ĐẶT PHỤ NỮ VÀO TRUNG TÂM CỦA QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ TOÀN CẦU: ĐÓ LÀ NHIỆM VỤ CỦA INDONESIA TẠI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20 NĂM 2022
Người phụ nữ phơi khô vải batik mới làm. Nghề làm vải batik là một loại doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hỗ trợ sinh kế của phụ nữ Indonesia, đặc biệt là ở Java. Ảnh: shutter/Bastian AS |
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thu hẹp khoảng cách giới có tác động tích cực đến phúc lợi của xã hội. Nghiên cứu của Women World Banking (Ngân hàng Thế giới Phụ nữ) năm 2021 cho thấy phúc lợi kinh tế không chỉ phụ thuộc vào thu nhập và cơ sở hạ tầng mà còn phụ thuộc vào bình đẳng giới như thế nào.
Tuy nhiên, G20[*] - nhóm các quốc gia đại diện cho 85% nền kinh tế thế giới - vẫn chưa tập trung vào việc giải quyết các rào cản của phụ nữ trong việc tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế.
Ví dụ, trong số nhiều cuộc họp của G20, chỉ có cuộc họp được tổ chức tại Brisbane, Úc, vào năm 2014 dẫn đến cam kết cụ thể về cải thiện địa vị kinh tế của phụ nữ. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, cam kết Brisbane vẫn chưa được tiếp tục đào sâu và thể hiện bằng một chiến lược và cơ chế thực hiện rõ ràng.
Indonesia đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.
Trong vai trò trên, Indonesia có thể điều hướng phản ứng của các nước G20 đối với COVID-19 và thúc đẩy các vấn đề của phụ nữ trong chương trình nghị sự chính sách toàn cầu. Indonesia đã cho thấy ý định ủng hộ tăng trưởng kinh tế phục vụ mọi người bằng cách ưu tiên vai trò của phụ nữ - cùng với thanh niên và các doanh nghiệp nhỏ.
Giải pháp từ Indonesia
Ưu tiên cho vai trò của phụ nữ là một quyết định đúng đắn.
UN Women (Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hợp Quốc) chỉ ra rằng phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 và thu nhập của họ cũng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trong dài hạn do tính chất công việc của họ - không chính thức, tay nghề thấp và liên quan đến việc chăm sóc việc nội trợ không được trả công. Sự suy giảm bình đẳng giới vào năm 2021 cho thấy dự đoán này có thể đã trở thành sự thật. Khoảng cách giữa sự tham gia kinh tế của nam giới và nữ giới đã mở rộng hơn trong thời kỳ đại dịch.
Với rất nhiều nghiên cứu cho thấy cuộc sống của nữ giới đang thay đổi do COVID-19, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần thực hiện các biện pháp ưu tiên để hỗ trợ phụ nữ ngay lập tức và các nỗ lực phục hồi lâu dài hơn.
Trong số tất cả các biện pháp ưu tiên, ba nhóm phụ nữ nên là mục tiêu hàng đầu.
Nhóm thứ nhất là phụ nữ trong các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bảy trong số 10 công nhân trên thế giới là một phần của các doanh nghiệp siêu nhỏ. Dữ liệu từ 99 quốc gia cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 70% tổng số việc làm.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng phụ nữ sở hữu 23% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, và con số này tăng lên mỗi năm.
Tuy nhiên, nữ giới có thu nhập thấp hơn nam giới cho cùng một loại công việc. Cuộc khảo sát của Trung tâm Thương mại Quốc tế về tác động của COVID-19 giữa các doanh nghiệp ở 136 quốc gia đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp siêu nhỏ do nữ giới lãnh đạo có khả năng không sống sót sau đại dịch cao hơn 27%, nguyên nhân có thể do nhiều trách nhiệm chăm sóc việc nội trợ không được trả lương.
Nhóm thứ hai là nữ giới trong khu vực phi chính thức.
Hơn 62% việc làm ở 99 quốc gia là ở khu vực phi chính thức. Tỷ lệ nữ giới trong lĩnh vực này cũng rất đáng kể. Ví dụ, hơn 80% phụ nữ làm việc bên ngoài lĩnh vực nông nghiệp ở Nam Á kiếm sống bằng công việc phi chính thức. Tình hình cũng tương tự ở Châu Phi cận Sahara (74%) và Châu Mỹ Latinh và Caribe (54%).
Mặc dù có đóng góp kinh tế to lớn nhưng phụ nữ thường không được cấp các quyền của người lao động như nghỉ phép, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm an toàn lao động, vì các mạng lưới an toàn này thường phụ thuộc vào việc tham gia chính thức vào lực lượng lao động.
Phụ nữ sống ở nông thôn là nhóm thứ ba.
Hơn 3/4 người nghèo cùng cực trên thế giới sống ở các vùng nông thôn.
Dữ liệu cho thấy trẻ em gái và phụ nữ có xu hướng sống trong các hộ gia đình nghèo ở khu vực nông thôn cao hơn so với trẻ em trai và nam giới. Cơ sở hạ tầng yếu kém ở khu vực nông thôn, chẳng hạn như khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, khiến phụ nữ khó tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế hơn.
Đặt phụ nữ là người thụ hưởng sự phục hồi kinh tế toàn cầu
Khi cộng đồng toàn cầu tiếp tục tiến lên để đạt được tăng trưởng kinh tế phục vụ mọi người, đã đến lúc các chính sách toàn cầu cần tập trung vào việc đặt phụ nữ là người thụ hưởng, đặc biệt là khi đề cập đến các chính sách liên quan đến phục hồi sau COVID-19.
Resya Kania |
Với tư cách là nước chủ nhà G20, Indonesia có vị trí thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới nhằm đạt được sự phục hồi kinh tế phục vụ mọi người. Ví dụ, Indonesia có thể đạt được điều này bằng cách trình bày chi tiết cam kết Brisbane thành kế hoạch và hành động chi tiết trong hai khía cạnh chính sách chủ yếu của G20: đường lối tài chính và hội nghị quan chức cấp cao sherpa. Đây sẽ là một bước cụ thể trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu một cách toàn diện.
Bài báo này ban đầu được công bố bằng tiếng Indonesia
Resya Kania là Nghiên cứu viên Sau Đại học, Trường Chính sách Xã hội, Đại học Birmingham.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Put women at the heart of global economic recovery” that’s Indonesia’s task at the 2022 G20 summit”, The Conversation, ngày 05.04.2022.