24.2.22

Phim “Don't Look Up [Đừng nhìn lên]” của Netflix, dưới góc nhìn của cựu phó chủ tịch IPCC Jean Jouzel

PHIM “DON'T LOOK UP [ĐỪNG NHÌN LÊN]” CỦA NETFLIX, DƯỚI GÓC NHÌN CỦA CỰU PHÓ CHỦ TỊCH IPCC JEAN JOUZEL

Nhà khí hậu học Jean Jouzel, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, đã xem phim bi hài do Leonardo DiCaprio và Jennifer Lawrence thủ vai. Ông đã đưa ra các phân tích của ông cho trang tin tức trực tuyến The HuffPost.

Clément Vaillant

Phim bi hài thuộc loại đứng hàng số 1 trong số 94 quốc gia trên thế giới trên nền tảng phát hình trực tuyến. MONTAGE THE HUFFPOST / AFP - NETFLIX

HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT NÓNG LÊN - Giống như Tiến sĩ Randall Mindy trong phim Don't Look Up [Đừng nhìn lên], về phần mình Jean Jouzel cũng phải chiến đấu chống lại phe những người hoài nghi. Không phải là những người từ chối tin vào sự xuất hiện của một sao chổi trên Trái đất, như trong cốt truyện phim của Netflix, mà là những người hoài nghi về hiện tượng thời tiết nóng lên.

Từ những năm 1970, nhà khoa học [Jean Jouzel] đã nghiên cứu đề tài này và là một trong những người đầu tiên mô hình hóa hiện tượng thời tiết nóng lên này. Kể từ đó, ông đã tham gia, với tư cách là tác giả chính trong các bản báo cáo thứ 2 và thứ 3 của IPCC (tổ chức đồng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007), một tổ chức mà ông từng là phó chủ tịch từ năm 2002 đến năm 2015. Với The HuffPost, nhà khoa học đã xem bi hài kịch do Adam McKay làm đạo diễn và đưa ra các phân tích của ông.

The HuffPost: Ông có nhận ra bản thân ông trong vai Tiến sĩ Randall Mindy do Leonardo DiCaprio thủ vai hay không?

Có, vả lại trong nhiều lần nữa cơ. Những gì hai nhà thiên văn học này đang trải qua hơi giống với những gì tôi đã trải qua khi bắt đầu nghiên cứu vấn đề thời tiết nóng lên. Đối với các nhà khoa học, khi chúng tôi nói, vào những năm 1980, rằng nếu cứ tiếp tục thải ra nhiều lượng khí nhà kính hơn, thì chúng ta sẽ hướng tới hiện tượng thời tiết nóng lên không thể khắc phục được. Và người ta đã không lắng nghe chúng tôi ngay từ đầu.

Claude Allègre (1937-)

Ở Pháp, chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều thái độ hoài nghi về khí hậu của chính một bộ phận cộng đồng khoa học, như Claude Allègre, người đã làm mọi cách để phủ nhận thực tế thời tiết nóng lên và trách nhiệm của con người đối với hiện tượng này.

Bộ phim này cũng cho thấy một điều rất thú vị: đó là thực tế giới lãnh đạo của chúng ta không tiếp cận các vấn đề khí hậu một cách đúng đắn. Bà sếp của NASA [National Aeronautics and Space Administration – Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ] là một bác sĩ gây mê và rõ ràng là không nắm vững vấn đề. Bà ấy không có khả năng phán xét và hoàn toàn bị dao động bởi các thế lực công quyền và các hoạt động vận động hành lang. Điều thực sự quan trọng là giới tinh hoa của ngày mai phải học cách nói đúng đắn về chủ đề và hiểu rõ chủ đề đang nói. Đó là thứ mà hiện tại chúng ta đang thiếu. Tôi vừa nhận phụ trách một nhóm công tác với Bộ Giáo dục Đại học để giáo dục sinh viên về quá trình chuyển đổi sinh thái.

Trong phim cũng như trong thực tế, giới lãnh đạo cho rằng có thể tìm ra giải pháp sau này, trong khi giới khoa học thì khẩn nài kêu gọi hành động một cách nhanh nhất.
 —Jean Jouzel

Trong phim, lợi ích riêng của một công ty (Bash) có vẻ như được ưu tiên hơn lợi ích chung ...

Một thông điệp khác của bộ phim là sức nặng của các hoạt động vận động hành lang. Về vấn đề sao chổi, đó là các biện pháp mà họ khuyến nghị nên được ưu tiên hơn so với các biện pháp của các nhà khoa học. Đây là một hiện tượng mà chúng ta cũng gặp phải trong thực tế, và nó làm tôi nhớ đến kỹ thuật công nghệ địa lý. Các kỹ thuật này nhắm đến việc làm thay đổi khí hậu để chống lại hiện tượng thời tiết nóng lên, chẳng hạn như bằng cách sử dụng bức xạ mặt trời hoặc carbon. Nếu làm như thế, thì chẳng khác nào là đặt thanh kiếm Damocles lên đầu của các thế hệ tương lai. Trong bộ phim cũng như trong thực tế, giới lãnh đạo cho rằng có thể tìm ra giải pháp sau này, trong khi giới khoa học thì khẩn nài kêu gọi hành động một cách nhanh nhất.

Bà Tổng thống Janie Orlean do Meryl Streep thủ vai đã từ chối hành động, vì đối với bà “thời điểm chính trị” chưa phù hợp. Điều này cũng biểu lộ khá giống với cách mà các chính trị gia đang xử lý vấn đề vào thời điểm hiện tại...

Đó là điều rất thú vị. Khi nhìn vào Công ước của Công dân về Biến đổi Khí hậu để đáp lại cuộc tranh luận lớn của quốc gia (theo sau phong trào áo gi-lê vàng – ghi chú của ban biên tập), thì người ta thấy rõ có một khía cạnh chính trị. Trong số các đề xuất của công dân, có một đề xuất nhằm hạn chế tốc độ lưu thông trên đường cao tốc ở mức 110 km/h, một điều khá phù hợp với quan điểm khí hậu và được nhiều nước chấp nhận. Emmanuel Macron đã nói rõ rằng ông sẽ không thực hiện biện pháp này bởi vì nó sẽ không được mọi người chấp nhận. Vì thế, sẽ có một chiều kích chính trị mà người dân buộc phải thừa nhận.

Meryl Streep trong vai bà tổng thống theo chủ nghĩa dân túy, sẵn sàng đặt lợi ích ứng cử tổng thống của bà lên trên lợi ích quốc gia. DON'T LOOK UP” – NETFLIX

Trong trường hợp của Nicolas Sarkozy, sự kiện Grenelle về môi trường (thảo luận giữa các đại diện, chính đảng, tổ chức dân sự - ND) vốn mang tính cực kỳ xác đáng, đã đưa ra nhiều đề xuất tốt vào năm 2007. Nhưng tại hội chợ nông nghiệp năm 2011, ông ấy đã nói: “Môi trường đang bắt đầu hoạt động khá hơn do lo ngại chủ đề môi trường không mang lại phiếu bầu cho ông ta. Những gì ông đã khởi động, với ý định tốt, ông đã chặn lại và từ bỏ tất cả.

Ở Pháp, không thể nói rằng chúng ta không có tầm nhìn dài hạn [chống lại sự biến đổi khí hậu] trong các văn kiện, bởi vì mục tiêu trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 đã được ghi trong luật khí hậu, hoàn toàn hài hòa với chẩn đoán của các nhà khoa học. Rắc rối nằm ở chỗ hành động và chúng ta đang tụt hậu về điểm này.

Cuối phim, chỉ có một số người giàu thoát được [cảnh tận thế] bằng cách di cư đến một hành tinh khác. Liệu ông có thấy ở đó một ngụ ngôn về cuộc khủng hoảng khí hậu hay không?

Tôi không tin vào sự tồn tại của Hành tinh B như trong phim, tôi nghĩ đó là điều thật nực cười! Nhưng về mặt tinh thần, đó quả thực là mối quan ngại của tôi. Hiện tượng thời tiết nóng lên có nguy cơ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Trong trường hợp thời tiết thế giới nóng lên ở mức cực đoan +4°C, thì vẫn còn một vài nơi tốt đẹp để sống trên Trái đất, nhưng người giàu có nhiều khả năng tiếp cận các nơi đó dễ hơn so với người khác.

Một ví dụ cụ thể khác là vấn đề tăng thuế carbon vốn ở cội nguồn của phong trào áo gi-lê vàng. Người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn gấp ba lần so với người có thu nhập cao, từ việc tăng thuế carbon này.

Có thể có sự bất bình đẳng trong các hậu quả của hiện tượng thời tiết nóng lên, và cả trong các biện pháp được thực hiện để chống lại hiện tượng thời tiết nóng lên đó. Và đối với tôi, điểm mạnh của phim Don't Look Up là thể hiện mối quan hệ giữa khoa học và xã hội, vốn là vấn đề trung tâm.

Tại phim trường “The Daily Rip”, hai nhà thiên văn học đang cố nói rõ ý nghĩa thông điệp của họ, nhưng đã không được hai người dẫn chương trình Brie Evantee (Cate Blanchett) và Jack Bremmer (Tyler Perry) coi trọng. DON'T LOOK UP” – NETFLIX

Tyler Perry, người đồng dẫn chương trình truyền hình hư cấu The Daily Rip, khuyến nghị các nhà khoa học nên theo học khóa “đào tạo về truyền thông trên truyền hình”. Liệu các chuyên gia tham gia vào các chương trình trên truyền hình có nên thực sự theo học kiểu khóa đào tạo này hay không?

Cá nhân tôi chưa bao giờ làm việc này, nhưng cũng có người trong phòng thí nghiệm của chúng ta ngày nay có tham gia các khóa đào tạo đó. Vào thời kỳ mà tôi còn làm việc ở IPCC, tôi đã tham gia thành lập một đơn vị truyền thông vào năm 2009. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc có được các công cụ để nâng cao nhận thức của cộng đồng ngày nay.

Trên truyền hình hay qua đài phát thanh, ai cũng biết chúng tôi cần phải nỗ lực đơn giản hóa công việc của mình, mà không cần đưa ra quá nhiều số liệu. Nhưng ngược lại, những người tham gia các hội nghị lại muốn học hỏi nhiều điều hơn. Họ muốn nắm bắt sự phức tạp của vấn đề khí hậu. Vì vậy, điều trên hết là cần phải biết cách thích ứng với khán giả của mình.

 Điều làm tổn hại đến chính nghĩa của chúng ta, trên hết, là thái độ hoài nghi khí hậu, chứ không phải là cách chúng ta truyền thông với nhau. 

—Jean Jouzel

Thế cách tốt nhất để truyền tải một thông điệp khoa học là gì: khía cạnh định mệnh nhưng minh bạch của Kate Dibiasky (Jennifer Lawrence), hay ngược lại khía cạnh điềm tĩnh và sư phạm của Randall Mindy (Leonardo DiCaprio)?

Trên thực tế, chúng ta cần cả hai. Vừa liên quan đến bà tiến sĩ đanh thép này, người hơi giống với Greta Thunberg của ngành thiên văn học, và vừa liên quan đến vị tiến sĩ này, người thích hành động từ nội tâm, với một sự tỉnh táo nhất định về truyền thông.

Là một nhà khoa học, tôi không thể truyền thông như một nhà hoạt động xã hội, đó không phải là vai trò của tôi: Tôi phải dựa vào kiến ​​thức của cộng đồng và không được có tâm lý mang tính định mệnh, bởi vì luôn có giải pháp. Nếu có tâm lý bi quan quá thảm, thì cũng không thể đạt được mục tiêu. Nhưng mọi người đều có cách truyền thông riêng của mình, và tôi hiểu vị trí của giới trẻ và đánh giá cao mức độ cam kết của họ. Chúng ta đã bỏ qua vấn đề truyền thông cách đây 30 năm, khi cố gắng truyền tải thông điệp cho công chúng. Điều làm tổn hại đến chính nghĩa của chúng ta, trên hết, là thái độ hoài nghi khí hậu, thứ vẫn tồn tại rất nhiều trong xã hội chúng ta, chứ không phải là phong cách truyền thông. 

Liệu ông có nghĩ rằng nội dung truyền thông về chủ đề này đã tiến triển trong những năm gần đây ở Pháp hay không?

Clément Vaillant

Tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông ở Pháp có chất lượng hoạt động tốt trong lĩnh vực này. Đặc biệt là báo viết, đưa tin rất tốt về vấn đề này. Nhưng điều đáng tiếc lớn nhất của tôi là việc thiếu các chương trình truyền hình, gợi lên những chủ đề khoa học vào các khung giờ vàng. Nếu lấy chương trình truyền hình C dans l’air trên kênh France 5, thì vào lúc ra mắt chương trình, người ta thường thấy có rất nhiều buổi phát hình về các vấn đề khoa học. Nhưng giờ đây, thì chủ yếu là phát hình các vấn đề về chính trị. Trên các kênh truyền hình tin tức, khi mời được một nhà khoa học, và ngay khi có một sự kiện nhỏ nhất, thì nhà khoa học đó sẽ được thông báo “chúng tôi sẽ gọi lại cho ông sau này”. Trên thực tế, những tin tức thời sự tức thời được ưu tiên hơn những mối quan tâm lâu dài.

Clément Vaillant là nhà báo quay video clip tại HuffPost

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Don't Look Up” de Netflix vu par l'ancien vice-président du GIEC Jean Jouzel, Huffpost, ngày 05/01/2022.

----

Bài có liên quan:

Phim “Don't Look Up [Đừng nhìn lên]”: Liệu sự châm biếm có thể dẫn đến một sự thức tỉnh?

Print Friendly and PDF