14.2.19

Liệu các hiệp định thương mại có thể trở thành người bạn của người lao động không


 

LIỆU CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI CÓ THỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG?

Cho đến nay, các điều khoản lao động trong các hiệp định thương mại vẫn là một chiếc lá vả [che đậy một điều gì đó khó nói], không hề nâng cao các tiêu chuẩn lao động ở nước ngoài cũng như bảo vệ lao động tại chính quốc. Một sự thay đổi thực sự đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt đáng kể bao gồm cả việc các hiệp định thương mại đã duy trì và thực thi các quyền của người lao động như thế nào.
CAMBRIDGE – Những người ủng hộ người lao động từ lâu đã phàn nàn rằng các hiệp định thương mại quốc tế được thúc đẩy bởi những chương trình nghị sự của các tập đoàn kinh tế và chúng ít chú ý đến lợi ích của người lao động. Lời nói đầu của Hiệp định về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề cập đến mục tiêu “toàn dụng lao động”, nhưng các tiêu chuẩn lao động khác vẫn nằm ngoài phạm vi của cơ chế thương mại đa phương. Ngoại lệ duy nhất là một điều khoản còn sót lại từ Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại [GATT] năm 1947 (tiền thân của WTO), cho phép các chính phủ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm do lao động tù nhân làm ra.
Những hiệp định thương mại khu vực, ngược lại, từ lâu đã đưa các tiêu chuẩn lao động vào. Mối liên hệ giữa việc tiếp cận thị trường ưu đãi với việc tuân thủ các quyền cốt lõi của người lao động trong các hiệp định này ngày càng hiển nhiên. Trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ [NAFTA] ban đầu, được kí kết vào năm 1992, các tiêu chuẩn lao động bị đẩy xuống thành một thỏa thuận bên lề. Kể từ đó, các hiệp định thương mại của Hoa Kì thường bao gồm một chương về lao động.
Theo những người ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định này sẽ yêu cầu Việt Nam, Malaysia và Brunei cải thiện đáng kể các hành vi đối xử với người lao động của họ – và yêu cầu Việt Nam phải công nhận các nghiệp đoàn độc lập. Và chính quyền của Tổng thống Hoa Kì Donald Trump tuyên bố rằng thỏa thuận sửa đổi với Mexico có các điều khoản lao động mạnh nhất so bất kì hiệp định thương mại nào trước đây.
Các quốc gia đang phát triển nói chung chống lại việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các hiệp định thương mại vì sợ rằng các quốc gia tiên tiến sẽ lạm dụng những quy định đó cho mục đích bảo hộ. Nỗi sợ này có thể có cơ sở khi các quy định vượt quá các quyền cốt lõi của người lao động và đòi hỏi mức lương cụ thể và các nhu cầu vật chất khác. Ví dụ, thỏa thuận mới của Hoa Kì-Mexico yêu cầu 40-45% [bộ phận] của một chiếc xe ô tô là do những người công nhân được trả thù lao ít nhất là 16 đô la Mỹ mỗi giờ thực hiện.
Các công ty ô tô chắc chắn có khả năng trả lương cao hơn, và điều khoản này trong thỏa thuận trên có thể không làm suy giảm triển vọng việc làm ở Mexico. Nhưng nó cũng không hoàn toàn là một tiền lệ có tác dụng tốt, trong chừng mực nó đặt ra mức lương sàn phi thực tế, cao hơn gấp nhiều lần so với mức lương trung bình của toàn khu vực sản xuất chế biến ở Mexico.
Mặt khác, các quốc gia đang phát triển có ít lí do để từ chối các tiêu chuẩn lao động nhằm giúp giải quyết những bất cân xứng tại nơi làm việc và về các quyền con người cơ bản. Các tiêu chuẩn lao động cốt lõi như tự do lập hội, các quyền thương lượng tập thể và cấm lao động cưỡng bức không những không gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế; mà trên thực tế, chúng còn rất cần thiết nữa.
Trong thực tế, vấn đề của những điều khoản lao động của các hiệp định thương mại không phải vì chúng là rào cản quá hạn chế đối với các quốc gia đang phát triển nhưng chủ yếu do chúng có thể vẫn còn là lớp da trang điểm, với ít tác động cụ thể. Mối quan tâm chính là sự thực thi. Lí do là, chỉ có các chính phủ – chứ không phải những nghiệp đoàn hay các tổ chức bảo vệ quyền con người – mới có thể đưa ra trước toà án các vi phạm quyền của người lao động. Ngược lại, các công ty lớn có thể khởi kiện các tranh chấp về đầu tư.
Các nhà phê bình đã lo ngại đúng đắn rằng các chính phủ không đặc biệt thân thiện với các nguyện vọng của người lao động thì sẽ không muốn đi tới cùng. Cho đến nay, chỉ có một trường hợp về các quyền của người lao động được xử lí đến cùng thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp của hiệp định thương mại, và kết quả [của trường hợp này] thì không đáng khích lệ.
Hai năm sau việc khiếu nại của các nghiệp đoàn Hoa Kì và Guatemala, chính phủ Hoa Kì chính thức khiếu kiện chống lại Guatemala vào năm 2010. Khi quyết định cuối cùng được công bố vào năm 2017, gần một thập kỉ sau khi các khiếu nại ban đầu được đưa ra, ban trọng tài ra phán quyết chống lại Hoa Kì, nhưng không phải vì Guatemala đã tuân thủ nghĩa vụ về các quyền của người lao động trong những bộ luật của đất nước mình. Mặc dù, ban trọng tài đã phát hiện các vi phạm về luật lao động Guatemala. Ví dụ, lệnh tòa án trừng phạt những người sử dụng lao động đã sa thải công nhân tham gia vào các hoạt động nghiệp đoàn đã không được thi hành. Nhưng ban trọng tài phán quyết rằng những vi phạm như thế không ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh và các hoạt động xuất khẩu của Guatemala, và do đó chúng không nằm trong phạm vi của hiệp định thương mại!
Có hai lí do để quan tâm đến các tiêu chuẩn lao động. Đầu tiên, ta có thể có một khát vọng nhân văn nhằm cải thiện điều kiện làm việc ở mọi nơi. Trong trường hợp này, ta nên đối xử bình đẳng với người lao động trong nền kinh tế nội địa và những người làm việc trong các ngành xuất khẩu. Việc tập trung vào đối tượng thứ hai thậm chí có thể phản tác dụng, bởi việc này đã đào sâu hơn khoảng cách trong cấu trúc thị trường lao động giữa hai khu vực này.
Về nguyên tắc, ta có thể mở rộng việc áp dụng các điều khoản lao động trong những hiệp định thương mại để bao phủ các điều kiện làm việc trong toàn bộ nền kinh tế. Nhưng có vẻ kì quặc khi đặt mối liên hệ này ngay từ đầu: tại sao lại giao các quyền của người lao động vào tay của các nhà đàm phán thương mại và của các lợi ích thương mại trên bàn đàm phán, cũng như tại sao các quyền của người lao động vẫn là con tin cho các cuộc đàm phán được trình bày dưới dạng tiếp cận thị trường (market access)?
Nếu nghiêm túc cải thiện các điều kiện làm việc ở mọi nơi, ta phải viện đến các chuyên gia về quyền con người, về thị trường lao động cũng như về sự phát triển, và ta phải củng cố tầm quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các mục tiêu của cả nghiệp đoàn trong nước lẫn của những tổ chức quốc tế ủng hộ quyền con người sẽ được phục vụ tốt hơn thông qua các phương tiện khác.
Một lập luận về mối liên hệ với thương mại là nó mang lại cho các quốc gia một động lực thực sự để cải cách phương thức thực hành trong thị trường lao động. Nhưng các cơ quan viện trợ nước ngoài từ lâu đã có kinh nghiệm với tính điều kiện của cải cách, và họ biết rằng nó chỉ có hiệu quả trong các điều kiện đặc biệt. Khát vọng thay đổi phải đến từ bên trong quốc gia ấy và được thể hiện bằng các hành động trước đó. Hoàn thành việc cải cách qua con đường đe dọa trì hoãn các lợi ích vật chất – viện trợ hoặc mở cửa thị trường – thì ít có khả năng thành công.
Mặt khác, có thể thu hẹp lại mối quan tâm về các tiêu chuẩn lao động: duy trì các điều kiện làm việc trên sân nhà và ngăn chặn một cuộc đua xuống đáy. Trong trường hợp này, ta nên tìm các biện pháp khắc phục trong nước, giống như với các biện pháp bảo vệ chống lại tình trạng gia tăng đột ngột của việc nhập khẩu. Biện pháp được yêu cầu chính là một cơ chế chống tình trạng “ép tiền lương để bán phá giá” (social dumping) nhằm ngăn chặn các hành vi đối xử tồi tệ với người lao động ở các quốc gia xuất khẩu từ đó lan sang quốc gia nhập khẩu.
Với một kế hoạch như thế, nếu được thiết kế không tốt, có thể dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ quá mức. Tuy nhiên, ngay cả các biện pháp chống bán phá giá được các quy tắc thương mại hiện tại cho phép cũng không gây thiệt hại quá mức cho nền thương mại, đồng thời cung cấp một chiếc van xả giảm bớt sức ép chính trị. Một biện pháp tự vệ được thiết kế-tốt chống lại tình trạng ép tiền lương để bán phá giá cũng sẽ không làm cho tình hình trở nên xấu hơn.
Các quyền của người lao động thì quá quan trọng để bỏ mặc các nhà đàm phán thương mại một mình. Cho đến nay, các điều khoản lao động trong các hiệp định thương mại vẫn là một chiếc lá vả [che đậy một điều gì đó khó nói], không hề nâng cao các tiêu chuẩn lao động ở nước ngoài cũng như bảo vệ người lao động tại chính quốc. Một sự thay đổi thực sự đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt đáng kể. Ta có thể bắt đầu bằng việc xem các quyền của người lao động ngang hàng với các lợi ích thương mại, thay vì là một chất phụ gia cho chúng.

Dani Rodrik

Viết cho PS từ năm 1998 
Dani Rodrik (1957-)

Dani Rodrik là Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Quản lí Nhà nước John F. Kennedy của Đại học Harvard. Ông là tác giả của các cuốn sách The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy [Nghịch lí của Toàn cầu hóa: Nền dân chủ và Tương lai của Nền kinh tế Thế giới], Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science [Các Quy tắc Kinh tế học: cái Đúng và cái Sai của Khoa học Buồn thảm] và, gần đây nhất, Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy [Trao đổi thẳng thắn về Thương mại: Ý tưởng cho một Nền kinh tế Thế giới lành mạnh].
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Can Trade Agreements Be a Friend to Labor?, Project-Syndicate, Sep 14, 2018.
Print Friendly and PDF