10.12.23

Giải thưởng Nobel: rời khỏi đất nước để chiến thắng, một sự bắt buộc đối với người Pháp?

GIẢI THƯỞNG NOBEL: RỜI KHỎI ĐẤT NƯỚC ĐỂ CHIẾN THẮNG, MỘT SỰ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI PHÁP?

Ngày thứ ba, 3 tháng 10 năm 2023, Anne L’Huillier và Pierre Agostini đã được trao giải thưởng Nobel vật lý, cùng chia giải với nhà nghiên cứu Ferenc Krausz. Cả nước Pháp đã tán dương hai nhà khoa học Pháp, cho dù họ đã phải rời đất nước để thăng hoa trong sự nghiệp của mình… Một nghịch lý thường gặp vốn đặt câu hỏi về thế giới nghiên cứu tại Pháp.

Tác giả: Teddy Perez[*]

Công bố ngày 10 tháng 10 năm 2023, cập nhật ngày 12 tháng 10 năm 2023.

Anne L'Huillier và Pierre Agostini, hai người Pháp đạt giải Nobel vật lý năm 2023.

Anne L’Huillier cũng như Pierre Agostini mỗi sáng thức dậy không hề tưởng tượng mình được giải thưởng Nobel. Nhưng khi ra sống ở nước ngoài, hai nhà khoa học người Pháp đã có thể theo đuổi những công trình khác nhau đồng thời giảng dạy tại những trường đại học uy tín nhất thế giới. Một lựa chọn có lợi đối với sự nghiệp của họ vì trong khi nghiên cứu những vận động cực nhanh của các électron trong các nguyên tử và phân tử, họ đã biết làm say mê các thành viên của Ủy ban Nobel của năm 2023.

Nghiên cứu, một nghề bị đẩy vào xuất khẩu quốc tế

Anne L'huillier và Pierre Agostini, cũng như hàng ngàn nhà nghiên cứu Pháp, đã “bị buộc” phải ra nước ngoài trong cuộc đời sự nghiệp của họ. Cả hai vị này đều đã khởi đầu sự nghiệp của họ tại Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Saclay- Pháp (viết tắt CEA) rất nổi tiếng. Tại Ủy ban này, họ đã khởi đầu những công trình được tưởng thưởng bởi giải Nobel vật lý năm 2023 trước khi xuất khẩu chúng ra thế giới, với bước trung gian bắt buộc qua nước Mỹ thủ lĩnh. Không phải chỉ có riêng họ ở trong trường hợp này. Ferenc Krausz, nhà nghiên cứu Áo-Hung người đã chia giải Nobel, triển khai các hoạt động nghề nghiệp chính của ông ở vùng Bavière (Đức).

Hơn cả một vấn đề giả, xuất khẩu ra thế giới khi mình là một nhà nghiên cứu có vẻ như là một sự cần thiết. Franck Lépine, giám đốc nghiên cứu ở CNRS và chuyên viên nghiên cứu tại Institut Lumière Matière đã chia sẻ quan điểm này khi giải Nobel vật lý 2023 được thông báo: “ra đi là tính chất nội tại của nghiên cứu”. Không có vấn đề chảy máu chất xám hay hạ giá trị của cơ sở hạ tầng của Pháp, bởi vì trong lĩnh vực các xung atto giây, nước Pháp sở hữu ba phòng thí nghiệm nổi tiếng khắp đất nước hình lục giác này.

Do đó, gặp những người Pháp đạt giải Nobel định cư ở ngước ngoài là một kịch bản không ngừng lặp lại trong các ngành khoa học tự nhiên. Năm 2020 là trường hợp của Emmanuelle Charpentier. Định cư ở Đức, bà là giám đốc của viện sinh học Max- Planck ở Berlin, người phụ nữ Pháp này đã đạt giải Nobel hóa học vì đã thay đổi triệt để lĩnh vực kỹ thuật di truyền.

Gần đây hơn, Alain Aspect, một người Pháp đã đạt giải Nobel vật lý năm 2022, ông đã tham gia các phương tiện truyền thông của Pháp để chia sẻ công trình của ông về rối lượng tử (intrication quantique-quantum entanglement). Ông cũng tận dụng dịp này để nói lấy làm tiếc về sự thiếu thốn các phương tiện tại các phòng thí nghiệm, kết hợp với tình trạng thiếu chỗ làm cho những người trẻ. Ra nước ngoài, một khi là nhà khoa học và là tiến sĩ trẻ người Pháp, thì trước hết là một phương tiện để có được một việc làm.

franceinfo

Giảm sút các thiên hướng khoa học: “Để những người trẻ ham mê nghiên cứu, cần cải thiện tiền lương và các điều kiện làm việc”, Alain Fischer nhận định như vậy. Ông đặc biệt kêu gọi” đơn giản hóa các thủ tục về nghiên cứu” và có “trang thiết bị tốt”.

Nghiên cứu y khoa: “Cách đây khoảng 15 năm, những thành tích của Pháp và của Đức là tương đương nhau", Alain Fischer giải thích. Bây giờ, người Đức láng giềng của chúng ta có “một trình độ tài chính và thành tích khoa học cao hơn”, ông quan sát thấy như vậy.

Nghiên cứu của Pháp đang sa sút?

Những người Pháp được đánh giá cao, nhưng Pháp thì không? Có một “sự sa sút nhanh chóng từ mười lăm năm nay”, đó là sự thú nhận của các tác giả của một trong những báo cáo nhằm mục đích tăng cường luật về chiến lược nghiên cứu (Loi de programmation pour la recherche – LPR) vào tháng chín năm 2021.

Nhiều năm trôi qua và nước Pháp không ngừng cáo buộc sự chậm trễ của mình so với các nước láng giềng ở châu Âu. Alain Fischer, chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học, đã thừa nhận trên đài France.Info ngày 18 tháng 1 năm 2023 rằng “những thành tích của Pháp đã kém hơn về phương diện công bố khoa học và đạt được các hợp đồng nghiên cứu quan trọng”. Trong bảng xếp hạng thế giới, Pháp không còn trong nhóm 10 nước hàng đầu và Ý đã thay thế.

Tuy nhiên, xu hướng có thể đảo ngược. Từ 20 năm nay, mỗi năm bảng xếp hạng Thượng Hải nêu ra 1000 cơ sở nghiên cứu uy tín nhất trong lĩnh vực các ngành khoa học tự nhiên (khoa học “cứng”). Tháng tám năm 2023, nước Pháp đã có một niềm vui bất ngờ. Bốn đại học của Pháp nằm trong 100 đại học hàng đầu, và Paris-Saclay được xếp hạng 15 trên thế giới. Có cái để đem lại hy vọng cho một lĩnh vực đang cần được thừa nhận ở Pháp và có triển vọng cho nhiều tài năng. Những giải Nobel gần đây là những minh chứng hoàn hảo.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Prix Nobel : s’expatrier pour l’emporter, une obliation pour les Francais ?”, Le petit journal, 10.10.2023.

----

Bài có liên quan




Chú thích:

[*] Được đào tạo ở Institut Européen du Journalisme tại Paris, Teddy Perez tham gia ban biên tập quốc tế tháng 9 năm 2023.

Print Friendly and PDF