

(5)

HẠT HIGGS VÀ MÔ HÌNH CHUẨN

CUỘC PHIÊU LƯU KỲ THÚ CỦA KHOA HỌC

Nhà xuất bản Tri Thức, phát hành 2014, 530 trang

Xem chi tiết:

 Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn


Nguồn:Năm số Kỷ yếu Khoa học & Giáo dục đại học (2008-2014)”, Rosetta, 09 tháng 01 năm 2022.

Print Friendly and PDF