17.12.23

Một chuyến thăm Adam Smith ở Edinburgh

MỘT CHUYẾN THĂM ADAM SMITH Ở EDINBURGH

Và cuộc trò chuyện với ông

Nguyễn Xuân Xanh

Adam Smith (1723-2023)

Tác giả của Lý thuyết tình cảm đạo đức (1759) và Sự phồn vinh của các quốc gia (1776)

Lời nói đầu. Sáng nay ngày thứ Bảy 16.12.2023 Đại học Văn Lang có tổ chức một Hội thảo (Symposium) về Adam Smith để kỷ niệm 300 năm của ông, 1723-2023. Rất nhiều học giả, nhà kinh tế, đại diện của một số cơ quan nhà nước và sinh viên tham dự, trong đó phải kể các anh Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Trần Quốc Hùng, Trần Văn Thọ, Trần Lê Anh, Vũ Minh Khương, chỉ kể một số ít, tham dự với tư cách diễn giả, thảo luận viên trong panel. Lần đầu tiên mới có một cuộc hội thảo lớn về danh nhân thế giới, với một chủ đề hết sức thiết thân với kinh tế Việt Nam. Các bài phát biểu đều hết sức chất lượng. Tôi hết sức vui mừng vì có cảm giác đó là “ngày hội” của những nhà nghiên cứu, đặc biệt với chủ đề Adam Smith. Vâng, có nhiều loại khai sáng như chúng ta đã nghe, đã biết, đã đem lại nhiều ánh sáng của lý tính, “cold light”, nhưng ở khai sáng của Adam Smith và của các nhà khai sáng Tô Cách Lan (Xcot-len) thời ông tôi cảm nhận hơi ấm, để mượn cách nói của nữ học giả Emma Rothschild, Harvard, vì nó liên quan đến con người và những vấn đề của con người. Ông muốn đem lại của cải (wealth), đức hạnh (virtue) và tự do (liberty) cho con người, nhất là những người nghèo khó. Ông là người rất khoan dung, có tầm nhìn nhân ái để hiểu và cảm thông (sympathy) với con người với những cái xấu và tốt bẩm sinh của nó, không chối từ, không kết tội, có lẽ đã do Thượng đế đặt để như thế, như một bài toán, để con người tự giải quyết mà sống chung với nhau trong một trật tự phù hợp với bản chất con người, human nature. Adam Smith có lẽ là người đã đề ra một mô hình cho cuộc sống chung đó.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay đã có nhiều lễ kỷ niệm, Albert Einstein, Max Planck, Galileo Galilei, Charles Darwin, Đại học Humboldt 200 năm, Hạt Higgs, và có nhiều số kỷ yếu, nhưng chưa bao giờ có một buổi hội thảo khoa học quy tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu như thế.

Mời quý anh chị và các bạn đón xem Kỷ yếu Adam Smith, tập hợp những cây bút nghiên cứu về Adam Smith. Anh Bùi Văn Nam Sơn đã nhận lời tham dự buổi hội thảo hôm nay, nhưng giờ cuối mắt lại bị đau lại nên rất tiếc phải vắng mặt. Xin chúc anh mau bình phục. God bless you.

Dưới đây là buổi trò chuyện với Adam Smith sáng nay mà tôi đã thực hiện.

Ông Adam Smith ơi, xin hẹn gặp ông lần tới nhé. 

Nguyễn Xuân Xanh

Phần V (của bài phát biểu)

Bây giờ xin mời anh chị đi thăm Adam Smith tại ngôi Nhà Panmure ở thủ đô Edinburgh, Scotland một chút. Đây là ngôi nhà ông đã sống mười hai năm cuối đời, 1778 – 1790, tức chỉ hai năm sau khi tác phẩm Phồn vinh của các Quốc gia (Wealth of Nations) của ông được xuất bản. Ông sống ở đó với mẹ ông, và cô cousin Janet Douglas. Căn nhà này được xây dựng năm 1691 làm trụ sở của thị trấn của Bá tước Panmure. Năm 1778 cũng là thời kỳ cao điểm của Khai sáng Scotland và cũng là lúc Smith trở thành ủy viên hải quan. Ngôi nhà hình chữ L đã trở nên nổi tiếng với tên tuổi của Adam Smith. Tại đây ông đã làm những nghiên cứu về lịch sử của chính phủ và luật pháp cũng như văn học, cũng như tu chỉnh các ấn bản cuối cùng của cả Lý thuyết về tình cảm đạo đứcSự phồn vinh của các quốc gia. Ngôi nhà là chỗ lui tới của các tên tuổi trí thức lúc bấy giờ vào mỗi tối chủ nhật của tuần. Nhà Panmure giờ đây được phục vụ làm nơi các học giả thế giới đến diễn thuyết. Smith mất ngày 17.7.1790, và được mai táng trong sân nhà thờ Canongate gần đó.

Ngôi nhà Panmure hôm nay

May mắn, hôm nay căn nhà vẫn còn ở đó như nhà lưu niệm. Có tấm bảng Adam Smith/Panmure House, to và đẹp gắn trước cổng. Nhà tường đá nhưng có lò sưởi trong phòng khách làm cho không khí trở nên ấm cúng. Khắp nơi đều có tủ sách và sách – khoảng ba nghìn cuốn, sau khi James Bonar làm cuộc kiểm kê, gồm sách tiếng Anh, Pháp, La tinh, Ý, Hy lạp, cũng như tiếng Đức. Nhiều cuốn được bọc bằng da nghệ thuật hiếm thấy ở thời hiện đại. Nhà Panmure giờ đây là một tượng đài quan trọng của lịch sử tri thức Scotland. Smith viết cho một người bạn rằng “Tôi chỉ đẹp giữa những quyển sách của tôi” (“I am a beau in nothing but my books).

[Một giai thoại. Vào một ngày đẹp trời của những năm 1930, trên một con phố ở Edinburgh, có hai gentleman Nhật Bản dừng chân hỏi một vị giáo sư về vị trí của ngôi mộ của Adam Smith, họ muốn đến thăm. Vị giáo sư đó đưa họ đến nghĩa trang Canongate gần đó. Trước sự ngạc nhiên của ông, họ ngồi xuống đất lạy ngôi mộ để bày tỏ lòng tôn kính của mình, như thể họ đang ở trong một ngôi đền Thần đạo. Adam Smith đã được nghiên cứu rất sớm và liên tục ở Nhật Bản. Ngay cả dưới chế độ quân phiệt, học thuật đạt đến đỉnh cao vào năm 1941.

Nhật Bản mở cửa cho văn hóa phương Tây vào những năm 1850, nhưng một số cuốn sách về kinh tế phương Tây, trong đó có cuốn của Smith được các thương gia Hà Lan mang vào Nhật Bản trước đó tiêu đề tiếng Đức Untersuchungen Über das Wesen und Ursachen des National Reichthums (Nghiên cứu về Bản chất và Nguyên do của sự Giàu có quốc gia). Đó là bản dịch tiếng Đức của Max Stirner từ Sự phồn vinh của các quốc gia năm 1846.

Từ năm 1882 đến năm 1888, bản dịch đầy đủ đầu tiên của Phồn vinh của các quốc gia được thực hiện bởi hai học trò của Fukuzawa là Eisaku Ishikawa và Shosaku Saga, và được xuất bản cũng như bán trả góp dưới sự bảo trợ của Ukichi Taguchi (1855–1905), một nhà theo chủ nghĩa tự do hoặc thương mại tự do. Trong cuốn Kinh tế thương mại tự do của Nhật Bản (1878) của mình, Taguchi đã cố gắng giải thích mọi hoạt động của con người bằng nguyên tắc lòng ngã ái (self-love). Theo ông, vì tất cả con người đều sống theo nguyên tắc tự nhiên là yêu bản thân nên họ đều bình đẳng bất kể việc làm, vị trí của họ, và không nên có đặc quyền nào giữa họ.]

 

Cuộc thăm viếng bắt đầu

-Nguyên: Xin chào ông Adam Smith. Tôi là Nguyên đến từ Việt Nam, muốn xin phép được thăm ông và trò chuyện một chút, được không ạ?

-Smith: Ô, chào ông Nguyên, rất sẵn lòng, rất sẵn lòng, tôi rất hân hạnh được đón tiếp một người Việt Nam qua thăm xứ sở lạnh lẽo này. Hiếm lắm. Xin mời ông vào. Để tôi máng áo khoác của ông lên giá nhé, và mời ông vào ngồi cho ấm rồi chúng ta cùng trò truyện.

-Nguyên: Dạ cảm ơn, ông chu đáo quá. Trời Edinburgh lạnh, tôi hy vọng mang được chút không khí ấm áp của TP HCM đến ông; và đặc biệt, mang đến ông những lời chào hỏi nồng nhiệt của những người bạn tôi đang làm hội thảo về ông nhân sinh nhật thứ 300 của ông hôm nay tại Đại học Văn Lang. Đây là một sự kiện sinh hoạt trí thức hết sức quan trọng, nhưng cũng hiếm có trên đất nước chúng tôi.

-Smith: That’s great. Rất vui, rất vui. Cảm ơn các bạn. Nhưng vì sao các bạn lại quan tâm đến tôi và những gì tôi viết cách đây 250 năm trước?

-Nguyên: Năm nay cả thế giới tổ chức những cuộc hội thảo để kỷ niệm sinh nhật thứ 300 của ông, một sự kiện lớn và có ý nghĩa quá, đúng không ạ, cho nên không thể không có hội thảo về ông tại một quốc gia đang tìm con đường phát triển lên phồn vinh như quyển sách Phồn vinh của các quốc gia đã phác hoạ. Chúng tôi rất nỗ lực để tổ chức được việc này, nhờ nhiều người rất tâm huyết giúp sức.

-Smith: Cảm ơn ông, tuyệt quá. Từ thế kỷ XIX đến nay, nhiều quốc gia đã ứng dụng Phồn vinh của các quốc gia một cách khôn ngoan, và đều lần lượt tiến lên giàu có, như Đức ở châu Âu, hay Nhật Bản Minh Trị ở châu Á. Nhưng có điều, không phải ai cũng hành động dựa trên lý tính cả. David Hume, người bạn thân của tôi, nói khẳng định rõ hơn “Lý tính là, và phải là nô lệ của các đam mê” (“Reason is, and ought to be slave of passions”), không thể khác hơn. Câu nói này soi sáng nhiều tình huống khó hiểu, tại sao có những quốc gia, hay lãnh đạo chính trị làm một sự lựa chọn phản lại lý tính bình thường như vậy? Các tác phẩm của tôi được viết không phải dựa trên passions, mà trên lý tính, nhận thức và chứng cứ.

-Nguyên: Ý tưởng của Hume quả táo bạo, và nó vẫn còn soi sáng sân khấu chính trị của hôm nay khi nhiều nhóm người, hay chính khách lựa chọn quyết định của mình dựa trên passion, không phải trên lý tính, mặc dù bây giờ passion của họ chỉ còn là dư âm chứ không thật nữa. Abraham Lincoln cũng từng cho rằng, xây dựng đất nước trong thời bình cần phải dựa trên lý tính tỉnh táo, tức không nên để passion như của thời chiến che lấp tầm nhìn, hay đánh lạc hướng của mình. Nhưng trước nhất tôi xin quay lại Ngôi nhà Panmure của ông một chút. Nó có kiến trúc đơn giản nhưng rất rất đẹp, rộng rãi. Ông quả có con mắt thẩm mỹ tuyệt vời.

-Smith: Tôi rất may mắn có được ít thu nhập từ nhiều nguồn, như từ trợ cấp của Công tước Buccleuch, người đã tài trợ chuyến đi quan trọng của tôi ở Pháp những năm 1764-66, ông ấy vô cùng rộng rãi, tôi từ chối mà không được; và một số tiền lớn hơn từ chức vụ ủy viên hải quan của tôi từ năm 1778, với 600 bảng/năm, rất hậu hỉ.

-Nguyên: Xin chúc mừng ông. Isaac Newton cuối đời cũng có một cuộc sống sung túc và có tài sản lớn khi được cử làm quản lý của Xưởng đúc tiền Hoàng gia. Ngoài hai nguồn thu nhập trên mà ông đề cập, tôi được biết, ông còn được trả tiền nhuận bút rất cao đáng ganh tỵ cho quyển sách Phồn vinh của các quốc gia. Ấn bản đầu tiên có 500 bản/trên khoảng một triệu rưỡi dân số lúc đó của Scotland (tức một quyển/3.000 đầu người; so sánh với trung bình 1000 bản trên 100 triệu dân số VN hiện nay, tỷ lệ một quyển/100.000 người dân); mỗi bản Phồn vinh có 1.000 trang gồm hai tập, bán ra với gia 1,16 bảng Anh, và Nxb đã trả ông đến 300 bảng tiền nhuận bút! Đó là một số tiền rất lớn thời đó, bằng số tiền mà Công tước Buccleuch cấp dưỡng cho ông một năm. Trung bình, sống trung lưu ở Scotland lúc bấy giờ chỉ cần 30-40 bảng một năm là đủ, thân phụ ông cũng đã từng nhận lương như thế. Và tác phẩm Phồn vinh của các quốc gia có đến năm lần in như thế, 1776, 1778, 1784, 1786 và 1789. Trong khi đó ở Việt Nam chúng tôi, bán một quyển sách, dù là sách hay, có giải thưởng đi nữa, với số lượng 1000 hay 2000 bản một lần in, thì tiền nhuận bút chỉ đủ xài cho một đến hai tháng là cùng! Và sách trung bình cũng chỉ được tái bản vài ba lần. Người viết sách của chúng tôi không thể sống bằng ngòi bút, không như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản Minh Trị.

-Smith: Thế thì ít quá, khó khuyến khích phát triển tri thức. Có lẽ sức đọc người Việt Nam còn quá khiêm tốn, và giá trị tri thức còn quá thấp, đúng không ông? Muốn xây dựng quốc gia, chúng ta cần có tri thức và phải hết sức quý trọng tri thức.

-Nguyên: Vâng, đó là một khó khăn của chúng tôi. Một chuyện khác tôi rất muốn hỏi ông, là từ đâu ông có những động cơ và dữ liệu để viết tác phẩm Phồn vinh các quốc gia? Ông, cũng như bạn ông David Hume, lại được xem là những empiricist, nhà duy nghiệm, dân Scot của ông đều là như thế cả, nghĩa là phải xuất phát từ thực tế để xây dựng lý thuyết. Vậy thì ông đã xuất phát từ những gốc rễ thực tế nào?

-Smith: Vâng, thực tế đúng như thế. Tôi sống ở Glasgow nhiều năm, thành phố lớn nhất của Scotland, và đã chứng kiến sự bùng nổ của thương mại và chế tạo công nghiệp trong giai đoạn tiền công nghiệp hóa. Glasgow là “phòng thí nghiệm” của tôi. Glasgow là sự pha trộn đáng kể giữa cái cũ và cái mới, cả về chính trị, một sự thay ngôi đổi chủ chính trị rất quan trọng dẫn đến ổn định. Sự phát triển của Glasgow đã củng cố ý thức về một sự thay đổi lớn lao này. Tôi đã chứng kiến một thế giới phong kiến theo chủ nghĩa Calvin trên đường tan rã để thành một thế giới tư bản thương mại. Về nhiều mặt, Sự phồn vinh của các quốc gia là một nỗ lực gần như mang tính đồ họa nhằm mô tả và giải thích cách thức và lý do điều này lại xảy ra ở đó, và được khái quát hóa lên phạm vi rộng.

-Nguyên: Ông được khen là người bảo vệ những người lao động, cùng khổ, biện hộ cho mọi người dân tham gia vào thị trường thương mại tự do, và phúc lợi do họ làm ra, và cho rằng, lương của người lao động cần được trả cao đúng mực để họ tồn tại thì họ mới tích cực, siêng năng và sáng tạo hơn như ông đã dẫn chứng từ một vài nơi trên thế giới. Vâng, chính người lao động Anh có diễm phúc hơn người lao động ở lục địa, họ “ăn béo uống ngọt”, biểu hiện của sự phồn vinh lúc bấy giờ. Đồng lương của họ cao hơn lương lao động ở lục địa, họ tiêu xài nhiều hơn cho quần áo và ăn uống so với bất cứ đất nước nào khác.

Và ông cũng nhìn thấy những lao động đơn giản lập đi lập lại có thể làm hại cho sự phát triển trí tuệ, vì thế kêu gọi nhà nước chăm lo giáo dục cho người lao động. Ông là nhà kinh tế học lo cho người lao động, sớm hơn ông Các Mác (Karl Marx) một trăm năm.

-Smith: Vâng. Làm sao một quốc gia mà phần lớn gồm những người lao động nghèo khổ mà lại có thể hạnh phúc được, đúng không ông? Tôi có khác hơn ông Marx ở chỗ này: Đó là, theo tôi, động cơ tiến bộ của xã hội nằm ở bản chất bẩm sinh của con người, là không ngừng mong muốn “cải thiện cuộc sống của mình”, dù ở bất cứ ở chân trời nào, “một mong muốn hình thành từ trong bụng mẹ và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ.”

-Nguyên: Marx có một người đương thời, Friedrich List, cũng nghĩ khác hơn ông ấy. Theo List, một quốc gia cũng giống như một con người, luôn luôn có mong muốn cải thiện điều kiện sống của mình, nhưng bằng con đường học hỏi, bắt chước, đổi mới sáng tạo và bắt kịp, tiến lên hòa nhập vào cộng đồng các quốc gia đã phát triển. Thực tế cho thấy, sau cuộc cách mạng công nghiệp Anh thế kỷ XVIII, thế giới phần lớn lần lượt đã đi theo con đường này, và buộc phải đi theo, ngay cả Trung Quốc gần đây nhất, nếu họ không muốn bị tụt hậu và đào thải.

-Smith: Dĩ nhiên List chủ trương bảo hộ sản phẩm của các quốc gia mới nổi, như của Phổ, và chỉ hạ thuế quan xuống từng bước khi chất lượng sản phẩm nội địa được cải thiện và có tính cạnh tranh hơn, một biện pháp tôi rất thông cảm và thấy rất cần thiết. Ở Đức, hay Nhật Bản, hay Hoa Kỳ thế kỷ 19, họ đã làm điều đó và bổ sung một số chính sách để đảm bảo kinh tế thị trường phát triển ổn định, vì lợi ích của số đông, làm cho kinh tế thị trường có tính xã hội hơn. Nếu xem nước Anh, người tiên phong trong công nghiệp hóa của thế giới, là kẻ thù và muốn tiêu diệt họ, như Napoleon từng muốn làm, thì điều đó sẽ làm cho thế giới nghèo đi hơn thôi. Các quốc gia Đông Á cũng có sáng kiến Nhà nước kiến tạo phát triển (developmental), can thiệp và dẫn dắt nhiều hơn, nhưng không làm mất tính tự do và rộng mở của thị trường, không đánh mất bàn tay vô hình cổ điển, ngược lại, càng làm cho thị trường mạnh mẽ hơn với nhiều hàng hóa chất lượng ngày càng cao hơn. Tôi ủng hộ điều đó. Có những can thiệp bao gồm thị trường nhằm thực hiện những việc quan trọng mà thị trường có thể không làm được. Thật ra, nói cho cùng, điều đó cũng không xa lạ đối với Mỹ thời chiến tranh lạnh và moonshot trong một số phương diện. Người ta còn gọi đó là nhà nước entrepreneurial

-Nguyên: Thưa ông, xin cho phép một câu hỏi khác: giữa hai tác phẩm Lý thuyết tình cảm đạo đứcSự phồn vinh của các quốc gia, thoạt nhìn, người ta chưa thấy có sự liên hệ về nội dung với nhau lắm. Tại sao ông lại viết hai tác phẩm với hai đề tài tưởng chừng không có mối liên hệ? Người Đức gọi là “Vấn đề Adam Smith”. Xin ông giải thích.

-Smith: Cảm ơn ông câu hỏi thú vị. Thế nào là đạo đức? Các nhà tôn giáo từ lâu cho rằng con người sinh ra có những tì vết “nguy hiểm”, đó là ngã ái (self-love), tư lợi (self-interest), hay tham lam (greed), là những thứ “phi đạo đức” và nguy hiểm. Tôn giáo từng không chấp nhận việc buôn bán với lợi nhuận. Nhưng, như tôi đã trình bày, không có ngã ái, tư lợi của hàng thịt, hàng bia và hàng bánh mì thì bạn sẽ không thể có buổi ăn tối. Đó là những động lực tự nhiên của con người để bảo vệ giống loài không thể tiêu diệt mà phải được hiểu dưới một góc nhìn khác và cần được tích hợp trong một trật tự kinh tế chính trị mới để được phép phát triển một cách lành mạnh, tạo ra phúc lợi cho quốc gia. Luật pháp và công lý đóng vai trò rất quan trọng ở đây. Xã hội là thế tục, không phải là xã hội thuần túy thánh thiện của tôn giáo. Ai tu thân được thì quý, nhưng bắt xã hội phải tu để nó rơi vào nghèo nàn lạc hậu sẽ đẩy xã hội vào tình trạng hoang dã, mất mát to lớn. Vì thế tôi không đồng ý với quan niệm của Rousseau. Trở về tự nhiên: điều đó hàm chứa nguy hiểm cho quốc gia, nhân loại. Phải hiểu những “tính xấu” đó theo một nghĩa khác. Chính vì muốn tiêu diệt những động lực được cho là xấu mà nhiều dân tộc đã bị ngăn cấm hoạt động kinh tế tự do chính đáng để làm giàu cho quốc gia, cuối cùng làm cho nó nghèo nàn lạc hậu, và con người phải sống giả dối với chính mình và đồng loại.

Mặt khác, con người đâu phải chỉ có ngã ái, tư lợi, mà còn có tình cảm đạo đức tốt đẹp, có sự cảm thông, sympathy, lòng nhân ái, cho các đồng loại nữa kia mà, như tôi đã trình bày trong Lý thuyết tình cảm đạo đức. Hạnh phúc con người, cuối cùng, là được yêu thương, loved, và đáng yêu, lovely.

-Nguyên: Thưa ông Smith, có thể nói, ông không chỉ là người biện hộ cho xã hội thương mại đang lên của thế giới, giai đoạn thứ tư của loài người sau các gia đoạn hái lượm, chăn nuôi, nông nghiệp, với những giá trị mới như phồn vinh, đức hạnh, tự do, công bằng, trong khuôn khổ luật pháp, mà ông còn là người hòa giải giữa tôn giáo và xã hội thương mại. Tôi muốn nói, ông đã “ân xá” những “tội tổ tông” của con người để họ được bước vào xã hội thương mại mà không bị mặc cảm. Ở các quốc gia Khổng giáo như Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Quốc, có sự xếp loại tương tự miệt thị giới thương nhân: Sĩ, Nông, Công, Thương. Nhưng Nhật Bản lại có một số học giả Khổng giáo thức thời cuối cùng đã làm một cuộc hòa giải giữa Khổng giáo và chủ nghĩa tư bản sắp được du nhập, mở đường cho sự phát triển mới thời Minh Trị, như ông đang làm ở phương Tây. Sự trùng hợp này là rất thú vị.

-Smith: Cảm ơn ông. Có lẽ xã hội phải trải qua những thời kỳ phát triển có những nét đặc trưng giống nhau. Tôn giáo, hay ý thức hệ dưới mọi màu sắc, dù nhân danh những lý tưởng tưởng chừng đẹp đẻ, thánh thiện liên quan đến con người, có thể lại cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, làm cho bàn tay vô hình của hệ thống tự do tự nhiên cũng nghèo nàn theo, gây những hệ lụy khôn lường, do đó cần phải được xét lại nghiêm túc trong một tầm nhìn mới.

-Nguyên: Thưa ông, câu hỏi sau đây không thể không hỏi ông, cũng là sự thắc mắc của nhiều người. Tại sao trước khi mất, ông lại ra lệnh cho hai người bạn thân ông, nhưng người thực hiện di chúc, thiêu hủy hết các bản thảo và giao dịch thư tín, để thế giới hôm nay tiếc nuối vô cùng vì đã mất đi nhiều tư liệu vô giá không thể nào hồi phục được?

-Smith: You know, ông Nguyên. Thế giới xung quanh tôi lúc bấy giờ tuy đã được khai sáng rất tốt, đặc biệt ở Scotland, Edinburgh và Glasgow, nhưng vẫn còn nhiều lực lượng cuồng tín tôn giáo hoạt động. David Hume bạn tôi, suốt đời không được bổ nhiệm làm giáo sư dù rất nổi tiếng. Một lần ông ấy đi về tối, bị trượt chân té xuống mương, ông không tự leo lên được. Thấy có một phụ nữ đi ngang, ông xin bà giúp. Nhưng bà ấy bảo: ai chứ Hume là kẻ vô thần thì bà không giúp đâu. Trước sự nài nỉ của Hume, bà ra điều kiện, Hume phải lập lại hai đoạn trong kinh thánh thì bà mới giúp. May thay, Hume đã làm được điều đó. Vì thế, tôi không thể để bản thảo chưa hoàn chỉnh rơi vào tay những người có thể cố tình diễn giải sai lệch và ném đá tôi.

-Nguyên: Ô, tôi hiểu. Dường như bài viết của ông mô tả những ngày cuối cùng của David Hume cũng bị ném đá dữ dội làm cho ông rất khó chịu. May nó không gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Thế kỷ trước, Newton, một người rất mộ đạo, đã bỏ ra nhiều năm ra để nghiên cứu nguồn gốc sự diễn giải Cơ đốc giáo, nhưng cũng không dám công bố kết quả lúc ông còn sống. Hai thế kỷ sau, người ta mới phát hiện bản thảo. Khi đó, thế giới đã bình yên hơn rồi.

Thưa ông Smith, tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc trò chuyện với ông, nhưng bây giờ thời gian rất tiếc đã hết, tôi phải trở lại Hội thảo. Tôi chân thành cảm ơn ông đã cho một buổi trò chuyện vô cùng thú vị hôm nay. Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam không ạ?

-Smith: Tôi tin rằng, qua hội thảo, các bạn sẽ biết Việt Nam cần làm những việc gì để tiến lên phồn vinh nhanh hơn. Có vài điều tôi muốn chia sẻ, nếu được phép. Thứ nhất Việt Nam cần tránh nguy cơ trở thành “quốc gia của những shopkeeper”. Thứ hai, trong chiến tranh, con người có thể cuồng nhiệt, passionate, điều đó dễ hiểu, nhưng trong xây dựng hòa bình, chúng ta nên có lý tính tỉnh táo. Thứ ba, đất nước của các bạn hiện có thuận lợi trong giao thương quốc tế, có vị thế địa chính trị ưu việt, nhưng sự phân công lao động và chuyên môn hóa sâu còn quá khiêm tốn, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, chưa có công nghiệp hóa và hiện đại hóa để sản xuất ra hàng hóa dồi dào và chất lượng để trao đổi với thế giới. Thứ tư, để người dân tích cực đóng góp, sáng tạo, làm theo đúng nghiệp vụ của mình, cần phải tăng lương họ, nhất là những khu vực giáo dục, y tế, nhà nghiên cứu khoa học, công nhân viên chức. Thứ năm, và là điểm cuối cùng: bộ máy hành chánh và luật pháp có thể là những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ, như tôi đã trình bày trong các bài giảng, nhưng những thứ đó cũng có thể cản trở dữ dội làm cho đất nước không tiến lên theo đúng tầm vóc của nó, dân tộc phải trả giá rất đắt. Giải quyết được những vấn đề đó là tháo được nút thắt, nền kinh tế sẽ có nhiều xung lực phát triển và có gia tốc để cất cánh.

Sau cùng, ông Nguyên cho tôi gửi lời thăm đến các bạn tham dự Hội thảo nhé. Chuyến thăm của ông quả thật là một ý tưởng tuyệt vời. Trời lạnh nhưng tôi thấy ấm áp. Tôi rất biết ơn và cảm kích các bạn tham dự hội thảo. Chúc Việt Nam nhiều may mắn. Tôi rất mong, các nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam sẽ sớm có dịp đến Nhà Panmure để diễn thuyết. Đây là một cánh cửa sổ học thuật của thế giới. Biết đâu chúng ta sẽ có dịp gặp nhau lại.

-Nguyên: Xin cảm ơn ông. Chúng tôi sẽ phấn đấu! /.

Nguồn: Một chuyến thăm Adam Smith ở Edinburgh, Rosetta.Vn, 16.12.2023

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF