1.12.23

Đọc lại Adam Smith ngày nay: “bàn tay vô hình”, lời tụng ca chủ nghĩa tự do?

ĐỌC LẠI ADAM SMITH NGÀY NAY: “BÀN TAY VÔ HÌNH”, LỜI TỤNG CA CHỦ NGHĨA TỰ DO?

Adam Smith công bố năm 1776 cuốn “Của cải các dân tộc” và được đánh giá là tác phẩm nền tảng của kinh tế học. Shutterstock

André Lapidus

Giáo sư danh dự Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne

Đây phải là một trong những đoạn nổi tiếng nhất trong tác phẩm Của cải các dân tộc của Adam Smith, nhân vật lỗi lạc của phong trào Ánh sáng Ireland, được xuất bản vào năm 1778. Một đoạn được nhiều thế hệ học sinh và sinh viên đọc và bình luận và nói chung đồng thuận rằng nó tổng hợp, thông qua ẩn dụ “bàn tay vô hình”, chủ nghĩa tự do của Smith trong lĩnh vực kinh tế. Hình dung cách một cá nhân sử dụng tư bản của mình, Smith quan sát trong chương 2 của quyển 4:

Khi hướng ngành sản xuất của anh ta vào việc làm ra những sản phẩm có giá trị cao nhất, anh ta chỉ có ý định là thu được nhiều lợi nhuận cho chính mình. Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện một mục đích mà anh ta không hề nghĩ đến [...] Khi theo đuổi lợi ích riêng, anh ta thực ra đã thúc đẩy lợi ích chung của toàn xã hội nhiều hơn là khi thực sự có ý định là như vậy.”[1]

Không phải là không cần đến luận chứng khi kiến giải đôi câu trên như là sự biểu biện của một quan điểm tự do. Và học sinh và sinh viên nào cả gan nghi ngờ quan điểm này không phải lúc nào cũng thuyết phục được những người chấm bài họ. Tuy nhiên bàn luận tính xác đáng của nghi vấn này là lan truyền cuộc tranh luận công khai chưa bao giờ chấm dứt kể từ thời Smith qua đó ý tưởng cho rằng một thị trường được giải phóng khỏi những ràng buộc có thể hoàn thành những mục đích tốt nhất cho mọi người vấp phải tính hiển nhiên của những sai sót trong quan điểm này, vốn đòi hỏi những biện pháp hành động khác.

Tự do như một tác nhân phi lí

Bạn đọc được thuyết phục rồi sẽ tìm thấy trong vài dòng dưới đây về bàn tay vô hình ba thành phần thường nhận thấy trong chủ nghĩa tự do kinh tế: thứ nhất là sự quy chiếu về việc theo đuổi duy nhất và không bị cản trở lợi ích riêng, quy về một cá nhân ích kỉ, xa lạ với mọi nhận định liên quan đến sản phẩm công hay chỉ đơn giản đến tình đoàn kết với người khác; tiếp đó là ý tưởng về một cơ chế được mô tả như cơ chế thị trường kết hợp vô số tính ích kỉ này để tạo ra sản phẩm cho xã hội; và cuối cùng là sự tách biệt giữa những ý định rõ ràng (các lợi ích cá nhân) và kết quả không do chủ ý của chúng (lợi ích chung): không có ai mong muốn kết quả này thế mà lợi ích của xã hội lại nổi lên như một hiệu ứng không mong muốn của hành vi của những cá nhân chỉ quan tâm đến bản thân.

Chân dung Adam Smith (1723-1790)

Một bước nữa là ta gặp lại điều quen thuộc trong chủ nghĩa tự do kinh tế đương đại, như nó có thể được các chính khách nam hay nữ hoặc những đại diện nam hay nữ các định chế quốc gia hay quốc tế khẳng định. Để cơ chế thị trường trở thành cụ thể và đạt được tối ưu kinh tế mà có lẽ Adam Smith từng có trực giác, thì những tác nhân của cơ chế này phải được tự do hành động, không bị ai hay bất kì điều gì, từ Nhà nước, các nghiệp đoàn, các nhóm lợi ích lẫn các hiệp định quốc tế cản trở. Ở đây, tự do hiện lên như một kiểu tác nhân phi lí biến đổi những mong muốn tầm thường của các cá nhân thành một lợi ích chung không nằm trong ý định của họ.

Tuy nhiên có thể nào tiến đến bước này mà không phê phán và cho rằng chính Adam Smith dẫn ta đến đây và cho rằng các yếu tố cấu thành chủ nghĩa tự do ngày nay đã nẩy mầm trong sự nghiệp của ông? Khó phản bác tầm quan trọng của điều ông gọi là “tự do tự nhiên”. Tuy nhiên, sự gắn bó của ông với chiều kích chính trị, điều sẽ được gọi là “chủ nghĩa tự do chính trị”, là đương nhiên còn biến thể của nó dưới dạng “tự do kinh doanh” là đáng bàn luận hơn nhiều.

Nới lỏng các ràng buộc, chứ không rời xa các quy định

Thật vậy, cần phải thận trọng khi đề cập đến ẩn dụ “bàn tay vô hình” như nó đã được Adam Smith đưa vào trong Của cải các dân tộc. Ẩn dụ này có mặt sau khi được đề cập trước đó trong chỉ hai tác phẩm khác mà, trong số những văn bản của ông, ông đánh giá là đáng để lưu lại cho hậu thế.

Lần đầu tiên ta gặp ẩn dụ này là trong tác phẩm Lịch sử thiên văn học năm 1758, khi đối với các nhà Cổ đại bàn tay vô hình của Jupiter được dùng để chỉ những điều bất thường của tự nhiên như tia sét hay điều gì gợi đến cơn nổi giận của thánh thần. Trong Lí thuyết những cảm xúc đạo đức, bàn tày này quy chiếu về một sự phân bổ sinh ra từ mong muốn, mà ông cho là không bao giờ thoả mãn, đối với những món ăn tinh chế nhất. Khi không tính đến những bất bình đẳng, hiệu ứng của mong muốn này có lẽ lấp đầy bao tử của mỗi người, giàu hay nghèo.

Trong Của cải của các dân tộc bàn tay xuất hiện nhân bàn luận những hạn mức áp đặt lên việc nhập khẩu những hàng hoá có thể là đối tượng của sản xuất nội địa. Như vậy, tự do đi kèm với sản xuất trong nước này không phải là tự do bị những ai, từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế chiến thứ nhất sẽ tố cáo điều mà họ nhìn thấy ở đó, theo lời được gán cho Marx hay cho Jaures (trong số những tác giả khác) tự do “của một con cáo tự do trong một chuồng gà tự do”. Đối với Smith tự do đi kèm với sản xuất trên quy chiếu về sự kết thúc của những đặc quyền được pháp chế đảm bảo vốn chi phối các giao dịch kinh tế và quan hệ xã hội. Đối mặt với những ưu đãi và phường hội, sự dai dẳng của lao động nô lệ hoá, sự thu mình về nội địa, ông gợi ý là việc tháo gỡ hệ thống kinh tế cho phép điều này diễn ra sẽ không mở đường cho một tai hoạ khác, trái lại là khác. Hệ thống kinh tế ấy, mà chính nhờ ông ta hiểu được tính đặc thù, sau này sẽ được gọi là hệ thống “trọng thương”.

Kết quả là sự lĩnh hội tự do về mặt kinh tế khá xa lạ với cách tự do của ông. Nếu cách hệ thống hoá này chia sẻ ý nghĩa đương đại là sự công nhận những lực mạnh mẽ của việc theo đuổi lợi ích cá nhân thì nó cũng không trao cho chúng một giá trị quá đáng. Đối với Smith, tự do cho phép nới lỏng vài ràng buộc chứ không phải là rời xa các quy định. Ông chỉ rõ điều này trên những vấn đề chính sách thuế khoá, tiền tệ và trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng khi hình dung vấn đề tiền lương thì điều này hiện lên rõ nhất.

Những cơ chế không hiệu quả với những cá nhân tự do hành động

Mối quan tâm của tác giả Của cải của các dân tộc đối với những bất bình đẳng thu nhập và các chính sách có thể giúp thu hẹp các bất bình đẳng này là rất biểu cảm. Sau khi xem xét những hệ quả của việc cải thiện tình hình của các “tầng lớp nghèo” trong xã hội, ông kết luận ở chương 8 quyển I:

Không có một xã hội nào lại có thể phồn vinh, hạnh phúc trong khi đa số dân chúng sống khổ sở, cơ cực. Cần thiết phải có sự công bằng trong đời sống xã hội, những người nào làm ra mọi của cải: lương thực, vải vóc, nhà cửa cho toàn xã hội, cần phải được hưởng một phần số của cải mà họ làm ra bằng sức lao động của chính họ.”[2]

Và khi ông tự hỏi bằng cách nào tiền lương của các tầng lớp trên được xác định, ông không giấu giếm sự ít tin tưởng của ông vào những tác động của một cơ chế thị trường không có điều tiết. Không phải vì bản chất của thị trường là không hiệu quả nhưng vì một số tác nhân trên đó, nếu được để tự do hành động sẽ cản trở nó. Dưới mắt của Smith, trách nhiệm không thuộc về các liên minh công nhân nhưng là do “giới chủ, bất kỳ ở đâu luôn luôn liên kết với nhau trên một cơ sở thoả thuận ngầm nhưng rất ăn ý với nhau để không tăng tiền công lao động cao hơn tỷ suất thật của nó”[3]. Trường hợp này cũng vậy, khi ông mô tả phản ứng, đôi lúc cực đoan, của người làm công ăn lương khó mà nhìn thấy trong diễn ngôn của ông biểu hiện của một chủ nghĩa tự do không bị ràng buộc:

Họ hành động một cách tuyệt vọng và còn tỏ ra khá điên rồ vì họ chỉ còn một sự lựa chọn: hoặc họ phải chết đói, hoặc họ phải làm cho chủ sợ hãi mà đồng ý ngay với những yêu sách mà họ đưa ra.”[4]

Làm tốt và nhiều hơn

Như vậy, hiểu bàn tay vô hình như một lời tụng ca chủ nghĩa tự do là điều không hiển nhiên như người ta từng khẳng định. Tự do mà ẩn dụ này muốn khuyến khích là sự tự do thu hẹp tính võ đoán và những đặc quyền. Tự do này không ngăn cản việc định ra luật pháp, quản lí, triển khai những cơ chế khuyến khích hay thu thuế. Và tất cả những điều đó để đảm bảo các chức năng thuộc thẩm quyền Nhà nước nhằm sửa chữa những bất công, bù đắp những thiệt thòi, giảm bớt những sự méo mó, bảo vệ chống những vị thế khống chế, tạm thời giải quyết những thất bại của thị trường hay đối phó với thông tin không đối xứng. Vấn đề không phải là nói rằng những lực sinh ra từ việc theo đuổi lợi ích riêng là không hiệu quả một cách có hệ thống – dù đôi lúc chúng có thể là như thế – nhưng đúng hơn sẽ là thích hợp khi điều tiết hay định hướng việc sử dụng các lực này để không trở thành những kẻ phục vụ bất lực và mù quáng cho chúng.

Ngày nay đọc lại Smith viết hôm qua về bàn tay vô hình và những gì bao quanh ẩn dụ này là không chỉ đánh giá đúng một lời nói cũ xưa bằng cách chỉ ra rằng ý nghĩa của ẩn dụ này không hiển nhiên như người ta từng quy ước. Kể từ sự đổi mới cách đây năm mươi năm khi đi cùng với ấn bản khoa học đầu tiên của Toàn tập Adam Smith, được gọi là ấn bản của Nhà xuất bản Glasgow, nhân hai trăm năm xuất bản cuốn Của cải của các dân tộc, nhiều thế hệ sử gia, nam và nữ, về tư tưởng kinh tế đã tiến hành việc đánh giá trên – như được minh chứng, kể cả ngày nay, bằng các công trình của nhiều nhà nam nữ nghiên cứu mà tôi đã gặp trong nhóm PHARE thuộc Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Vượt lên những biếm hoạ, ẩn dụ này cho thấy sự khác biệt, ví dụ, với việc tôn thờ tự do kinh doanh mà người ta gặp vào thế kỉ sau ở những nhà tự do Pháp như Frédéric Bastiat.

Đọc lại Smith cũng là thừa nhận rằng thông điệp mà người ta muốn ông chuyển tải về thế giới ngày nay nên có nhiều sắc thái: tự do lựa chọn, trao đổi và kinh doanh, tại sao không? Trừ phi tự do bị lạm dụng và khi ta có những lí do chính đáng để nghĩ rằng, vì lợi ích chung, chắc chắn ta có thể làm nhiều và tốt hơn.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn:Relire Adam Smith aujourd’hui: la «main invisible», une apologie du libéralisme?”, The Conversation, 19.10.2023.    

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Của cải của các dân tộc, bản dịch của Đỗ Trọng Hợp, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 648 (ND).

[2] Của cải của các dân tộc, bản dịch của Đỗ Trọng Hợp, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 150-151 (ND).

[3] Của cải của các dân tộc, bản dịch của Đỗ Trọng Hợp, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 135 (ND).

[4] Của cải của các dân tộc, bản dịch của Đỗ Trọng Hợp, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 136 (ND).

Print Friendly and PDF