15.10.23

Giải Nobel kinh tế: Claudia Goldin, “Femina economicus”

GIẢI NOBEL KINH TẾ: CLAUDIA GOLDIN, FEMINA ECONOMICUS

Thứ hai 9.10, giải kinh tế của Ngân hàng Thuỵ Điển đã được trao cho nhà nữ kinh tế Mĩ Claudia Gordin, 77 tuổi, vì các công trình của bà về diễn tiến của vị trí của phụ nữ trên thị trường việc làm ở Hoa Kì.

Antoine Reverchon

Claudia Goldin, tại Cambridge (Massachusetts), Hoa Kì. HARVARD UNIVERSITY/EPA/MAXPPP

Trên cương vị của mình, Hội đồng của Ngân hàng Thuỵ Điển có một đổi mới kép khi hôm thứ hai 9.10 trao giải khoa học kinh tế năm 2023 của ngân hàng trung ương này, đôi lúc được gọi là “Nobel kinh tế” cho Claudia Goldin. Đây là lần thứ nhất, Hội đồng chọn một phụ nữ duy nhất để trao giải – hai phụ nữ trước đó, Elinor Ostrom năm 2009 và Esther Duflo năm 2019, đều là “đồng chủ nhân” của giải bên cạnh các đồng nghiệp nam – cùng với Oliver Williamson đối với phụ nữ đầu, và đối với phụ nữ sau là cùng với Abhijit Banerjee và Michael Kremer. Và Hội đồng đã chọn một nữ chuyên gia về các bất bình đẳng giới.

Từ mười lăm năm nay, lĩnh vực nghiên cứu kinh tế này đã phát triển mạnh, nhất là ở Hoa Kì, nhưng cho tới nay Hội đồng Thuỵ điển đã không quan tâm, trong lúc “việc gia nhập đại trà của phụ nữ vào thị trường lao động là một trong những hiện tượng kinh tế chủ yếu của các nước phát triển trong thế kỉ XX” như nhận xét của Hélène Périvier, nhà kinh tế tại Viện quan sát các thời vận kinh tế (OFCE - Sciences Po), chuyên gia về các chính sách xã hội và gia đình.

Philippe Askenazy, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), giáo sư thỉnh giảng ở Đại học sư phạm phố Ulm và nhà nghiên cứu ở Trường kinh tế Paris (PSE) ghi nhận: “Cuối cùng Claudia Goldin, nay 77 tuổi, được trọng thưởng như nhà tiên phong: bà là nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu phụ nữ như đối tượng kinh tế”. Ông nói tiếp “Và bà đã bỏ nhiều công sức để khuyến khích phụ nữ đi vào kinh tế học”, ví dụ bằng cách thúc đẩy phụ nữ chọn bộ môn làm sự nghiệp, thiết kế những chương trình nhằm thu hút họ và bản thân cũng đảm nhận nhiều trọng trách.

Giáo sư tại Harvard

Vì vừa cố gắng “bám” tốt hơn vào không khí thời đại, định chế đáng kính Thuỵ Điển vẫn tuân thủ những chuẩn mực của sự công nhận hàn lâm. Claudia Goldin là giáo sư kinh tế tại Harvard, trái tim của hệ thống đại học Mĩ – vả lại bà người phụ nữ đầu tiên làm giáo sư cơ hữu của khoa kinh tế học, năm 1990. Bà từng là Chủ tịch Hội kinh tế Mĩ (2013-2014), nhận nhiều giải thưởng và là thành viên của những định chế nghiên cứu uy tín Mĩ (National Bureau of Economic Research, National Academy of Sciences).

Nhất là, theo đúng truyền thống của lí thuyết kinh tế, những nghiên cứu của bà tập trung vào cách mà các hành vi cá nhân của phụ nữ Mĩ trên thị trường lao động “ứng phó” với những cú sốc hay kích thích bên ngoài, bất luận quy mô của chúng như thế nào: sự động viên kinh tế thời kì chiến tranh thế giới thứ hai, sự xuất hiện của thuốc ngừa thai, sự ra đời của đứa con, những cách thực hành tuyển dụng hay quản lí sự nghiệp trong các doanh nghiệp và tổ chức.

Đường cong hình chữ U. © Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Để làm điều trên, bà đã thu thập những cơ sở dữ liệu khổng lồ trong dài hạn (từ đầu thế kỉ XX đến tận nay) về các chủ đề đào tạo, bằng cấp, lương, việc làm và sự nghiệp của phụ nữ ở Hoa Kì. Khi chéo hoá các dữ liệu này với những biến cố, lịch sử hay cá nhân, tác động đến hành vi của phụ nữ đối mặt với việc làm cho phép xác lập một tổng hợp lí thú.

Trong khi một thế hệ thứ nhất phụ nữ Mĩ, sinh vào đầu thế kỉ XX đi học mà không có mục tiêu nghề nghiệp – và do đó ít làm việc thì thế hệ thứ hai, sinh trong những năm 1930, đi học để làm việc nhưng ngưng sự nghiệp của mình khi kết hôn và/hoặc có con, còn thế hệ những năm 1950, được các phương pháp ngừa thai “giải phóng” đi học để có sự nghiệp.

Các hội tụ và cản trở

Các công trình của bà, bắt đầu vào những năm 1970, ứng dụng các công cụ cổ điển của khoa học kinh tế vào các diễn tiến dài hạn trên, ngày nay trở thành cơ sở của những gender studies (nghiên cứu về giới) trong các khoa kinh tế học Mĩ. Chúng không chỉ làm rõ cơ năng hội tụ dần dần giữa các giới trên thị trường lao động, mà cả những cản trở cho sự hội tụ này và những cách thức để khắc phục các trở ngại này.

Ví dụ, nhà nghiên cứu đã chỉ ra bằng cách nào sự phổ biến kĩ thuật “bình phong” suốt quá trình tuyển dụng các dàn nhạc giao hưởng (danh tính của ứng viên chỉ được tiết lộ sau khi ban giám khảo đã có quyết định, nên ban giám khảo chỉ có thể dựa vào đôi tai của mình) đã cho phép nữ hoá các dàn nhạc giao hưởng Mĩ (Orchestrating Impartiality”, Claudia Goldin và Cecilia Rouse, American Economic Review n°90/4, tháng chín năm 2000) …

Hiệu ứng làm cha mẹ. © Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Theo Thomas Breda, giáo sư Trường kinh tế Paris và chuyên gia về những bất bình đẳng về giới trong lao động, Claudia Goldin trong các công trình mới đây nhất của bà đã bổ sung vào các thống kê tổng quát việc theo dõi những thế hệ tốt nghiệp các khoa luật hay các business schools (đại học kinh doanh) đã chỉ ra là “những cách biệt về lương giữa nam và nữ trong những việc làm trong lĩnh vực pháp lí, thương mại và tài chính, vốn nhỏ vào đầu sự nghiệp, gia tăng một cách chóng mặt vì những doanh nghiệp trong các ngành này đánh giá cao những giờ làm việc dài và linh hoạt, điều này tạo điều kiện thuận tiện cho nam giới”. Một nhận định không xa lạ với sự xuất hiện của chủ đề “hoà giải cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống gia đình” trong các chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Cũng nên tìm đọc: Pourquoi le “Nobel d’économie” n’est pas un prix Nobel comme les autres

Tuy nhiên, người “đoạt giả Nobel” kinh tế khu biệt hoạt động của mình vào Hoa Kì và không mở rộng các cuộc điều tra của bà sang những “kích thích” có bản chất khác hơn là kinh tế, như giai cấp, chủng tộc hay sự dấn thân vì nữ quyền dù đây là những nhân tố quan trọng trong các nghiên cứu khoa học xã hội bên kia bờ Đại tây dương. Đóng góp chủ yếu, và cũng là giới hạn, của bà là đã mở rộng nghiên cứu Homo economicus (con người kinh tế) sang “Femina ecomicus” (con người phụ nữ).

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn:Prix Nobel d’économie: Claudia Goldin, «Femina economicus», Le Monde, 9.10.2023.

----

Bài có liên quan:

Xem thêm trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới

Print Friendly and PDF