6.11.14

Kinh tế học: đối tượng và phương pháp


Kinh tế học: đối tượng và phương pháp

Economics: Scope and Methods
Giải Nobel: FRISCH, 1969 HAAVELMO, 1989 HARSANYI, 1994 KANTOROVICH, 1975 KOOPMANS, 1975 LEONTIEFF, 1973 NASH, 1994 SELTEN, 1994 STONE, 1984 TINBERGEN, 1969

Khoa học kinh tế thường được định nghĩa bởi đối tượng của khoa học này, tức việc nghiên cứu những quan hệ giữa con người với nhau liên quan đến các sản phẩm, được thể hiện trong những hoạt động sản xuất, trao đổi và tiêu dùng. Khoa học này còn được định nghĩa một cách truyền thống bằng mục tiêu của nó, tức việc phân bổ tối ưu những nguồn lực hiếm hoi của cộng đồng, liên quan đến quyền lợi của các tác nhân kinh tế hợp thành cộng đồng này. Cũng giống như các khoa học khác về xã hội, kinh tế học khác với vật lí học hay với sinh học ở việc nắm bắt những hệ thống phức tạp hơn và bất ổn định hơn, dẫn đến những qui luật thực nghiệm mong manh và phù du hơn. Cũng giống như các khoa học khác về tự nhiên, kinh tế học khác với ngôn ngữ học và nhân học ở quyết tâm biến đổi những hệ thống mà kinh tế học nghiên cứu, dựa trên những công cụ can thiệp kĩ thuật hay thể chế.
Căng thẳng này giữa tính tinh tế của đối tượng bộ môn và tham vọng của mục tiêu của kinh tế học tác động sâu sắc đến phương pháp của kinh tế học dựa trên việc vận dụng những mô hình được nắm bắt theo ba chiều kích. Liên quan đến ngôn ngữ qua đó các mô hình được diễn đạt, cú pháp kinh tế được đặc trưng bằng một cách tiếp cận hình thức, tính chặt chẽ của những lập luận bù đắp cho tính mờ của các khái niệm. Liên quan đến quan hệ giữa các mô hình với hiện thực kinh tế, ngữ nghĩa học kinh tế theo một cách tiếp cận lí thuyết, sức mạnh của các giải thích bù đắp cho tính không thực tế của các qui luật. Liên quan đến những chức năng mà các mô hình phải đảm nhận, ngữ dụng học kinh tế được thể hiện bằng một cách tiếp cận có mục đích, việc thích nghi với các mục tiêu làm cân bằng tính xấp xỉ của những mô tả. 
Cách tiếp cận hình thức
Những nhà sáng lập kinh tế học đã diễn giải cách nhìn của họ về hoạt động của một hệ thống kinh tế thông qua một ngôn ngữ thuần tuý bằng lời văn, phù hợp với sự bám rễ của cách nhìn này trong tư duy triết học. Nhưng, ngay từ những nhà số học xã hội, đã xuất hiện một chiều kích thống kê do sự tồn tại của những hiện tượng kinh tế có tính lặp lại thể hiện một chiều kích định lượng, ví dụ những chuỗi giá cả. Sau này, dưới ảnh hưởng của cơ học, một chiều kích cấu trúc nổi lên do việc quan sát những đều đặn của tổ chức xã hội được diễn đạt dưới dạng qui luật, ví dụ cầu của người tiêu dùng. Ngày nay, các mô hình kinh tế chủ yếu được biểu đạt bằng những hệ phương trình giải tích, cho dù những mô hình này là kết quả của một giai đoạn tiền mô hình hoá có tính định tính hơn.
Cách tiếp cận hình thức trước hết có một vai trò tượng trưng vì nó cho phép biểu trưng một hệ thống kinh tế bằng một ngôn ngữ logic, hay ít ra là toán học, kết hợp tính chặt chẽ với tính mềm mỏng. Những khái niệm được thể hiện dưới dạng biến, trong một thang bậc có bản chất được làm rõ, và có một cách kiến giải không có tính hai nghĩa, từ bỏ những hàm nghĩa bội của diễn ngôn bình thường. Những mệnh đề được phát biểu dưới dạng quan hệ, nối liền những biến bằng các hàm, có những cách đọc minh bạch, dễ dàng được toàn thể các nhà kinh tế chia sẻ. Hơn nữa, các mệnh đề được phát biểu ở những mức độ tổng quát khác nhau, từ những quan hệ tổng loại mà dạng phân tích là ít ràng buộc cho đến những quan hệ đặc thù mà tất cả các tham số đều được ấn định.
Cách tiếp cận hình thức chủ yếu có một vai trò chứng minh cho phép chuyển từ những giả thiết về hệ thống kinh tế sang những kết luận về hệ thống bằng một phương pháp vừa chặt chẽ vừa phong phú. Ở cấp độ tổng quát, việc suy diễn logic cho phép từ những mệnh đề về hành vi và sự tương tác giữa các tác nhân kinh tế suy diễn ra những mệnh đề về các hiện tượng tập thể, kết quả của những hành vi và tương tác này. Ở cấp độ đặc thù, việc mô phỏng phân tích cho phép chuyển từ giá trị của những biến ngoại sinh liên quan đến môi trường của hệ thống đến giá trị của những biến nội sinh liên quan đến cái lõi của hệ thống. Hơn nữa, việc suy diễn hay tính toán cho phép kiểm định tính bền vững của các mô hình bằng cách tiến hành những phân tích về tính nhạy cảm của các giả thiết cấu trúc hay của các tham số của mô hình. 
Tuy nhiên có một xu hướng thường xuyên nổi lên để thoát khỏi một chủ nghĩa hình thức quá ràng buộc, chủ nghĩa này tỏ ra qui giản nếu giam hiện thực trong những giả thiết quá hạn hẹp, thậm chí dũng cảm. Chính vì thế mà những biến định tính hơn hay những quan hệ lỏng lẻo hơn được tính đến, đặc biệt là những quan hệ ngẫu nhiên có sự can dự của những ngẫu nhiên không được chỉ định đầy đủ. Tương tự như thế, việc giải trực tiếp một mô hình bằng giải tích thường là quá khó nên được thay thế bằng việc mô phỏng số, đặc biệt để khoanh lại trường hiệu lực của những khẳng định của mô hình. Nỗ lực được tập trung nhất vào việc kiến giải mô hình nhằm tránh việc qui giản mô hình về một cái vỏ hình thức lẫn việc lạm dụng mô hình, buộc nó nói nhiều hơn những gì việc hình thức hoá cho phép. 

Cách tiếp cận lí thuyết
Những nhà sáng lập kinh tế học vận dụng một diễn ngôn có một số tham vọng lí thuyết nhưng được minh hoạ bằng nhiều ví dụ lấy từ thị trường của những sản phẩm và đất nước khác nhau. Khá nhanh chóng, những nguyên lí trừu tượng hơn đã được đưa vào, hoặc bằng nội quan từ những kinh nghiệm cá nhân, hoặc bằng qui nạp từ những quan sát so sánh được. Nhất là những điểm tương tự được làm rõ về cấu trúc, hoạt động hay tiến hoá của những hệ thống vật lí hay sinh học đã dẫn đến việc trình bày những hệ thống kinh tế ở cùng một mức độ lí thuyết như các hệ thống kia. Ngày nay, kinh tế lí thuyết giữ một vị thế thống trị và cố gắng làm việc trên những tiên đề ngày càng tổng quát và sâu sắc hơn nhằm tương thích một cách tiên nghiệm với một trường thực nghiệm rộng hơn.
Cách tiếp cận lí thuyết tạo điều kiện dễ dàng cho việc công nhận hiệu lực của một mô hình trong chừng mực mà nó cho phép rút ra những hệ quả của mô hình và đối chiếu chúng với những dữ liệu thực nghiệm sẵn có. Một mặt, mô hình chấp nhận những hệ quả logic kiểm định được, trong nghĩa là những hệ quả này thể hiện những quan hệ giữa những khái niệm có tính thao tác, tức là những khái niệm đo đạc được bằng một thủ tục quan trắc. Mặt khác, ta có một cơ sở thực nghiệm hợp thành bởi những sự kiện quan sát, thường đã được tập hợp và tổng hợp dưới dạng những sự kiện cách điệu hoá và thể hiện những đều đặn cấu trúc hay những xu hướng tiến hoá. Từ đó, một mô hình được gọi là phủ định được nếu mô hình này có những hệ quả kiểm định được và có thể bị mất hiệu lực, và mô hình được gọi là bị bác bỏ nếu những hệ quả kiểm định được mâu thuẫn với các sự kiện.
Tiếp đó cách tiếp cận lí thuyết cho phép định hướng suy nghĩ về việc xét lại một mô hình bị bác bỏ, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho việc tìm kiếm những giả thiết có vấn đề và việc thay thế chúng bằng những giả thiết thích hợp hơn với các sự kiện. Trên quan điểm logic, luận đề của Duhem-Quine nhắc nhở ta là không thể chỉ ra rằng giả thiết này hay giả thiết khác là sai, cho dù có thể là một số giả thiết không liên can đến sai lầm này. Tuy nhiên trên quan điểm thực tiễn, những giả thiết được nhà mô hình hoá sắp xếp có thứ tự tuỳ theo mức độ bám rễ của chúng vào khoa học luận, những giả thiết có cội rễ khoa học luận ngắn nhất cũng là những giả thiết đầu tiên bị từ bỏ. Tuy nhiên những chiến lược miễn nhiễm cho phép giữ mô hình ở nguyên trạng, bằng cách qui việc bác bỏ vào những quan sát không toàn vẹn hay bằng cách tự thu hẹp lại trường ứng dụng của mô hình.
Thế mà một xu hướng gần đây nổi lên để khuyến khích những mô hình thực nghiệm hơn, hay ít ra là để bổ sung những giả thiết cơ bản của các mô hình lí thuyết bằng những giả thiết phụ có hiệu lực tốt hơn. Như thế, sự phát triển của kinh tế học thực nghiệm nhằm kiểm định các giả thiết của những mô hình, thậm chí nhằm gợi ra những giả thiết mới, trong những điều kiện của phòng thí nghiệm có thể là khá xa với những điều kiện thực tế. Tương tự như thế, việc cải tiến những phương pháp kinh trắc cho phép kiểm định những phát biểu thống kê hiện có hay suy ra từ đó những phát biểu mới, cho dù chỉ có thể phản bác những quan hệ thống kê theo nghĩa của những tiêu chuẩn bác bỏ có tính qui ước. Cuối cùng, có những cuộc tranh luận đối nghịch nhau để đánh giá khả năng giữ lại hay không giả thiết này hay giả thiết khác hay để đánh giá là nên giảm nhẹ hay thay đổi một giả thiết theo chiều nào.

Cách tiếp cận theo mục đích
Những nhà sáng lập kinh tế học đã từng xem xét những hệ thống kinh tế trong thời đại của họ nhằm đánh giá hay cải cách chúng theo truyền thống được thừa hưởng từ triết lí đạo đức và chính trị. Nếu Marx khẳng định rõ rằng điều quan trọng là biến đổi thế giới hơn là hiểu nó thì những nhà kĩ sư kinh tế đương đại theo bước ông bằng cách mô hình hoá những lựa chọn tổ chức các dịch vụ công cộng. Gần đây hơn, những mô hình kinh trắc vĩ mô mô phỏng tác động của các chính sách kinh tế công cộng và hạch toán kinh tế ước lượng những quyết định đầu tư và định giá công cộng hay tư nhân. Ngày nay nhiều mô hình được thiết kế để đáp ứng những mối quan tâm cụ thể, hoặc bằng cách rõ ràng giải quyết một số vấn đề, hoặc bằng cách thể hiện ngầm ẩn một số tra vấn.
Trước hết, cách tiếp cận theo mục đích nhấn mạnh vai trò dự báo của các mô hình, được quan niệm theo nghĩa rộng là sản sinh ra một loạt những hệ quả từ một số ít giả thiết. Ở cấp độ tổng quát, các mô hình cho phép xác lập khả năng của một số hiện tượng trước những hành vi của các tác nhân, ví dụ khả năng phối hợp các tác nhân kinh tế chỉ bằng giá cả không thôi. Ở cấp độ đặc thù, các mô hình cung cấp những kịch bản diễn tiến có thể của hệ thống kinh tế cũng như tác động của những biến thể của chính sách kinh tế hay của những cú sốc của môi trường. Như vậy, việc dự báo hành vi của các tác nhân thường dựa trên nguyên lí tính duy lí cá thể, một nguyên lí thực chứng cho rằng các tác nhân này tối đa hoá một hàm lợi ích dưới ràng buộc.  
Tiếp đến, cách tiếp cận theo mục đích nhấn mạnh vai trò ra quyết định của các mô hình, hiểu theo nghĩa rộng như việc đánh giá những hệ quả được các mô hình tiên đoán, đặc biệt là dưới tác động của những biến điều khiển. Ở cấp độ tổng quát, các mô hình được trang bị những chuẩn tập thể cho phép đánh giá một tình thế kinh tế và những phương tiện hành động có khả năng hướng mô hình theo chiều của các chuẩn. Ở cấp độ đặc thù, các mô hình so sánh những hiệu ứng của những hành động khác nhau có thể bằng một hàm mục tiêu được xác định trên các biến nội sinh và tuyển chọn hành động tốt nhất. Ở cấp này cũng thế, việc tối ưu hoá các quyết định dựa trên nguyên lí tính duy lí cá thể hay tập thể, nhưng nguyên lí tính duy lí được một tác nhân vận dụng một cách chuẩn tắc để mô hình hoá môi trường của mình.
Một xu hướng hiện nay là chọn một thái độ khiêm tốn hơn trong việc sử dụng một cách thực tiễn các mô hình nhằm có thể lồng chúng cụ thể hơn trong những phương thức hiện nay về việc ra quyết định. Những mô hình được xây dựng là những mô hình lí tưởng xấp xỉ hoá hiện thực dưới một số khía cạnh và trong một số giới hạn, những xấp xỉ hoá được tiến hành tuỳ theo những vấn đề mà nhà mô hình hoá đặt ra. Những chuẩn được đưa vào là những chuẩn địa phương, gắn với một tác nhân công cộng hay tư nhân có thể nhận diện được, chứ không phải là những chuẩn tập thể, được đặt ra theo quan điểm khách quan không được hiện thân trong một tác nhân cụ thể nào cả. Cuối cùng, các mô hình trở thành những chỗ dựa thuần tuý cho lập luận có điều kiện, kiểu nếu thì …”, điều kiện đầu thể hiện những tình huống cụ thể thực hiện được hay ngay cả là ngoài tầm tay.

BLAUGH M., The Methodology of Economics, Cambridge University Press, 1980 (bản dịch tếng Pháp, La méthodologie économique, Paris, Economica, 1982). LAKATOS I. & MUSGRAVE A., chủ biên, Criticism and the Growth of Knowledge,  Cambridge University Press, 1970. POPPER K., Logik der Forschung, (bản dịch tiếng Anh,  The Logic of Scientific Discovery, Hutchison, 1959). WALLISER B., Lintelligence de léconomie, Paris, O. Jacob, 1994.
Bernard WALLISER
Giáo sư Trường quốc gia cầu đường (ENSPC – Paris)
Nguyễn Đôn Phước dịch.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Khoa học luận; Kiểm định thống kê; Kinh tế học thuần tuý; Kinh tế học thực nghiệm; Mô hình hoá; Thực chứng hay chuẩn tắc.
Print Friendly and PDF