9.11.14

Kinh tế học hậu khủng hoảng


KINH TẾ HỌC HẬU KHỦNG HOẢNG
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng trước, phe chống Liên minh châu Âu và phe cực đoan (euroskeptic and extremist parties) giành được 25% số phiếu phổ thông, với những thắng lợi lớn nhất được ghi nhận tại Pháp, Anh và Hy Lạp. Những kết quả này được giải thích một cách rộng rãi và đúng đắn như một minh họa cho mức độ phân cách giữa tầng lớp tinh hoa châu Âu kiêu ngạo và những công dân bình thường.
Sự bất bình trong giới tri thức ngày nay ít được chú ý, bởi nó ít mang tính chính trị rõ ràng. Cuốn tư bản thế kỉ XXI (Capital in the Twenty-First Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty[1], một bản cáo trạng nẩy lửa về tình trạng gia tăng của sự bất bình đẳng, là biểu hiện mới nhất. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến buổi đầu sự kết thúc của đồng thuận tư bản chủ nghĩa tân tự do. Sự đồng thuận này đã thịnh hành ở khắp các nước phương Tây từ những năm 1980, và nhiều người cho rằng nó là nguyên nhân dẫn đến thảm họa kinh tế 2008- 2009.
Đặc biệt quan trọng là sự bất mãn ngày càng tăng của các sinh viên chuyên ngành kinh tế học đối với chương trình đại học. Sự bất mãn của sinh viên đại học là quan trọng, bởi vì kinh tế học từ lâu đã là kim chỉ nam chính trị của phương Tây.
Sự bất mãn này ra đời với “Phong trào kinh tế học hậu tự kỷ” (“post-autistic economics movement”) và phong trào này bắt nguồn từ Paris vào năm 2000, sau đó lan sang Mỹ, Australia, và New Zealand.  Điều phàn nàn chính của các thành viên phong trào này là kinh tế học dòng chính (mainstream economics) được giảng dạy cho sinh viên đã trở thành một nhánh của toán học, và thiếu liên kết với thực tế.
Cuộc nổi dậy đạt rất ít thành tựu trong những năm 2000 của thời kì siêu ổn định (Great Moderation), nhưng trở nên sôi động hơn sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Hai điểm kết nối quan trọng với mạng lưới ban đầu là nhà kinh tế học người Mỹ James Galbraith, con trai của John Kenneth Galbraith, và nhà kinh tế học người Anh Ha-Joon Chang, tác giả của cuốn sách bán chạy “23 điều họ không cho bạn biết về chủ nghĩa tư bản”.
Trong một bản tuyên ngôn được công bố hồi tháng tư, các sinh viên kinh tế học tại Đại học Manchester đã ủng hộ một cách tiếp cận "bắt đầu với các hiện tượng kinh tế, và sau đó cung cấp cho sinh viên một bộ công cụ để đánh giá xem những quan điểm khác nhau có thể giải thích các hiện tượng đó tốt đến mức nào", hơn là cung cấp cho sinh viên những mô hình toán học dựa trên các giả định phi thực tế. Đáng chú ý, Andrew Haldane, Giám đốc Điều hành của bộ phận ổn định tài chính tại Ngân hàng trung ương Anh, đã viết lời giới thiệu cho tuyên ngôn trên.
Các sinh viên Manchester lập luận rằng "xu hướng chủ đạo trong kinh tế học (lý thuyết tân cổ điển) đã loại trừ tất cả những quan điểm ​​bt đồng, và cuc khng hong có l là cái giá cui cùng phi tr cho vic loi tr này. Các cách tiếp cn khác như: hu Keynes, ch nghĩa Mác, và kinh tế hc Áo (cũng như nhiu quan đim khác) đã b “cho ra rìa”. Cũng có thể nói như thế về lịch sử của kinh tế học". Kết quả là, sinh viên ít ý thức về những hạn chế của lý thuyết tân cổ điển, và càng ít kiến thức về những lý thuyết thay thế cho nó.
Theo các sinh viên trên, mục đích phải là “kết nối các môn học trong và ngoài ngành kinh tế học lại với nhau”. Kinh tế tế học không nên tách rời khỏi các môn như tâm lý học, chính trị, lịch sử, triết học, v.v... Các sinh viên đặc biệt mong muốn nghiên cứu các vấn đề như sự bất bình đẳng, vai trò của đạo đức và công bằng trong kinh tế học (điều này trái ngược với sự tập trung phổ biến vào tối đa hóa lợi nhuận), và những hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu.
Ý tưởng liên kết chéo các tri thức có thể giúp các sinh viên hiểu các hiện tượng kinh tế gần đây một cách tốt hơn và cải tiến lý thuyết kinh tế. Từ quan điểm này, mọi người đều được hưởng lợi từ cải cách chương trình giảng dạy.
Thông điệp sâu sắc hơn là kinh tế dòng chính (mainstream economics) thực sự là một ý thức hệ - ý thức hệ của thị trường tự do. Các công cụ và các giả định của nó xác định chủ đề của nó. Nếu chúng ta giả định tính duy lý hoàn hảo và các thị trường là đầy đủ, thì chúng ta đã ngăn cản chính chúng ta để khám phá những nguyên nhân của những thất bại kinh tế trên quy mô lớn. Thật không may, những giả định như vậy có ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách.
Giả thuyết thị trường hiệu quả - tin tưởng rằng giá trên các thị trường tài chính rủi ro chính xác ở mức trung bình - cung cấp các luận chứng tri thức cho việc bãi bỏ hàng loạt quy định đối với ngân hàng trong các thập niên 80 và 90. Tương tự như vậy, các chính sách thắt lưng buộc bụng mà châu Âu sử dụng để chống suy thoái kinh tế từ năm 2010 đều được dựa trên quan niệm là không có suy thoái kinh tế để chống.
Những ý tưởng này đã được thiết kế cho phù hợp với những quan điểm của các nhà đầu sỏ tài chính. Nhưng các công cụ của kinh tế học như đang được giảng dạy hiện nay không đủ điều kiện để điều tra toàn diện các mối liên kết giữa các ý tưởng của các nhà kinh tế với cơ cấu quyền lực.
Các sinh viên “hậu khủng hoảng” ngày nay đã nhận định đúng. Vậy, điều gì khiến cho các cỗ máy tri thức dòng chính tiếp tục hoạt động?
Trước hết, việc giảng dạy và nghiên cứu kinh tế học gắn rất chặt vào một cấu trúc thể chế, mà như trong bất kỳ xu hướng ý thức hệ nào, đều có chức năng khen thưởng điều chính thống và gây bất lợi cho điều dị giáo. Các tác phẩm kinh điển của kinh tế học từ Smith qua tới Ricardo đến Veblen đều không được giảng dạy. Kinh phí nghiên cứu cũng đã được phân bổ dựa trên cơ sở các công bố trên các tạp chí hàn lâm, trong khi đó các tạp chí này lại theo quan điểm tân cổ điển. Việc công bố trên các tạp chí như vậy cũng là cơ sở cho việc đề bạt và thăng tiến.
Hơn nữa, nay đã trở thành một tín điều là bất cứ động thái nào hướng tới một cách tiếp cận kinh tế học cởi mở hơn hoặc "đa nguyên" hơn sẽ được xem như một dấu hiệu thoái hóa của việc quay trở về với tư tưởng "tiền khoa học" (prescientific), giống như kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu có nguy cơ làm sống lại một kiểu điều hành chính trị sơ khai hơn.
Tuy nhiên, các thể chế và ý thức hệ không thể tồn tại chỉ bằng cách niệm thần chú hoặc nhắc nhở đến nỗi kinh hoàng trong quá khứ. Chúng phải giải quyết và giải thích các trải nghiệm thực của thế giới đương đại.
Hiện nay, điều tốt nhất mà cải cách chương trình giảng dạy có thể làm là nhắc nhở sinh viên rằng kinh tế học không phải là một môn khoa học giống như vật lý học, và nó có bề dày lịch sử phong phú hơn nhiều so với những điều được tìm thấy trong những cuốn giáo trình chuẩn. Trong cuốn sách Kinh tế học của thiên thần và ác quỷ (Economics of Good and Evil), nhà kinh tế học của Cộng hòa Séc Tomáš Sedlacek cho thấy rằng những gì chúng ta gọi là "kinh tế học" chỉ là một mảng hình thức hóa của một tư tưởng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều về đời sống kinh tế, trải dài từ sử thi Sumer của Gilgamesh đến siêu toán học (meta- mathematics) ngày nay.
Quả thật, kinh tế học dòng chính (mainstream economics) là một sự cô đọng yếu ớt đáng thương của sự hiểu biết lịch sử về các chủ đề mà nó đề cập đến. Nó nên được vận dụng vào bất cứ vấn đề thực tế nào mà nó có khả năng giải quyết; nhưng các công cụ và các giả định của nó phải luôn trong tình trạng căng thẳng sáng tạo để đối sánh với các niềm tin khác liên quan đến sự sung túc và phồn thịnh của nhân loại. Những điều sinh viên được dạy hôm nay chắc chắn là không xứng đáng với cương vị thống trị của nó trong tư tưởng xã hội.
Robert Skidelsky[*]
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: “Post-Crash Economics”, Project Syndicate, July 18, 2014.



[1] Có thể tham khảo bài Đọc Tư bản thế kỉ XXI của Thomas Piketty trên trang này (ND). (ND).

[*] Robert Skidelsky là giáo sư danh dự về kinh tế chính trị tại Đại học Warwick, và là viện sĩ viện hàn lâm kinh tế học và lịch sử Anh , và cũng là thành viên của thượng nghị viện Anh. Ông là tác giả của một bộ gồm ba cuốn sách đề cập đến tiểu sử của John Maynard Keynes. Ông đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở Đảng Lao động, sau đó trở thành người phát ngôn của Đảng Bảo thủ trong các vấn đề liên quan đến Kho bạc tại thượng viện. Cuối cùng ông bị buộc phải ra khỏi Đảng Bảo thủ vì chống đối sự can thiệp của NATO ở Kosovo vào năm 1999.

Print Friendly and PDF