7.10.23

Chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân diễn biến tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới

CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG THUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN DIỄN BIẾN TÌNH TRẠNG NGHÈO CÙNG CỰC TRÊN THẾ GIỚI

Stéphane Madaule

Nhà kinh tế về phát triển

Bà Esther Duflo đã được trao giải thưởng Nobel Kinh tế từ năm 2019 cho các công trình chống đói nghèo của bà. Mục tiêu chính các công trình nghiên cứu của bà là nhận diện, trên thực địa, những giải pháp có hiệu quả để rồi sau đó phổ biến chúng và khái quát hóa chúng. Chúng tôi chỉ có thể tán thành tham vọng tích cực này.

Esther Duflo (1972-)

Tuy nhiên, cách thức mà Esther Duflo trình bày và giải thích diễn biến của nghèo đói trên thế giới và những tác động của hành động của bà trên thực địa đặt thành vấn đề. Gần đây, bà đã phát triển những lập luận chính của mình trên France Inter, vào ngày 20 tháng 6 năm 2023, khi trả lời phỏng vấn của Léa Salamé và Nicolas Demorand trước micrô, và chung hơn bà đã làm điều này trong các bài giảng của bà tại Collège de France, trong khuôn khổ các bài giảng về “Kiến thức chống lại đói nghèo”. Nhưng không phải ai cũng đồng thuận. Dưới đây là một số ví dụ.

Esther Duflo chỉ ra rằng tình trạng nghèo cùng cực[*] trên thế giới đã giảm một nửa trong 30 năm qua và chúng ta nên vui mừng về điều này. Theo bà, lý do giảm nghèo này chủ yếu là do hiệu quả ngày càng tăng của các chính sách giảm nghèo đã được triển khai ở các nước nghèo, ngày càng được truyền cảm hứng từ các công trình và lời khuyên của bà. Các giải pháp do đội ngũ của bà đề xuất đã giúp làm thay đổi, một cách tích cực, đời sống của gần 400 đến 500 triệu người trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi cận Sahara, bao gồm những nước nghèo nhất.

Tuy nhiên, tốc độ giảm mạnh nghèo đói trên thế giới đã bắt đầu ngay từ đầu những năm 1990 và có mối tương quan, về mặt thống kê, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh của các quốc gia mới nổi có dân số đông như Trung Quốc hoặc Indonesia, những nước vẫn còn một tỷ lệ cao dân số cực nghèo. Phải chăng điều này có nghĩa là những tiến bộ đạt được kể từ năm 2010 bằng phương pháp Duflo không có tác dụng? Hoàn toàn không đúng như vậy. Nhưng mối liên hệ nhân quả chưa được thiết lập.

Vẫn còn nhiều người nghèo

Hơn nữa, ở châu Phi cận Sahara, mà theo Esther Duflo là nơi tập hợp những nước đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo cùng cực, tỷ lệ dân số cực nghèo chắc chắn đang giảm (41% vào năm 2017 so với 55% vào năm 1990), nhưng là do dân số nói chung đã tăng lên, nên lục địa này ngày càng có nhiều người sống trong cảnh nghèo cùng cực (433 triệu người vào năm 2017 so với 281 triệu người vào năm 1990).

Theo Esther Duflo và nhiều chuyên gia khác, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu lên những người nghèo nhất, thì cần phải có hơn 2.400 tỷ đô la một năm. Việc chuyển nhượng số tiền này có thể trở nên khả thi bằng cách lấy tiền từ những người giàu nhất, chủ yếu bằng cách đánh thuế tài sản và thu nhập. Ngoài khó khăn trong việc triển khai một biện pháp như thế, không có sự đồng thuận về khẳng định này.

Bởi vì quy giản việc xóa đói giảm nghèo thành vấn đề phân phối của cải và thu nhập giữa người giàu và người nghèo, sẽ dẫn đến ngõ cụt trong vấn đề trung tâm của việc tạo ra của cải và thu nhập cho những người nghèo nhất, vốn là nền tảng của sự phát triển ở các nước phát triển và mới nổi. Tuy thế, những nước nghèo nhất, đặc biệt ở châu Phi, vẫn chưa tự mình tìm ra được các phương tiện để kích hoạt cái vòng xoáy phát triển tích cực này.

Liệu các nước nghèo có thể tiếp tục dựa vào sự hào phóng quốc tế để đảm bảo việc đáp ứng các nhu cầu của người dân họ hay không? Liệu điều này có nghĩa là, một lần nữa, các nước phương Bắc sẽ có giải pháp cho các nước phương Nam và tương lai phát triển kinh tế của các nước này hay không? Chỉ cần gây ra một cú sốc tài chính, như Emmanuel Macron đã ủng hộ tại “Hội nghị thượng đỉnh về một hiệp định tài chính thế giới mới” được tổ chức tại Paris vào ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2023.

Điều này không có nghĩa là các nước phương Bắc không nên thể hiện tình đoàn kết với các nước phương Nam, mà điều thích hợp là ngoài khoản tài trợ này, các nước phương Nam cần tạo ra của cải của chính họ để rồi sau đó phân phối của cải đó vì lợi ích của những người nghèo nhất, những người có mức sống dưới 2 đô la một ngày.

Esther Duflo còn nói rằng không chỉ các nước giàu nhất hủy hoại hành tinh (10% các nước giàu nhất thải ra 50% lượng CO2 trên thế giới) mà còn làm xấu đi các điều kiện phát triển trong tương lai của các nước nghèo, vốn đang phải gánh chịu hậu quả của sự biến đổi khí hậu từ các nước giàu nhất và phải gánh chịu những hậu quả tức thời.

Do đó, hóa đơn cho sự thích nghi với biến đổi khí hậu do các nước phương Bắc gây ra cho các nước phương Nam tiếp tục tăng lên. Nhưng những nước phát thải CO2 nhiều nhất hiện nay là các nước mới nổi đông dân cư như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Vì thế, các nước này, ngày nay, phải có trách nhiệm lớn, giống như các nước giàu, trong việc làm trầm trọng thêm hậu quả của sự biến đổi khí hậu đối với các nước nghèo nhất.

Liều lĩnh khi không tính đến sự tăng trưởng kinh tế?

Thomas Piketty (1971-)
Lucas Chancel (1987-)

Theo Esther Duflo, chúng ta không nên tìm kiếm sự tăng trưởng kinh tế nữa hoặc thậm chí tìm kiếm sự giảm tăng trưởng để đảm bảo phúc lợi của nhân loại. Bà tin rằng nếu ngăn được sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các nước giàu và các nước nghèo, thì chúng ta sẽ đi đúng hướng. Khẳng định này, được các nhà kinh tế học khác như Thomas Piketty hoặc Lucas Chancel ủng hộ, không đạt được sự đồng thuận.

Đường cong con voi, được nhà kinh tế học Branko Milanovic phổ biến, và thường được Esther Duflo trích dẫn, cho thấy chính các nước giàu nhất là bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng cũng chính sự toàn cầu hóa và tăng trưởng kinh tế đã làm giảm tình trạng đói nghèo trên thế giới. Nếu đánh liều với sự tăng trưởng bao quát, có nghĩa là một sự tăng trưởng có lợi cho tất cả các tầng lớp dân cư, để chống đói nghèo, thì đó sẽ là một điều không tưởng trái ngược với thực tế.

Branko Milanovic (1953-)

Các nhà kinh tế học khác, những ai vì một toàn cầu hoá khác, đã công kích những tác động của toàn cầu hóa, chính sách mở cửa và của sự tương tác giữa các nền kinh tế, vốn dẫn đến việc các nước giàu thống trị các nước nghèo. Cách duy nhất để các nước phương Nam phát triển bền vững là giành lại phần nào sự độc lập về kinh tế.

Theo Esther Duflo, để đấu tranh hiệu quả chống đói nghèo, bằng phương pháp thực nghiệm của bà, thì chỉ cần tách hạt lúa – những biện pháp phù hợp cần thực hiện – khỏi vỏ trấu – những biện pháp không có tác động hoặc thậm chí có tác động tiêu cực. Không có sự đồng thuận về cách tiếp cận phát triển này.

Quả thực, một số nhà kinh tế học phát triển đã chỉ ra rằng mọi thứ đều là vấn đề bối cảnh. Một biện pháp được cho là hiệu quả trong bối cảnh này chưa chắc sẽ dẫn đến kết quả như mong đợi trong một bối cảnh khác. Chi tiết về việc áp dụng một biện pháp, được đánh giá là tốt hay xấu, cũng là điều rất quan trọng. Do đó, sẽ là điều hơi ảo tưởng khi cho rằng, một mặt, có thể phân loại các biện pháp đúng đắn để thực hiện” với các điều kiện tối ưu trong áp dụng, và mặt khác, cần loại bỏ “các biện pháp không hiệu quả”.

Thế nên, diễn ngôn và hành động của Esther Duflo về cuộc chiến chống đói nghèo còn lâu mới đạt được sự đồng thuận. Thay vì buộc các nước giàu là bên chịu trách nhiệm duy nhất về tình trạng nghèo đói ở các nước nghèo đồng thời về hiện tượng biến đổi khí hậu, chẳng phải sẽ hiệu quả hơn nếu chỉ ra cho các nước nghèo thấy rằng họ cũng phải tự phấn đấu để tạo ra động lực phát triển bền vững của riêng mình?

Stéphane Madaule

Nên chăng mong các nước nghèo không nghe theo những hứa hẹn tài trợ từ bên ngoài và giành lại quyền tự chủ, sự độc lập về kinh tế để tự mình nỗ lực đáp ứng những nhu cầu ưu tiên của người dân họ, không dựa vào những diễn ngôn nổi cộm, những giải pháp và nguồn tài trợ của các nước phương Bắc, thường là dưới hình thức cho vay, để rồi cuối cùng gây ra tình trạng mắc nợ quá mức?

Các nước nghèo nên chăng, trong khuôn khổ tôn trọng các quyền tự do của người dân, cần tăng tốc các điều kiện để hoàn thành quá trình chuyển đổi nhân khẩu học để có khả năng tìm thấy một tương lai tại chỗ cho giới trẻ của họ?

Tác giả

Stéphane Madaule

Giáo sư tại INSEEC/HEIP Business School Paris, cố vấn về chiến lược và cựu giám đốc tại Cơ quan Phát triển Pháp.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Les causes de l’évolution de l’extrême pauvreté dans le monde ne font pas consensus, Alternatives Economiques, ngày 05/07/2023




Chú thích:

[*] Ít hơn 1,9 US$ mỗi người mỗi ngày.

Print Friendly and PDF