17.2.19

Ai thắng, ai thua trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

AI THẮNG, AI THUA TRONG CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ
Cảng container Thượng Hải. (Nguồn: FT)
Những “tổn thất gián tiếp” ở châu Á trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là gì? Trong khi nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng đặc biệt từ sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, thì việc tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng đến các sản phẩm “được sản xuất tại châu Á”, do toàn khu vực đều tham gia vào các chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm “được sản xuất tại Trung Quốc”. Tuy nhiên, một số Nhà nước đang tính cách thoát khỏi cảnh khó xử của mình, cứu vãn vốn đã bỏ ra. Ai là người chiến thắng? Ai là người thua cuộc?
CUỘC xung đỘt LÀM CHÂU Á CHIA RẺ
Vào tháng 11 [năm 2018], hội nghị thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea là nơi diễn ra những lời đả kích gay gắt giữa “hai người khổng lồ trong khán phòng”. Một mặt, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên án những cách làm của Trung Quốc; mặt khác, Chủ tịch Tập Cận Bình tố cáo chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Do không đồng thuận về các vấn đề thương mại thế giới và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO], hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc mà không có thông cáo chung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương này, được thành lập theo sáng kiến ​​của Úc. Sau hội nghị thượng đỉnh APEC, liệu cuộc xung đột Trung-Mỹ có làm ASEAN chia rẽ hay không? Sự chia rẽ đó đã được nhìn thấy ở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP], khi mà chỉ có bốn nước của Hiệp hội (Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) gia nhập, trước khi gia nhập hiệp định kế thừa nó, hiệp định CPTPP[*] sau sự rút lui của Mỹ. Sự chia rẽ đó có thể được nhìn thấy ở sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương với sự gia nhập của Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, mà thái độ của Bắc Kinh trong các vùng biển Trung Quốc đã khiến các nước này lo lắng. Washington và Tokyo đã công bố một gói viện trợ trị giá 70 tỷ US$ cho các cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cạnh tranh với các “Con đường tơ lụa mới” (dự án ​​Vành đai và Con đường, hay BRI). Cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ đã mở rộng ra Thái Bình Dương: Tonga và Vanuatu sẽ gia nhập BRI, trong khi đảo Bougainville ở Papua New Guinea, nơi mà Trung Quốc quan tâm đến nguồn tài nguyên đồng giàu có, sẽ tuyên bố độc lập vào tháng 6 năm 2019.
Rất khó quản lý trong các cuộc xung đột vũ trang, những “cuộc tấn công phẫu thuật” còn khó quản lý hơn trong các cuộc chiến thương mại đụng đến những quốc gia hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Khi tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã đụng đến các sản phẩm “được sản xuất tại châu Á” bởi vì toàn bộ khu vực tham gia vào các chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm “được sản xuất tại Trung Quốc”. Khi trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Trong quý III [năm 2018], tốc độ tăng trưởng đã suy giảm ở tất cả các nước châu Á và đã co lại nhẹ ở Nhật Bản. Nhưng những căng thẳng thương mại ít gây ảnh hưởng đến các quốc gia nói trên bằng sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc.
TÁC ĐỘNG CỦA TỐC ĐỘ TĂNG trưỞng kinh tẾ CHẬM LẠI CỦA TRUNG QUỐC
Vào những năm 1980, khi Hoa Kỳ ho, thì Châu Á sợ bị cúm. Kể từ năm 2000, nhờ vào sự thúc đẩy của kinh tế Trung Quốc, các nước châu Á từng chịu đựng được cuộc khủng hoảng của Mỹ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe kinh tế của Trung Quốc. Ngoại trừ Nhật Bản và Việt Nam, nơi mà kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc tiệm cận gần bằng với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ (lần lượt là 23% và 19%, 20% và 18% vào năm 2017), Trung Quốc là tiêu trường quan trọng hơn nhiều đối với các nước khác trong khu vực.
Những biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để kiềm chế sự gia tăng nợ nần đang làm chậm tiến độ đầu tư – đây là mục tiêu của họ. Các biện pháp đó cũng tác động đến mức tiêu dùng của các hộ gia đình, mà tình trạng nợ nần đã tăng nhanh và chiếm 49% GDP (so với 64% ở Hoa Kỳ). Năm 2018, lần đầu tiên, doanh số bán ô-tô đã giảm và doanh số bán lẻ đã tụt xuống dưới mức 10%. Tuy nhiên, với sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến, chỉ báo nói trên thiếu tính thích đáng để đo lường mức tiêu dùng của các hộ gia đình: vào ngày 11 tháng 11, “Ngày của người độc thân”, doanh số [bán hàng trực tuyến] của mạng Alibaba đã vượt quá 30 tỷ US$, một mức tăng 27% so với năm 2017 – doanh số [bán hàng trực tuyến] đã tăng 39% từ năm 2016 đến năm 2017.
Nếu các số liệu thống kê của Trung Quốc cho phép theo dõi diễn tiến của cầu trong nước, thì chúng ít chính xác hơn để đo lường sự tiến triển của hoạt động ngoại thương trong những tháng gần đây. Theo một thông báo của cơ quan hải quan, kim ngạch ngoại thương vào giữa tháng 11 [năm 2018] bằng với kim ngạch ngoại thương của 12 tháng trong năm 2017. Tuy nhiên, sau khi công bố những con số đẹp cho tháng 10, thì cơ quan hải quan cũng thông báo kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đã tăng theo thứ tự là 4% và 3%, tức một mức tăng chậm hơn so với mức dự báo​​ vào tháng 11.
NHỮNG HẬU QUẢ CỦA CUỘC xung đỘt THƯƠNG MẠI
Trong quý III [năm 2018], tốc độ tăng trưởng đã giảm nhẹ ở châu Á. Một sự suy giảm rõ rệt hơn ở những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tốc độ suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Đó là trường hợp của Thái Lan, nước đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu co lại lần đầu tiên trong hai năm qua. Đó cũng là trường hợp của Hàn Quốc, nước mà kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã lao dốc vào tháng 11. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tốc độ suy giảm tăng trưởng của nước láng giềng, Hàn Quốc còn nằm trong tầm ngắm của tổng thống Mỹ. Việc xem xét lại hiệp định KorU, hiệp định thương mại tự do giữa Seoul và Washington, đã dẫn đến việc áp đặt 25% thuế quan lên các sản phẩm xe tải của Hàn Quốc, một hạn ngạch lên các doanh số bán sản phẩm thép của Hàn Quốc sang Hoa Kỳ, và việc dỡ bỏ những hạn chế lên các doanh số bán xe ô-tô Mỹ ở Hàn Quốc. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại và việc tạo ra công ăn việc làm đã lao dốc: sự thoái lui này đã khiến chính quyền Seoul từ bỏ việc cải cách các chaebol, những tập đoàn gia đình lớn đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.
Cuộc xung đột Trung-Mỹ cũng mở ra những cơ hội cho các nước châu Á. Công ty tài chính Nhật Bản Nomura đã xây dựng một chỉ số kết hợp nhiều nhân tố, trong đó có sự chuyên môn hóa tương đối hoặc khoảng cách của các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đó là việc đánh giá tác động tiềm tàng của việc tăng thuế quan đối với 7705 sản phẩm do chính quyền Mỹ lựa chọn. Kết luận của công ty nghiên cứu Nhật Bản: do sự chuyên môn hóa trong ngành điện tử, thiết bị viễn thông, Malaysia sẽ là quốc gia hưởng lợi bởi những người mua Mỹ đi tìm những sản phẩm thay thế cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam sẽ là nước được lựa chọn bởi những công ty nào muốn di dời các nhà máy của họ khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Bắt đầu từ ý tưởng cho rằng một nhà cung cấp lâu năm trên thị trường sẽ nhanh chóng bị cạnh tranh bởi một nhà xuất khẩu cùng sản phẩm đã có mặt trên thị trường, Massimiliano Calì phân tích chi tiết cấu trúc các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ để nhận diện những nhà xuất khẩu một sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị ít nhất bằng 10 triệu US$. Chính Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ ​​việc tăng thuế quan; các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, khả dĩ thay thế được các sản phẩm của Trung Quốc, chiếm 10,9% GDP. Tiếp đến là Campuchia, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Thái Lan, và cuối cùng là Indonesia.
Những lợi ích này có thể tồn tại không lâu nếu không có một thỏa thuận chấm dứt sự thù địch, thương mại thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Từ năm 2017 đến năm 2018, mức tăng trưởng bằng khối lượng đã giảm từ 4,7% xuống còn 3,9%. Theo dự báo của WTO, mức ấy sẽ là 3,7% vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng chậm lại sẽ rõ rệt hơn ở châu Á, với mức tăng trưởng của khu vực giảm từ 5,2% xuống còn 4,6%.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành các tác phẩm: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế ĐNÁ, ở ngã tư toàn cầu hóa]” (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[*] Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, còn được biết đến dưới ký hiệu chữ đầu là TPP11 hoặc TPP-11, là hiệp định mậu dịch tự do lớn thứ 3 trên thế giới. Nó được 11 quốc gia ký kết vào ngày 8 tháng 3 năm 2018: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Print Friendly and PDF