SÁCH: “ĐÀI LOAN, NỖI ÁM ẢNH CỦA TRUNG QUỐC” CỦA JACQUES GRAVEREAU, GIỮA LÝ TRÍ VÀ KIÊU NGẠO
Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tăng cường đáng kể khả năng của mình, điều này không đảm bảo rằng cuộc xâm lược Đài Loan sẽ không có nhiều rủi ro và chi phí. (Nguồn: Slate)
Sự so sánh giữa Ukraine và Đài Loan có thật sự thích đáng ở mọi khía cạnh không? Kịch bản cuộc xung đột Trung-Đài là gì? Phải chăng dư luận Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ việc Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan? Rất nhiều câu hỏi được Jacques Gravereau, một trong những chuyên gia châu Âu giỏi nhất về châu Á, đề cập một cách sâu sắc và tinh tế trong cuốn sách của ông, Đài Loan, nỗi ám ảnh của Trung Quốc/Taïwan, une obsession chinoise. Jacques Gravereau trả lời các câu hỏi của Hubert Testard.
PHỎNG VẤN Jacques Gravereau là một trong những chuyên gia châu Âu về châu Á đương đại và toàn cầu hóa. Tác giả nhiều sách tham khảo như Trung Quốc Chinh phục/La Chine conquérante, Nhật Bản trong thế kỷ 20/Le Japon au XXème siècle và Châu Á to lớn/L’Asie majeure. Người sáng lập và chủ tịch danh dự của Viện Eurasia HEC, ông cũng là chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Là giáo sư tại HEC, ông cũng giảng dạy tại Sciences Po Paris và quốc tế. Vào ngày 23 tháng 11, ông xuất bản cuốn sách có tựa đề Đài Loan, nỗi ám ảnh của Trung Quốc/Taïwan, une obsession chinoise, NXB Maison Neuve và Larose/Hémisphères.
|
Mối quan hệ Trung Quốc-Đài Loan là chủ đề vẫn được thảo luận kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bối cảnh địa chính trị là gì?
Về phương diện lịch sử, Trung Quốc và Nga là hai đế chế, với các chế độ có tâm thế đế quốc. Trung Quốc luôn cho rằng các vùng biên giới của mình đều là chư hầu. Điều này không chỉ đúng với Đài Loan. Điều này từ lâu đã là trường hợp của Hàn Quốc, của vùng Turkestan của Trung Quốc mà cuối cùng Bắc Kinh đã chiếm đoạt, của Việt Nam đã từng là thuộc địa của Trung Quốc trong nghìn năm đầu tiên của kỷ nguyên chúng ta... Điều này cũng đúng với các vùng ven biển của Trung Quốc. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy các con tốt của mình bằng cách xây dựng trên các đảo san hô nhỏ mà nước này khẳng định chủ quyền. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan ngay từ khi Đài Loan được thành lập, trong khi trong những năm trước cuộc nội chiến, cả chế độ Tưởng Giới Thạch lẫn Đảng Cộng sản đều không quan tâm đến hòn đảo vốn từng là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1895. Đài Loan đã xuất hiện trên chính trường khi quân đội của Tưởng Giới Thạch bị quân của Mao Trạch Đông đánh bại, phải trú ẩn trên đảo vào năm 1949.
Một tháng sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc tấn công của Nga. Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu trắng khi Nga tấn công Crimea năm 2014. Lý do chính được Bắc Kinh đưa ra là Ukraine là quốc gia có chủ quyền, với đường biên giới được Liên hợp quốc chính thức công nhận, đó không phải trường hợp của Đài Loan. Hòn đảo này đã đại diện cho Trung Hoa trong các cơ quan của Liên hợp quốc cho đến năm 1971, khi Trung Quốc thay thế nó, điều này khiến ngày nay Đài Loan trở thành “một vật thể không xác định” theo nghĩa của Liên hợp quốc. Đây là lập luận mà Bắc Kinh viện dẫn để giải thích sự khác biệt với Ukraine và biện minh cho một chủ quyền mà cộng đồng quốc tế không thể trực diện phủ nhận.
Vẫn có sự khác biệt giữa Đài Loan và các “vùng biên giới” khác của đế quốc Trung Hoa: ở đó dân cư đa số là người Hán, thổ dân đã trở thành thiểu số. Vì vậy, trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nội chiến...
Nhưng họ hoàn toàn không giống nhau! Người Đài Loan chắc chắn có nền văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa, nhưng xã hội Đài Loan đã tiến hóa đáng kể. Nó trở nên thịnh vượng với sự phát triển kinh tế đáng chú ý của hòn đảo. Nó đã trở thành một nền dân chủ thực sự vào giữa những năm 1980, giống hệt như Hàn Quốc cùng thời. Ngày nay, đại đa số cư dân coi mình trước hết là người Đài Loan.
Ông nói trong cuốn sách của mình rằng đã có nhiều xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan. Những xung đột nào? Ngày nay Trung Quốc đã rút ra được bài học gì từ chúng?
Ngay từ năm 1950, Mao Trạch Đông đã muốn tái chiếm Đài Loan nhưng hạm đội Mỹ đã can thiệp. Vào năm 1955 và 1958, hai cuộc tấn công lớn của Trung Quốc đã diễn ra trên các đảo nhỏ Kim Môn/Kinmen (còn gọi là Quemoy) và Mã Tổ (Matsu), gần bờ biển Trung Quốc. Năm 1958, 470.000 quả đạn pháo của Trung Quốc đã bắn vào Kim Môn, giết chết hơn 600 người Đài Loan. Người Mỹ, vốn đã ký hiệp ước hợp tác quân sự năm 1954 với Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, đã can thiệp. Họ thậm chí còn tạm thời đặt tên lửa hạt nhân trên đảo Kim Môn vào năm 1958. Vì vậy, trong những năm 1950, người Mỹ đã can thiệp trước mọi nỗ lực của Trung Quốc.
Ông mô tả chính sách cây gậy và củ cà rốt được Trung Quốc sử dụng từ lâu nay để buộc Đài Loan phải đàm phán về sự hội nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Phải chăng chính sách cây gậy đã được củng cố kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine?
Các hoạt động của Trung Quốc quanh Đài Loan trong hai năm qua ít liên quan đến tình hình ở Ukraine. Mỗi lần, lý do được nêu lên là các chuyến thăm cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đặc biệt là chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tại Đài Bắc vào tháng 8 năm 2022 hay cuộc gặp ở California của Thái Anh Văn với Kevin McCarthy, khi đó là chủ tịch Hạ viện, vào tháng 4 năm 2023. Tương tự, Trung Quốc tiếp tục chính sách quấy rối ở Biển Đông (Nanyang) đặc biệt với Philippines, theo một logic không hề thay đổi. Căng thẳng ngày càng tồi tệ là có thật, nhưng không hề liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Nếu chúng ta quay trở lại với “chính sách củ cà rốt”, có hai ví dụ lịch sử đáng được nhắc lại. Khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông vào năm 1997, Đặng Tiểu Bình đã phổ biến khái niệm “một quốc gia, hai chế độ” cũng nhằm mục đích xoa dịu Đài Loan, nhưng điều đó là không đủ. Năm 2008, khi Mã Anh Cửu, người đứng đầu Quốc Dân Đảng, trở thành tổng thống Đài Loan, một dạng tuần trăng mật đã được thiết lập trong vài năm với Bắc Kinh và mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bờ đã được đẩy nhanh (chúng ta nhớ lại cái bắt tay giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu trong cuộc gặp ở Singapore vào tháng 11 năm 2015). Tuần trăng mật này kết thúc với việc bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) đắc cử tổng thống vào năm 2016.
Ông chỉ ra rằng dư luận Trung Quốc không kiên quyết như chúng ta nghĩ về khả năng xảy ra xung đột với Đài Loan. Điều này có nghĩa là gì?
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng không có dư luận ở Trung Quốc. Hẳn là báo chí và mạng xã hội hoàn toàn do Đảng kiểm soát, nhưng người Trung Quốc cũng nói chuyện với nhau trong phạm vi riêng tư và vẫn trao đổi trên mạng. Chúng ta không hoàn toàn ở Bắc Triều Tiên. Tôi đã đưa vào cuốn sách của mình một cuộc khảo sát rất thú vị từ tháng 5 năm 2023 được thực hiện bởi Adam Liu, một trong những chuyên gia giỏi nhất về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Cuộc khảo sát này cho thấy 71% số người được hỏi muốn thống nhất Trung Quốc và Đài Loan. Chỉ có 71%, trong khi các cuộc bỏ phiếu trong các cuộc họp của Quốc hội đã thông qua với hơn 98% tất cả các đề xuất của Chính phủ. Chỉ 55% số người được hỏi sẽ ủng hộ kịch bản thống nhất vũ trang, với điều kiện là tất cả các lựa chọn khác đều đã được thử trước. 58% cho rằng một hoạt động quân sự giới hạn ở các hòn đảo xung quanh Đài Loan là đủ và 55% sẽ không bị sốc trước một hiện trạng kéo dài vô thời hạn. Hơn nữa, bất chấp lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình về chủ đề này, được coi như là một dấu ấn chính trị, gần đây Tập Cận Bình đã truyền tải những thông điệp mang nhiều sắc thái hơn thông qua Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và nhà tư tưởng hàng đầu. Ông này tuyên bố vào tháng 6 năm 2023: “Bắc Kinh không nên cảm thấy bắt buộc phải thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với Đài Bắc vì các lựa chọn chính sách khác nhẹ nhàng hơn cũng có thể được chấp nhận.” Do đó, có lẽ có nhiều giả thuyết khác ngoài sự cưỡng bức đang được thử nghiệm, đặc biệt là khi đà thắng lợi của nền kinh tế Trung Quốc đang bị đình trệ. Chính sách “không Covid” của Tập Cận Bình là một thảm họa. Một sự chống đối của “những người cựu trào” có lẽ đã được thể hiện trong các cuộc họp mang tính nghi lễ mùa hè của các lãnh đạo Đảng ở Bắc Đới Hà vào tháng 8 năm ngoái.
Ông đề cập đến ba kịch bản cơ bản cho tương lai, với các mã màu xanh, cam và đỏ. Chúng là gì?
Kịch bản xanh là giữ nguyên hiện trạng. Đài Loan là một nền kinh tế thịnh vượng, trung tâm đối với sự sản xuất chất bán dẫn thế hệ mới nhất, có mối liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và hiện trạng giúp Đài Loan có thể theo đuổi chiến lược “thịnh vượng chung”. Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Trung Quốc có những ưu tiên khác: bắt kịp công nghệ của Mỹ, cũng như vai trò của Trung Quốc với tư cách là một nước chủ chốt trong trò chơi ngoại giao toàn cầu, như chúng ta đã thấy ở Trung Đông khi Trung Quốc dàn xếp bước khởi đầu của sự hòa giải giữa Iran và Ả Rập Saudi. Yếu tố tiếp theo của sự rối loạn có thể xảy ra là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1 năm 2024 tại Đài Loan trong bối cảnh bà Thái Anh Văn không thể tái tranh cử. Ứng cử viên Quốc Dân Đảng đang ít nhiều gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò và không thể đạt được thỏa thuận với lãnh đạo đảng chính trị thứ ba trong nước về một ứng cử viên chung, điều này tạo cơ hội thuận lợi cho Lại Thanh Đức, ứng cử viên của DPP, đảng của bà Thái.
Việc DPP duy trì quyền lực ở Đài Loan có thể là cơ hội để Trung Quốc trượt sang kịch bản màu cam, thông qua việc gia tăng các hoạt động đe dọa của hải quân và không quân Trung Quốc, với nguy cơ thường xuyên về một tai nạn mà kiểu đe dọa này bao hàm. Các hoạt động đe dọa này có thể tiến đến việc thiết lập một khu vực cách ly xung quanh Đài Loan, tức là sàng lọc các tàu đến và đi. Mức độ này chỉ nằm ngay dưới sự phong tỏa hàng hải, vốn có thể bị coi như là một hành động chiến tranh. Cần nhớ rằng vào năm 1995, Trung Quốc đã làm gián đoạn đáng kể giao thông hàng hải quanh Đài Loan bằng cách phóng hàng loạt tên lửa quanh vùng biển Đài Loan trong vài tháng.
Kịch bản màu đỏ là một sự xung đột công khai. Trung Quốc có thể bắt đầu bằng việc chiếm đóng các đảo Kim Môn và Mã Tổ gần bờ biển Trung Quốc, cũng như đảo Ba Bình mà Đài Loan nắm giữ ở Biển Đông. Nhưng dừng lại ở đó không nhất thiết có nhiều ý nghĩa, bởi vì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những phản ứng quốc tế quy mô lớn dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế và phản trừng phạt chỉ để giành được một lãnh thổ hạn chế. Nếu chúng ta nâng mức độ can thiệp sang kịch bản màu đỏ tươi về một cuộc xâm lược Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải thành công với một cuộc tấn công đổ bộ. Tuy nhiên, tất cả các mô phỏng do các viện nghiên cứu chiến lược phương Tây thực hiện đều cho thấy đây là một chiến dịch có rủi ro rất cao. Hoa Kỳ đã có một hạm đội khổng lồ gồm 40 tàu sân bay để chiếm Okinawa trong Thế chiến thứ hai, và vẫn phải mất 11 tuần để chiếm được hòn đảo nhỏ hơn Đài Loan 20 lần. Các bãi biển xung quanh Đài Loan rất ít, nằm dưới chân những ngọn núi cao tạo thành xương sống của hòn đảo và cách bờ biển Trung Quốc 160 km.
Đối với quân đội Trung Quốc, việc điều hành một hạm đội đổ bộ qua eo biển mà không vô hiệu hóa trước các căn cứ không quân của Mỹ ở Nhật Bản là một rủi ro lớn. Việc thực hiện cuộc tấn công phòng ngừa này chắc chắn sẽ kích động sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản, khiến cuộc xâm lược Đài Loan trở nên vô cùng tốn kém và khó thành công. Đối với người Mỹ, việc không can thiệp vào trường hợp xung đột công khai có nghĩa là đánh mất sự tin cậy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và tất cả các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương, và có lẽ trên toàn thế giới. Địa chính trị toàn cầu chắc chắn sẽ dứt khoát thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Can thiệp quân sự đối với Washington có nghĩa là phải chấp nhận cái giá phải trả đáng kể về quân sự và nhân lực – trong một số kịch bản nhất định, có thể lên đến sự tiêu diệt 30% lực lượng không quân Mỹ và mất từ 2 đến 4 tàu sân bay trong tổng số 11 tàu sân bay. Cái giá phải trả cho quân đội Trung Quốc thậm chí còn cao hơn. Thêm vào đó sẽ là tình trạng tắc nghẽn kinh tế toàn cầu trên quy mô rất lớn. Xung đột công khai thực sự sẽ là một thảm họa đối với tất cả mọi người.
Nhìn chung, cá nhân ông có đặt cược vào sự duy trì hiện trạng trong thập kỷ tới không?
Chúng ta phải phân biệt giữa lý trí và sự kiêu ngạo chính trị. Tôi được đào tạo về kinh tế và tôi cố gắng cân nhắc cụ thể những ưu điểm và nhược điểm của một chiến lược, điều, trong trường hợp của Đài Loan, quả là sẽ thiên về sự ủng hộ hiện trạng. Chúng ta đã thấy trong trường hợp của Nga ở Ukraine rằng sự ngạo mạn của một nhà lãnh đạo độc tài có thể lấn át tầm nhìn hợp lý về lợi ích quốc gia. Nhưng Trung Quốc không phải là Nga. Rõ ràng Tập Cận Bình nắm giữ tất cả các đòn bẩy chỉ huy, nhưng để lấy một quyết định quan trọng như vậy, ông sẽ phải thoả hiệp với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Do đó, tôi sẽ đánh cuộc rằng sự thận trọng sẽ thắng thế. Nhưng đó là một khoa học không chính xác…
Phỏng vấn do Hubert Testard thực hiện
ĐỌC Jacques Gravereau, Đài Loan, nỗi ám ảnh của Trung Quốc/Taïwan, une obsession chinoise, NXB Maison Neuve và Larose/Hémisphères, tháng 11 năm 2023.
|
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Livre:
“Taïwan, une obsession chinoise” de Jacques Gravereau, entre la raison et
l'hubris”, Asialyst,
9.12.2023