3.7.22

Ai thực sự gây ra ô nhiễm? 10 điểm về bất bình đẳng và chính sách khí hậu

AI THỰC SỰ GÂY RA Ô NHIỄM? 10 ĐIỂM VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU

Gần một nửa tổng lượng khí thải, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, đã được thải ra kể từ năm 1990 năm công bố báo cáo đầu tiên của IPCC. Thế nhưng, không phải nước nào cũng gây ô nhiễm nhiều như nhau, hoặc theo cùng cách giống nhau. Vì thế, bất bình đẳng là một dữ liệu then chốt, mang tính tiên quyết đối với bất kỳ chính sách công nào nhằm chống lại hiện tượng nhiệt độ thời tiết nóng lên. Từ các kết quả nghiên cứu trong báo cáo năm 2022 của tổ chức World Inequality Lab [Phòng thí nghiệm Bất bình đẳng Thế giới], Lucas Chancel điểm lại 10 điểm về sự phân bố lượng khí thải và những hậu quả kinh tế của nó.

TÁC GIẢ: Lucas Chancel

NGƯỜI DỊCH: Elena Maximin, Olivier Lenoir

© Patrick Siccoli/SIPA

1 – Hiện trạng khí thải khí nhà kính ở cấp độ thế giới

Vào năm 2021, con người đã thải ra gần 50 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2eq) vào bầu khí quyển, đảo ngược phần lớn lượng giảm khí thải đã được ghi nhận trong đại dịch Covid năm 2020[1]. Trong số 50 tỷ tấn CO2 này, có khoảng ba phần tư được thải ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch vì mục đích năng lượng, 12% từ lĩnh vực nông nghiệp, 9% từ lĩnh vực công nghiệp (trong việc sản xuất xi măng và các sản phẩm khác), và 4% từ chất thải. Trung bình, mỗi cá nhân thải ra, mỗi năm, hơn 6,5 tấn CO2 một chút. Lượng khí thải trung bình này che giấu những chênh lệch đáng kể giữa các nước với nhau và trong nội bộ các nước đó.

Lượng khí thải toàn cầu đã tăng gần như liên tục kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Năm 1850, tổng lượng khí thải là một tỷ tấn CO2 tương đương. Năm 1900, lượng khí thải này đã tăng lên 4,2 tỷ tấn, đạt 11 tỷ tấn vào năm 1950, 35 tỷ tấn vào năm 2000, và khoảng 50 tỷ tấn vào ngày nay. Gần một nửa tổng lượng khí thải, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, đã được thải ra kể từ năm 1990 năm công bố báo cáo đầu tiên của IPCC [Intergovernmental Panel on Climate Change – Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu].

Với tốc độ khí thải toàn cầu hiện nay, ngân sách cho [việc giảm] 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên sẽ bị cạn kiệt trong vòng sáu năm, và ngân sách cho [việc giảm] 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên sẽ bị cạn kiệt trong vòng 18 năm.

LUCAS CHANCEL

Theo một trong những báo cáo mới nhất của IPCC, vẫn còn 300 tỷ tấn CO2 chưa thải ra, nếu muốn duy trì mức dưới 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên, so với mức trong thời kỳ tiền công nghiệp, và 900 tỷ tấn CO2 chưa thải ra, nếu muốn duy trì mức dưới 2°C[2]. Với tốc độ khí thải toàn cầu hiện nay, ngân sách cho [việc giảm] 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên sẽ bị cạn kiệt trong vòng sáu năm, và ngân sách cho [việc giảm] 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên sẽ bị cạn kiệt trong vòng 18 năm.

2 - Quy mô thách thức của việc tiết chế các-bon

Để hiểu rõ hơn về quy mô thách thức của việc hạn chế khí thải CO2, cần phải so sánh lượng khí thải hiện tại với lượng khí thải cần thiết để duy trì mức giảm trung bình 1,5°C và 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên trên hành tinh: để tương thích với mục tiêu 2°C, ngân sách khí thải các-bon bền vững sẽ là 3,4 tấn/người/năm từ nay đến năm 2050. Giá trị này thấp hơn khoảng một nửa lượng khí thải trung bình hiện tại trên thế giới. Ngân sách bền vững tương thích với giới hạn 1,5°C là 1,1 tấn CO2 mỗi người mỗi năm, tức ít hơn khoảng sáu lần so với lượng khí thải trung bình toàn cầu hiện tại.

Các con số trên xuất phát từ các mục đích so sánh và cần được diễn giải một cách thận trọng. Các giá trị này không tính đến các trách nhiệm lịch sử liên quan đến biến đổi khí hậu: nếu tính đến các trách nhiệm lịch sử, thì sẽ hàm ý rằng các quốc gia có thu nhập cao sẽ không còn ngân sách khí thải các-bon[3]. Cũng cần lưu ý rằng những kịch bản tương thích với mục tiêu 2°C cho thấy lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm dần dần, để đạt được mức trung hòa các-bon vào năm 2050, và không nên duy trì lượng khí thải ở mức cao cho đến thời điểm 2050 đó, để rồi đột ngột giảm xuống về mức 0.

3 - Sự bất bình đẳng đáng kể và dai dẳng về lượng khí thải giữa các khu vực

Trong lịch sử, trên tổng số 2.450 tỷ tấn khí thải các-bon được thải ra kể từ năm 1850, Bắc Mỹ chiếm 27%, Châu Âu 22%, Trung Quốc 11%, Nam Á và Đông Nam Á 9%, Nga và Trung Á 9%, Đông Á (bao gồm cả Nhật Bản) 6%, Mỹ Latinh 6%, Trung Đông và Bắc Phi tăng 6% và châu Phi cận Sahara 6%. Do đó, chúng ta có thể so sánh lượng khí thải trong quá khứ và thành phần cấu thành nó với ngân sách khí thải các-bon còn lại để hạn chế sự biến đổi khí hậu.

Lượng khí thải bình quân đầu người ở châu Phi cận Sahara (1,6 tấn mỗi người mỗi năm) chỉ chiếm một phần tư lượng khí thải bình quân đầu người ở cấp độ toàn cầu. Như thế, lượng khí thải trung bình ở châu Phi cận Sahara chỉ vượt 50% mức tương thích với 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên, và thấp hơn mức tương thích với 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên (hơn một nửa). Ở đầu kia của phổ, lượng khí thải bình quân đầu người ở Bắc Mỹ là 21 tấn/người, chiếm gấp ba lần lượng khí thải trung bình toàn cầu và gấp sáu lần mức tương thích với quỹ đạo 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên. Giữa hai thái cực này, chúng ta thấy có các nước Nam Á và Đông Nam Á với 2,5 tấn khí thải bình quân đầu người (40% mức trung bình thế giới) và Châu Mỹ Latinh với 4,8 tấn (70% mức trung bình thế giới), tiếp theo là Trung Đông và Bắc Phi, Đông Á, Châu Âu, Nga và Trung Á, có lượng khí thải trung bình vào khoảng từ 7,5 đến 10 tấn (từ gấp một đến một lần rưỡi so với mức trung bình của thế giới).

Lượng khí thải trung bình ở châu Phi cận Sahara chỉ vượt 50% mức tương thích với 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên, và thấp hơn mức tương thích với 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên (hơn một nửa).

LUCAS CHANCEL

Sự bất bình đẳng về lượng khí thải các-bon trung bình giữa các khu vực khá gần với sự bất bình đẳng về mức thu nhập trung bình giữa các khu vực này, nhưng với những khác biệt đáng chú ý: lượng khí thải của Hoa Kỳ chiếm gấp 3 lần mức trung bình thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Mỹ là 3.2 lần mức thu nhập bình quân thế giới; tuy nhiên, ở châu Âu, lượng khí thải cao gấp 1,5 lần mức trung bình toàn cầu, trong khi con số này gần bằng với con số về thu nhập ở Hoa Kỳ. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập bình quân đầu người với lượng khí thải các-bon, nhưng mối liên hệ này không hoàn hảo: một số khu vực có thành tích hiệu quả hơn một số khu vực khác trong việc làm giảm lượng khí thải kết hợp với cùng một mức thu nhập.

4 - Sự bất bình đẳng đậm nét, khi tính đến lượng khí thải các-bon nhập khẩu

Lượng khí thải được trích dẫn ở trên bao gồm lượng khí thải phát sinh trong phạm vi một nước, cũng như lượng khí thải gắn liền với việc nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ phần còn lại của thế giới. Nói cách khác, khi Bắc Mỹ nhập khẩu điện thoại thông minh từ các nước Đông Á, lượng khí thải CO2 được tạo ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển và bán ra các điện thoại thông minh này được quy cho cư dân các nước Bắc Mỹ chứ không phải cho các nước Đông Á. Đây là cách tốt nhất để đo lượng khí thải có kết hợp với mức sống của con người trên khắp thế giới. Chúng tôi quy chiếu về “dấu ấn khí thải các-bon” chứ không về “lượng khí thải theo lãnh thổ”, chỉ tương ứng với lượng khí thải các-bon trong phạm vi biên giới của lãnh thổ, và không tính đến việc xuất nhập khẩu khí thải các-bon được tích gộp trong sản phẩm và dịch vụ.

Lượng khí thải theo lãnh thổ vẫn tiếp tục được chính quyền các nước trên thế giới sử dụng khi báo cáo tiến độ giảm lượng khí thải hoặc khi đàm phán các hiệp định quốc tế về khí hậu. Tuy nhiên, điều rõ ràng là nếu chỉ quy chiếu về lượng khí thải theo lãnh thổ không thôi thì sẽ có rất nhiều vấn đề: những nước có thu nhập cao có thể giảm lượng khí thải theo lãnh thổ của họ, và xây dựng các chiến lược phá giá sinh thái, để đưa ra nước ngoài các ngành công nghiệp thâm dụng khí thải các-bon của họ cho phần còn lại của thế giới, rồi nhập khẩu trở lại sản phẩm. Ở Bắc Mỹ, sự khác biệt giữa dấu ấn khí thải các-bon và lượng khí thải theo lãnh thổ là tương đối nhỏ, bởi vì người Mỹ nhập khẩu nhưng cũng xuất khẩu những sản phẩm thâm dụng các-bon, và tiêu thụ một lượng rất lớn sản phẩm thâm dụng các-bon trong nước. Ngược lại, ở châu Âu, dấu ấn khí thải các-bon cao hơn khoảng 25% so với lượng khí thải theo lãnh thổ: gần hai tấn khí thải các-bon/người được nhập khẩu từ các khu vực khác trên thế giới, chủ yếu là từ Trung Quốc. Ở Đông Á, lượng khí thải các-bon thấp hơn 8% so với lượng khí thải theo lãnh thổ: gần một tấn khí thải các-bon/người được thải ra ở các nước Đông Á để đáp ứng nhu cầu của người dân ở các khu vực khác trên thế giới. Việc tính đến lượng khí thải các-bon được tích gộp trong tiêu dùng làm tăng thêm sự bất bình đẳng về lượng khí thải giữa các khu vực có thu nhập cao và các khu vực có thu nhập trung bình hoặc thấp, so với việc chỉ tính đến lượng khí thải theo lãnh thổ mà thôi.

Ở Đông Á, lượng khí thải các-bon thấp hơn 8% so với lượng khí thải theo lãnh thổ: gần một tấn khí thải các-bon/người được phát sinh ở các nước Đông Á để đáp ứng nhu cầu của người dân ở các khu vực khác trên thế giới.

LUCAS CHANCEL

5 - Quan trọng hơn sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, sự bất bình đẳng về lượng khí thải trong nội bộ các nước: 10% dân số chịu trách nhiệm cho gần một nửa lượng khí thải

Sự bất bình đẳng đáng kể về dấu ấn khí thải các-bon được quan sát thấy trong nội bộ mỗi khu vực trên thế giới. Ở Đông Á, 50% những ai nghèo nhất thải ra trung bình khoảng 3 tấn khí thải mỗi năm, trong khi 40% những ai có thu nhập trung bình thải ra gần 8 tấn, và 10% những ai có thu nhập cao thải ra gần 40 tấn. Sự tương phản là đáng kinh ngạc ở Bắc Mỹ, khu vực mà 50% những ai nghèo nhất thải ra gần 10 tấn khí thải, 40% những ai có thu nhập trung bình khoảng 22 tấn, và 10% những ai có thu nhập cao thải ra hơn 70 tấn khí thải CO2 tương đương. Những con số này lần lượt có thể được so sánh với lượng khí thải ở châu Âu, lục địa mà 50% những ai nghèo nhất thải ra gần 5 tấn khí thải, 40% những ai có thu nhập trung bình thải ra khoảng 10,5 tấn, và 10% những ai giàu nhất thải ra khoảng 30 tấn.

Điều đáng chú ý là một nửa dân số nghèo nhất ở Hoa Kỳ có lượng khí thải tương đương với lượng khí thải của 40% dân số có thu nhập trung bình ở châu Âu, dù cho thu nhập của bộ phận dân cư nghèo này thp hơn hai lần. Sự khác biệt này phần lớn là do đặc điểm hỗn hợp năng lượng thâm dụng khí thải các-bon của Hoa Kỳ, nơi mà lượng khí thải từ sản xuất điện cao gấp đôi so với ở Liên minh châu Âu. Ở Hoa Kỳ, các cơ sở hạ tầng cơ bản tiêu thụ nhiều năng lượng hơn (ví dụ với việc sử dụng đại trà xe ô-tô) và các máy móc thiết bị có xu hướng ít tiết kiệm năng lượng hơn (trung bình, xe ô-tô có kích cỡ lớn hơn và ít tiết kiệm nhiên liệu hơn ở Hoa Kỳ so với ở châu Âu).

Điều đáng chú ý là một nửa dân số nghèo nhất ở Hoa Kỳ có lượng khí thải tương đương với lượng khí thải của 40% dân số có thu nhập trung bình ở châu Âu, dù cho thu nhập của bộ phận dân cư nghèo này thp hơn hai lần.

LUCAS CHANCEL

Tuy nhiên, lượng khí thải của châu Âu vẫn rất cao so với các chuẩn mực toàn cầu. Tầng lớp trung lưu châu Âu thải ra nhiều khí thải hơn so với tầng lớp trung lưu ở tất cả các khu vực, ngoại trừ Bắc Mỹ. Thế nhưng, điều đáng chú ý là tầng lớp người giàu nhất ở các nước Đông Á và Trung Đông thải ra nhiều khí thải hơn so với tầng lớp người giàu nhất của châu Âu (lần lượt là 39 tấn, 34 tấn và 29 tấn khí thải). Sự khác biệt này là do mức độ bất bình đẳng về thu nhập và của cải cao hơn ở các nước Đông Á và ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông so với ở châu Âu, và từ thực tế là các đầu tư của giới nhà giàu Trung Quốc có liên quan đến lượng khí thải lớn đáng kể.

Nói chung, điều đó cho thấy chỉ có 50% dân số nghèo nhất ở châu Phi cận Sahara, ở Nam Á và ở Đông Nam Á là nằm trong khu vực dưới mức ngân sách khí thải bình quân đầu người phù hợp với mục tiêu giảm 1,5°C nhiệt độ thời tiết nóng lên. Bằng cách so sánh lượng khí thải với ngân sách khí thải bình quân đầu người tương thích với mục tiêu giảm 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên, chúng tôi nhận thấy có một nửa dân số nghèo nhất của mỗi khu vực là nằm ở dưới ngưỡng hoặc gần với ngưỡng. Trên thực tế, điều đáng chú ý là một nửa dân số dưới cùng ở các khu vực có thu nhập cao và trung bình, như châu Âu, Nga và Trung Á, đang có lượng khí thải nằm trong giới hạn ngân sách giảm 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên. Điều này cho thấy khả năng làm giảm bớt hiện tượng biến đổi khí hậu, phần lớn, là vấn đề phân bổ, không chỉ giữa các nước với nhau, mà còn trong nội bộ các nước.

Ở cấp độ toàn cầu, sự bất bình đẳng về lượng khí thải các-bon theo cá nhân cho thấy một bức tranh đáng kinh ngạc: 50% người nghèo nhất góp phần vào 12% tổng lượng khí thải (1,6 tấn khí thải mỗi năm). 10% người giàu nhất thải ra 47,6% lượng khí thải toàn cầu (31 tấn khí thải mỗi năm). 1% người giàu nhất thải ra 110 tấn mỗi năm, tương đương với 16,8% tổng lượng khí thải. Do đó, sự bất bình đẳng toàn cầu về lượng khí thải các-bon là rất cao: gần một nửa tổng lượng khí thải là do một phần mười dân số thế giới thải ra, và chỉ một phần trăm dân số (77 triệu người) có lượng khí thải cao hơn 50% so với lượng khí thải của nửa dưới cùng dân số (3,8 tỷ người).

Bằng cách so sánh lượng khí thải với ngân sách khí thải bình quân đầu người tương thích với mục tiêu giảm 2°C nhiệt độ thời tiết nóng lên, chúng tôi nhận thấy có một nửa dân số nghèo nhất của mỗi khu vực là nằm ở dưới ngưỡng hoặc gần với ngưỡng.

LUCAS CHANCEL

6 - Gia tăng của lượng khí thải từ 1% những người phát thải nhiều nhất trên thế giới và sụt giảm của lượng khí thải từ các nhóm người có thu nhập thấp ở các nước giàu

Sự bất bình đẳng về lượng khí thải toàn cầu đã diễn biến như thế nào trong những thập kỷ gần đây? Một cách đơn giản để biểu thị diễn tiến sự bất bình đẳng về khí thải các-bon là chỉ ra tỷ lệ tăng trưởng trung bình lượng khí thải so với điểm phân vị phần trăm của phân phối thu nhập toàn cầu. Kể từ năm 1990, lượng khí thải bình quân trên đầu người của toàn thế giới đã tăng khoảng 7% (và tổng lượng khí thải toàn thế giới đã tăng 58%). Lượng khí thải bình quân trên đầu người của 50% dân số dưới cùng của thang thu nhập đã tăng nhanh hơn mức thu nhập trung bình (32%), trong khi lượng khí thải của toàn bộ nhóm 40% người dân thuộc nhóm thu nhập trung bình đã tăng chậm hơn mức của nhóm thu nhập trung bình (4%) và một số điểm phân vị phần trăm của phân phối thu nhập, trên thực tế, đã cho thấy một lượng giảm khí thải. Lượng khí thải bình quân trên đầu người của 1% người phát thải cao nhất trong phân phối thu nhập đã tăng 26%, và lượng khí thải bình quân đầu người của 0,01% người phát thải cao nhất trong phân phối thu nhập đã tăng hơn 110%.

Một trong những kết quả nổi bật nhất là lượng giảm khí thải của khoảng 15-20% dân số thế giới, nhóm dân số tương ứng phần lớn với nhóm dân số có thu nhập trung bình và thấp của các nước giàu. Ở các nước này, lượng khí thải đã giảm, trong 30 năm qua, ở các tầng lớp giới bình dân và giới trung lưu. Hẳn là các mức giảm khí thải đó không đủ để đạt được các mục tiêu làm giảm thời tiết khí hậu nóng lên của Thỏa thuận Paris, nhưng động thái đó hoàn toàn tương phản với động thái của 1% các tầng lớp phát thải hàng đầu ở các nước này và ở cấp độ toàn cầu, có lượng khí thải tăng lên đáng kể. Một khoảng cách như thế trong nỗ lực làm giảm lượng khí thải, giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người kém thuận lợi nhất ở các nước giàu, đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng về chính sách chống lại tình trạng thời tiết khí hậu nóng lên toàn cầu. Trong những xã hội mà lối sống của người giàu nhất cũng định hình lượng khí thải của các nhóm xã hội khác, thì điều đó có thể gây ra hậu quả đối với cách ứng xử về khí thải các-bon trong tương lai.

7 - Kể từ nay, sự bất bình đẳng giữa các cá nhân với nhau trong nội bộ các nước là nguyên nhân dẫn đến phần lớn sự bất bình đẳng về lượng khí thải toàn cầu

Năm 1990, phần lớn sự bất bình đẳng về lượng khí thải các-bon (63%) là do sự khác biệt giữa các nước: vào thời điểm đó, người công dân trung bình của một nước giàu, không nghi ngờ gì nữa, là người gây ô nhiễm nhiều nhất so với phần còn lại của dân số thế giới, và sự bất bình đẳng xã hội trong nội bộ các nước là ở mức trung bình thấp hơn hiện nay. Tình hình đã gần như đảo ngược hoàn toàn trong 30 năm. Sự bất bình đẳng về lượng khí thải giữa người công dân của cùng một nước, từ nay, chiếm hơn hai phần ba sự bất bình đẳng về lượng khí thải toàn cầu. Giống như đối với thu nhập, điều đó không có nghĩa là không có sự bất bình đẳng đáng kể (thường là rất lớn) giữa các nước và khu vực trên thế giới, mà hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là bên cạnh những bất bình đẳng quốc tế quan trọng, còn có những bất bình đẳng lớn hơn về lượng khí thải giữa các cá nhân với nhau. Điều đó có những hàm ý to lớn đối với cuộc tranh luận toàn cầu về chính sách khí hậu. Ví dụ, Trung Quốc, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có mặt khá đầy đủ trong nhóm các nước phát thải thấp, cũng như trong nhóm các nước phát thải cao, phản ánh bản chất kép của các xã hội đó, nơi mà người gây ô nhiễm ở mức cao cực kỳ sống gần gũi với người gây ô nhiễm ở mức rất thấp.

8 - Ứng phó với thách thức khí hậu ở các xã hội bất bình đẳng

Các phong trào hoạt động xã hội ở những nước giàu và mới nổi trong năm 2018-2019 (đặc biệt là làn sóng phản đối việc tăng giá nhiên liệu và chi phí cho các phương tiện giao thông ở Ecuador và Chile vào năm 2019, và phong trào áo gi-lê vàng ở châu Âu một năm trước đó), đã cho thấy những cải cách chính trị, không tính đến đúng mức các mức độ bất bình đẳng trong nước, và người thắng kẻ thua của sự thay đổi mà các cuộc cải cách này kéo theo, có rất ít khả năng sẽ được công chúng ủng hộ và có nguy cơ thất bại cao.

Phong trào áo gi-lê vàng ở Pháp là một minh chứng rõ ràng về điều đó: thuế khí thải các-bon mà chính phủ mong muốn triển khai (tương đương với khoảng 4 tỷ euro thu được từ thuế khí thải các-bon bổ sung), đã không kèm theo các biện pháp bù đắp, đủ mức, cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Vả lại, cuộc cải cách này được triển khai cùng lúc với cuộc cải cách thuế lũy tiến đối với các tài sản tài chính và thu nhập từ vốn, chiếm khoảng 3 đến 4 tỷ euro mức giảm thuế, tập trung chủ yếu ở nhóm 1 và 2% những người giàu nhất. Cuộc cải cách này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của đa số người dân. Hầu hết các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp phải trả thuế khí thải các-bon hàng ngày khi đi làm, mà không có bất kỳ giải pháp thay thế nào đối với việc sử dụng ô-tô của họ, trong khi việc giảm thuế lại làm lợi cho những người giàu nhất, sống ở thành phố, với nhiều chọn lựa về phương thức giao thông sử dụng các-bon thấp sẵn có, và hưởng lợi từ thuế suất năng lượng rất thấp khi di chuyển bằng đường hàng không. Tình trạng này đã dẫn đến một làn sóng phản đối trong xã hội (mà cuối cùng đã lan sang các nước châu Âu khác) và cuối cùng dẫn đến việc từ bỏ thuế khí thải các-bon.

Về nguyên tắc, thuế khí thải các-bon có thể là một công cụ uy lực để giảm lượng khí thải. Ở một số nước, thuế khí thải các-bon đã được triển khai thành công và đã giúp hạn chế lượng khí thải các-bon. Tuy nhiên, ví dụ của Pháp cho thấy khi chính sách thuế khí thải các-bon được thiết kế kém và không tính đến bối cảnh kinh tế-xã hội nơi mà nó được triển khai, thì nó có thể dễ dàng thất bại và tạo ra sự ngờ vực, tạo ra cảm giác là các chính sách về môi trường là không công bằng. Nên hiểu rõ: quy mô của sự chuyển đổi cần thiết để giảm mạnh lượng khí thải khí nhà kính ở các nước giàu sẽ không thể đạt được, nếu sự bất bình đẳng về môi trường và xã hội không được tích gộp vào chính ngay quan niệm thiết kế các chính sách môi trường. Thế nên, chúng tôi đưa ra những đề xuất có tính đến sự bất bình đẳng trong nội bộ các nước và giữa các nước với nhau.

Cách đầu tiên để giải quyết sự bất bình đẳng về khí thải là đo lường, một cách đúng đắn, lượng khí thải của cá nhân trong nội bộ các nước. Hầu hết chính phủ các nước không công bố những ước tính về mức tổng dấu ấn khí thải các-bon (họ công bố những số liệu khí thải theo lãnh thổ, như chúng tôi đã nói ở phần trên, chưa đủ để đánh giá tác động thực sự trên môi trường của các chính sách). Chính phủ các nước cũng thất bại trong việc đo lường, một cách đúng đắn, và công bố các ước tính về sự bất bình đẳng trong dấu ấn khí thải các-bon, điều đó có nghĩa là họ không thể dự đoán, một cách đúng đắn, các hiệu ứng phân phối của các chính sách môi trường của họ. Những ước tính mà chúng tôi đã trình bày cung cấp một cơ sở vững chắc để các cuộc bàn luận đó có thể diễn ra. Nhưng nên hiểu rõ rằng: chính phủ các nước vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đưa ra các phép đo đúng đắn về lượng khí thải của cá nhân, trong một khung thời gian phù hợp với hành động chính trị và một cách có hệ thống.

Cách đầu tiên để giải quyết sự bất bình đẳng về khí thải là đo lường, một cách đúng đắn, lượng khí thải của cá nhân trong nội bộ các nước.

LUCAS CHANCEL

9 - Một cách mới để xây dựng chính sách về khí hậu

Có nhiều cách để đạt được các mục tiêu được đề ra cho năm 2030, và không có giải pháp nào phù hợp với tất cả hay công thức thần kỳ nào để triển khai các chính sách giảm thiểu lượng khí thải các-bon. Điều quan trọng hàng đầu là cần phải tính đến mức độ bất bình đẳng cao về lượng khí thải các-bon trong chính quan niệm về chính sách khí hậu. Các loại công cụ khác nhau về chính sách công (cho dù đó là các quy định, các thuế suất, các chính sách ưu đãi hay đầu tư) đều có những tác động khác nhau đối với các nhóm kinh tế-xã hội.

Một trong những kết luận chính của chúng tôi là nếu các nước muốn chệch khỏi quan điểm bình đẳng mà chúng tôi đề xuất (tức là bằng cách yêu cầu tương đối ít hơn các nỗ lực làm giảm lượng khí thải đối với các nhóm người giàu nhất), thì điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những nỗ lực làm giảm lượng khí thải nhiều hơn đối với các nhóm người có thu nhập thấp, vốn là những người có ít nguồn lực hơn để làm giảm chính dấu ấn khí thải các-bon của họ. Các chiến lược này đặt ra vấn đề về việc triển khai các cơ chế bù đắp về tài chính cho các nhóm người có thu nhập thấp và tài trợ một cách công bằng cho các nỗ lực này. Ví dụ về những chính sách khí hậu có tính đến tình trạng bất bình đẳng, một cách hiệu quả, đang hiện diện trên khắp thế giới[4].

Một chiều kích khác, mà phần lớn đã bị các chính sách khí hậu trên hành tinh bỏ qua, đó là tấn công vào dấu ấn khí thải các-bon lớn của những người giàu nhất. Với trách nhiệm to lớn của các nhóm người có thu nhập cao về lượng khí thải toàn cầu (trong phạm vi mỗi nước và ở cấp độ toàn cầu), việc bỏ qua này đáng được bàn luận rộng rãi. Cho đến nay, cách suy nghĩ cổ điển về thuế suất khí thải các-bon vẫn được triển khai trong khuôn khổ thuế suất đồng đều của các cá nhân, ý tưởng cho rằng dù giàu hay nghèo, mọi cá nhân đều phải trả cùng một mức thuế khí thải. Ở các xã hội bất bình đẳng, điều này, trong thực tế (de facto), đã trao nhiều quyền gây ô nhiễm hơn cho những cá nhân giàu nhất, bị ảnh hưởng tương đối ít bởi sự gia tăng giá các-bon, so với các nhóm người có thu nhập thấp.

Để đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải ở các nhóm người giàu nhất, thuế lũy tiến về khí thải các-bon có thể trở thành một công cụ hữu ích. Thuế suất lũy tiến có nghĩa là mức thuế khí thải các-bon sẽ tăng tỷ lệ thuận với mức độ khí thải hoặc mức độ giàu có của các cá nhân. Các đề xuất đã được đưa ra theo hướng này, ngoài ra còn có một thuế suất cụ thể đối với hàng tiêu dùng xa xỉ thâm dụng các-bon cao (có thể bao gồm, ví dụ, vé máy bay hạng thương gia, các du thuyền, v.v.). Trên thực tế, thuế suất lũy tiến về khí thải các-bon chưa phải là đủ. Còn cần phải triển khai những quy định chặt chẽ hơn (ví dụ như các lệnh cấm) về việc tiêu thụ các loại sản phẩm thâm dụng các-bon này, ví dụ về việc mua các dòng xe ô-tô thể thao đa dụng [SUV, Sport Utility Vehicle].

Trên thực tế, thuế suất lũy tiến về khí thải các-bon chưa phải là đủ. Còn cần phải triển khai những quy định chặt chẽ hơn (ví dụ như các lệnh cấm) về việc tiêu thụ các loại sản phẩm thâm dụng các-bon này, ví dụ về việc mua các dòng xe SUV.

LUCAS CHANCEL

10 - Thay đổi mục tiêu: từ người tiêu dùng đến chủ sở hữu tài sản

Cuối cùng, các chính sách về khí hậu nhắm vào việc điều tiết và đánh thuế các danh mục tài sản, thay vì đánh thuế trên việc tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ, đáng được quan tâm nhiều hơn. Người tiêu dùng các sản phẩm thâm dụng các-bon, đặc biệt là các nhóm người có thu nhập thấp và trung bình, thường bị hạn chế trong việc chọn lựa năng lượng, bởi vì họ bị bó buộc trong một hệ thống cơ sở hạ tầng thâm dụng các-bon. Ngược lại, các nhà đầu tư nào lựa chọn đầu tư vào ngành nhiên liệu hóa thạch vẫn làm điều đó trong khi có nhiều lựa chọn khác để đầu tư tài sản của họ. Do đó, việc mua cổ phần của các công ty ngành nhiên liệu hóa thạch, vốn tiếp tục phát triển các dự án khai thác, cần phải được điều tiết chặt chẽ. Các biện pháp như thế có thể kèm theo, trong một thời gian ngắn và trước khi các lệnh cấm có hiệu lực, những thuế suất lũy tiến cao đối với việc sở hữu cổ phần các công ty gây ô nhiễm.

Có thể triển khai một thuế suất lũy tiến đối với các siêu triệu phú trên toàn cầu, bao gồm một thuế suất bổ sung liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm, dựa trên việc sở hữu cổ phần các công ty dầu khí lớn nhất thế giới. Có thể áp dụng một mức giảm thuế khi các công ty chuyên kinh doanh nhiên liệu hóa thạch này đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Và nếu công ty nói trên chuyển hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo, thì các cổ đông của công ty sẽ không phải đối mặt với thuế suất bổ sung liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm nữa. Thế nhưng, vẫn còn rất lâu để điều nói trên trở thành hiện thực: các công ty dầu mỏ lớn nhất chỉ đầu tư có 2% vào các nguồn năng lượng tái tạo[5]. Do đó, những thay đổi triệt để về quyết định đầu tư sẽ là điều cần thiết để không phải chịu thuế suất bổ sung liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm.

Lucas Chancel (1987-)

Theo mô phỏng của chúng tôi, việc triển khai một thuế suất 10% lên giá trị các tài sản các-bon thuộc sở hữu của các siêu triệu phú trên toàn cầu có thể tạo ra ít nhất 100 tỷ đô-la mỗi năm. Số tiền này không phải là không đáng kể: nó chiếm khoảng 1,5 lần chi phí ước tính hàng năm hiện tại để các nước đang phát triển thích ứng với hiện tượng nhiệt độ thời tiết nóng lên toàn cầu (khoảng 70 tỷ đô-la vào năm 2020). Tuy nhiên, so với mức đầu tư bổ sung trong hiện tại cần thiết đối với các cơ sở hạ tầng năng lượng ở cấp độ toàn cầu, thì số tiền nói trên vẫn còn ít. Người ta ước tính cần phải đầu tư thêm hàng năm 2% GDP toàn cầu (tức là khoảng 2 nghìn tỷ đô-la). Thật vậy, các khoản đầu tư mới này vào cơ sở hạ tầng năng lượng, cần thiết để giải quyết thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi những nguồn tài trợ mới đáng kể, vốn khó có thể được huy động chỉ bằng thuế suất đánh trên các tài sản gây ô nhiễm cao. Tuy nhiên, thuế suất lũy tiến đánh trên các tài sản thâm dụng các-bon và phi các-bon sẽ vẫn là những công cụ thiết yếu để đảm bảo có được đủ nguồn tiền để chính phủ các nước thực thi các hoạt động đầu tư, một cách kịp thời.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Qui pollue vraiment? 10 points sur les inégalités et la politique climatique, Le Grand Continent, ngày 08/06/2022.

----

Bài có liên quan:




NGUỒN:

[1] Nguồn: Ngân sách khí thải các-bon toàn cầu.

[2] Hai số liệu này đã được ước tính với 83% độ tin cậy.

[3] Ở đây chúng tôi tham chiếu các tài liệu và thảo luận về các nguyên tắc công bằng khí hậu và các ứng dụng của chúng, để xác định một chiến lược chia sẻ chi phí: Grasso, M. & Roberts, T. (2014); Fuglestvedt, J. S & Kallbekken, S. (2015); Matthews, HD (2015); Raupach, MR và cộng sự. (2014); Landis, F. & Bernauer, T. (2012).

[4] Ở British Columbia (tỉnh bang cực tây của Canada), thuế khí thải các-bon đã được triển khai với một lượng lớn chuyển giao cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, nhằm đảm bảo tính bền vững xã hội của cuộc cải cách. Ở Indonesia, các cuộc cải cách đối với hệ thống trợ cấp năng lượng đã được ghép đôi với các khoản đầu tư quan trọng vào hệ thống chăm sóc y tế công cộng, phần lớn được tài trợ từ việc tăng nguồn thu thuế từ thuế năng lượng. Ở Thụy Điển, trong nhiều thập kỷ, những đầu tư công quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng sử dụng các-bon thấp đã cho phép các nhóm người có thu nhập thấp tiếp cận được các nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng, và khi cuối cùng thuế khí thải các-bon được áp dụng, thì các nhóm người có thu nhập thấp có được cơ hội để chọn lựa giữa các nhiên liệu hóa thạch với các tùy chọn nhiên liệu xanh hơn.

[5] Financial Times, “Lex in depth: the $900bn cost of ‘stranded energy assets’ [“Phân tích chuyên sâu: 900 tỷ đô-la các ‘tài sản năng lượng bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn’”], tháng 2 năm 2020.

Print Friendly and PDF