25.2.19

Tại sao các nhà kinh tế phải vượt ra khỏi những con số


TẠI SAO CÁC NHÀ KINH TẾ PHẢI VƯỢT RA KHỎI NHỮNG CON SỐ
Gary Saul Morson Morton Schapiro
MIC NGHE CUỘC PHỎNG VẤN:
Morton Schapiro và Gary Saul Morson of Northwestern University thảo luận lí do tại sao các nhà kinh tế nên chấp nhận các ý tưởng từ các ngành khác.

Khi các nhà kinh tế cố gắng hiểu kinh tế học tăng trưởng, họ thường lần theo những con số. Tuy nhiên, các con số không phải lúc nào cũng có ý nghĩa, chúng cũng thiếu góc nhìn và bối cảnh cần thiết để giải quyết một số vấn đề rắc rối nhất của thế giới. Đó là quan điểm của Morton Schapiro, một nhà kinh tế và cũng là chủ tịch của Đại học Northwestern, và Gary Saul Morson, giáo sư ngôn ngữ và văn chương Slav cùng trường. Trong cuộc phỏng vấn này, họ ủng hộ một quan điểm rộng lớn hơn như trong cuốn sách của họ, Cents and Sensibility: What Economics Can Learn From The Humanities (Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học Có thể Học được gì từ các ngành Nhân văn). Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình phát thanh SiriusXM channel 111 của trang Knowledge@Wharton này, các tác giả cho rằng các nhà kinh tế cần xem xét văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và nhiều ngành khác khi định hình chính sách kinh tế.
Sau đây là bản ghi đã được biên tập của cuộc trò chuyện.
Knowledge@Wharton: Ý tưởng đằng sau cuốn sách này là gì?
Morton Schapiro: Saul và tôi dạy chung một khóa học cho sinh viên những năm đầu đại học về các ngành khác nhau và những gì mà các ngành này có thể học hỏi lẫn nhau. Cuốn sách của hai chúng tôi thực sự là thành quả của khóa học này, mà chúng tôi đã dạy suốt bảy năm liên tiếp. Chúng tôi có ý tưởng về những gì mà kinh tế học có thể học được từ các ngành nhân văn, cụ thể là từ văn chương, nhưng thậm chí rộng hơn từ các lĩnh vực nhân văn khác và từ các ngành khoa học xã hội định tính: như xã hội học, nhân học, lịch sử và các ngành tương tự.
Saul Morson: Chúng tôi từng có ý nghĩ rằng các ngành khác nhau không chỉ giải quyết các vấn đề khác nhau, mà còn nhìn thế giới dưới nhiều góc độ khác nhau. Tầm nhìn toàn thể của mỗi người thì khác nhau. Và rất thường xuyên, các ngành ấy không hiểu nhau đến mức ngành này không chỉ không chấp nhận được các niềm tin của ngành kia, mà còn không thực sự tin là ngành khác tin vào những gì mà ngành này nói, ngành này tin. Tôi đã rất ngạc nhiên khi các nhà kinh tế thực sự nghĩ rằng con người luôn hành xử theo những gì có lợi nhất cho họ, rằng người ta có thể toán hóa hành vi của con người, rằng văn hóa thì không hề liên quan [đến kinh tế học]. Có phải họ không thực sự tin vào những điều này? Tương tự, các nhà kinh tế gặp khó khăn khi cố tin vào những gì mà những nhà nhân văn chủ nghĩa đôi khi vẫn tin. Điều này đã tiếp thêm rất nhiều năng lượng cho lớp học của hai chúng tôi khi chúng tôi cố gắng thảo luận về các câu hỏi của mỗi người trong hệ thống của riêng chúng tôi.
Knowledge@Wharton: Đâu là hệ quả của việc không kết hợp các ngành nhân văn vào kinh tế học?
Morton Schapiro (1953-)
Schapiro: Tôi yêu công việc giảng dạy, xuất bản [công trình của mình] và lĩnh vực kinh tế học. Tôi có một công việc hàng ngày trong ban giám hiệu, nhưng không có gì khiến tôi tự hào hơn là vị trí giáo sư kinh tế học. Hiện nay tôi đã làm những công việc này gần bốn thập kỉ. Nhưng với lĩnh vực của mình, chúng tôi không thực sự gắn kết với các tài liệu của những lĩnh vực khác khi tìm kiếm các chủ đề bên ngoài kinh tế học.
Chúng tôi không thoải mái với những thứ không thể đưa vào một phương trình, và tôi nghĩ rằng vì thế đó là một mất mát rất lớn của chúng tôi.Morton Schapiro
Có một cuộc khảo sát với các vị giáo sư tại các trường đại học và cao đẳng Hoa Kì gần đây, và những người này được phân loại theo lĩnh vực và được đặt câu hỏi đơn giản như sau: Liệu cách tiếp cận chỉ trong lĩnh vực của riêng ông/bà thì tốt hơn, hay cách tiếp cận đa ngành sẽ có hiệu quả hơn? Kết quả là 79% các giáo sư tâm lý học cho biết sẽ tốt hơn khi đi ra ngoài lĩnh vực của họ. Tổng cộng có 73% giáo sư xã hội học và 68% giáo sư lịch sử đồng ý như thế. Nhưng chỉ có 42% giáo sư kinh tế nói rằng ông/bà nên đi ra bên ngoài lĩnh vực của mình.
Chúng tôi đã xem qua các nghiên cứu khác về mức độ trích dẫn thường xuyên của một người khi họ trích dẫn những người ngoài ngành trong một lĩnh vực cụ thể, và không ngạc nhiên một lần nữa rất hiếm khi các nhà kinh tế trích dẫn bất cứ ai bên ngoài lĩnh vực của họ. Vì vậy, chúng ta đang bỏ qua quá nhiều thứ sẵn có. Đây là một lĩnh vực tuyệt vời, nhưng điều này có thể sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta nhìn xa hơn.
Gary Saul Morson (1948-)
Morson: Đôi khi người ta có cảm tưởng rằng các nhà kinh tế nghĩ tất cả các lĩnh vực khác là chốn cư ngụ của các vị giáo sư ngớ ngẩn, những người có thể đặt ra nhiều câu hỏi hay nhưng chẳng có tí ý niệm gì về một câu trả lời chặt chẽ và có tính hệ thống cả. Vậy nên, hãy để họ cứ hỏi còn chúng tôi sẽ trả lời hết. Đó kiểu ý nghĩ rằng họ đã nắm trong tay một ngành khoa học cứng (hard science) dựa trên cơ học Newton trong khi những người khác chỉ đang đi lung tung. Nhưng không có gì trong hành vi dự đoán trong thực tế cho thấy rằng họ đã đạt đến một ngành khoa học cứng như vậy cả.
Knowledge@Wharton: Có phải các nhà kinh tế quá tập trung vào những con số và các điểm dữ liệu không, đến độ họ chẳng thèm xem xét liệu có nên vượt ra khỏi chúng như một lựa chọn mới không nữa?
Schapiro: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng các nhà kinh tế học cũng đang thích nghi với cách tiếp cận toán học. Tôi nghiên cứu về kinh trắc học ứng dụng, vì vậy tôi chẳng có gì để chống lại toán học và thống kê cả, nhưng sẽ rất khó để đưa vào đó những thứ như văn hóa. Làm thế nào để đưa văn hóa vào một công thức toán học đây? Người ta có xu hướng đưa ra các mô hình hành vi thường đóng vai trò nền tảng cho những mô hình dự đoán, và các mô hình này thường rất ngây thơ về hành vi con người thực sự.
Người ta nghĩ rằng chúng tôi sẽ gắn kết nhiều hơn với lĩnh vực tâm lý học khi người ta đang nói về các mô hình hành vi, nhưng các công trình của chúng tôi thì là khá rõ. Chúng tôi chẳng gắn kết gì hết. Rất nhiều nhà kinh tế nghiên cứu về chu kì đói nghèo, nhưng họ có thường xuyên trích dẫn bất kì ai trong các ngành xã hội học hoặc nhân học không? Tôi có những người bạn nghiên cứu về hành vi bỏ phiếu, nhưng họ có thực sự gắn kết với văn chương và khoa học chính trị không? Một số người nghiên cứu về quá khứ xa xôi, nhưng họ có thực sự cố gắng tích hợp kiến thức từ các sử gia không? Câu trả lời thường là không. Tôi nghĩ rằng phần thì do tập trung vào những con số. Nhưng phần thì do chúng tôi không được đào tạo theo con đường đó. Chúng tôi không thoải mái với những thứ không thể đưa vào một phương trình, và vì thế tôi nghĩ rằng đó là một mất mát rất lớn cho chúng tôi.
Knowledge@Wharton: Tình yêu đối với văn chương đã mang lại điều gì cho ông trong tư cách là giáo sư kinh tế học?
Schapiro: Vâng, tôi nghĩ văn chương đã giúp tôi khiêm tốn hơn rất nhiều. Saul và tôi đều kể những câu chuyện về cách chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng hai chúng tôi có thể có một cuộc đối thoại hữu ích, và - qua cách nhỏ bé mà hai chúng tôi nỗ lực thực hiện trong cuốn sách này của mình - có lẽ chúng tôi có thể đóng góp vào cuộc đối thoại giữa các ngành nhân văn và kinh tế học.
Khi nghĩ về điều này, tôi không thực sự là một nhà kinh tế chủ yếu nghiên cứu về các quốc gia đang phát triển nữa, mặc dù tôi đã làm điều này từ những ngày đầu của sự nghiệp. Tôi kể câu chuyện làm việc ở Châu Phi khi tôi làm cố vấn cho Ngân hàng Thế giới (WB) và những gì tôi đã bỏ lỡ khi không thực sự hiểu về các quốc gia mà tôi từng làm việc ở đó.
Có một nguồn tài liệu khổng lồ về những điều hay lẫn điều dở từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và những tổ chức tương tự. Ở một số châu lục, kinh tế học phát triển có những câu chuyện khá thú vị. Nhưng ở nơi tôi từng làm việc trong khu vực châu Phi cận Sahara, những câu chuyện ấy không phải lúc nào cũng hay. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự nỗ lực tìm hiểu về lịch sử, chính trị, tôn giáo, xã hội học về gia đình, thay vì chỉ cố gắng xác định các mức giá đúng và áp dụng cùng một dạng mô hình kinh tế cơ bản nhằm phát triển [kinh tế] thành công, thì các chính sách [kinh tế] sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Morson: Anh cần đặt bản thân mình vào vị trí của những người mà anh đang cố gắng giúp đỡ. Không ai giống ai trong số họ. Có sự khác biệt về văn hóa, các giá trị giữa họ. Họ sẽ không phản ứng theo cùng một cách với các thước đo giống nhau. Những gì nền văn chương vĩ đại thực sự làm tốt, đặc biệt là các tiểu thuyết gia hiện thực vĩ đại, là dạy về sự đồng cảm. Để đọc những tác phẩm này theo từng trang một, anh hãy nhìn vào thế giới từ bên trong quan điểm của một người không giống mình về giới, các giá trị, văn hóa, thời kì, những chuẩn mực. Anh sẽ nhận ra được rất nhiều cách thực hành sự đồng cảm.
“Tôi đã rất ngạc nhiên khi các nhà kinh tế thực sự nghĩ rằng con người luôn hành xử theo những gì có lợi nhất cho họ, rằng người ta có thể toán hóa hành vi của con người, rằng văn hóa thì không hề liên quan [đến kinh tế học].” Gary Saul Morson
Các ngành khác kể với anh rằng anh nên đồng cảm, nhưng chỉ cần đọc một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, anh sẽ nhận ra được trong đó rất nhiều cách thực hành sự đồng cảm. Và một khi anh bắt đầu nghĩ theo cách đó, sự đồng cảm trở nên tự nhiên để anh tự hỏi, “Những người mà tôi đang cố gắng giúp đỡ sẽ cảm thấy như thế nào? Họ có thể sẽ phản ứng ra sao?”. Anh có thể sẽ không có câu trả lời, nhưng hãy biến việc đặt câu hỏi trở thành bản tính thứ hai của mình.
Knowledge@Wharton: Chỉ cần có khả năng đặt câu hỏi là đã bước được một bước đi đúng hướng trên quá trình này, liệu có phải như thế không?
Morson: Vâng, đúng vậy. Anh muốn câu hỏi mà anh hỏi trở thành một dạng câu hỏi mà anh luôn hỏi về tính hiệu quả, nhưng cũng có một chiều kích đạo đức ở đây, khi nhìn câu hỏi đó từ quan điểm của người khác. Những gì mà anh nghĩ sẽ giúp họ, nhưng họ có thể không xem đó là điều hữu ích. Những gì anh nghĩ là hay, nhưng họ có thể không xem đó là hay. Dưới mắt họ, vấn đề là như thế nào? Người ta sẽ nghĩ rằng đây là một điều rất quan trọng. Và sự đồng cảm, bao gồm cả sự đồng cảm có tính trí tuệ lẫn sự đồng cảm có tính cảm xúc, chính là những gì anh cần cho điều này.
Knowledge@Wharton: Các ông đặt ra vấn đề đạo đức trong cuốn sách của mình. Hai ông cho rằng có một hố ngăn cách giữa những gì mà các nhà kinh tế tin tưởng và thể loại đạo đức, rằng các nhà kinh tế không được đào tạo để nghĩ nhiều về đạo đức.
Morson: Đúng vậy. Anh có thể nỗ lực chuyển các vấn đề đạo đức thành một số hình thức mà anh có thể toán hóa được, nhưng điều đó chỉ mang lại cho anh một hình ảnh rất mờ nhạt về tính phức tạp của các vấn đề này. Trên thực tế, chính tính phức tạp mới là thực chất của một vấn đề đạo đức. Đó là một kiểu vấn đề rất khó để đưa ra một câu trả lời đúng. Đó là điểm khác biệt so với câu hỏi rằng liệu vấn đề có tính đạo đức hay không. Một vấn đề đạo đức là một vấn đề phản ánh tính phức tạp của các tình huống đạo đức cần đánh giá. Và đối với các đánh giá, tự bản chất chúng là thứ mà anh không thể viết thành một công thức.
Schapiro: Tôi không thể không đồng ý. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự gắn kết nhiều hơn với triết học, thì các chính sách của chúng ta không chỉ có thể trở nên hiệu quả hơn, mà còn có thể công bằng hơn. Cuốn sách này có đầy các ví dụ cho điều đó, từ kinh tế học phát triển, kinh tế học y tế cho đến kinh tế học gia đình và cả lĩnh vực cụ thể của tôi, đó là kinh tế học ở hệ giáo dục bậc cao [hệ giáo dục trên bậc phổ thông - ND]. Trở lại với khóa học mà hai chúng tôi giảng dạy, trong khi hầu hết mọi người đều đánh giá cao điều này về mặt đạo đức lẫn về các giá trị bởi với từng chủ đề một, chúng tôi cho rằng, “đây là những gì mà một nhà kinh tế có thể nói và đây cũng là những gì mà các lĩnh vực khác có thể đóng góp vào cuộc đối thoại đó. Nhưng liệu điều này có công bằng không? Đây có phải là điều đúng nên làm không?”
Knowledge@Wharton: Các chi phí của hệ giáo dục bậc cao và chăm sóc sức khỏe là hai lĩnh vực rất quan trọng khi các ông nghĩ về văn hóa Mỹ hiện nay. Sự hiểu biết của hai ông về các ngành nhân văn đã tác động đến công việc giảng dạy của mình về các chủ đề này như thế nào?
Schapiro: Có rất nhiều người nói rằng các trường cao đẳng và đại học không-vì-lợi nhuận nên hoạt động giống như những doanh nghiệp. Một điều được rút ra trong những thập kỉ gần đây là khái niệm quản lý tuyển sinh, khi trước đây việc nhập học của các trường tách biệt với việc hỗ trợ tài chính. Nhưng nếu là một doanh nghiệp, anh sẽ tận dụng lợi thế và cố gắng ước tính đường cong cầu và tính toán độ co giãn theo giá của cầu. Chẳng hạn như, anh có một người muốn mua sản phẩm của mình, nếu đó là sản phẩm giáo dục đại học/cao đẳng trong bối cảnh này và họ sẽ mua nó với giá rất cao, thì anh sẽ chẳng bao giờ giảm mức học phí được niêm yết. Tuy nhiên, khi nhìn vào hàng triệu sinh viên đang theo học trong các trường đại học và cao đẳng tư không-vì-lợi nhuận ở đất nước này, anh biết rằng chỉ có 14% số sinh viên đóng mức phí được niêm yết. 86% số sinh viên còn lại được giảm so với mức được niêm yết, trong nhiều trường hợp có mức giảm rất đáng kể.
Việc cố gắng sử dụng dữ liệu của anh để tìm ra được mức học phí bảo lưu của một sinh viên và gia đình là điều hấp dẫn. Thật dễ dàng để đưa ra một dự đoán về việc liệu những học sinh nộp đơn vào trường cao đẳng hoặc đại học của anh sẽ chấp nhận thư mời nhập học không. Anh nhìn vào mọi thứ của họ: điểm số học tập của họ là bao nhiêu, có phải họ đến từ một trường trung học mà trường anh đã đến giới thiệu (feeder school) không, cha mẹ họ đã đến trường anh bao giờ chưa, môn giỏi nhất của họ là gì. Những thông tin này bộc lộ rất nhiều về các mối quan tâm của họ. Nếu anh gửi một người tư vấn tuyển sinh của trường cao đẳng của mình đến trường trung học của họ, thì họ sẽ đăng kí thông tin, cho biết tên, tham dự một buổi chia sẻ thông tin về trường, đi đến một cơ sở của trường và đăng kí một tua tham quan trường anh. Việc này là khá giống như việc, nếu chúng tôi bán ô tô, chúng tôi sẽ yêu thích khi có khách hàng hé lộ ý định của họ. Một học sinh tham gia vào tua tham quan, viết thư và tham dự ngày đăng kí nhập học của trường cao đẳng đó và tất cả những việc như thế thì giống như việc một người đến đại lý xe BMW và nói: “Này, tôi chỉ lái chiếc BMW và đây là chiếc thứ sáu tôi mua. Đơn giản là tôi thích hãng xe này. Tôi không thể nói gì khác hơn. Tôi thấy mác có giá là 45.000 đô la. Anh định bán nó với giá bao nhiêu?” Và đại lý xe sẽ nói rằng “45.000 đô la.”
Thật là khá ngây thơ khi nghĩ rằng các học sinh và gia đình của họ cũng để lộ ý muốn của họ. Chúng tôi đã mô tả trong cuốn sách của mình, dựa trên một bài báo mà tôi đã viết trước đây, rằng anh có thể dễ dàng dự đoán lợi nhuận hoặc khả năng mà một người nào đó sẽ đăng kí nhập học. Nếu tỉ lệ dự đoán về người nào đó sẽ đăng kí nhập học lên đến 90%, thì đâu là nguyên nhân có tính kinh tế thực sự cho việc giảm tổng chi phí học tập này? Họ sẽ đăng kí nhập học dù trong bất kì trường hợp nào đi nữa. Nhưng nếu việc một người nào đó đăng kí nhập học là do nhận được hỗ trợ tài chính dựa trên-nhu cầu – nếu đó là hỗ trợ tài chính theo thành tích thì lẽ tất nhiên là mức tổng chi phí học tập sẽ được giảm xuống dưới mức gia đình họ có thể sẵn lòng chi trả – thì đây hẳn là một vấn đề. Kể cả lúc ấy, Saul có lẽ sẽ tranh luận rằng anh không nên sử dụng công thức tính lợi nhuận áp dụng cho việc giảm tổng chi phí học tập này. Ngay cả với việc phân bổ sự hỗ trợ tài chính theo thành tích, thì tôi vẫn phản đối việc đó, nhưng tôi có thể hiểu lí do tại sao. Việc phân bổ này gây hiểu lầm. Việc này là không minh bạch.
Morson: Nếu anh nói thẳng là anh sẽ làm việc đó, mọi chuyện đều ổn. Nhưng việc cố tình khiến sinh viên hiểu lầm mới chính là lí do khiến tôi bực mình.
Schapiro: Khi anh nói anh sẽ làm điều ấy, thì liệu người ta sẽ không hề để lộ ý định nữa? Nhưng chắc chắn với khoản hỗ trợ dựa trên nhu cầu, anh sẽ nói: “OK, trong khoản 65.000 đô la học phí, tiền ăn ở, anh có thể trả 40.000 đô la. Nhưng chúng tôi sẽ tính phí 50.000 đô la bởi chúng tôi biết anh kiểu gì cũng học ở đây.” Đó có thể là hình thức kinh doanh tốt, nhưng nó tạo ra việc sinh viên có một khoản vay lớn hơn khả năng chi trả của họ sau này. Tôi nghĩ đó là sự lôi thôi nhếch nhác và không công bằng. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ trong cuốn sách này của mình, để nói rằng ở đâu có kinh tế học tốt không đồng nghĩa là ở đó có chính sách tốt.
Knowledge@Wharton: Saul, còn khía cạnh chăm sóc sức khỏe thì sao?
Gary Becker (1930-2014)
Morson: Một trong những ví dụ mà chúng tôi đề cập trong cuốn sách này là bài viết của nhà kinh tế nhận giải [kinh tế học để tưởng nhớ] Nobel [năm 1992] Gary Becker về việc liệu có nên có một thị trường mua bán thận không. Ông hoàn toàn thấy rõ rằng cần có một thị trường như thế và một ngày nào đó người ta sẽ nhìn lại và ngạc nhiên rằng họ đã từng nghĩ khác. Xét cho cùng, có rất nhiều người đã chết vì thiếu thận, và có rất nhiều người sẵn lòng bán nó. Tại sao không có một thị trường như thế? Mọi người đều có lợi hơn cả.
Từ quan điểm ấy, đó là một lập luận mạnh. Nhưng có các vấn đề khác chưa được đặt ra ở đây. Điều gì sẽ xảy ra khi anh đối xử với cơ thể con người như quan trọng hơn nhiều, điều gì sẽ xảy ra khi anh nghĩ rằng mọi người không phải là chính họ nhưng sở hữu chính bản thân họ? Quan điểm ấy khuyến khích các kiểu luân lý nào?
“Đây là một lĩnh vực tuyệt vời, nhưng điều này có thể sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta nhìn xa hơn.” Morton Schapiro
Liệu quan điểm cần có một thị trường mua bán thận sẽ khuyến khích, chẳng hạn, chính sách của chính phủ cho phép lấy tạng của những người phạm tội không? Anh có thể thấy rằng điều này làm thay đổi cách nhìn của anh về con người. Liệu việc này có đồng nghĩa với việc chúng ta không nên có một thị trường mua bán thận không? Việc đưa thêm cách nhìn nhân văn vào [vấn đề này] không phải để muốn nói như thế, mà chỉ muốn nói rằng câu hỏi ấy [liệu có nên có một thị trường mua bán thận không] là khá phức tạp. Sự phản đối thực sự mà tôi sẽ nói là quan niệm của Becker - vốn là một câu hỏi đơn giản - không nhất thiết dẫn tới việc câu trả lời của ông là sai. Nhưng câu hỏi ấy thì lại phức tạp. Nếu bắt đầu suy nghĩ theo các khái niệm đạo đức mà các nhà kinh tế hay gặp khó khăn với chúng, anh sẽ thấy rằng một câu hỏi đơn giản thì cũng chẳng hề quá đơn giản đâu.
Knowledge@Wharton: Nhưng nếu hai ông đang đưa quan điểm nhân văn vào vấn đề cụ thể ấy, các ông đang đưa thêm thông tin vào cuộc tranh luận mà, trong nhiều trường hợp, chưa từng được xem xét và có thể thay đổi quá trình suy nghĩ, thay đổi chính sách. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên hơn, thì tác động của việc này sẽ như thế nào?
Morson: Tôi nghĩ rằng tác động đầu tiên sẽ là lời khuyên mà các nhà kinh tế đưa ra sẽ được phát biểu ít dứt khoát hơn cũng như khiêm tốn hơn. Việc đưa quan điểm nhân văn vào sẽ dẫn đến hệ quả này, và trong chừng mực được xem xét thì đây sẽ là câu trả lời tốt nhất. Nhưng còn gì khác nữa không? Trong chừng mực thế giới trông giống như cách thức mà các mô hình của chúng ta cho biết, đây dường như là kết quả cuối cùng. Điều này là rất khác biệt so với các kiểu câu trả lời dứt khoát mà anh nhận được. Những khẳng định mà anh đưa ra với một lời khuyên cũng quan trọng như chính lời khuyên đó, anh chắc chắn đến mức độ nào rằng không còn điều gì đáng cân nhắc nữa. Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong việc thay đổi sự quá tự tin của các quan chức hoặc các nhà kinh tế, những người thực sự hoạch định chính sách.
Larry Summers (1954-)
Schapiro: Cuốn sách này có đầy các ví dụ về việc làm thế nào mà chúng tôi sẽ thực hiện những điều này theo một cách hơi khác biệt. Tôi kể câu chuyện ô nhục về bản ghi nhớ khét tiếng của Ngân hàng Thế giới (WB). Chuyện xảy ra vào khoảng 25 năm trước. Thật không may, nó liên quan tới Larry Summers, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) vào thời điểm đó. Ông ấy đặt bút kí, nhưng ông không viết nó. Bản ghi nhớ ấy là một ví dụ hoàn hảo về kiểu kinh tế học mà tôi giảng dạy trong phần lớn sự nghiệp của mình. Chủ đề rất đơn giản: Nơi nào trên thế giới này là tốt nhất để di chuyển chất thải độc hại đến đó? Một cách tự nhiên các nhà kinh tế sẽ nghĩ, nếu có một khu vực có số người mắc bệnh cao, tử vong cao và có mức lương thấp, thì nơi ấy có chi phí kinh tế tối thiểu. Nếu mọi người kiểu gì cũng đang chết dần chết mòn, thì đây là nơi hiệu quả để đổ chất thải. Bản ghi nhớ này đề cập cụ thể về khu vực Trung Phi vì nơi ấy có số người mắc bệnh rất cao, tử vong cao và không được giáo dục nhiều. Kéo theo, có chi phí cơ hội về thời gian của họ thấp.
Chúng tôi trích dẫn một câu của Bộ trưởng Bộ môi trường Brazil và tôi nghĩ rằng câu này thực sự tóm được một chút về cách có thể cải thiện kinh tế học kể cả ngày nay. Ông ấy viết: “Lập luận của anh hợp logic một cách hoàn hảo, nhưng lại hoàn toàn điên rồ. Các suy nghĩ của anh là một ví dụ cụ thể về sự tha hóa không thể tin được, tư duy của nhà quy giản luận, sự tàn nhẫn của xã hội và sự thờ ơ đầy kiêu ngạo của nhiều nhà kinh tế truyền thống về bản chất của thế giới mà chúng ta đang sống ở đó.”.
Tôi cho rằng những điều trên vẫn đúng. Nếu việc này chỉ là một bài tập học thuật theo nghĩa hẹp hay anh chỉ làm việc này cho một khóa học kinh tế học, thì anh có thể tranh luận như một nhà kinh tế rằng việc này là ổn. Nhưng mọi người thực sự lắng nghe các nhà kinh tế. Chúng tôi có một tác động quá mức lên những chính sách ở các đất nước của mình và trên toàn thế giới, và điều đó đồng nghĩa với một trách nhiệm lớn hơn. Điều đó có nghĩa rằng một trách nhiệm không chỉ trong việc áp dụng các mô hình hành vi và mô hình toán học đơn giản của chúng tôi, mà còn làm cho chúng đúng đắn nếu chúng tôi cố gắng nhằm thực sự giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó chỉ là những gì mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện.
Gary Saul Morson, giáo sư các ngành nghệ thuật và nhân văn tại Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học Có thể Học được gì từ các ngành Nhân văn.
Morton Schapiro, giáo sư kinh tế học và hiệu trưởng trường Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học Có thể Học được gì từ các ngành Nhân văn.
Đoàn Trọng Sang Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Why Economists Must Go Beyond the Numbers, Knowledge@Wharton, Aug 04, 2017.

* * *
LIỆU MỘT PHẦN CÔNG TRÌNH CỦA TOLSTOY VÀ AUSTEN CÓ GIÚP CẢI THIỆN VIỆC DỰ BÁO KINH TẾ HỌC KHÔNG?
Gary Saul MorsonMorton Schapiro
Khi để cho các khóa học về nhân văn ở trường đại học rơi vào tình trạng giảm sút, xã hội đang đứng trước nguy cơ mất đi những công cụ then chốt có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề - đáng chú ý là các vấn đề kinh tế, việc này đã được Gary Saul Morson, Giáo sư Nghệ thuật và Nhân văn Lawrence B. Dumas tại Đại học Northwestern, và Morton Schapiro, giáo sư kinh tế học và là hiệu trưởng trường Đại học Northwestern ghi nhận trong bài xã luận này. Họ là các tác giả của cuốn Cents and Sensibility: What Economics Can Learn from the Humanities [Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học có thể học được gì từ các ngành nhân văn], Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2017, là cơ sở của bài tiểu luận này. Các tác giả cũng đã trả lời phỏng vấn gần đây về cuốn sách của họ trong bài viết trên trang Knowledge@Wharton, với nhan đề Why Economists Must Go Beyond the Numbers [Tại sao các nhà kinh tế phải vượt ra khỏi những con số].
Kinh tế học là một ngành có sức ảnh hưởng lớn. Tính chặt chẽ trong phân tích của kinh tế học - tập trung vào sự đánh đổi (trade-off) và tính hiệu quả, và các chính sách nhằm cải thiện cuộc sống - biến lĩnh vực này trở thành một lĩnh vực cực kỳ quan trọng và giàu sức ảnh hưởng. Kết quả là trong một thế giới mà sự giả dối ngày càng mạo danh sự thật và sự giả dối hoàn toàn lấn át sự tồn tài của “sự thật”, các công cụ thống kê của kinh tế học đóng vai trò là liều thuốc giải cho sự ngụy biện cũng như cho sự hùng biện chính trị.
Nhưng, các bạn ơi, phải chăng kinh tế học tự thân nó đã hoàn hảo. Một cuộc khảo sát với các vị giáo sư Mỹ cho thấy có ít hơn một nửa các nhà kinh tế tin rằng có điều gì đó để họ học được từ các lĩnh vực khác. Có 79% các giáo sư tâm lý học và 73% các nhà xã hội học nghĩ rằng một cách tiếp cận liên ngành là có ý nghĩa; nhưng chỉ có 42% các nhà kinh tế là nghĩ như thế.
Điều này có thể gây ngạc nhiên cho một số người. Chính các nhà kinh tế mới là những người liếc qua các ngành khác để tìm chủ đề nghiên cứu cho họ, có phải thế không? Chắc chắn rồi. Nhưng từ những trích dẫn và dữ liệu tương tự cho thấy rằng các nhà kinh tế lại ít khi kết hợp chặt chẽ với các ngành khác. Hầu hết những mô hình kinh tế học về hành vi con người không quan tâm đến tâm lý học, các nghiên cứu về chu kỳ đói nghèo bỏ qua xã hội học và nhân học, và các phân tích về quá khứ xa xôi thì bỏ qua [kiến thức của] các sử gia. Như thể các lĩnh vực khác thì có những câu hỏi hay, còn kinh tế học lại có tất cả câu trả lời vậy.
Jane Austen (1775-1817)
Người ta có thể cho rằng sự kiêu ngạo như vậy được chứng minh bằng thành tích về các dự đoán chính xác và những chính sách hiệu quả. Giá mà như vậy. Hoàn toàn ngược lại, tuy nhiên các thất bại này chẳng khiến cho các nhà kinh tế thận trọng hơn. Sau khi không dự đoán được cuộc Đại Suy thoái [năm 2008], sự suy giảm tăng trưởng về năng suất lao động trong dài hạn, bản chất chậm chạp đáng kinh ngạc của sự phục hồi [kinh tế] trong thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhanh sau cuộc bầu cử Tổng thống [với chiến thắng thuộc về ông] Trump và sự gia tăng việc làm ở Vương quốc Anh sau cuộc bỏ phiếu Brexit, người ta có thể cho rằng các nhà kinh tế đã bị trừng phạt! Đó chẳng phải là thứ mà chúng ta có thể nhìn thấy. Khi bạn biết một chút về toán học và bạn tư vấn cho các chính trị gia và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, việc khiêm tốn thật là chẳng dễ dàng gì. Nhiều nhà kinh tế, ít nhất là phần còn lại của chúng ta, làm những gì mà tất cả các cuốn tiểu thuyết của Jane Austen đều cảnh báo cho chúng ta chống lại: họ đã để cho “kiêu hãnh và định kiến” che mắt bịt tai họ trước những chứng cứ trái ngược [so với dự đoán của họ] và các thất bại của chính họ.
“Các cuốn tiểu thuyết ... nên được xem không chỉ như là một loại hình văn chương, mà còn là một cách hiểu khác về thế giới xã hội.”
Liệu rằng chúng ta có thể phát huy những ưu điểm tốt nhất của kinh tế học và làm cho nó trở nên ít tầm thường hơn cũng như trở nên hiệu quả hơn không? Chúng tôi nghĩ là có. Và chúng tôi không chỉ hướng đến việc kết hợp các ý tưởng của những ngành khoa học xã hội định tính, mà chúng tôi còn hướng đến việc tiếp cận với một lĩnh vực nghiên cứu mà dường như khác biệt – đó là các tác phẩm văn chương lớn (great literature).
Văn hóa, Tự sự và Đạo đức
Các nhận thức sâu sắc về kinh tế tự thân là không đủ khi ta xem xét việc làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nền văn hóa khác nhau, những câu hỏi luân lý được đặt ra khi các trường đại học theo đuổi lợi ích riêng của trường mà gây tổn hại cho sinh viên, hay gây hại lớn đến các vấn đề cá nhân liên quan đến chăm sóc sức khỏe, hôn nhân và gia đình. Với việc đam mê về các sự giải thích dựa trên toán học, các nhà kinh tế gặp vấn đề ở ít nhất ba lĩnh vực: tính toán cho nền văn hóa, sử dụng sự giải thích có tính tự sự và giải quyết các vấn đề đạo đức vốn không thể quy giản thành các phạm trù kinh tế.
Fyodor Dostoevsky (1821-1881)
Leo Tolstoy (1828-1910)
Để hiểu con người như là những sinh vật văn hóa, ta phải kể những câu chuyện về họ. Cuộc sống của con người không diễn ra theo một cách có thể dự đoán được như cách sao Hỏa quay quanh mặt trời. Không giống như đại số và cơ học Newton, đời sống thể hiện “tính tự sự” (narrativeness): tức đời sống đòi hỏi sự giải thích theo các câu chuyện. Và sự đánh giá tốt nhất về việc kể chuyện - cũng như về cách mà những thời kỳ khác nhau định hình nên những mong muốn khác nhau - có thể được tìm thấy trong các cuốn tiểu thuyết, vốn nên được xem không chỉ như là một loại hình văn chương, mà còn là một cách hiểu khác biệt về thế giới xã hội. Mặc dù những sự kiện mà các cuốn tiểu thuyết mô tả là hư cấu, nhưng hình thái (shape), trình tự và sự phân nhánh của các sự kiện ấy lại thường cung cấp bằng chứng chính xác nhất mà chúng ta có về việc cuộc sống diễn ra như thế nào. Thế nên điều họ dạy về đúng và sai là vô giá. Chẳng có bất kỳ suối nguồn nhận thức sâu sắc về đạo đức nào tốt hơn các cuốn tiểu thuyết của Leo Tolstoy, Fyodor Dostoevsky, George Eliot, Jane Austen, Henry James và những nhà hiện thực vĩ đại khác. Câu chuyện của họ đúc kết ra được các câu hỏi đạo đức vốn quá quan trọng để giao phó cho một lý thuyết bao quát – những câu hỏi này đòi hỏi sự phán xét tốt. Về bản chất, sự phán xét không thể hình thức hóa được. Hơn nữa, việc đọc văn chương và việc đồng cảm với các nhân vật đều liên quan đến việc thực hành chuyên sâu về lòng đồng cảm, hãy đặt mình vào đôi giày [tức hoàn cảnh] của người khác. Nếu một người không đồng cảm với [nhân vật] Anna Karenina, thì người đó chưa từng thực sự đọc [tác phẩm] Anna Karenina.
Khi đọc một cuốn tiểu thuyết vĩ đại và gắn kết với các nhân vật trong đó, bạn sẽ cảm nhận được từ bên trong bản thân mình những gì giống như khi trở thành một người khác vậy. Bạn nhìn thế giới từ quan điểm của một tầng lớp xã hội khác, giới khác, tôn giáo khác, văn hóa khác, xu hướng tính dục khác, sự hiểu biết về luân lý khác hoặc của các đặc điểm khác vốn xác định và khu biệt những trải nghiệm sống của con người. Bằng cách sống một cuộc đời của nhân vật theo cách gián tiếp, bạn không chỉ cảm thấy những gì cô [Anna Karenina] cảm thấy, mà còn thể hiện những cảm xúc đó ra, xem xét bản chất của những hành động mà các nhân vật hướng đến, và, với cách thực hành này, bạn có được sự khôn ngoan để hiểu rõ những con người trên thực tế trong tất cả sự phức tạp của họ.
Adam Smith (1723-1790)

Trong kinh tế học, việc hiểu về con người thật sự ít nhất cũng quan trọng không kém so với bất kỳ ngành nào khác. Nếu không hiểu điều gì thúc đẩy con người, thì làm sao bạn có thể dự đoán được họ sẽ hành động như thế nào? Chắc chắn rồi, bạn có thể chỉ đơn giản giả định rằng các cá nhân hành động theo một cách có lý trí và theo tính tư lợi của riêng họ. Nhưng ngay cả nhà sáng lập kinh tế học hiện đại, Adam Smith đã bác bỏ quan niệm đó. Để hiểu đầy đủ về công trình để đời của ông, The Wealth of Nations [Của cải của các Quốc gia], người ta cũng phải đọc tác phẩm bổ sung của ông, The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về các Tình cảm Luân lý], trong tác phẩm này Smith đã phủ nhận rành rành rằng hành vi của con người có thể được mô tả thích đáng trong thuật ngữ “sự lựa chọn duy lí” của con người, nói về sự tối đa hóa lợi ích cá nhân của họ. Con người không chỉ thường xuyên hành xử ngốc nghếch, mà sự chăm sóc của họ dành cho người khác cũng là một “niềm đam mê nguyên thủy” vốn không thể quy giản thành những mối quan tâm vị kỷ. Con người cần một sự đánh giá tinh tế cho những thứ cụ thể, chính là loại nhạy cảm mà Jane Austen và những người tiếp nối của bà viết thành tiểu thuyết sau nửa thế kỷ kể từ chuyên luận về luân lý của Smith.
Nhưng nếu văn chương có giá trị như vậy, thì tại sao việc nghiên cứu về nó và các ngành nhân văn nói chung lại suy giảm? Việc tuyển sinh đại học cũng như các chuyên ngành [nhân văn] của đại học tiếp tục rơi tự do, kết quả là các giáo sư của họ cảm thấy bị áp lực ngày càng lớn. Nhiều người chê trách sinh viên - “tất cả những gì họ quan tâm là tiền”, “Twitter đã làm giảm sự chú ý của sinh viên và làm cho họ chẳng khác gì con ếch đã bị xuyên kim vào não”. Các nhà kinh tế thường hoài nghi những biện giải cho rằng thị trường suy giảm là do thị hiếu tồi của người tiêu dùng.
“Chẳng có bất kỳ suối nguồn nhận thức sâu sắc về đạo đức nào tốt hơn các cuốn tiểu thuyết của Leo Tolstoy, Fyodor Dostoevsky, George Eliot, Jane Austen, Henry James, và những nhà hiện thực vĩ đại khác.”
George Eliot (1819-1880)
Henry James (1843-1916)
Chúng tôi sẽ kể một câu chuyện khác. Trong nhiều thập kỷ, nhiều giáo sư văn chương đã lập luận rằng không có “tác phẩm văn chương lớn”, mà chỉ có những thứ được gọi là tác phẩm văn chương lớn, bởi vì các lực lượng bá quyền áp bức đã lừa mị chúng ta tin vào sự vĩ đại khách quan. Nhưng nếu Shakespeare, Milton và Tolstoy không quan trọng hơn bất kỳ tác gia nào, thì tại sao lại đầu tư công sức đáng kể để đọc họ? Cuốn Paradise Lost [Thiên đường đã mất] thì khó hiểu; còn War and Peace [Chiến tranh và Hòa bình] thì dài. Nhiều học sinh rời ghế nhà trường trung học mà không nắm được những gì [quan trọng] do việc đọc các tác phẩm lớn mang lại. Bài thi của học sinh chỉ giúp họ kiểm tra kiến ​​thức về các sự kiện trong văn chương, chứ không thể giúp họ thực sự hiểu nó. Họ được dạy cách săn tìm các biểu tượng, nhằm đánh giá các nhà văn theo các giá trị hiện tại, hoặc để đối xử với những kiệt tác đơn thuần như những tài liệu của thời đại mà họ đang sống. Kết quả là cách tiếp cận đó thường được lặp đi lặp lại ở bậc cao đẳng đại học.
Quá đơn giản


Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một điều gì đó đã đi lạc hướng chính là một câu chuyện được gói gém thành một thông điệp đơn giản. Chỉ có các tác phẩm văn chương tầm thường mới có thể được đọc theo cách đó. Nếu không, thì tại sao không chỉ cần ghi nhớ các thông điệp? Yêu người hàng xóm của bạn (A Tale of Two Cities [Câu chuyện của hai thành phố]); giúp đỡ những người không may (Les Misérables [Những người khốn khổ]); lạm dụng trẻ em là sai trái (Jane Eyre và David Copperfield); đừng giết hại phụ nữ lớn tuổi, ngay cả những người thực sự hiểm ác (Crime and Punishment [Tội ác và Trừng phạt]); ấn tượng đầu tiên có thể gây hiểu lầm (Pride and Prejudice [Kiêu hãnh và Định kiến]); đừng ghen tị (Othello); những nỗi ám ảnh có thể gây nguy hiểm (Moby Dick [Moby Dick – Cá voi trắng]); hãy ngừng ủ rủ và hãy làm một điều gì đó đi! (Hamlet); bạc đầu còn dại (King Lear [Vua Lear]).
Nếu không thể đưa ra được một lý do thuyết phục giải thích tại sao bạn không gói gọn được nội dung tác phẩm, cũng như giải thích tại sao việc đọc văn chương một cách cẩn thận là điều quan trọng, thì bạn chưa từng thực sự dạy, hay học, về văn chương. Khi lập luận rằng kinh tế học có thể học hỏi được từ các cuốn tiểu thuyết, ta tiếp cận các tác phẩm văn chương lớn như một suối nguồn trí tuệ và nhận thức sâu sắc, một kho tàng hiếm có, hoặc quá quý hiếm, khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Rất nhiều ví dụ.
Vào năm 2014, khi Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi quân đội Nga giành lấy Crimea từ tay Ukraine, Tổng thống [Nga] Putin đã phản ứng như thế nào? Bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt, cấm nhập khẩu nhiều nông phẩm từ Mỹ và châu Âu. Nhiều nhà kinh tế có thể đã bị bối rối bởi hành động “phi lý” như vậy. Khi đọc tác phẩm văn chương kinh điển của người Nga thì bạn sẽ chẳng ngạc nhiên đâu. Người phương Tây thường cho rằng nhà nước tồn tại để phục vụ cá nhân, còn người Nga – thường thường - thì ngược lại. Con người đến rồi đi, nhưng nước Nga thì còn mãi. Trái ngược với sự không đón nhận, việc hy sinh và [chịu đựng] đau khổ vì đất nước có thể là lẽ sống và được dân chúng tin theo một cách có chủ tâm [như đi theo lý tưởng - ND].

Chuyện gì xảy ra sau cú sốc của cuộc bỏ phiếu Brexit [ở Anh] hay của cuộc bầu cử Tổng thống [Mỹ với chiến thắng của] Trump? Có phải nhiều cử tri thực sự bỏ phiếu chống lại tính tư lợi về kinh tế của riêng họ không? Đối với các nhà kinh tế, đó là điều trái ngược với niềm tin của họ! Có lẽ một vài cử tri - như Dostoevsky đã viết rất xuất sắc trong cuốn Notes from Underground [Ghi chép dưới hầm] - cố tình hành động trái ngược với lợi ích cá nhân của riêng họ chỉ để chứng tỏ rằng họ là những kẻ khó lường. Chúng ta đã lựa chọn thực thi quyền hành động đi ngược lại lợi ích của chính mình bởi vì hành động đó “bảo vệ những gì quý giá nhất và quan trọng nhất đối chúng ta, chính là bản ngã của chúng ta, là cái tôi của chúng ta”. Có lẽ các chuyên gia và các giáo sư nên vi hành nhiều hơn – gặp những người tức giận do cảm thấy bị tước quyền, lắng nghe những gì họ nói thực sự, và đọc những câu chuyện của họ như họ - chứ không phải những người cao hơn về mặt văn hóa - đã kể về họ. Ngoảnh lại, các manh mối đã nằm ở đấy.
“Trước khi ban hành chính sách, cần phải hiểu rõ về thái độ, chính trị, tôn giáo và lịch sử của một quốc gia – đó là tất cả những gì mà nền văn chương của một quốc gia có khả năng cung cấp tốt nhất.”
Và trong số các lĩnh vực mà chính sách kinh tế đã từng gây thất vọng, tác động hạn chế của các khoản đầu tư có thiện chí dành cho các quốc gia đang phát triển có lẽ là thất bại đau đớn nhất. Việc “giá cả phải phản ánh đúng chi phí” được thực hiện bằng cách giảm trợ cấp của chính phủ cho các mặt hàng tiêu dùng quan trọng có thể có ý nghĩa trong lớp học, nhưng thế giới thực đòi hỏi nhiều sắc thái tình cảm và sự hiểu biết về văn hóa. Có hợp lý hay không khi bạn kỳ vọng rằng những gì áp dụng được trên một lục địa hay ở một quốc gia có thể được bê sang cho một quốc gia khác? Trước khi ban hành chính sách, bạn cần phải hiểu rõ thái độ, chính trị, tôn giáo và lịch sử của quốc gia – đó là tất cả những gì mà nền văn chương của quốc gia có khả năng cung cấp tốt nhất.
Một ví dụ cuối cùng mà ở đó văn chương có thể giúp cải thiện chính sách: nhiều học sinh có thu nhập thấp hơn đăng ký nhập học vào các trường cao đẳng và đại học ưu tú. Mặc dù có nhiều nỗ lực tiếp cận [học sinh] và giảm học phí đáng kể, nhưng “sự không tương xứng” vẫn còn tồn tại, như trường hợp các sinh viên tài năng từ các vùng khó khăn đến tham dự ngày nhập học mở hay các trường có tiêu chí tuyển sinh dễ dàng hơn so với các trường có uy tín thì nhiệt liệt chiêu mộ họ. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của những sinh viên đó, họ đã lo lắng rằng lý lẽ, niềm tin và cách hành xử của họ không phù hợp để phát triển mạnh tại trường Ivy League hoặc tại Oxbridge [hai trường đại học Oxford và Cambridge của Anh]. Và một cách làm đúng đó là hãy đọc bất kỳ cuốn nào trong số nhiều cuốn tiểu thuyết lớn có kể câu chuyện về những bạn trẻ cả nam lẫn nữ từ các tỉnh lẻ nỗ lực vươn đến thành công ở thành phố lớn. Từ Balzac, Dickens cho đến Chekhov, người đọc sống trong không gian của một nhân vật nào đó đang phấn đấu hòa nhập với xã hội “thích hợp”. Như văn chương chỉ rõ, việc tạo ra các mối quan hệ tình cảm - cho dù là bởi bạn bè, ông bà hay các nhân viên tuyển sinh cao đẳng/đại học – chẳng hề dễ dàng gì, giống như nhân vật Emma Woodhouse của Jane Austen đã không ngừng khám phá điều đó. Sự khác biệt về giai cấp rất lớn và những người mai mối có xu hướng phỏng đoán các sở thích riêng tư của họ trong việc nỗ lực đảm bảo một cặp đôi hạnh phúc. Một khi nhận thấy điều đó, các trường học có thể phát triển nhiều chương trình hơn cho phép sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy rằng một ngôi trường ưu tú không chỉ cho họ nhập học vì lợi ích của trường, mà còn sẵn sàng khiến họ cảm thấy thoải mái như ở nhà của mình. Việc cung cấp khoản hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu có thể giúp được họ, nhưng cảm giác thuộc về [là một phần của trường đại học] thì quan trọng hơn nhiều so với khả năng chi trả.
Liệu việc sử dụng văn chương có làm chuyển biến sâu sắc lĩnh vực kinh tế học không? Tất nhiên là không. Nhưng chúng tôi tin rằng những gì học được từ văn chương, triết học và các ngành nhân văn khác, cùng với lịch sử, xã hội học, nhân học, tâm lý học, khoa học chính trị, tôn giáo và các ngành tương tự có thể khiến các nhà kinh tế phát triển các mô hình đúng thực hơn về hành vi của con người, tăng độ chính xác trong các dự đoán của họ và đưa ra các chính sách ngày càng hiệu quả hơn nữa. Xét cho cùng, chúng ta phải hy sinh cái gì?
Như Andy Haldane, kinh tế trưởng của Ngân hàng [Trung ương] Anh, gần đây đề cập về vấn đề này khi xem xét sự thất bại của Bộ Tài Chính Anh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và tổ chức OECD để dự đoán về tình hình việc làm và tăng trưởng đầu tư sau cuộc bỏ phiếu Brexit trái ngược với dự báo của họ về một cuộc suy thoái, “Từ cuộc khủng hoảng này, có thể có một sự tái sinh của kinh tế học ...”. Có lẽ sự tái sinh đó có thể bắt đầu tại thư viện.
Gary Saul Morson, giáo sư các ngành nghệ thuật và nhân văn tại Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học Có thể Học được gì từ các ngành Nhân văn.
Morton Schapiro, giáo sư kinh tế học và hiệu trưởng trường Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Tiền xu và Cảm tính: Kinh tế học Có thể Học được gì từ các ngành Nhân văn.
Hồ Thị Thu Hiền Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Could a Bit of Tolstoy and Austen Improve Economic Forecasting?, Knowledge@Wharton, Nov 07, 2017.
Print Friendly and PDF