TWITTER, ELON MUSK VÀ BÓNG MA ĐỘC QUYỀN, CUỘC PHỎNG VẤN VỚI BARRY LYNN
Việc Elon Musk đề nghị Twitter đã gây ra nhiều phản ứng về nguy cơ đè nặng lên các nền dân chủ do sự tập trung [quyền lực] của các phương tiện truyền thông. Thông qua một phân tích lịch sử về diễn tiến các hệ thống kiểm soát và quản trị các công ty độc quyền, trong cuộc phỏng vấn này, cây viết Barry Lynn đã đề xuất suy nghĩ lại việc áp dụng các quy tắc cạnh tranh và biện hộ cho một công cuộc tái đầu tư vào năng lực sản xuất.
Ảnh: © Patrick Pleul/Pool via AP, File |
Tác giả: Renaud Lassus
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH • Từ nay, Twitter có một số đặc điểm của ngành dịch vụ công cộng. Việc Elon Musk có thể mua lại Twitter đặt ra một mối đe dọa đối với việc bảo tồn đặc tính mở của không gian công cộng. • Hiến pháp Hoa Kỳ dự trù cần phải quản lý các phương tiện truyền thông, sao cho chúng bao giờ cũng phục vụ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, quá trình độc quyền hóa trong lĩnh vực kỹ thuật số có xu hướng làm cho nguyên tắc này bị lâm nguy. · Người châu Âu và người Mỹ cần phải cùng nhau hành động để hạn chế phạm vi quyền lực của các ông lớn kỹ thuật số và thực thi việc tôn trọng các quy tắc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. |
Cho dù quá trình hiện nay có vẻ bị trì hoãn do cuộc chiến pháp lý xoay quanh số lượng tài khoản Twitter, ông nghĩ gì về viễn cảnh Elon Musk mua lại Twitter?
Khả năng mua lại Twitter của Elon Musk đặt ra những vấn đề cơ bản về cách thức mà tình hình này sẽ tác động đến nền dân chủ Hoa Kỳ. Trước hết, có một thực tế là Elon Musk là người giàu nhất thế giới. Ông ấy đã có một ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt trong các vấn đề chính trị. Vì thế, có nhiều khả năng dẫn đến tình huống, theo đó quyền lực ảnh hưởng to lớn sẽ rơi vào tay một người duy nhất. Thách thức thứ hai là Twitter, từ nay, là một công cụ thiết yếu cho các cuộc tranh luận công khai. Nền tảng này, từ nay, mang một số đặc điểm của ngành dịch vụ công cộng. Chính vì lý do đó mà chính phủ Hoa Kỳ cần phải hành động để đảm bảo việc bảo tồn đặc tính rộng mở không gian công cộng.
Ở Hoa Kỳ, đó là một trách nhiệm hiến định. Vào lúc Hiến pháp Hoa Kỳ được viết ra, khi đó chỉ có sự tồn tại của hai công nghệ truyền thông: báo chí và thư tín. Hiến pháp Hoa Kỳ rất rõ ràng về hai trường hợp này. Quyền tự do báo chí phải là một quyền tuyệt đối, và cần phải quản lý các phương tiện truyền thông sao cho chúng bao giờ cũng phục vụ lợi ích công cộng. Đó là lý do vì sao, vào thời điểm được thông qua, Hiến pháp Hoa Kỳ đã trao cho Quốc hội quyền thành lập các bưu cục và ban hành tất cả các luật cần thiết để đảm bảo hoạt động hiệu quả của các bưu cục.
Toàn bộ các biện pháp mà chính phủ các thời đã triển khai, kể từ khi điều tiết hoạt động của điện báo vào thế kỷ XIX, cho thấy Hiến pháp Hoa Kỳ đã luôn tìm cách đảm bảo không ai có được một quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các phương tiện truyền thông.
Vì thế, ngày nay cần phải hành động, vì trách nhiệm chính trị, để ngăn chặn nỗ lực chiếm quyền kiểm soát Twitter của Elon Musk.
BARRY LYNN
Đâu là những nhân tố chính dẫn đến việc Elon Musk mua lại Twitter?
Đây là một trò chơi thuần túy chính trị của Elon Musk. Thương vụ mua lại này sẽ cho phép ông ấy gây ảnh hưởng lên các nhân vật chính trị. Bằng cách kiểm soát Twitter, Elon Musk bằng cách nào đó trở thành ông chủ của Trump. Nỗ lực này cũng sẽ cho phép ông ấy thao túng nhận thức về giá trị các cổ phiếu của ông ta, mà từ đó ông xây được phần lớn khối tài sản. Trên thực tế, việc sản xuất ô tô [điện], pin [điện] và tên lửa vũ trụ, đó chỉ là một cách phụ để ông làm giàu thêm. Nếu các sáng kiến đổi mới của ông ấy đã giúp công nghệ có được những tiến bộ vượt bậc, thì điều đó không có nghĩa là ông ấy là người mà chúng ta nên tin tưởng để giao phó việc quản lý các phương tiện truyền thông.
Ông nói, đặc biệt trong cuốn sách mới nhất, Liberty from All Masters [Tự do từ tất cả giới chủ], rằng sự cân bằng, sự phi tập trung quyền lực, luôn nằm ở trọng tâm nền dân chủ Hoa Kỳ, kể cả trong cấu trúc tổ chức nền kinh tế ...
Barry C. Lynn |
Cách mạng Mỹ là một cuộc cách mạng chống lại sự tập trung quyền lực và của cải vào tay một số ít cá nhân. Có một khía cạnh thương mại trong cuộc chiến này. Các nhà cách mạng Mỹ đã nổi dậy chống lại công ty Đông Ấn của Anh để chấm dứt sự thống trị của người Anh trong giao thương ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu duy nhất, đi tìm quyền tự do thương mại lớn nhất. Trên hết, các nhà cách mạng Mỹ đã tìm cách đạt được quyền tự do cho mỗi cá nhân. Đây là thách thức cơ bản nhất của cuộc Cách mạng Mỹ: biến khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng trở thành hiện thực.
Vấn đề là thiết lập một hệ thống bình đẳng đủ sức để tạo ra các cơ hội kinh tế và đảm bảo quyền tự do cho mọi người. Như thế, Hiến pháp Hoa Kỳ đã được hình dung như một thành lũy chống lại sự khẳng định của các công ty độc quyền. Hiến pháp Hoa Kỳ đã được soạn thảo để ngăn chặn một chính trị gia gây ảnh hưởng thông qua các áp lực kinh tế. Nói một cách tổng quát hơn, nhờ việc thiết lập một hệ thống kìm hãm và đối trọng, lấy cảm hứng một phần từ các tác phẩm của Montesquieu, mà Hiến pháp Hoa Kỳ nhắm đến việc đảm bảo không một cá nhân nào, dù là người giàu có đến đâu, có thể nắm quyền kiểm soát hệ thống chính trị.
Cuộc Cách mạng Mỹ đã được tiến hành để chống lại ý tưởng tập trung quyền lực và của cải vào tay một số ít người.
BARRY LYNN
Alexis de Tocqueville (1805-1859) |
Woodrow Wilson (1856-1924) |
Về vấn đề này, Sắc lệnh Tây-Bắc đã minh chứng bản chất cấp tiến của những ý tưởng do các Tổ phụ lập quốc chủ trương. Sắc lệnh này đề cập đến việc phân chia đất đai, trước đây do Pháp kiểm soát và được phân chia cho các bang Ohio, Illinois, Indiana, Michigan, Wisconsin và một số vùng của bang Minnesota. Tham vọng của luật này là xây dựng một nước Mỹ như dự kiến vào thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng. Sắc lệnh quy định việc chia đất đai thành các mảnh đất nhỏ với diện tích 160 ha cho mỗi hộ gia đình. Mỗi gia đình chỉ có thể sở hữu một trang trại duy nhất, và sự điều tiết nghiêm cấm việc các công ty và các nhà phát triển bất động sản mua lại đất đai của các hộ gia đình.
Sắc lệnh Tây-Bắc cấm thực hành chế độ nô lệ trên lãnh thổ của các Hợp bang. Sắc lệnh đảm bảo cho mọi người – hay đúng hơn cho mỗi người đàn ông (free male) – quyền được bầu cử, bất kể màu da và tình trạng quá khứ của họ. Ngoài ra, một trong những yêu cầu của sắc lệnh là đòi hỏi công dân phải tự tổ chức thành các địa hạt, và phải xây dựng một trường học công lập ở mỗi thành phố trung tâm.
Qua các chuyến đi thăm Hoa Kỳ vào những năm 1830, Tocqueville đã mô tả xã hội dân chủ sâu sắc này. Chính Hợp bang, khoảng một triệu công dân tự do đã chọn gia nhập quân đội miền Bắc để chiến đấu ủng hộ việc xóa bỏ chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến.
Louis Brandeis (1856-1941) |
Ronald Reagan (1911-2004) |
Cách nhìn về một xã hội dân chủ theo chủ trương của Sắc lệnh Tây-Bắc đã tiếp tục tồn tại cho đến đầu thế kỷ XX. Sau khi Woodrow Wilson được bầu vào Nhà Trắng năm 1912, cùng với Louis Brandeis, ý tưởng dân chủ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại công nghiệp của thế kỷ XX. Các biện pháp, vốn đã được áp dụng vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, đã đặt nền móng cho nền dân chủ Hoa Kỳ trong một trăm năm tiếp theo. Thật vậy, khi Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, cấu trúc tổ chức điển hình của trang trại Mỹ vẫn là cấu trúc của trang trại gia đình rộng 160 ha. Tương tự, hầu hết các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn là các doanh nghiệp nhỏ mang tính gia đình và hoạt động độc lập. Chỉ có trong lĩnh vực công nghiệp nặng, với việc chế tạo sản xuất thép, ô tô hoặc máy bay, thì mới thành lập các công ty quốc gia có quy mô lớn. Việc Reagan lên nắm quyền vào năm 1981 đã làm thay đổi sâu sắc cách nhìn mà dựa trên đó nền dân chủ Hoa Kỳ đã được hình thành.
Ông cũng đã giải thích rằng ngoài Ronald Reagan và Milton Friedman thuộc trường phái Chicago, còn có một câu chuyện khác, vốn là một phần câu chuyện của cánh tả, thúc đẩy một sự tập trung lớn hơn vào nền kinh tế.
Vào cuối thế kỷ XIX, ý tưởng theo đó việc thành lập các công ty độc quyền là giải pháp hữu hiệu nhất để gia tăng năng suất đã trở nên rất phổ biến.
Nhiều nhà sử học đã nhầm lẫn Roosevelt là một người chống độc quyền.
BARRY LYNN
Trên thực tế, Roosevelt tin rằng việc phát triển các công ty độc quyền có thể mang lại lợi ích tích cực cho xã hội, miễn là các công ty cam kết phục vụ lợi ích của người dân.
John K. Galbraith (1908-2006) |
Nếu cách nhìn này về một hệ thống có tính nghiệp đoàn không ra đời ở Hoa Kỳ, thì cũng chính ở Hoa Kỳ mà nó đã được hiện đại hóa. Ngay cả trong những thời kỳ mà nền kinh tế phân phối được thúc đẩy dưới các nhiệm kỳ của Wilson, Brandeis và Franklin Roosevelt, cách nhìn nghiệp đoàn chủ nghĩa vẫn được cánh tả duy trì ở Hoa Kỳ. Trên nhiều phương diện, chính Đảng Dân chủ đã thực sự đặt nền móng cho sự đảo ngược đạo luật chống độc quyền do cách hữu tự do chủ nghĩa tiến hành trong những năm 1980. Ví dụ, nhà kinh tế học Lester Thurow, vốn là người thuộc cánh tả, đã rất ủng hộ những gì mà Reagan và các học giả bảo thủ như Robert Bork và Richard Posner đề xuất. Trong cuốn Economics and the Public Purpose [Kinh tế học và mục đích công cộng], xuất bản năm 1974, John Kenneth Galbraith ủng hộ đảo ngược mọi đạo luật chống độc quyền ở Mỹ. Ông cho rằng người dân Mỹ có khả năng kiểm soát các công ty độc quyền. Tuy nhiên, những gì mà ta có thể thấy trong thực tế, đó chính là sự tập trung quyền lực đã cho phép các tác nhân tư nhân nắm quyền kiểm soát một hệ thống cực kỳ chuyên quyền mà chúng ta vẫn còn thấy ngày nay.
Những lập luận chính ủng hộ việc xây dựng một nền tảng lưỡng đảng ở Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề tập trung quyền lực kinh tế là gì?
Khi nghĩ về sự hợp tác lưỡng đảng, ta phải tỏ ra thực tế về hiện trạng của hệ thống các đảng phái ở Hoa Kỳ. Đại đa số người dân Mỹ, những người tự nhận diện mình là người thuộc Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa hay người độc lập [với hai đảng kia - ND], đều cho rằng quyền lực đang tập trung quá nhiều vào trong tay một số ít cá nhân có quyền lực tuyệt đối. Các cuộc thăm dò dư luận về vấn đề này ước tính có 80% người dân Mỹ cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã nắm quyền lực hành động và kiểm soát quá lớn.
Larry Summers (1954-) |
Tuy nhiên, ở Washington, những người thuộc đảng Cộng hòa rất khó tách khỏi các nhóm người ủng hộ độc quyền, vốn đang kiểm soát gần như toàn bộ kinh phí tài trợ của đảng. Thế nên, có vẻ như có rất ít khả năng để có thể kêu gọi các quan chức được bầu thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ một hành động chống lại sự độc quyền trong ngành dược phẩm, sự độc quyền trong kinh doanh bán lẻ, hoặc sự độc quyền về các sản phẩm hydrocacbon từ nay cho đến những năm tới.
Ngược lại, những người thuộc đảng Dân chủ hiện đi xa hơn những năm qua, khi đảng này từng ủng hộ sự độc quyền, đặc biệt dưới thời Bill Clinton, khi có Larry Summers, người luôn ủng hộ sự độc quyền, sát cánh bên tổng thống. Thật vậy, trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2020, hầu hết các ứng cử viên Đảng Dân chủ đều đã lên tiếng ủng hộ một hành động cứng rắn hơn đối với các công ty độc quyền.
Amy Klobuchar (1960-) |
Chuck Grassley (1933-) |
Tin tốt là có một cơ hội hợp tác thực sự giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đối với nhóm Big Tech [Nhóm bốn ông lớn về công nghệ]. Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, một số quan chức được bầu đã tán đồng ý tưởng cần phải phản ứng lại trước phạm vi quyền lực ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn. Vì thế, hiện có một không gian để tạo ra một phong trào hành động lưỡng đảng. Dự luật được Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Minnesota, Amy Klobuchar bảo trợ, và được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Iowa, Chuck Grassley đồng bảo trợ, minh chứng cho điều này.
Vâng, nhưng cho đến nay, mặc dù đã có nhiều phiên điều trần và thảo luận, vẫn chưa có một cuộc biểu quyết.
Vẫn chưa có phiên biểu quyết nhưng ta sẽ sớm biết thôi. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Chuck Schumer, đã tuyên bố ông sẽ trình dự luật Klobuchar ra quốc hội vào đầu mùa hè. Việc đạt được một thỏa thuận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là một bước tiến lớn. Nữ Thượng nghị sĩ Klobuchar đã làm một công việc đáng chú ý để giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa cho dự luật của bà, được thông qua với tỷ lệ 16 phiếu thuận và 6 phiếu chống.
Nói rộng hơn, ông thấy cuộc đối thoại toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Châu Âu liên quan đến nền dân chủ như thế nào? Nếu có những vấn đề chung, thì liệu ta có thể hình dung những giải pháp chung hay không? Ông có nghĩ rằng nếu vấn đề tập trung quyền lực kinh tế được lồng ghép vào một cái gì đó lớn hơn, với nhiều chủ đề khác, như vấn đề phân biệt đối xử do các thuật toán học, tương lai của báo chí, v.v., thì sẽ có nhiều sự hậu thuẫn hơn để giải quyết thách thức mà chúng ta đang thảo luận hay không?
Chính quyền của Joe Biden đã cho thấy quan điểm rất ủng hộ hành động của Liên minh Châu Âu, khi tổ chức này hành động để đảm bảo GAFAM [Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft] tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý của họ.
Người châu Âu và người Mỹ cần phải hợp lực để gây sức ép lên những công ty như Amazon, Google hay Facebook.
BARRY LYNN
Vấn đề là cần cùng nhau làm việc để thiết lập những phương tiện truyền thông tôn trọng các yêu cầu dân chủ.
Nhà Trắng mong muốn người châu Âu và các thành viên Quốc hội Mỹ tấn công GAFAM, một cách quyết liệt hơn, nhưng quy trình lập pháp cần có thời gian. Quốc hội bị chia rẽ khi thời gian diễn ra các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đến gần. Hơn nữa, trong thập kỷ qua, các cơ quan liên bang đã phải hứng chịu sự thiếu hụt đáng kể về đầu tư tài chính và nhân sự. Không thể xây dựng lại các năng lực đó ngay lập tức.
Ông đã bảo vệ trong cuốn sách đầu tiên, The End of the Line [Cuối đường], ý tưởng về một mối liên hệ trực tiếp giữa tập trung kinh tế và tập trung sản xuất. Phải chăng ý ông muốn nói là sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng, mà chúng ta đang gặp phải ngày nay, có liên quan đến sự suy giảm từ chính sách chống độc quyền?
Người châu Âu và người Mỹ đều chia sẻ hai thách thức cơ bản. Thứ nhất là cần phải xác định cách thức xây dựng một hệ thống truyền thông toàn cầu, phù hợp với các nền dân chủ của thế kỷ XXI. Thứ hai là cần phải đối mặt với thách thức xây dựng lại một hệ thống công nghiệp vững chắc về mặt cung ứng vật tư nguyên liệu và khả năng phục hồi. Trong suốt thế kỷ XX, hầu hết các nền dân chủ đều đã thành công trong việc xây dựng một hệ thống công nghiệp, đáp ứng các nhu cầu của người dân. Hệ thống đó được thiết kế để hạn chế khả năng một Nhà nước sử dụng một quyền lực quá lớn để tác động lên một Nhà nước khác.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XXI, các Nhà nước đã dàn xếp với nhau đối với các quy tắc về chính sách cạnh tranh, cả ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Kết quả là trong một thời gian rất ngắn, các nền kinh tế đã phát triển theo hướng tập trung cao độ các năng lực sản xuất. Khi WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) được thành lập, các bên ký kết đã cho phép các nhà đầu tư chuyển một phần đáng kể các ngành công nghiệp châu Âu và Mỹ sang Trung Quốc. Ngày nay, các Nhà nước phương Tây đôi lúc phụ thuộc tới 100% vào Trung Quốc đối với một số sản phẩm nhập khẩu, và thậm chí cả đối với các mặt hàng thiết yếu nhất. Điều đó có nghĩa là nếu ngày mai Trung Quốc quyết định làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu các sản phẩm hoạt chất, thì nguồn cung dược phẩm sang châu Âu sẽ bị cắt đứt. Tình trạng phụ thuộc này đã cho chính phủ Trung Quốc có được một quyền lực to lớn để gây sức ép lên chính phủ các nước.
Ngày nay, Hoa Kỳ và Châu Âu đều cùng chung tình trạng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
BARRY LYNN
Đây là lý do vì sao cần phải tìm ra cách thức đảm bảo việc áp dụng và tôn trọng các quy tắc cạnh tranh. Thierry Breton, gần đây, đã phát biểu tại châu Âu về sự cần thiết phải xây dựng lại quyền tự chủ công nghiệp của châu Âu. Mục tiêu không phải là khuyến khích sự phát triển các công ty độc quyền quốc gia, mà là xây dựng lại các năng lực sản xuất và tuân thủ các quy tắc cạnh tranh.
Ở châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như ở một số các nước đồng minh thân cận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, người ta đã nhận thức được nguy cơ hiển hiện của tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong hai thập kỷ tới, chúng ta có thể thực hiện những bước cần thiết cho phép giải quyết các thách thức này.
Theo ông, chiến lược nào là chiến lược tốt nhất để đạt được các mục tiêu nói trên?
Thierry Breton (1955-) |
Reinhard Butikofer (1953-) |
Để giải quyết các thách thức này, cần phải áp dụng một cách tiếp cận mang tính đa phương. Ở trên cùng, có các chính trị gia, như Joe Biden, người gợi lên, từ nay, sự nguy hiểm của độc quyền và các bước cần hành động. Ở châu Âu, có Thierry Breton hay Reinhard Butikofer, lãnh đạo Đảng Xanh của Đức tại Nghị viện châu Âu, những người cũng đang cố gắng hành động tương tự. Vì thế, đã có một cuộc đối thoại giữa những người có chức vụ quyền lực với các thành viên của xã hội dân sự. Những gì thực sự còn thiếu là một diễn đàn để kết nối lại tất cả các tiếng nói đó với nhau.
OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế] có vẻ như là một ví dụ lô-gic để đón nhận một nỗ lực như thế. Khi tổ chức OECD được thành lập vào đầu những năm 1950, chúng ta phải đối mặt với những thách thức rất giống nhau. Vào thời đó, năng lực công nghiệp đã bị phá hủy bởi chiến tranh. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với thực tế là các nhà tài phiệt đã phá hủy phần lớn năng lực sản xuất của phương Tây. Họ đã không làm điều đó với bom đạn. Họ đã làm điều đó bằng cách di dời các nhà máy sang Trung Quốc.
Chúng ta nên nhớ rằng thời điểm hiện tại cũng mang đến những cơ hội đáng kinh ngạc. Thật vậy, khi xây dựng lại, chúng ta có thể làm điều đó với các công nghệ mới. Từ nay, các công nghệ đã phát triển có xu hướng tự động hóa cao hơn và sạch hơn rất nhiều, về phương diện phát thải khí nhà kính.
Cuối cùng, điều bắt buộc là phải xây dựng lại năng lực sản xuất. Sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống sản xuất gây ra nguy cơ cao cho nguồn cung ứng vật tư nguyên liệu. Sự cam kết trong giai đoạn mới này không nên được coi là một gánh nặng mà là một cơ hội. Quá trình xây dựng lại này sẽ cho phép xây dựng lại một hệ thống công nghiệp tốt hơn nhiều so với hệ thống công nghiệp đã có trước đây. Nó sẽ cho phép tháo gỡ nhiều thách thức mà chúng ta đang đối mặt ngày nay, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Twitter, Elon Musk et le spectre des monopoles, une conversation avec Barry Lynn, Le Grand Continent, ngày 06/07/2022.