“KINH TẾ HỌC QUY ƯỚC”: GIỮA PHẢN TƯ VÀ ĐÁNH GIÁ CHUYÊN GIA[1]
Alain Desrosières
Alain Desrosières (1940-2013) |
Hai trào lưu phi chính thống của khoa học kinh tế xuất hiện ở Pháp trong những năm 1970 và 1980: trường phái điều tiết và kinh tế học quy ước. Cả hai đều có sự tham gia của những nhà nghiên cứu từng được đào tạo là kĩ sư, nặng về toán học. Tuy nhiên họ khác nhau ở cách sử dụng các phương pháp thống kê và kinh trắc, vốn ít quan trọng hơn đối với các nhà kinh tế quy ước. Trào lưu nghiên cứu kinh tế học quy ước được phát động trong một số đặc biệt của tạp chí Revue économique vào tháng ba năm 1989. Sáu tác giả đã cộng tác để khởi thảo một tuyên ngôn về một cách tiếp cận mới của khoa học kinh tế. Thế mà bốn người trong số họ được đào tạo như là nhà thống kê. Họ đã quen biết nhau và cùng làm việc ở Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1980: François Eymard-Duvernay, André Orléan, Robert Salais và Laurent Thévenot. Duy chỉ Jean-Pierre Dupuy và Olivier Favereau là không có quan hệ với INSEE. Thế mà nhiều nghiên cứu phong phú được tiến hành sau đó từ hệ ý mới này ít sử dụng những phương pháp định lượng (đặc biệt là kinh trắc học) được coi trọng trong kinh tế học chính thống, hay trong những trào lưu phi chính thống như trường phái điều tiết.
Giải thích điều có vẻ là nghịch lí này thôi thúc tái hiện thời khắc này trong lịch sử dài hơn của kinh tế học và của các khoa học xã hội. Chúng tôi thấy ở đây một giai đoạn ngã rẽ của các khoa học này, diễn ra kể từ những năm 1980, kéo theo một thay đổi sâu sắc cương vị khoa học và chính trị của những kĩ thuật định lượng. Đặc biệt, việc xem xét thời khắc này dẫn đến vấn đề những quan hệ tinh tế các quan hệ giữa, một mặt, sự quan tâm đến tính phản tư và, mặt khác, một nhu cầu đánh giá chuyên gia hướng đến khoa học kinh tế. Do truyền thống riêng của Pháp về các đoàn thể kĩ sư, một vài thành viên của INSEE, trong những năm từ 1960 đến 1980, đã có một vai trò đặc biệt, đáng ngạc nhiên theo quan điểm của thế giới anglo-saxon, trong giai đoạn này của lịch sử các khoa học xã hội[2].
Lò đào tạo của Ensae trong những năm 1960
Edmond Malinvaud (1923-2015) |
Maurice Allais (1911-2010) |
Được thành lập năm 1946, INSEE ngay từ đầu, khác với các cơ quan tương đương trong những nước khác, không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ của một tổng cục thống kê theo nghĩa hẹp, mà còn sản xuất những nghiên cứu kinh tế (hai chữ EE trong tên viết tắt của nó). Những chuyên gia của viện này (“administrateur de l’INSEE), tốt nghiệp từ một “trường lớn” (theo nghĩa của hệ thống giáo dục Pháp) là Trường quốc gia thống kê và quản lí kinh tế (ENSAE) nhận được sự đào tạo cao cấp về thống kê và xác suất, và kể về kinh tế, kinh trắc học và một ít xã hội học. Ngay từ những năm 1950, nhà kinh tế Edmond Malinvaud (sẽ là giám đốc INSEE từ năm 1974 đến năm 1987) đã nhập về Pháp và giảng dạy ở ENSAE kinh trắc học của Cowles Commission ở Mỹ, nơi ông từng làm việc năm 1950. Tương tự như vậy, Maurice Allais, một kĩ sư thuộc đoàn kĩ sư mỏ, giảng dạy những khoá đầu tiên về kinh tế toán xuất phát từ Walras và Pareto, không phải ở đại học, mà ở Trường Mỏ. Sinh viên ENSAE đều theo học các khoá này. Cũng trong những năm 1950 và 1960, hai công cụ mới được các định chế thống kê phát triển: hệ thống tài khoản quốc gia và các cuộc điều tra chọn mẫu xã hội-kinh tế. Đây là một thời kì tăng trưởng kinh tế và có sự lạc quan lớn về những tiềm năng của các khoa học xã hội, đặc biệt là các khoa học xã hội định lượng, đi cùng với sự tiến bộ trên.
Jan Tinbergen (1903-1994) |
Trygve Haavelmo (1911-1999) |
Thật vậy, kể từ những năm 1930 và 1940, các khoa học này đã trở thành định lượng theo những cách thức đa dạng. Một kinh trắc học cực kì toán học hoá và đậm dấu ấn của xác suất và thống kê suy luận ra đời ở Hoa Kì trong những năm 1940, với các tác giả người Na Uy Trygve Haavelmo, người Hà Lan Jan Tinbergen và Tjalling Koopmans (Armatte, 1995). Kinh trắc học đã được sử dụng đầu tiên trong khuôn khổ của các mô hình vĩ mô keynesian. Rồi một xã hội học thực nghiệm định lượng được Paul Lazarfeld đẩy mạnh ở Hoa kì, và sau năm 1945 được phát triển ở Pháp, tại INSEE hay Viện quốc gia nghiên cứu dân số (INED) hơn là trong các phòng thí nghiệm đại học. Cuối cùng sử học của “trường phái Annales” cũng trở thành định lượng (hay “chuỗi”), dưới ảnh hưởng của François Simiand, Ernest Labrousse và ngay cả của François Furet (trước khi tác giả này chuyển hướng sau bước ngoặt của những năm 1980).
François Furet (1927-1997) |
Michel Aglietta (1938-) |
Các nhà kinh tế-thống kê trẻ được đào tạo ở ENSAE trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 chịu những ảnh hưởng mâu thuẫn nhau. Một mặt, sự lạc quan đối với sự định lượng có tính duy khoa học đi cùng với những ánh hào quang cuối cùng của một xã hội tăng trưởng mạnh và có một tỉ suất thất nghiệp thấp[3]. Mặt khác, những mầm phản kháng khuấy động một giới trẻ cực kì nhạy cảm với chính trị, tiếp sau cuộc chiến tranh Algérie (kết thúc vào năm 1962) và mùa hè năm 1968. Chủ nghĩa Marx vẫn còn ảnh hưởng lớn. Năm 1965, tổ chức “Liên hiệp sinh viên cộng sản” (cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau) hoạt động rất tích cực trong môi trường sinh viên, và đặc biệt ở ENSAE. Những nhà kinh tế điều tiết đầu tiên (trong đó có Michel Aglietta, cũng được đào tạo ở ENSAE và một thời gian là thành viên của INSEE) mang dấu ấn của cuộc “phản đào tạo” có cảm hứng marxist này. Hơn nữa, nhà xã hội học trẻ Pierre Bourdieu, từng gặp các nhà thống kê của INSEE tại Algérie trong những năm cuối cuộc chiến tranh, bắt đầu hợp tác với họ cho đến những năm 1980. Ông dạy một thời gian ở ENSAE từ năm 1963 đến 1966. Tại đây ông đã giới thiệu mối lo lắng thường xuyên đến sự phản tư đối với các thực thành thống kê, mầm mống đầu tiên (trong số những mầm mống khác) của những câu hỏi sẽ dẫn đến kinh tế học quy ước.
Ý tưởng về sự phản tư này được thể hiện bằng nhiều cách. Trước tiên trong những năm 1970, việc lịch sử hoá các phạm trù và điều tra thống kê thu hút sự chú ý đến những quan hệ tương hỗ (thường không được cách nhìn thuần tuý thực chứng và duy khoa học lúc bấy giờ đang thống trị nhận rõ) giữa cấu trúc các công cụ thống kê này và các thế giới xã hội trong đó chúng được triển khai và cung cấp cho những luận chứng. Rồi sau đó ít lâu, vào đầu những năm 1980, một sự chú ý đặc biệt nhắm đến các thao tác phân loại xã hội và mã hoá thống kê sẽ là bước dạo đầu chính của kinh tế học quy ước. Cuối cùng, vào năm 1984, những nghiên cứu được tiến hành tại INSEE về các công cụ quản lí, quy tắc và quy ước cấu trúc nên các thị trường lao động (thương thảo, định danh, quan hệ làm công ăn lương) sẽ là ma trận từ đó kinh tế học quy ước trực tiếp nổi lên (Salais và Thévenot, 1986). Nhưng trong trường hợp này, bản chất của sự lượng hoá không nằm ở trung tâm của những suy tưởng nữa. Ta điểm lại dưới dây ba thời khắc này và nhận xét rằng, trong cả ba trường hợp, đều có một tâm trạng phê phán đối với quan niệm của các khoa học xã hội thống trị trong giai đoạn trước.
Lịch sử hoá các phân loại và sự chú ý các quy trình mã hoá
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
Việc làm rõ rằng các danh mục do các thống kê công sử dụng tiến hoá và là những sản phẩm của lịch sử là kết quả của bước lùi để phản tư các công cụ thống kê được Bourdieu gợi ý. Bernard Guibert, Jean Laanier và Michel Volle tiến hành năm 1971 công trình tiên phong về lịch sử danh mục của các ngành công nghiệp tại Pháp trong các cuộc điều tra và tổng điều tra kể từ thế kỉ 18. Các tác giả cho thấy là các phân loại này thay đổi nhiều, lần lượt dựa trên các nguyên vật liệu, các kĩ thuật sản xuất, rồi các cách sử dụng sản phẩm. Việc ghi nhận rằng công cụ, trước đây được cảm nhận là “trung tính và khách quan”, gắn liền với một bối cảnh sử dụng chính trị và xã hội, đã mở đường cho một loạt những nghiên cứu lịch sử khác, về các cuộc điều tra công nghiệp (Volle, 1982), các danh mục xã hội - nghề nghiệp (Desrosières, 1977; 1993), thất nghiệp (Salais, Baverez, Reynaud 1986), các cuộc điều tra tính cơ động xã hội (Thévenot 1990). Năm 1976, INSEE tổ chức tại Vaucresson một hội thảo với các sử gia chủ trương “sử học chuỗi” trên chủ đề “Vì một lịch sử thống kê”.
Lucien Febve (1878-1956) |
Marc Bloch (1886-1944) |
Một dịp tìm nhau nhưng không gặp nhau kì lạ đã diễn ra: các nhà sử học có những yêu cầu về các nguồn và các “chuỗi dài hạn” trong khi các nhà thống kê lại hối thúc họ lịch sử hoá cũng các nguồn này, bằng cách đặt cho họ nhiều những câu hỏi khác hơn là các vấn đề dẫn đến việc phân tích thống kê các chuỗi và các bảng số liệu. Thật vậy, thực hành kinh điển và đáng kính của các nhà thống kê về sự “phê phán các nguồn” đã chuẩn bị họ chuyển đổi cái nhìn: vấn đề là nhìn việc sản xuất thống kê tự bản thân nó là thú vị, chứ không chỉ như một nguồn có thể của những “chuỗi liên tục bị đứt đoạn”. Hội thảo này dẫn đến việc INSEE công bố vào năm 1977 và 1987 hai cuốn kỉ yếu có tựa “Vì một lịch sử thống kê”, tập hợp những nghiên cứu của các nhà sử học và các nhà thống kê. Sau này, kể từ những năm 1980, ưu thế của các phương pháp định lượng trong sử học giảm dần. Việc tái định hướng này, ví dụ, sẽ là một yếu tố của “bước ngoặt phê phán” được tạp chí Annales thông báo năm 1988. “Bước ngoặt” này là một khía cạnh của ngã rẽ nói đến ở trên. Để tóm tắt ngắn gọn, vấn đề là chuyển từ một lịch sử đặt trọng tâm vào ý tưởng “trong dài hạn”, lấy cảm hứng từ Marc Bloch và Lucien Febve, những nhà sáng lập trường phái Annales, thường có tính định lượng, kinh tế và xã hội hơn là chính trị, đúng hơn là có tính cấu trúc, đôi khi có cảm hứng marxist, sang một lịch sử mang dấu ấn của các lí thuyết hành động và những khoa học xã hội thực dụng “mới”, và nhất là có tính phản tư và ít định lượng hơn.
Laurent Thévenot (1949-) |
Luc Boltanski (1940-) |
Vào đầu những năm 1980, INSEE tiến hành xem xét tỉ mỉ các qui trình phân loại hoá và mã hoá nhân việc tu chỉnh danh mục phân loại xã hội - nghề nghiệp (CSP) do Jean Porte thiết lập vào đầu những năm 1950 và từ đó được sử dụng trong các cuộc tổng điều tra dân số và điều tra chọn mẫu. Phỏng theo những nghiên cứu phân loại học trong những bộ môn khác, việc rà xét lại này cho thấy là có hai phương pháp phân loại được triển khai trong các CSP của Porte: phương pháp “tiêu chí”, dựa trên những tiêu chí logic tổng quát, và phương pháp “theo điển hình” dựa trên những điểm giống nhau, từ điểm này sang điểm khác, xung quanh các “trường hợp điển hình” (Rosch và Llyod, 1978). Luc Boltanski, một nhà xã hội học từng làm việc gần với Bourdieu, và Laurent Thévenot, một nhà thống kê thuộc INSEE, tiến hành một loạt nghiên cứu thực nghiệm về những cách mà hằng ngày các tác nhân xã hội làm những thao tác phân loại xã hội (Boltanski và Thévenot, 1983). Đối với một số tác giả, danh mục CSP, vốn không chỉ được INSEE và còn cả nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội và các phòng nghiên cứu và tiếp thị tư nhân sử dụng, là hỗn tạp, đặt gần nhau một cách vô trật tự, những tiêu chí và những cách mã hoá và phân loại vô cùng khác nhau. Đặc biệt phê phán này là của các lí thuyết gia marxist hay của các nhà kinh tế tân cổ điển, những ai muốn có một “tiêu chí đơn giản” về phân loại xã hội hay kinh tế.
Chính từ tính đa dạng và đa bội này khiến các lí thuyết gia bực tức đã nổi lên một tra vấn tổng quát hơn về một mặt, tính bội của những quy ước tương đương làm điểm tựa cho các quy trình phân loại hoá, và mặt khác, và những do dự có thể của các tác nhân khi phải phân loại những con người và những đánh giá cần thiết để đưa họ ra khỏi một mục phân loại. Thévenot (1983) mô tả thời kì này trong bài viết có tựa “Nền kinh tế của sự mã hoá xã hội” báo trước bài viết năm 1986 về các đầu tư hình thức. Cuộc tra vấn này cũng còn dựa trên những công trình trước đó của Boltanski về Les Cadres (1982) và trên những “đánh giá về tính bình thường” mà nhật báo Le Monde nhận được (Boltanski, Darré, Schiltz 1984). Những phân tích có hệ thống về tính bội này, về những do dự và đánh giá dẫn Boltanski và Thévenot đến việc kiến tạo “các nền kinh tế của giá trị chung” (1994), một trong những văn bản tham chiếu của kinh tế học quy ước. Như vậy kinh tế học này phụ thuộc một phần vào những nghiên cứu được tiến hành trong xã hội học tiếp theo các công trình lấy cảm hứng ban đầu từ Bourdieu. Mặc dù những nghiên cứu này được quan niệm bằng cách tự phân biệt với, và thậm chí đối lập với phương pháp của Bourdieu, rõ ràng là các tác giả trên biết rõ và có trong đầu mình phương pháp này[4].
1984: những bước đầu của kinh tế học quy ước
Alain Lipietz (1947-) |
Robert Boyer (1943-) |
Hai trào lưu phi chính thống của kinh tế học Pháp được hình thành trong bước ngoặt của những năm 1980: trước tiên là trường phái điều tiết, xuất phát từ những công trình tiên phong của Michel Aglietta, Robert Boyer, Alain Lipietz và Brumo Théret, rồi sau đó là kinh tế học quy ước được đề cập ở đây. Trong số mười tác giả được nêu tên là ở cội nguồn của một trong hai trào lưu này, chín người xuất thân từ các trường kĩ sư, thay vì từ các đại học: Aglietta (Trường Bách khoa và ENSAE), Boyer (Trường Bách khoa và Trường Cầu Đường), Dupuy (Trường Bách khoa và Trường Mỏ), Eymard-Duvernay (Đại học và ENSAE), Lipietz (Trường Bách khoa và Trường Cầu Đường), André Orléan (Trường Bách khoa và ENSAE), Salais (Trường Bách khoa và ENSAE), Théret (Trường Centrale), Thevenot (Trường Bách khoa và ENSAE). Duy chỉ có Olivier Favereau, thạc sĩ khoa học kinh tế, là được đào tạo ở đại học. Họ được đào tạo ở trình độ cao về toán và thống kê. Trong số này các nhà điều tiết đã phát triển việc lí thuyết hoá kinh tế vĩ mô và lịch sử vĩ mô, lúc khởi thuỷ có một phần cảm hứng marxist và keynesian, đặt cơ sở trên những ý niệm chế độ tích luỹ và quan hệ làm thuê). Kể từ những năm 1970, họ đã có kinh nghiệm về mô hình hoá kinh tế vĩ mô (Boyer, 2004).
Robert Salais (1941-) |
Ngược lại các nhà quy ước quyết tâm đặt lại vấn đề những nguyên lí cơ bản của “lí thuyết chuẩn” của kinh tế học vi mô, bằng cách bổ sung vào ý niệm thông thường về quy ước một chiều kích “kiến giải”, xuất phát một phần từ các phân tích về những do dự trong việc mã hoá thống kê. Các nhà điều tiết và các nhà quy ước có chung địch thủ là những người bảo vệ lí thuyết vi mô tân cổ điển chuẩn và phi lịch sử. Nhưng họ phê phán lí thuyết này từ những quan điểm khác nhau, nếu không nói là bổ sung cho nhau. Họ quen biết nhau, thường gặp gỡ và mời nhau dự các hội thảo của mình. Chẳng hạn, Robert Boyer đã tích cực tham gia hội thảo “Các công cụ quản lí lao động” do François Eymard-Duvernay, Robert Salais và Laurent Thévenot tổ chức tại INSEE vào tháng mười năm 1984. Đây là bước đầu tiên của kinh tế học quy ước (cho dù lúc bấy giờ thuật ngữ này chưa được sử dụng). Kỉ yếu của hội thảo được Salais và Thévenot công bố ở INSEE năm 1986 với tựa đề “Lao động, các thị trường, các quy tắc, các quy ước” (sau đây kí hiệu là TMRC). Hai mươi năm sau, vào tháng mười hai năm 2003, một hội thảo khác tập hợp những nhà kinh tế thuộc hai trào lưu phi chính thống (Eymard-Duvernay, 2006).
Harrison C. White (1930-) |
Olivier Favereau (1945-) |
Một ý tưởng tạo lập kinh tế học doanh nghiệp là có nhiều logic doanh nghiệp, không quy giản về một mục tiêu duy nhất. Ngay từ năm 1982, Eymard-Duvernay đã trình bày các logic này trong một nghiên cứu tiên phong về công nghiệp đồng hồ có tựa là “Tính cố kết của ngành và sự đa dạng của doanh nghiệp” (Bony và Eymard-Duvernay, 1982). Một phân tích kinh tế cấu trúc các công việc và bản tổng kết tài sản các doanh nghiệp cho thấy sự đa dạng của các hình thức quản lí lẫn của phẩm chất các sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này đưa vào một sự căng thẳng trong chính ngay ý niệm ngành. Ý tưởng này, vốn xa lạ với kinh tế học truyền thống về doanh nghiệp, sẽ trở thành một trong những nguồn gốc của kinh tế học quy ước. Nhà nghiên cứu ở đại học Olivier Favereau liền xác lập một mối quan hệ với những công trình của nhà xã hội học Harrison White, và điều này sẽ là cơ hội cho sự kết nối đầu tiên giữa Favereau và các nhà thống kê-nghiên cứu của INSEE.
Việc đọc lại TMRC, hơn hai mươi lăm năm sau hội thảo “Các công cụ quản lí lao động”, cho thấy bối cảnh của sự ra đời của kinh tế học quy ước, sự gặp nhau của những nhà thống kê và những nhà kinh tế về lao động và việc làm, tất cả đều quan tâm đến một suy tư phê phán tinh tế về những công cụ mà họ được giảng dạy: đối với các nhà thống kê, đó là sự lượng hoá như tiêu chí của tính duy sự kiện (factualité) và của việc phản ánh một thực tại độc lập với những điều kiện ghi nhận nó, và đối với các nhà kinh tế về lao động và việc làm là lí thuyết tân cổ điển chuẩn áp dụng vào lao động. Nếu mục tiêu thứ hai đã khởi nguồn cho những công trình quan trọng trong lịch sử sau này của kinh tế học quy ước, điều đó không hẳn đúng cho việc nghiên cứu những cách sử dụng xã hội sự lượng hoá (từ này gộp chung thống kê, kế toán doanh nghiệp và hệ thống tài khoản quốc gia). Thế mà nhiều văn bản của TMRC ngầm nhắm vào sự phê phán thống kê như nó được thực hành thời bấy giờ, đặc biệt là từ văn bản tiên phong của Eymard-Duvernay và Thévenot về “Những đầu tư hình thức: các cách sử dụng chúng cho việc quản lí nhân công” được công bố như tài liệu nội bộ của Vụ Việc làm của INSEE vào tháng tám năm 1983 và là khởi điểm cho bài năm 1986 của Thévenot về các đầu tư hình thức.
Văn bản này, được viết trong bối cảnh của những suy nghĩ về các công cụ thống kê do INSEE sử dụng để phân tích lao động và việc làm, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư tốn kém để định hình và mã hoá các phân loại, về mặt nhận thức và xã hội, được sáng tạo, thương thảo và sử dụng cho việc sử dụng nhân công. Thế mà việc mã hoá này có những hệ quả trực tiếp đến các nguồn (điều tra và tệp tin hành chính) và đến các phân loại được các phân tích thống kê về lao động và việc làm sử dụng. Trực giác ban đầu của tài liệu nội bộ này của INSEE là đặt cạnh nhau ý niệm kinh tế là đầu tư (đặc biệt từ việc xem xét những cuộc tổ chức lại doanh nghiệp theo phương pháp Taylor) và ý niệm hình thức, vốn bắt nguồn từ một truyền thống hoàn toàn khác, truyền thống của triết học nhận thức. Một trong những cội nguồn của trực giác của Thévenot là công trình về danh mục xã hội - nghề nghiệp được các nhà kinh tế, xã hội học và kinh tế (ít hơn) sử dụng. Văn bản năm 1983 này đã được biết đến nhiều và được những người tham gia hội thảo tháng mười một năm 1984 vận dụng vào trường hợp các công cụ quản lí lao động. Dưới đây là một số ví dụ, trích từ các văn bản công bố năm 1986 trong TMRC.
Sự luẩn quẩn của những quy ước và việc định hình thống kê
Bénédicte Reynaud cho thấy là những cuộc thương thảo các thoả thuận tập thể dẫn đến một kiểu pháp điển hoá lao động nhất định, khi chọn lọc một số đối tượng xác đáng, gây thiệt thòi cho một số khác, và điều này là khác nhau tuỳ theo ngành. Tiếp đó, các cuộc điều tra thống kê mô tả các quan hệ làm công ăn lương nhằm vào những biến và phân loại xuất phát từ các thoả thuận tập thể này, và như vậy “tái khám phá” những mô hình quản lí được các thoả thuận này trước đó tổ chức. Theo cùng cách nhìn này, Pierre Rivard quan sát rằng việc sử dụng những pháp điển hoá do xã hội kiến tạo như thế dẫn đến sự thiết lập một sơ đồ giải thích được những dữ liệu thu thập, và các dữ liệu này cũng bắt nguồn từ các mô hình cấu thành các pháp điển hoá trên, tự hợp thức hoá; sơ đồ này có nguy cơ là không đầy đủ (có tính bộ phận - ND). Tương tự như vậy, Joelle Affichard phân tích những cuộc thương thảo để công nhận các văn bằng của hệ thống giáo dục công nghệ do các nhà đào tạo (công hay tư) không trực thuộc Bộ giáo dục cấp. Như vậy bà cho thấy là việc lượng hoá “trình độ bằng cấp”, được sử dụng rất nhiều trong xã hội học giáo dục và đào tạo, phụ thuộc vào những quá trình xã hội phức tạp công nhận sự tương đương giữa những văn bằng do những hệ thống giáo dục khác nhau cấp.
Việc đưa ra ánh sáng hiệu ứng tấm gương phản chiếu này giữa các thực hành xã hội, pháp điển hoá quy ước và biểu trưng thống kê đặc trưng cho cách tiếp cận quy ước của điều tra thống kê trong những năm 1980. Cho dù điều này không nhằm hạ bệ các cuộc điều tra nhưng đúng hơn là soi sáng những giới hạn của chúng về mặt sản xuất những tri thức mới thì trong thực tế nó đã làm suy yếu, nếu không muốn nói là làm tầm nhìn thực chứng ngây thơ bị vỡ mộng. Điều này soi sáng sự tránh xa sau này của các nhà kinh tế quy ước khỏi việc khư khư sử dụng việc lượng hoá (và thường đui mù trước các vấn đề trên), như từng được các trào lưu chính thống và huống chi phi chính thống thực hành. Khó khăn này nằm ở trung tâm của những vấn đề lặp đi lặp lại do việc kiến giải kết quả mà các cuộc điều tra, và, huống hồ là các nguồn số liệu hành chính như ví dụ các nguồn hành chính về thất nghiệp hay tội phạm (Desrosières, 2005) đặt ra. Khó khăn này có thể dẫn đến việc định hướng nghiên cứu xã hội học về sự lượng hoá, chọn làm đối tượng sự luẩn quẩn của hành động và biểu trưng, đặc biệt là sự luẩn quẩn của hành động thống kê và biểu trưng thống kê. Các nghiên cứu này nhắm đến toàn bộ các thao tác xây dựng và sử dụng các công cụ thống kê, nhưng không còn theo cách nhìn “phản ánh thực tại” mà đúng hơn trên quan điểm sản xuất và củng cố một số hiệu ứng trên thực tại, thiệt thòi cho một số hiệu ứng khác, chứ không còn vì một sự hiểu biết độc lập với những cách sử dụng này (Desrosières, 1993, 2008a, 2008b). Đó là điều mà văn bản về những đầu tư hình thức, vốn là kết quả của những suy nghĩ về các chi phí và hệ quả của việc kết tinh hoá các phân loại thống kê, ngầm gợi ý.
Lâu sau này, hướng nghiên cứu trên sẽ được, ví dụ, Salais theo đuổi. Tác giả đã phân tích những chỉ báo của phương pháp phối hợp mở (MOC) do Liên minh châu Âu chủ trương để hài hoà hoá vừa các chính sách xã hội của các quốc gia thành viên vừa so sánh chúng bằng phương pháp benchmarking (Salais, 2004; Bruno, 2008). Ông cũng phân tích những hiệu ứng tai ác của những chỉ báo nhằm dẫn dắt các chính sách xã hội bằng các kết quả đạt được (Salais, 2010). Mặt khác, một nghiên cứu lịch sử do Laurent Thévenot và Olivier Monso (2009) tiến hành trên những biến đổi của các điều tra thống kê về tính cơ động xã hội và nghề nghiệp đã tiếp nối một nghiên cứu tương tự được thực hiện trước đó trong những năm 1970 (Thévenot, 1990). Điều nổi lên là có một sự vô ước giữa những cuộc điều tra tiến hành cách nhau vài thập niên, do những thay đổi trong các nguyên tắc và mục tiêu của các hành động công tiến hành trong những năm 1960 và 2000. Điều này cản trở việc xây dựng các chuỗi dài hạn của các nhà sử học hay các nhà kinh tế thực hành “sử trắc học”, tức là việc áp dụng các phương pháp kinh trắc vào lịch sử dài hạn.
Bruno Latour (1947-) |
Thật vậy, có một ý niệm quan trọng để triển khai một xã hội học về sự lượng hoá, ý niệm quy ước tương đương, xuất phát từ các công trình của Bruno Latour (1984) lẫn của kinh tế học quy ước trong những năm 1980 (xem trên đây, chương 1 và 8). Lợi ích của nó là kết hợp một ý niệm xã hội: quy ước và một ý niệm logic: tương đương. Phải họp nhau để đồng ý điều gì là tương đương. Sự tương đương không bao giờ được cho trước. Ý tưởng này dẫn đến một sự đoạn tuyệt thật sự với quan niệm thực chứng của các khoa học xã hội định lượng, bằng cách tước đi bản chất tự nhiên những phân loại được sử dụng. Một hệ quả của ý tưởng này là quan trọng cho sử học định lượng, hay sử học “chuỗi”, vốn dựa trên việc xây dựng và kiến giải những chuỗi dài hạn. Thế mà sự “tương đương” của những đối tượng được theo dõi trong thời gian cơ bản có tính quy ước, và do đó có thể luôn luôn bị đặt thành vấn đề.
Chẳng hạn, một cuộc tranh luận đã nổ ra năm 1992, nhân việc trước đó một năm hai tác giả thuộc INSEE, Olivier Marchand và Claude Thélot đã xây dựng những chuỗi (rất dài) như thế và công bố tác phẩm Hai thế kỉ của thị trường lao động. Dân số hoạt động và cơ cấu xã hội, thời lượng và năng suất lao động (Desrosières, 1992). Điểm xuất phát: hai ý niệm hoạt động và làm công ăn lương không giữ được cùng một ý nghĩa ở đầu thế kỉ XIX và ở cuối thế kỉ XX. Nhiều nhà sử học, xã hội học và nhà thống kê tham gia tranh luận[5]. Lập luận chính của hai tác giả cuốn sách xoay quanh ý tưởng “mức độ lớn nhỏ” và “xấp xỉ”. Điều này loại bỏ suy nghĩ về các ý niệm tính so sánh được, và quy ước tương đương như là một quy trình hướng đến mục đích hành động hay kiến giải lịch sử, chứ không hướng đến một nhận định đơn giản có tính duy sự kiện. Ý niệm kiến giải, một ý niệm quan trọng của kinh tế học quy ước, vắng bóng trong các kiến trúc những chuỗi dài hạn.
George Akerlof (1940-) |
Trong cuốn sách TMCR năm 1986, François Eymard-Duvernay phát triển ý niệm “định danh vật phẩm”, một quy ước tương đương đặc biệt quan trọng đối với khoa học kinh tế. Thật vậy, lí thuyết cân bằng chung và lí thuyết chuẩn sinh ra từ đó đều đặt sự tồn tại của các “vật phẩm”, các sản phẩm và dịch vụ thành định đề, mà danh sách và các danh mục được giả định là cho trước. Thế mà chính định nghĩa một vật phẩm luôn luôn có vấn đề, không chắc chắn và có khả năng được bàn luận và thương thảo, nằm ngay ở trung tâm của quá trình kinh tế. Một trình bày lí thuyết nay trở thành kinh điển vấn đề này đã được Akerlof (1970) đề xuất, được minh hoạ bằng ví dụ các sản phẩm đã qua sử dụng. Trong lĩnh vực này, văn bản của Eymard-Duvernay mở đường cho nhiều công trình của tác giả và của các thành viên trong ê-kíp của tác giả. Vấn đề này có mặt ngầm ẩn trong trong các cuộc tranh luận kĩ thuật giữa những nhà thống kê của các tổ chức quốc tế để cải cách và hài hoà hoá các danh mục sản phẩm và dịch vụ sử dụng trong các cuộc điều tra và nghiên cứu, mà không có sự tham gia của các nhà kinh tế, dù có thuộc trường phái quy ước hay không. Đây là một hướng nghiên cứu còn ít được khái phá.
André Orléan (1950-) |
Chủ đề về sự bất trắc định tính xuyên suốt kinh tế học quy ước: của các đồng tiền và tài sản tài chính (Orléan), của các sản phẩm và doanh nghiệp và của lao động (Eymard-Duvernay, Salais, Thévenot). Chủ đề này một cách ít nhiều ngầm ẩn kéo theo sự phê phán chỉ mục thống kê, để bổ sung nó, nếu không phải là thay thế nó bằng những phương thức quan sát cho phép phát hiện tinh tế hơn các phẩm chất. Đặc biệt điều này sẽ dẫn Eymard-Duvernay và Thévenot đến gần Trung tâm nghiên cứu việc làm (CEE) hơn. Trung tâm này nổi tiếng với những cuộc điều tra gọi là “định tính” sẽ trở thành, với Pierre Boisard, Marie-Thérèse Letablier, Christian Bessy và Emmanuelle Marchal, một trong những cực của kinh tế học quy ước, trung gian giữa INSEE và các đại học.
Tại CEE, đặc biệt các công trình của Eymard-Duvernay sẽ nhằm vào, cùng với Emmanuelle Marchal và Christian Bessy, các quy trình tuyển dụng người làm công ăn lương và việc đánh giá năng lực các ứng viên, những lãnh địa tuyệt vời để chỉ ra sự bất trắc của lao động, và vai trò của những trung gian công cộng và tư nhân trong việc làm giảm sự bất trắc này. Trong khuôn khổ này, ông sẽ phân biệt những đánh giá theo từng cá nhân (xuất phát, ví dụ, từ các nghiệm pháp tâm trắc học) và những đánh giá “xã hội học” ghi nhận những đặc tính của các tập thể và có sự tham gia của tính duy lí bảo hiểm, và do đó của các công cụ thống kê. Trong trường hợp này, ông nói “thống kê hành chính cho phép làm hiện lên một thực thể mới, là xã hội, một thực thể không phải là cá nhân cũng không phải là tự nhiên, khi cho thấy sự tồn tại của những đều đặn xã hội vĩ mô. Các danh mục xã hội-kinh tế công cụ hoá cách lập luận này” (Eymard-Duvernay và Marchal, 2000, trang 427). Như vậy, thống kê có mặt thông qua những cơ chế bảo hiểm, như một phương tiện kết nối một cá nhân với một tập thể, trong trường hợp này là một lớp tương đương bắt nguồn từ những quy trình mã hoá của thống kê hành chính. Các tác giả còn so sánh việc triển khai có thể một cơ chế bảo hiểm như thế, khi tuyển dụng nhân viên, với những cơ chế hiện đã có cho các tai nạn lao động và thất nghiệp. Thống kê bảo hiểm, “có những liên hệ chặt chẽ với xã hội học của Durkheim”, góp phần chế tạo cái tập thể. Trực giác này mở ra một hướng cho một xã hội học về sự lượng hoá tìm kiếm xem lượng hoá làm gì cho xã hội, chứ không chỉ đơn giản phản ánh những gì trong xã hội.
Adolphe Quetelet (1796-1874) |
John M. Keynes (1883-1946) |
Trong TMCR, về phần mình André Orléan gián tiếp đặt lại vấn đề phiên bản tần số luận thông thường của phép tính xác suất, được các khoa học sử dụng kể từ những nghiên cứu của Quetelet về con người trung bình. Theo quan điểm tần số luận này, có thể lượng hoá sự không chắc chắn dưới dạng một “rủi ro” được tính từ sự lặp lại trước đó của những biến cố, như cách tính của những nhà bảo hiểm. Lấy lại những phân biệt nổi tiếng giữa rủi ro xác suất hoá được và bất trắc của Knight và Keynes, tiếp nối hai tác giả này, ông chỉ ra rằng hầu hết những quyết định mà các tác nhân kinh tế phải lấy thuộc về trường hợp thứ hai là bất trắc không xác suất hoá được. Như vậy các quy ước xuất hiện như những công cụ phối hợp các dự án và quyết định của các tác nhân, và như những công cụ giảm thiểu sự bất trắc. Đối với Orléan, tiền tệ là biểu tượng hoàn hảo của triều đại quy ước, trong lúc các nhà tân cổ điển không thể kiến giải như vậy được. Sau này, sự phối hợp sẽ là một yếu tố trung tâm của kinh tế học quy ước.
Ian Hacking (1936-) |
Frank Knight (1885-1972) |
Ngược lại, nói như Ian Hacking, sự phân biệt rủi ro và bất trắc làm cho “phong cách thống kê” bị yếu đi. Thật vậy, các khoa học xã hội định lượng dựa trên những ý tưởng về tính đều đặn thống kê của các nguyên nhân và hệ quả, giống như cách các hiện tượng tự nhiên được quan sát và định hình. Các ý niệm qui ước, phối hợp và bất trắc không xác suất hoá được đều xa lạ với phương pháp luận thống kê và kinh trắc này. Thế mà còn có một cách khác để tư duy sự lượng hoá, không còn xem nó như một công cụ mô tả thực tại và một công cụ chứng cứ mà, chính xác hơn, như là một hệ thống những quy ước trong số những hệ thống quy ước khác, tức là một công cụ phối hợp, và qua đó cũng là một công cụ cầm quyền.
Phản tư và đánh giá chuyên gia: một bước rẽ của các khoa học xã hội?
Làm thế nào giải thích sự vắng bóng tương đối của các thống kê trong những công trình của các nhà quy ước trong lúc chúng có mặt nhiều thế trong các công trình đầu tiên? Vấn đề là thống kê có thể được những nhà nghiên cứu các khoa học xã hội quan tâm theo hai quan điểm rất khác nhau, một mặt, như là công cụ chứng cứ để hỗ trợ và lập luận bằng những dữ liệu định lượng và, mặt khác, như là công cụ để phối hợp và cầm quyền. Đặc biệt, kiểu quan tâm thứ hai là của các khoa học chính trị khi nghiên cứu vai trò của thống kê để “cầm quyền bằng các công cụ” (Lascoumes và Le Gales, 2004). Trong trường hợp này, người ta nhấn mạnh đến tính chất lịch sử, thương thảo, kiến tạo và quy ước trong yêu cầu thiết yếu của các tác nhân chính trị xã hội đối với đánh giá chuyên gia. Thế mà có thể có sự căng thẳng giữa hai khía cạnh này, công cụ chứng cứ và công cụ cầm quyền, công cụ thứ hai có nguy cơ tra vấn tính thích đáng và đáng tin của những dữ liệu được sử dụng trong trường hợp đầu là công cụ chứng cứ. Quan điểm đầu là quan điểm của khoa học luận cổ điển, nhìn sự lượng hoá như là phương pháp vua của các khoa học hiện đại, và đặc biệt là của các khoa học xã hội (“chỉ có những gì đo lường được mới là khoa học”, khẩu hiệu trên tường các đại học vào thế kỉ XIX). Trong trường hợp này, những nghiên cứu của các nhà điều tiết có vẻ có xu hướng làm yếu đi sức mạnh và hiệu quả của lập luận thống kê, đặc biệt khi làm hiện lên nguồn gốc có tính quy ước của các danh mục, những nhập nhằng của các mã hoá thể hiện các bất trắc định tính mà không đề xuất những hình thức lượng hoá khác. Từ đó, phương pháp luận này không còn được giảng dạy và cũng không bị các nhà quy ước phê phán. Nó gần như rơi vào thinh không, ngoại trừ trong vài nghiên cứu, đặc biệt các nghiên cứu của Salais và Thévenot.
Chẳng hạn Salais, vốn có kinh nghiệm tốt về kinh trắc học, ngay từ nghiên cứu về “sự phát minh thất nghiệp” công bố năm 1986 đã triển khai một kĩ thuật phân tích thống kê độc đáo, phân tích các tương ứng của Jean Paul Benzecri (Greenacre và Basiis. 1994). Lúc bấy giờ phương pháp này rất thịnh hành ở Pháp (đặc biệt trong các nhà xã hội học môn đồ của Bourdieu), nhưng ít được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh. Phương pháp này cho phép ông làm hiện lên mối liên hệ giữa sự tồn tại của những văn phòng trợ giúp tìm việc làm ở các địa phương với việc tự tuyên bố mình là người thất nghiệp trong các cuộc điều tra dân số, đây là một cách chỉ ra hiệu ứng chiếc gương phản chiếu giữa các thể chế và các biểu trưng thống kê.
Một ý tưởng khác đôi lúc được nêu lên để giải thích một cách hậu nghiệm việc ít sử dụng thống kê trong các công trình của các nhà quy ước. Thống kê, theo quan điểm này, được đồng nhất với “vĩ mô” (nghĩa là Nhà nước) trong lúc chương trình nghiên cứu của kinh tế học quy ước lại “vi mô” hơn. Tuy nhiên chương trình này, vốn xem trọng vai trò của việc bàn luận vai trò của thông tin trong các quyết định kinh tế (Favereau, 2000) không thể bỏ qua của kế toán doanh nghiệp, một kiến trúc quy ước tuyệt đẹp, trong các quyết định của các tác nhân kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp. Những nghiên cứu về kế toán có thể có chỗ đứng trong chương trình này (Colasse, 2000; Chapiello và Desrosières, 2006).
Michel Foucault (1926-1984) |
Quan điểm thứ hai để có thể nghiên cứu sự lượng hoá (thống kê, nhưng cả kế toán và hệ thống tài khoản quốc gia) là quan điểm về vai trò của nó như là một công cụ phối hợp và cầm quyền. Quan điểm này được Foucault nhắc tới trong bài giảng của ông tại Collège de France năm 1978. Ông phân biệt, một mặt, những thuộc tính của chủ quyền (thực thi quyền lực tối thượng) và, mặt khác, việc điều hành thường nhật (cầm quyền). Chính trong việc điều hành này mà, theo ông, thống kê đã ra đời trong điều ông gọi là tính cai quản (gouvernementalité) (Foucault, 2004; Dardot và Laval, 2009). Song Foucault không đào sâu trực giác này về sự cai quản bằng các công cụ (Lascombes, 2004). Một ý tưởng tương tự được triết gia về luật học Thomas Berns (2009) trong một cuốn sách nhỏ sáng tỏ, cũng lấy cảm hứng từ Foucault và có tựa là Điều hành mà không điều hành. Một khảo cổ học chính trị về thống kê. Tác giả này trình bày những ý tưởng của Jean Bodin trong Les six Livres de la République (1596), một cuốn sách trong đó đã có sự có mặt của sự phân biệt giữa cầm quyền và điều hành, cũng như một dự án phán quan (từng tồn tại trong nền cộng hoà La Mã) có nhiệm vụ điều tra công dân bằng một cuộc tổng điều tra dân số. Theo một công thức xác đáng của chuyển từ “điều hành thực tại” sang “điều hành theo thực tại”.
Như thế, một thực tại ở bên ngoài Vương quân, thực tại thống kê, được thiết lập. Thực tại thống kê này phải khơi gợi sự tin tưởng mới có thể thao tác được, cũng giống như tiền tệ, được Oléan phân tích, phải khơi gợi sự tin tưởng để có thể được chấp nhận trong thanh toán, bằng cách tạo ra, trong cả hai trường hợp, một sự tin tưởng được thiết chế tốt. Thống kê và tiền tệ là những quy ước, có được sức mạnh của chúng từ một biện chứng tinh tế giữa sự độc lập và bảo đảm chủ quyền (Aglietta và Oléan, 2002). Có thể so sánh yêu cầu độc lập của Định chế thống kê với yêu cầu độc lập của Ngân hàng trung ương đối với quyền lực chính trị. Hai sự độc lập này được ghi nhận trong các văn bản sáng lập Liên minh châu Âu, tuy nhiên sự độc lập của Ngân hàng có một cương vị cao hơn vì nó được ghi trong Hiệp ước Maastrich năm 1992, trong khi sự độc lập của thống kê chỉ là đối tượng của một “Luật những thực hành tốt” được thông qua năm 2005. Có thể đẩy xa so sánh này hơn nữa khi xem xét những điều kiện của những khả năng hài hoà hoá, rồi thống nhất hoá các thống kê và đồng tiền quốc gia của Liên Minh: có thể so sánh việc thiết lập một thống kê châu Âu hợp nhất với việc thiết lập đồng euro. Như vậy hiệu quả nhận thức và xã hội của hai hệ thống tin tưởng này phụ thuộc vào tổ hợp không ổn định giữa một tính khách quan bên ngoài và uy tín của Nhà nước. Ta thấy rõ điều này nhất là khi xây dựng một hệ thống tài khoản quốc gia, kết hợp hai tính chính đáng, tính chính đáng của tiền tệ như một đơn vị tính toán, và tính chính đáng của một thống kê có những hệ quả trực tiếp, như đã thấy với các “tiêu chí Maastrich” để tham gia Liên minh (thâm hụt và nợ công) và, trong trường hợp ngược lại, của cuộc khủng hoảng năm 2009 do đánh mất sự tin tưởng dành cho các thống kê Hy lạp.
Chương trình nghiên cứu quy ước dứt khoát tự đặt mình ở thượng nguồn của những quyết định và hành động kinh tế, khi tập trung chú ý vào những thời khắc do dự, kiến giải hay đánh giá chưa được định danh và nhận diện như là thuộc lĩnh trường nhận thức hay thực dụng nào. Thế mà sự tin tưởng mà những cách sử dụng có tính xã hội của thống kê, cũng như của tiền tệ, đòi hỏi giả định là các do dự và tra vấn trên đã được giải quyết và quên mất. Chẳng hạn thời kì của những năm 1970 và 1980 dường như là thời khắc của một ngã rẽ lớn trong toàn bộ các khoa học nhân văn. Trước đó, một quan niệm lạc quan về đo lường, xuất phát từ các khoa học tự nhiên, có vẻ bảo đảm cho tính khoa học của các bộ môn này, về mặt nghiên cứu “thuần tuý” về mặt lẫn nghiên cứu “ứng dụng” nhằm hỗ trợ việc ra quyết định và hành động. Rồi bằng điều được gọi, tuỳ trường hợp, là bước ngoặt phê phán, bước ngoặt thông diễn hay bước ngoặt ngôn ngữ, có những chương trình nghiên cứu phản tư quan tâm đến các công cụ nhận thức được các khoa học nhân văn, không chỉ kinh tế học, mà cả sử học, xã hội học, nhân học vận dụng. Do đó đã xuất hiện một ngã rẽ giữa, một mặt, những nghiên cứu về thượng nguồn này bằng cách tra vấn những sơ đồ nhận thức, thể theo một truyền thống lớn của triết học về nhận thức và, mặt khác, những nghiên cứu ứng dụng, hướng đến đánh giá chuyên gia, mà các phân loại và sơ đồ này, đặc biệt là các phân loại và sơ đồ thống kê, được cho là đã sở đắc. Từ đó tính phản tư dường như tương phản với đánh giá chuyên gia vì một bên muốn mở những hộp đen trong khi bên kia cho là đã đóng kín. Như vậy có thể xem là kinh tế học quy ước tham gia vào một phong trào rộng lớn hơn này, khi đưa vào trong khoa học kinh tế một sự phản tư về các công cụ hiểu biết của nó, đặc biệt là các thống kê, một sự phản tư mà khoa học này ít quen thuộc.
Vì một cách tiếp cận quy ước về sự căng thẳng giữa phản tư và đánh giá chuyên gia
Điều này không kéo theo là các khoa học xã hội phản tư quay lưng với nghiên cứu thực nghiệm, các nghiên cứu này vẫn được tiến hành nhưng xem nhẹ khía cạnh “định lượng” hơn và có lợi cho điều thường được gọi (một cách vụng về) là “định tính”, tức là các chuyên khảo, các quan sát trực tiếp, các cuộc trò chuyện, các phân tích tư liệu lưu trữ. Kiểu chất liệu thực nghiệm này phù hợp hơn với việc kiến giải theo những ngữ pháp khác biệt nhau và giải thích vì sao kinh tế học quy ước ưa chuộng kiểu chất liệu này hơn các cuộc điều tra thống kê. Trái lại, các khoa học xã hội có đánh giá chuyên gia, đặc biệt là kinh tế học chuẩn, được sử dụng nhiều hơn như là công cụ cầm quyền hay tư vấn cho hành động. Các khoa học này sử dụng rộng rãi những “dữ liệu thống kê”[6] chính ở chức năng là công cụ chứng cứ của chúng. Kinh tế học, như là khoa học cầm quyền và “khoa học kĩ thuật” (“ingénierie”) (Armatte 2010), sử dụng rộng rãi ý niệm biến mà chúng ta muốn nhắm đến (mục tiêu) hay tác động vào (công cụ), theo quan điểm của một nhà kĩ sư xã hội. Các kĩ thuật kinh trắc nêu bật vấn đề “hiệu ứng thuần tuý của một biến”, hay “hiệu ứng nhân quả” nhằm đánh giá những hiệu ứng được chờ đợi của hành động này hay hành động khác. Có thể làm điều này một cách gián tiếp bằng những phương pháp hồi quy, hay ngay cả trực tiếp bằng những thử nghiệm ngẫu nhiên hiện đang phát triển mạnh mẽ (Labrousse, 2010). Như vậy, trong thực tế được thay thế cho vấn đề tác nhân trong xã hội, ý niệm biến, một ý niệm thiết yếu trong các khoa học có đánh giá chuyên gia, có xu hướng làm thay đổi đặc thù của các khoa học xã hội.
Mặt khác, việc các khoa học phản tư “mở lại các hộp đen” có thể là một cái phanh kìm hãm hiệu quả của lập luận thống kê. Ta thấy điều này trên vấn đề các “siêu dữ liệu” (hay “dữ liệu về các dữ liệu”). Theo đúng phương pháp luận, các siêu dữ liệu này là cần thiết. Thế mà lập luận thống kê càng hiệu quả khi nó được viện dẫn “trống không”: quá nhiều siêu dữ liệu giết chết dữ liệu. Thường (nay thay không phải là luôn luôn) đánh giá chuyên gia và phản tư khó sống chung với nhau. Tất nhiên nhận xét này không có tính chuẩn tắc, nhưng mở ra một hướng nghiên cứu thực nghiệm những cách sử dụng xã hội các luận chứng thống kê. Chẳng hạn, bằng những quy ước tương đương và mã hoá của mình, thống kê (theo từ nguyên là khoa học về Nhà nước) tương đẳng với hành động tập thể, tối ưu hoá, ra quyết định, kế toán, bảo hiểm, đánh giá rủi ro, dịch tễ học, quản lí nhà trường, hoạt động của các toà án, luật pháp công... mở ra một phổ rộng những nghiên cứu qui ước có thể về sự lượng hoá và những cách sử dụng sự lượng hoá.
Chúng tôi xuất phát từ mâu thuẫn biểu kiến giữa, một mặt, nguồn gốc một phần là “thống kê” của kinh tế học qui ước và, mặt khác, việc kinh tế học này sau đó ít sử dụng công cụ thống kê. Điều này đã khiến chúng tôi suy nghĩ đến những liên hệ giữa công cụ này với những cách “sử dụng chuyên nghiệp” khoa học kinh tế. Những liên hệ này phân biệt một phần khoa học kinh tế với các khoa học xã hội khác, các khoa học này đã dễ dàng hơn trong việc tích hợp “bước ngoặt phản tư” trong những năm 1980. Tách xa khỏi trường hợp của kinh tế học qui ước dẫn chúng tôi nêu giả thiết là trong thực tế có một sự không tương thích tương đối, chắc chắn là đáng tiếc nhưng khó tránh về mặt xã hội, giữa đánh giá chuyên gia và phản tư. Có thể suy nghĩ về những gì mà chương trình quy ước có khả năng đóng góp vào việc xem xét những thời khắc đổi mới, khi chính các hộp còn chưa đen của những công cụ của sự đánh giá chuyên gia trong tương lai vẫn còn để mở. Để kết luận, xin điểm qua một vài thời khắc như thế.
Lịch sử thống kê cung cấp nhiều ví dụ về các trường hợp mà những biến đổi của các phương thức cầm quyền và các công cụ của các phương thức này trực tiếp gắn liền với sự xuất hiện (và biến mất) của các công cụ thống kê. Ví dụ, cuộc khủng hoảng năm 1929 không chỉ dẫn đến cuộc “cách mạng keynesian” mà còn đến cả cỗ máy phức tạp của hệ thống tài khoản quốc gia, nghĩa là mô hình hành động trên đó các chính sách “keynesian” dựa vào (Vanoli, 2002). Tại Hoa Kì, cũng cuộc khủng hoảng này đã biến đổi triệt để những cách tư duy các chính sách nông nghiệp và việc làm. Kết quả là một hệ thống điều tra chọn mẫu, các cuộc điều tra cũng hoàn toàn mới này, ra đời. Đặc biệt các cuộc điều tra này kéo theo những phương thức khám phá, nhận diện và định danh có tính quy ước các đối tượng được điều tra (diện tích trồng trọt, người hoạt động, người thất nghiệp, ...) góp phần hình thành nước Mĩ ngày nay.
Cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay và các cuộc tranh luận xung quanh ý niệm “của cải” cũng dẫn đến những đối tượng mới cần nhận diện và định danh (dấu chân sinh thái, tương đương carbon, đa dạng sinh học, hạnh phúc, ...) và những đề xuất mới để lượng hoá GDP (Gadrey và Jany-Catrice, 2005; Cassiers và Thiry, 2009). Từ một cách nhìn khác, tin học thống kê cho phép cấu tạo và sử dụng những tệp tin lớn về các cá nhân và thể chế. Có thể sử dụng các tệp này để phân loại các đối tượng này tuỳ theo thành quả sản xuất của chúng (bảng xếp hạng hay benchmarking) hay khai thác chúng bằng những kĩ thuật data mining, nhằm vào khách hàng để tiếp thị (marketing) hay vào những kẻ phạm tội có thể theo những phương pháp profiling (Rouvroy và Berns, 2010). Tất cả những thuật ngữ tiếng Anh theo vần ing này, phái sinh từ những động từ, kéo theo những hành động vào thế giới thông qua những công cụ thống kê, vốn là những công cụ cầm quyền theo nghĩa rộng đồng thời là những công cụ chứng cứ, như được các khoa học xã hội định lượng trước khi có ngã rẽ quan niệm. Một chương trình nghiên cứu qui ước về các qui trình, cách sử dụng và hiệu ứng của sự lượng hoá có thể tự xác định nhiệm vụ khai phá các hình thích thương lượng, xác lập sự tương đương, tranh luận và tập quán hoá mà việc sáng tạo, sử dụng và biến mất có thể của các cách thức mới để nói, làm và cầm quyền kéo theo.
Thư mục
Affichard J., 1986, “L’homologation des titres et diplômes de l’enseignement technologique, une transformation pour donner valeur d’État à des formations spécifiques” trong Salais R. và Thévenot L. (chủ biên), 1986, Le travail, marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris, trang 139-159.
Aglietta M. và Orléan A., 2002, La monnaie entre violence et confiance, Odile Jacob, Paris.
Akerlof G. (1970), “The market for lemons, quality uncertainty and the market mechanism”, Quarterly Journal of Economics, n084, trang 488-500.
Armatte M. (1995), Histoire du modèle linéaire. Formes et usages en statistique et économétrie jusqu’en 1945, thèse de doctorat, EHESS, Paris.
Berns T., 2009, Gouverner sans gouverner. Une archéologie politique de la statistique, PUF, Paris.
Boltanski L., 1982, Les cadres. La formation d’un groupe social, Minuit, Paris.
Boltanski L., cùng với Darre Y. và Schiltz M. A. 1984, “La dénonciation”, Actes de la recherche en sciences sociales, n051, trang 3-40.
Boltanski L. và Thévenot L., 1991, De la justification. Les économies de la grandeur, Gallimard, Paris (bản dịch tiếng Anh: On Justification. The Economies of Worth, Princeton, Princeton University Press, 2006).
Bony D. và Eymard-Duvernay F., (1982), “Cohérence de la branche et diversité des entreprises, étude d’un cas”, Économie et Statistique, n0144, trang 13-23.
Boyer R., 2004, Théorie de la régulation. 1. Les fondamentaux, La Découverte, coll. Repères, Paris.
Bruno I., 2008, À vos marques... prêts cherchez! La stratégie européenne de Lisbonne, vers un marche de la recherche, Éditions du Croquant, Bellecombe-en-Bauge.
Chiapello E. và Desrosières A., 2006, “La quantification de l’économie et la recherche en sciences sociales, paradoxes, contradictions et omissions. Le cas exemplaire de la positive accounting theory”, trong Eymard-Duvernay F. (chủ biên), L’économie des conventions. Méthodes et résultats, tome 1, Débats, Paris, La Découverte, trang 297-310.
Colasse B. (chủ biên), 2009, Encyclopédie de comptabilité, de gestion et audit, Economica, Paris.
Dardot P. và Laval C., 2009, La nouvelle raison du monde. Essai sur la société néolibérale, Paris, La Découverte.
Desrosières A., 1977, “Éléments pour l’histoire des nomenclatures socio-professionnelles” trong INSEE, Pour une histoire de la statistique, Tome 1, INSEE-Economica, Paris, trang 155-231.
Desrosières A., 1992, “Séries longues et convention d’équivalence”, Genèses, n09, trang 92-97
Desrosières A., 1993, La politique des grands nombres. Histoire de la raison statistique, Paris, La Découverte.
Desrosières A., 2005, “Décrire l’État ou explorer la société, les deux sources de la statistique publique”, Genèses, n058, trang 4-27.
Desrosières A., 2008a, Pour une sociologie historique de la quantification, Presses des Mines, Paris.
Desrosières A., 2008b, Gouverner par les nombres, Presses des Mines, Paris, La Découverte.
Desrosières A. và Thévenot L., 1998, Les catégories socioprofessionnelles, La Découverte, coll. Repères.
Didier E., 2009, En quoi consite l’Amérique? Les statistiques, le New Deal et la démocratie, La Découverte, Paris.
Eymard-Duvernay F. và Marchal E. 2000, “Qui calcule trop finit par déraisonner, les experts du marché du travail”, Sociologie du travail, n042, trang 411-432.
Foucault M., 2004, Sécurité, territoire, population. Cours au Collège de France (1977-1978), Gallimard/Le Seuil, Paris.
Gadrey J. và Jany-Catrice F., 2005, Les mouveaux indicateurs de richesse, La Découverte, coll. Repères, Paris.
Greenacre M. và Blasius J. (chủ biên), 1994, Correspondence Analysis in the Social Sciences. Recent Developments and Applications, Academic Press, London.
Guibert B., Lagarnier J. và Volle M., 1971, “Essais sur les nomenclatures industrielles”, Economie et statistique, n020, trang 23-36.
Insee, 1977 (tái bản 1987), Pour une histoire de la statistique, tome 1, Contributions, Insee/Economica, Paris.
Insee, 1987, Pour une histoire de la statistique, tome 1, Matériaux, Insee/Economica, Paris.
Labrousse A., 2010, “Nouvelle économie du développement et essais cliniques randomisés, une mise en perspective d’un outil de preuve et de gouvernement”, Revue de la régulation, n07.
Latour B. 1984, Les microbes. Guerre et paix suivi de Irréductions, Métaillé, Paris (ấn bản mới: Pasteur: guerre et paix des microbes suivi de Irréductions, La Découverte, Paris 2011.
Lascoumes P. và Le Gales P. (chủ biên), 2004, Gouverner par les instruments, Presses de Science Po, Paris.
Reynaud D., 1986, “Diversité de la relation salariale de branche et codification des conventions collectives” trong Salais R. và Thévenot L. (chủ biên), 1986, Le travail, marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris, trang 67-88.
Rivard P., 1986, “La codification sociale des qualités de la force de travail” trong Salais R. và Thévenot L. (chủ biên), 1986, Le travail, marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris, trang 119-138.
Salais R., 2004, “La politique des indicateurs. Du taux de chômage au taux d’emploi dans la stratégie européenne d’emploi (SEE)”, trong Zimmermann B. (chủ biên), Action publique et sciences sociales, MSH, Paris, trang 287-331.
Salais R., 2010, “Usages et mésusages de l’argument statistique, le pilotage des politiques par la performance”, Revue franVaise des affaires sociales, n01-2, trang 129-147.
Salais R. và Thévenot L. (chủ biên), 1986, Le travail, marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris.
Thévenot L., 1983, “L’économie du codage social”, Critiques de l’économie politique, n023-24, trang 188-222.
Thévenot L., 1986, “Les investissements de forme” trong Conventions économiques, Paris, PUF (Cahiers du Centre d’Étude de l’emploi), trang 21-71.
Thévenot L., 1990, “La politique des statistiques. Les origines des enquêtes de mobilité sociale”, Annales ESC, vol. 45, n06, trang 1275-1300.
Thévenot L. và Monso O., 2009, “Statistiques et évaluation des politiques, quarante ans d’enquêtes Formation et Qualification professionnelle”, Courrier des statistiques, n0127, trang 13-19.
Rosch E. và Lloyd B. B. (chủ biên), 1978, Cognition and Categorization, Erlbaum, New York.
Rouvroy A. và Berns T., 2010, “Le nouveau pouvoir statistique. Ou quand le contrôle s’exerce sur un réel normé, docile et sans évènement car constitue de corps numériques”, Multitudes, n040, trang 88-103.
Vanoli A., 2002, Une histoire de la comptabilité nationale, La Découverte, Paris (bản dịch tiếng Anh A History of National Accounting, IOS, Amsterdam, 2005).
Volle M., 1982, Histoire de la statistique industrielle, Economica, Paris.
Weber F. et alii., 1992, “Histoire et statistique. Questions sur l’anarchronisme des séries longues”, Genèses, n090, trang 90-199.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “L’“économie des conventions” entre réflexivité et expertise”, chương 10 cuốn Prouver et gouverner. Une analyse politique des statistiques publiques của Alain Desrosières, Paris, La découverte, 2014, trang 212-233.
Chú
thích: [1] Chương này đã được công bố dưới tựa “L’origine statisticienne
de l’économie des conventions: reflexivité et expertise”, Oeconomia, n02, juin 2011,
trang 299-319. Đây là phiên bản có tu chỉnh của một văn bản bằng tiếng Anh đăng
trong số đặc biệt của tạp chí Đức về lịch sử xã hội Historical Social Research (vol. 37, n04, 2012) do
Rainer Diaz-Bone xuất bản về cho kinh tế học quy ước Pháp. Tôi xin cảm ơn François
Eymard-Duvernay, Olivier Favereau, Robert Salais và hai referees ẩn danh về những nhận xét trên phiên bản đầu của văn bản
này. [2] Bài viết này không nhằm tái hiện sự hình thành kinh tế học quy ước
trong tất cả các chiều kích của nó mà chỉ nhắc lại một trong những chiều kích
này (đôi lúc bị lãng quên), tức là vai trò của vài nhà thống kê-kinh tế trong sự
hình thành này. [3] Cuốn sách của François Furet (1980) Les
comptes de la puissance. Histoire de la comptabilité nationale et du Plan,
trình bày rất sống động tâm trạng lạc quan của thời kì này và chấm dứt vào đầu
những năm 1970. [4] Trong khi cùng thời kì này, ví dụ, Michel Foucault hay huống chi là
Louis Althuser, hai tác giả rất nổi tiếng trong những năm 1970 và 1980 ở Pháp
và ở nước ngoài đối với họ là khá xa lạ. [5] Éric Brian, Alain Desrosières, Bernard Lepetit, Olivier Marchand,
Claude Thelot, Christian Topalov và Florence Weber (Weber.., 1992). [6] Các dữ liệu (“données”) này ít khi được cho trước (“données”) nhưng có
nguồn gốc từ những qui trình xã hội phức tạp mà kinh tế học qui ước có thể góp
phần soi sáng.