CÂU LẠC BỘ CÁC TẠP CHÍ KINH TẾ HỌC HÀNG ĐẦU
Jakob Kapeller
Không đơn thuần là chất lượng nghiên cứu, mà chính định kiến và sự thông đồng quyết định lượng trích dẫn của tạp chí
Các kinh tế gia thường căn cứ vào lượng trích dẫn để đánh giá chất lượng được cho là của các nhà nghiên cứu, các tổ chức, các tạp chí, hoặc các ngành học thuật. Quan điểm như vậy rất phù hợp với những suy đoán thường trực về bản chất của quá trình khoa học phổ biến trong kinh tế học - đơn cử như suy đoán cho rằng nghiên cứu tốt nhất được thực hiện tại những cơ sở hàng đầu hoặc nghiên cứu kinh tế luôn vượt trội hơn nghiên cứu thuộc các ngành tương cận như xã hội học hay chính trị học. Tuy nhiên, cách nhìn trên đã không tính đến thực tế là các mô thức trích dẫn bị tác động bởi những hạn chế về mặt cơ chế, vấn đề danh tiếng và đặc thù của ngành học thuật mà nghiên cứu gần đây được INET tài trợ đã chỉ rõ.
Những hạn chế về mặt cơ chế
Trong phần cơ sở lý thuyết của dự án nghiên cứu, chúng tôi chỉ ra rằng sự khan hiếm về không gian đăng bài trên tạp chí cùng với văn hóa nghiên cứu mang tính cạnh tranh và coi trọng thứ hạng chưa đủ để đảm bảo cho những nghiên cứu có chất lượng cao được các tạp chí đầu ngành chấp nhận đăng. Ngược lại, sự khan hiếm không gian đăng bài đặt trong một môi trường cạnh tranh có thể tạo ra hiệu ứng lấn át tai hại đối với những nghiên cứu có chất lượng cao ngay cả khi không có các yếu tố gây nhiễu - như quan hệ, mạng lưới xã hội hay tầm quan trọng của chủ đề được nghiên cứu.
Mô hình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những tác giả kiêu căng tham vọng, là những người ngộ nhận về tương quan giá trị của nghiên cứu của họ, lại có thể tạo ta những nút thắt cổ chai méo mó như vậy (Kapeller và Steinerberger 2016, xem Hình 1). Phát hiện này tương đồng với đặc điểm chung của quá trình công bố nghiên cứu học thuật và hàm ý rằng các thước đo chất lượng dựa trên trích dẫn và các tiêu chí khác về sự hiện diện cần được sử dụng một cách thận trọng vì chúng có thể khiến chúng ta bỏ qua những ý tưởng tuyệt vời.
Hình 1: Phân bổ chất lượng bài báo (màu cam) và hành vi từ chối bản thảo của biên tập tạp chí (màu tím) trong mô hình tác nhân (agent-based model) nghiên cứu quá trình nộp bản thảo cho tạp chí
James Heckman (1944-) |
Sidharth Moktan |
Những phát hiện này cùng với sự am hiểu về cấu trúc xã hội của ngành kinh tế học chứng tỏ hiện tượng bài báo kinh tế học có chất lượng cao chưa được công bố hoặc bị ngó lơ không diễn ra ngẫu nhiên: thực ra là do vai vế hiện hữu trong kinh tế học (xem Hodgson và Rothman 1991, Medoff 2006, Fourcade et al. 2015), mạng lưới quan hệ xã hội (Colussi 2018), khuynh hướng chính trị (D’Ippoliti 2017) và đồng minh lý thuyết (Aistleitner et al. 2017) tác động đáng kể. Cách lý giải này vì thế mà hoàn toàn tương thích với kết quả nghiên cứu của James Heckman và Sidharth Moktan về quyền năng gác cổng của các tạp chí kinh tế học hàng đầu (Heckman và Moktan 2018).
Hơn nữa, chúng tôi còn phát hiện ra rằng tầm quan trọng của xếp hạng tạp chí góp phần củng cố vai vế hiện hữu trong ngành bằng cách tạo vòng lặp hồi tiếp tích cực trong quá trình sản xuất bài báo. Chúng tôi dẫn chứng bằng hiện tượng gia tăng đột biến lượng bài báo nộp cho các tạp chí khi các tạp chí được xếp hạng trong một danh mục quan trọng (Aistleitner et al. 2018), và dẫn ra việc uy tín của các tạp chí - so với cá nhân các tác giả và các bài báo - đóng vai trò lớn hơn khi các bảng xếp hạng quan trọng được công bố (Aistleitner et al. 2017).
Vấn đề danh tiếng
Nhằm giới thiệu một cách nhìn mới về sự phân tầng rõ rệt trong nội bộ ngành kinh tế học, chúng tôi nghiên cứu tỷ phần trích dẫn chéo giữa các tạp chí kinh tế học hàng đầu so với các tạp chí ngành khác. Chúng tôi đặt vấn đề về mức độ một bài báo trung bình đăng trên một tạp chí hàng đầu sử dụng những nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu có bề dày khác là như thế nào. Phát hiện sơ khởi của chúng tôi cho thấy nghiên cứu đăng trên các tạp chí kinh tế học hàng đầu có tính tập trung cao độ hơn so với những ngành khoa học xã hội tương cận, mức độ trích dẫn chéo giữa các tạp chí đầu ngành chiếm tỷ phần trung bình khoảng 1/4 toàn bộ trích dẫn - vượt xa tỷ phần của các ngành khác trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi (hình 2).
Hình 2: Các mô thức trích dẫn của bốn ngành học thuật
Về mặt lý thuyết, mức độ phụ thuộc rất lớn vào nghiên cứu đăng trên các tạp chí đầu ngành có thể là do chất lượng vượt trội của các nghiên cứu đó, vấn đề danh tiếng - người ta trích dẫn các tạp chí hàng đầu vì họ muốn báo hiệu rằng họ cũng thuộc nhóm “hàng đầu” - là một cách lý giải khác cho mô thức trích dẫn hiện hữu. Cách lý giải này không chỉ rất tương thích với các phát hiện của nghiên cứu xã hội học về giới kinh tế học, mà còn được ủng hộ bởi những nghiên cứu gần đây về vai trò “gác cổng” của các tạp chí hàng đầu: theo đó, các tạp chí hàng đầu nói chung quyết định chủ đề nào và cách tiếp cận nào thuộc những lĩnh vực chuyên sâu của các ngành học thuật sẽ được hoan nghênh rộng rãi.
Đặc trưng của ngành
Văn hóa của ngành kinh tế học vốn không quá chú trọng tính đa dạng. Trong khi kinh văn đã ghi nhận nhiều bằng chứng về tính không đa dạng về mặt nhân khẩu (ví dụ như Bayer và Rouse 2016), thì Fourcade et al. (2015) gần đây đã nghiên cứu vai trò của sự đa dạng tri thức trong kinh tế học từ góc nhìn chuyên môn. Trên cơ sở phân tích thái độ đối với nghiên cứu liên ngành và mô thức trích dẫn liên ngành trong kinh tế học, xã hội học, và chính trị học, nhóm tác giả đã cho thấy các kinh tế gia ít có chiều hướng sử dụng kết quả nghiên cứu của ngành khác và cũng không mấy tin tưởng vào cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Những phát hiện này rất tương thích với kết quả của nghiên cứu dựa trên dữ liệu về mô thức trích dẫn (ví dụ như Hình 3), đã chỉ rõ tính tách biệt của kinh tế học trong mối quan hệ liên ngành.
Hình 3: Mức độ “tự tham chiếu” của các ngành học thuật
Ngược lại, cách trích dẫn điển hình trong kinh tế học - được hiểu là thước đo chất lượng - ngầm biểu lộ một môi trường cạnh tranh mà theo đó các ngành được đánh giá dựa trên “thành tích xuất khẩu,” hay theo cách nói của một chuyên gia:
“Điều thú vị là ở các tỉ số mậu dịch giữa kinh tế học và tất cả các ngành khác. Chúng ta rõ ràng là một ngành xuất siêu cho khoa học chính trị và xã hội học.” (Wolfers 2010, 30)
Có vẻ như cách nhìn này là kết quả của cách tiếp cận dữ liệu khập khiễng vì rất có thể cái được gọi là sự xuất sắc của kinh tế học (đo bằng lượng trích dẫn xuất thuần sang những ngành khác) chủ yếu là do kinh tế học không quan tâm đến những ngành khác (vì lượng trích dẫn nhập khẩu từ những ngành tương cận đặc biệt thấp).
Hiện tượng tương tự cũng diễn ra giữa các hệ phái trong kinh tế học: cách tiếp cận phi dòng chính có tham khảo nghiên cứu của kinh tế học dòng chính, trong khi đó kinh tế học dòng chính hầu như không quan tâm đến các đóng góp của kinh tế học phi dòng chính. Chúng ta một lần nữa thấy kinh tế học dòng chính vượt trội hơn vì nghiên cứu của họ được đối thủ trích dẫn, nhưng chính họ lại không trích dẫn các nghiên cứu phi dòng chính.
Hình 4: Trích dẫn chéo giữa kinh tế học dòng chính và kinh tế học phi dòng chính
Dưới lăng kính liên ngành, nghĩa là kết hợp các trích dẫn liên ngành, chúng ta càng hiểu rõ sự thờ ơ với các ý tưởng phi dòng chính thường là do định kiến hoặc do hiểu biết hạn hẹp vì các nghiên cứu phi dòng chính dường như trích dẫn một tỉ lệ vượt trội nghiên cứu của các ngành khác.
Trích dẫn nói lên điều gì?
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cách kiến giải chuẩn về trích dẫn trong kinh tế học - với vai trò là chỉ báo về chất lượng của nghiên cứu được trích dẫn - mong manh như thế nào. Thay vào đó, các mô thức trích dẫn được quyết định bởi nhiều yếu tố. Và, trên thực tế, phần nhiều các yếu tố này - như mạng lưới quan hệ xã hội, vai vế hiện hữu, các đặc thù hệ phái hay vấn đề danh tiếng - có liên quan đến nhu cầu thể hiện bản thân thuộc nhóm dẫn đầu có thể bóp méo và chi phối tác động của chất lượng thực chất của một bản thảo nghiên cứu. Tóm lại, các phát hiện của chúng tôi đã vượt ra khỏi phạm vi hạn hẹp của kinh tế học, nhưng lại đóng góp một số hàm ý bao quát hướng tới việc thiết lập những thông lệ phổ quát trong khoa học.
Về tác giả Jakob Kapeller:
Jakob Kapeller |
Jakob Kapeller là một kinh tế gia đã tình cờ trở thành một triết gia. Ông là một nhà nghiên cứu liên ngành với mục tiêu kết nối sự am hiểu về các ngành khoa học xã hội. Jakod cộng tác với Khoa Triết Học và Lý Thuyết Khoa Học (the Department of Philosophy and Theory of Science ) và Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Toàn Diện (the Institute for Comprehensive Analysis of the Economy - ICAE), cả hai đều thuộc trường Đại Học Johannes Kepler ở Linz. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm nhận thức luận trong khoa học xã hội và thuyết đa nguyên trong kinh tế học, lịch sử tư tưởng chính trị và kinh tế, kinh tế học phi dòng chính, và sự phân phối thu nhập và của cải.
Trần Thị Minh Ngọc dịch