9.11.14

Kinh tế học có phải là môn khoa học hay không?

Về Robert J. Shiller
Robert J. Shiller, người được trao giải Nobel kinh tế năm 2013, là giáo sư kinh tế học công tác tại trường Đại học Yale và là người đồng sáng lập chỉ số Case-Shiller cho giá nhà ở Mỹ. Ông là tác giả cuốn Irrational Exuberance (Sự hồ hởi phi lý trí), mà lần tái bản thứ hai của cuốn sách này đã dự báo được sự sụp đổ đang gần kề của hiện tượng bong bóng bất động sản, và gần đây nhất là cuốn Finance and the Good Society (Tài chính và xã hội thiện mỹ).

KINH TẾ HỌC CÓ THỰC SỰ LÀ MỘT MÔN KHOA HỌC

New Haven - Tôi là một trong những người giành được giải Nobel kinh tế năm nay, sự kiện này khiến tôi nhận thức rõ sự phê phán đối với giải thưởng từ phía những người cho rằng kinh tế học – không giống như hóa học, vật lý hay y học, là những môn khoa học cũng được trao giải Nobel – không phải là một môn khoa học. Liệu rằng nhận định của họ có đúng không?
Một vấn đề của kinh tế học là ở chỗ kinh tế học nhất thiết phải tập trung vào chính sách hơn là khám phá ra các nguyên lý. Không một ai quan tâm đến dữ liệu kinh tế trừ khi dữ liệu kinh tế được dùng như các chỉ báo cho chính sách: tự thân các hiện tượng kinh tế không có sự quyến rũ đối với chúng ta như hiện tượng cộng hưởng bên trong một nguyên tử hay chức năng của các bào quan của cơ thể hay của một tế bào sống. Chúng ta đánh giá kinh tế học thông qua sản phẩm mà bộ môn này có thể tạo ra. Do đó, kinh tế học có sự tương đồng với công việc của ngành kỹ thuật hơn là của nhà vật lý học, có tính thực tiễn hơn là tinh thần.

Không có giải Nobel cho công việc của ngành kỹ thuật, mặc dù là nên có một giải cho lĩnh vực này. Thực sự là như vậy, giải hóa học năm nay có vẻ giống một giải dành cho ngành kỹ thuật, bởi vì giải này được trao cho 3 nhà nghiên cứu – Martin Karplus, Michael Levitt, và Arieh Warshel – “vì việc phát triển các mô hình đa thang đo trong các hệ thống hóahọc phức tạp” làm nền tảng cho các chương trình máy tính kích hoạt phần cứng hạt nhân cộng hưởng từ hoạt động. Nhưng quỹ Nobel bị buộc phải xem xét kỹ càng hơn tính thực tế, tính ứng dụng khi cân nhắc trao giải cho lĩnh vực kinh tế.
Vấn đề là một khi chúng ta chú trọng vào chính sách, thì sẽ không còn chỗ cho khoa học. Yếu tố chính trị đang len lỏi vào nghiên cứu kinh tế, và dư luận lại đánh giá cao các động tác giả mang tính chính trị. Giải Nobel được thiết kế để trao cho những ai không dùng tiểu xảo để thu hút sự chú ý, và những ai, vì thế, trong việc thành thật theo đuổi chân lí, có thể bị xem thường.
Tại sao người ta lại gọi là giải thưởng dành cho “khoa học kinh tế”, mà không phải là “kinh tế học”? Các giải thưởng khác không trao cho “khoa học hóa học” hay “khoa học vật lý.”
Các lĩnh vực nghiên cứu có dùng từ “khoa học” trong tên gọi có xu hướng là những lĩnh vực thu hút được đông đảo người tham gia một cách đầy nhiệt huyết và là những lĩnh vực mà kẻ lập dị có thể tác động đến ý kiến dư luận. Các lĩnh vực có từ “khoa học” trong tên gọi là để phân biệt chính mình với những người bà con tai tiếng.
Cụm từ khoa học chính trị được sử dụng phổ biến trong cuối thế kỷ thứ 18 để vạch rõ ranh giới với các đảng phái chính trị mà mục đích của họ là giành phiếu bầu và ảnh hưởng hơn là theo đuổi chân lý. Khoa học thiên văn là một thuật ngữ quen thuộc vào cuối thế kỷ thứ 19, dùng để phân biệt với thuật chiêm tinh bói toán và hoạt động tìm hiểu truyền thuyết cổ xưa về các chòm sao. Khoa học thôi miên cũng được sử dụng vào thế kỷ thứ 19 để phân biệt với hoạt động nghiên cứu có tính khoa học về phép thôi miên của các pháp sư hay về thuyết tiên nghiệm trong các tôn giáo.
Sự trở lại của các thuật ngữ như vậy là cần thiết vì nhìn chung những người lập dị đã có sức ảnh hưởng mạnh hơn. Vì thế, các nhà khoa học buộc phải tự tuyên bố chính họ là những nhà khoa học.
Trong thực tế, ngay cả thuật ngữ Khoa học hóa học vẫn còn được sử dụng phổ biến trong thế kỷ thứ 19, đó là giai đoạn mà ngành hóa học đã tìm cách phân biệt bản thân với thuật giả kim và thuốc chữa bách bệnh xuất hiện tràn lan của lang băm. Nhưng, kể từ khi giải Nobel ra đời vào năm 1901 thì các nhà khoa học đã không cần thêm vào hai chữ “khoa học” trước tên ngành mình để tự phân biệt mình với những kẻ mạo danh.
Tương tự, các cụm từ Khoa học thiên vănKhoa học thôi miên cũng dần biến mất từ thế kỷ thứ 20, có lẽ là vì xã hội không còn tin tưởng nhiều vào những điều huyền bí. Thực tế là tử vi vẫn còn xuất hiện bền bỉ trên các tờ báo đại chúng, chúng tồn tại ở đó là hoàn toàn vì muốn thách thức khoa học, hay chỉ để giải trí; ý tưởng về số phận được quyết định bởi các chòm sao đã mất đi hết sự thịnh hành mang tính trí tuệ. Do đó mà bây giờ người ta không cần dùng cụm từ Khoa học thiên văn nữa.
Những người chỉ trích các “khoa học kinh tế” đôi lúc coi đó là khoa học kinh tế giả mạo hay “ngụy khoa học”, họ cho rằng khoa học kinh tế sử dụng các chiêu trò trong khoa học, ví dụ như sử dụng toán học dày đặc, nhưng chỉ để khoe mẽ. Đơn cử, trong cuốn sách viết năm 2004 Fooled by Randomness (Bị đánh lừa bởi tính ngẫu nhiên), Nassim Nicholas Taleb nói về kinh tế học như sau: “Bạn có thể ngụy trang các trò bịp bợm dưới sức nặng của các phương trình, và không ai có thể phát hiện ra vì không có cái gọi là thực nghiệm có kiểm soát.”
Tuy nhiên, vật lý cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích như vậy. Trong tác phẩm viết năm 2004 The Trouble with Physics: The Rise of String Theory, The Fall of a Science, and What Comes Next (Rắc rối với vật lý: Sự trỗi dậy của lý thuyết dây, Khoa học hạ màn, và Chuyện gì tiếp theo), Lee Smolin đã chỉ trích các chuyên gia vật lý vì họ bị quyến rũ bởi các lý thuyết đẹp đẽ và thanh lịch (đặc biệt là lý thuyết dây) hơn là những lý thuyết có thể kiểm định bằng nghiên cứu thực nghiệm. Tương tự, trong cuốn sách viết năm 2007 Not Even Wrong: The Failure of String Theory and the Search for Unity in Physical Law (Thậm chí là không sai: Sự thất bại của lý thuyết dây và quá trình tìm kiếm sự thống nhất của các định luật vật lý) , Peter Woit cáo buộc các nhà vật lý cũng phạm cùng tội tương tự như lời luận tội đối với các nhà kinh tế toán.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ở một chừng mực nào đó những mô hình mà tính hiệu lực không bao giờ là rõ ràng gây tổn hại cho kinh tế học nhiều hơn là cho các khoa học vật lí, vì sự cần thiết phải làm những xấp xỉ trong các mô hình kinh tế là lớn hơn nhiều, đặc biệt khi các mô hình ấy mô phỏng hành vi của con người chứ không phải mô phỏng hiện tượng cộng hưởng từ hay các hạt cơ bản. Con người ta có thể thay đổi ý định và ứng xử hoàn toàn khác nhau. Con người thậm chí mắc hội chứng nhiễu tâm và có những vấn đề về nhân thân đó chính là những hiện tượng phức tạp mà kinh tế học hành vi cho là xác đáng cần xem xét để tìm hiểu hoạt động kinh tế của con người.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ứng dụng toán học trong kinh tế học đều là ngón bịp như Taleb cáo buộc. Kinh tế học sở hữu mảng định lượng quan trọng không thể chối cãi. Thách thức chính là việc kết hợp toán học cùng với một số điều chỉnh cần thiết giúp cho các mô hình trở nên tương thích với các thành tố mang tính con người không thể quy giản hóa được của nền kinh tế.
Sự phát triển của kinh tế học hành vi về cơ bản là không mâu thuẫn với kinh tế toán học, như một số người nghĩ, mặc dù trường phái này có thể có mâu thuẫn với một số mô hình kinh tế toán học thời thượng ngay nay. Và, trong khi kinh tế học cũng có những vấn đề riêng về phương pháp luận, thì thách thức cơ bản mà các nhà nghiên cứu kinh tế đang đối mặt về cơ bản là không khác với những vấn đề mà giới học thuật trong các lĩnh vực khác đang đối mặt. Khi kinh tế học phát triển, nó sẽ khuếch trương bộ sưu tập các phương pháp cũng như là các nguồn dữ liệu minh chứng, môn khoa học này sẽ lớn mạnh và những trò lừa bịp sẽ bị bóc trần.
Robert J. Shiller
Trần Thị Minh Ngọc dịch.
Nguồn: Is Economics a Science?, Project Syndicate, Nov.6, 2013.
Print Friendly and PDF