23.2.19

Hài lòng với việc làm ở các giai cấp trung lưu Tp.HCM

HÀI LÒNG VỚI VIỆC LÀM Ở CÁC GIAI CẤP TRUNG LƯU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH[1]      
Bùi Thế Cường[2]
JOB SATISFACTION IN THE MIDDLE CLASSES OF HO CHI MINH CITY. The paper presents the results of empirical analysis of job satisfaction in the middle classes of Ho Chi Minh City, based on the 2015 survey data of the Project titled “Change of Social Structure in Social Development and Governance in Southern Key Economic Zone toward 2020” (KX.02.20/11-15). The results show that the percentage of interviewees who say “mostly dissatisfied with employment in general” is relatively low, and that proportion is higher with the development ability and income of employment. The percentage of respondents who report “mostly satisfied” does not reach the half sample. A significant percentage chooses the answer variance of “satisfied and dissatisfied is approximately the same”. There are remarkable differences between groups, strata, and types of middle classes. Job satisfaction rate is decreased from higher groups to lower ones, from higher stratum to lower one. The article suggests to relate this empirical result to the thesis of “enthuasiasm of industrialization and modernization” as an indispensable socio-spiritual factor for a country’s take-off.
 
Bài viết trình bày kết quả phân tích thực nghiệm về mức hài lòng đối với việc làm ở các giai cấp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên bộ số liệu khảo sát năm 2015 của Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15). Kết quả, tỷ lệ “phần nhiều không hài lòng với việc làm nói chung” khá thấp, nhưng tỷ lệ đó cao hơn đối với khía cạnh khả năng phát triển và mức thu nhập của việc làm. Tỷ lệ “phần nhiều hài lòng” với công việc không đến một nửa số người được hỏi. Một tỷ lệ đáng kể chọn phương án “hài lòng và không hài lòng xấp xỉ nhau”. Khác biệt rõ rệt theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu. Xu hướng là tỷ lệ hài lòng giảm từ các nhóm, các tầng trên xuống các nhóm, các tầng thấp. Bài viết liên hệ kết quả thực nghiệm này với vấn đề “khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa” như là một yếu tố xã hội-tinh thần không thể thiếu nếu một quốc gia muốn cất cánh.
 
Từ khóa: các giai cấp trung lưu, hài lòng với việc làm, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bài viết là một báo cáo thực nghiệm, kết nối chủ đề trung lưu và việc làm. Các giai cấp trung lưu được nghiên cứu, tranh luận rộng rãi trong vài thập niên qua trên thế giới. Từ hai thập niên nay, chủ đề này được chú ý ở Việt Nam. Việc làm vốn là một quan hệ và điều kiện xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, nhưng nó được đặc biệt chú ý cùng với quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Ngày nay, việc làm và thị trường lao động là mối quan tâm thường xuyên nóng trong chính trị và khoa học xã hội. Bài viết mô tả mức hài lòng về việc làm ở các giai cấp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (KX.02.20/11-15), do Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam tài trợ, thực hiện năm 2014-2015.
2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM
Cuối thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu tăng trưởng kinh tế, kết quả cải thiện rõ rệt mức sống ở hầu hết các tầng lớp xã hội. Một số nhóm xã hội tăng nhanh thu nhập nên lập tức chi nhiều hơn cho ăn uống, trang phục, nhà ở, phương tiện đi lại, giáo dục, giải trí. Hình ảnh của họ gợi nên ý tưởng về những hộ gia đình “kiểu mới, khá giả, vượt trội, có tính trung lưu”.
Có lẽ, một số nhà nghiên cứu ở Nam Bộ là những người duy trì chủ đề trung lưu suốt từ cuối thập niên 1970 ở Việt Nam, nhưng chủ yếu bàn về trung nông (Phan An, 1978; Trần Hữu Quang, 1982; Lê Minh Ngọc, 1984; Đỗ Thái Đồng, 1989a và 1989b; Nguyễn Thu Sa, 1991). Năm 1991, Đỗ Thái Đồng đề cập đến vai trò của một loạt tầng lớp ở đô thị mà ông kể ra: các nhà kinh doanh cỡ trung, tiểu chủ, giới công thương gia, tầng lớp trung gian, chuyên viên, kỹ thuật viên (Đỗ Thái Đồng, 1991). Nhưng đây là tiểu luận (essay), không phải báo cáo thực nghiệm. Ở miền Bắc, Tô Duy Hợp là tác giả sớm quan tâm đến “nhóm làng xã vượt trội, hộ vượt trội” ở nông thôn (1990, 1992). Năm 1991, Phạm Văn Phú mô tả một loạt tầng lớp trong phân tầng xã hội ở nông thôn mà ông kể ra: hộ bao mua, buôn bán lớn, cho vay lấy lãi, chủ thầu khoán, chủ trại, chủ lò-xưởng, hộ có công cụ sản xuất và kỹ thuật (Phạm Văn Phú, 1991). Có lẽ, đề tài và báo cáo của Đỗ Thái Đồng năm 2004 nhan đề Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi là công trình sớm nhất ở Việt Nam sau Đổi Mới sử dụng trực tiếp khái niệm trung lưu để khảo sát thực nghiệm hiện tượng trung lưu đô thị ở Việt Nam (Đỗ Thái Đồng, 2004).
Nghiên cứu trung lưu ở Việt Nam tăng lên rõ rệt từ cuối thập niên 2000 (xin xem các tổng quan nghiên cứu của Lê Kim Sa, 2015; Tô Duy Hợp và Trịnh Thị Thu Thủy, 2016; Đỗ Thiên Kính, 2017; Trịnh Duy Luân, 2017; Bùi Thế Cường, 2015b và 2017).
Bên cạnh hai bài tổng quan nêu trên (2015b, 2017), tôi và một số cộng sự đã báo cáo một số kết quả phân tích thực nghiệm về các giai cấp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Bùi Thế Cường, Tô Đức Tú và Phạm Thị Dung, 2015; Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung, 2015; Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung, 2016; Bùi Thế Cường, 2017). Nội dung những báo cáo ấy xoay quanh cơ cấu dựa trên nghề; đặc điểm nhân khẩu; phân bố các nguồn lực tri thức, kinh tế và chính trị; sự hài lòng đối với đời sống gia đình ở các giai cấp trung lưu. Trong khuôn khổ Đề tài KX.02.20/11-15, cộng sự của tôi cũng trình hai luận văn cao học về chăm sóc sức khỏe và lối sống của trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tô Đức Tú, 2015; Phạm Thị Dung, 2016).
Việc làm, thị trường lao động và những vấn đề liên quan là lĩnh vực quan tâm sâu rộng trong công luận, chính sách, và nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tổng quan báo cáo phát triển con người năm 2015: Việc làm vì phát triển con người của UNDP là một công trình gần đây, sử dụng quan niệm lý thuyết mới về việc làm để mô tả và phân tích sâu rộng tình trạng việc làm trên thế giới. Báo cáo quan niệm, việc làm giúp con người kiếm sống để có bảo đảm về kinh tế. Nhưng xa hơn, thông qua việc làm, con người có điều kiện tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội, tạo nên phẩm giá cho bản thân. Việc làm cũng góp phần củng cố gắn kết gia đình, cộng đồng và xã hội, thúc đẩy văn hóa, văn minh. Và sau cùng, việc làm giải phóng tiềm năng, tính sáng tạo và tinh thần của con người (UNDP, 2015: 1-4). Với vai trò như vậy, việc làm có tầm quan trọng với con người thuộc mọi tầng lớp xã hội, song đặc biệt có ý nghĩa với các giai cấp trung lưu. Tình hình việc làm ở các giai cấp trung lưu có tác động đáng kể đến toàn xã hội. Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố năm 2016 nhận định: “Đến năm 2035 sẽ có trên một nửa dân số Việt Nam thuộc ‘tầng lớp trung lưu toàn cầu’ ... với những kỳ vọng và thách thức mới” (Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2016: 76-77). Một trong những kỳ vọng của “tầng lớp trung lưu toàn cầu” ấy là được Nhà nước đảm bảo có “công ăn việc làm tử tế” (Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2016: 77).
Bài viết này đề cập vấn đề việc làm ở các giai cấp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua phân tích đánh giá (thái độ) của người được phỏng vấn về tình trạng việc làm hiện tại của họ.
3. NGUỒN DỮ LIỆU
Nguồn dữ liệu sử dụng là một phần trong bộ số liệu của khảo sát tiến hành năm 2015 trong Đề tài cấp Nhà nước KX.02.20/11-15 (Bùi Thế Cường, 2015a), gọi tắt là khảo sát 2015. Khảo sát 2015 dựa trên danh sách địa bàn và hộ gia đình của hai khảo sát do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành năm 2010. Một trong hai khảo sát năm 2010 chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng khu vực, đại diện cho quần thể Thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu khảo sát gồm 1.080 hộ gia đình sống tại 90 khu dân cư thuộc 30 phường/ thị trấn/ xã ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi hộ trong danh sách phỏng vấn một người được gia đình xem là đại diện hộ (thường chủ hộ, nhưng không nhất thiết). Thu thập dữ liệu ở thực địa vào tháng 11-12/2015. Trong tổng mẫu, có 454 hộ mà đại diện hộ đang làm việc có thu nhập và được xác định thuộc các giai cấp trung lưu theo khung phân loại trình bày bên dưới. Đây là mẫu phân tích cho chủ đề trung lưu trong bài viết này. Xin bạn đọc lưu ý hai hạn chế của mẫu khảo sát phân tích ở đây. Thứ nhất, mẫu khảo sát 2015 không thực sự đại diện cho quần thể nghiên cứu ở trạng thái 2015, vì dựa một phần trên mẫu được chọn trên quần thể 2010. Thứ hai, mẫu phân tích 454 đại diện hộ gia đình trung lưu là quá nhỏ, nhất là khi thực hiện phân tổ thành sáu nhóm trung lưu.
4. KHUNG PHÂN TÍCH
Trong một bài viết trước (Bùi Thế Cường, 2017), tôi đề xuất khung phân loại các giai cấp trung lưu gồm sáu nhóm. Đó là: 1) Quản lý Nhà nước và chuyên môn bậc cao (Quản lý Nhà nước có chức vụ cao hơn cấp phòng; chuyên môn có học vị trên đại học); 2) Chủ sở hữu tư nhân bậc cao (5% hộ có ước tính tổng tài sản cao nhất); 3) Quản lý Nhà nước và chuyên môn bậc trung (Quản lý Nhà nước có chức vụ tương đương cấp phòng; chuyên môn có học vị tương đương cao đẳng, đại học); 4) Chủ sở hữu tư nhân bậc trung (40% hộ có ước tính tổng tài sản tiếp theo 5% hộ cao nhất); 5) Quản lý Nhà nước và chuyên môn bậc thấp (Quản lý Nhà nước có chức vụ dưới cấp phòng; chuyên môn có học vị dưới cao đẳng, đại học); 6) Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp (55% hộ có ước tính tổng tài sản ở mức còn lại). Khung phân loại này thể hiện ba chiều kích nguồn lực mà các nhóm thụ đắc. Đó là: quyền lực (nhóm Quản lý Nhà nước sở hữu quyền hạn, vị trí trong hệ thống chính trị), vốn con người (nhóm Chuyên môn sở hữu học vấn, kỹ năng), và vốn kinh tế (nhóm Chủ sở hữu tư nhân sở hữu tài sản). Trong bài viết này, tôi tiếp tục sử dụng khung phân loại nêu trên.
Việc xếp các đại diện hộ gia đình vào sáu nhóm trung lưu nêu trên dựa theo thông tin mà người trả lời xác định nghề nghiệp chính hiện tại của họ trong bảng hỏi, theo nghĩa việc làm nhiều thời gian nhất trong tháng qua, hoặc có vị thế xã hội cao hơn. Chẳng hạn, nếu người trả lời có trình độ chuyên môn cao, nhưng đang giữ vị trí quản lý Nhà nước, thì người đó được xếp vào nhóm Quản lý Nhà nước. Tương tự, người trả lời có vị trí quản lý Nhà nước, đồng thời có sở hữu kinh doanh tư nhân thì cũng được xếp vào nhóm Quản lý Nhà nước (trong trường hợp này, thông thường người thân trong gia đình đứng tên đại diện cho cơ sở tư nhân).
Sáu nhóm trên gộp thành ba tầng trung lưu, trong đó hai nhóm đầu gộp thành tầng trên, hai nhóm giữa gộp thành tầng giữa, và hai nhóm cuối gộp thành tầng dưới. Sáu nhóm cũng gộp thành hai kiểu: trung lưu mới (quản lý và chuyên môn) và trung lưu cũ (chủ sở hữu tư nhân). Ba kiểu phân loại như thế sử dụng làm biến số độc lập trong bài viết này.
Biến số phụ thuộc sử dụng trong bài viết dựa trên câu 34 của bảng hỏi khảo sát 2015 như sau: “Ông/ Bà hài lòng hay không hài lòng như thế nào về một số khía cạnh sau đây trong việc làm hiện nay của mình?”. Có ba khía cạnh của việc làm nêu lên trong câu hỏi: mức thu nhập; sự ổn định của công việc; khả năng tăng tiến, tiến bộ, phát triển (tăng thu nhập, cơ hội thăng chức, được đào tạo, mở rộng sản xuất kinh doanh, v.v.). Sau ba khía cạnh cụ thể là một câu hỏi kết: “Nhìn chung lại, mức độ hài lòng với công việc của Ông/bà hiện nay thế nào?”. Nêu sẵn bốn phương án trả lời: Phần nhiều không hài lòng; hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau; phần nhiều hài lòng; khó đánh giá.
5. KẾT QUẢ PHÂN TÍCH THỰC NGHIỆM
5.1. Cơ cấu các giai cấp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh
Hình 1 mô tả cơ cấu định lượng các giai cấp trung lưu ở Thành phố. Trong đó, nhóm “Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao” chiếm 1,8%; nhóm “Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung” 10,9%; nhóm “Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp” 14,9%. Nhóm “Chủ sở hữu tư nhân bậc cao” 5,5%; nhóm “Chủ sở hữu tư nhân bậc trung” 33,7%; nhóm “Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp” 33,3%. Gộp theo ba tầng, tầng trung lưu trên chiếm 7,2%; trung lưu giữa 44,6%; trung lưu dưới 48,1%. Xét theo hai kiểu, trung lưu mới chiếm 27,6% và trung lưu cũ 72,4%.
Hình 1. Phân bố sáu nhóm, ba tầng, hai kiểu trung lưu, Thành phố Hồ Chí Minh 2015, %. Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2015a.
5.2. Thái độ hài lòng-không hài lòng về các khía cạnh của việc làm
Hình 2 cho thấy trong toàn bộ giới trung lưu Thành phố, đa số chọn phương án trả lời “hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau” (45% đến 48% ở cả ba khía cạnh và ở đánh giá tổng quát). Tiếp theo, nhiều người chọn phương án “phần nhiều hài lòng”. Chỉ khoảng 10% đến 15% chọn phương án “phần nhiều không hài lòng”. Tỷ lệ “phần nhiều không hài lòng” cao hơn ở khía cạnh mức thu nhập (14,5%) và khả năng phát triển (12,7%). Tỷ lệ hài lòng cao nhất ở khía cạnh khả năng phát triển của công việc, nhưng cũng không vượt quá nửa số người được hỏi (48,4%). Như vậy, tỷ lệ hài lòng với công việc của các giai cấp trung lưu Thành phố là không cao (39% đến 48% ở các khía cạnh của công việc).
5.3. Khác biệt trong hài lòng đối với việc làm theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu
Hình 3 phản ánh khác biệt rõ rệt giữa các nhóm, tầng và kiểu. Với một ngoại lệ ở nhóm Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao (chỉ 37,5% hài lòng), xu hướng là tỷ lệ hài lòng giảm từ nhóm trên xuống nhóm dưới. Tỷ lệ này cao hơn cả ở nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc cao (60,0%), và nhóm Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung (62,0%). Tiếp theo, là 43,8% ở nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc trung và 44,8% ở nhóm Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp. Cuối cùng, tỷ lệ này chỉ còn 31,8% ở nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc dưới. Chênh lệch giữa nhóm có tỷ lệ thấp nhất với nhóm có tỷ lệ cao nhất là gấp đôi (31,8% so với 62,0%).
Hình 2. Tỷ lệ phần trăm đại diện hộ gia đình trung lưu trả lời về mức hài lòng/ không hài lòng với các khía cạnh trong việc làm hiện tại của mình, Thành phố Hồ Chí Minh 2015. Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2015a.
Hình 3. Tỷ lệ phần trăm đại diện hộ gia đình trả lời “nhìn chung, phần nhiều hài lòng” với việc làm hiện tại của mình theo sáu nhóm, ba tầng và hai kiểu trung lưu dựa trên nghề chính hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh 2015. Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2015a.
Xu hướng đó cũng rõ rệt ở ba tầng trung lưu. Tỷ lệ hài lòng với công việc nói chung là 54,5% ở tầng trên, 48,3% ở tầng giữa, và 35,8% ở tầng dưới (chênh giữa tầng trên và dưới là khoảng 18 điểm phần trăm). Xét theo kiểu trung lưu, tỷ lệ ở nhóm trung lưu mới (quản lý, chuyên môn) cao hơn đáng kể so với nhóm trung lưu cũ (chủ sở hữu tư nhân): 51,2% so với 39,5%.
6. THẢO LUẬN
Phân tầng xã hội là một nội dung quan trọng của phân tích xã hội học và chính sách xã hội. Trong nhiều phân loại phân tầng xã hội, cách dựa trên tiêu chí nghề là phương pháp thông dụng và có sức giải thích đáng kể. Khi mở rộng các phân loại dựa trên nghề, người ta nhận thấy giới trung lưu, hay các giai cấp trung lưu, trở thành một chủ đề đáng chú ý. Các giai cấp trung lưu thường được xem xét trên nhiều đặc điểm như: cấu trúc, nguồn lực, dịch chuyển xã hội, tham gia xã hội, thái độ chính trị, phong cách sống, thị hiếu, tiêu dùng, v.v.. Trong những đặc điểm ấy, tình trạng việc làm và thái độ đối với việc làm của các giai cấp trung lưu là chỉ báo có ý nghĩa trong việc tìm hiểu phạm trù xã hội này.
Báo cáo thực nghiệm này mô tả trạng thái hài lòng đối với việc làm của các giai cấp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ không hài lòng với việc làm nói chung khá thấp, chỉ 11% người trả lời. Nhưng tỷ lệ không hài lòng cao hơn đối với khả năng phát triển (12,7%) và mức thu nhập (14,5%). Và tỷ lệ hài lòng với công việc cũng không cao, dao động từ 39% đến 48%. Khoảng 45% đến 48% chọn phương án “hài lòng và không hài lòng xấp xỉ nhau”.
Khác biệt rõ rệt theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu. Xu hướng là tỷ lệ hài lòng giảm từ các nhóm hay tầng trên xuống các nhóm hay tầng thấp. Nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp luôn chiếm vị trí thấp nhất. Chỉ suýt soát 1/3 người trả lời thuộc nhóm này nói rằng họ “phần nhiều hài lòng” với công việc nói chung. Về mức thu nhập, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa, chỉ 23,8%. Mức thu nhập và khả năng phát triển trong công việc luôn là khía cạnh có tỷ lệ hài lòng thấp hơn so với khía cạnh sự ổn định của công việc.
Liên quan đến các giai cấp trung lưu, vốn là bộ phận thúc đẩy tính năng động xã hội, kết quả trên không phải là tin tốt cho một xã hội từ vài thập niên nay đang cố gắng cất cánh (take-off) mà chưa thành công như Việt Nam. Vào cuối thập niên 1990, khi Việt Nam đang có dấu hiệu tăng tốc phát triển, Trần Văn Thọ đã nhấn mạnh đến “khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa” như là một yếu tố xã hội-tinh thần không thể thiếu nếu một quốc gia muốn cất cánh (Trần Văn Thọ, 1997). Bầu không khí không hài lòng với việc làm thể hiện qua những con số trên, nếu đặt trong mối liên hệ với luận điểm của Trần Văn Thọ về sự cần thiết của một “khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa” cho phát triển nhanh, sẽ nổi lên những hàm ý không nên bỏ qua. Người ta có thể tìm kiếm và phân tích nhiều biểu hiện của cái tinh thần thời đại ấy. Về mặt thực nghiệm, có thể giả thuyết rằng có tương quan thuận giữa “khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa” mà Trần Văn Thọ đề cập với tỷ lệ và mức hài lòng đối với việc làm ở các tầng lớp xã hội, đặc biệt giới trung lưu và công nhân công nghiệp. Nếu tán thành giả thuyết ấy, kết quả phân tích thu được ở đây gợi ý rằng, ở Thành phố Hồ Chí Minh ta chưa thấy có “khí thế công nghiệp hóa hiện đại hóa” ở mức cần thiết và đáng mong muốn. Trong khi đây chính là trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng bậc nhất đối với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cả về lượng và sức lan tỏa.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.   Bùi Thế Cường. 2015a. Bộ số liệu khảo sát định lượng Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh.
2.   Bùi Thế Cường. 2015b. Cảnh quan nghiên cứu các giai cấp trung lưu ở Việt Nam. Chuyên đề Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh.
3.   Bùi Thế Cường. 2017. “Một phân loại giai tầng trung lưu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tạp chí Xã hội học, số 3 (139): 43-51. Viện Xã hội học.
4.   Bùi Thế Cường, Tô Đức Tú và Phạm Thị Dung. 2015. “Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu”. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 12(2/2015): 73-79. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
5.   Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung. 2015. “Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Sự hài lòng về đời sống gia đình”. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 14(4/2015): 74-79. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
6.   Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung. 2016. “Ba nguồn lực ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh”. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 15(1/2016): 68-72. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
7.   Đỗ Thái Đồng. 1989a. “Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Khoa học Xã hội, số 1(1): 43-49. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
8.   Đỗ Thái Đồng. 1989b. “Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long)”. Tạp chí Xã hội học, số 3(27): 49-59. Viện Xã hội học.
9.   Đỗ Thái Đồng. 1991. “Cơ cấu xã hội-văn hóa ở miền Nam nhìn theo mục tiêu phát triển của cả nước”. Tạp chí Xã hội học, số 1(33): 10-14. Viện Xã hội học.
10. Đỗ Thái Đồng. 2004. Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi. Phúc trình tổng hợp Đề tài. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Đỗ Thiên Kính. 2017. “Bàn về cách tiếp cận và phương pháp đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt  Nam”. Tạp chí Xã hội học, số 1(137): 82-92.
12. Lê Kim Sa. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam: Quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển và các kiến nghị chính sách. Báo cáo Đề tài cấp Bộ. Hà Nội: Trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
13. Lê Minh Ngọc. 1984. “Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Xã hội học, số 2(6): 25-31. Viện Xã hội học.
14. Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư. 2016. Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Washington D.C.
15. Nguyễn Thu Sa. 1991. “Về nhân vật trung tâm ở nông thôn Nam Bộ: Người trung nông”. Tạp chí Khoa học Xã hội, số 3(9): 30-33. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
16. Phạm Thị Dung. 2016. Chăm sóc sức khỏe ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn cao học xã hội học. Học viện Khoa học xã hội. Hà Nội.
17. Phạm Văn Phú. 1991. “Vài nét về sự phân tầng xã hội ở một số xã nông thôn miền Bắc hiện nay”. Tạp chí Xã hội học, số 2(34): 27-32. Viện Xã hội học.
18. Phan An. 1978. Vấn đề trung nông Khơ-Me ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam. Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562.
19. Tô Duy Hợp. 1990. “Về thực trạng và xu hướng chuyển đổi cơ cấu xã hội nông thôn đồng bằng Bắc Bộ hiện nay”. Tạp chí Xã hội học, số 4(32): 20-24. Viện Xã hội học.
20. Tô Duy Hợp. 1992. “Định hướng tiến bộ của sự chuyển đổi cơ cấu xã hội lao động-nghề nghiệp ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ ngày nay”. Tạp chí Xã hội học, số 1(37): 24-29. Viện Xã hội học.
21. Tô Duy Hợp và Trương Thị Thu Thủy. 2016. “Một số quan niệm và hướng tiếp cận nghiên cứu giai tầng trung lưu ở Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Xã hội học, số 1(133): 20-28. Viện Xã hội học.
22. Tô Đức Tú. 2015. Lối sống của các giai tầng trung lưu hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh). Luận văn cao học xã hội học. Học viện Khoa học xã hội. Hà Nội.
23. Trần Hữu Quang. 1982. “Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 4(128): 31-38. Viện Kinh tế học.
24. Trần Văn Thọ. 1997. Công nghiệp hóa Việt Nam trong Thời đại châu Á-Thái Bình Dương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
25. Trịnh Duy Luân. 2017. “Nghiên cứu về tầng lớp trung lưu: từ kinh nghiệm châu Á đến thực tiễn Việt Nam”. Tạp chí Xã hội học, số 2(138): 81-91. Hà Nội: Viện Xã hội học.
26. UNDP. 2015. Tổng quan báo cáo phát triển con người năm 2015: Việc làm vì phát triển con người. New York.
PHỤ LỤC
Bảng 1. Tỷ lệ đại diện hộ gia đình hài lòng với việc làm hiện tại của mình về mức thu nhập theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu dựa trên nghề chính hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh 2015, %
TT
Nhóm/ Tầng/ Kiểu
Phần nhiều không hài lòng
Hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau
Phần nhiều  hài lòng
Tổng
A
Sáu nhóm trung lưu




1
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao
25,0
25,0
50,0
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân bậc cao
4,0
24,0
72,0
100,0
3
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung
20,0
28,0
52,0
100,0
4
Chủ sở hữu tư nhân bậc trung
7,8
45,1
47,1
100,0
5
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp
23,9
37,3
38,8
100,0
6
Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp
16,6
59,6
23,8
100,0
B
Ba tầng trung lưu




1
Trên
9,1
24,2
66,7
100,0
2
Giữa
10,8
40,9
48,3
100,0
3
Dưới
18,8
52,8
28,4
100,0
C
Hai kiểu trung lưu




1
Quản lý, chuyên môn
22,4
32,8
44,8
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân
11,6
50,2
38,3
100,0

Chung
14,5
45,4
40,1
100,0

n
66
206
182
454
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường 2015a.
Bảng 2. Tỷ lệ đại diện hộ gia đình hài lòng với việc làm hiện tại của mình về sự ổn định của công việc theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu dựa trên nghề chính hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh 2015, %
TT
Nhóm/ Tầng/ Kiểu
Phần nhiều không hài lòng
Hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau
Phần nhiều  hài lòng
Tổng
A
Sáu nhóm trung lưu




1
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao
37,5
12,5
50,0
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân bậc cao
8,0
20,0
72,0
100,0
3
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung
8,0
20,0
72,0
100,0
4
Chủ sở hữu tư nhân bậc trung
5,9
50,7
43,4
100,0
5
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp
10,4
32,8
56,7
100,0
6
Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp
11,9
57,6
30,5
100,0
B
Ba tầng trung lưu




1
Trên
15,2
18,2
66,7
100,0
2
Giữa
6,4
43,1
50,5
100,0
3
Dưới
11,5
50,0
38,5
100,0
C
Hai kiểu trung lưu




1
Quản lý, chuyên môn
11,2
26,4
62,4
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân
8,8
51,5
39,6
100,0

Chung
9,5
44,6
45,9
100,0

n
43
202
208
453
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường 2015a.
Bảng 3. Tỷ lệ đại diện hộ gia đình hài lòng với việc làm hiện tại của mình về khả năng tăng tiến, tiến bộ, phát triển theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu dựa trên nghề chính hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh 2015, %
TT
Nhóm/ Tầng/ Kiểu
Phần nhiều không hài lòng
Hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau
Phần nhiều  hài lòng
Tổng
A
Sáu nhóm trung lưu




1
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao
37,5
25,0
37,5
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân bậc cao
8,0
28,0
64,0
100,0
3
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung
10,0
22,0
68,0
100,0
4
Chủ sở hữu tư nhân bậc trung
8,5
50,7
40,8
100,0
5
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp
15,2
45,5
39,4
100,0
6
Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp
16,3
61,7
22,0
100,0
B
Ba tầng trung lưu




1
Trên
15,2
27,3
57,6
100,0
2
Giữa
8,9
43,2
47,9
100,0
3
Dưới
15,9
56,5
27,5
100,0
C
Hai kiểu trung lưu




1
Quản lý, chuyên môn
14,5
34,7
50,8
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân
12,0
53,9
34,1
100,0

Chung
12,7
48,4
38,9
100,0

n
55
209
168
432
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường 2015a.
Bảng 4. Tỷ lệ đại diện hộ gia đình hài lòng với việc làm hiện tại của mình nói chung theo nhóm, tầng và kiểu trung lưu dựa trên nghề chính hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh 2015, %
TT
Nhóm/ Tầng/ Kiểu
Phần nhiều không hài lòng
Hài lòng, không hài lòng xấp xỉ nhau
Phần nhiều  hài lòng
Tổng
A
Sáu nhóm trung lưu




1
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc cao
25,0
37,5
37,5
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân bậc cao
8,0
32,0
60,0
100,0
3
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc trung
8,0
30,0
62,0
100,0
4
Chủ sở hữu tư nhân bậc trung
5,2
51,0
43,8
100,0
5
Quản lý Nhà nước, chuyên môn bậc thấp
14,9
40,3
44,8
100,0
6
Chủ sở hữu tư nhân bậc thấp
13,2
55,0
31,8
100,0
B
Ba tầng trung lưu




1
Trên
12,1
33,3
54,5
100,0
2
Giữa
5,9
45,8
48,3
100,0
3
Dưới
13,8
50,5
35,8
100,0
C
Hai kiểu trung lưu




1
Quản lý, chuyên môn
12,8
36,0
51,2
100,0
2
Chủ sở hữu tư nhân
9,1
51,4
39,5
100,0

Chung
10,1
47,1
42,7
100,0

n
46
214
194
454
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường 2015a.




Chú thích:

[1] Bài đã xuất bản trong: Lê Thanh Sang (Chủ biên). 2018. Khoa học xã hội và phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Nxb Khoa học xã hội. Trang 231-241.

[2] Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Print Friendly and PDF