10.10.23

Đối với người được trao giải Nobel Claudia Goldin, “việc làm hám lương cao” nuôi dưỡng sự bất bình đẳng về tiền lương giữa các giới tính

ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC TRAO GIẢI NOBEL CLAUDIA GOLDIN, “VIỆC LÀM HÁM LƯƠNG CAO” NUÔI DƯỠNG SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ TIỀN LƯƠNG GIỮA CÁC GIỚI TÍNH

Lucie Hennequin

Thứ ba ngày 10 tháng 10 năm 2023

Nhà nghiên cứu nữ người Mỹ Claudia Goldin, người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2023, đã đặc biệt nghiên cứu về khoảng cách tiền lương giữa phụ nữ và nam giới. Theo nghiên cứu của bà, “việc làm hám lương cao” [“greedy work” trong tiếng Anh] một vai trò trong sự bất bình đẳng này.

Bằng cách kết hợp cách tiếp cận lịch sử và lý thuyết kinh tế, nhà nghiên cứu nữ người Mỹ, Claudia Goldin, người được trao giải Nobel Kinh tế, đã xem xét kỹ lưỡng việc làm của phụ nữ, nêu bật nguyên nhân sự bất bình đẳng về tiền lương. Ảnh valentinrussanov/Getty Images

VIỆC LÀM - Giải Nobel kinh tế là một giải thưởng “rất quan trọng” đối với những ai “nỗ lực tìm hiểu vì sao vẫn tồn tại sự bất bình đẳng lớn” giữa các giới tính. Đây là cách mà nhà nghiên cứu nữ người Mỹ, Claudia Goldin, đã phản ứng như vậy với AFP, vào hôm thứ Hai ngày 9 tháng 10, người được trao giải thưởng danh giá cho các công trình nghiên cứu của bà về sự tiến hóa vị trí của phụ nữ trên thị trường việc làm.

Claudia Goldin (1946-)

Trong số các khái niệm được nhà kinh tế học nữ 77 tuổi phát triển, người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm trưởng khoa kinh tế tại Đại học Harvard, chúng tôi đặc biệt tìm thấy khái niệm “việc làm hám lương cao” [“greedy work” trong tiếng Anh]. Đây là một trong những chủ đề chính được phát triển trong cuốn sách của bà, Career and Family: Women’s Century-Long Journey Toward Equity [Sự nghiệp và gia đình: Hành trình dài hàng thế kỷ của phụ nữ hướng tới sự bình đẳng], được xuất bản vào năm 2021.

Trong tác phẩm trên bà quan tâm đến khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ, và đặc biệt là lý do dẫn đến khoảng cách này. Và bắt đầu từ quan sát cho rằng thời gian làm việc dài và không linh hoạt thường là chuẩn mực đối với những việc làm áp lực cao, lương cao, và khi mà việc thăng tiến là điều quan trọng, hoặc đối với những ngành nghề có mức lương không đồng đều. Tuy thế, phần lớn các loại hình làm việc này lại giải thích sự chênh lệch về tiền lương giữa nam và nữ ở Hoa Kỳ.

Nguyên tắc rất đơn giản: các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả tiền lương cao hơn để đảm bảo tính sẵn có và tính linh hoạt khi đối diện với công việc không bị giới hạn hoặc gần như không có giới hạn. Tuy thế, phụ nữ, những người đảm nhiệm hầu hết công việc nội trợ và chăm sóc trong cuộc sống riêng tư – cho dù là với cha mẹ hay con cái - trên thực tế sẽ kém linh hoạt hơn hoặc sẽ chuyển sang những công việc đòi hỏi ít linh hoạt hơn.

“Phụ nữ làm việc ở những nơi có yêu cầu ít hơn về thời gian của họ”

Bà Claudia Coldin giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Harvard Business Review vào năm 2021: “Một cách không cân xứng, họ là những giáo sư phụ trợ chứ không phải là những giáo sư cơ hữu, họ làm việc ở những công ty kế toán và luật nhỏ hơn so với nam giới, và họ đảm nhiệm những vị trí phụ trách về nhân sự trong lĩnh vực tài chính, vốn đòi hỏi thời gian làm việc ít hơn so với một việc làm như ở ngân hàng đầu tư. Họ được hưởng nhiều lợi ích khác nhau trong công việc, nhưng ngày nay thu nhập của họ ít hơn và thường thậm chí sẽ còn ít hơn trong tương lai.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng này, theo bà, bắt đầu từ những năm 1980 và bùng nổ vào những năm 2000, và nguyên nhân này vẫn đang được nghiên cứu của bà “khảo sát” chi tiết. Và mục tiêu bình đẳng trong nội bộ các cặp vợ chồng thường bị thực tế kinh tế lấn át.

Bà ghi nhận, “Thay vì chứng kiến việc cả hai người từ bỏ những việc làm được trả lương cao hơn để chuyển sang những việc làm linh hoạt hơn, thì chỉ có một người trong các cặp vợ chồng sẽ phải chọn việc làm linh hoạt đó và người đó thường là phụ nữ. Vì thế, nếu là một cặp vợ chồng khác giới, thì sự bất bình đẳng giới thường tăng lên, khi người nữ lùi bước trước sự nghiệp của họ. Ngay cả đối với các cặp đồng giới, việc làm hám lương cao sẽ làm đảo lộn sự bình đẳng của cặp đôi, chứ không làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới.”

Covid có đặt ra câu hỏi về cái giá của sự linh hoạt không?

Đại dịch Covid đã gây ra rất nhiều hệ quả lên thế giới việc làm và thông lệ thực hành của mỗi người, đặc biệt là những hệ quả mà bà cho là mang tính “tích cực” lên mối quan hệ với tính linh hoạt. Bà giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Behavioral Scientist. Trước đây, để tiến hành một thương vụ mua lại và sáp nhập ở Hàn Quốc, bạn phải đến Seoul, hoặc để chốt một giao dịch ở Nhật Bản, bạn phải đến Tokyo. (...) Nhưng nếu bạn thực sự có thể làm được điều đó qua [phần mềm gọi video] Zoom, nếu bạn có thể có được niềm tin cần thiết cho thương vụ sáp nhập và mua lại, nếu bạn có thể xác lập được mối quan hệ cần thiết để ký kết hợp đồng, nhưng không phải di hành đến các sự kiện đó, thì điều mà bạn đã làm là gia tăng năng suất của việc làm linh hoạt.”

Trong số các giải pháp được đề xuất để giảm chi phí “việc làm hám lương cao”, bà đề xuất chia sẻ công việc gia đình và mọi thứ liên quan đến công việc “chăm sóc” (chăm sóc người khác) một cách công bằng hơn, trong khi vẫn thừa nhận đề xuất đó cần phải có thời gian. Bà khẳng định với tạp chí Behavioral Scientist: Việc thay đổi các chuẩn mực thuộc loại nói trên ở nhà và ở ngoài xã hội là phần khó nhất.” Một đòn bẩy thay đổi khác: thông qua các chính sách công, bằng cách giảm chi phí các công việc chăm sóc, hoặc cho trẻ em hoặc người già. Và một lần nữa, điều đó có thể cần đến một thời gian dài.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pour la prix Nobel Claudia Goldin, le “travail cupide” nourrit les inégalités salariales entre les sexes, Le HuffPost, ngày 10 tháng 10 năm 2023.

----

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới

Print Friendly and PDF