27.2.19

Chiến tranh thương mại: Trung Quốc tìm kiếm một “thoả thuận” với Hoa Kỳ


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: TRUNG QUỐC TÌM KIẾM MỘT “THỎA THUẬN” VỚI HOA KỲ
Tổng thống Mỹ Donald Trump được người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 11 năm 2017. (Nguồn:ABC)
Tập Cận Bình cần có một “thỏa thuận” với Donald Trump. Trung Quốc đang trong tình thế tuyệt vọng trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Đó là những gì chúng ta đọc thấy ở các nhà bình luận. Ở Bắc Kinh, đó cũng là thời điểm các cuộc vận động lớn. Ở trung tâm các thách thức, vấn đề đầu tư và công nghệ cao.
Lịch sử đương đại Trung Quốc cho thấy những năm tận cùng bằng số 9 thường rất sóng gió. Vài ngày trước thềm Năm mới, trong bài phát biểu trước các cán bộ Đảng, Tập Cận Bình đã đề cập đến hai động vật có thể làm rung chuyển năm Hợi: thiên nga đen – một sự kiện không thể đoán trước – và tê giác xám – một nguy cơ rõ ràng nhưng thường bị bỏ qua.
Bị DỒN VÀO THẾ PHẢI ĐÀM PHÁN?
Trong một ám chỉ đến Trung Quốc trong diễn văn Liên bang vào ngày 5 tháng 2 [năm 2019], Donald Trump đã không trách chính phủ Trung Quốc vì đã lợi dụng sự yếu kém của các tổng thống tiền nhiệm ở Nhà Trắng. Nhưng ông nhắc lại rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành sẽ làm thay đổi khuôn khổ các quan hệ Trung-Mỹ.
Theo các nhà bình luận, Trung Quốc trong tình thế bị dồn vào chân tường cần một có một “thỏa thuận”. Hẳn vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6,6% vẫn là mức khả quan. Năm 2007, với mức tăng trưởng + 14%, Trung Quốc đã bổ sung tương đương 1/10 GDP của Pháp vào nền kinh tế thế giới. Năm 2018, Trung Quốc đã bổ sung một phần ba. Trong mọi trường hợp, đó là những gì mà các chỉ số thống kê cho thấy. Liệu có thể tin vào các con số đó không? Kể từ nhận xét của Lý Khắc Cường [Li Keqiang] lúc đó là chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, cuộc tranh luận này đã lặp đi lặp lại. Được đo đạc không nương tay, một số nhà phân tích đã kết luận rằng có một sự cải thiện GDP tính theo đồng nhân dân tệ hiện hành, đồng thời lưu ý rằng độ đo GDP tính theo khối lượng (không bao gồm lạm phát), cơ sở để tính toán mức tăng trưởng, là có vấn đề. Thật vậy, trong khi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “chỉ số điều chỉnh” là kết quả của các tính toán, thì ở Trung Quốc, chỉ số đó được quyết định bởi năm người. Điều đó giải thích điểm yếu đáng ngạc nhiên của mức tăng trưởng. Ngoài ra, trong quá khứ, chính phủ Bắc Kinh đã không ngần ngại “làm nóng nhiệt kế”: đó là trường hợp vào năm 2018 theo Xiang Songzuo, giáo sư tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, một trường hợp mà tính chất lây lan như virus minh chứng cho sự hoài nghi.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm. Cho đến tháng 12 [năm 2018], sự giảm tốc đó là hệ quả của những hạn chế tín dụng, đang gây khó cho các doanh nghiệp tư nhân và các hộ gia đình. Trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã tăng dần và điều nghịch lý là chúng đã tăng tốc. Lo sợ trước việc tăng mức thuế quan đã được thông báo vào tháng 1 [năm 2019] vừa qua, các nhà nhập khẩu Mỹ đã dự trữ các sản phẩm của Trung Quốc. Thỏa thuận ngừng chiến ở Buenos Aires đã làm chậm lại sự tăng trưởng với một tác động đến việc làm và việc tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp vốn chưa bao giờ đông như vậy. Chính phủ [Trung Quốc] sẽ kích hoạt doanh số bán ô-tô, và lường trước việc tăng thuế quan của Mỹ vào ngày 1 tháng 3 [năm 2019], họ chuẩn bị một kế hoạch thúc đẩy để tránh một sự suy thoái mạnh của nền kinh tế nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
CUỘC xung đỘt TÁC ĐỘNG NHIỀU ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP HƠN LÀ ĐẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG
Đầu tháng 1, lần đầu tiên trong lịch sử, công ty Apple đã xem xét điều chỉnh giảm các dự báo của họ. Nguyên nhân, doanh số bán hàng tại Trung Quốc đang giảm. Sự tiến triển của thị trường Trung Quốc lại càng nguy kịch hơn đối với công ty General Motors, chỉ bán được 4 triệu chiếc tại nước này, nhiều hơn 1 triệu so với ở Mỹ. Vào thời buổi toàn cầu hóa, quan hệ song phương không chỉ bó gọn ở thương mại. Nếu Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Trung Quốc, thì các công ty con của Mỹ tạo ra một doanh thu 345 tỷ US$ tại thị trường Trung Quốc. Con số này cao gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc và gấp ba mươi lăm lần doanh số bán hàng của các công ty con Trung Quốc tại Mỹ. Trái với mức thâm hụt thương mại ngày càng mở rộng, mức thâm hụt các “giao dịch tổng gộp” này, ở mức thấp hơn nhiều, đang giảm.
Tác động của các căng thẳng thương mại nằm ở nơi khác. Nó kìm hãm hoạt động đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, trong khi sự siết chặt của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã gây ra sự sụp đổ của hoạt động đầu tư Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Những căng thẳng này khiến cho nhiều doanh nghiệp khác ngần ngại. Năm 2017, đáp lại lời kêu gọi của Trump, Giám đốc điều hành công ty Foxconn, Terry Gou, đã thông báo một dự án trị giá 10 tỷ US$, mức lớn nhất ở Mỹ, và tạo ra hàng ngàn việc làm ở Wisconsin. Cử chỉ của ông đã mang lại lời hứa giảm 4 tỷ US$ tiền thuế và các ưu đãi khác. Nhưng ông đã không đảm bảo được sự chiến thắng của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Vào tháng 1 vua qua, phản ứng trước thông báo của công ty Apple về các mức dự báo của công ty, công ty Đài Loan đã từ bỏ dự án này và ngày hôm sau, họ đã đóng băng một kế hoạch khác có cùng quy mô tại tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc.
NHỮNG PHÁT TRIỂN MỚI CỦA VỤ HUAWEI
Mạnh Vãn Chu (1972-)
Điều kỳ lạ là thời điểm diễn ra vụ Huawei trùng với thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán thương mại. Vào cuối tháng 11 [năm 2018], khi các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận tại Buenos Aires, cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu [Meng Wanzhou], con gái của người sáng lập Huawei theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Vào cuối tháng 1 [năm 2019], ngay trước khi phái đoàn Trung Quốc đến Washington, cũng Bộ Tư pháp đó đã công bố bản cáo trạng đối với bà Mạnh Vãn Chu: bà đã lách luật khi tổ chức các giao dịch ở Iran. Bộ Tư pháp Canada có một tháng để tiến hành việc dẫn độ này, có thể trùng với cuộc họp theo dự kiến giữa Tập Cận Bình và Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và Kim Jong-un vào các ngày 27 và 28 tháng 2 tại Việt Nam. Liệu có không một mối liên hệ giữa hai cuộc đàm phán này? Đó là điều mà tạp chí Asian Nikkei Review đoán chừng. Cuộc đối mặt giữa Trump và Tập Cận Bình sẽ không mấy giải quyết cuộc xung đột thương mại, mà sẽ bàn về một “thỏa thuận” kết hợp việc dở bỏ các biện pháp trừng phạt đổi lấy một bước triến trên mặt trận ngoại giao ở Triều Tiên. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ đã tuyên bố ông không còn có kế hoạch gặp ông Tập Cận Bình trước khi cuộc đàm phán kết thúc.
Trong lúc này, Trung Quốc đang liên tiếp tỏ thái độ với Hoa Kỳ. Mua đậu nành, hạ mức thuế quan, cấp phép hoạt động cho công ty Standard & Poor, hoặc cả việc công bố một luật cấm các tỉnh Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Nhưng như chi tiết trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng, chính quyền Mỹ không chỉ có các mối quan tâm về thương mại. Báo cáo này cảnh báo về những nguy cơ của các mặt hàng cung ứng Trung Quốc đối với tổ hợp công nghiệp quân sự. Các đại biểu quốc hội thuộc hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đề xuất cấm các doanh nghiệp Mỹ tiếp xúc với Huawei, cũng như từng cấm với ZTE vào tháng 4 [năm 2018]. Huawei có lẽ có nhiều thế mạnh hơn, nhưng biện pháp này sẽ là một cú giáng nặng vào lá cờ đầu của ngành viễn thông Trung Quốc. Cuộc tấn công của Mỹ không chỉ giới hạn trong vấn đề chuyển giao công nghệ: vào tháng 11 năm 2018, Bộ Tư pháp đã thông qua sáng kiến “Trung Quốc và gián điệp công nghiệp”, sẽ kìm hãm những cuộc trao đổi khoa học và tiếp nhận sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF