5.7.22

Hoàn cảnh tuyệt vọng đã xuất hiện. Bây giờ hãy thoát ngay ra khỏi mớ bòng bong mà chúng ta đang kẹt cứng trong đó

HOÀN CẢNH TUYỆT VỌNG ĐÃ XUẤT HIỆN. BÂY GIỜ HÃY THOÁT NGAY RA KHỎI MỚ BÒNG BONG MÀ CHÚNG TA ĐANG KẸT CỨNG TRONG ĐÓ

Tác giả: George Monbiot

Chẳng có đường lùi, chẳng còn niềm an ủi nào trong những điều chắc chắn cũ kỹ. Nhưng việc phục hồi quyền công hữu là một trong những lộ trình khả thi để chuyển biến xã hội.

‘Chúng ta được hứa hẹn là sẽ tăng trưởng bất tận trong một hành tinh hữu hạn. Chúng ta được biết rằng một hệ thống không bình đẳng, rộng lớn sẽ xóa bỏ tất cả những sự khác biệt… Toàn bộ tổng kết này đều dựa trên phép thuật.’ Ảnh: Stefan Rousseau/PA

Thật nhanh chóng, những người bạn quyền lực nói với chúng ta rằng chủ nghĩa tư bản toàn cầu là một thế lực động, hủy diệt, và nó cũng là nguồn gốc của sự đổi mới và biến đổi không ngừng. Tiếp theo, họ nói với chúng ta rằng nó đã dẫn đến sự cáo chung của lịch sử: ổn định và hòa bình lâu dài. Chẳng có nỗ lực nào để giải quyết sự mâu thuẫn này. Hay bất cứ điều gì khác.

Chúng ta đã được hứa hẹn sẽ tăng trưởng bất tận trên một hành tinh hữu hạn. Chúng ta được biết rằng một hệ thống không bình đẳng, rộng lớn sẽ xóa bỏ tất cả những sự khác biệt. Nền hòa bình xã hội sẽ được thực hiện bởi một hệ thống dựa trên sự cạnh tranh và lòng ganh ghét đố kỵ. Nền dân chủ sẽ được bảo đảm bằng sức mạnh của đồng tiền. Những điều mâu thuẫn là hoàn toàn rõ ràng. Toàn bộ sự tổng kết này đều dựa trên phép thuật.

Jeremy Corbyn (1949-)
Bernie Sanders (1941-)

Bởi vì chẳng có điều nào trong những điều này diễn ra, chẳng còn sự bình thường nào để trở lại. Các biện pháp của Keynes được Jeremy Corbyn và Bernie Sanders tán thành – trong một thế giới đang rơi vào những giới hạn về môi trường và tình trạng phá hủy hàng loạt công ăn việc làm – không thích hợp trong thế kỷ XXI như những liệu pháp tân tự do vốn gây ra cuộc khủng hoảng tài chính [vào năm 2008].

Pankaj Mishra, trong cuốn sách Thời đại Giận dữ [Age of Anger] của mình, giải thích những cuộc khủng hoảng hiện tại là những biểu hiện mới của một cuộc đổ vỡ kéo dài đã xé toạc xã hội trong 200 năm trở lại đây. Các [góc nhìn] lịch sử được làm sạch của chúng ta của châu Âu và châu Mỹ cho phép chúng ta quên rằng tình trạng thảm họa và tàn sát, cuộc nội chiến và chiến tranh quốc tế, chủ nghĩa thực dân và cuộc thảm sát ở nước ngoài, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn diệt chủng, là những chuẩn mực của thời này, chẳng có ngoại lệ nào.

Pankaj Mishra (1969-)

Giờ đây, phần còn lại của thế giới đang đương đầu với các thế lực hủy diệt [disruptive forces] tương tự nhau, khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp được lan tỏa trên khắp toàn cầu. Nó phá hủy các hình thức quyền lực cũ trong khi hứa hẹn sự tự do, tự chủ và sự thịnh vượng chung. Những lời hứa đó va chạm với sự chênh lệch lớn về quyền lực, địa vị và quyền sở hữu tài sản. Kết quả là sự lây lan ra khắp toàn cầu các căn bệnh của châu Âu ở thế kỷ XIX như nỗi sỉ nhục, lòng ganh ghét đố kỵ và cảm giác bất lực. Những kỳ vọng bị đổ vỡ, cơn thịnh nộ và cảm giác tự ghê tởm chính mình đã thúc đẩy sự ủng hộ cho các phong trào đa dạng như phong trào ISIS, chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo đang trỗi dậy và cho xu hướng dân túy [demagoguery] ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Hungary đang ngày càng gia tăng.

Raymond Williams (1921-1988)

Làm sao chúng ta ứng phó với những cuộc khủng hoảng này? Raymond Williams cho rằng “[điều được gọi là] thực sự cấp tiến là tạo ra niềm hy vọng có thể, chứ chẳng phải là sự thuyết phục trong cơn tuyệt vọng”. Tôi biết mình đã từng khiến cho trường hợp tuyệt vọng trở nên có vẻ khá thuyết phục trong quá khứ. Vì vậy, chuyên mục này là bài đầu tiên trong một loạt bài không thường xuyên nhằm mục đích là cổ vũ cho các cách tiếp cận mới về chính trị học, kinh tế học và sự biến đổi xã hội. Chẳng có đường lùi, chẳng còn niềm an ủi nào trong những điều chắc chắn cũ kỹ. Chúng ta phải tư duy lại về thế giới từ những nguyên tắc đầu tiên.

Có rất nhiều điểm mà tôi có thể bắt đầu, nhưng đối với tôi dường như một điều hiển nhiên là điều này. Một mình thị trường không thể đáp ứng được các nhu cầu của chúng ta; nhà nước cũng chẳng thể làm được. Bằng cách loại bỏ tận gốc sự gắn bó, cả hai thiết chế này đều giúp tăng cường sự tha hóa, thịnh nộ và phi chuẩn, những thứ vốn sinh ra chủ nghĩa cực đoan. Rõ ràng là các hệ tư tưởng thống trị còn thiếu một yếu tố, một thứ chẳng phải là thị trường và cũng chẳng phải là nhà nước: mà đó chính là nguồn lực chung.

Nguồn lực chung là một tài sản mà cộng đồng có các quyền chia sẻ và quyền thụ hưởng bình đẳng. Về nguyên tắc, điều này có thể bao gồm đất đai, nước, khoáng sản, tri ​​thc, nghiên cu khoa hc và phn mm. Nhưng trong hin ti, hu hết các tài sản này đã được rào kín: bị nhà nước hoặc những lợi ích tư nhân nắm chặt, và được xem như là bất kỳ hình thức nào khác của tư bản. Qua sự rào kín này, chúng ta đã bị tước đoạt của cải chung của mình.

Một hợp tác xã của những người ngư dân ở Stonington, Maine. ‘Một vài nguồn lực chung vẫn tồn tại. Chúng bao gồm các khu rừng thuộc sở hữu của cộng đồng ở Nepal và Romania cho đến nghề đánh bắt tôm hùm ở Maine.’ Ảnh: Alamy

Một vài nguồn lực chung vẫn tồn tại. Chúng bao gồm các khu rừng thuộc sở hữu của cộng đồng ở Nepal và Romania cho đến nghề đánh bắt tôm hùm ở Maine, đồng cỏ ở Đông Phi và Thụy Sĩ, internet, Wikipedia, Linux, các tạp chí do Thư viện Khoa học Cộng đồng [Public Library of Science] xuất bản, cộng đồng Timebank ở Helsinki, tiền tệ địa phương và kính hiển vi nguồn-mở. Nhưng đây lại là những ngoại lệ đối với quy tắc chung về quyền tư hữu và sở hữu độc quyền.

Martin Adams

Trong cuốn Đất đai [Land], nhà hoạt động cộng đồng Martin Adams kêu gọi chúng ta xem đất đai như một thứ đã từng thuộc về mọi người và không của riêng ai trước đây, song giờ đây đã bị một nhóm thiểu số chiếm đoạt, họ không cho người khác thụ hưởng. Ông đề xuất rằng những người sử dụng đất đai một cách độc quyền nên trả một khoản “đóng góp đất đai cộng đồng” [community land contribution] như khoản bồi thường.

Điều này có thể thay thế một phần thuế thu nhập và thuế bán hàng, ngăn chặn tình trạng tích trữ đất đai và làm giảm giá đất. Ngân sách nhà nước có thể giúp tài trợ thu nhập cơ bản phổ quát. Cuối cùng, chúng ta có thể chuyển sang một hệ thống mà ở đó đất đai thuộc sở hữu của cộng đồng địa phương và cho những người sử dụng nó thuê lại.

Các nguyên tắc tương tự có thể áp dụng cho năng lượng. Quyền sản xuất carbon bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch có thể được bán đấu giá (mỗi năm sẽ cung ứng một số lượng nhỏ hơn). Số tiền thu được có thể tài trợ cho các dịch vụ công và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Những người muốn sử dụng gió hoặc ánh sáng mặt trời để tạo ra điện nên được yêu cầu đóng góp cho cộng đồng. Hoặc các máy phát điện có thể thuộc sở hữu của các cộng đồng – đã có rất nhiều thí dụ ở Scotland.

Thay vì cho phép các công ty sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra một sự khan hiếm giả tạo về tri thức hoặc để nắm giữ giá trị do những người khác tạo ra (chẳng hạn như hãng Google và hãng Facebook), chúng ta có thể hướng tới một “nền kinh tế tri thức xã hội” [social knowledge economy] như [nền kinh tế] được chính phủ Ecuador thúc đẩy. Một phần lợi nhuận có thể được trao đổi (với sự trợ giúp của công nghệ chuỗi khối [blockchain], nền tảng cho đồng tiền số Bitcoin) để giúp xây dựng các nền tảng trực tuyến và cung cấp nội dung mà chúng lưu trữ.

David Bollier (1955-)

Việc khôi phục nguồn lực chung có tiềm năng to lớn không chỉ để phân phối của cải mà còn biến đổi xã hội. Như tác gia David Bollier đã chỉ ra, nguồn lực chung không chỉ là nguồn tài nguyên (đất đai, cây cỏ hoặc phần mềm) mà còn là cộng đồng những người quản lý và bảo vệ nó. Các thành viên của nguồn lực chung phát triển những mối quan hệ kết nối sâu sắc hơn với nhau và với khối tài sản của họ hơn những gì chúng ta làm với tư cách là những người tiêu dùng thụ động sản phẩm.

Quản lý các nguồn tài nguyên chung có nghĩa là phát triển các quy tắc, giá trị và truyền thống. Điều này có nghĩa là, trong một số trường hợp, tái hòa nhập bản thân mình vào những nơi mà chúng ta đang sống. Điều này có nghĩa là định hình lại chính quyền để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng chứ không phải của các tập đoàn. Nói cách khác, việc hồi sinh nguồn lực chung có thể hoạt động như một đối trọng với các thế lực nguyên tử hóa, tha hóa hiện đang tạo ra hàng ngàn kiểu phản ứng độc hại.

George Monbiot (1963-)

Đây chẳng phải là toàn bộ câu trả lời. Nhưng tôi hy vọng rằng, sau khi suy xét một loạt các giải pháp tiềm năng, với sự giúp đỡ của những lời nhận xét và đề xuất của các bạn, tôi có thể bắt đầu phát triển một hợp đề: một câu chuyện chính trị, kinh tế và xã hội mới có thể phù hợp với những đòi hỏi của thế kỷ XXI. Việc nhận ra điều này là một thách thức xa hơn, và chúng ta cũng cần giải quyết nó. Song trước hết ta phải quyết định những điều ta muốn. Sau đó, ta quyết định làm sao có được nó.

Phiên bản được liên kết đầy đủ của chuyên mục này sẽ được xuất bản tại monbiot.com

Các chủ đề: Toàn cầu hóa, Ý kiến

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The case for despair is made. Now let’s start to get out of the mess we’re in, The Guardian, Dec 13, 2016.

Print Friendly and PDF