9.2.22

Đông Nam Á muốn tìm lại khách du lịch. Nhưng làm thế nào để mở cửa biên giới một cách an toàn?

ĐÔNG NAM Á MUỐN TÌM LẠI KHÁCH DU LỊCH. NHƯNG LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỞ CỬA BIÊN GIỚI MỘT CÁCH AN TOÀN?

Alexandre Veilleux

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là ngành du lịch. Ngành du lịch đã bị thiệt hại 4,5 nghìn tỷ US$ trên toàn cầu và ảnh hưởng đến hơn 62 triệu việc làm. Trong khi nhiều nước có tỷ lệ dân số tiêm phòng vắc-xin cao, nhiều người đã nghĩ đến ý tưởng có thể khởi động trở lại việc đi du lịch, ít nhất là ngay khi làn sóng biến chủng Omicron bị đẩy lùi.

Sự phục hồi của ngành du lịch quốc tế diễn ra khá chậm, trong khi các nước vẫn chưa khuyến khích các chuyến du lịch không thiết yếu. Số lượng du khách quốc tế đến thấp hơn 80% so với trước khi đại dịch bùng nổ và việc mở cửa biên giới trở lại diễn ra trên cơ sở thỏa thuận song phương hơn là trên cơ sở thỏa thuận chung.

Mở cửa biên giới hay không mở cửa biên giới? Là thành viên của Tổ chức quan sát Nhân quyền Quebec thuộc Trung tâm Học thuật và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Montreal, tôi quan tâm đến các chiều kích chính trị và địa lý xã hội của ngành du lịch ở Đông Nam Á.

Một bãi biển đông đúc ở Phuket, Thái Lan vào thời điểm hoàng kim của ngành du lịch. Shutterstock

Phân phối vắc-xin, một phanh hãm sự phục hồi ngành du lịch

Một trong những nhân tố kìm hãm sự phục hồi của ngành du lịch là việc phân phối vắc-xin không đồng đều. Nhiều nước đang phát triển vẫn chưa tiêm phòng vắc-xin cho một bộ phận đáng kể dân số của họ. Đây đặc biệt là trường hợp của Đông Nam Á, một trong những khu vực được đánh giá cao nhất, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc nhiều nhất vào khách du lịch.

Như vậy, chưa đến một nửa dân số ở Indonesia, Lào và Philippines đã được tiêm phòng vắc-xin, và ở Thái Lan và Việt Nam là khoảng ít hơn hai phần ba dân số.

Do đó, chính phủ các nước này phải tung hứng giữa, một mặt, là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và mặt khác, là phục hồi ngành du lịch để cho phép phục hồi nền kinh tế ở những nước này, nơi một phần đáng kể nền kinh tế và công ăn việc làm phụ thuộc vào ngành du lịch.

Thúc đẩy du lịch: một nhu cầu kinh tế

Ngành du lịch đóng vai trò sống còn ở nhiều nước trong khu vực. Nó chiếm một phần ba GDP của Campuchia và 20% GDP của Thái Lan. Với 39 triệu khách du lịch mỗi năm, Bangkok là thành phố được thăm viếng nhiều nhất trên thế giới vào năm 2019.

Tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch càng được cảm nhận rõ hơn khi nó ảnh hưởng đến những người vốn đã ở trong tình trạng dễ bị tổn thương. Thật vậy, các doanh nghiệp nhỏ – vốn hỗ trợ 80% ngành du lịch toàn cầu – đặc biệt dễ bị tổn thương, giống như người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhìn chung, họ làm những công việc tự do và không được tiếp cận các hệ thống bảo trợ xã hội cơ bản hoặc hỗ trợ của chính phủ. Ví dụ, ở Campuchia, hơn ba trên bốn người lao động làm những công việc phi chính thức trong lĩnh vực du lịch.

Một thợ thủ công ở Bali làm mặt hàng mặt nạ, chủ yếu để phục vụ thị trường khách du lịch. Shutterstock

Ngành du lịch ở Đông Nam Á bị đặc biệt ảnh hưởng bởi sự vắng bóng của du khách Trung Quốc. Sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và sự hình thành một tầng lớp trung lưu đã thúc đẩy nhiều người dân đi du lịch đến khu vực này. Con số du khách Trung Quốc đã tăng đều đặn kể từ năm 2010. Năm 2019, số lượng du khách Trung Quốc đến Đông Nam Á lên tới 32 triệu người, chiếm 21% lượng khách du lịch. Tuy nhiên, Trung Quốc đã hạn chế rất nhiều công dân nước này đi du lịch ở nước ngoài, hạn chế người có nhu cầu học tập hoặc làm việc đi ra nước ngoài.

Do đó, một số nước ở Đông Nam Á phải tìm giải pháp để thúc đẩy sự hồi sinh của ngành du lịch. Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Indonesia đã khuyến khích các nước trong khu vực hình thành một hành lang dành cho người dân đi du lịch giữa các quốc gia Đông Nam Á, chiếm 40% số lượng các chuyến đi du lịch trong khu vực.

Các điểm đến du lịch được ưu tiên

Việc mở cửa biên giới luôn diễn ra một cách rất ngập ngừng. Lào vẫn chưa cho phép du khách nước ngoài đến nước họ, trừ trường hợp thật cần thiết, trong khi Myanmar, nước đã trải qua cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, đã đình chỉ tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước họ. Campuchia đã mở cửa biên giới, nhưng cùng với đó là rất nhiều quy định, trong đó có một khoản bảo hiểm cụ thể lên đến 50.000 US$ và tiền đặt cọc 2.000 US$ khi đến nước họ.

Các quốc gia khác trong khu vực đã chọn một chiến lược khác, như mở ra các điểm đến du lịch cụ thể. Ví dụ, Indonesia đã ưu tiên cho Bali triển khai việc tiêm phòng vắc-xin để có thể mở cửa trở lại hòn đảo này – nơi được viếng thăm nhiều nhất nước – cho ngành du lịch quốc tế.

Một khu chợ ở Ubud, thủ phủ của Bali. Chính phủ Indonesia đã đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc-xin cho người dân trên đảo để mở cửa trở lại nhanh chóng hơn cho ngành du lịch, một động lực kinh tế cốt yếu. Shutterstock

Thái Lan cũng làm điều tương tự khi tập trung chiến lược vào đảo Phuket. Chương trình “Phuket Sandbox [Hộp cát Phuket]” cho phép tiếp đón khách du lịch đến đảo. Du khách phải cách ly bảy ngày trong một khách sạn được chính phủ chứng nhận, trước khi được phép đi du lịch ở những nơi khác trong nước.

Việt Nam cũng đã triển khai một chương trình thí điểm trên đảo Phú Quốc, được biết đến với những bãi biển cát trắng và các tổ hợp khách sạn. Họ có kế hoạch mở cửa biên giới trên bình diện toàn quốc vào tháng 6 năm 2022. Trong giai đoạn đầu của chương trình, Việt Nam đặt mục tiêu tiếp đón từ 2.000 đến 3.000 du khách mỗi tháng, sau đó sẽ cho phép tăng lên từ 5.000 đến 10.000 du khách.

Việc lựa chọn các điểm đến du lịch mở ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam không hề diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đây là những hòn đảo nghỉ dưỡng với các tổ hợp khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, và giá cả nhìn chung cao hơn các nơi khác trong nước. Do đó, họ đang nỗ lực tiếp đón nhiều du khách giàu có hơn, những người sẽ chi tiêu nhiều hơn ở các điểm đến du lịch để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Chi phí gắn với du lịch ngày càng tăng, khi xét đến số lượng hạn chế khách nhập cảnh, các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, xét nghiệm y tế, và điều kiện kiểm dịch. Do đó, người ta băn khoăn liệu sự phục hồi của ngành du lịch có mang lại lợi ích cho các tác nhân nhỏ nhất của ngành du lịch địa phương – trong đó có rất nhiều người đang làm những công việc phi chính thức – hay liệu chỉ có các công ty đa quốc gia lớn nhất mới hưởng lợi từ hoạt động của ngành du lịch nghỉ dưỡng này.

Alexandre Veilleux

Tác giả

Alexandre Veilleux, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học chính trị, Đại học Montreal

Tuyên bố công khai

Alexandre Veilleux không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’Asie du Sud-Est veut retrouver ses touristes. Mais comment ouvrir les frontières en toute sécurité?, The Conversation, ngày 20/01/2022.

Print Friendly and PDF