CẦN CÓ NHIỀU PHỤ NỮ LÀM LÃNH ĐẠO HƠN NỮA VỀ VẤN ĐỀ KHÍ HẬU
Ảnh: JEWEL SAMAD/AFP via Getty Images
Tác giả: YVONNE AKI-SAWYERR
Mặc dù được nhìn nhận rộng rãi rằng nữ giới ít được tham gia các diễn đàn về khí hậu và bảo tồn, vấn đề này vẫn tồn tại. Do nữ giới phải chịu nhiều rủi ro nhất từ các cuộc khủng hoảng môi trường và đã chứng minh rằng nữ giới thực hiện những chính sách môi trường tốt hơn nam giới, hiện trạng trên là không công bằng và thiển cận.
FREETOWN - “Càng lên cao; càng có ít phụ nữ hơn.” Nhận định này của người đạt giải Nobel Hòa bình và người tiên phong về môi trường Wangari Maathai, phản ánh một thực tế quen thuộc với tất cả phụ nữ khao khát vị trí lãnh đạo, và nó đã mang lại một ý nghĩa mới đối với tôi khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Mặc dù đã rõ rằng phụ nữ và trẻ em gái sẽ phải đối mặt với rủi ro cao hơn và gánh nặng lớn hơn do biến đổi khí hậu, nhưng họ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các cuộc đàm phán về khí hậu và môi trường.
Năm 2019, Báo cáo Thành phần Giới của Liên Hợp Quốc lưu ý rằng số lượng phụ nữ đại diện trong các cơ quan trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu không phù hợp với nỗ lực tạo cân bằng về giới. Để đáp lại, các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch hành động về giới tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) vào năm 2019. Kế hoạch công nhận rằng “sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ, có ý nghĩa và bình đẳng của nữ giới trong tất cả các khía cạnh của quá trình UNFCCC[*] và trong chính sách và hành động khí hậu cấp quốc gia và địa phương là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu lâu dài về khí hậu”.
Tuy nhiên, vào thời điểm COP26 triển khai khoảng hai năm sau đó, đã có rất ít thay đổi. Vị trí Chủ tịch COP26 của Vương quốc Anh chủ yếu do nam giới lãnh đạo và chỉ có 11 trong số 74 đại diện quốc gia châu Phi là phụ nữ. Hơn nữa, Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học dường như cũng có xu hướng tương tự, với các nhà đàm phán nam nhiều hơn các nhà đàm phán nữ khoảng 60 người.
Nhìn một cách lạc quan nhất, việc không đảm bảo tính đại diện và sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong các nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là thiển cận và có thể là thiếu thận trọng. Vấn đề cũng ngày càng cấp thiết. Tháng trước, các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Geneva cho một trong những vòng cuối cùng của đàm phán nhằm ký kết Khung đa dạng sinh học toàn cầu mới của Liên Hợp Quốc. Với mục đích đẩy nhanh hành động nhằm ngăn chặn việc tiếp tục mất mát các loài và đối phó với biến đổi khí hậu, những buổi họp này sẽ định hình phản ứng toàn cầu đối với cả hai cuộc khủng hoảng này trong nhiều năm tới.
Các báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã chứng minh quy mô của các cuộc khủng hoảng này. IPCC đã ghi lại một cách rõ ràng rằng các hoạt động của con người đang làm ấm bề mặt hành tinh của chúng ta, dẫn đến hệ thống thời tiết thay đổi nhanh chóng, mất đa dạng sinh học và gia tăng mất an ninh tài nguyên. Đến năm 2100, 50% các loài chim và động vật có vú ở Châu Phi có thể biến mất. Chúng ta có khả năng bước vào cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu, và nếu vấn đề không được kiểm soát, nguồn thức ăn, nước uống và thuốc men của chúng ta sẽ ngày càng có nguy cơ bị đe dọa.
Phụ nữ chiếm đa số người nghèo trên thế giới và bị ảnh hưởng một cách không đồng đều bởi những cuộc khủng hoảng này. Ở các nước đang phát triển, phụ nữ chịu trách nhiệm lớn trong việc tìm nguồn cung cấp thực phẩm và nước cho gia đình, và phụ nữ thường dẫn đầu trong việc thu thập nhiên liệu và quản lý hộ gia đình. Phụ nữ cũng chiếm gần một nửa số nông dân sản xuất nhỏ trên thế giới, sản xuất 70% lương thực của châu Phi.
Vì vậy, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người đầu tiên phải trải nghiệm những thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do sự bất bình đẳng lan rộng đã hạn chế khả năng tiếp cận của họ với giáo dục và y tế, tỷ lệ việc làm không bình đẳng và tỷ lệ đại diện trong cơ quan công quyền thấp, nữ giới dường như ít có khả năng hơn nam giới về việc tham gia vào các quá trình ra quyết định.
Nếu hai năm qua cho chúng ta thấy bất cứ điều gì, thì đó là vai trò lãnh đạo của phụ nữ là rất quan trọng trong thời kỳ hỗn loạn. Mới đây, theo một nghiên cứu tại 194 quốc gia, các phản ứng tức thời đối với đại dịch COVID-19 là tốt hơn một cách có hệ thống ở các quốc gia có phụ nữ lãnh đạo. Tương tự như vậy, nghiên cứu đã phát hiện rằng “đại diện của nữ giới lãnh đạo các quốc gia áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về biến đổi khí hậu” và tỷ lệ nữ đại diện cao trong quốc hội khiến một quốc gia có nhiều khả năng sẽ phê chuẩn các điều ước quốc tế về môi trường hơn.
Nữ giới không chỉ mang đến tham vọng mà còn cả những quan điểm và trải nghiệm khác biệt. Kết quả là, những đóng góp của nữ giới cuối cùng dẫn đến các chính sách môi trường có nhiều sắc thái hơn và quan tâm hơn đến mọi người.
Sharon Ikeazor (1961-) |
J. d'Arc Mujawamariya (1970-) |
Ở châu Phi, bất cứ ai nhìn vào cũng thấy rõ tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo của nữ giới trước biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Tại Nigeria, Bộ trưởng Môi trường Sharon Ikeazor đã vận động cho Liên minh Tham vọng cao vì Thiên nhiên và Con người và thúc đẩy các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cần được thay thế bằng các khoản đầu tư vào phát triển bền vững, ít carbon. Tại Rwanda, Bộ trưởng Bộ Môi trường Jeanne d’Arc Mujawamariya đã giành được lời khen ngợi vì những nỗ lực của bà bảo tồn rừng nhiệt đới có quan tâm đến mọi người. Tại Chad, nhà hoạt động môi trường Hindou Oumarou Ibrahim tiếp tục đại diện các cộng đồng địa phương và người dân bản địa của châu Phi ở các cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc để đấu tranh. Và tại đây ở Freetown, chúng tôi đang trồng một triệu cây xanh trong ba mùa mưa để thúc đẩy khả năng chống chịu với khí hậu và tạo việc làm xanh.
Tất cả những phụ nữ này, bao gồm cả tôi, đã hỗ trợ cho “30x30”, một chiến dịch toàn cầu để bảo vệ 30% bề mặt thế giới vào năm 2030. Việc đạt được mục tiêu này sẽ ngăn chặn không cho phá hủy hệ sinh thái hơn nữa và nỗ lực này có thể dẫn đến thỏa thuận toàn cầu đầu tiên làm ngừng lại sự tàn phá thiên nhiên.
Nhiều phụ nữ đang quyết liệt giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, bao gồm cả những phụ nữ bản địa đang sử dụng kiến thức độc đáo của họ về đất đai để công việc trang trại bền vững hơn và bảo vệ các hệ sinh thái mong manh, và họ truyền cảm hứng cho các chính trị gia đang quan tâm đến các nền tảng chính sách tích hợp liên kết sức khỏe sinh sản, giáo dục và bảo vệ môi trường. Những người đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo phải bảo đảm rằng những phụ nữ này được tạo cơ hội để đóng góp.
Wangari Maathai (1940-2011) |
Yvonne Aki-Sawyerr (1968-) |
Nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 2004, khi Maathai đạt giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình. Lượng phát thải đã tăng mạnh, và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng về tần suất và cường độ. Nhưng nhiều điều cũng không thay đổi: phụ nữ tiếp tục bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo, và thế giới tiếp tục phải trả giá cho điều đó.
Khi các cuộc đàm phán cuối cùng cho Khung đa dạng sinh học toàn cầu mới tiếp tục và khi chúng ta tiến tới Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (CBD COP15) năm nay ở Côn Minh, Trung Quốc, chúng ta có nhiệm vụ giải quyết những thất bại này. Nếu chúng ta không đưa nhiều phụ nữ đến bàn họp, gần như chắc chắn, bảo đảm là sẽ có một thảm họa khí hậu.
Về tác giả
YVONNE AKI-SAWYERR là Thị trưởng Freetown, Sierra Leone.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Cimate Leadership needs more women”, Project Syndicate, 25.4.2022.
----
Bài có liên quan:
Chú thích: [*]
Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro, 1992 (ND).